LỜI PHẬT DẠY

SI MÊ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

SI MÊ
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- TỔN THẤT LỚN NHẤT

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm điều tổn thất này. Thế nào là năm?

Tổn thất bà con, tổn thất tài sản, tổn thất vì bệnh tật, tổn thất giới và tổn thất tri kiến. Này các Tỷ kheo, không do nhân tổn thất bà con, không do nhân tổn thất tài sản, không do nhân tổn thất vì bệnh tật mà các loài hữu tình sau khi mạng chung sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ kheo, chính do nhân tổn thất giới, tổn thất tri kiến mà các loài hữu tình sau khi mạng chung sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, có năm tổn thất này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Thành tựu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.547)

LỜI BÀN:

Có thể nói, tổn thất và mất mát là thuộc tính cơ bản của đời sống. Những gì ta đang có hôm nay sẽ rời bỏ chúng ta ra đi bất cứ lúc nào. Nếu may mắn, những gì ta yêu thương luôn gắn bó thì một ngày nào đó chúng ta cũng phải lìa bỏ nó. Bởi chẳng ai có thể đem theo bất cứ vật gì khi nhắm mắt, xuôi tay; có chăng là nghiệp lực của chính mình.

Mất mát dẫu không ai muốn nhưng đó là sự thật, vấn đề là xác định tổn thất cái gì trong cuộc đời là to lớn nhất. Tài sản chăng? Người ta thường an ủi nhau của đi thay người. Mat của thì có thể làm lại được. Những người thân mất đi là tổn thất lớn, vì người chết không bao giờ sống lại và chúng ta mất các điểm tựa quan trọng trong đời. Bệnh tật, hoạn nạn đã cướp đi một phần sức khỏe và thân thể cũng là tổn thất lớn. Tuy vậy, những tổn thất này dù lớn nhưng chỉ ảnh hưởng đến trong đời này.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, đánh mất nhân cách đạo đức (giới) và không nhận thức đúng đắn (tri kiến) là tổn thất lớn nhất. Chính sự suy thoái đạo đức và những quan niệm sống lệch lạc, tà kiến là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sa đọa, tạo ra khổ đau cho mình và người trong hiện tại và cả tương lai.

Ngày nay xã hội đang báo động về băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách dẫn đến sự gia tăng tham nhũng, hủ hóa, suy đồi và các tệ nạn xã hội… Những biểu hiện tiêu cực này luôn đi kèm với nhận thức không đúng đắn, quan niệm sống lầm lạc như thực dụng, hưởng thụ, tuyệt đối hóa sức mạnh của đồng tiền, bất chấp nhân quả, tội phước v.v… Chính các hành vi xấu ác phát xuất từ quan điểm sai lầm là tác nhân của đọa lạc vào ác thú, cõi dữ và địa ngục.

Do vậy, người con Phật nhan thức sâu sắc lời Phật dạy, luôn thiết lập và duy trì nền tảng đạo đức bằng cách giữ gìn năm giới cấm. Quan trọng hơn, kiện toàn nhận thức và quan điểm sống theo chánh kiến: thấy biết đúng chân lý, tin sâu nhân quả tội phước, làm lành tránh dữ, tương thân tương ái, chia sẻ khổ đau mất mát với mọi người…

 

2- VỰC THẲM

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trên núi Gìjjhakùta. Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, chúng ta hãy đi đến Patibhànakùta.

Khi đến Patibhànakùta, một Tỷ kheo thấy vực thẳm liền bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, thật là lớn, thật đáng sợ hãi, vực thẳm này! Không biết có vực thẳm nào khác lớn hơn và đáng sợ hãi hơn không?

Này các Tỷ kheo, có vực thẳm khác lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này. Đó là các Sa môn nào không biết rõ như thật: đây là Khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là Khổ diệt và đây là con đường đưa đến Khổ diệt. Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì hoan hỷ với các hành nên tạo dựng các hành đưa đến sanh, già… ưu, não. Vì tạo dựng các hành đưa đến sanh, già… ưu, não nên bị rơi vào vực thẳm của sanh, họ rơi vào vực thẳm của già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.

Do vậy, này các Tỷ kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: Đây là Khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là Khổ diệt và đây là con đường đưa đến Khổ diệt.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Vực thẳm, phần Vực thẳm, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.651)

LỜI BÀN:

Trong tự nhiên, sâu nhất có lẽ là những vực thẳm trong lòng đại dương. Đối với con người, vực thẳm khó dò là tấm lòng ngổn ngang bao suy tư, toan tính. Dù sâu đến mấy, vực thẳm của đại dương vẫn đo được. Nhưng lòng người thì khó lường bởi tận trong bản chất vốn dĩ thậm thâm, thường bất chợt đổi thay trong từng sát na của các thái cực buồn vui, thương ghét, hạnh phúc và khổ đau, cao thượng và đớn hèn…

Đứng trước vực thẳm của tự nhiên, con người thường có cảm giác sợ hãi. Đối diện với vực thẳm của lòng người, ta cảm thấy ghê tởm và kinh khiếp. Nhưng trớ trêu thay, ít ai thấu hiểu và cảm nhận hết cái đốn mạt, dối trá và nguy hiểm của vực thẳm lòng mình. Trong tấn bi hài kịch cuộc đời, những chiếc mặt nạ liên tục được mang vào rồi lại cởi ra, riết rồi tự thân của những diễn viên ấy không xác định được đâu là mặt thật của chính mình. Những chiếc mặt nạ ấy là bọt bèo sôi lên từ vực thẳm của tâm thức, là mặt nổi của vọng tưởng vốn gian trá, xảo quyệt và muôn thuở lưu manh.

Trong đạo lộ giải thoát, một vực thẳm sâu hơn, nguy hiểm hơn bất kỳ vực thẳm tuyệt mù nào là vô minh, không nhận ra chân lý Tứ Thánh đế. Theo tuệ giác của Thế Tôn, không nhận chân được Bốn sự thật mới là vực thẳm lớn nhất và nguy hiểm nhất. Chấp nhận sinh tử và ưu não một cách tự nguyện và thích thú, thậm chí xem đó là cứu cánh của một đời người, một căn bệnh nan y của chúng sinh có tiền sử vô minh, gần như hết phương cứu chữa.

Muốn vượt ra khỏi hố thẳm cuộc đời và của chính tự thân, những người con Phật phải quay về tự tâm, nhìn thẳng vào cuộc đời và chính mình. Để rồi từ đó, cảm nhận được những sự thật về con người và thế giới, thấy được nguy hiểm của vực thẳm vọng tâm để xa lìa, đồng thời thể nhập, an trú chơn tâm mà cụ thể là giác ngộ Bốn sự thật cao thượng.

 

3- RỬA TỘI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, Bà la môn Sangàrava trú ở Sàvatthi là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh. Rồi Bà la môn Sangàrava đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nói với Bà la môn Sangàrava:

Có đúng sự thật chăng, này Bà la môn, ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh?

Này Bà la môn, nhằm mục đích lợi ích gì, ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh?

Ở đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi làm ác nghiệp gì, buổi chiều tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy; buổi tối tôi làm ác nghiệp gì, buổi sáng hôm sau tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy. Do mục đích như vậy, tôi là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh.

Này Bà la môn:

Chánh pháp là ao hồ

Giới là bến nước tắm

Không cấu uế, trong sạch

Được thiện nhơn tán thán

Là chỗ bậc có trí

Thường tắm trừ uế tạp

Khi tay chân trong sạch

Họ qua bờ bên kia.

Khi được nghe như vậy, Bà la môn Sangàrava phát tâm quy y Phật.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Sangarava, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.401)

LỜI BÀN:

Biết ý thức, quan tâm đến những hành vi của tự thân trong đời sống hàng ngày để nhận diện tốt xấu là điều đáng quý. Một người, muốn tự hoàn thiện mình thì phải thực tập tự vấn lương tâm mỗi ngày. Có thể vao mỗi buổi sáng, lúc mới thức dậy, dành vài phút yên lặng để xem ngày hôm qua ta đã làm gì và ngày hôm nay công việc sẽ đến với ta thế nào? Điều gì hại mình, hại người cần ăn năn để từ bỏ và điều gì lợi mình, lợi người thì tiếp tục phát huy.

Bà la môn Sangàrava là người có chí hướng thiện, tìm cách khắc phục những lầm lỗi của bản thân hàng ngày. Chỉ có điều, ông ta lạc vào tà kiến, tin tưởng rằng nước có thể rửa sạch tội lỗi. Vì thế, ông tinh tấn tắm gội hàng ngày để mong rằng nước sẽ cuốn đi tất cả tội lỗi mà mình đã tạo ra. Và tất nhiên, kết quả của sự nỗ lực này vẫn rất khiêm tốn, chỉ ý thức mà không hóa giải được tội lỗi, có chăng chỉ là được cảm lạnh mà thôi.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, tội lỗi được tạo ra từ hành động (thân), lời nói (khẩu), tư duy (ý) thì phải nhằm ngay nơi ba nghiệp mà sám hối, thanh lọc và tịnh hóa. Trong đó, ý là cội rễ, cứ điểm xuất phát đầu tiên để tạo ra ác nghiệp muôn hình vạn trạng. Do vậy, “Tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu là cốt lõi của phương thức diệt tội theo Phật giáo. Người con Phật luôn ý thức về sự tạo nghiệp và luôn sám hối những tội lỗi của mình bằng cách nương theo bến bờ giới luật để tắm gội thân tâm trong Chánh pháp. Nương vào Pháp và Luật để chuyển hóa phiền não, rửa sạch tội lỗi, thanh tịnh thân tâm là biện pháp khả thi cho mọi người hướng đến giải thoát, an vui.

 

4- MÙ LÒA

Một thời, Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Tất cả, này các Tỷ kheo, là mù lòa. Và này các Tỷ kheo, cái gì là mù lòa?

Mắt, này các Tỷ kheo, là mù lòa. Các sắc là mù lòa. Nhãn thức là mù lòa. Nhãn xúc là mù lòa. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là mù lòa. Mù lòa bởi cái gì? Ta nói rằng mù lòa bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não…

Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, này các Tỷ kheo, là mù lòa…

Thấy vậy, này các Tỷ kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy nhàm chán cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã lam, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

(ĐTKVN, Tương Ưng bộ IV, chương 1, phẩm Tất cả, phần Mù lòa, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.40)

LỜI BÀN:

“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời…”, thật vậy, trừ những người tật nguyền, mọi người đều được cha mẹ và cuộc đời ban cho một đôi mắt sáng, tinh tường. Không chỉ đôi mắt mà các giác quan khác đều đầy đủ, khỏe mạnh, có thể nhận thức tất cả các sự vật, hiện tượng. Vậy mà Thế Tôn dạy tất cả đều mù lòa. Chẳng lẽ, chúng ta tật nguyền thật sao?

Không, mắt của ta rất sáng, tai nghe rất rõ… chúng ta không hề bị thương tật. Chỉ có điều nhận thức giác quan của chúng ta về thế giới rất giới hạn, phiến diện, hầu hết là sai lầm. Sự thấy biết ấy bị hạn chế, che lấp bởi nghiệp lực nên đa phần không nhận thức đúng như thật. Đã không nhận thức đúng thì chẳng khác nào người mù “thấy” rất rõ thế giới muôn hồng ngàn tía chỉ thuần một màu đen.

Bản chất của sự mù lòa, theo tuệ giác Thế Tôn là mù lòa bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… Phản ứng tình cảm (ái) của chúng ta; thương, ghét hoặc dửng dưng vô cảm chính là nền tảng của tham, sân, si đều bắt nguồn tư các cảm thọ vui, khổ hoặc không vui không khổ. Mà những cảm thọ thì do giác quan (căn), đối tượng giác quan (trần), nhận thức (thức) và sự kết hợp giữa chúng (xúc) tạo nên. Tất cả đều là biểu hiện của nghiệp vốn dĩ tăm tối, mù lòa. Nghiệp lực chi phối nhận thức, tình cảm đồng thời nhận thức và tình cảm ấy lại tạo thành nghiệp lực. Và chính vòng xoáy vô tận ấy đó tạo ra thân phận mù lòa, bởi mù lòa nên lẩn quẩn trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não…

Tu học chính là mở to đôi mắt, nhìn thẳng vào cuộc đời để thấy đúng sự thật. Vận dụng tuệ giác về duyên sinh và vô ngã tính của tất cả sự vật hiện tượng để cảm nhận cuộc sống. Dưới sự soi rọi, minh triết của tuệ giác ấy thì người con Phật thấy rất rõ ràng cơ chế vận hành của căn, trần, thức và xúc, đồng thời mỉm cười với sự thật duyên sanh, giả hợp và nhất là vững vàng tự chủ không bị những cảm tho sai khiến, đánh lừa. Nhàm chán căn, trần, thức, xúc và cảm thọ vì thấy rõ bản chất của chúng vốn mù lòa. Nhờ nhàm chán nên ly tham, do ly tham mà thành tựu giải thoát.

 

5- TRÓI BUỘC VÀ NGĂN CHE

Một thời, Thế Tôn trú giữa những người Sumbha, tại thị trấn Setaka dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm cấu uế này đối với vàng. Đó là sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Do những cấu uế này, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn và không chân chánh chịu sử dụng.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có năm cấu uế của tâm. Đó là dục tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi. Chính những cấu uế này khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn và không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, phẩm Triền cái, phần Cấu uế, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.146)

LỜI BÀN:

Trong công nghệ luyện kim, việc thanh lọc các tạp chất ra khỏi quặng là một trong những công đoạn quan trọng để tác thành chất lượng sản phẩm. Cũng vậy, trong lĩnh vực luyện tâm, điều tối cần là phải loại bỏ những cấu uế, dơ bẩn ra khỏi tâm thì mới có thể điều phục tâm trở thành thanh tịnh.

Muốn thành tựu thiền định, trước hết và quan trọng nhất phải vượt qua chướng ngại năm triền cái. Dục tham, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi ngờ là năm thứ tạp chất, cấu uế khiến cho tâm bị trói buộc vào các dục va làm ngăn che, chướng ngại thiền định. Do vậy, bước đầu thanh lọc tâm cũng chính là nỗ lực tịnh hóa năm món trói buộc và ngăn che này.

Tâm chúng ta chẳng bao giờ yên lặng mà luôn bị khuấy động. Chỉ

cần ngồi yên vài phút thôi thì rất dễ dàng nhận ra điều ấy. Bước đầu thực tập thiền định, năm triền cái này là trở lực chủ yếu khiến hành giả khó đạt đến nhất tâm. Tuy nhiên, nếu hành giả tinh tấn nhiếp tâm vào đề mục (niệm hơi thở, niệm Phật hay trì chú…) đồng thời ghi nhận một cách rõ ràng về sự xuất hiện, tồn tại và ra đi của năm triền cái cùng các phiền não khác (nếu có) thì dần dần sẽ thiết lập được chánh niệm, an trú vững chãi trong đề mục.

Chánh niệm là vũ khí sắc bén để tiêu diệt năm triền cái. Do đó, thực tập để phát huy chánh niệm thường trực đến cao độ là nền tảng quan trọng của thiền định. Vượt qua sự trói buộc và ngăn che của triền cái mới có khả năng tiến vào Sơ thiền. Nhiếp phục và chuyển hóa được năm triền cái là hành giả đã bước lên một giai đoạn mới trong lộ trình thăng hoa tâm. Từ Sơ thiền lên đến Tứ thiền cùng với nỗ lực thiền quán về vô ngã, triệt tiêu mười kiết sử tức chứng Thánh vị A la hán là một chặng đường dài, điểm xuất phát vẫn là đoạn trừ năm triền cái. Cũng như vàng ròng có thể làm vô số đồ trang sức quý báu nhưng trước hết cần phải gạn đục khơi trong.

 

6- CỘI NGUỒN CỦA BẤT AN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, sau khi đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Có bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?

Thưa Đại vương, có ba loại pháp, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, sân pháp và si pháp khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.

Ba pháp này, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Người, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.164)

LỜI BÀN:

Con người sống ở đời ai cũng mong muốn được hạnh phúc, an vui. Tuy vậy, đa phần trong chúng ta đều phải chấp nhận một thực tại của đời sống vốn dĩ vui ít, khổ nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những đau khổ, phiền muộn và bất an nhưng cội nguồn vẫn là do tham sân si dấy khởi và chi phối.

Tham lam, sân hận và si mê vốn là những thuộc tính cố hữu, gần như là bản chất của con người, vì thế kinh Phật gọi chúng là căn bản phiền não. Chỉ có từ bậc Thánh A la hán trở lên mới hoàn toàn đoạn tận, dập tắt tham sân si, còn hạng phàm phu chúng ta thì ai cũng bị chúng chi phối, nhiễu loạn. Chỉ sai khác ở chỗ là tùy căn tánh, nghiệp lực và nỗ lực tu tập của mỗi người mà bị tham sân si chi phối, làm tổn hại với những cấp độ khác nhau.

Khi tham sân si tạm thời lắng xuống, nội tâm tĩnh lặng đó là thời điểm mà chúng ta cảm thấy bình an, hạnh phúc nhất. Hạnh phúc và an vui đích thực chính là lúc ta có được sự an tịnh của tâm hồn. Những ai đó từng trải nghiệm với được mất, thăng trầm, vinh nhục… trong đời thì sẽ thấu hiểu điều ấy. Song, sự “ngủ yên” hiếm hoi của tham sân si chỉ có tính cách tạm thời, chúng sẽ bùng lên và đem đến bất an cho con người bất cứ lúc nào.

Do vậy, thực tập pháp để tự chủ với những biến động của nội tâm và ngoại giới, chế ngự và làm giảm thiểu tham sân si chính là minh triết trong đời sống của những người con Phật. Hạnh phúc đích thực của đời người không phải nhờ giàu có, danh vọng… thỏa mãn ngũ dục nói chung mà chính là sự bình ổn của thân tâm khi tham sân si không còn chi phối.

 

7- TA THƯƠNG MÌNH NHẤT

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà, trên lầu thượng (hoàng cung). Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:

Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?

Thưa đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa đại vương, có ai khác thân ái với đại vương hơn là tự ngã của đại vương?

Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

Rồi vua Pasenadi đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con có nói với hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallikà trả lời với con: Thưa đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa đại vương, có ai khác thân ái với đại vương hơn là tự ngã của đại vương? Được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ, nói lên bài kệ này:

Tâm ta đi cùng khắp

Tất cả moi phương trời

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã

Tự ngã đối mọi người

Quá thân ái như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Mallikà, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.173)

LỜI BÀN:

Thường thì trong những lần gần gũi, tâm sự với những người mình yêu thương như cha mẹ, vợ chồng, con cái v.v… chúng ta thường nói rằng ta thương yêu họ nhất. Dẫu rằng, những lời yêu thương ấy hầu hết là thật lòng, phát xuất từ tình cảm chân thành. Nhưng nếu bình tâm suy xét tận cùng trong sâu thẳm của lời ái ngữ kia sẽ thấy rõ rằng chúng ta vẫn chưa thương được người ngoài bằng chính bản thân mình.

Ta thương mình nhất là một sự thật. Ta cũng thương những người thân của mình nhưng ít hơn thương mình và động cơ của tình thương ấy cũng vì ta. Hiếm hoi lắm ta mới mở rộng được biên giới của tình thương, yêu thương tất cả mọi người, mọi loài mà không có điều kiện. Vì chấp ngã là một tập khí sâu dày của chúng sinh. Chấp thủ về ta và của ta được thiết lập từ vô thỉ, cùng với ta du hành trong vạn nẻo luân hồi.

Nhận thức rõ ràng về tình thương của ta như thế để thấy rằng ngã ái vốn rat nặng nề, đồng thời đây là cơ hội để ta xem lại tình thương của mình dành cho những người thân (và những người đáng thương) đó thực sự vì họ hay chỉ vì ta? Mặt khác, nhờ sự quán sát này mà ta nghiệm ra rằng mình yêu thương bản thân mình nhiều nhất và biết người khác cũng như vậy nên tôn trọng và bảo vệ sự sống của họ.

Ai cũng yêu quý thân mạng của mình nên nguyện không giết hại, không làm tổn hại sự sống của mọi người, mọi loài khac.

 

8- NHÂN DUYÊN CỦA SỰ SUY VONG

Một thời, Thế Tôn trú ở Àlavì, rừng Simsapà. Rồi một Bà la môn giàu có lớn đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Do nhân gì, duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, ngày nay loài người lại bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không phải thị trấn, các thành phố trở thành không phải thành phố, các quốc độ trở thành không phải quốc độ?

Ngày nay, này Bà la môn, loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối, khiến họ cầm gươm sắc bén sát hại lẫn nhau. Do vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà la môn, đây là duyên, ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu…

Lại nữa, này Bà la môn, ngày nay, loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, bị ác tham chinh phục, bị các tà kiến chi phối, khiến trời không mưa xuống đều đặn. Vì vậy, bữa ăn khó tìm, mùa màng hư mất. Do vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà la môn, đây là duyên, vì sao ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu…

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Các Bà la môn, phần Người giàu có [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.285)

LỜI BÀN:

Chiến tranh loạn lạc cùng với thiên tai, dịch bệnh là những nguyên nhân chính yếu đe dọa sự tồn vong của loài người. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận rất rõ ràng và chính xác về những biến cố ấy. Những tưởng nhân loại ngày càng văn minh thì chiến tranh và nghèo đói sẽ giảm thiểu nhưng thực tế thì ngược lại, chinh chiến vẫn nổ ra ở khắp nơi, chiến sự trở nên khốc liệt với sự hủy diệt hàng loạt của vũ khí hiện đại. Và những người dân vô tội trong các vùng chiến sự sẽ trực tiếp gánh chịu những hy sinh, mất mát và thiệt thòi.

Theo tuệ giác Thế Tôn, chính tham lam, sân hận và si mê là tác nhân gây ra những đau thương và mất mát đó. Người ta có thể nhân danh bất cứ điều gì để khởi động chiến tranh, nhưng tận trong sâu thẳm của vấn đề thì tất ca đều “bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, bị ác tham chinh phục, bị các tà kiến chi phối”. Không chỉ con người tự tàn hại lẫn nhau mà trời đất cũng trở nên phẫn nộ với con người khi họ quá tàn ác, tham vọng và tối tăm.

Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, nạn bạo lực bắn giết, đâm chém, hãm hại lẫn nhau một cách dã man xảy ra liên tục cũng cho thấy lòng người ngày càng trở nên hung bạo. Sự tham lam vô độ cùng với tà kiến sùng tín sức mạnh của đồng tiền, không tin vào nhân quả, bất chấp luật lệ của không ít người đã góp phần làm nên những hành vi tội ác. Không chỉ bản thân gánh chịu hậu quả trong hiện tại, những tội lỗi ấy sẽ để lại di họa cho gia đình, xã hội và cả những kiếp lai sinh.

Vì thế, để chung sức làm nên bình an cho xã hội, góp phần xây dựng hòa bình thế giới, tự thân mỗi người phải tự điều phục tham sân si của chính mình.