SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

3. Phước đức, trí tuệ đời đời bền vững

Dùng nhân sinh hư huyễn, mượn giả tu chân, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, sáng tạo tương lai tốt đẹp cho mình. Đây mới là phước đức, trí tuệ chân thật và đời đời bền vững.

Chúng ta nhìn Phật pháp bằng trí tuệ thì tất cả pháp thế gian, bao gồm vợ con, nhà cửa đều là có tạm thời, chỗ nương tựa huyễn ảo. Nhưng là phàm phu, chúng ta không thể không có tìm kiếm để có chỗ nương tựa. Dựa vào chỗ tạm thời thì thế nào cũng không có chắc chắn. Vả lại, mong muốn bình thường của cuộc sống thế tục, là khuyến khích mọi người hãy nỗ lực hướng thượng; bằng không thì trong cuộc sống sẽ mất đi nguyên nhân và động lực.

Điều này giống như một người sắp chết chìm, họ đang ở giữa biển cả mênh mông mờ mịt, nhìn xa thấy một chùm cỏ trôi dập dềnh, ánh sáng chiếu lại, giống như một chiếc thuyền con. Sau khi, người này nỗ lực bơi về phía trước thì mới phát hiện chân tướng sự thật. Cho dù như thế, nhưng niềm hi vọng muốn sống thúc đẩy bạn không ngừng nỗ lực, nên có sức sống vô hạn. Nếu như, chúng ta bắt đầu bỏ đi niềm hi vọng thì chỉ có ngồi chờ chết.

Thế nên, đối với người phàm phu mà nói, hi vọng là một ảo ảnh xinh đẹp. Mọi người nỗ lực tìm kiếm, sau khi được rồi thì mới phát hiện đó chỉ là mộng huyễn, ảo ảnh. Có những người tỉnh ngộ điều này, nhưng có người vẫn tiếp tục chạy theo ảo ảnh. Một đời người là đang tìm cầu giữa huyễn diệt và tỉnh ngộ, chúng ta muốn biết thì phải tìm kiếm theo ý nghĩa tôn giáo. Do đó, Phật pháp không phản đối mọi người tìm kiếm các thứ thành tựu. Chỉ là từ xưa đến nay, bất cứ người nào phát minh sáng tạo để lại danh tiếng vang dội; hoặc là gặp phải tình cảnh gian truân thê thảm, đều chỉ là ghi lại một đoạn nhân sinh không có sự sai biệt tuyệt đối ‘tốt’ hay ‘xấu’.

Trí tuệ Phật pháp là nhắc nhở mọi người tu học. Chúng ta thành tựu ở thế tục, nghĩa là chỉ vào đời làm những việc thiện thế gian; nếu như chúng ta chấp huyễn cho là chân, bất chấp tất cả liều mạng mà làm thì chỉ có rơi vào tình cảnh kiệt sức mất mạng mà chẳng được gì. Do đó, chúng ta ‘tùy thuận tất cả tướng mà lìa tất cả tướng.’ Nỗ lực xây dựng nhân sinh mà chẳng đắm trong thành tựu, không cần lo được, lo mất; lại không nên do đó mà hại người, hại mình. Trong xã hội có rất nhiều người thể hội việc này, nên họ có thể giảm bớt rất nhiều về sự tranh chấp, cấu xé, gây nhiều phiền não ở thế gian. Chúng ta cũng dùng phương hướng này thì mới thể điều chỉnh mình, nỗ lực thực hành; dùng nhân sinh hư huyễn, mượn giả tu chân, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, là sáng tạo tương lai tốt đẹp cho mình. Đây mới là phước đức, trí tuệ chân thật và đời đời bền vững.