SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

Phẩm 70: PHƯƠNG TIỆN QUYỀN XẢO

Khi ấy Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Từ khi phát tâm đến bao lâu Đại Bồ-tát mới thành tựu phương tiện quyền xảo như vậy?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Phát tâm như vậy đến nay đã vô lượng, vô số kiếp.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Muốn thành tựu phương tiện quyền xảo, Đại Bồ-tát phải cúng dường bao nhiêu Đức Phật?

Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Đến nay Bồ-tát đã cúng dường hằng hà sa chư Phật mới thành tựu phương tiện quyền xảo như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải làm đầy đủ công đức sáu pháp Ba-la-mật như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Bát-nhã ba-la-mật. Thực hành sáu pháp Ba-la-mật trên đây đầy đủ thì mới có thể thành tựu phương tiện quyền xảo.

Tu-bồ-đề lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Thật là đặc biệt! Bồ-tát đã làm công đức không thể tính được mới có thể đạt đến phương tiện quyền xảo như vậy phải không?

Phật dạy:

–Do sự kỳ diệu và đặc biệt này mà Bồ-tát được thành tựu phương tiện quyền xảo. Ví như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vận hành bốn châu đem lại nhiều lợi ích.

Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật bao khắp trong năm pháp Ba-lamật mà được nhiều lợi ích. Do đó năm pháp Ba-la-mật được tên là Bát-nhã ba-la-mật; nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật thì năm pháp Ba-lamật không được tên. Cũng như Chuyển luân thánh vương không có bảy báu thì không gọi là Chuyển luân thánh vương.

Cũng vậy, nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật thì năm pháp Ba-la-mật cũng không có tên. Ví như phụ nữ không có chồng thì dễ bị xâm phạm. Nếu năm pháp Ba-la-mật mà xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thì sẽ bị các ác ma và Thiên ma phá hoại; ngược lại thì các ma không thể tùy tiện phá hoại được. Như trong quốc gia có vị dũng tướng, biết rõ về năm loại binh khí và thường ở chỗ đó, sẽ không bị kẻ thù các nước lân cận xâm lăng.

Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật không xa lìa Bát-nhã ba-lamật nên tất cả các bọn ác ma, Thiên ma và bọn Chiên-đà-la không thể tự phá hoại (Chiên-đà-la, bản đời Tấn giải thích: Họ là những

kẻ địa ngục tham lam và ương ngạnh, trá hình tự xưng là Bồ-tát). Cũng như Chuyển luân thánh vương thì cai trị ở đời, các tiểu vương đều phải tuân theo giáo lệnh của vua mà không dám chống trái và vi phạm.

Cũng vậy, thuận theo Bát-nhã ba-la-mật thì năm pháp Ba-lamật sẽ được trí Nhất thiết. Ví như trăm ngàn sông đều chảy vào biển cả, chẳng khác nào năm pháp Ba-la-mật được Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ. Bát-nhã ba-la-mật cũng như cánh tay phải của con người, không có việc gì mà không làm được, còn năm pháp Ba-la-mật dụ như cánh tay trái trợ giúp cho cánh tay phải, như các sông lớn nhỏ đều chảy về biển cả, hợp thành một vị.

Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật cùng Bát-nhã ba-la-mật biến thành một pháp. Như Chuyển luân thánh vương thống lĩnh bốn loại binh ra đi thì bánh xe bằng vàng đi trước dẫn đường; nếu ý Thánh vương muốn lấy châu báu, bánh xe này dừng lại để vua lấy của báu bố thí cho tất cả; bố thí xong rồi, bánh xe mới lăn đi, nếu mọi người chưa được đầy đủ thì bánh xe không di chuyển.

Cũng vậy, nhờ Bát-nhã ba-la-mật dẫn đường nên năm pháp Ba-la-mật đạt trí Nhất thiết mà không bị lay chuyển. Ví như bảy loại báu của Chuyển luân thánh vương, ba loại báu thường dẫn đường là: Xe vàng; Vị thống lĩnh binh sĩ; Người giữ kho báu.

Cũng thế, nhờ Bát-nhã ba-la-mật dẫn đường nên năm pháp Bala-mật đi đến trí Nhất thiết. Nếu thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà không nghĩ rằng năm pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ ba-la-mật phải thường theo ta; cũng không nghĩ rằng, phải thuận theo Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì tánh của chúng là không, nên không có chỗ tạo tác cũng không có chỗ hành động như sóng nắng khi trời nóng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Pháp Không là thế nào? Đã nói các pháp là không thì làm sao Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật để chứng Chánh đẳng giác?

Phật dạy:

Này Tu-bồ-đề! Khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát nghĩ: “Vì chúng sinh trong ba cõi chấp trước vào bốn thứ điên đảo, nếu ta dùng phương tiện quyền xảo để cứu họ thoát ly sinh tử. Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ta đều xả bỏ ý niệm bố thí cả trong lẫn ngoài.” Trong lúc bố thí Bồ-tát nghĩ: “Ta không có bố thí chi cả, vì mọi sở hữu tài vật, thân thể có hợp tức có ly. Quán sát như vậy Bồtát liền thành tựu Bố thí ba-la-mật.”

Vì chúng sinh, Bồ-tát không nghe ác giới, không phạm vào mười điều ác, cũng không rơi vào hai địa. Quán sát như vậy Bồ-tát sẽ thành tựu Trì giới ba-la-mật.

Vì chúng sinh, Bồ-tát không sinh tâm sân hận. Nhờ vậy, Bồ-tát thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật.

Vì chúng sinh, Bồ-tát cầu đạo Chánh đẳng giác, hoàn toàn không sinh lòng buông lung biếng nhác. Nhờ vậy, Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-la-mật.

Vì chúng sinh, đến khi chứng quả Chánh đẳng giác, tâm Bồ-tát không tán loạn. Nhờ vậy Bồ-tát thành tựu Thiền định ba-la-mật.

Vì chúng sinh, nên từ lúc mới phát tâm cho đến khi chứng Chánh đẳng giác không rời trí tuệ. Nhờ vậy, Bồ-tát thành tựu Bátnhã ba-la-mật. Vì sao? Vì ngoài Bát-nhã ba-la-mật ra, không thể dùng pháp nào khác để cứu độ chúng sinh. Do đó mà Bồ-tát phải tu tập Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có tướng sai khác thì làm sao Bát-nhã ba-la-mật đứng đầu năm pháp Ba-la-mật?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Tuy các pháp độ không có tướng sai khác, nhưng năm pháp Ba-la-mật phải thuận theo Bát-nhã ba-la-mật mới được có tên và nhờ có Bát-nhã ba-la-mật mà năm pháp Ba-la-mật mới có được tên riêng.

Này Tu-bồ-đề! Cũng như có nhiều loại màu sắc, khi đem đến núi Tu-di thì đều giống nhau một màu không khác.

Cũng vậy, nhờ Bát-nhã ba-la-mật mà năm pháp Ba-la-mật được tên là trí Nhất thiết, nên cả hai thành một thứ không sai khác; cũng không còn phân biệt về tên của Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ ba-la-mật nữa. Vì sao? Vì các pháp Ba-la-mật không có hình tướng nên không có sai khác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chỗ đạt đến không có sai khác thì tại sao Bát-nhã ba-la-mật được đứng đầu trong năm pháp Ba-la-mật?

Phật dạy:

–Tuy chỗ đạt đến không có chỗ sai khác như vậy nhưng vì thế tục còn trong sinh tử, nên biết có sáu pháp Ba-la-mật là vì họ mà thiết lập ra thôi. Nhưng chúng sinh không biết rằng pháp đó là không sinh, không diệt cũng không sinh tử.

Chúng sinh và các pháp không có biên giới cũng không có ngằn mé. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật là đứng đầu trong năm pháp Ba-la-mật. Cũng như đối với những người con gái trong cõi Diêmphù-đề thì Ngọc nữ là đứng đầu. Cũng vậy, trong các Ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật là đứng đầu.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Do oai thần gì mà làm cho Bát-nhã ba-la-mật đứng đầu năm pháp Ba-la-mật?

Phật dạy:

–Vì Bát-nhã ba-la-mật bao trùm công đức của các thiện pháp và trụ vào nơi không có chỗ ở trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có chỗ lấy và có chỗ bỏ phải không?

Phật dạy:

–Bát-nhã ba-la-mật đối với các pháp không có chỗ lấy cũng không có chỗ bỏ. Vì sao? Vì các pháp không có chỗ giữ và không có chỗ bỏ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật không giữ và không bỏ pháp nào?

Phật dạy:

–Bát-nhã ba-la-mật không lấy và không bỏ năm ấm, cho đến đạo cũng không lấy không bỏ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao không lấy năm ấm cũng không lấy đạo?

Phật dạy:

–Vì không niệm năm ấm cũng không niệm đạo nên không có chỗ lấy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Việc ấy như thế nào? Nếu năm ấm cho đến đạo cũng không niệm thì làm sao được tăng trưởng công đức? Nếu các Ba-la-mật không thành tựu thì làm sao đạt được trí Nhất thiết?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Vì không niệm đến năm ấm và trí Nhất thiết nên được tăng trưởng công đức để đạt đến trí Nhất thiết; do không niệm đến năm ấm, không niệm đến đạo thì mới đạt được đạo.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao không niệm đến năm ấm và không niệm đến đạo?

Phật dạy:

–Vì niệm thì sẽ bị đắm trước trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Còn nếu không niệm sẽ không đắm trước.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì không có chỗ trụ phải không?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Bồ-tát thực hành như vậy thì không trụ vào năm ấm cũng không trụ vào trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao mà không trụ?

Phật dạy:

–Vì không có chỗ vào nên không trụ. Vì sao? Vì không thấy pháp có chỗ trụ, cũng không có chỗ đi vào. Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật như vậy là chẳng có chỗ vào nên không có chỗ trụ. Bồ-tát trụ như vậy và thực hành như vậy là Bồ-tát đã thực hành Bátnhã ba-la-mật và đã an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật.

Nếu nói rằng, ta đã thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đã niệm Bátnhã ba-la-mật thì sẽ xa lìa Bát-nhã ba-la-mật; nếu đã xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thì sẽ xa lìa năm pháp Ba-la-mật; đã xa lìa năm pháp Bala-mật thì sẽ xa lìa trí Nhất thiết. Vì sao? Bát-nhã ba-la-mật không có chỗ vào cũng không có người có thể vào Bát-nhã ba-la-mật, bởi vì không có hình tướng để vào. Nếu Bồ-tát ở trong Bát-nhã ba-lamật mà còn có sự biết thì sẽ rơi vào chấp ngã; Bát-nhã ba-la-mật bị chấp ngã thì đối với các pháp cũng bị chấp ngã.

Nếu nghĩ trụ vào Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì năm pháp Ba-lamật và thọ trì trí Nhất thiết thì cũng rơi vào chấp ngã; vì không thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên không thành Chánh đẳng giác.

Nếu nghĩ ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà cầu Chánh đẳng giác thì cũng bị rơi vào chấp ngã; Bát-nhã ba-la-mật đã bị chấp ngã thì không có chứng được Chánh đẳng giác.

Nếu nghĩ ta nên nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật để thực hành năm pháp Ba-la-mật và hành đại Từ thì sẽ bị thoái đọa; đã bị thoái đọa thì không thể thành tựu năm pháp Ba-la-mật và đại Từ.

Nếu nghĩ đối với các pháp, chư Phật không có chỗ nhận lấy cũng không có chỗ thực hành, tự nhiên chứng được giác ngộ, ta đem giáo pháp ấy giáo hóa chúng sinh thì cũng bị thoái đọa. Như Lai đối với các pháp không có sự đạt đến Giác ngộ, thế nên không có pháp xứ, huống gì có pháp để đạt đến Giác ngộ; không thể có như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào mới không bị lỗi lầm?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải nghĩ rằng: Các pháp ấy không có sở hữu, pháp ở trong pháp mà không có sở hữu thì không có chỗ lấy và không có chỗ đạt đến. Người thực hành như vậy mới là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Người nào muốn đi vào pháp không có sở hữu thì sẽ xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, vì Bátnhã ba-la-mật không có chỗ vào và không có người vào.

Tu-bồ-đề thưa:

–Như vậy là Bát-nhã ba-la-mật không xa lìa Bát-nhã ba-lamật, Bố thí ba-la-mật không xa lìa Bố thí ba-la-mật, cho đến trí Nhất thiết cũng không xa lìa Nhất thiết trí. Nếu không xa lìa thì làm sao vào Bát-nhã ba-la-mật, cho đến trí Nhất thiết cũng không làm thế nào để có chỗ vào.

Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì không vào năm ấm, không chấp thủ vào năm ấm, cũng không chấp có năm ấm, cho đến trí Nhất thiết cũng vậy. Cũng không cho rằng, năm ấm là thường hay vô thường, khổ hay vui, ngã hay vô ngã, rỗng không hay vắng lặng, cho đến trí Nhất thiết cũng như vậy. Thường hay vô thường, khổ hay vui, ngã hay ngã sở đều không tịch. Vì pháp này không thể nhập vào hữu hình, cũng không nhập vào vô hình.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật là thực hành trí Nhất thiết. Cũng như khi Chuyển luân thánh vương đi đâu thì có bốn binh chủng đều phải đi theo. Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật đều phải thuận theo Bát-nhã ba-la-mật mới trụ vào trí Nhất thiết. Ví như người đánh xe giỏi thì ngay từ đầu đã không đi lệch đường. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật dẫn đường cho năm pháp Ba-la-mật thuận theo trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là đạo và phi đạo của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Thanh văn, Bích-chi-phật là phi đạo của Bồ-tát, trí Nhất thiết là đạo của Bồ-tát.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật làm cho các Bồ-tát thực hành các việc lớn mới có thể phân biệt đạo và phi đạo.

Phật dạy:

–Như lời ông nói, Bát-nhã ba-la-mật được thực hành là vì vô số a-tăng-kỳ chúng sinh. Dù có khen ngợi thì sự thực hành cũng không có nhận lấy năm ấm và hai địa.

Bát-nhã ba-la-mật là bậc thầy dẫn đường cho chúng sinh, đưa chúng sinh đi đến trí Nhất thiết mà không dắt họ theo hai địa. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật đối với các pháp không có chỗ sinh cũng không có chỗ diệt, vì pháp tánh bình đẳng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật đối với các pháp không sinh, không diệt thì Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật để làm gì?

Phật dạy:

–Vì Bát-nhã ba-la-mật ghi nhận sáu pháp Ba-la-mật, đem công đức ấy hồi hướng cho chúng sinh cùng cầu Chánh đẳng giác, đó là thực hành hạnh đại Từ của Bồ-tát. Nếu Bồ-tát xa lìa sáu pháp Ba-lamật, phải thành tựu công đức của các thiện pháp mới đạt được trí Nhất thiết. Do đó mà Bồ-tát phải thực hành sáu pháp Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát tu tập sáu pháp Ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Bồ-tát phải quán sát Không, tu tập về năm ấm cũng không tu tập về năm ấm, cho đến trí Nhất thiết cũng vậy. Bồ-tát phải tu tập sáu pháp Ba-la-mật như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát không tu tập nơi năm ấm, cho đến không tu tập trí Nhất thiết. Vì sao? Vì năm ấm và trí Nhất thiết không có tu tập cũng không có chỗ trụ.

Này Tu-bồ-đề! Cũng như có người muốn có trái ngọt thì phải trồng cây, chôn gốc cho thật sâu, tưới nước đều để cây tươi tốt; nẩy mầm, cành, lá, hoa, trái rồi mới được ăn. Cũng vậy, Bồ-tát muốn cầu Chánh đẳng giác thì phải học sáu pháp Ba-la-mật, đem sáu pháp Bala-mật này hộ trì và cứu độ chúng sinh. Thế nên, Tu-bồ-đề, muốn được tự tại trong ba cõi, muốn làm thanh tịnh cõi Phật, muốn ngồi nơi đạo tràng, muốn chuyển pháp luân thì Bồ-tát phải học sáu pháp Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phải học Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Phải học như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Muốn tự tại trong các pháp thì phải học Bátnhã ba-la-mật. Vì Bát-nhã ba-la-mật là đứng đầu trong các pháp, Bát-nhã ba-la-mật là bao trùm các pháp. Cũng như biển là bao trùm cả bốn dòng sông lớn.

Người nào muốn học trí Nhất thiết phải học Bát-nhã ba-la-mật. Thế nên Bồ-tát phải học Bát-nhã ba-la-mật và học trí Nhất thiết. Cũng như người bắn cung giỏi, tay cầm cung tên thì chẳng sợ kẻ thù. Cũng vậy, Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ không còn sợ ma và thiên ma nữa.

Thế nên, Bồ-tát muốn chứng Chánh đẳng giác phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật, sẽ được chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai hộ niệm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải thực hành sáu pháp Ba-la-mật như thế nào mới được chư Phật hộ niệm?

Phật dạy:

–Niệm là không thấy có sáu pháp Ba-la-mật để niệm, cũng không thấy có trí Nhất thiết để niệm. Bồ-tát trụ tâm như vậy sẽ được chư Phật hộ niệm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ta không đem năm ấm ra niệm, cho đến trí Nhất thiết cũng không đem ra niệm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Sự học của Bồ-tát rất nhiều nhưng không có học gì cả hay sao?

Phật dạy:

–Có sự học nhiều như vậy mà không thấy sự học. Vì sao? Vì Bồ-tát không còn thấy pháp để học.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đức Phật thuyết bao nhiêu pháp, Bồ-tát đều phải hành trì phải không?

Phật dạy:

–Bồ-tát muốn chứng Chánh đẳng giác thì phải thực hành về sáu pháp Ba-la-mật, phải thường bền chí quán sát, nhớ nghĩ và giữ gìn không có lay chuyển. Đối với sáu pháp Ba-la-mật, Bồ-tát phải học cho thấu đáo, đối với các pháp cũng phải học và hiểu rõ một cách thấu đáo.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để hiểu rõ năm ấm một cách thấu đáo?

Phật dạy:

–Phải biết rõ năm ấm và trí Nhất thiết, vì biết rõ năm ấm và trí

Nhất thiết như thật rồi mới biết rõ các pháp.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để biết rõ năm ấm và trí Nhất thiết như thật, không biết sinh diệt, không biết bao trùm, thường trụ hay bất biến.

Phật dạy:

–Quán sát một cách như thật sẽ biết rõ các pháp.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Quán như thật là thế nào?

Phật dạy:

–Quán như thật tức chẳng phải chân thật. Bồ-tát phải học phi chân thật mới biết rõ các pháp, biết rõ các pháp tánh sẽ biết rõ các pháp; biết rõ sắc tánh, pháp tánh không đoạn tuyệt thì sẽ biết rõ các pháp.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để biết rõ các pháp?

Phật dạy:

–Các pháp không hợp cũng không ly.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các pháp không hợp cũng không ly là thế nào?

Phật dạy:

–Năm ấm là không hợp cũng không ly; cho đến tánh hữu vi, vô vi cũng không hợp không ly. Vì sao? Vì pháp ấy không có hình tướng thì làm gì có hợp có ly; vì sở hữu đều không có sở hữu, cũng không hợp và không ly. Bồ-tát phải biết rõ các pháp như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến bậc Thập trụ đều phải học như vậy, tính đến về sau mới rõ các pháp.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Chỉ có Bồ-tát lợi căn mới biết được pháp môn này, còn kẻ độn căn, người hiểu lưng chừng hoặc người hiểu cạn cợt thì không được vào. Lại người muốn học vào pháp này, những kẻ lười biếng và người có mong cầu thì không được vào. Chỉ có người siêng năng có chánh định và bậc không thoái chuyển đã đạt được trí Nhất thiết thì mới được vào. Nếu hành trì sáu pháp Ba-la-mật đúng như lời Phật dạy thì sẽ được trí Nhất thiết.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu ma sự vừa phát sinh thì biết rõ và diệt ngay. Vậy, muốn được phương tiện quyền xảo phải học Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát thực hành niệm và thể nhập vào Bát-nhã ba-la-mật thì sẽ được chư Phật hiện tại trong mười phương hộ niệm. Chư Phật và Bồ-tát trong ba cõi đều sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát phải nghĩ như vầy: “Pháp mà chư Phật trong ba đời đã chứng được thì ta cũng chứng được.” Khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát phải tu tập như vậy, tu tập như vậy sẽ mau chứng Chánh đẳng giác. Do đó, Bồ-tát không nên xa lìa niệm trí Nhất thiết.

Giả sử chúng sinh trong đại thiên thế giới đều y như lời trên mà thực hành sáu pháp Ba-la-mật để được quả Tu-đà-hoàn, A-lahán đến Bích-chi-phật thì không bằng Bồ-tát này thực hành Bátnhã ba-la-mật khoảng thời gian rất ngắn. Vì sao? Vì năm pháp Bala-mật, Tu-đà-hoàn, A-la-hán đến Bích-chi-phật đều sinh ra từ Bátnhã ba-la-mật; chư Phật trong ba đời cũng từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra.

Giả sử dạy bảo cho hằng hà sa chúng sinh đều bố thí để đạt đến Thanh văn, Bích-chi-phật; không bằng Bồ-tát niệm Bát-nhã bala-mật hợp với trí Nhất thiết; niệm Bát-nhã ba-la-mật hợp với trí Nhất thiết chứng một ngày đến trăm ngày, hoặc đến trăm kiếp. Vì sao? Vì các Đức Như Lai từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra, các Ngài lập hạnh Bố thí để giáo hóa chúng sinh và cũng để dạy cho các vị A-lahán và Bích-chi-phật. Nếu có Bồ-tát trụ vào lời dạy đúng như Bátnhã ba-la-mật thì phải biết đó là bậc Bồ-tát không thoái chuyển, sẽ được Như Lai hộ niệm. Phải biết, Bồ-tát này đã thực hành sáu pháp Ba-la-mật, đã được phương tiện quyền xảo, đã cúng dường chư Phật rất nhiều, đã được thân cận với bạn lành, mười tám pháp Không, thành tựu bốn Vô ngại tuệ, sáu pháp Thần thông, an trụ đầy đủ các nguyện, đầy đủ hạnh thanh tịnh của đồng nam, không xa lìa công đức của các thiện pháp, không mất các biện tài, được các pháp Tổng trì, các căn đầy đủ và sẽ được thọ ký; đối với các cảnh giới như ba cõi, tám nạn vĩnh viễn dứt tuyệt. Phải biết, Bồ-tát ấy giỏi làm các việc, thể nhập nghĩa Vô tự, khéo nói năng và im lặng, nói nhiều, nói ít, dạy dỗ nam nữ, năm ấm, Niết-bàn, các pháp tướng, tánh hữu vi, vô vi, kia đây, hội hợp chia lìa, không hợp, không lìa, pháp như, pháp tịnh, pháp hữu duyên, pháp vô duyên, năm ấm, sáu trần, mười tám giới, bốn Đế, mười hai nhân duyên, các Thiền: bốn Thiền, bốn Vô hình thiền; sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, trí Nhất thiết, tánh hữu vi, vô vi, ngã, vô ngã, năm ấm cho đến trí Nhất thiết; cũng biết rõ niệm, năm ấm cho đến đạo tự tánh là không. Đạo không, tin đạo không, không tin đạo không, sinh, diệt, thường, trụ, bất biến, tham, sân, si, chánh kiến, không chánh kiến, tà kiến, không tà kiến, việc làm, sự tôn thờ, tướng, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường ác, người, cõi người, cõi trời, quả Thanh văn, Bích-chi-phật, trí Nhất thiết và của đạo trí Nhất thiết, mười Lực và sự đầy đủ mười Lực của Phật, biết rõ một cách nhanh lẹ, một cách vi tế, một cách nhàm chán, Đại trí, Vô tận trí, trí tuệ trong ba đời, phương tiện quyền xảo, căn cơ của chúng sinh, nghĩa, giải và sự ra khỏi ba đường ác.

Này Tu-bồ-đề! Đó là những công đức của Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, niệm và sự thể nhập Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải thực hành niệm và thể nhập Bátnhã ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Phải biết năm ấm là thường hay vô thường, bền chắc hay không bền chắc, chân thật hay không chân thật. Biết rõ như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thể nhập Bát-nhã ba-la-mật như là quán không, sở hữu đều không có sở hữu cũng phải niệm như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật đến bao lâu mới được như vậy?

Phật dạy:

–Bồ-tát khi mới phát tâm thực hành Bát-nhã ba-la-mật cho đến khi ngồi nơi đạo tràng đều phải thực hành, phải niệm, phải thể nhập như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát niệm Bát-nhã ba-la-mật là phải niệm cho nhất tâm phải không?

Phật dạy:

–Bồ-tát phải thường nhất tâm, chớ có để niệm nào khác xen vào trong tâm mình.

Thực hành niệm thể nhập Bát-nhã ba-la-mật như vậy sẽ không xa lìa niệm trí Nhất thiết; niệm Bát-nhã ba-la-mật là phải niệm theo ý pháp mà không lìa ý đó.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hành trì, niệm và thể nhập Bát-nhã ba-la-mật có đạt được trí Nhất thiết không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hành trì mà không niệm có đạt được trí Nhất thiết không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trì niệm rồi mà không niệm thì có đạt được trí Nhất thiết không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không niệm cũng không không niệm, có đạt

được trí Nhất thiết không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phải niệm như thế nào mới đạt được trí Nhất thiết?

Phật dạy:

–Phải như như. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như như là sao?

Phật dạy:

–Là như thật.

–Bạch Thế Tôn! Như thật là thế nào?

Phật dạy:

–Là như pháp tánh, chúng sinh tánh, thọ tánh và mạng tánh.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như tánh của pháp, chúng sinh, tuổi thọ và mạng sống là thế nào?

Phật dạy:

–Ý ông hiểu thế nào? Ngã, thọ mạng và chúng sinh có thể nắm bắt được không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ngã, thọ mạng và chúng sinh không thể nắm bắt được thì làm gì có chúng sinh để gọi là chúng sinh?

Phật dạy:

–Bồ-tát phải biết rõ như vậy thì không còn có tên chấp vào Bát-nhã ba-la-mật, cũng không có tên chấp vào các pháp để đạt đến trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Sáu pháp Ba-la-mật này không dùng tên nữa phải không?

Phật dạy:

–Sáu pháp Ba-la-mật và các pháp hữu vi đều không dùng những pháp hữu vi, vô vi và pháp ba thừa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có tên và không gọi được tên, thì sao có sinh tử trong năm đường, hoặc có Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Chánh đẳng giác? Phật dạy:

–Ý ông hiểu thế nào? Tên gọi của chúng sinh có thể thấy được không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không thể thấy được.

Phật dạy:

–Chúng sinh còn không có huống gì có năm đường và pháp ba thừa. Vì vậy, Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên học không có tên và không có các pháp.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói thì không học năm ấm và trí Nhất thiết nữa phải không?

Phật dạy:

–Phải học năm ấm và trí Nhất thiết. Tuy học nhưng không có sự học.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao học mà nói không có sự học?

Phật dạy:

–Vì học năm ấm và trí Nhất thiết là học không có chỗ sinh, cũng không có chỗ diệt.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Học không có chỗ sinh không có chỗ diệt là thế nào?

Phật dạy:

–Học có chỗ tạo tác là không sự có.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Học chỗ tạo tác là không sự có như thế nào?

Phật dạy:

–Quán tự tướng các pháp như thật là không sự có. Đó là học chỗ tạo tác là không sự có.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Quán tự tướng không sự có là thế nào?

Phật dạy:

–Như quán năm ấm không, như quán sáu tình không, như quán nội ngoại không, như quán hữu vô không; như quán thiền không, như quán Diệt thoát thiền không, như quán ba mươi bảy phẩm Trợ đạo không, như quán đạo không.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, phải quán như vậy và phải quán tự tướng của các pháp là không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu năm ấm cho đến Đạo là không thì Bồ-tát phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là thực hành mà không có thành tựu.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao thực hành mà không có thành tựu?

Phật dạy:

–Vì Bát-nhã ba-la-mật không thể được, Bồ-tát không thể được, sự thực hành không thể được và người thực hành cũng không thể được. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà không có thành tựu. Vì sao? Vì các trò hý luận không thể thấy được.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành mà không thấy sự thành tựu như vậy thì lúc mới phát tâm phải hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Khi mới phát tâm, Bồ-tát không nương tựa vào pháp nào, học và hành sáu pháp Ba-la-mật đều không có chỗ nương tựa. Cho đến trí Nhất thiết cũng phải niệm không có chỗ nương tựa.

–Bạch Thế Tôn! Nương tựa và không nương tựa là thế nào?

Phật dạy:

–Hai pháp thì không nương tựa, một pháp thì không nương tựa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hai và một là sao?

Phật dạy:

–Nhãn và sắc, niệm nhập và pháp, đạo và Phật là hai.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là chỗ nương tựa mà không nương tựa? Hoặc từ chỗ không nương tựa mà có nương tựa?

Phật dạy:

–Không từ trong chỗ nương tựa, cũng không từ trong chỗ không nương tựa mà có nương tựa.

Tu-bồ-đề! Đối với sự nương tựa là bình đẳng nên gọi là không nương tựa, phải học như vậy. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật như vậy là không có nương tựa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà không thực hành sự nương tựa, cũng không hành không nương tựa thì làm sao thực hành Bát-nhã ba-la-mật để thành tựu các địa và thành tựu trí Nhất thiết?

Phật dạy:

–Nếu Bồ-tát không trụ vào chỗ nương tựa thì sẽ thành tựu các địa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có chỗ nương tựa, đạo không có chỗ nương tựa và người thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thể thấy được. Thế nên Bồ-tát phải thực hành như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật không thể thấy được, đạo không thể thấy được và người hành đạo cũng không thể thấy được thì làm sao Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật và phân biệt các pháp là năm ấm, là đạo?

Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có nương tựa vào năm ấm và đạo.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát không nương tựa vào năm ấm và đạo thì làm sao thành tựu sáu pháp Ba-la-mật để vượt qua địa vị Bồtát, làm thanh tịnh cõi Phật để giáo hóa chúng sinh, đạt được trí Nhất thiết để chuyển pháp luân; và làm sao làm việc Phật để độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử?

Phật dạy:

–Bồ-tát không vì năm ấm, cũng không vì đạo mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật?

Phật dạy:

–Chính vì không có chỗ làm mà Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật. Vì sao? Vì các pháp không có chỗ làm, Bát-nhã ba-la-mật và đạo cũng không có chỗ làm, cũng không có chỗ thành tựu. Bồ-tát phải thực hành như vậy, vì Bát-nhã ba-la-mật không có chỗ làm và cũng không có chỗ thành tựu.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có chỗ làm và không có chỗ thành tựu cũng không có cảnh giới ba thừa?

Phật dạy:

–Vì các pháp xứ không có chỗ làm, không có sự thành tựu nên không thể được. Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu si chấp vào năm ấm, nương tựa vào năm ấm rồi tự cống cao, nghĩ rằng: “Tôi sẽ chứng đạo và cứu độ chúng sinh thoát ly sinh tử.”

Tu-bồ-đề! Như Lai với năm loại mắt còn không thấy có năm

ấm và đạo huống gì kẻ phàm phu ngu si không có mắt, chấp vào năm ấm mà muốn cứu độ chúng sinh.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Ngài dùng năm loại mắt mà không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có chúng sinh được độ thì làm sao Đức Thế Tôn thành tựu được Chánh đẳng giác để cứu độ chúng sinh trong ba đời?

Phật dạy:

–Ta không thấy có chứng Phật trí, không thấy có chúng sinh được độ và cũng không thấy có ba đời. Vì chúng sinh không thân mà chúng tưởng ra có thân nên mới có giới luật này và thuyết pháp giáo hóa là vì cho thế tục, chẳng phải Đệ nhất nghĩa là giáo pháp không có lời.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không trụ vào Đệ nhất nghĩa thì có thành Phật trí không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Theo bốn thứ điên đảo có thành Phật trí không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không theo Đệ nhất nghĩa và không theo bốn thứ điên đảo không chứng Chánh đẳng giác thì Đức Thế Tôn không chứng Chánh đẳng giác phải không?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Như Lai có chứng Chánh đẳng giác, nhưng không trụ vào tánh hữu vi, vô vi. Cũng như Như Lai tạo ra hóa thân Như Lai. Thân ấy tuy không trụ vào có và không mà không có chỗ tru; nên có đến, đi, ngồi, đứng cũng thực hành sáu pháp Ba-la-mật, cũng có thể hành bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Vô hình thiền, năm phép Thần thông, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba Giải thoát môn, nội ngoại không, hữu vô không, tám Giải thoát, Chín Thứ đệ định, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng và chuyển pháp luân. Vị Hóa Phật này biến hóa ra vô lượng, vô số người và nói với mọi người: “Có cứu độ, có chúng sinh và có cả ba đời.” Phật hỏi:

–Này Tu-bồ-đề! Vị Hóa Phật này có biến hóa ra ba đời chúng sinh không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Như Lai không có chấp trước vào Chánh đẳng giác vì ta biết rõ các pháp như biến hóa nên không có sự độ thoát. Do đó Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật phải thực hành và phải biết rõ như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Như lời Thế Tôn nói, nếu các pháp như biến hóa thì hóa thân Như Lai cùng với thân của Như Lai có gì khác và sai biệt không?

Phật dạy:

–Không khác và cũng không sai biệt nhau. Vì sao? Vì Như Lai và Hóa thân Như Lai đều có việc làm.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không có Như Lai thì riêng Hóa thân Như Lai có làm được không? Phật dạy:

–Có thể làm được.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao vậy?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Vào thời quá khứ có Đức Như Lai hiệu là Tu-phiến-đầu (Tu-phiến-đầu, đời Tống gọi là Cực Tịnh Như Lai). Khi Đức Phật ấy xuất hiện ra đời, không có người thực hành Bồ-tát đạo nên Đức Phật ấy thị hiện nhập Niết-bàn rồi làm cho hóa thân Phật trụ lại một kiếp. Sau đó, vị Hóa Phật kia thọ ký cho các hành Bồ-tát rồi nhập diệt. Mọi người đều cho rằng, Hóa Phật đã nhập Niết-bàn mà không biết là Hóa Phật.

Phật dạy:

–Hóa Phật không sinh cũng không diệt. Tu-bồ-đề, Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải biết các pháp như Hóa Phật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Hóa Phật có làm, Đức Như Lai cũng có làm, không có sự sai khác thì chỗ đạt công đức bố thí đưa đến kết quả như thế nào? Nếu cúng dường Hóa Phật như cúng dường Như Lai thì người cúng dường ấy cho đến khi Phật nhập Niết-bàn, phước của họ có chấm dứt không?

Phật dạy:

–Như Lai là phước điền cho tất cả nên Hóa thân Như Lai cũng vậy.

Phật dạy tiếp:

–Này Tu-bồ-đề! Hãy để việc làm công đức cúng dường Như Lai và hóa thân của Như Lai lại, nếu có người với Từ tâm thường niệm Phật, phước ấy sẽ đạt đến chỗ hết khổ.

Phật dạy:

–Để việc phước đức của lòng Từ ấy lại. Nếu có người chỉ dùng một bông hoa rải giữa hư không và niệm Phật trong giây phút thì phước ấy cũng sẽ đưa đến hết khổ.

Phật dạy:

–Hãy để việc phước cúng hoa lại, nếu có người niệm Nam-mô Phật thì phước ấy cũng sẽ đưa đến hết khổ.

Này Tu-bồ-đề! Phước cúng dường Như Lai rất là to lớn, ông phải biết rõ như vậy. Vì các pháp bình đẳng nên các Hóa Phật và Phật không có sai khác. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy sẽ hiểu rõ pháp của các pháp không diệt và không bỏ. Bát-nhã bala-mật này cũng không có phân biệt cho đến các pháp cũng phải hiểu rõ như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không phân biệt thì tại sao Đức Như Lai nói rằng, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nội, ngoại pháp, thiện, ác, Hữu lậu, Vô lậu, đạo, thế tục, sinh tử và pháp hữu vi, vô vi?

Bạch Thế Tôn! Các pháp không có phân biệt phải không?

Phật dạy:

–Không! Chỉ dùng danh tự và số lượng để dạy chúng sinh làm cho họ được hiểu rõ chứ không có phân biệt.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các pháp ấy không có tên thì tại sao dùng danh tướng để chỉ dạy chúng sinh, làm cho họ được hiểu rõ?

Phật dạy:

–Các hành không tên, không tướng cũng không có chỗ thể nhập. Lại nữa, hành là không chỗ, không tướng, không thể nhập. Chư Phật và các đệ tử cũng không nhập vào tướng.

Nếu danh cũng sẽ nhập vào danh, tướng cũng sẽ nhập vào tướng; Không, Vô tướng, Vô nguyện cũng sẽ nhập vào Không, Vô tướng, Vô nguyện; chân tế cũng sẽ nhập vào chân tế; pháp tánh cũng sẽ nhập vào pháp tánh; pháp vô vi cũng sẽ nhập vào pháp vô vi.

Tu-bồ-đề! Các pháp ấy chỉ dùng tên mà không nhập vào tên. Bồ-tát trụ trong danh tướng thực hành Bát-nhã ba-la-mật chứ không phải chấp vào danh tướng ấy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp hữu vi dựa vào danh tướng mà có thì vì ai mà Bồ-tát phát đạo tâm để chịu nhiều sự cần khổ để thực hành sáu pháp Ba-la-mật, bốn Thiền, bốn Vô hình thiền, bốn Đẳng, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba giải thoát môn, đầy đủ đại Bi và vì ai thực hành Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Vì các danh tướng, số tướng, các pháp hữu vi không có danh tướng, là không. Do đó Bồ-tát thực hành đạo của Bồ-tát, đạt đến trí Nhất thiết để chuyển pháp luân, dùng pháp ba thừa độ thoát chúng sinh. Lại nữa, danh tự và tướng đó cũng không sinh cũng không diệt, trụ như vậy không thay đổi.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ngài nói trí Nhất thiết phải không?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Ta nói trí Nhất thiết, việc của trí Nhất thiết và nói việc đạo, tuệ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những điều đó có gì sai khác không?

Phật dạy:

–Trí Nhất thiết là việc của Thanh văn và Bích-chi-phật; việc đạo, tuệ là việc của các Đại Bồ-tát; việc của trí Nhất thiết là việc của chư Phật Như Lai.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao nói trí Nhất thiết là việc của Thanh văn và Bích-chi-phật?

Phật dạy:

–Vì các pháp nội ngoại, La-hán, Bích-chi-phật đều phải biết rõ. Tuy biết nhưng không trụ vào các việc đạo.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là đạo tuệ của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Bồ-tát đối với tất cả các đạo đều phải giảng thuyết, biết rõ đạo ba thừa và làm ba việc đạo mà không chấp sự giác ngộ chân tế.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát đã đầy đủ Phật sự mà không chấp sự giác ngộ chân tế đó?

Phật dạy:

–Vì chưa thành tựu Phật sự, chưa giáo hóa chúng sinh nên Bồtát chưa nhận sự giác ngộ chân tế đó.

Lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải trụ trong đạo mới nhận sự chứng chân tế đó phải không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vậy có thể không theo đạo phải không? Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không theo đạo cũng không theo phi đạo phải không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Vậy phải làm sao?

Phật hỏi lại:

–Ý ông hiểu thế nào? Nếu ông theo đạo thì có đoạn hết hữu lậu không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật hỏi:

–Ông theo phi đạo có đoạn hết hữu lậu không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật hỏi:

–Ông theo đạo hoặc phi đạo thì có đoạn hết hữu lậu không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật hỏi:

–Ông dùng đạo, phi đạo, cũng chẳng phi đạo, diệt hết các lậu chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Con không có chỗ trụ nhưng sẽ đoạn hết hữu lậu. Tuy đoạn hết hữu lậu mà không có chỗ trụ.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế. Tuy rằng có chứng chân tế mà không có chỗ trụ; tuy nói trí Nhất thiết và việc trí Nhất thiết chỉ là một.

–Bạch Thế Tôn! Một việc là thế nào?

Phật dạy:

–Là tịch tĩnh.

Này Tu-bồ-đề! Những lời nói, hình dáng, sự sinh diệt, chư Phật đều rõ biết. Do đó gọi là trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trí Nhất thiết, việc của trí Nhất thiết và việc đạo, tuệ, ba việc này thứ tự có khác nhau không?

Phật dạy:

–Đầu mối và chấm dứt không có sai khác. Bởi vì chư Phật đã chấm dứt các đầu mối, còn Thanh văn thì chưa chấm dứt hết các đầu mối.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chưa chấm dứt hết các đầu mối thì họ có chứng Niết-bàn không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Niết-bàn có gì sai khác không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không có sai khác thì tại sao lại nói họ chưa chấm dứt các đầu mối?

Phật dạy:

–Vì đầu mối đó chẳng phải là đầu mối. Do có dâm, nộ, si nên phàm phu gây ra các đầu mối. Đức Như Lai thì không còn đầu mối.

Tu-bồ-đề thưa:

–Đạo và Niết-bàn không có sở hữu thì sao nói có Tu-đà-hoàn, La-hán, Bích-chi-phật và Chánh đẳng giác?

Phật dạy:

–Vì do vô vi mà có tên là Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi-phật và Chánh đẳng giác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Từ vô vi mà có tên phải không?

Phật dạy:

–Không! Chỉ vì ngôn thuyết mà có sự nói năng này chứ không từ Đệ nhất nghĩa. Vì sao? Vì trong Đệ nhất nghĩa không có các Hành, cũng không có tạo tác nên vì người đoạn trừ ái mà thiết lập giai đoạn sau.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tướng các pháp đều như là không, hiện thật còn không thể biết làm sao biết được giai đoạn sau?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Tướng các pháp là không, hiện thật còn không biết được huống chi giai đoạn sau. Vì những người không biết tướng các pháp là không nên ta nói có giai đoạn trước và sau. Tướng các pháp cũng không có giai đoạn trước và sau.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì phải biết rõ tướng của các pháp là không. Như vậy, các pháp hành đối với các pháp là không, nên không có thể nhập, cũng không có sự thể nhập vào các pháp nội ngoại, hữu vi, vô vi, pháp ba thừa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Nói là Bát-nhã ba-la-mật vì nó vượt qua tất cả các pháp, là

sự vượt qua tối thượng trong ba thừa. Các Đức Như Lai chứng Chánh đẳng giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật mà đến được bờ kia. Do đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, sự vượt qua tất cả các pháp như bụi trần mà không có pháp nào ngăn chặn được. Do đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, chân tế pháp tánh và pháp Như đều nhập trong Bátnhã ba-la-mật, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật đối với các pháp không hợp cũng không ly; dù thấy hay không thấy, ngăn ngại hay không ngăn ngại, thì đối với pháp này cũng không hợp không ly. Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng, không thể thấy được cũng không có sự đối đãi, một tướng tức là vô tướng. Vì sao? Vì hay sinh ra các pháp, các biện tài, nên trời, người, ma, các oán thù, các ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật đều không thể phá hoại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì tất cả ác ma oán thù và hai địa đều không thể sánh kịp.

Này Tu-bồ-đề! Trong ý nghĩa này, Bồ-tát phải biết rõ, phải thực hành như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật thực hành về vô thường, khổ, vô ngã thì phải biết rõ ý nghĩa Khổ, Tập, Diệt, Đạo, trừ diệt, không sinh, không diệt, các pháp; thấy biết rõ tất cả; biết rõ mình và tâm của người khác. Phải thực hành đúng như lời nói trên.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật phải biết nghĩa đó và phải thực hành đúng như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật này rất là sâu xa, dù nói phi nghĩa cũng không thể nắm được thì làm thế nào Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật tu tập các nghĩa?

Phật dạy:

–Bồ-tát hiểu nghĩa sâu xa này thì thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Đối với dâm, nộ, si, Bồ-tát không còn nên không hành nghĩa tà kiến, biết rõ chúng không phải nghĩa nên không hành. Vì sao? Vì như thật của dâm, nộ, si đối với các pháp không tăng không giảm. Lại nữa, nghĩa các tà kiến là như thật, không tăng cũng không giảm.

Nếu cho rằng năm ấm có ích hay không có ích cũng không nên thực hành theo. Vì sao? Vì khi chứng Chánh đẳng giác, Như Lai không thấy tăng giảm. Thế nên, dù có Phật hay không có Phật, các pháp cũng vậy, không tăng cũng không giảm.

Phật dạy:

–Vì các pháp hữu vi thường không bị ngăn ngại, cũng không có chỗ tạo tác. Do đó, Bát-nhã ba-la-mật cũng không tăng không giảm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nghĩa các pháp hữu vi chẳng phải là chư Phật và đệ tử phải không?

Phật dạy:

–Các pháp hữu vi đều là chư Phật và đệ tử. Nhưng không vì đó mà có tăng có giảm. Cũng như hư không là như thật, không vì sự tạo tác mà phát sinh, cũng không vì không sự tạo tác mà phát sinh. Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, không vì có tăng có giảm mà phát sinh.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát không theo và không có chỗ làm thì học Bát-nhã ba-la-mật có chứng Chánh đẳng giác không?

Phật dạy:

–Bồ-tát theo mà không có chỗ làm, học Bát-nhã ba-la-mật một cách sâu xa thì sẽ thành Chánh đẳng giác, vì không hợp với hai.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Theo một pháp để chứng một pháp có chứng đắc không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không theo một cũng không theo hai pháp thì có chứng đắc không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không thuận theo một cũng không thuận theo hai pháp thì có chứng đắc không?

Phật dạy:

–Không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không theo một cũng không theo hai thì làm sao có sự chứng đắc?

Phật dạy:

–Đạt đến chỗ chứng mà không có chỗ đắc thì gọi là có chứng có đắc.