SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 16
Phẩm 71: TRỒNG CÂY
Khi ấy Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật rất là sâu xa, không có chúng sinh nhưng Bồ-tát vì chúng sinh đau khổ mà cầu Chánh đẳng giác. Cũng như người nào đó muốn trồng cây ở giữa hư không, Bồtát vì muốn chúng sinh mà muốn cầu trí Nhất thiết.
Phật dạy:
–Đúng vậy! Này Tu-bồ-đề, vì chúng sinh mà Bồ-tát cầu trí Nhất thiết, chỉ tưởng có chúng sinh để cứu độ họ được giải thoát.
Tu-bồ-đề! Cũng như có người muốn trồng cây mà không biết đến rễ cây, cũng không biết đến thân, cành, lá, hoa, quả; chỉ cần lấy giống đó để trồng, tưới nước và chăm sóc đều đặn; dần dần, thân, cành, lá, hoa, quả đều đầy đủ; đối với cành, lá, thân muốn dùng đoạn nào cứ lấy mà sử dụng, còn quả thì dùng để ăn.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì tất cả chúng sinh mà cầu Chánh đẳng giác, tiếp đến thực hành sáu pháp Ba-la-mật để đạt đến trí Nhất thiết; dùng thân, cành, lá, hoa, quả làm lợi ích chúng sinh; dùng lá độ thoát chúng sinh thoát khỏi ba đường ác; dùng hoa giúp họ được bốn dòng họ tôn quý và cõi trời Tứ thiên vương cho đến trời Phất như đàn tưởng, Phi phi tưởng; còn quả thì đạt đến Chánh đẳng giác và trí Nhất thiết, làm cho chúng sinh được đạo quả Tu-đà-hoàn, Tưđà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.
Nếu có Bồ-tát cầu Chánh đẳng giác đem kết quả lợi ích cho chúng sinh, đó là quả nơi chúng sinh. Tuy ở trong ba thừa thành Phật trí mà không có cảnh giới chúng sinh, tưởng có hóa độ chúng sinh, nhưng không thấy có chúng sinh được độ, cũng không thấy chỗ đạt đến Phật trí.
Này Tu-bồ-đề! Thế nên Bồ-tát phải học, niệm và thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nên biết Bồ-tát đó cũng như Phật. Bồ-tát đó đi đến đâu thì đoạn trừ ba đường ác, đoạn trừ tám nạn, đoạn trừ các cảnh bần cùng hạ tiện và đoạn trừ ba cõi.
Phật dạy:
–Đúng vậy! Này Tu-bồ-đề, nên biết vị Bồ-tát ấy cũng như Đức Như Lai. Nếu Bồ-tát lười biếng chán nản thì không bao giờ đi được trên đường của chư Phật trong ba đời. Thế gian cũng không có Thanh văn, Bích-chi-phật. Ba cảnh giới ác và ba cõi không có lúc nào bị chấm dứt.
Phật dạy:
–Phải biết Bồ-tát đó như Phật, đúng như lời ông nói. Vì như thật nên biết có Như Lai, Bích-chi-phật và các Hiền thánh; vì như thật mà biết có năm ấm, tánh hữu vi, vô vi; vì Như đó đúng như thật nên gọi là Như. Nếu Bồ-tát học được như thật ấy, thì sẽ đạt được đến trí Nhất thiết; lại từ trong đó mà đến nên gọi là Như; vì Như… nên biết Bồ-tát đó là Phật.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải học như thật về Bát-nhã ba-la-mật.
Học như thật Bát-nhã ba-la-mật rồi thì mới học tất cả các pháp như thật; đã học các pháp như thật rồi mới đầy đủ tất cả các pháp như thật thì đạt được tự tại như thật; đã được tự tại nhưng hư thật rồi thì biết được nguồn gốc của các pháp; đã biết rõ nguồn gốc của các pháp rồi thì thấy chúng sinh tùy theo hạnh nghiệp của mình mà đến; đã biết chỗ đi đến rồi thì đầy đủ trí tuệ và hạnh nguyện; đã đầy đủ trí tuệ và hạnh nguyện rồi thì được trí tuệ thanh tịnh trong ba đời; đã được trí tuệ thanh tịnh trong ba đời rồi thì hành Bồ-tát đạo; hành Bồtát đạo rồi thì làm lợi ích cho chúng sinh; làm lợi ích cho chúng sinh rồi thì đạt đến trí Nhất thiết; đạt đến trí Nhất thiết rồi thì chuyển pháp luân; chuyển pháp luân rồi thì hướng dẫn chúng sinh vào pháp ba thừa, hướng dẫn chúng sinh rồi thì nhập Niết-bàn.
Tu-bồ-đề! Bồ-tát tự quán công đức của các thiện pháp và công đức của các người khác mà cầu Chánh đẳng giác.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Chư Thiên, A-tu-la và Nhân loại ở thế gian đều phải đảnh lễ Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải không?
Phật dạy:
–Đúng vậy! Chư Thiên và Nhân loại ở thế gian đều phải đảnh lễ Bồ-tát đó.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát mới phát tâm vì chúng sinh mà cầu Chánh đẳng giác thì được bao nhiêu phước đức?
Phật dạy:
–Nếu có thiện nam, thiện nữ giáo hóa chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ bậc A-la-hán, Bích-chi-phật. Ý ông nghĩ thế nào? Phước ấy có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật dạy:
–Không bằng Bồ-tát vì chúng sinh phát tâm cầu Chánh đẳng giác, phước đức ấy nhiều gấp trăm ngàn muôn ức lần.
Hãy để tam thiên đại thiên thế giới đó lại, nếu có người giáo hóa chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ bậc Tuệ địa, Tín địa, Bát địa, Kiến địa, Bạt địa, Tịnh địa, Dĩ biện địa, Bíchchi địa đều không bằng Bồ-tát phát tâm vì chúng sinh cầu Chánh đẳng giác, phước đức ấy rất nhiều gấp trăm ngàn muôn ức lần.
Tu-bồ-đề! Nếu như tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều mới phát tâm, phước đức ấy rất nhiều gấp trăm ngàn muôn ức lần ở trước. Giả sử như tam thiên đại thiên thế giới đều thành tựu Bồ-tát cả thì không bằng phước ấy một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, ức lần của Đức Như Lai.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bồ-tát mới phát tâm phải niệm những gì?
Phật dạy:
–Phải niệm trí Nhất thiết.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Niệm trí Nhất thiết là làm những việc gì và hình tướng nó ra sao?
Phật dạy:
–Trí Nhất thiết pháp không có sở hữu, không có hình tướng cũng không sinh không diệt.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Trí Nhất thiết là không có sở hữu; năm ấm, nội ngoại không, hữu vô không; bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Vô hình thiền không; ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba Tam-muội, tám Giải thoát, chín thứ đệ Định, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, đại Từ, đại Bi, bốn Vô ngại tuệ, mười tám pháp Bất cộng, sáu pháp Thần thông và các tánh hữu vi, vô vi đều không có sở hữu phải không?
Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Trí Nhất thiết tự tánh là không có sở hữu, vì không có sở hữu là không.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không có sở hữu là sao?
Phật dạy:
–Không có chỗ hành động là không có sở hữu. Do đó các pháp dù có sở hữu hay không có sở hữu cũng đều không.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Các pháp là Không, Vô tướng, Vô nguyện, các pháp như như, các pháp Như chân tế, các pháp Như pháp tánh. Vì vậy các pháp có sở hữu hay không có sở hữu đều không.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp có sở hữu đều không có sở hữu thì làm cách gì để Bồ-tát mới phát tâm thực hành phương tiện quyền xảo, sáu pháp Ba-la-mật, bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Vô hình thiền, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, hành nội ngoại không, hữu vô không, mười tám pháp Bất cộng, trí Nhất thiết, làm thanh tịnh cõi Phật và giáo hóa chúng sinh?
Phật dạy:
–Ngay trong pháp không mà có hành động thì đó là phương tiện quyền xảo, có năng lực làm tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, biết cõi Phật vì chúng sinh có sở hữu đều không có sở hữu.
Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật là vì nhân duyên làm Phật đạo, cho đến trí Nhất thiết cũng vì nhân duyên làm Phật đạo, biết việc đạo có sở hữu đều không có sở hữu.
Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật đều vì nhân duyên làm đạo tràng, cho đến mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, bốn Đẳng, mười tám pháp Bất cộng… Nhờ đầy đủ việc đạo, tuệ trí Nhất thiết mà định và tuệ hợp nhau nên đạt được trí Nhất thiết. Ngay khi ấy tập khí của các đầu mối đều dứt hết, không còn chỗ để phát sinh.
Tu-bồ-đề! Ta dùng Phật nhãn quán sát tam thiên đại thiên thế giới còn không thấy không có sở hữu huống gì là có sở hữu.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy nên đối với các pháp không thấy có sở hữu và không có sở hữu.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật là bố thí không có sở hữu cũng không cần biết đến; người nhận không có sở hữu cũng không cần biết đến; Đạo ý vô sở hữu cũng không cần biết đến; cho đến trí Nhất thiết không có sở hữu cũng không cần biết đến. Đã, đang, sẽ đạt được giác ngộ và không có sở hữu và cũng không cần biết đến. Vì sao? Vì tất cả các pháp là không có sở hữu, chẳng phải do Đức Phật hay đệ tử hay Bích-chi-phật làm ra. Bởi vì pháp không có sự làm ra nên lìa các sự làm ra.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Sẽ không có pháp nào lìa pháp nào hay sao?
Phật dạy:
–Tuy nói pháp tức là lìa pháp.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu lìa pháp và pháp tướng thì làm sao biết pháp là pháp? Như các pháp có sở hữu, không có sở hữu; pháp không có sở hữu, không biết không có sở hữu; pháp có không biết pháp có; pháp có không biết pháp không có sở hữu. Nếu Bồ-tát không hiểu rõ pháp thì làm sao biết được pháp có sở hữu và không có sở hữu?
Phật dạy:
–Bồ-tát vì tu tập của thế gian mà ta chỉ bày có sở hữu và không có sở hữu, chẳng phải là Đệ nhất nghĩa.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Tục đế cùng Đệ nhất nghĩa đế có khác nhau không?
Phật dạy:
–Không khác! Tục đế cũng như Đệ nhất nghĩa đế. Vì chúng sinh không hiểu như vậy nên ta chỉ bày Tục đế có sở hữu và không có sở hữu.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì chúng sinh chấp năm ấm có hình tướng chứ không biết không có sở hữu. Do đó mà ta thuyết pháp phân biệt. Bồ-tát muốn chúng sinh hiểu rõ không có sở hữu thì phải học và thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy.