SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

4. Tùy tướng mà li tướng

Thuyền chạy trên nước không để vết, chim bay không để lại hình bóng; thành, bại, được, mất đều không làm tâm lay động, đó chính là bậc đại trí tuệ tự tại, giải thoát.

Chúng ta sống ở thế giới này, trong một ngày làm việc và nghỉ ngơi, nhất định phát sinh mối quan hệ qua lại giữa người và sự vật ở bên cạnh. Có mối quan hệ qua lại rồi thì thế nào cũng xảy ra các thứ tình cảm vui buồn, mừng giận; khi hài lòng thì hớn hở vui mừng; lúc nản chí thì chán ngán buồn rầu. Đây là tâm lí phản ứng chung của mọi người. Nhưng nếu chúng ta có trí tuệ, suy nghĩ thấu suốt về nguồn gốc vui buồn, mừng giận này, chẳng qua chỉ là phần thô, phản ứng tâm lí bề ngoài; biết rõ như thế thì tinh thần của chúng ta thì không dễ gì bị những hiện tượng bên ngoài làm lay động.

Trí tuệ Phật pháp dạy chúng ta, khi xử lí các việc lớn nhỏ trong cuộc sống, chỉ cần tự hỏi mình đã hết sức trừ bỏ thành kiến tốt xấu của cá nhân chưa? Đồng thời, cũng phải nỗ lực hết mình, chọn lựa việc làm thích hợp nhất thì được yên lòng. Còn về việc thành bại, được mất sau khi lựa chọn, không cần lo lắng. Đây gọi là ‘tùy tướng mà li tướng’.

Thế nên, tôi đặc biệt nhấn mạnh ‘cố gắng bài trừ thiên kiến tốt, xấu của cá nhân.’ Bởi vì, người bình thường rất dễ theo lập trường tốt xấu của mình để nhận xét sự việc nào đó. Do đó mà không tránh khỏi giữa chọn lọc và đối đáp, dẫn đến rất nhiều phiền não. Dựa vào thiên chấp tốt của mình và thói quen để nhận xét, thường là một loại kích thích, thiếu thời gian xét lại mình, thông thường cũng không chú ý là có di chứng hay không, đương nhiên sẽ là mối lo về sau vô cùng.

Do đó, trước khi chúng ta làm việc phải yêu cầu ‘đem hết sức người mà làm việc,’ chính là tùy tướng, cũng chính là tùy duyên. Chúng ta đã đem hết sức rồi, thành hay bại là ở trời; thắng không kiêu, bại không nản, cũng không cần tranh công lao hay từ chối, như thế là ‘li tướng’. Thuyền chạy trên nước không để vết, chim bay không để lại hình bóng; thành bại, được mất đều không làm cho tâm lay động. Đây là bậc đại trí tuệ tự tại, giải thoát. Vì thế, tùy tướng cần phải có trí tuệ, li tướng cũng phải có trí tuệ.

Nhưng cảnh giới tu dưỡng này, chẳng phải trong thời gian ngắn mà có thể đạt được. Đối với người bình thường, phần đông mọi người đều theo vui buồn lẫn lộn ở hoàn cảnh bên ngoài. Nếu chúng ta đặt mục tiêu tùy tướng mà li tướng để tu dưỡng thì có thể thường nhắc nhở mình. Như thế, bất cứ là vui hay buồn, cũng không bị đắm chìm quá mức; cho dù chúng ta vấp ngã, cũng sẽ đứng lên nhanh chóng, không đến nỗi ngã một lần thì không đứng dậy được.