LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 75

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 5

* Năm thủ uẩn: 1. Sắc thủ uẩn. 2. Thọ thủ uẩn. 3. Tưởng thủ uẩn. 4. Hành thủ uẩn. 5. Thức thủ uẩn.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa lý của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Có năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn v.v… cho đến thức thủ uẩn. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng về nghĩa lý. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì kinh ấy chưa nói nay sẽ giải thích, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Sắc thủ uẩn?

Đáp: Nếu sắc là hữu lậu có chấp giữ, sắc đó ở quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc khởi dục, hoặc khởi tham, hoặc khởi sân, hoặc khởi si, hoặc khởi sợ hãi, hoặc lại tùy khởi một tâm sở tùy phiền não, đó gọi là Sắc thủ uẩn.

Ở đây, khởi dục, khởi tham: Là khởi kiết ái.

Khởi sân: Là khởi kiết giận dữ.

Khởi si: Là khởi kiết vô minh.

Khởi sợ hãi: Có thuyết nói: Ở đây không nên nói: Hoặc khởi sợ hãi. Vì sao? Vì sợ hãi tức là phiền não, nếu nói phiền não tức đã nói về sợ hãi.

Hỏi: Nếu vậy thì sợ hãi này lấy phiền não nào làm tự tánh?

Đáp: Có thuyết cho: Dùng hữu thân kiến làm tự tánh. Vì sao? Vì chấp có ngã tức có nhiều sợ hãi, nên nói hữu thân kiến là đã nói về sợ hãi.

Có Sư khác nêu: Dùng ái làm tự tánh. Vì sao? Vì nếu có ái là có nhiều sợ hãi.

Lại có thuyết nói: Lấy vô trí làm tự tánh. Vì sao? Vì những kẻ vô trí có nhiều sợ hãi, cho nên nói vô minh tức đã nói về sợ hãi.

Lời bình: Nên nói như thế này: Trong chỗ dấy khởi nên nói riêng về sợ hãi. Vì sao? Vì nếu riêng có tâm sở cùng tương ưng với tâm là tự tánh của sợ hãi thì sợ hãi ấy được thâu giữ ở đấy.

Lại có những loại pháp khác như vậy cùng tâm tâm sở pháp tương ưng bên trong mà không phải là các phiền não.

Hỏi: Tự tánh của sợ hãi này có ở cõi nào?

Đáp: Ở cõi dục, không có ở hai cõi sắc, vô sắc.

Hỏi: Nếu tự tánh của sợ hãi không có ở cõi sắc, làm sao giải thích thông suốt lời Khế kinh nói?

Như Khế kinh nói: Các Bí-sô nên biết! Ở cõi Cực quang tịnh, các vị trời sinh trước thấy kẻ sinh sau gặp phải kiếp Hỏa diệm nên tâm sinh sợ hãi, liền an ủi, khuyên: Đại Tiên đừng sợ! Đại Tiên chớ sợ! Chúng tôi đã nhiều lần thấy kiếp Hỏa diệm này đốt cháy trọn cả Phạm cung, tức ở nơi cõi ấy diệt.

Lời tụng nêu làm sao thông suốt? Như nói:

Nghe nói trời Trường Thọ

Có sắc diệu, danh tiếng

Thâm tâm luôn chán sợ

Như nai gặp sư tử.

Đáp: Tụng của kinh đối với chán thì dùng tiếng sợ để nói.

Hỏi: Như vậy chán và sợ có gì sai khác?

Đáp: Sai khác về cách gọi. Tức kia gọi chán đây gọi là sợ.

Tôn giả Thế Hữu nói: Sợ thì chỉ riêng ở cõi dục, còn chán thì chung cho cả ba cõi.

Lại có thuyết cho: Sợ là đối với phiền não, còn chán là đối với căn thiện.

Lại có thuyết nêu: Sợ thì chung cho cả nhiễm ô và vô phú vô ký, còn chán thì chỉ là thiện.

Đại đức nói: Đối với việc suy tổn, thâm tâm nghi ngờ, lo lắng, muốn được lánh xa thì gọi là sợ. Khi đã được xa lìa rồi, thâm tâm ghét bỏ nên nói là chán. Đó là chỗ khác nhau của chán và sợ.

Hỏi: Phàm phu cùng Thánh nhân thì ai có sợ?

Đáp: Có thuyết nói: Phàm phu có sợ còn Thánh giả không có sợ. Vì sao? Là vì bậc Thánh đã lìa năm thứ sợ hãi. Năm thứ sợ hãi là: 1. Sợ không sống. 2. Sợ tiếng xấu. 3. Sợ số đông. 4. Sợ chết. 5. Sợ năm đường dữ.

Lời bình: Nên nói như vầy: Phàm phu và Thánh giả đều có sợ hãi.

Hỏi: Bậc Thánh đã lìa bỏ năm thứ sợ hãi, vì sao còn có sợ?

Đáp: Bậc Thánh tuy không còn năm thứ sợ hãi lớn, nhưng cũng còn có những sợ hãi nhỏ tạm thời khác.

Hỏi: Bậc Thánh còn có những sợ hãi nhỏ nào khác là ở vị học hay vị vô học?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ nơi vị hữu học mới có các thứ sợ hãi nhỏ, do sợ hãi chính là phẩm phiền não.

Lời bình: Nên nói thế này: Ở vị hữu học hay vị vô học đều có sợ hãi. Bậc hữu học tức là các quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, bậc vô học là quả A-la-hán, Độc giác, trừ Đức Phật Thế Tôn. Vì Đức Phật không còn mảy may sợ hãi, đối với tất cả các pháp đã thấu đạt như thật, chứng đắc vô úy.

Hoặc lại tùy khởi một tâm sở tùy phiền não: Nghĩa là duyên nơi sắc sinh các thứ biến hành khác và các thứ phiền não khác v.v… do tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Thế nào là Thọ thủ uẩn?

Đáp: Nếu thọ hữu lậu có chấp giữ, thọ đó ở quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc khởi dục, hoặc khởi tham, hoặc khởi sân, hoặc khởi si, hoặc khởi sợ hãi, hoặc lại tùy khởi một tâm sở tùy phiền não, đó gọi là Thọ thủ uẩn.

Ở đây, giải thích rộng như trước, nên biết.

Có sự sai khác: Tức trong phần tùy khởi một tâm sở tùy phiền não, nghĩa là duyên nơi thọ này sinh các thứ biến hành khác và các thứ không phải là biến hành khác do kiến đạo đoạn trừ.

Như Thọ thủ uẩn, các thứ Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn và Thức thủ uẩn, nói rộng nên biết. Đó gọi là tự tánh, là bản tánh, tướng phần, tự thể ngã vật của thủ uẩn.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là thủ uẩn? Thủ uẩn là nghĩa gì?

Đáp: Các thứ này từ thủ sinh ra, lại có thể sinh ra thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thứ này là từ thủ chuyển đổi, lại có thể chuyển đổi thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thứ này là do thủ dẫn dắt, lại có thể dẫn dắt thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thứ này là do thủ nuôi lớn, lại có thể nuôi lớn thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thứ này là do thủ tăng thêm rộng, lại có thể tăng thêm rộng cho thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thứ này là do thủ làm thành dòng chảy, lại có thể làm dòng chảy cho thủ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các uẩn này thuộc nơi thủ nên gọi là thủ uẩn. Cũng như quan thuộc về vua, nên gọi là quan của vua.

Lại nữa, các hành hữu lậu đều không có ngã, nếu có hỏi: Ông thuộc về ai? Nên đáp: Đúng là tôi thuộc về thủ.

Lại nữa, các thủ đối với uẩn ở đây, lúc nên sinh thì sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên chấp giữ thì chấp giữ v.v…, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thủ đối với uẩn này khiến tăng trưởng rộng lớn, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thủ đối với uẩn này đã nuôi lớn, thâu nhận, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thủ đối với các uẩn này luôn đắm nhiễm, khó bỏ, cũng như bụi cấu thấm dính vào y phục, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thủ đối với các uẩn này sinh khởi sự ưa thích vướng mắc sâu xa, như các loài cá, ba ba ham thích nơi sông, hồ, nên gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, các thủ này như là hang ổ, nhà cửa v.v…, nên gọi là thủ uẩn. Nghĩa là nương vào đó, các thứ triền cấu tham, giận, si, mạn, kiến, nghi đều được sinh trưởng.

Nên biết, ở đây là dựa vào đồng phần nơi thủ để lập tên thủ uẩn. Tức là dựa vào thủ của Dục giới gọi là thủ uẩn của Dục giới, dựa vào thủ của Sắc giới gọi là thủ uẩn của Sắc giới, dựa vào thủ của Vô sắc giới gọi là thủ uẩn của Vô sắc giới. Như dựa vào đồng phần nơi thủ ở ba cõi để lập tên thủ uẩn, dựa vào thủ của chín địa nên biết cũng như thế.

Đây là đối với giới, địa không có xen lẫn. Nếu đối với sự tương tục thì tiếp nhận có xen lẫn, tức dựa vào thủ của mình, uẩn của người khác, gọi là thủ uẩn, cũng như dựa vào thủ của người khác, uẩn của mình gọi là thủ uẩn. Nếu đối với sự tương tục không có xen lẫn, thì tất cả vật bên ngoài đều không phải là thủ uẩn, vì vật ở ngoài không có các thủ, nhưng nếu các vật bên ngoài nương vào thủ của hữu tình để lập tên thủ uẩn thì chúng cùng giúp nhau sinh trưởng.

Hỏi: Uẩn cùng với thủ uẩn có những sai khác gì?

Đáp: Tên gọi có sai khác. Tức kia gọi là uẩn, đây gọi là thủ uẩn.

Lại nữa, uẩn thì chung cả hữu lậu và vô lậu, còn thủ uẩn chỉ là hữu lậu.

Lại nữa, uẩn thì gồm thâu ba đế, còn thủ uẩn chỉ gồm thâu hai đế.

Lại nữa, uẩn thì gồm thâu mười bảy giới và phần ít của một giới, còn thủ uẩn thì gồm thâu mười lăm giới và phần ít của ba giới.

Lại nữa, uẩn thì gồm thâu mười một xứ và phần ít của một xứ, còn thủ uẩn thì gồm thâu mười xứ và phần ít của hai xứ.

Lại nữa, uẩn thì gồm thâu năm uẩn, còn thủ uẩn thì gồm thâu phần ít của năm uẩn.

Lại nữa, ở trong uẩn có lưu chuyển thì bị quở trách, có hoàn diệt thì được khen ngợi. Còn ở trong thủ uẩn có lưu chuyển thì bị quở trách, không có hoàn diệt để nhận khen ngợi.

Đó là sự sai khác của uẩn và thủ uẩn.

***

* Sáu giới: 1. Địa giới. 2. Thủy giới. 3. Hỏa giới. 4. Phong giới. 5. Không giới. 6. Thức giới.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đây là do ý của Luận chủ muốn thế. Tức Luận sư của Bản luận tự ý viết ra nhưng không trái với pháp tướng, vậy không nên vấn nạn.

Lại nữa, cũng không nên gạn hỏi tác giả của Bản luận này. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn đã lập ra mười tám giới, trong đó lược nêu phần ít thiết lập sáu giới, nên sáu giới này do mười tám giới gồm thâu, trong đó có năm giới toàn phần và phần ít của bốn giới. Năm giới toàn phần tức là năm thức giới trước. Còn phần ít của bốn giới tức là sắc giới, xúc giới, ý giới và ý thức giới. Ở đây, không giới gồm thâu phần ít của sắc giới, còn các giới đất, nước, lửa, gió thì gồm thâu phần ít của xúc giới, thức giới thì gồm thâu ý giới và phần ít của ý thức giới. Do hai giới này chung cho cả hữu lậu và vô lậu, còn thức giới chỉ gồm thâu phần hữu lậu. Do sáu giới này được gồm thâu trong mười tám giới, có năm giới toàn phần và phần ít của bốn giới.

Hỏi: Không nói đến người tạo luận nữa. Vì sao trong mười tám giới, Đức Thế Tôn đã lược nêu ra phần ít để thiết lập sáu giới?

Đáp: Do Ngài đã quán sát về sự thích nghi của kẻ thọ nhận sự hóa độ có sai khác. Tức có những người được hóa độ đối với cảnh của đối tượng nhận thức chỉ ngu tối một phần ít, hoặc có kẻ được hóa độ đối với cảnh ấy ngu tối tất cả. Những kẻ ngu tối một phần ít vì họ giảng nói sáu giới, những kẻ ngu tối tất cả vì họ giảng nói mười tám giới.

Lại nữa, những kẻ được Đức Thế Tôn hóa độ, có kẻ lợi căn, có kẻ độn căn. Kẻ lợi căn thì giảng nói sáu giới, còn đối với kẻ độn căn thì giảng nói mười tám giới.

Lại nữa, những người được Đức Thế Tôn hóa độ, có kẻ trí mở mang, có kẻ trí phải giảng nói mới hiểu. Đối với kẻ có trí mở mang thì giảng nói sáu giới, đối với kẻ có trí phải giảng nói mới hiểu thì giảng nói mười tám giới.

Lại nữa, những người được Đức Thế Tôn hóa độ, có người ưa tóm lược, có người ưa bàn rộng. Đối với kẻ ưa tóm lược thì giảng nói sáu giới, đối với kẻ ưa bàn rộng thì giảng nói mười tám giới.

Lại nữa, đối với mười tám giới, vì môn lược hiện nên nói sáu giới. Nghĩa là trong mười tám giới có thứ là sắc, có thứ không phải là sắc. Nếu nói về năm giới trước, nên biết là đã nói về các thứ sắc giới ấy. Nếu nói về thức giới, nên biết là đã nói về các thứ không phải là sắc giới.

Lại nữa, trong mười tám giới, có thứ có thấy, có thứ không thấy. Nếu nói về không giới, nên biết là đã nói về các thứ có thấy. Nếu nói về năm giới còn lại nên biết là đã nói về các thứ không thấy.

Lại nữa, trong mười tám giới, có thứ có đối, có thứ không đối. Nếu khi nói về năm giới trước, nên biết là đã nói về các thứ có đối. Nếu khi nói về thức giới, nên biết là đã nói về các thứ không đối.

Lại nữa, trong mười tám giới, có thứ tương ưng, có thứ không tương ưng. Nếu khi nói về thức giới, nên biết là đã nói về các thứ tương ưng. Nếu khi nói về năm giới còn lại, nên biết là đã nói về các thứ không tương ưng.

Như về tương ưng – không tương ưng, các thứ có chỗ nương dựa – không có chỗ nương dựa, có đối tượng duyên – không có đối tượng duyên, có hành tướng – không có hành tướng, có tỉnh biết – không tỉnh biết v.v… nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, do sáu giới này có khả năng sinh ra, có khả năng nuôi dưỡng, có khả năng làm lớn lên thân có sắc, không sắc của các hữu tình, cho nên lại thiết lập. Có khả năng sinh ra, tức là thức giới. Có khả năng nuôi dưỡng, tức là các giới đất nước lửa gió. Có khả năng làm lớn lên, tức là không giới.

Lại nữa, do sáu giới này có khả năng dẫn dắt, có khả năng giữ gìn, có khả năng tăng thêm các thân có sắc, không sắc của các hữu tình, cho nên lại thiết lập. Có khả năng dẫn dắt, tức là thức giới. Có khả năng giữ gìn, tức là các giới đất nước lửa gió. Có khả năng tăng thêm, tức là không giới.

Lại nữa, do sáu giới này là các sự việc căn bản cho hữu tình, là những sự việc hành tác cùng khắp của hữu tình, là các sự việc từ vô thỉ của hữu tình, là các sự việc có phân biệt, không phân biệt của hữu tình v.v…, cho nên lại thiết lập.

Các sự việc căn bản của hữu tình: Tức là các hữu tình thọ sinh ở cõi dục và Sắc thì từ tâm kiết sinh cho đến tử hữu, khi không có sáu giới này thì không có thế mạnh và tác dụng.

Những sự việc hành tác cùng khắp của hữu tình: Tức tất cả hữu tình ở cõi dục và cõi sắc đều từ các tâm kiết sinh cho đến tử hữu, khi không có sáu giới này thì không có tăng thượng.

Các sự việc từ vô thỉ của hữu tình: Là không thể nhận biết rõ về bản tế từ xưa đến nay nơi các hữu tình từ tâm kiết sinh cho đến tử hữu, khi không có sáu giới này thì không có tác dụng.

Các sự việc có phân biệt, không phân biệt của các hữu tình: Tức có các hữu tình chưa thể phân biệt được là nam hay nữ, như các phần vị Yết-lạt-lam, Át-bộ-đàm, Bế-thi, Kiện-nam, như vậy là sáu giới cũng có thế mạnh và tác dụng. Hoặc là có hữu tình đã có thể phân biệt là nam hay nữ như phần vị Bát-la-xa-khư v.v…, sáu giới như thế cũng có thế mạnh và tác dụng.

Tôn giả Diệu Âm nói thế này: Do sáu giới ấy có thế mạnh và tác dụng tăng thượng khi được nhập vào thai mẹ, cho nên lại thiết lập.

Vì vô số các nhân duyên như vậy, nên Đức Phật – Thế Tôn nơi mười tám giới tóm lược nêu ra phần ít để thiết lập sáu giới có sai biệt như thế.

Hỏi: Thế nào là Địa giới?

Đáp: Đó là tánh cứng chắc. Tuy địa giới này gồm chung là tánh cứng chắc, nhưng có vô số thứ cứng chắc khác nhau, tức các thứ có tánh cứng chắc ở phần trong hay ngoài đều khác nhau.

Các thứ có tánh cứng chắc bên trong thân như các thứ tóc, lông, móng răng, cáu ghét, da thịt, gân xương, tim mạch, lá lách, thận, gan, phổi, dạ dày, ruột non, ruột già, phân, sinh tạng, thục tạng, chân tay v.v… Những thứ như thế là tánh cứng chắc hiện có bên trong, chúng có hơn có kém, như tánh cứng chắc của chân hơn tánh cứng chắc của tay. Nếu các hữu tình từ nhỏ dùng tay mà đi, thì cả da thịt máu huyết của tay đều hư hoại, nhưng nếu cứ đi bằng chân từ bé tới già thì da thịt máu huyết đều không tổn hoại. Do đó nên biết tánh cứng chắc của phần bên trong có hơn có kém.

Các thứ có tánh cứng chắc bên ngoài thân như đất đá, núi non, gạch ngói, cây cỏ, các loài nghêu sò, ốc hến v.v…, vàng, bạc, thau, chì, thiếc, kẽm, mạt-ni, chân châu, san hô, hổ phách, ngọc kha, loa bối, ngọc bích, đế thanh, đại thanh, mạt-la-yết-đa, kho gậy, kho đá, táp-phả-chi-ca, pha lê đỏ, phệ-lưu-ly v.v…

Vô số các thứ có tánh cứng chắc giống nhau tuy ở trong hay ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Địa giới.

Hỏi: Thế nào là Thủy giới?

Đáp: Đó là tánh ẩm ướt. Tuy thủy giới này gồm chung là tánh ẩm ướt, nhưng có vô số thứ tánh ẩm ướt khác biệt, tức là các thứ có tánh ẩm ướt trong hay ngoài thân đều khác nhau.

Các thứ có tánh ẩm ướt trong thân như nước mắt, nước nũi, mỡ, não tủy, đàm dãi, mật, mồ hôi, máu mủ, nước tiểu v.v…, là các thứ có tánh ẩm ướt hiện có.

Các thứ có tánh ẩm ướt ở ngoài cơ thể như sông ngòi, ao hồ, suối, giếng, khe rạch, kênh mương và bốn biển lớn v.v…

Vô số các thứ có tánh ẩm ướt giống nhau tuy ở trong hay ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Thủy giới.

Hỏi: Thế nào là Hỏa giới?

Đáp: Đó là tánh ấm nóng. Tuy hỏa giới này gồm chung là tánh ấm nóng, nhưng có vô số thứ tánh ấm nóng khác nhau, tức là các thứ có tánh ấm nóng ở trong hay ngoài thân đều không giống nhau.

Các thứ ấm nóng ở trong là sức nóng của cơ thể, khiến cơ thể khắp nơi đều ấm áp, do đó các thức ăn được ăn vào đều tiêu hóa dễ dàng, sức nóng này khiến thân an ổn, nhưng nếu tăng nhiều quá thì sẽ thành bệnh nóng sốt.

Các thứ ấm nóng bên ngoài thân như là các thứ đèn đuốc, lò nung, lò bếp v.v… hay đống lửa, tia lửa nóng, các đám cháy của nhà cửa, phố xá, thành thị, xóm làng, cháy rừng, cháy đồng hoang, cỏ thuốc, ánh nắng mặt trời, mạt ni, ánh lửa của các cung điện nơi cõi trời hay ở long cung chiếu ra, cũng như ánh lửa nóng ở các địa ngục. Phải nói là sức ấm bên trong của thân thể lại nóng hơn sức nóng bên ngoài. Vì sao? Vì các thức ăn tuy bỏ trong nồi chảo chụm lửa nấu đốt suốt ngày đêm thì chúng cũng không nhừ nát, thay đổi hình dạng như để trong bụng trải qua giây lát.

Vô số các thứ có tánh ấm nóng giống nhau tuy ở trong hay ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Hỏa giới.

Hỏi: Thế nào là Phong giới?

Đáp: Đó là tánh nhẹ và lưu động. Tuy phong giới này gồm chung là tánh nhẹ và lưu động, nhưng có vô số thứ nhẹ và lưu động khác nhau, tức là các thứ có tánh lưu động ở trong hay ngoài thân đều khác nhau.

Các thứ có tánh lưu động ở trong thân như có loại gió thổi ở trên, gió thổi ở dưới, hơi gió nằm trong ngực, hơi gió nằm trong bụng, gió nằm trong lưng, gió như kim châm, gió như dao cắt, gió Tất-bát-la, gió Bà-đát-sắt-sỉ-la, gió Bà-đát-lũ-lạp-ma, có gió hít hơi thở vào, có gió hít hơi thở ra, có loại hơi tùy theo các phần, các chi tiết của thân có tánh chuyển dời lưu động.

Các thứ có tánh lưu động ở ngoài thân như gió ở bốn phương, gió có bụi, gió không bụi bặm, gió Tỳ-thấp-phược, hoặc gió Phệlam-bà, hoặc gió nhỏ, gio lớn, hoặc gió xoáy v.v…

Vô số các thứ có tánh lưu động giống nhau tuy ở trong hay ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Phong giới.

Hỏi: Thế nào là Không giới?

Đáp: Như Khế kinh có nói: Có lỗ trống ở mắt, lỗ trống ở tai, ở mũi, ở miệng, ở cổ họng, ở tim, ở một bên tim, ở thực quản (chỗ trống thông thức ăn xuống), lỗ trống chứa thức ăn, lỗ trống loại bỏ thức ăn, và các loại khoảng trống nơi chi phần, lỗ chân lông v.v… Đó gọi là Không giới.

A-tỳ-đạt-ma nói thế này: Thế nào là Không giới? Tức là sắc lân ngại. Ngại nghĩa là chứa nhóm, tức có sắc ở gần như tường vách v.v… Đây gọi là sắc lân ngại. Như các khoảng trống của tường vách, khoảng trống của rừng rậm, khoảng trống của các lá cây, khoảng trống của cửa sổ, khoảng trống đi đến, khoảng trống nơi kẽ tay v.v…

Đó gọi là Không giới.

Có thuyết nói: Văn này nên nói: Thế nào là Không giới? Tức là sắc gần khó trừ. Nhưng sắc có hai loại: Một là sắc dễ trừ, tức là số loài hữu tình. Hai là sắc khó trừ, tức là số loài vô tình. Sắc của không giới ở đây phần nhiều là gần với vật vô tình như cây cối, tường vách, v.v… mà thiết lập nên gọi là sắc gần khó trừ.

Sư cựu Đối pháp và Sư ở nước này đều cho không giới có mặt khắp mọi nơi. Tức là các phần của thân thể như xương thịt, gân mạch, da máu v.v… và các hình, hiển chỉ ngày, đêm, sáng, tối v.v…

các nơi, đều có thứ sắc này.

Hỏi: Khi duyên nơi sắc của không giới có sinh nhãn thức không?

Đáp: Có thuyết nói: Khi duyên nơi sắc này, không sinh nhãn thức. Tức sắc của không giới tuy là cảnh của nhãn thức, nhưng cuối cùng thì nhãn thức này không sinh.

Lại có thuyết cho: Duyên nơi sắc của không giới, nhãn thức cũng sinh.

Hỏi: Nếu vậy vì sao lại thấy không rõ?

Đáp: Sắc của không giới này, ban ngày thì ánh sáng ngăn che, ban đêm thì bóng tối che thêm, cho nên mắt tuy thấy nhưng không rõ.

Hỏi: Hư không và không giới có gì khác nhau?

Đáp: Hư không không phải là sắc, không giới là sắc. Hư không thì không thấy, không giới thì có thấy. Hư không thì không đối, không giới thì có đối. Hư không thì vô lậu, không giới là hữu lậu. Hư không là vô vi, không giới thì hữu vi.

Hỏi: Nếu hư không ấy là vô vi thì Khế kinh đã nói làm sao thông được? Như Khế kinh nói: “Đức Thế Tôn dùng tay sờ nắm hư không, bảo các Bí-sô v.v…”. Há không phải Phật dùng tay nắm bắt vô vi mà bảo với các đệ tử?

Đáp: Chính đó là không giới mà nói là hư không, không phải cho là tay nắm bắt hư không.

Có Kinh khác cũng nói: Phật bảo Bí-sô: Như có một họa sư hoặc các học trò của ông ấy đem các màu sắc đến nói: Tôi có thể vẽ được hư không, vẽ ra các thứ đường nét hình ảnh của nó v.v… Việc đó có thể làm được chăng? Bí-sô bạch Phật: Không thể được.

Kinh kia cũng đối với không giới mà nói tiếng hư không.

Lại như tụng nói:

Thú nương rừng đầm

Chim quy hư không

Thánh quy Niết-bàn

Pháp quy phân biệt.

Tụng này cũng đối với không giới mà nói tiếng hư không.

Lại có tụng nói:

Hư không bặt dấu chim

Ngoại đạo không Sa-môn

Kẻ ngu ưa hý luận

Như Lai thảy đều không.

Tụng kia cũng đối với không giới mà nói tiếng hư không.

Có Kinh khác nói: Chim bay nơi hư không, dấu vết khó hiện bày, cũng không thể tìm được. Đó cũng đối với không giới mà nói tiếng hư không.

Có chỗ hỏi về hư không, lại lấy không giới để đáp, như trong Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là hư không? Ấy là có hư không, không có sắc nào ngăn trở, gây chướng ngại, trong đó tới lui khắp chốn luôn tăng trưởng.

Hỏi: Vì sao hỏi hư không nhưng trả lời bằng không giới?

Đáp: Vì hư không vi tế khó có thể nêu bày, diễn tả, còn không giới có hình tướng thô dễ nêu bày chỉ dẫn. Dùng thô để hiển bày tế nên nói như thế.

Hỏi: Do duyên nào nên nhận biết là có hư không?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Do Đức Phật nói nên nhận biết là có hư không. Nghĩa là trong Khế kinh có nhiều chỗ Đức Phật nói đến hư không, nên nhận biết hư không là thật có.

Hỏi: Chỉ vì tin nơi lời Phật dạy nên nhận biết có hư không hay hư không ấy cũng do hiện lượng mà được?

Đáp: Cũng do hiện lượng mà được. Nếu không có hư không thì mọi vật hiện có tất không có nơi chốn dung chứa. Đã có nơi chốn gồm chứa các vật hiện có nên biết là có hư không.

Lại có thuyết nói: Vì có xứ tới lui qua lại, có chỗ chứa nhóm tập hợp, nên nhận biết là có hư không. Nếu không có nhân của nó thì nó cũng không có. Nói nhân của nó tức là hư không, hư không là nhân gồm chứa thọ nhận chúng.

Lại có thuyết cho: Vì dung chứa các vật có chướng ngại nên nhận biết là có hư không, nếu không có hư không thì các vật kia không có chỗ dung chứa.

Lại có thuyết nêu: Nếu không có hư không thì tất cả mọi vật tất phải bị chướng ngại. Nay đã hiện thấy được các xứ không chướng ngại, nên nhận biết hư không nhất định là có thật. Tướng không chướng ngại chính là hư không.

Đại đức nói: Hư không không thể nhận biết, không phải là sự việc của đối tượng nhận biết. Sự việc của đối tượng nhận biết đó là sắc, không phải là tánh của sắc. Hư không cùng với chúng đều không tương ưng. Sự việc của đối tượng nhận biết là tánh đây, kia. Hư không cùng với chúng đều không tương ưng. Tên gọi hư không này chỉ là do thế gian phân biệt giả lập ra.

Lời bình: Nên nói thế này: Hư không là thật có, không phải vì nói không nhận biết nên cho là không có. Hư không do giáo lý trước mà biết hư không có thật.

Hỏi: Nếu vậy thì hư không có tác dụng như thế nào?

Đáp: Hư không là vô vi nên không có tác dụng. Nhưng nó có thể cùng với vô số các thứ không giới làm tăng thượng duyên gần. Vô số các thứ không giới ấy lại có thể cùng với vô số đại chủng làm tăng thượng duyên gần. Vô số các thứ đại chủng kia có thể cùng với các thứ sắc tạo có đối làm tăng thượng duyên gần. Sắc tạo có đối kia có thể cùng với các tâm tâm sở pháp làm tăng thượng duyên gần. Nếu không có hư không thì các thứ nhân quả thứ lớp lần lượt đều không thể thành lập được, chớ nên mắc lỗi này. Thế nên thể tướng của hư không là thật có, đừng nên bài bác là không có.

Hỏi: Thế nào là Thức giới?

Đáp: Năm thức thân và ý thức hữu lậu.

Hỏi: Vì sao thức vô lậu không lập thành thức giới?

Đáp: Vì nó cùng với tướng của thức giới không tương ưng. Nếu pháp có khả năng nuôi lớn các hữu, thâu giữ làm tăng ích các hữu, nhận giữ các hữu, thì lập trong sáu giới. Ý thức vô lậu vì có thể làm tổn giảm các hữu, làm tan hoại các hữu, diệt phá các hữu, thế nên không lập trong sáu giới.

Lại nữa, nếu các pháp có khả năng khiến các hữu nối tiếp nơi sinh lão bệnh tử lưu chuyển không dứt, thì lập trong sáu giới. Ý thức vô lậu trái với các thứ nêu trên, thế nên không lập trong sáu giới.

Lại nữa, nếu pháp là hướng tới hành tập của khổ, cũng là hướng tới hành tập sinh lão bệnh tử hiện có nơi thế gian, thì lập trong sáu giới. Ý thức vô lậu trái với các thứ nêu trên, thế nên không lập trong sáu giới.

Lại nữa, nếu pháp là sự việc của hữu thân kiến, của điên đảo, của ái, của tùy miên v.v… cùng với tham sân si làm chỗ an đủ có các thứ cấu uế, độc hại, gai gốc, có lỗi lầm, có ô trọc, rơi vào các hữu, do khổ, tập đế thâu giữ, thì lập trong sáu giới. Ý thức vô lậu trái với các thứ ấy, thế nên không lập trong sáu giới.

Tôn giả Thế Hữu có hỏi: Sáu giới này vì sao không thâu nhận ý thức vô lậu? Tức tự đáp: Vì sáu giới đó là từ các lậu sinh ra, ý thức vô lậu không từ các lậu sinh ra.

Lại có thuyết cho: Sáu giới đó có thể sinh ra các lậu, ý thức vô lậu không sinh ra các lậu.

Lại có thuyết nêu: Sáu giới ấy là duyên của ngã chấp, ý thức vô lậu không phải là duyên của ngã chấp.

Lại có thuyết biện: Sáu giới như thế là chỗ nương dựa của hữu tĩnh, ý thức vô lậu không phải là chỗ nương dựa của hữu tình.

Lại có thuyết nói: Sáu giới này là chỗ nương dựa của dị thục, ý thức vô lậu không phải là chỗ nương dựa của dị thục.

Lại có thuyết cho: Sáu giới như thế là duyên khiến nhập thai, ý thức vô lậu không phải là duyên khiến nhập thai.

Lại có thuyết nêu: Sáu giới này là có từ vô thỉ đến nay, ý thức vô lậu không phải là có từ vô thỉ.

Đại đức nói: Sáu giới như thế là phần của tự thể, ý thức vô lậu không phải là phần của tự thể.

Hiếp Tôn giả nói: Sáu giới này là chỗ nương dựa của sinh tử, ý thức vô lậu không phải là chỗ nương dựa của sinh tử.

Do vô số các nhân duyên như thế, nên ý thức vô lậu không lập làm thức giới.

Hỏi: Uẩn, thủ uẩn, giới có gì khác nhau?

Đáp: Khác nhau về tên gọi. Tức gọi là uẩn, gọi là thủ uẩn, gọi là giới.

Lại nữa, đối với pháp hữu vi thì thiết lập uẩn, đối với pháp hữu lậu thì thiết lập thủ uẩn, đối với pháp hữu tình số thì thiết lập giới.

Lại nữa, uẩn có tác dụng lưu chuyển và hoàn diệt, thủ uẩn chỉ có tác dụng lưu chuyển, giới thì có tác dụng kiết sinh và nhập thai.

Đó là sự khác nhau của ba thứ uẩn, thủ uẩn và giới.

***

* Có hai pháp: 1. Pháp có sắc. 2. Pháp không sắc.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận loại bỏ Bổ-đặc già-la và để làm sáng tỏ trí thù thắng.

Vì muốn ngăn chận loại bỏ Bổ-đặc-già-la: Tức chỉ rõ chỉ có pháp có sắc và không sắc là rốt ráo, còn Bổ-đặc-già-la là không thật.

Và để làm sáng tỏ trí thù thắng: Tức kẻ có trí thông tuệ, thù thắng. Do hai pháp này (có sắc và không sắc) thông đạt tất cả, vì hai pháp ấy gồm thâu khắp hết thảy các pháp.

Vì hai duyên đó nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là pháp có sắc?

Đáp: Là mười xứ và phần ít của một xứ. Mười xứ tức các xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc. Phần ít của một xứ là phần ít của pháp xứ.

Hỏi: Thế nào là pháp không sắc?

Đáp: Là một xứ và phần ít của một xứ. Một xứ tức là ý xứ. Phần ít của một xứ tức là phần ít của pháp xứ.

Hỏi: Ở đây những gì gọi là pháp có sắc và pháp không sắc?

Đáp: Nếu pháp danh có sắc, Thể là sắc, gọi là pháp có sắc. Nếu pháp danh có phi sắc, Thể là phi sắc, gọi là pháp không sắc. Hoặc có pháp tuy danh có sắc nhưng thể là phi sắc. Như Khế kinh nói: “Tịch tĩnh, giải thoát là vượt khỏi pháp có sắc đến pháp không sắc, nên ở đây biết pháp có sắc chính là định có sắc”. Lại Khế kinh nói: “Thân chứng định sắc đầy đủ mà trụ”. Lại như có lời bảo: “Nay ta đang thọ sắc thọ như thế”. Lại như Đức Phật nói: “Ta dùng sắc nơi câu văn của các kinh điển như vậy để phó chúc cho các ông nên tuân giữ, thực hành đúng đắn”. Những dẫn chứng như thế tuy danh có sắc nhưng Thể là phi sắc. Nếu như danh có sắc, thể là sắc gọi là pháp có sắc. Hoặc thể của sắc, có dụng của sắc. Hoặc dụng của sắc có thể của sắc. Hoặc là thể và tướng hỗ tương mà có, nên lập tên có sắc.

Lại nữa, nếu thể của pháp là bốn đại chủng hoặc do bốn đại chủng tạo nên, gọi là pháp có sắc. Nếu thể của các pháp không phải là bốn đại chủng hoặc không do bốn đại chủng tạo nên gọi là pháp không sắc.

Lại nữa, nếu pháp do bốn đại chủng làm nhân và thể của nó là sắc được tạo, gọi là pháp có sắc. Nếu pháp không do bốn đại chủng làm nhân và thể của nó không phải là sắc được tạo, gọi là pháp không sắc.

Lại nữa, nếu pháp có thể gây tạo, có thể tăng trưởng, gọi là pháp có sắc. Nếu pháp không thể gây tạo và cũng không thể tăng trưởng, gọi là pháp không sắc.

Tôn giả Thế Hữu nói: Tướng có sắc gọi là pháp có sắc. Những gì gọi là tướng có sắc? Tức có tướng dần dần chứa nhóm tụ hợp gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nói: Nếu tướng có tan hoại dần dần, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết cho: Nếu tướng có hình chất có thể giữ lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nêu: Nếu tướng có nơi chốn có thể giữ lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết biện: Nếu tướng có lớn nhỏ có thể nắm giữ, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết cho: Nếu tướng có chướng ngại có thể giữ lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nêu: Nếu tướng có oán hại có thể giữ lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nói: Nếu tướng có tổn hại có thể giữ lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết cho: Nếu tướng có tăng thêm có thể nhận lấy, gọi là tướng có sắc.

Lại nữa, hoặc có ba thứ tướng sắc có thể đạt được gọi là tướng có sắc. Tức là hoặc có sắc, có thấy, có đối. Hoặc lại có sắc, không thấy, có đối. Hoặc lại có sắc, không thấy, không đối.

Lại có thuyết nêu: Nếu tướng có dẫn dắt kéo đi, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nói: Nếu tướng có biến đổi tạo chướng ngại, gọi là tướng có sắc.

Hỏi: Nếu tướng có biến đổi tạo chướng ngại gọi là tướng có sắc, như vậy những cực vi ở quá khứ vị lai không biểu hiện, đã không có biến đổi tạo chướng ngại nên là tướng không sắc. Nếu là tướng không sắc thì thể tức nên phi sắc chăng?

Đáp: Chúng cũng là sắc và có được tướng của sắc. Nghĩa là sắc quá khứ tuy hiện nay không có biến đổi tạo chướng ngại, nhưng đã từng có biến đổi tạo chướng ngại. Sắc vị lai tuy hiện nay không có biến đổi tạo chướng ngại, nhưng sẽ biến đổi tạo chướng ngại. Mỗi mỗi thứ cực vi tuy không có biến đổi tạo chướng ngại, nhưng nếu chất chứa tụ tập nhiều mãi tức có biến đổi tạo chướng ngại. Tự thể của những thứ không biểu hiện tuy chúng không có biến đổi tạo chướng ngại nhưng chúng đã nương dựa vào các thứ có biến đổi tạo chướng ngại nên cũng gọi là biến đổi tạo chướng ngại. Nương dựa vào những thứ gì? Đó là bốn đại chủng vì chỗ nương vào đó có biến đổi tạo chướng ngại, nên tuy không biểu hiện nhưng cũng có thể gọi là có biến đổi tạo chướng ngại. Cũng như cây cối lay động thì bóng của nó cũng dời đổi theo.

Lại có thuyết cho: Nếu tướng có dung chứa tạo chướng ngại, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nêu: Nếu tướng có các đại chủng làm nhân, gọi là tướng có sắc.

Lại có thuyết nói: Không có tướng tất cả các sắc đồng với một sắc. Vì sao? Vì tướng của sắc nơi nhãn xứ khác, cho đến tướng của sắc thuộc pháp xứ khác.

Đại đức nói: Nếu tướng có thể hủy hoại sắc có đối, gọi là tướng có sắc.

Những thứ trái với các tướng của sắc đã nói ở trước, gọi là tướng không sắc. Nếu các pháp có tướng không sắc, gọi là pháp không sắc.

Hỏi: Sắc thuộc về pháp xứ, vì sao lại không gồm thâu trong mười sắc xứ?

Đáp: Nếu sắc có thể dùng sát-na cực vi phân tích được thì lập nơi mười sắc xứ. Sắc thuộc về pháp xứ tuy có nghĩa sát-na có thể phân tích, nhưng không có nghĩa cực vi có thể phân tích, nên không gồm thâu trong mười sắc xứ.

Lại nữa, nếu sắc có thể làm chỗ nương dựa, làm đối tượng duyên cho năm thức, thì lập nơi mười sắc xứ. Sắc thuộc về pháp xứ không làm chỗ nương dựa, không làm đối tượng duyên cho năm thức, nên không gồm thâu trong mười sắc xứ.

Lại nữa, nếu sắc có chướng ngại thì có thể lập nơi mười sắc xứ. Sắc thuộc về pháp xứ không có chướng ngại, nên không gồm thâu trong mười sắc xứ.

Hỏi: Các sắc ở cõi dục nhiều hay các sắc ở cõi sắc nhiều?

Đáp: Nếu căn cứ vào xứ mà nói, sắc ở cõi dục nhiều, còn sắc ở cõi sắc ít. Vì sao? Vì ở cõi dục sắc gồm thâu hoàn toàn hai xứ và phần ít của chín xứ. Sắc ở cõi sắc chỉ gồm thâu phần ít của chín xứ.

Nếu căn cứ vào Thể mà nói, sắc ở cõi sắc nhiều, còn sắc ở cõi dục ít. Vì sao? Vì thân xứ nơi cõi sắc đều rộng lớn. Nghĩa là thân hình của người nơi cõi sắc to lớn hơn nhiều so với cõi dục.

Về nơi chốn phương hướng cũng lại như thế. Luận Thi Thiết nói: Như từ xứ này đến trời Phạm chúng, từ trời Phạm chúng đến trời Phạm phụ, dung lượng kia cũng như thế. Nói rộng cho đến như từ xứ này đến trời Thiện kiến, từ trời Thiện kiến đến trời Sắc cứu cánh, dung lượng kia cũng như thế. Cho nên sắc ở cõi sắc nhiều hơn cõi dục.

***

* Lại có hai pháp: 1. Pháp có thấy. 2. Pháp không thấy.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận loại bỏ Bổ-đặc-già-la và nhằm làm sáng tỏ trí thù thắng.

Vì muốn ngăn chận loại bỏ Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là làm rõ chỉ có pháp có thấy và không thấy là rốt ráo, còn Bổ-đặc-già-la là không thật.

Và nhằm làm sáng tỏ trí thù thắng: Tức có trí thông tuệ, thù thắng. Do hai pháp này nên thông đạt tất cả, vì hai pháp ấy gồm thâu khắp hết thảy các pháp.

Lại nữa, vì nhằm ngăn chận tông chỉ của kẻ khác cùng làm sáng tỏ lý chánh. Tức hoặc có người chấp: “Tất cả các pháp đều là có thấy”. Như Tôn giả Diệu Âm nói: “Tất cả các pháp đều là cảnh của tuệ nhãn có thấy”. Vì nhằm ngăn chận ý tưởng đó, làm sáng tỏ: “Tất cả các pháp hoặc là có thấy hoặc là không thấy”.

Do ba duyên trên nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là pháp có thấy?

Đáp: Là một xứ, tức là sắc xứ.

Hỏi: Thế nào là pháp không thấy?

Đáp: Là mười một xứ, tức là mười một xứ còn lại.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của có thấy và không thấy?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Chủ thể hiện bày, đối tượng được hiện bày, cùng có thể thị hiện nơi đây nơi kia, là nghĩa có thấy. Trái với các điều ấy là nghĩa không thấy.

Đại đức nói: Là đối tượng soi chiếu của mắt, là đối tượng hành tác của mắt, là cảnh giới của mắt, là nghĩa có thấy. Trái với các điều vừa nêu là nghĩa không thấy.

Hiếp Tôn giả nói: Nếu có hình ảnh rõ ràng có thể thấy được, là nghĩa có thấy. Trái với các điều ấy là nghĩa không thấy.

Hỏi: Vì sao trong mười một xứ có sắc mà chỉ một sắc xứ gọi là có thấy?

Đáp: Vì chỉ có một sắc xứ là thô, hiển bày dễ nhận biết, nói rộng như trước. Tức trong mười một sắc, chỉ có một sắc xứ được lập tên là sắc xứ.

Pháp có thấy này có hai mươi thứ, tức là: dài, ngắn, vuông, tròn, ngay, không ngay, cao, thấp, xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng hình, ánh sáng, tối, sáng, mây, khói, bụi, sương mù.

Lại có thuyết nói: Đây có hai mươi mốt thứ, tức hai mươi thứ vừa kể, lại thêm một thứ hiển sắc là khoảng không.

Hỏi: Trong số hai mươi sắc ấy có bao nhiêu thứ là có hiển bày không hình, bao nhiêu thứ là có hiển bày có hình?

Đáp: Trong hai mươi sắc ấy, có tám thứ là có hiển bày không hình: Đó là xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng hình, ánh sáng, nơi sáng, chỗ tối. Mười hai sắc còn lại là có hiển bày có hình.

Có thuyết cho: Ở đây nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Hoặc có sắc có hiển bày không hình: Tức là xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng hình, ánh sáng, nơi sáng, chỗ tối. Tám thứ sắc này có hiển bày có thể nhận biết, không hình có thể nhận biết.

2. Hoặc có sắc có hình không hiển bày: Tức như biểu sắc của thân, chúng có hình, có thể nhận biết, không hiển bày, có thể nhận biết.

3. Hoặc có sắc có hiển bày cũng có hình: Tức như dài, ngắn, vuông, tròn, ngay, không ngay, cao, thấp, mây, khói, bụi, sương mù. Mười hai thứ này có hiển bày, có hình, có thể nhận biết.

4. Hoặc có sắc không hiển bày cũng không có hình: Là trừ các tướng vừa nêu trước, tức là sắc của không giới.

Hỏi: Hình ảnh hiện có trong gương chúng là có thật hay là không có thật?

Đáp: Người thuộc phái Thí Dụ cho đây là không thật có. Vì sao? Vì mặt không vào trong gương mà gương cũng không ở nơi mặt, thế thì vì sao trên gương lại có hình ảnh của mặt mũi?

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Đây là thật có, là đối tượng thấy của mắt, là đối tượng duyên của nhãn thức, thuộc về sắc xứ.

Hỏi: Mặt không vào trong gương, gương không ở nơi mặt, vì sao lại thật có?

Đáp: Nhân duyên sinh ra sắc có nhiều thứ lý, không phải chỉ một thứ lý, nên việc sinh ra sắc kia không phải là khó. Như ngọc báu Nguyệt ái duyên với ánh sáng mặt trăng có nước sinh ra, không phải là không thật có, vì nước ấy có tác dụng của nước. Cũng như ngọc báu Nhật ái duyên nơi ánh sáng mặt trời cùng với bột phân bò v.v… có lửa sinh ra, không phải là không thật có, vì lửa sinh ra đó sử dụng được. Cũng như cái dùi lấy lửa và bùi ngùi hợp với sức người thì có lửa sinh ra, không phải là không thật có, vì lửa sinh ra đó sử dụng được. Như vậy, các duyên nơi mặt gương và mặt người v.v… có hình ảnh sinh ra, không phải là không thật có? Vì hình ảnh sinh ra có khả năng làm đối tượng duyên sinh ra nhớ nghĩ nhận biết.

Hỏi: Thế gian khi nghe tiếng vang trong hang sâu thì tiếng vang ấy là có thật hay không thật?

Đáp: Phái Thí Dụ cho là không thật. Vì sao? Vì tất cả âm thanh, tánh là sát-na, ở xứ này phát ra thì cũng ở xứ đó diệt mất, tiếng phát ra thì trong khoảng khắc liền diệt, làm sao có thể đến chỗ hang sâu để sinh ra tiếng vang?

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Tiếng vang đó là thật có, là đối tượng được nghe của tai, là đối tượng duyên của nhĩ thức, thuộc về thanh xứ.

Hỏi: Tiếng động, tiếng vang chỉ sinh ra trong sát-na tức ở nơi xứ phát ra liền diệt. Như vậy làm sao có thể đến hang sâu để sinh ra tiếng vang?

Đáp: Nhân duyên sinh ra âm thanh không phải chỉ có một thứ lý mà có nhiều thứ lý, nên việc sinh ra tiếng vang kia không phải là khó. Như các duyên giữa môi, răng, lưỡi, nướu và thanh quản cùng liên hệ với nhau phát ra tiếng. Các tiếng này sinh ra đâu phải là không thật có, vì nhĩ thức được sinh ra. Như vậy, duyên nơi âm thanh và duyên nơi hang sâu v.v… mà có tiếng vang sinh ra không phải là không thật có, vì nó có thể làm đối tượng duyên sinh ra nhớ nghĩ nhận biết.

HẾT – QUYỂN 75