DẠ XOA ĂN THỊT NGƯỜI

 

Quỷ đầy trong cõi tam thiên
Niệm danh Bồ-tát bình yên, an nhàn

Thuở xưa có một vương quốc giáp ranh với vùng đất do quỷ Dạ xoa cai trị. Để tránh thảm họa cho dân chúng nhà vua đã kết tình bang giao cùng với chúa quỷ.
Nhưng do tính khí hung tàn, bạo ngược quỷ nào chịu giữ lời hứa. Chúng cứ ngang nhiên bắt người trong làng ăn thịt.

Để cứu vãn tình hình, nhà vua lại một lần nữa cùng chúa quỷ thương thuyết. Nhà vua nói:

– Thưa chúa quỷ, dân trong nước tôi vốn hiền lương, lo chí thú làm ăn nào ai dám xâm phạm đến chúa quỷ. Vậy mà chúa quỷ cứ mãi quấy nhiễu làm dân chúng hoang mang. Nay xin chúa quỷ niệm tình lân bang hai nước mà suy xét lại cho chúng tôi nhờ.

Chúa quỷ nghe nói phừng phừng nổi giận, nhe nanh, dậm cẳng, lớn tiếng quát:

– Ta là quỷ vương ở vùng này. Đất của các ngươi vốn do ta cai quản. Nay nếu muốn yên ổn sinh sống thì mỗi ngày phải nộp cho ta một mạng người để ta làm thức ăn.

Nhà vua không còn cách nào khác, vì sức yếu thế cô nên đành câm lặng mà chấp nhận.

Thế là từ đó trở về sau mỗi gia đình phải thay phiên cống nạp một đồng tử cho chúa quỷ. Lệnh này do vua ban ra nên không gia đình nào tránh khỏi.

Hôm nọ, đến lượt nhà họ Mạnh. Nhà này từ xưa vốn tiếng hiền lương phúc hậu. Bao đời Mạnh gia luôn hòa thuận, trên dưới trong ngoài rất mực đàng hoàng. Lại thêm tin tưởng, phụng thờ đức Quán Thế Âm Bồ-tát chí thành, chí kính.

Thế nhưng, hiếm muộn thay gia đình chỉ có một đứa con trai vừa tròn bảy tuổi. Nay vì lẽ công bằng, vì an nguy cho trăm họ nên cũng đành nuốt nước mắt mà thi hành theo ác lệ.

Hai vợ chồng buồn tủi, trách số phận hiếm hoi. Người vợ nghẹn ngào nói:

– Gia đình ta may mắn lắm mới sinh được một đứa con trai để nối dòng nối dõi. Thế mà nay phải nạp cho quỷ vương thật thiếp không đành lòng. Nghĩ đến đây người vợ ôm mặt khóc.

Người chồng thở ngắn thở dài, suy đi nghĩ lại, tiến thoái lưỡng nan. Lắc đầu ngao ngán nói:

– Trời ơi, là trời! Sao ông bất công quá vậy! Phen này gia đình tôi đành phải tuyệt tự, tuyệt tôn rồi ông thấy chưa!

Vừa dứt lời từ trên không trung sấm sét đùng đùng vang dội, mây đen giăng kín bầu trời, mưa tuôn xối xả như báo hiệu cho một ngày buồn của gia đình họ Mạnh.

Đến chiều trời vẫn còn mưa. Người chồng lúc này ruột như ai xé. Phần thương con, phần thương dân chúng. Ông suy nghĩ:

– Phen này phải bạo gan xin nhà vua điều đình với quỷ vương một chuyến xem sao! May ra nhờ ơn gia hộ của Bồ-tát mà mọi việc êm xuôi.

Nghĩ rồi ông liền chạy một mạch đến yết kiến vua và tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, gia đình con duy nhất có mỗi một thằng con trai để truyền đăng hương lửa tổ tiên, nay cống nạp cho quỷ vương thật dạ không đành. Mong bệ hạ mở lượng hải hà suy xét giùm cho chúng con nhờ, con xin đội ơn bệ hạ.

Vua nói:

– Nhân dân ai chẳng tham sống sợ chết, trẫm đâu nên vì gia đình ngươi mà phải tội thiên vị với muôn dân. Thôi số trời bắt vậy ngươi cũng an lòng mà chịu để trăm họ được nhờ.

Mạnh công lủi thủi trở về. Nhìn thấy đứa con hồn nhiên đang cùng với mẹ ê a trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm trên Phật điện mà lòng Mạnh công tan nát.

Mạnh công ôm con vào lòng lần cuối, rồi nát gan dứt ruột mà dắt con bỏ ngoài đồng trống lúc ban đêm. Cảnh vật về đêm nơi thôn quê vốn đã buồn nay lại càng buồn thêm. Tiếng côn trùng rỉ rã kêu thương hòa với tiếng khóc than thảm thiết làm cho vùng núi âm u hoang vắng lạ thường.

Dắt con trên tay, Mạnh công hết lòng khuyên con hãy cố gắng chuyên tâm trì niệm đức Quán Thế Âm rồi Ngài sẽ cứu cho thoát nạn.

Đứa bé tuy còn nhỏ mà cậu biết nghe lời. Vui vẻ làm theo lời cha dạy. Còn mạnh công sau khi vứt “viên ngọc minh châu” ra ngoài gò hoang xong, trở về nhà ông liền tụng kinh Phổ Môn và niệm danh hiệu Bồ-tát suốt đêm.

Trở lại vấn đề cậu bé. Sau khi cha đi về cậu một mình ở lại. Trong lòng vẫn chưa biết việc gì sẽ xảy ra. Cậu hồn nhiên gõ mõ niệm Quán Âm.

Lạ thay! Suốt đêm hôm đó quỷ vương không hề dám đến gần cậu bé. Nó tức tối quay về định bụng hôm sau sẽ đến giết nhà vua. Nó thầm nghĩ:

– Không biết thằng nhỏ này đọc thần chú gì mà làm ta cay mắt và nhức đầu quá!

Sáng hôm sau, Mạnh công dò tìm ra gò hoang xem tin tức. Ông vui sướng khi thấy con mình vẫn còn sống và đang nằm ngủ trên một nệm rơm ấm áp. Mạnh công liền bế con chạy đến cho nhà vua hay tin rồi kể hết sự tình.

Nhà vua từ đó mới tin Phật pháp, ra lệnh cho nhà nhà phải tụng kinh Phổ môn và niệm danh Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhờ vậy mà đất nước được yên bình thoát khỏi nạn quỷ Dạ xoa.

Lời bàn:

Đây là nói về quỷ Dạ xoa. Đó là một thứ quỷ thường di chuyển bằng cách bay trên không trung. Có thứ đi trên mặt đất, có thứ đi trên không khác nhau.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn nói: “Nhược tam thiên đại thiên quốc độ, mãn trung Dạ xoa, La-sát, dục lai não nhơn, văn kỳ xưng Quán Thế Âm Bồ-tát danh giả, thị chư ác quỷ, thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại.”

Nghĩa là: Nếu trong tam thiên đại thiên quốc độ, giả sử có quỷ Dạ xoa cùng quỷ La-sát ở đầy dẫy, biến trọn thành một thế giới quỷ. Lực lượng của quỷ rất dữ tợn. Những thứ quỷ này một khi muốn đến phá hại, quấy rối người nếu muốn chống cự quả thật là khó. Chỉ cần nhất tâm xưng niệm danh hiệu đức Quán Âm là quỷ ấy trọn chẳng dùng ác nhãn xem người, huống nữa là làm hại đến người ư?

Tính của quỷ thường ưa chỗ tối tăm, còn nơi sáng sủa thì không có quỷ quái gì hết. Trong tự tâm của chúng ta có ác niệm khởi lên mê mờ vọng tưởng. Lúc nào cũng đầy những mưu ma chước quỷ khiến cho tâm trí tối tăm chẳng sáng suốt. Cho nên mới chiêu cảm cảnh giới ác quỷ bên ngoài làm hại. Nếu như nhất tâm trì niệm danh hiệu chư Phật, chư Bồ-tát tức thì nghiệp chướng tiêu trừ, mê tình trống rỗng, một niệm chẳng sinh tức thì trí tuệ khai mở, tự tính tự nhiên hiển lộ sáng suốt tuyệt vời. Đến lúc này không những quỷ bên ngoài chẳng dám làm hại mà ngay cả dùng “ác nhãn” để nhìn cũng vẫn không thể thấy đến được.

Như vậy, chúng ta thấy: La-sát, Dạ xoa chính là biểu trưng cho lòng sân giận của con người dấy khởi, rồi con người theo đó mà tạo nghiệp ác, thọ quả báo khổ đau. Còn Quán Thế Âm Bồ-tát tượng trưng cho lòng từ bi, một khi niệm từ bi khởi lên thì sân giận tiêu tan.

Quay về vấn đề niệm Phật. Cổ đức bảo: “Chớ đợi tuổi già mới niệm Phật, mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh”.

Chúng ta thử suy nghĩ xem. Cuộc đời con người sống được mấy mươi năm. Có người 3 năm, 10 năm, 30 năm, 60 năm, cho đến 100 năm rồi cũng phải chết. Vậy sống để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu? Đây là hai câu hỏi lớn nhất của đời người.

Cổ đức cũng có dạy: “Người ngu chỉ biết cho đời này, người trí thì biết lo cho đời này và cả đời sau”. Thật vậy, người ngu chỉ biết đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để đổi lấy chén cơm manh áo, chạy theo danh vọng, quyền hành, sắc dục, để cung phụng cho xác thân tứ đại này được no tròn béo tốt, rồi sau khi nhắm mắt tay trắng vẫn hoàn trắng tay, luân hồi trong ác đạo.

Suy cho cùng danh vọng, quyền hành, sắc dục và tiền bạc chỉ là những con mồi bằng nhựa trong đó có móc một chiếc lưỡi câu sắc bén. Con cá tưởng con mồi bằng nhựa là con mồi thật nên đớp lấy và bị lưỡi câu móc vào cổ họng. Khổ đau từ đó mà ra.

Như vậy, suốt cả cuộc đời người ngu chỉ biết có thế thôi. Còn người trí thì sao? Người trí luôn biết quán chiếu thấy rõ các pháp vốn vô ngã, cuộc đời là vô thường. Cho nên, làm mà không làm, ăn mà không ăn, ngủ mà không ngủ, cho đến tu mà không tu. Họ sống một cuộc đời tự do tự tại, an nhiên tùy thuận theo hoàn cảnh làm tất cả các việc lợi người mà không thấy mình làm. Bình thản trước muôn việc, sinh tử tự tại, đến đi vô ngại. Đời này và đời sau đều an vui, yên ổn.

Thầy Thích Minh Phát, trong quyển Giai Thoại Nhà Thiền, có viết:

“Ai ơi! Tiền của có ra gì?
Sao nhọc lòng ta phải nghĩ suy
Tiền thuộc năm nhà chia sẻ mãi
Lao công nhọc trí tại vì mi.
Ta đã hiểu rồi của thế gian
Nhưng sao ta mãi, mãi buộc ràng
Tiền là huyết mạch cho sự sống
Vì đó muôn đời phải trái ngang.
Thức tỉnh người ơi! Bạc với tiền
Tiền làm kẻ khó hóa ra điên
Tiền thay tất cả đời đen trắng
Bạc ác chi mi “rứa” với tiền”.

Với câu chuyện trên chúng ta có thể thấy, một đứa trẻ nhỏ bảy tuổi vẫn có thể niệm Phật. Như vậy đủ để thấy niệm Phật, niệm Bồ-tát là một phương pháp thực hành rộng rãi, thích hợp với đại đa số quần chúng. Phương pháp thực hành này không phân biệt lớn nhỏ, gái trai, sang hèn, ngu dốt hay thông minh. Hễ ai một lòng tin sâu, thực hành miên mật chắc chắn sẽ được lợi ích vô lượng vô biên.

Nhưng lạ thay! Trong cuộc sống hiện nay nếu quan sát chúng ta sẽ thấy người đến chùa niệm Phật chỉ toàn là người lớn tuổi. Có thể những người này gia duyên không còn bận rộn, đã xong nhiệm vụ với gia đình, xã hội. Họ tìm đến chùa vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhìn chung đó cũng là một dấu hiệu khả quan.

Song, có nhiều cụ già vẫn than phiền rằng:

– Con không thể nào chuyên tâm niệm Phật được, mỗi lần khởi xướng câu niệm Phật là vọng tưởng liền kéo về. Thật khó mà niệm cho nhất tâm được. Đây là tâm trạng chung cho những người đợi tuổi già mới đến chùa niệm Phật. Nhìn lại mà xem, hai phần ba cuộc đời họ dành cho gia đình, xã hội, dành cho danh vọng, bạc tiền. Những thứ đó chính là cái bóng của họ, nó ăn sâu vào trong tâm thức, bén rễ đâm chồi trong từng sát na suy nghĩ. Như thế làm sao niệm Phật cho được. Thử hỏi đã có ai buông bỏ hoàn toàn những trần lao kia chưa? Hay là buông cái này rồi lại chụp cái kia? Quả thật khó!

Nói như vậy để chúng ta thấy được tầm quan trọng của phương pháp niệm Phật trong thế hệ trẻ ngày nay. Tại sao một đứa trẻ bảy tuổi niệm Bồ-tát có kết quả, còn mình hai thứ tóc trên đầu mà niệm không xong? Bởi vì đứa trẻ đó thực hành phương pháp niệm Phật, niệm Bồ-tát bằng cái tâm trong sáng, tâm không nhiễm ô, tâm không cầu danh vọng, tiền bạc, giàu sang. Còn chúng ta miệng thì niệm Phật nhưng mang cái tâm mong cầu, mong danh lợi, tiền bạc, giàu sáng, sắc đẹp. Niệm như vậy thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi!

Các bạn trẻ thân mến, có người nói đi chùa niệm Phật là công việc dành riêng cho những bậc cao niên, còn trẻ mà đến chùa là những kẻ thất tình, chán đời. Điều này cần phải suy nghĩ lại.

Song, chúng ta nên nghĩ thoáng hơn một chút thì sẽ thấy được ngày nay người trẻ ăn chơi sa đọa, đam mê vật chất, sống hưởng thụ, sống thực dụng, sống phi đạo đức, thậm chí sống mà cũng như chết. Tỷ lệ đó nếu thống kê thì phải khiếp! Vì sao như vậy?

Vì nền tảng đạo đức trong họ đã mất. Quan niệm về tình người không còn nữa. Đối với họ chỉ tiền tài, sắc đẹp là trên hết. Mãi chạy theo những thứ đó cho đến khi: “Gót danh lợi bùn pha sắc xám, mặt phong trần nắng nám mùi dâu”. Hoặc là: “Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Lúc đó mới chợt tỉnh thì: “Lỡ một bước thành sầu vạn thuở, ngoảnh đầu về việc đã trăm năm”.

Nhưng các bạn ạ! Nếu một ngày nào đó các bạn cảm thấy mỏi mệt, thì các bạn hãy tìm đường quay về nơi chốn thiền môn yên tịnh, để có dịp lắng lòng nhìn lại chính mình, nhìn lại quãng đường mà mình đã đi qua, nhìn lại những gì mình đã có và đã mất. Mái chùa tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng có thể dung chứa vô số những mảnh đời đau thương, quằn quại trong biển trần sinh tử.

Có ai đã từng nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật hay! Thật chính xác! Hãy dùng trí tuệ của tuổi trẻ mà suy nghĩ về hai câu thơ trên. Hãy bỏ đi định kiến sai lầm về những cái thấy, cái biết bằng vọng tình chấp trước. Hãy tập sống cho đúng một con người có đạo đức. Hãy hóa giải nỗi đau bằng phương pháp thực hành niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát. Đó là chất liệu sống của tâm linh. Đó là nguồn dinh dưỡng dồi dào nuôi lớn tâm hồn bạn.

Trích: Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm

***

Chia sẻ bài viết của bạn vui lòng gởi về địa chỉ email: tangthuphathoc@gmail.com hoặc gởi trực tiếp lên trang nhà, xin cám ơn.