ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẠP TẬP LUẬN
An Huệ Bồ-tát tập hợp
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 15
Phẩm 4– 1: PHẨM LUẬN TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN
Thế nào là luận quyết trạch? Lược nói có 7 thứ, là: Nghĩa quyết trạch, thích quyết trạch, phân biệt hiển thị quyết trạch, đẳng luận quyết trạch, nhiếp quyết trạch, luận quỹ quyết trạch và bí mật quyết trạch.
Nghĩa quyết trạch, là y vào 6 nghĩa mà khởi quyết định chọn lựa. Những gì là 6 nghĩa? Là tự tính nghĩa, nhân nghĩa, quả nghĩa, nghiệp nghĩa, tương ưng nghĩa, và chuyển nghĩa. Tự tính nghĩa, là biến kế sở chấp v.v… 3 tự tính. Nhân nghĩa, là 3 nhân: 1. Sinh nhân, 2. Chuyển nhân, 3. Thành nhân. Sinh nhân, nghĩa là nhân v.v…4 duyên do đây có thể sinh các hữu vi. Chuyển nhân, nghĩa là do thứ tự đây pháp kia chuyển, như vô minh duyên hành v.v… cho đến tập diệt. Do thứ tự đây nhiễm tịnh chuyển. Thành nhân, nghĩa là hiện lượng có thể được, không thể được v.v… gồm trong chính thuyết. Do đây có thể thành lập nghĩa trước chưa rõ. Quả nghĩa, là 5 quả. Những gì là 5? 1. Dị thục quả, 2. Đẳng lưu quả, 3. Tăng thượng quả, 4. Sĩ dụng quả, 5. Ly hệ quả. Dị thục quả là thức A-lại-da v.v… Đẳng lưu quả là các thiện pháp đời trước khởi tương tục các thiện pháp sau. Tăng thượng quả là sức tăng thượng của cộng nghiệp tất cả hữu tình chiêu cảm khí thế gian. Sĩ dụng quả là gieo trồng gặt hái v.v… Ly hệ quả là do thánh đạo tùy miên vĩnh diệt. Nghiệp nghĩa, là 5 thứ nghiệp: 1. Thủ thụ nghiệp, 2. Tác dụng nghiệp, 3. Gia hành nghiệp, 4. Chuyển biến nghiệp, 5. Chứng đắc nghiệp. Nghĩa của 5 nghiệp này như trước đã giải thích trong nghiệp nhiễm. Tương ưng nghĩa, là 5 thứ tương ưng. Những gì là 5? 1. Tụ kết tương ưng, 2. Tùy trục tương ưng, 3. Liên xuyết tương ưng, 4. Phần vị tương ưng, 5. Chuyển biến tương ưng. Tụ kết tương ưng, nghĩa là ở trong nhà thì có gỗ đá v.v… Tùy trục tương ưng, nghĩa là tùy miên v.v… các nhân. Do có đây nên tuy phiền não v.v… không hiện hành mà nói tương ưng với chúng. Liên xuyết tương ưng, nghĩa là thân thuộc v.v… lần lượt tương ưng nhau. Phần vị tương ưng, nghĩa là nhiếp thụ ích v.v… tương tục phần vị. Do phần vị này hiện tiền gọi là tương ưng với lạc, cho đến tương ưng với bất khổ bất lạc. Chuyển biến tương ưng, nghĩa là khách trần phiền não v.v… hiện tiền là do có đây nên nói tương ưng với tham v.v…, tín v.v… Chuyển nghĩa, là 5 thứ chuyển: 1. Tướng chuyển, 2. An trụ chuyển, 3. Điên đảo chuyển, 4. Không điên đảo chuyển, 5. Sai biệt chuyển. Tướng chuyển, là sinh v.v… 3 tướng hữu vi, do 3 tướng sai biệt kia chuyển. An trụ chuyển, là pháp sở trì trụ trong năng trì mà chuyển. Điên đảo chuyển, là pháp tạp nhiễm không như thật chuyển. Không điên đảo chuyển, là pháp thanh tịnh như thật chuyển. Sai biệt chuyển, là tất cả hành quá khứ, vị lai, hiện tại, nội ngoại v.v…sai biệt chuyển.
Thích quyết trạch, nghĩa là có thể giải thích tông yếu khai phát nghĩa các kinh. Đây là thế nào? Lược có 6 thứ, là sở biến tri sự, sở biến tri nghĩa, biến tri nhân duyên, biến tri tự tính, biến tri quả, và kia chứng thụ. Do 6 nghĩa này tùy chỗ thích ứng giải thích khắp các kinh nên gọi là thích quyết trạch. Sở biến tri sự, là uẩn v.v… Sở biến tri nghĩa, là vô thường v.v… Biến tri nhân duyên, là tịnh Thi-la thủ căn môn v.v… Biến tri tự tính, là pháp Bồ-đề phần. Biến tri quả, là giải thoát. Kia chứng thụ, là giải thoát tri kiến.
Lại có 14 môn nói rõ thích quyết trạch. Những gì là 14? Là nhiếp thích môn, nhiếp sự môn, tổng biệt môn, hậu hậu khai dẫn môn, giá chỉ môn, chuyển biến tự môn, hoại bất hoại môn, an lập sổ thủ thú môn, an lập sai biệt môn, lý thú môn, biến tri đẳng môn, lực vô lực môn, biệt biệt dẫn môn, và dẫn phát môn. Nhiếp thích môn, nghĩa là nếu ở nơi đó tuyên thuyết các kinh duyên khởi sở dĩ cú nghĩa lần lượt ý thú thích nan. Nhiếp sự môn, nghĩa là nếu ở nơi đó đại lược việc học việc thánh đế v.v… biện thích các kinh. Như nói: Các ác chớ làm, làm các điều thiện điều phục tự tâm là thánh giáo của chư Phật. Trong Già-tha này là y vào 3 học nói như vậy v.v… Tổng biệt phần môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị trước dùng một câu nêu tổng quát, sau dùng các câu khác giải thích riêng biệt. Như trong Kinh Thập Nhị Hạ Tổng Tập trước nói tự viên tịnh tha viên tịnh, sau 2 câu theo thứ tự 5 câu 5 câu giải thích riêng v.v… Hậu hậu khai dẫn môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị có thể làm sở y các khai dẫn sau nên các pháp nói theo thứ tự như vậy. Như tín v.v… 5 căn theo thứ tự trước sau phải trước tin thụ mới phát tinh tiến, phát tinh tiến rồi nhiên hậu niệm trụ, đã niệm trụ rồi tâm được an định, tâm an định rồi mới biết như thật v.v… Giá chỉ môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị y chỉ việc này ngăn chận việc này, như trong Kinh Cân Kha Dụ y chỉ lậu tận ngăn chận 4 thứ Bổ-đặc-già-la, là 1. Ở ngoài chính pháp. 2. Ở trong chính pháp chỉ được văn tư liền sinh mừng đủ. 3. Ở trong tu tuệ tâm sinh khiếp nhược. 4. Tư lương chưa đủ, bảo các Tì-kheo: Ta biết, ta thấy, ta nói lậu tận … Như vậy một đoạn kinh văn ngăn chận thứ nhất. Không siêng năng tinh tiến tu tập quán hành là ngăn chận thứ hai. Nói ví dụ cái cán rìu là ngăn chận thứ ba. Nói ví dụ thuyền bè là ngăn chận thứ tư. Chuyển biến tự môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị chuyển các nghĩa chữ hiển rõ khác biến thành các nghĩa, như bất tín, bất tri ân v.v… Già-tha sẽ nói sau đây. Hoại bất hoại môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị hư mất không hư mất 2 đàng liền có 2 sai biệt, như trong Kinh Thiện Sinh nói. Hư mất, là nhiễm trước việc nương tựa trong ngoài. Việc nương tựa bên trong lấy 5 thủ uẩn làm tướng. Việc nương tựa bên ngoài lấy 4 nhà cửa vợ con làm tướng. Không hoại mất, nghĩa là xa lìa 2 thứ nhiễm trước này. Phương tiện hư mất, nghĩa là không xuất gia, tuy lại xuất gia mà hành vi phóng dật không được lậu tận. Trái nghịch với đây là không hoại mất phương tiện. Phật bảo Thiện Sinh: Này tộc tính tử ! Có 2 việc đều là việc tốt đẹp. Hoặc là cạo bỏ râu tóc đến ở nơi chẳng phải nhà. Hoặc hết các lậu cho đến tự xưng không thụ thân hậu hữu. Đây chính là hiển thị sự không hoại mất và phương tiện ấy. Lại cũng hiển thị sự hoại mất và phương tiện ấy, do trái với đây. Không mất sai biệt, nghĩa là như trong Già-tha nói rõ rằng cái tốt đẹp của Tì-kheo là tịch tĩnh lìa các lậu. Đây là hiển thị xuất gia và vô lậu. Để hiển thị lậu tận lại có các câu, như: Lìa dục lìa hệ phược, không chấp thụ Niết-bàn, nhiệm trì tối hậu thân, xô dẹp ma sai khiến. Đây là hiển thị do thế gian đạo xuất ly, do xuất thế đạo vĩnh đoạn hạ phần kết, vĩnh đoạn thượng phần kết, vĩnh đoạn nội y sự. Đây tức là lược nói nhân tận quả tận và cũng hiển thị hư mất sai biệt, vì do trái với đây. An lập sổ thủ thú môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị y nơi đó Bổ-đặc-già-la nói như vậy, trong Kinh Thủy Dụ y nơi 2 sổ thủ thú nói 3 thứ và 4 thứ sai biệt. Những gì là 2? Là dị sinh và dị sinh kiến đế. Sai biệt có 3, là không có bạch pháp, ít bạch pháp và nhiều bạch pháp. Sai biệt kiến đế có 4, là trụ 4 quả, 3 hữu, một học, và vô học. An lập sai biệt môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị 4 câu v.v… hỏi nghĩa, như Kinh Vô Thường nói: Chính quán là quán tất cả sắc ư? Hay quán sắc là tất cả chính quán ư? Nên lập 4 câu. Câu đầu là trong thụ v.v… 4 uẩn không có thường, tịnh, lạc, ngã, điên đảo tăng ích, lại quán sát chúng là nên biết nên đoạn. Câu thứ hai là trong sắc uẩn có thường, tịnh, lạc, ngã, điên đảo tăng ích, lại quán sát chúng là nên biết nên đoạn. Câu thứ ba là trong sắc uẩn không có thường, tịnh, lạc, ngã, điên đảo tăng ích, lại quán sát chúng là nên biết nên đoạn. Câu thứ tư là trong thụ v.v… 4 uẩn có thường, tịnh, lạc, ngã, điên đảo tăng ích, lại quán sát chúng là nên biết nên đoạn. Giống như nhân sắc lập 4 câu, nhân thụ v.v…tất cả nơi nên nói rộng cho đến nói như vậy. Nếu việc làm đã xong, tất cả tự gọi là không thụ hậu hữu ư? Hay tự gọi không thụ hậu hữu là tất cả việc làm đã xong ư? Đây nên lập 4 câu. Câu đầu là các dị sinh cho đến mạng chung hằng làm diệu hạnh. Câu thứ hai là là người đoạn kiến. Câu thứ ba là vô học. Câu thứ tư là trừ các tướng trên. Lý thú môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị nghĩa của 6 lý thú. Những gì là 6? 1. Chân nghĩa lý thú. 2. Chứng đắc lý thú. 3. Giáo đạo lý thú. 4. Ly nhị biên lý thú. 5. Bất tư nghị lý thú. 6. Ý lạc lý thú. Như vậy 6 thứ, trước 3 như thứ tự tùy theo sau 3 mà quyết định rõ, như trong Kinh Ái Vị Phật bảo các Tì-kheo trong sắc có vị, cho đến nói rộng. Trong đây hiển thị do lý thú xa lìa nhị biên là tăng ích tổn giảm quyết định rõ chân nghĩa. Lý thú có vị, có hoạn, có xuất ly, là hiển thị lìa bên tổn giảm. Đối với sắc cho đến đối với thức hiển thị lìa bên tăng ích, do hiển thị sự nhiễm ô thanh tịnh là chỉ y vào các uẩn không y vào ngã. Cho đến bảo các Tỳ-kheo: Ta tự chứng tri là do đây vậy. Cho đến đã chứng giác vô thượng chính đẳng Bồ-đề, là hiển thị do bất tư nghị lý thú quyết định rõ chứng đắc lý thú. Đây hiển thị chân chứng nội tự sở thụ. Như vậy tất cả kinh đều dạy dỗ lý thú, nên tùy theo lý thú ý lạc mà quyết định rõ ràng. Nghĩa là y vào sở biến tri sự, sở biến tri nghĩa, biến tri, biến tri quả, kia chứng thụ ý lạc nói kinh này. Sở biến tri sự, là sắc v.v… Sở biến tri nghĩa, là có mùi vị v.v… do nghĩa sai biệt này biết khắp các việc về sắc v.v… Biến tri, là trong 5 thủ uẩn do 3 chuyển như vậy biết khắp như thật. Biến tri quả, là từ đó chư thiên thế gian cho đến cả trời người đều được giải thoát cho đến giải thoát cùng tột. Chứng thụ kia, nghĩa là tự chứng biết ta đã chứng giác vô thượng chính đẳng Bồ-đề. Biến tri đẳng môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị y vào tướng chân thật tuyên thuyết nghĩa của tướng biến tri, nghĩa của tướng vĩnh đoạn, nghĩa của tướng tác chứng, nghĩa của tướng tu tập, tức là nghĩa của tướng phẩm loại sai biệt của tướng chân thật này v.v… Tướng năng y sở y thuộc tướng nghĩa. Biến tri v.v… chướng ngại pháp tướng nghĩa, biến tri v.v… tùy thuận pháp tướng nghĩa, tội lỗi và công đức tướng nghĩa trong bất biến tri và biến tri v.v… cũng đều có nói rộng trong Kinh Ái Vị. Chân thật tướng, nghĩa là khổ đế tướng trong thủ uẩn. Biến tri tướng, nghĩa là tức biết như thật ở đây có vị v.v… Vĩnh đoạn tướng, tác chứng tướng, nghĩa là từ tất cả thế gian được giải thoát, do vĩnh đoạn các chướng chứng đắc chuyển y. Tu tập tướng, nghĩa là lìa tâm điên đảo phần nhiều trụ trong tu tập. Phẩm loại sai biết tướng, nghĩa là chân thật tướng có 5 thứ sai biệt, là sắc cho đến thức. Biến tri tướng có 3 thứ sai biệt, là vị do vị, cho đến xuất ly do xuất ly. Biết như thật vĩnh đoạn tướng, tác chứng tướng, đều có 2 thứ sai biệt, là phiền não giải thoát. Khổ giải thoát là từ đây chư thiên thế gian cho đến người và trời đều được giải thoát, là hiển thị phiền não giải thoát. Để hiển thị nghĩa sai biệt này, tiếp đến nói xuất ly. Bởi vì sao? Vì do các kinh nói. Thế nào là xuất ly? Nghĩa là nếu ở nơi đó tham dục vĩnh diệt, tham dục vĩnh đoạn vì siêu quá tham dục. Như vậy do có khả năng sinh vị lai khổ phiền não được ly hệ nên khổ cũng giải thoát. Để hiển thị nghĩa sai biệt này nên tỉếp nói ly hệ phược cực giải thoát. Tu tập tướng có 2 thứ sai biệt, là kiến đạo và tu đạo. Lìa tâm điên đảo là hiển thị kiến đạo. Trụ nhiều trong tu tập là hiển thị tu đạo. Năng y sở y tướng thuộc tướng, là hiển thị chân thật tướng, là tính sở y về sau. Biến tri v.v…chướng ngại pháp tướng, nghĩa là như vậy 3 chuyển không biết như thật. Biến tri v.v… tùy thuận pháp tướng , nghĩa là quán sát tướng như chỗ an lập vị của sắc v.v…trong các pháp. Tướng tội lỗi trong bất biến tri v.v…, nghĩa là không giải thoát, cho đến không chứng giác vô thượng Bồ-đề. Trái ngịch với đây gọi là tướng công đức trong biến tri v.v… Lực vô lực môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị mỗi mỗi câu đều có công đức. Nếu không nói nghĩa một câu tức không hiểu rõ. Như Kinh Duyên Khởi nói: Đây có nên kia có, đây sinh nên kia sinh, nên vô minh duyên hành v.v… Các câu như vậy mỗi mỗi câu đều có công năng, như đã nói trong tướng duyên khởi ở trước. Biệt biệt dẫn môn, nghĩa là nếu ở nơi đó hiển thị trước nêu một câu kinh, sau dùng vô lượng nghĩa môn giải thích rộng, như kinh nói: Nếu Tì-kheo thành tựu 6 pháp còn có thể miệng thổi nát núi chúa Đại Tuyết sơn cao lớn, huống hồ cái thây chết vô minh. Những gì là 6? Nếu các Tì-kheo tâm sinh thiện xảo, cho đến phương tiện thiện xảo. Thế nào là Tì-kheo tâm sinh thiện xảo? Là nói Tì-kheo lìa dục, ác, bất thiện pháp, cho đến trụ đầy đủ trong đệ tứ tĩnh lự. Tìkheo như vậy tâm sinh thiện xảo. Thế nào là Tì-kheo tâm trụ thiện xảo? Là Tì-kheo khéo tu tập, có thuận thoái phần tĩnh lự chuyển thành thuận trụ phần. Tì-kheo như vậy tâm trụ thiện xảo. Thế nào là Tì-kheo tâm khởi thiện xảo? Là Tì-kheo khéo tu tập có thuận trụ phần tĩnh lự chuyển làm thuận thắng tiến phần. Tì-kheo như vậy là tâm khởi thiện xảo. Thế nào là Tì-kheo sinh trưởng thiện xảo? Là Tìkheo chưa sinh thiện pháp phương tiện khiến sinh, cho đến nói rộng 2 chính đoạn. Tì-kheo như vậy sinh trưởng thiện xảo. Thế nào là Tìkheo tổn giảm thiện xảo? Là Tì-kheo đã sinh ác pháp phương tiện khiến đoạn, cho đến nói rộng 2 chính đoạn. Tì-kheo như vậy là tổn giàm thiện xảo. Thế nào là Tì-kheo phương tiện thiện xảo? Là Tìkheo dục Tam-ma-địa đoạn hành thành tựu, tu như ý túc, cho đến nói rộng 4 như ý túc. Tì-kheo như vậy là phương tiện thiện xảo. Dẫn phát môn, nghĩa là nếu ở nơi đó thị hiện trong mỗi mỗi câu tuyên thuyết 4 câu, là mỗi câu mỗi câu lại chia làm 4 câu. Như vậy lần lượt dẫn phát đến vô biên, như kinh dẫn lời Phật nói: Các Bồ-tát có 4 thứ tịnh tu Bồ-đề pháp.: 1. Khéo tu không tính. 2. Trong các chúng sinh tâm không quái ngại. 3. Thường cùng làm lợi ích với các Bồ-tát chúng. 4. Không nhiễm tâm rộng mở pháp thí. Như vậy 4 pháp trong tự lợi lợi tha môn tịnh tu Bồ-đề vì muốn đối trị 4 thứ sở trị chướng. Những gì là 4? 1. Tham đắm mùi vị thiền định. 2. Giận dữ. 3. Mạn. 4. Ái trước lợi dưỡng. Lại có sai biệt. Trước tiên hiển thị phiền não đoạn đối trị, những cái khác hiển thị xa lìa hạ liệt thừa. Do các Bồ-tát có 3 thứ nhân duyên xa hạ liệt thừa: 1. Nhiếp thụ tất cả hữu tình. 2. Người đã nhập pháp khiến được thành thục. 3. Người chưa nhập pháp khiến nhập chính pháp. Lại có sai biệt là ban đầu hiển trí tư lương, ngoài ra hiển phúc tư lương. Ba sai biệt đây là nhiếp thụ thành thục khiến nhập 3 môn đều có thể sinh trưởng phúc thắng phẩm. Lại do 2 duyên sai biệt: 1. Do ý lạc, nghĩa là cùng với từ tâm. 2. Do chính hành, tức là nói chứng giáo 2 hành. Lại các Bồ-tát thành tựu 4 pháp có thể tu không tính: 1. Trong nội tâm không dao động. 2. Sức tín giải trạch gìn giữ. 3. Trong tất cả pháp thông đạt như thật. 4. Giải thoát tất cả chướng. Như vậy 4 pháp hiển thị tu sở y và tu sai biệt. Lấy gì làm y? Là tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Thế nào là tu sai biệt? 1. Do dị sinh đạo, tức sức văn tu duy trì. 2. Do học đạo, tức đạt đến thật tính các pháp. 3. Do vô học đạo, tức thoát tất cả chướng. Lại các Bồ-tát thành tựu 4 pháp, đối với các hữu tình tâm không quái ngại: 1. Tu từ. 2. Không hủy chính hành. 3. Không phân biệt tướng. 4. Kham chịu cực nhọc. Như vậy 4 pháp hiển thị sở y và tâm không quái ngại sai biệt. Cái gì là sở y? Là chỗ tu từ đời quá khứ. Thế nào là tâm không quái ngại sai biệt? Là trụ nơi tà hạnh tâm không trái phạm, nơi oan gia không phân biệt oán tướng, vì lợi ích người siêng năng khô biếng trễ. Lại các Bồtát thành tựu 4 pháp thường hay nhiếp ích các chúng Bò-tát: 1. Không tự cân lường. 2. Chính giáo hối chuyển. 3. Nhu hòa dễ có thể ở chung. 4. Siêng năng phụng sự cúng dường. Như vậy 4 pháp hiển thị sở y và nhiếp ích sai biệt. Những gì là y? Là xô dẹp kiêu mạn. Thế nào là nhiếp ích sai biệt? Là 3 câu nói sau. Trong kém, bằng, và hơn 3 thứ, Bồ-tát theo như thứ tự. Lại các Bồ-tát thành tựu 4 pháp có thể tâm không nhiễm rộng mở pháp thí: 1. Giỏi thông đạt chướng nạn. 2. Khéo có thể khiển trừ ngu si trầm một. 3. Hoan hỷ nhiếp thụ. 4. Ái lạc làm pháp nương cậy. Như vậy 4 pháp hiển thị sở y và quảng khai pháp thí sai biệt. Những gì là y? Nghĩa là khéo thông đạt lợi dướng cung kính, là chướng nạn pháp. Thế nào là quảng khai pháp thí sai biệt? Nghĩa là thị hiện dạy dỗ, khen ngợi, khuyến khích, vui mừng. Thị hiện là đối với người ngu si trầm một. Dạy dỗ khuyến khích là đối với người phóng dật, tự khinh hạ liệt. Vui mừng là đối với người chính hành viên mãn. Do tính ái lạc pháp nên trong 4 câu trước mỗi một câu lại dẫn phát 4 câu sai biệt. Như vậy gọi là dẫn phát môn. Phân biệt hiển thị quyết trạch, nghĩa là như đã nói trong uẩn v.v… các pháp tùy chỗ thích ứng, làm một hành thuận câu trước thuận câu sau, 2 câu, 3 câu, 4 câu thuật câu chấp nhận, câu ngăn cản v.v… Một hành, tức vấn luận pháp. Nghĩa là dùng một pháp cho các pháp khác, mỗi mỗi hỏi lẫn nhau rồi trừ bỏ pháp này. Rồi lại dùng pháp thứ hai hỏi lẫn nhau với các pháp khác, như vậy mỗi mỗi câu hỏi, hỏi tất cả pháp. Như có câu hỏi: Nếu thành tựu nhãn xứ, cũng thành tựu sắc xứ ư? Giả như thành tựu sắc xứ, cũng thành tựu nhãn xứ ư? Đây nên đáp thuân theo câu hỏi trước. Nếu thành tựu nhãn xứ, cũng thành tựu nhĩ xứ ư? Đây nên lập ra 4 câu mà đáp. Như vậy cho đến đối ý xứ, như lý nên nói. Nếu thành tựu nhãn xứ thì cũng thành tựu pháp xứ ư? Đây cũng đáp thuận câu hỏi trước. Nếu thành tựu sắc xứ cũng thành tựu nhãn xứ ư? Giả như thành tựu nhãn xứ cũng thành tựu sắc xứ ư? Đây nên đáp thuận theo câu sau. Nếu thành tựu sắc xứ cũng thành tựu nhĩ xứ ư? Đây cũng nên đáp thuận theo câu sau. Như vậy cho đến đối pháp xứ, như lý nên nói. Nếu thành tựu nhĩ xứ cũng thành tựu nhãn xứ ư? Đây nên lập 4 câu mà đáp. Như vậy cho đến đối pháp xứ, như lý nên nói. Như vậy mỗi mỗi lần lượt giảm dần, các xứ nên nói như lý lẫn nhau. Thuận câu trước, nghĩa là ở trong các pháp, tùy lấy 2 pháp hỏi lẫn nhau, y chỉ pháp trước mà đáp câu hỏi. Như có câu hỏi: Nếu là trí thì cũng biết chăng? Giả như biết thì cũng là trí chăng? Đây nên thuận theo câu trước mà đáp. Các trí cũng là sở tri, nhưng có cái sở tri chẳng phải là trí, là các pháp khác. Thuận câu sau, tức là 2 pháp lần lượt hỏi lẫn nhau, y chỉ pháp sau để đáp câu hỏi. Như hỏi: Sở thủ cũng là năng thủ chăng? Hay năng thủ cũng là sở thủ chăng? Đây nên đáp thuận theo câu sau: Các năng thủ cũng là sở thủ, nhưng có sở thủ chẳng phải năng thủ. Nghĩa là sắc v.v… 5 cảnh và pháp xứ. Trừ tương ưng 2 câu, nghĩa là câu hỏi nên đáp 2 câu không được có những câu khác. Như có dựa vào uẩn kiến lập có dựa vào giới kiến lập mà đặt ra câu hỏi: Uẩn số cũng là giới số chăng, hay là giới số cũng là uẩn số chăng? Đây nên làm 2 câu đáp. Hoặc uẩn số chẳng phải giới số. Nghĩa là sắc uẩn, thức uẩn. Bởi vì sao? Vì không có 1 giới hoàn toàn gồm tướng của sắc uẩn hoặc hoàn toàn gồm tướng của thức uẩn, hoặc giới số chẳng phải uẩn số là pháp giới. Ba câu, nghĩa là trong câu hỏi chỉ có 3 câu đáp. Như hỏi: Uẩn số cũng là xứ số chăng, hay xứ số cũng là uẩn số chăng? Đây nên đáp 3 câu. Hoặc uẩn số chẳng phải xứ số. Nghĩa là sắc uẩn hoặc xứ số chẳng phải uẩn số là pháp xứ. Hoặc uẩn số cũng là xứ số. Nghĩa là thức uẩn ý xứ đều chẳng phải số, nhất định không có trong uẩn xứ. Bốn câu, nghĩa là trong câu hỏi làm 4 câu đáp. Như hỏi: Nếu thành tựu nhãn căn cũng thành tựu nhĩ căn chăng , hay thành tựu nhĩ căn cũng thành tựu nhãn căn chăng? Nên đáp 4 câu. Câu đầu là người điếc nhãn căn đã sinh không bỏ. Câu thứ hai là người mù nhĩ căn đã sinh không bỏ. Câu thứ ba là nhãn nhĩ căn đã sinh không bỏ. Câu thứ tư trừ các tướng trên. Thuật khả cú, nghĩa là nơi câu hỏi thuận như vậy mà đáp. Bởi không như vậy thì gọi là ngăn chận câu hỏi. Như hỏi: Các hành ngoài uẩn gồm trong mấy đế? Phải ngăn chận trả lời. Không có một hành nào ngoài uẩn cả. Đẳng luận quyết trạch, nghĩa là y vào bát hà từ và bát nhược từ vấn đáp quyết trạch tất cả chân ngụy. Bát hà từ, là dùng 8 chữ hà, có nghĩa là sao, cái gì, thế nào v.v… như hỏi: Ai là vô sở đắc? Là Bồ-tát Ma-ha-tát đã được Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Chỗ nào là vô sở đắc? Là tướng của sở thủ năng thủ. Cái dụng gì là vô sở đắc? Là dụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì cái gì là vô sở đắc? Là vì cứu thoát tất cả hữu tình khiến trụ chính đẳng Bồ-đề. Do gì mà vô sở đắc? Là do gặp Phật ra đời nghe chính pháp, như lý tác ý pháp tùy pháp hành. Cái gì là vô sở đắc? Là tất cả pháp là vô sở đắc. Nơi cái gì là vô sở đắc? Là nơi thắng giải hành địa cho đến thứ 10 Bồ-tát địa. Có bao nhiêu vô sở đắc? Có 11 thứ: 1. Đã sinh đã diệt. 2. Chưa sinh. 3. Hiện tiền. 4. Nhân lực sinh ra. 5. Sức của thiện hữu sinh. 6. Tất cả pháp vô sở đắc. 7. Không tính vô sở đắc. 8. Có ngã mạn. 9. Không ngã mạn. 10. Chưa đủ tư lương. 11. Đã đủ tư lương. Như vậy 11 vô sở đắc tùy chỗ có quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc kém hoặc hơn, hoặc xa hoặc gần theo thứ tự phải biết. Giống như hà từ, nhược từ, nghĩa là những từ có chữ nếu, cũng vậy. Nghĩa là nếu năng vô sở đắc, nếu sở vô sở đắc, nếu dụng vô sở đắc, nếu là vô sở đắc, nếu do vô sở đắc, nếu kia vô sở đắc, nếu ở nơi vô sở đắc, nếu vậy vô sở đắc. Như vậy tất cả xứ đều phải biết hết. Lại có 4 thứ đạo lý của đẳng luận quyết trạch, là năng phá, năng lập, năng đoạn, và năng giác. Năng phá, nghĩa là ngăn chận và phá chỗ lập luận của tông kia. Ác thuyết kia không phải là thiện sự. Năng lập, nghĩa là kiến lập ngôn luận của tông mình. Đây là thiện thuyết, chân thật thiện sự. Năng đoạn, nghĩa là có thể giải quyết các thứ kia sinh nghi. Năng giác, nghĩa là khai mở tâm ngu khiến hiểu diệu nghĩa. Lại có 5 thứ đạo lý của đẳng luận quyết trạch. Như tụng nói:
Tự tính sở y thức,
Thanh tịnh với phương tiện,
Phải biết 5 đều 6,
Quán các pháp sở tri.
Tự tính có 6 là: 1. Tự tính. 2. Nhân. 3. Cảnh giới. 4. Hành tướng. 5. Đẳng vô gián. 6. Tăng thượng. Sở y có 6 là: 1. Sở y. 2. Y. 3. Nhiếp. 4. Tương ưng. 5. Thành tựu. 6. Tạp nhiễm. Thức có 6 là: 1. Thức. 2. Thụ. 3. Tưởng. 4. Tác ý. 5. Trí. 6. Biến tri. Thanh tịnh có 6 là: 1. Thanh tịnh. 2. Từ. 3. Xuất ly. 4. Thậm thâm. 5. Giải thoát môn. 6. Nhập tất cả pháp. Phương tiện có 6 là: 1. Phương tiện. 2. Thông đạt. 3. Tu. 4. Viên chứng. 5. Cứu cánh. 6. Dẫn phát.
Tự tính có 4 thứ, là thật tự tính, giả tự tính, thế tục tự tính, và thắng nghĩa tự tính. Nhân có 4 thứ, là sinh nhân, thành nhân, chuyển nhân, và hoàn nhân. Cảnh giới có 7 thứ, là hữu tướng cảnh, hữu phân biệt cảnh, đối trị cảnh, an trụ cảnh, tăng ích cảnh, tổn giảm cảnh, và tự tại cảnh. Hành tướng có 5 thứ, là phân tích hành tướng, sai biệt hành tướng, chính giải hành tướng, quán sát hành tướng, và tác tùy tác hành tướng. Đẳng vô gián có 9 thứ, là tự loại đẳng vô gián, dị loại đẳng vô gián, Tam-ma-bát-để đẳng vô gián, thoái đẳng vô gián, sinh đẳng vô gián, lân thứ đẳng vô gián, cách việt đẳng vô gián, khởi đẳng vô gián, và diệt đẳng vô gián. Tăng thượng có 7 thứ, là thủ tăng thượng, sinh tăng thượng, trụ tăng thượng, thụ dụng tạp nhiễm tăng thượng, thanh tịnh tăng thượng, điền tăng thượng, và chấp thụ tăng thượng. Sở y có 8 thứ, là giới sở y, thú sở y, châu chử sở y, thôn điền sở y, Bổ-đặc-già-la sở y, vô bệnh sở y, Thi-la sở y, và trang nghiêm sở y. Y có 5 thứ, là chúng cụ y, thiện hữu y, pháp y, tác ý y, và Tamma-bát-để y. Nhiếp có 11 thứ, là giới nhiếp, tướng nhiếp, chủng loại nhiếp, phần vị nhiếp, trợ bạn nhiếp, thời nhiếp, phương nhiếp, cụ phần nhiếp, nhất phần nhiếp, cánh hỗ nhiếp, và thắng nghĩa nhiếp. Tương ưng có 10 thứ, là tha tính tương ưng, bất tương vi tương ưng, biến hành tương ưng, bất biến hành tương ưng, sở trị tương ưng, năng trị tương ưng, tằng tập tương ưng, vị tằng tập tương ưng, hạ liệt tương ưng, và quảng đại tương ưng. Thành tựu có 3 thứ, là chủng tử thành tựu, tự tại thành tựu, hiện hành thành tựu. Tạp nhiễm có 4 thứ, là phiền não tạp nhiễm, nghiệp tạp nhiễm, sinh tạp nhiễm, chướng tạp nhiễm. Thức có 6 thứ, là nhãn thức, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức. Thụ có 3 thứ, là khổ, lạc, bất khổ bất lạc. Tưởng có 20 thứ, là vô thường tưởng, vô thường khổ tưởng, khổ vô ngã tưởng, yếm ly thực tưởng, nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng, quá hoạn tưởng, đoạn tưởng, ly dục tưởng, diệt tưởng, tử tưởng, bất tịnh tưởng, xanh bầm tưởng, thối rữa tưởng, phá hoại tưởng, chương sình tưởng, ăn nuốt tưởng, máu me bê bết tưởng, ly tán tưởng, xương trắng tưởng, không quán tưởng. Tác ý có 7 thứ, là liễu tướng tác ý, thắng giải tác ý, viễn ly tác ý, nhiếp lạc tác ý, quán sát tác ý, phương tiện cứu cánh tác ý, phương tiện cứu cánh quả tác ý. Trí cóa 10 thứ, là pháp trí, loại trí, thế tục trí, tha tâm trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí. Biến tri có 9 thứ, là Dục hệ kiến khổ tập sở đoạn đoạn biến tri, Sắc Vô sắc hệ kiến khổ tập sở đoạn đoạn biến tri, Dục hệ kiến diệt sở đoạn đoạn biến tri, Sắc Vô sắc hệ kiến diệt sở đoan đoạn biến tri, Dục hệ kiến đạo sở đoạn đoạn biến tri, Sắc Vô sắc hệ kiến đạo sở đoạn đoạn biến tri, thuận hạ phần kết đoạn biến tri, Sắc ái tận biến tri, Vô sắc ái tận biến tri. Thanh tịnh có 7 thứ, là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, độ nghi thanh tịnh, đạo phi đạo trí kiến thanh tịnh, hành trí kiến thanh tịnh, hành đoạn trí kiến thanh tịnh, Từ có 8 thứ, là 8 từ có chữ hà là sao, thế nào, cái gì v.v… và 8 từ có chữ nhược là nếu. Xuất ly có 6 thứ, là thế gian xuất ly, Thanh Văn xuất ly, Độc Giác xuất ly, Đại thừa xuất ly, không rốt ráo xuất ly, rốt ráo xuất ly. Thậm thâm có 10 thứ, là tướng thậm thâm, tạp nhiễm thậm thâm, thanh tịnh thậm thâm, duyên khởi thậm thâm, nghiệp thậm thâm, trí thậm thâm, sinh thậm thâm, Bồ-đề thậm thâm, Phật thậm thâm, giáo thậm thâm. Giải thoát môn có 3 thứ, là không, vô nguyện, vô tướng. Nhập tất cả pháp có 8 thứ, là tất cả pháp dục là căn bản, tác ý sinh, xúc nhóm họp khởi, thụ dẫn nhiếp, định là thượng thủ, tuệ là tối thắng, giải thoát là kiên cố, xuất ly là tận cùng. Phương tiện có 7 thứ, là nhiệm trì phương tiện, Du-già phương tiện, tướng phương tiện, quyết trạch phương tiện, cách việt phương tiện, lân thứ phương tiện, lân thứ cách việt phương tiện. Thông đạt có 5 thứ, là hữu tướng văn tự thông đạt, sở nhiếp năng nhiếp thông đạt, trì thông đạt, tốc thông đạt, pháp tính thông đạt. Tu có 4 thứ, là đắc tu, tập tu, trừ khử tu, đối trị tu. Viên chứng có 4 thứ, là quả viên chứng, ly dục viên chứng, căn mãn túc viên chứng, công đức viên chứng. Cứu cánh có 6 thứ, là trí cứu cánh, đoạn cứu cánh, tất cánh cứu cánh, bất tất cánh cứu cánh, hạ liệt cứu cánh, quảng đại cứu cánh, . Dẫn phát có 20 thứ, là vô lượng dẫn phát cho đến tất cả thứ diệu trí dẫn phát.
HẾT QUYỂN 15