Người Buôn Gạo Xứ Thượng Ngu
Người buôn gạo nhất tâm trì niệm
Quán Thế Âm ứng mộng cứu nạn tai
Từ trước có người buôn gạo xứ Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang. Trong nhà phụng thờ đức Quán Thế Âm Bồ-tát rất thành kính. Nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi. Một hôm chủ nhà nằm mộng thấy Quán Thế Âm Bồ-tát đến dạy rằng:
– Ngươi sắp bị đại nạn, nên Ta đến đây cứu ngươi.
Sau đó, Ngài liền nói bài kệ bốn câu và dặn dò người chủ nhà phải cần nhớ cho đầy đủ, rõ ràng chắc chắn từng chữ, từng câu một. Bài kệ như sau:
“Gặp cầu đừng đậu ghe
Gặp dầu lấy xoa đầu
Đấu lúa ba thưng gạo
Lằng xanh bu đầu bút.”
Nguyên văn:
“Phùng kiều mạc đình châu
Ngộ du tức mạc đầu
Đẩu cốc tam thăng mễ
Thương thằng bổng bút đầu.”
Sau khi tỉnh giấc mộng, ông ta nhớ được rất rõ ràng và đầy đủ bốn câu cộng lại tất cả hai mươi chữ và cho là quái lạ! Bởi thế nên nhớ chắc chắn chẳng quên tí nào.
Qua ngày sau nhân ông mướn ghe đi chở lúa gạo. Ghe đi giữa đường chẳng may gặp phải gió mưa dữ dội. Người bạn ghe có ý muốn đậu ghe dưới mạn cầu để tránh gió mưa. Người chủ ghe liền sực nhớ lại sự việc trong mộng, nhớ câu: “Gặp cầu đừng đậu ghe”. Ông liền thúc người bạn nên lướt nhanh ghe đi tới đừng nên đậu. Lúc ghe qua khỏi cầu thì cầu liền sập ngay, đè sát mặt nước. Hú vía thoát chết một lần!
Nhân đây ông ta cảm nghiệm được sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Và từ đấy trở đi càng tụng niệm lễ bái nhiều hơn.
Lại một đêm, đang lúc ông quỳ tụng kinh chưa đứng dậy, bỗng nhiên chiếc đèn huyền đăng treo trước bàn Phật từ trên rớt xuống, dầu trong đèn đổ ra lai láng.
Do câu đầu của bài kệ có ứng nghiệm, mà giờ đây lại gặp dầu đổ, cho nên ông liền tay hốt dầu dưới đất mà thoa lên đầu. Xong ông bái Phật, thản nhiên đứng dậy đi ngủ.
Ngủ đến nửa đêm ông thức giấc chợt nghe có mùi máu tanh, ông liền lấy đèn soi thử thì thấy người vợ bị đứt cổ họng chết ngay. Chẳng biết ai giết!
Ông ta tức tốc chạy băng băng đi báo cho nhạc gia biết liền lúc đó. Khi ông bà nhạc gia đến gạn hỏi cớ sự thì ông không trả lời được là ai đã giết vợ mình. Cuối cùng nhạc gia sinh tâm nghi hoặc. Bà nhạc mẫu ghé vào tai ông nhạc phụ thì thầm bảo:
– Từ xưa tới nay thằng rể mình rất tin Phật pháp, còn con gái chúng ta thì không. Vì bất đồng về tín ngưỡng nên chúng nó thường hay xích mích lẫn nhau. Chính vì thế mà cớ sự mới tác tệ như vầy. Ngày hôm nay thằng chồng nhẫn tâm giết chết vợ. Thật nhẫn tâm quá mà!
Nói đến đây bà lăn đùng ra khóc thảm thiết, khiến ai thấy cũng động lòng. Chỉ tội cho ông rể hiền lành này, chẳng biết tìm cách nào mà minh oan cho mình được.
Thảm trạng vợ chồng mưu sát lẫn nhau đã có từ xưa. Nhưng trong trường hợp hiện nay không thể nào xảy ra được trong căn nhà hiền lương này. Vậy thì cái án mạng bị giết nằm đó là do ai?
Cuối cùng vẫn chỉ là lý do bất đồng tín ngưỡng. Cho nên nhạc gia tố đơn lên huyện quan để nhờ xét xử.
Hai tên lính huyện từ cửa huyện xuất phát với bộ dạng hăm hở vúc vắc. Một tên nắm chiếc hỏa bài có đề hai chữ “hỏa tốc”, một tên còn lại cầm chiếc roi, cả hai mặt mày hằm hằm thẳng tiến đến nhà người buôn gạo và dựng tấm hỏa bài ngang tại cửa giữa trong nhà.
Một trong hai tên chỉ vào tấm hỏa bài và bảo:
– Đây, anh coi đây rồi biết! Lệnh của quan lớn huyện nhà; anh là người hiểu biết phải tuân hành tức tốc, đừng để mất thì giờ chúng tôi, về bị quở!
Lúc này ông buôn gạo đã chuẩn bị xong hành lý, ông đến trước bàn Phật thắp ba cây hương tranh thủ lạy lấy, lạy để ba lạy và vái lia lịa mấy cái. Sau đó, ba người liền bước ra khỏi nhà.
Phía trước là tấm hỏa bài, giữa là đương sự, sau là chiếc roi vừa đi vừa vúc vắc. Và họ lên giọng hơi hám của kẻ uy quyền:
– Tại sao anh lại đi giết vợ anh? Ác chi mà ác quá vậy? Nghĩa vợ chồng, nó có làm điều gì sai quấy thì ta làm hùm làm hổ cho nó năm đá ba cú để nó biết sợ mà thôi chứ ai đời nhẫn tâm chém chết vợ?
– Anh không học câu Thánh hiền đã dạy sao? “Tào khang chi thê bất khả hại đồ” vậy mà anh chém con người ta chết, thật anh là thằng quá ác, có phải không? Chuyến này quan lớn sẽ phạt tội ở tù mọt gong cho tới chết mới đáng kiếp! Lính huyện tiếp.
Cứ thế hai tên lính thay phiên nhau mà mắng rủa, nhất là họ cứ đọc đi đọc lại câu nói của Thánh hiền. Riêng ông buôn gạo vẫn giả câm giả điếc lặng thinh mà đi, trong tâm luôn luôn nhất tâm niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu cứu mà thôi.
Chẳng mấy chốc đã đến cửa nha. Hai tên lính dẫn đương sự nạp lên quan. Quan lớn bắt đầu làm việc. Đương sự đứng thẳng lưng dưới bậc thềm còn quan huyện ngồi trên, hai bên có lục sự, thẩm phán, ấn son, bút giấy đầy đủ cho một phiên tòa đại hình.
Sau một hồi lâu thẩm vấn lấy khẩu cung của đương sự đã xong. Quan lớn mới xả hơi bằng một xe thuốc bình và chén trà thượng hạng, rồi ngài ngắm kỹ trên gương mặt đương sự thầm xét:
– Tướng trạng thằng này chẳng giống những đứa sát nhân mà mình đã từng gặp. Vả lại, căn cứ theo lời khai của nó thì của cải trong nhà đêm đó chẳng mất mát chút nào. Và cũng không xảy ra việc trộm cướp gì hết. Cửa ngõ trong nhà vẫn kín đáo y nguyên, vách không bị đục thủng, tất cả không có dấu vết gì khả nghi. Vậy thì chắc chắn một điều hung thủ không phải là những tên trộm cướp.
Nhưng quan còn ngờ nên hỏi thêm:
– Bình thường gia đình ngươi có gây gổ, xích mích với bà con láng giềng không? Có hòa vui tốt lành không?
Đương sự bẩm:
– Cả gia đình con, từ xưa đến nay đối với bà con láng giềng luôn luôn hòa thuận, không có điều gì đáng tiếc cả. Cúi mong quan lớn thương tình suy xét cho!
Sau hai lần thẩm vấn và nhận xét thì sự trạng đã rõ ràng nên đến lúc tòa tuyên án:
– Căn cứ theo hai lần thẩm vấn của tòa.
– Căn cứ theo lời cung khai của đương sự, thì việc đã rõ ràng như sau:
– Hung thủ đã chẳng phải kẻ trộm cướp, chẳng phải kẻ oán thù. Hơn nữa, sự việc xảy ra vào lúc quá nửa đêm, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà vẫn đóng chặt y nguyên. Trong nhà chỉ có hai người là ngươi và vợ ngươi. Mà vợ ngươi bị đứt họng chết, chẳng phải ngươi chém nó thì là ai? Đó là những nguyên nhân tạo thành án.
Tòa tiếp:
– Cứ sự trạng như trên, chiếu theo luật tòa tuyên án:
– Ngươi quả là phạm tội cố sát – sát nhân. Mạng phải đền mạng. Bản án này làm tại chỗ, nhân chứng có thẩm phán và lục sự ngồi hai bên chứng kiến.
Quan chánh án cầm bút sắp phê xuống bản án, bỗng nhiên một bầy lằng xanh từ đâu bay tới bu vào đầu bút. Quan chánh án ngạc nhiên cho là quái lạ.
Lúc đó ông buôn gạo nhìn thấy lằng xanh bay đến rõ ràng, hiệp với câu kệ thứ tư mà mình đã mộng thấy Bồ-tát nói khi trước. Nhân đấy ông liền tự thốt lên rằng:
– Lạ thay! Quái lạ thay! Thương thằng bổng bút đầu! Thật là ứng nghiệm!
Quan chánh án càng ngạc nhiên hơn, tay thì xua đuổi những con lằng mà nó cứ vẫn bu vào nơi đầu bút, miệng thì hỏi tên buôn gạo:
– Mày có điên hay không mà đứng nói nhảm hả? Hai mắt ông ngó tròng trọc vào tên buôn gạo.
Thấy vậy người buôn gạo mới thuật lại giấc mộng mà mình đã mơ cùng với sự ứng nghiệm của bài kệ trên cho quan chánh án cùng cả phiên tòa nghe.
Quan nghe xong mà định rằng:
– Ta định phê năm ba chữ và mày ký vào bản án cho xong đặng mày còn về. Mà giờ đây sự việc lại chuyển qua chiều hướng khác, e ta phải nghiên cứu mấy câu kệ tụng quái lạ kia đã. Rắc rối thật! Quan huyện nói.
Rồi quan cho triệu tập tất cả thầy nha lại đến để làm cái việc có một không hai này. Khi thầy trò xúm lại xong, quan bảo người buôn gạo hãy đọc to bốn câu kệ rồi viết vào tờ giấy rõ ràng từng nét, từng chữ một cho chính xác, rồi quan nghiên cứu.
Câu thứ nhất, thứ hai và câu thứ tư đã rõ ràng sự việc. Chỉ còn câu thứ ba: “đẩu cốc tam thăng mễ” là hơi khó hiểu. Vậy “đẩu cốc tam thăng mễ” nghĩa là ý gì? Thầy trò nhà quan huyện nghiền ngẫm mãi mất thì giờ rất nhiều mới hiểu được rằng:
– A các thầy ạ! Phải thêm một chữ nữa ở đầu câu mới cắt nghĩa được. Quan huyện nói.
Như thế là câu kệ thứ ba được sửa thành: “Nhất đẩu cốc tam thăng mễ”. Nghĩa là: “Một đấu lúa ba thưng gạo”.
Nghĩa ẩn của câu kệ này là: một đấu là mười thưng, trừ ba còn bảy tức là được ba thưng gạo và bảy thưng trấu. Bảy trấu là chữ Thất và chữ Khang. Thất là bảy còn Khang là trấu.
Suy đi tính lại quan huyện và các thầy nha quả quyết rằng:
– Hung phạm nếu chẳng phải tên Khang Thất thì là tên Thất Khang vậy. Thế là huyện quan cho người đi dọ thám, một mặt cho người điều tra sổ bộ. Quả thật có người tên Khang Thất. Thế là tên này bị tống giam. Khi thẩm vấn quan hỏi:
– Ngươi có biết gia đình tên buôn gạo này không?
– Dạ bẩm quan con biết. Tên Khang Thất khai.
Quan lại hỏi:
– Ngươi có biết người chết kia không?
– Nhìn vào xác chết tên Khang Thất mặt mày tái mét, không còn chút thần sắc. Trấn tỉnh hồi lâu hắn mới thành thật thưa:
– Thưa quan lớn, tôi vốn có gian díu với bà bán gạo từ trước. Đêm đó tôi lẻn vào nhà tình nhân nấp, chờ đến khuya sẽ ra tay giết ông bán gạo. Trong lúc tối tăm, tôi tìm thấy cái đầu có dầu tưởng là đầu đàn bà (đàn bà ngày xưa thường hay xức dầu dừa) liền bỏ đi chỗ khác tìm giết cái đầu không có dầu. Không ngờ đã giết lầm.
Vậy là oan tình được sáng tỏ, kẻ giết người thì bị tòa tuyên án. Người buôn gạo nhờ có bài kệ trên mà được phóng thích, giải oan.
Quan huyện và cả nhà lại nhân vụ này mới biết thêm sự cảm ứng, linh diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm và càng tin Phật pháp hơn nữa. Ông buôn gạo nhân tai nạn này, thấu hiểu được nơi thống khổ của kiếp nhân sinh, phát tâm dõng mãnh xuất gia học Phật tìm con đường giác ngộ giải thoát.
Lời bàn:
Như vậy, từ câu chuyện này chúng ta thấy người buôn gạo sở dĩ được cứu thoát là nhờ vào công năng tinh cần lễ bái và nhất niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát không gián đoạn, cho nên khi gặp tai nạn Bồ-tát luôn luôn hiện thân cứu giúp. Vì sao? Vì Bồ-tát là Bồ-tát trong tâm chúng sinh, chúng sinh là chúng sinh trong tâm của Bồ-tát. Bồ-tát và chúng sinh là một.
Thế nhưng, tại sao chúng ta lại không được như Bồ-tát? Vì chúng ta còn tham đắm trong ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ngủ nghỉ, ăn uống), bị trần lao chi phối, trí tuệ lu mờ thì làm sao được như các Ngài. Cho nên, hằng ngày chúng ta phải thường niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát. Vì chỉ có trì niệm danh hiệu các Ngài chúng ta mới có được những năng lực bất khả tư nghì giống các Ngài.
Như vậy, phải niệm như thế nào mới có hiệu quả? Nghĩa là mỗi niệm sáu căn đều thu nhiếp (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) nhất tâm yên lặng, tâm niệm khẩu (miệng) xưng; miệng xưng cho rõ ràng, tai nghe cho chính xác thông suốt, ý nghĩ nhớ từng chữ, từng câu cho rành rẽ phân minh. Được như vậy tức là tâm khẩu tương ưng. Đấy là bí quyết cần thiết cho những người trì danh hiệu Phật, Bồ-tát.
Trái lại, thời tâm ý của chúng ta nó như con vượn con ngựa: “tâm viên ý mã” chuyền chạy lung tung cho nên khó mà đến được chỗ lợi ích.
Trích: Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm