LỜI PHẬT DẠY

AN LẠC
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

AN LẠC
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- BỐN LOẠI AN LẠC

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng tại Koli cùng với các Tỷ kheo. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với Anàthapindika:

Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.

Nay gia chủ, thế nào là lạc sở hữu? Ở đây, tài sản thâu hoạch được do siêng năng, tích lũy được do mồ hôi đổ ra, thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.

Thế nào là lạc thọ dụng? Này gia chủ, thiện nam tử thọ dụng những tài sản thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.

Này gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Thiện nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, dù ít hay nhiều. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.

Thế nào là lạc không phạm tội? Này gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành, khẩu hành và ý hành không phạm tội. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.

Này gia chủ, có bốn loại an lạc này, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Trong đó, hỷ lạc sở hữu, thọ hưởng, không mắc nợ chỉ bằng 1/16 hỷ lạc không phạm tội.

(ĐTKVN (*), Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nghiệp công đức, phần Không nợ [lược], VNCPHVN (**) ấn hành, 1998, tr.682)

LỜI BÀN:

Lạc thú trên đời thì rất nhiều. Có những thú vui thỏa mãn các giác quan, hướng ngoại, ồn ào và ẩn tàng tổn hại, hiểm họa nhưng có những niềm vui hướng nội nhẹ nhàng, thanh tao và bền vững. Vì thế, hạnh phúc ở đời có tính tương đối, tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người nhưng chân hạnh phúc, an lạc đích thực thì chỉ có một, duy nhất, đó là thân tâm thanh tịnh.

Theo tuệ giác Thế Tôn, nhờ làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, thành quả lao động ấy là một niềm an vui, đáng tự hào. Bởi lẽ, người giàu thì không thiếu nhưng mấy ai được bình an trong sự giàu sang nhờ mưu mô, tranh đoạt, lọc lừa. Tài sản do công sức làm ra, cố nhiên mình có quyền thụ hưởng, chia sẻ. Và sự thọ dụng ấy mới thực sự thanh thản, an vui vì không hề lo sợ hoặc ray rứt, ăn năn. Thêm nữa, nhờ ăn nên làm ra nên thoát được nợ nần, không còn lo lắng, bị bức bách, phiền muộn và luôn ngẩng cao đầu trong cuộc sống.

Tuy vậy, không phạm tội mới là niềm an lạc to lớn và quan trọng nhất. Tất cả tư duy, lời nói và việc làm đều trong sáng, lương thiện, lợi mình và lợi người chính là an vui đích thực. Ba nghiệp thân khẩu ý thuần thiện hay thân tâm thanh tịnh là cơ sở để thiết lập nên bình an nội tại sâu lắng, vững chắc nhất. Và đây cũng chính là niềm an lạc mà những người con Phật luôn hướng đến.

 

2- NGÀY LÀNH THÁNG TỐT

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.

Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.

Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.

Này các Tỷ kheo:

Vầng sao lành, điều lành

Rạng đông lành, dậy lành

Sát na lành, thời lành

Cúng dường bậc Phạm hạnh

Thân nghiệp chánh, lời chánh

Ý nghiệp chánh, nguyện chánh

Làm các điều chơn chánh

Được lợi ích chơn chánh

Thì được lợi, an lạc

Lớn mạnh trong Phật giáo

Hãy không bệnh, an lạc

Cùng tất cả bà con.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.540)

LỜI BÀN:

Trong tâm thức người Á Đông nói chung và trong đó có không ít những Phật tử sơ cơ đều tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung.

Vì thế những liên hệ về tuổi tác, ngày giờ tốt xấu để khởi sự công việc làm ăn hay bất cứ việc hệ trọng nào, đối với họ là một trong những mối quan tâm lớn, được ưu tiên hàng đầu.

Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay vẫn là cảm nghiệm riêng của mỗi người. Thực sự thì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, bởi có thể có ngày tốt đối với người này nhưng ngày ấy lại là ngày xấu đối với người kia. Chuyện hai người bán áo mưa và bán quạt ở cạnh nhau nhận xét về ngày tốt xấu là một điển hình. Vì ngày mưa sẽ tốt đối với người bán áo mưa nhưng không tốt với người bán quạt và ngược lại.

Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ điều thiện, nói lời nói thiện và làm những việc thiện thì ngày đó chính là ngày tốt. Và như thế, ngày tốt phải do chúng ta tạo ra, làm nên chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào tác thành. Vậy nên, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người con Phật chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và mọi người bằng cách tịnh hóa tam nghiệp.

Trong một ngày, nếu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến tối mà ta không làm bất cứ điều gì sai trái, xấu ác đồng thời còn làm được nhiều điều tốt đẹp, lợi ích thì chắc chắn đó là một ngày tràn ngập hạnh phúc, an vui. Thì ra, ngày tốt vốn có hàng ngày và không cần nhờ cậy bất kỳ ai coi ngày, ta vẫn có được ngày tốt lành cho mình, nếu biết tu dưỡng và chuyển hóa thân tâm.

 

3- DỤC LẠC VÀ AN LẠC

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc tại gia và lạc xuất gia. Tối thắng trong hai lạc nay là lạc xuất gia.

Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Dục lạc và viễn ly lạc. Tối thắng trong hai lạc này là viễn ly lạc.

Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc sanh y và lạc không sanh y. Tối thắng trong hai lạc này là lạc không sanh y.

Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc thuộc thân và lạc thuộc tâm. Tối thắng trong hai lạc này là lạc thuộc tâm.

Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc bậc Thánh và lạc không phải bậc Thánh. Tối thắng trong hai lạc này là lạc bậc Thánh.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Lạc, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.150)

LỜI BÀN:

Đi tìm hạnh phúc là nhu yếu, mong cầu chính đáng của con người. Tùy theo quan niệm sống của mỗi người mà cảm thụ hạnh phúc, vui sướng với những cung bậc và cấp độ khác nhau. Sống mà không có mảy may an vui và hạnh phúc thì chẳng khác nào đang thọ hình trong cõi ác, đọa xứ. Do vậy, dù mỗi người một hoàn cảnh, lý tưởng sống khác nhau nhưng chung quy họ đều nỗ lực tìm kiếm và hướng về an vui, hạnh phúc.

Hạnh phúc trong cuộc sống đối với mọi người thường là đầy đủ sức khỏe, ít bệnh hoạn, kế đến là thỏa mãn những nhu cầu của các giác quan, sở hữu càng nhiều về vật chất, tiền bạc, tình cảm, danh tiếng và ngủ nghỉ… cùng các lạc thú nói chung. Tuy nhiên, việc chạy theo ngũ dục nhằm tìm kiếm và kiến tạo hạnh phúc thật mong manh, bởi chúng khó tìm nhưng dễ mất. Đó là chưa kể đến khi đã đứng trước bến bờ hạnh phúc thì sức cùng lực kiệt hay phải trả giá đắt cho những toan tính cùng niềm ân hận đến suốt đời.

Người tu thì ngược lại, họ chối bỏ những lạc thú thế tục nhưng vẫn không ngoài mục tiêu tìm kiếm niềm an lạc thoát tục. Khác với hạnh phúc của người đời là chiếm hữu, hạnh phúc của người xuất gia là buông bỏ. Càng buông bỏ, xả ly, sẻ chia, sống vì mọi người thì hạnh phúc càng lớn, đó chính là viễn ly lạc. Mặt khác, ở cấp độ thô, hạnh phúc là thỏa mãn những nhu cầu của thân như ăn, mặc, ngủ nghỉ… Đi sâu vào nội tâm, sự thanh tịnh tâm hồn là niềm an lạc nhiệm mầu. Những ai trải nghiệm thiền định đều kinh nghiệm sâu sắc về niềm vui tịch tịnh của nội tâm vắng lặng.

Niềm vui và hạnh phúc chân thật, vững bền nhất la hỷ lạc của các bậc Thánh. An lạc phát khởi khi tham sân si phiền não bị triệt tiêu, khát ái được đoạn tận, vô minh bị xóa sạch, bậc Thánh an trụ trong niềm tịnh lạc, giải thoát, Niết bàn.

 

4- LỢI LẠC CHO SỐ ĐÔNG

Một thời, Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở Madhurà, tại rừng Gundhà, dạy các Tỷ kheo:

Khi nào các người trộm cướp cường mạnh, này các Tỷ kheo, trong khi vua chúa yếu đuối, khi ấy, thật không an toàn cho những người ra đi làm các công việc ở bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi các ác Tỷ kheo cường mạnh, trong khi ấy, các Tỷ kheo thuần tịnh yếu đuối. Này các Tỷ kheo, trong khi ấy, các Tỷ kheo thuần tịnh giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chung Tỷ kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ kheo, là bất hạnh, không an lạc, không lợi ích cho đa số; là bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.

Khi nào, này các Tỷ kheo, các vua chúa cường mạnh, trong khi các người trộm cướp yếu đuối, khi ấy, thật an toàn cho những người ra đi làm các công việc ở bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi các Tỷ kheo thuần tịnh cường mạnh, trong khi ấy, các ác Tỷ kheo yếu đuối. Này các Tỷ kheo, trong khi ấy, các ác Tỷ kheo giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ kheo, là hạnh phúc, an lạc, lợi ích cho đa số; là hạnh phuc, an lạc cho chư thiên và loài người.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.130)

LỜI BÀN:

Sứ mạng của chư Tăng nói chung là tự hoàn thiện mình đồng thời góp phần mang đến an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Tuy nhiên, sứ mạng ấy chỉ được thực thi và hoàn thiện khi Tăng già thuần tịnh, có sức mạnh nhiếp phục mọi người cải tà quy chánh, nhất tâm quy hướng Chánh pháp, phụng sự Tam bảo.

Đối với một đất nước, nếu lãnh đạo gương mẫu, pháp luật nghiêm minh, giữ vững an ninh trật tự xã hội, không có trộm cướp và các tệ nạn khác hoành hành thì người dân mới được an cư lạc nghiệp. Với hội chúng Tỷ kheo cũng vậy, khi nào phần lớn các thành viên trong hội chúng ấy thuần tịnh, thúc thủ được số ít chưa thanh tịnh thì chắc chắn trụ xứ ấy sẽ an ổn và vững mạnh.

Thời Thế Tôn, một vài hội chúng Tỷ kheo ở những trụ xứ riêng lẻ từng có biểu hiện các ác Tỷ kheo cường thịnh, chiếm đa số và lấn lướt những Tỷ kheo chân chính đến độ họ phải im lặng hoặc ẩn dật. Dù cho những hội chúng này có tụ hội đông đảo và lớn mạnh, theo Thế Tôn vẫn là “bất hạnh, không an lạc, không lợi ích” cho số đông.

Do đó, đối với các hội chúng Tỷ kheo, hình thức bên ngoài chưa nói lên được điều gì, trừ khi song hành với hình thức bề thế và hoành tráng kia là sự thuần tịnh, chân chánh của chư vị lãnh đạo và toàn thể thành viên trong hội chúng ấy. Được vậy, những hội chúng này mới thực sự mang lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

 

5- VUI TRONG TĨNH LẶNG

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ Bà la môn Navakammika đang làm việc tại khu rừng ấy, thấy Thế Tôn ngồi kiết già dưới gốc cây, lưng thẳng và để niệm trước mặt.

Thấy vậy, Bà la môn suy nghĩ: Ta thích làm việc về củi gỗ tại khu rừng này. Còn Sa môn Gotama thì thích làm việc gì ở đây?

Nghĩ vậy rồi Bà la môn Navakammika liền đi đến Thế Tôn nói lên bài kệ:

Nay ông làm việc gì

Trong rừng cây sa la

Khiến ông sống một mình

Vui gì ông tìm được

Sa môn Gotama?

Thế Tôn đáp:

Ta không phải làm gì

Trong khu rừng sa la

Với Ta, rễ đã cắt

Cả khu rừng rậm rạp

Như vậy Ta được thoát

Mọi rừng rú chông gai

Tâm Ta không bị đâm

Một mình sống an lạc

Đoạn trừ mọi bất mãn

Sống thích thú hoan hỷ.

Được nghe nói vậy, Bà la môn Navakammika bạch Thế Tôn:

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Navakammika, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.394)

LỜI BÀN:

Có những niềm vui, hạnh phúc biểu hiện ra bên ngoài, chìm ngập trong đèn hoa rực rỡ cùng vô số những tràng pháo tay, chúc tụng ồn ào. Nhưng cũng có những niềm an vui, hạnh phúc rất sâu lắng, thuộc về nội tâm mà người ngoài khó có thể biết được. Và những ai chưa từng trở về với chính mình, chưa một lần trải nghiệm thiền định thì không thể ngờ rằng có những người dù sống cô độc, khắc khổ trong rừng nhưng lại ân hưởng một niềm hạnh phúc, an vui lặng lẽ và trọn vẹn.

Thời Thế Tôn, Bà la môn Navakammika đã nhiều lần tự hỏi không biết Sa môn Gotama sống một mình trong rừng vì mục đích gì? Hay là vị Sa môn này đã tìm được niềm vui nào đó trong lối sống độc cư ở nơi hoang vu rừng núi? Và những thao thức đó ngày nay vẫn hiện hữu nơi rất nhiều người khi họ quan tâm tìm hiểu đời sống tu tập của người xuất gia.

Thực ra, mỗi người sống ở trên đời đều mưu cầu hạnh phúc. Người xuất gia chối bỏ những niềm vui và hạnh phúc của thế thường vì nó mong manh và thực chất chúng là vỏ bọc của những khổ đau trá hình. Hạnh phúc đích thực của đời sống con người không phải là sự sung mãn về vật chất, thỏa mãn tham vọng quyền lực và danh vọng… mà chính là thiết lập được bình an nội tại. Chính sự an tịnh nội tâm, hỷ lạc do thiền định mang lại là hạnh phúc đích thực, là chất liệu nuôi dưỡng đời sống xuất gia.

Một khi đã dọn dẹp vườn tâm an tịnh, tẩy sạch cau uế tham ái, phiền não thì người ấy, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hạnh phúc, an vui. Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh. Do đó, người xuất gia không hướng ngoại để cầu toàn mà luôn trở về tự tâm an trú trong hiện tại với chánh niệm. Không vướng bận quá khứ, không bị chi phối bởi tương lai, sống thảnh thơi, hạnh phúc ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây.

 

6- PHÁP MÔN ĐƯA ĐẾN AN ỔN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng cho các ông pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách.

Thế nào là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách? Này các Tỷ kheo, có những sac do mắt nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách. Này các Tỷ kheo, có những tiếng… có những hương…có những vị…có những xúc…

Này các Tỷ kheo, có những pháp do ý nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những pháp ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.

Nay các Tỷ kheo, đây là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, là pháp môn đúng pháp.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 1, phẩm An ổn, khỏi các khổ ách, phần Người được an ổn, khỏi các khổ ách, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.149)

LỜI BÀN:

Kinh Phật có đến vô lượng pháp môn tu. Tùy theo căn cơ, nghiệp lực và hoàn cảnh sống của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn thích hợp. Như trăm sông đều xuôi về biển cả, các pháp môn tu do Đức Phật tuyên thuyết đều xuôi về giải thoát, Niết bàn. Pháp thoại này, Thế Tôn giới thiệu một pháp môn tu đơn giản mà vô cùng hiệu quả là quán chiếu ngay nơi sáu giác quan để làm chủ thân tâm và đoạn tận phiền não, đạt đến an on, khỏi các khổ ách.

Thu thúc lục căn là làm chủ sáu giác quan khi tiếp xúc với sáu đối tượng trần cảnh. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý nghĩ đến… thường đi kèm với tâm phân biệt cùng thái độ yêu ghét. Và mọi tham muốn, khổ đau, hệ lụy ở đời cũng đều xuất phát từ đây. Vấn đề là làm sao khi mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe mà không bị cái thấy nghe chi phối?

Chính chánh niệm tỉnh giác (biết rõ) khi mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh là yếu tố quan trọng để làm chủ thân tâm, không bị sắc thanh lôi cuốn. Khi mắt thấy sắc, rõ biết và ghi nhận đó là một sự vật, một bông hoa chẳng hạn. Nhưng chỉ thuần có cai thấy, tâm không phân biệt đẹp xấu, không biểu hiện tình cảm yêu ghét. Thấy được như vậy thì cái thấy đó không hề mang đến hệ lụy và não phiền. Nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nghĩ tưởng đều chánh niệm tỉnh giác như vậy thì hành giả sẽ đạt đến an ổn, khỏi các khổ ách.

Hạnh phúc an lạc hay phiền não khổ đau phụ thuộc vào sự tu tập làm chủ sáu giác quan này. Do đó, thực tập và duy trì chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hàng ngày chính là con đường đưa đến giải thoát, an vui.

 

7- BIẾT ĐỦ THƯỜNG VUI

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại khu vườn Kàlaka gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn pháp này là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn?

Trong các loại y, này các Tỷ kheo, y phấn tảo (y lượm từ đống rác) là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại đồ ăn, này các Tỷ kheo, khất thực là không quan trọng, dễ được và không vi phạm. Trong các sàng tọa, này các Tỷ kheo, gốc cây là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ kheo, nước tiểu của quỷ là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi.

Bốn loại, này các Tỷ kheo, không quan trọng, dễ được, không có phạm lỗi này, nếu các Tỷ kheo nào biết đủ, với các loại không quan trọng, dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một trong những chi phần của Sa môn hạnh.

Biết đủ với sự vật

Không quan trọng, dễ được

Lại không có phạm tội

Tâm không bị phiền nhiễu

Về vấn đề trú xứ

Y áo và ăn uống

Tâm không bị lo lắng

Về phương hướng phải đi

Các pháp được tuyên bố

Thuận lợi Sa môn hạnh

Chúng được có đầy đủ

Với vị biết vừa đủ

Với vị không phóng dật

Tinh cần trong học tập.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Uruvelà, phần Biết đủ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.599)

LỜI BÀN:

Đối với nhu cầu và khát vọng của con người thì cuộc sống này dường như chẳng bao giờ có sự bão hòa, đầy đủ. Thiếu, chưa đủ, cần phải tìm kiếm thêm… là đặc điểm cố hữu của con người. Thành ra, nếu chúng ta tự biết đủ thì tự khắc sẽ tạm đủ, còn nếu ai chưa biết đủ thì cứ mải miết đi tìm.

Thực ra, để nâng cao phẩm chất cuộc sống không đơn thuần chỉ đầy đủ về vật chất mà quan trọng hơn là sung mãn, thoải mái về tinh thần. Nội tâm an lạc, thảnh thơi thì dẫu không dư dả nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ. Ngược lại, nhà cao cửa rộng, vật chất đầy đủ mà tâm bị tham ái, giận hờn, si mê dằn vặt, quấy nhiễu thì vẫn khổ đau như thường.

Do đó, người khôn ngoan thì không chỉ quần quật kiếm sống, cặm cụi làm giàu mà phải biết dành thời gian tu dưỡng, trau giồi đạo đức, chuyển hóa nội tâm, thăng hoa tuệ giác. Chính tuệ giác, hay nói cách khác là nhận thức đúng đắn về con người và cuộc đời sẽ giúp cho chúng ta buông xả, nhẹ nhàng, sống thảnh thơi và giải thoát.

Riêng đối với người xuất gia thì biết đủ về các nhu cầu vật chất để dành thời gian và tâm lực tu tập thiền định lại càng quan trọng hơn. Thế Tôn gọi biết đủ là một trong những hạnh của Sa môn. Do đó, cần giảm thiểu các nhu cầu về ăn, mặc, ở… để bớt lo toan, được thảnh thơi nhẹ nhàng, tạo thuận duyên cho sự nghiệp chuyển hóa và thăng hoa.

 

8- THIẾT LẬP AN LẠC

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, đầy đủ được ba pháp ấy, một Tỷ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc. Thế nào là ba? Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác.

Thế nào là Tỷ kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng…, mũi ngửi hương…, lưỡi nếm vị…, thân cảm xúc…., ý nhận thức các pháp… đều hộ trì.

Thế nào là Tỷ kheo tiết độ trong ăn uống? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh; vị ấy nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc”.

Thế nào là Tỷ kheo chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy. Ban đêm trong canh cuối cùng, vị ấy thức dậy và trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.

Này các Tỷ kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỷ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 1, phẩm Rắn độc, phần Hỷ lạc [lược], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.288)

LỜI BÀN:

Sống an lạc, hoan hỷ và tịnh hóa thân tâm là phận sự, là phương châm sống của những người con Phật. Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, chỉ cần thực hành đầy đủ ba pháp: Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác thì các hành giả đã có những tiến bộ đáng kể trong sự nghiệp tu học.

Bởi nghiệp được tạo ra từ các giác quan, vì không khéo hộ trì nên chúng ta thường bị ngoại cảnh chi phối. Sự ăn uống nếu thiếu chừng mực, không tiết độ cũng khiến thân thể bất an, khó điều hòa và làm trở ngại việc tu tập. Không chú tâm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi thì năm triền cái (dục tham, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi) sẽ chướng ngại thiền định, không thể an tịnh thân tâm.

Do vậy, có thể nói ba pháp này là căn bản, nền tảng của sự tu tập. Hoa trái tịnh lạc, giải thoát, Niết bàn cũng lưu xuất từ đây.