LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHẨM LOẠI TÚC
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 2
Phẩm 2: BIỆN VỀ CÁC TRÍ, phần 2
* Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?
Đáp: Một trí là hữu lậu, tám trí là vô lậu, một trí nên phân biệt: Tức tha tâm trí hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Thế nào là hữu lậu? Là nhận biết tâm, tâm sở pháp hữu lậu của người khác. Thế nào là vô lậu? Là nhận biết tâm, tâm sở pháp vô lậu của người khác.
Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ duyên nơi hữu lậu, bao nhiêu thứ duyên nơi vô lậu?
Đáp: Hai trí duyên nơi hữu lậu, hai trí duyên nơi vô lậu, sáu trí nên phân biệt:
Pháp trí hoặc duyên nơi hữu lậu, hoặc duyên nơi vô lậu. Thế nào là duyên nơi hữu lậu? Là duyên nơi khổ, tập. Thế nào là duyên nơi vô lậu? Là duyên nơi diệt, đạo.
Như pháp trí, loại trí, tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.
Tha tâm trí hoặc duyên nơi hữu lậu, hoặc duyên nơi vô lậu. Thế nào là duyên nơi hữu lậu? Là biết rõ tâm, tâm sở pháp hữu lậu của người khác. Thế nào là duyên nơi vô lậu? Là biết rõ tâm, tâm sở pháp vô lậu của người khác.
Thế tục trí hoặc duyên nơi hữu lậu, hoặc duyên nơi vô lậu. Thế nào là duyên nơi hữu lậu? Là duyên nơi khổ, tập. Thế nào là duyên nơi vô lậu? Là duyên nơi diệt, đạo cùng hư không, phi trạch diệt.
*
* Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?
Đáp: Tất cả là hữu vi.
Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ duyên nơi hữu vi, bao nhiêu thứ duyên nơi vô vi?
Đáp: Bốn trí duyên nơi hữu vi, một trí duyên nơi vô vi, năm trí nên phân biệt: Pháp trí hoặc duyên nơi hữu vi, hoặc duyên nơi vô vi. Thế nào là duyên nơi hữu vi? Là duyên nơi khổ, tập và đạo. Thế nào là duyên nơi vô vi? Là duyên nơi diệt.
Như pháp trí, loại trí, tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.
Thế tục trí hoặc duyên nơi hữu vi, hoặc duyên nơi vô vi. Thế nào là duyên nơi hữu vi? Là duyên nơi khổ, tập, đạo. Thế nào là duyên nơi vô vi? Là duyên nơi trạch diệt và hư không, phi trạch diệt.
***
Phẩm 3: BIỆN VỀ CÁC XỨ
Có mười hai xứ: 1. Nhãn xứ. 2. Sắc xứ. 3. Nhĩ xứ. 4. Thanh xứ. 5. Tỷ xứ. 6. Hương xứ. 7. Thiệt xứ. 8. Vị xứ. 9. Thân xứ. 10. Xúc xứ. 11. Ý xứ. 12. Pháp xứ.
**
* Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là có sắc, bao nhiêu thứ là không sắc?
Đáp: Mười thứ là có sắc, một thứ là không sắc, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ hoặc là có sắc, hoặc là không sắc. Thế nào là có sắc? Là pháp xứ gồm thâu nghiệp thân, ngữ. Thế nào là không sắc? Là pháp xứ còn lại.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là có thấy, bao nhiêu thứ là không thấy?
Đáp: Một thứ là có thấy, mười một thứ là không thấy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là có đối, bao nhiêu thứ là không đối?
Đáp: Mười thứ là có đối, hai thứ là không đối.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?
Đáp: Mười thứ là hữu lậu, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Thế nào là hữu lậu? Là tác ý hữu lậu tương ưng với ý xứ. Thế nào là vô lậu? Là tác ý vô lậu tương ưng với ý xứ.
Pháp xứ hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Thế nào là hữu lậu? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ hữu lậu và các uẩn thọ, tưởng, hành hữu lậu. Thế nào là vô lậu? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ vô lậu và các uẩn thọ, tưởng, hành vô lậu cùng hư không, hai diệt.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?
Đáp: Mười một thứ là hữu vi, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi. Thế nào là hữu vi? Là pháp xứ bao gồm các nghiệp thân, ngữ và các uẩn thọ, tưởng, hành. Thế nào là vô vi? Là hư không, hai diệt.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu tránh, bao nhiêu thứ là vô tránh?
Đáp: Mười thứ là hữu tránh, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ, pháp xứ nếu là hữu lậu thì hữu tránh, nếu là vô lậu thì vô tránh.
Như hữu tránh, vô tránh, các thứ thế gian, xuất thế gian, gần với cảnh giới, không gần với cảnh giới, có tham đắm vị, không tham đắm vị, nương vào đắm chấp, nương vào xuất ly, thuận kiết, không thuận kiết, thuận thủ, không thuận thủ, thuận triền, không thuận triền v.v…, nên biết cũng như vậy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu ký, bao nhiêu thứ là vô ký?
Đáp: Tám thứ là vô ký, bốn thứ nên phân biệt:
Sắc xứ hoặc là hữu ký, hoặc là vô ký. Thế nào là hữu ký? Là sắc xứ thiện và bất thiện. Thế nào là vô ký? Là trừ sắc xứ thiện và bất thiện, là các sắc xứ còn lại.
Như sắc xứ, thanh xứ, ý xứ, pháp xứ cũng như vậy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu phú, bao nhiêu thứ là vô phú?
Đáp: Tám thứ là vô phú, bốn thứ nên phân biệt: Sắc xứ hoặc là hữu phú, hoặc là vô phú. Thế nào là hữu phú? Là sắc xứ bất thiện và hữu phú vô ký. Thế nào là vô phú? Là sắc xứ thiện và vô phú vô ký.
Như sắc xứ, thanh xứ, ý xứ, pháp xứ cũng như vậy.
Cũng như hữu phú, vô phú, có nhiễm ô, không nhiễm ô, có tội, không có tội v.v…, nên biết cũng như vậy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ nên tu, bao nhiêu thứ không nên tu?
Đáp: Tám thứ không nên tu, bốn thứ nên phân biệt: Sắc xứ hoặc nên tu, hoặc không nên tu. Thế nào là nên tu? Là sắc xứ thiện. Thế nào là không nên tu? Là sắc xứ bất thiện và vô ký.
Như sắc xứ, thanh xứ, ý xứ cũng như vậy.
Pháp xứ hoặc nên tu, hoặc không nên tu. Thế nào là nên tu? Là pháp xứ thiện, hữu vi. Thế nào là không nên tu? Là pháp xứ bất thiện, vô ký và trạch diệt.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ có dị thục, bao nhiêu thứ không có dị thục?
Đáp: Tám thứ không có dị thục, bốn thứ nên phân biệt: Sắc xứ hoặc có dị thục, hoặc không có dị thục. Thế nào là có dị thục? Là sắc xứ thiện và bất thiện. Thế nào là không có dị thục? Là sắc xứ vô ký.
Như sắc xứ, thanh xứ cũng như vậy.
Ý xứ hoặc có dị thục, hoặc không có dị thục. Thế nào là có dị thục? Là ý xứ hữu lậu thiện và bất thiện. Thế nào là không có dị thục? Là ý xứ vô lậu vô ký.
Như ý xứ, pháp xứ cũng như vậy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là kiến, bao nhiêu thứ không phải là kiến?
Đáp: Một thứ là kiến, mười thứ không phải là kiến, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ hoặc là kiến, hoặc không phải là kiến. Thế nào là kiến? Là năm thứ kiến nhiễm ô, chánh kiến thế tục, kiến học và kiến vô học. Thế nào là không phải kiến? Là pháp xứ còn lại.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là trong, bao nhiêu thứ là ngoài?
Đáp: Sáu thứ là trong (nội xứ), sáu thứ là ngoài (ngoại xứ).
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ có chấp thọ, bao nhiêu thứ không chấp thọ?
Đáp: Hai thứ không chấp thọ, mười thứ nên phân biệt:
Nhãn xứ hoặc là có chấp thọ, hoặc là không chấp thọ. Thế nào là có chấp thọ? Là nhãn xứ thuộc về tự thể. Thế nào là không chấp thọ? Là nhãn xứ không thuộc về tự thể.
Như nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ cũng như vậy.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là tâm, bao nhiêu thứ không phải là tâm?
Đáp: Một thứ là tâm, mười một thứ không phải là tâm.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là tâm sở, bao nhiêu thứ không phải là tâm sở?
Đáp: Mười một thứ không phải là tâm sở, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ hoặc là tâm sở, hoặc không phải là tâm sở. Thế nào là tâm sở? Là có đối tượng duyên nơi pháp xứ. Thế nào là không phải tâm sở? Là không có đối tượng duyên nơi pháp xứ.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là có đối tượng duyên, bao nhiêu thứ là không có đối tượng duyên?
Đáp: Một thứ là có đối tượng duyên, mười thứ là không có đối tượng duyên, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ hoặc là có đối tượng duyên, hoặc là không có đối tượng duyên. Thế nào là có đối tượng duyên? Là các thứ tâm sở. Thế nào là không có đối tượng duyên? Tức pháp xứ không phải là tâm sở.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là nghiệp, bao nhiêu thứ không phải là nghiệp?
Đáp: Chín thứ không phải là nghiệp, ba thứ nên phân biệt: Sắc xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là biểu nghiệp của thân. Thế nào không phải là nghiệp? Là các sắc xứ còn lại.
Thanh xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là biểu nghiệp của ngữ. Thế nào không phải là nghiệp? Là các thanh xứ còn lại.
Pháp xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ và tư. Thế nào không phải là nghiệp? Là các pháp xứ còn lại.
*
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký?
Đáp: Tám thứ là vô ký, bốn thứ nên phân biệt: Sắc xứ hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là thiện? Là biểu nghiệp thân thiện. Thế nào là bất thiện? Là biểu nghiệp thân bất thiện. Thế nào là vô ký? Là trừ biểu nghiệp thiện và bất thiện nơi thân, là các sắc xứ còn lại.
Thanh xứ hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là thiện? Là biểu nghiệp ngữ thiện. Thế nào là bất thiện? Là biểu nghiệp ngữ bất thiện. Thế nào là vô ký? Là trừ biểu nghiệp ngữ thiện và bất thiện, là các thanh xứ còn lại.
Ý xứ hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là thiện? Là tác ý thiện tương ưng với ý xứ. Thế nào là bất thiện? Là tác ý bất thiện tương ưng với ý xứ. Thế nào là vô ký? Là tác ý vô ký tương ưng với ý xứ.
Pháp xứ hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là thiện? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ thiện, các uẩn thọ, tưởng, hành thiện cùng với trạch diệt. Thế nào là bất thiện? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ bất thiện, các uẩn thọ, tưởng, hành bất thiện. Thế nào là vô ký? Là các uẩn thọ, tưởng, hành vô ký và hư không, phi trạch diệt.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn trừ, bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn trừ, bao nhiêu thứ không đoạn?
Đáp: Mười thứ do tu đạo đoạn trừ, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ hoặc do kiến đạo đoạn trừ, hoặc do tu đạo đoạn trừ, hoặc không đoạn. Thế nào là do kiến đạo đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán biên nhẫn đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là kiến đạo đoạn trừ tám mươi tám thứ tùy miên tương ưng với ý xứ. Thế nào là do tu đạo đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc hữu học kiến tích tu đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là tu đạo đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với ý xứ, cùng ý xứ hữu lậu không nhiễm ô. Thế nào là không đoạn? Nghĩa là ý xứ vô lậu.
Pháp xứ hoặc do kiến đạo đoạn trừ, hoặc do tu đạo đoạn trừ, hoặc không đoạn. Thế nào là do kiến đạo đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán biên nhẫn đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là kiến đạo đoạn trừ tám mươi tám thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ và cùng khởi tâm bất tương ưng hành. Thế nào là do tu đạo đoạn? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc hữu học kiến tích tu đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là tu đạo đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cùng khởi nghiệp thân, ngữ, cùng khởi tâm bất tương ưng hành và pháp xứ hữu lậu không nhiễm ô. Thế nào là không đoạn? Nghĩa là pháp xứ vô lậu.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ là hữu học, bao nhiêu thứ là vô học, bao nhiêu thứ là phi học phi vô học?
Đáp: Mười thứ là phi học phi vô học, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ hoặc là hữu học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thế nào là hữu học? Là tác ý hữu học tương ưng với ý xứ. Thế nào là vô học? Là tác ý vô học tương ưng với ý xứ. Thế nào là phi học phi vô học? Là tác ý phi học phi vô học tương ưng với ý xứ.
Pháp xứ hoặc là hữu học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thế nào là hữu học? Là các nghiệp thân, ngữ hữu học cùng các uẩn thọ, tưởng, hành hữu học. Thế nào là vô học? Là các nghiệp thân, ngữ vô học cùng các uẩn thọ tưởng hành vô học. Thế nào là phi học phi vô học? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ hữu lậu và các uẩn thọ, tưởng, hành hữu lậu cùng các pháp vô vi.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ thuộc cõi Dục, bao nhiêu thứ thuộc cõi Sắc, bao nhiêu thứ thuộc cõi Vô sắc, bao nhiêu thứ không hệ thuộc?
Đáp: Hai thứ thuộc cõi Dục, mười thứ nên phân biệt: Nhãn xứ hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là nhãn xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Dục. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là nhãn xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Sắc.
Như nhãn xứ, thì sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ cũng như vậy.
Xúc xứ hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là xúc xứ của bốn đại chủng ở cõi Dục và xúc xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Dục. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là xúc xứ của bốn đại chủng ở cõi Sắc và xúc xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Sắc.
Ý xứ hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là các tác ý thuộc cõi Dục tương ưng với ý xứ. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là các tác ý thuộc cõi Sắc tương ưng với ý xứ. Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là các tác ý thuộc cõi Vô sắc tương ưng với ý xứ. Thế nào là không hệ thuộc? Là tác ý vô lậu tương ưng với ý xứ.
Pháp xứ hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ và của các uẩn thọ, tưởng, hành thuộc cõi Dục. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là pháp xứ gồm thâu các nghiệp thân, ngữ và các uẩn thọ, tưởng, hành thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là các uẩn thọ, tưởng, hành thuộc cõi Vô sắc. Thế nào là không hệ thuộc? Là các nghiệp thân, ngữ vô lậu, các uẩn thọ, tưởng, hành vô lậu và pháp vô vi.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ thuộc quá khứ, bao nhiêu thứ thuộc hiện tại, bao nhiêu thứ thuộc vị lai?
Đáp: Mười một thứ thuộc hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai, một thứ nên phân biệt: Tức pháp xứ nếu là hữu vi là hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai, nếu là vô vi là không thuộc về ba đời.
*
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ thuộc về khổ đế, tập đế, bao nhiêu thứ thuộc về diệt đế, đạo đế và không thuộc về đế?
Đáp: Mười thứ thuộc về khổ để và tập đế, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ nếu là hữu lậu là thuộc về khổ đế và tập đế, nếu là vô lậu là thuộc về đạo đế.
Pháp xứ nếu là hữu lậu là thuộc về khổ đế và tập đế, nếu là vô lậu thì thuộc về đạo đế hữu vi, nếu là trạch diệt là thuộc về diệt đế, nếu là hư không, phi trạch diệt là không thuộc về đế.
Hỏi: Mười hai xứ nầy: Bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn trừ, bao nhiêu thứ do kiến tập đoạn trừ, bao nhiêu thứ do kiến diệt đoạn trừ, bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn trừ, bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn trừ, bao nhiêu thứ là không đoạn trừ?
Đáp: Mười thứ do tu đạo đoạn trừ, hai thứ nên phân biệt:
Ý xứ hoặc do kiến khổ đoạn trừ, hoặc do kiến tập đoạn trừ, hoặc do kiến diệt đoạn trừ, hoặc do kiến đạo đoạn trừ, hoặc do tu đạo đoạn trừ, hoặc không đoạn trừ.
Thế nào là do kiến khổ đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn khổ đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến khổ đoạn trừ hai mươi tám thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.
Thế nào là do kiến tập đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn tập đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến tập đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.
Thế nào là do kiến diệt đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn diệt đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến diệt đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.
Thế nào là do kiến đạo đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn đạo đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến đạo đoạn trừ hai mươi hai thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.
Thế nào là do tu đạo đoạn trừ? Nghĩa là như ý xứ nơi các bậc hữu học kiến tích tu tập đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do tu đạo đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với ý xứ cùng ý xứ hữu lậu không nhiễm ô.
Thế nào là không đoạn trừ? Nghĩa là ý xứ vô lậu.
Pháp xứ hoặc do kiến khổ đoạn trừ, hoặc do kiến tập đoạn trừ, hoặc do kiến diệt đoạn trừ, hoặc do kiến đạo đoạn trừ, hoặc do tu đạo đoạn trừ, hoặc không đoạn trừ.
Thế nào là do kiến khổ đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn khổ đã đoạn trừ.
Đây là nghĩa gì? Là do kiến khổ đoạn trừ hai mươi tám thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ cùng khởi tâm bất tương ưng hành.
Thế nào là do kiến tập đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn tập đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến tập đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ cùng khởi tâm bất tương ưng hành.
Thế nào là do kiến diệt đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn diệt đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến diệt đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ cùng khởi tâm bất tương ưng hành.
Thế nào là do kiến đạo đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc tùy tín, tùy pháp hành hiện quán về biên nhẫn đạo đã đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do kiến đạo đoạn trừ hai mươi hai thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ cùng khởi tâm bất tương ưng hành.
Thế nào là do tu đạo đoạn trừ? Nghĩa là như pháp xứ nơi các bậc hữu học kiến tích tu tập đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Là do tu đạo đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cùng khởi các nghiệp về thân, ngữ, tâm bất tương ưng hành và pháp xứ hữu lậu không nhiễm ô.
Thế nào là không đoạn trừ? Nghĩa là pháp xứ vô lậu.
**
* Hỏi: Năm uẩn và mười hai xứ: Là năm uẩn gồm thâu mười hai xứ hay là mười hai xứ gồm thâu năm uẩn?
Đáp: Mười hai xứ gồm thâu năm uẩn, không phải năm uẩn gồm thâu mười hai xứ. Những gì là không gồm thâu? Là các thứ vô vi.
Hỏi: Năm uẩn và mười tám giới: Là năm uẩn gồm thâu mười tám giới hay là mười tám giới gồm thâu năm uẩn?
Đáp: Mười tám giới gồm thâu năm uẩn, không phải năm uẩn gồm thâu mười tám giới. Những gì là không gồm thâu? Là các thứ vô vi.
Hỏi: Năm uẩn và hai mươi hai căn: Là năm uẩn gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu năm uẩn?
Đáp: Hai uẩn toàn phần và phần ít của hai uẩn gồm thâu hai mươi hai căn, hai mươi hai căn gồm thâu hai uẩn toàn phần và phần ít của hai uẩn. Những gì là không gồm thâu? Là một uẩn toàn phần và phần ít của hai uẩn.
Hỏi: Năm uẩn và chín mươi tám tùy miên: Là năm uẩn gồm thâu chín mươi tám tùy miên hay là chín mươi tám tùy miên gồm thâu năm uẩn?
Đáp: Phần ít của một uẩn gồm thâu chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên gồm thâu phần ít của một uẩn. Những gì là không gồm thâu? Là bốn uẩn toàn phần và phần ít của một uẩn.
*
Hỏi: Mười hai xứ và mười tám giới: Là mười hai xứ gồm thâu mười tám giới hay là mười tám giới gồm thâu mười hai xứ?
Đáp: Là chúng cùng gồm thâu lẫn nhau tùy từng sự việc.
Hỏi: Mười hai xứ và hai mươi hai căn: Là mười hai xứ gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu mười hai xứ?
Đáp: Sáu xứ toàn phần và phần ít của một xứ gồm thâu hai mươi hai căn, hai mươi hai căn gồm thâu sáu xứ toàn phần và phần ít của một xứ. Những gì là không gồm thâu? Là năm xứ toàn phần và phần ít của một xứ.
Hỏi: Mười hai xứ và chín mươi tám tùy miên: Là mười hai xứ gồm thâu chín mươi tám tùy miên hay là chín mươi tám tùy miên gồm thâu mười hai xứ?
Đáp: Phần ít của một xứ gồm thâu chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên gồm thâu phần ít của một xứ. Những gì là không gồm thâu? Là mười một xứ toàn phần và phần ít của một xứ.
*
Hỏi: Mười tám giới và hai mươi hai căn: Là mười tám giới gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu mười tám giới?
Đáp: Mười hai giới toàn phần và phần ít của một giới gồm thâu hai mươi hai căn, hai mươi hai căn gồm thâu mười hai giới toàn phần và phần ít của một giới. Những gì là không gồm thâu? Là năm giới toàn phần và phần ít của một giới.
Hỏi: Mười tám giới và chín mươi tám tùy miên: Là mười tám giới gồm thâu chín mươi tám tùy miên hay là chín mươi tám tùy miên gồm thâu mười tám giới?
Đáp: Phần ít của một giới gồm thâu chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên gồm thâu phần ít của một giới. Những gì là không gồm thâu? Là mười bảy giới toàn phần và phần ít của một giới.
*
Hỏi: Hai mươi hai căn và chín mươi tám tùy miên: Là hai mươi hai căn gồm thâu chín mươi tám tùy miên hay là chín mươi tám tùy miên gồm thâu hai mươi hai căn?
Đáp: Là chúng không gồm thâu nhau.
***
Phẩm 4: BIỆN VỀ BẢY SỰ, phần 1
1. Nêu dẫn các pháp: Gồm có mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn, năm thủ uẩn, sáu giới, mười pháp đại địa, mười pháp đại thiện địa, mười pháp đại phiền não địa, mười pháp tiểu phiền não địa, năm phiền não, năm xúc, năm kiến, năm căn, năm pháp, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân.
– Những gì là Mười tám giới? Đó là: 1. Nhãn giới. 2. Sắc giới. 3. Nhãn thức giới. 4. Nhĩ giới. 5. Thanh giới. 6. Nhĩ thức giới. 7. Tỷ giới. 8. Hương giới. 9. Tỷ thức giới. 10. Thiệt giới. 11. Vị giới. 12. Thiệt thức giới. 13. Thân giới. 14. Xúc giới. 15. Thân thức giới. 16. Ý giới. 17. Pháp giới. 18. Ý thức giới.
– Những gì là Mười hai xứ? Đó là: 1. Nhãn xứ. 2. Sắc xứ. 3. Nhĩ xứ. 4. Thanh xứ. 5. Tỷ xứ. 6. Hương xứ. 7. Thiệt xứ. 8. Vị xứ. 9. Thân xứ. 10. Xúc xứ. 11. Ý xứ. 12. Pháp xứ.
– Những gì là Năm uẩn? Đó là: 1. Sắc uẩn. 2. Thọ uẩn. 3. Tưởng uẩn. 4. Hành uẩn. 5. Thức uẩn.
– Những gì là Năm thủ uẩn? Đó là: 1. Sắc thủ uẩn. 2. Thọ thủ uẩn. 3. Tưởng thủ uẩn. 4. Hành thủ uẩn. 5. Thức thủ uẩn.
– Những gì là Sáu giới? Đó là: 1. Địa giới. 2. Thủy giới. 3. Hỏa giới. 4. Phong giới. 5. Không giới. 6. Thức giới.
– Những gì là Mười pháp đại địa? Đó là: 1. Thọ. 2. Tưởng. 3. Tư. 4. Xúc. 5. Tác ý. 6. Dục. 7. Thắng giải. 8. Niệm. 9. Định. 10. Tuệ.
– Những gì là Mười pháp đại thiện địa? Đó là: 1. Tín. 2. Cần (Siêng năng). 3. Tàm (Thẹn). 4. Quý (Hổ). 5. Không tham. 6. Không giận. 7. Khinh an. 8. Xả. 9. Không phóng dật. 10. Không hại.
– Những gì là Mười pháp đại phiền não địa? Đó là: 1. Không tin. 2. Lười biếng. 3. Thất niệm. 4. Tâm loạn. 5. Vô minh. 6. Không chánh tri. 7. Tác ý không đúng lý. 8. Thắng giải tà. 9. Trạo cử. 10. Phóng dật.
– Những gì là Mười pháp tiểu phiền não địa? Đó là: 1. Phẫn. 2. Hận. 3. Phú (Che giấu). 4. Não. 5. Tật (Ganh ghét). 6. Xan (Keo kiệt). 7. Cuống (Dối trá). 8. Siểm (Dua nịnh). 9. Kiêu (Kiêu căng). 10. Hại.
– Những gì là Năm phiền não? Đó là: 1. Tham nơi cõi Dục. 2. Tham nơi cõi Sắc. 3. Tham nơi cõi Vô sắc. 4. Sân. 5. Nghi.
– Những gì là Năm xúc? Đó là: 1. Xúc có đối. 2. Xúc tăng ngữ. 3. Xúc minh. 4. Xúc vô minh. 5. Xúc phi minh phi vô minh.
– Những gì là Năm kiến? Đó là: 1. Hữu thân kiến. 2. Biên chấp kiến. 3. Tà kiến. 4. Kiến thủ. 5. Giới cấm thủ.
– Những gì là Năm căn? Đó là: 1. Lạc căn. 2. Khổ căn. 3. Hỷ căn. 4. Ưu căn. 5. Xả căn.
– Những gì là Năm pháp? Đó là: 1. Tầm. 2. Tứ. 3. Thức. 4. Không hổ (Vô tàm). 5. Không thẹn (Vô quý).
– Những gì là Sáu thức thân? Đó là: 1. Nhãn thức. 2. Nhĩ thức. 3. Tỷ thức. 4. Thiệt thức. 5. Thân thức. 6. Ý thức.
– Những gì là Sáu xúc thân? Đó là: 1. Nhãn xúc. 2. Nhĩ xúc. 3. Tỷ xúc. 4. Thiệt xúc. 5. Thân xúc. 6. Ý xúc.
– Những gì là Sáu thọ thân? Đó là: 1. Nhãn xúc sinh ra thọ. 2. Nhĩ xúc sinh ra thọ. 3. Tỷ xúc sinh ra thọ. 4. Thiệt xúc sinh ra thọ. 5. Thân xúc sinh ra thọ. 6. Ý xúc sinh ra thọ.
– Những gì là Sáu tưởng thân? Đó là: 1. Nhãn xúc sinh ra tưởng. 2. Nhĩ xúc sinh ra tưởng. 3. Tỷ xúc sinh ra tưởng. 4. Thiệt xúc sinh ra tưởng. 5. Thân xúc sinh ra tưởng. 6. Ý xúc sinh ra tưởng.
– Những gì là Sáu tư thân? Đó là: 1. Nhãn xúc sinh ra tư. 2. Nhĩ xúc sinh ra tư. 3. Tỷ xúc sinh ra tư. 4. Thiệt xúc sinh ra tư. 5. Thân xúc sinh ra tư. 6. Ý xúc sinh ra tư.
– Những gì là Sáu ái thân? Đó là: 1. Nhãn xúc sinh ra ái. 2. Nhĩ xúc sinh ra ái. 3. Tỷ xúc sinh ra ái. 4. Thiệt xúc sinh ra ái. 5. Thân xúc sinh ra ái. 6. Ý xúc sinh ra ái.
**
2. Giải thích các pháp vừa nêu trên:
* Nói về Mười tám giới:
Thế nào là Nhãn giới? Là mắt đối với sắc đã, đang và sẽ nhìn thấy cùng đồng phận của sắc.
Thế nào là Sắc giới? Là sắc được mắt đã, đang và sẽ nhìn thấy cùng đồng phận của sắc.
Thế nào là Nhãn thức giới? Là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Như thế mắt là phần tăng thượng, sắc là đối tượng duyên, nơi mắt nhận biết sắc đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của sắc.
Thế nào là Nhĩ giới? Là tai đối với tiếng đã, đang và sẽ nghe cùng đồng phận của tiếng.
Thế nào là Thanh giới? Là tiếng được tai đã, đang và sẽ nghe cùng đồng phận của tiếng.
Thế nào là Nhĩ thức giới? Là tai và tiếng làm duyên sinh ra nhĩ thức. Như thế tai là phần tăng thượng, tiếng là đối tượng duyên, nơi tai nhận biết tiếng đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của tiếng.
Thế nào là Tỷ giới? Là mũi đối với hương đã, đang và sẽ ngửi cùng đồng phận của hương.
Thế nào là Hương giới? Là hương được mũi đã, đang và sẽ ngửi cùng đồng phận của hương.
Thế nào là Tỷ thức giới? Là mũi cùng hương làm duyên sinh ra tỷ thức. Như thế mũi là phần tăng thượng, hương là đối tượng duyên, nơi mũi nhận biết hương đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của hương.
Thế nào là Thiệt giới? Là lưỡi đối với vị đã, đang và sẽ nếm vị cùng đồng phận của vị.
Thế nào là Vị giới? Là vị được lưỡi đã, đang và sẽ nếm cùng đồng phận của vị.
Thế nào là Thiệt thức giới? Là lưỡi và vị làm duyên sinh ra thiệt thức. Như thế lưỡi là phần tăng thượng, vị là đối tượng duyên, nơi lưỡi nhận biết vị đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của vị.
Thế nào là Thân giới? Là thân đối với xúc đã, đang và sẽ xúc chạm cùng đồng phận của xúc.
Thế nào là Xúc giới? Là xúc được thân đã, đang và sẽ xúc chạm cùng đồng phận của xúc.
Thế nào là Thân thức giới? Là thân và xúc làm duyên sinh ra thân thức. Như thế thân là phần tăng thượng, xúc là đối tượng duyên, nơi thân nhận biết xúc đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của xúc.
Thế nào là Ý giới? Là ý đối với pháp đã, đang và sẽ nhận biết cùng đồng phận của pháp.
Thế nào là Pháp giới? Là pháp được ý đã, đang và sẽ nhận biết cùng đồng phận của pháp.
Thế nào là Ý thức giới? Là ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức. Như thế ý là phần tăng thượng, pháp là đối tượng duyên, nơi ý nhận biết pháp đã, đang và sẽ phân biệt cùng đồng phận của pháp.
*
* Nói về Mười hai xứ:
Thế nào là Nhãn xứ? Tức mắt là chủ thể đã, đang và sẽ thấy về các sắc cùng đồng phận của sắc.
Thế nào là Sắc xứ? Tức sắc là đối tượng đã, đang và sẽ thấy của mắt cùng đồng phận của sắc.
Thế nào là Nhĩ xứ? Tức tai là chủ thể đã, đang và sẽ nghe về các tiếng cùng đồng phận của tiếng.
Thế nào là Thanh xứ? Tức tiếng là đối tượng đã, đang và sẽ nghe của tai cùng đồng phận của tiếng.
Thế nào là Tỷ xứ? Tức mũi là chủ thể đã, đang và sẽ ngửi về các mùi cùng đồng phận của mùi.
Thế nào là Hương xứ? Tức mùi là đối tượng đã, đang và sẽ ngửi của mũi cùng đồng phận của mùi.
Thế nào là Thiệt xứ? Tức lưỡi là chủ thể đã, đang và sẽ nếm về các vị cùng đồng phận của vị.
Thế nào là Vị xứ? Tức vị là đối tượng đã, đang và sẽ nếm của lưỡi cùng đồng phận của vị.
Thế nào là Thân xứ? Tức thân là chủ thể đã, đang và sẽ xúc chạm về các xúc cùng đồng phận của xúc.
Thế nào là Xúc xứ? Tức xúc là đối tượng đã, đang và sẽ được xúc chạm của thân cùng đồng phận của thân.
Thế nào là Ý xứ? Tức ý là chủ thể đã, đang và sẽ nhận biết về các pháp cùng đồng phận của pháp.
Thế nào là Pháp xứ? Tức pháp là đối tượng đã, đang và sẽ được nhận biết của ý cùng đồng phận của pháp.
*
* Nói về Năm uẩn:
Thế nào là Sắc uẩn? Là mười sắc xứ và sắc thuộc về pháp xứ.
Thế nào là Thọ uẩn? Là sáu thọ thân, tức là từ thọ do mắt tiếp xúc sinh ra v.v… cho đến thọ do ý tiếp xúc sinh ra.
Thế nào là Tưởng uẩn? Là sáu tưởng thân, tức là từ tưởng do mắt tiếp xúc sinh ra v.v… cho đến tưởng do ý tiếp xúc sinh ra.
Thế nào là Hành uẩn? Tức có hai thứ: hành uẩn tương ưng với tâm và hành uẩn không tương ưng với tâm. Thế nào là hành uẩn tương ưng với tâm? Là pháp, tâm tương ưng với nhau. Đây là nghĩa gì? Là các thứ như tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, định, tuệ, tín, cần, tầm, tứ, phóng dật và không phóng dật, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, tất cả các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, các trí hiện có, các kiến hiện có, các thứ hiện quán hiện có, lại có các pháp khác cùng loại như thế cùng với tâm tương ưng v.v… gọi chung là hành uẩn tương ưng với tâm. Thế nào là hành uẩn không tương ưng với tâm? Là pháp, tâm không tương ưng. Đây là nghĩa gì? Là các thứ như: đắc, định vô tưởng, định diệt tận, sự vô tưởng, mạng căn, chúng đồng phận, y đắc, sự đắc, xứ đắc, sinh, lão, trụ, vô thường, danh thân, cú thân, văn thân, lại có các pháp khác cùng loại như vậy không tương ưng với tâm v.v… gọi chung là hành uẩn không tương ưng với tâm. Hai thứ như thế hợp lại gọi là Hành uẩn.
Thế nào là Thức uẩn? Là sáu thức thân, tức là nhãn thức v.v… cho đến ý thức.
*
* Nói về Năm thủ uẩn:
Thế nào là Sắc thủ uẩn? Là như các sắc hữu lậu có chấp giữ, đối với các sắc nầy hoặc ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, hoặc là dục, hoặc là tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở tùy phiền não, nên sinh tức sinh đúng lúc, đó gọi là sắc thủ uẩn.
Thế nào là Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn? Là như các uẩn thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu có chấp giữ, đối với các thọ, tưởng, hành, thức nầy, hoặc chúng có mặt nơi quá khứ, hiện tại hay vị lai, hoặc các thứ dục, tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở tùy phiền não, nên sinh tức sinh đúng lúc, đó gọi là các thủ uẩn thọ, tưởng, hành, thức.
*
* Nói về Sáu giới:
Thế nào là Địa giới? Là tánh cứng chắc.
Thế nào là Thủy giới? Là tánh ẩm ướt.
Thế nào là Hỏa giới? Là tánh ấm nóng.
Thế nào là Phong giới? Là tánh động như nhẹ v.v… Thế nào là Không giới? Là sắc Lân-a-già (Sắc của hư không).
Thế nào là Thức giới? Là năm thức thân và ý thức hữu lậu.
*
* Nói về Mười pháp đại địa:
Thế nào là Thọ? Là các thọ cùng thọ, thọ riêng biệt, đều thọ, đã thọ, là loại thọ. Đó gọi là thọ.
Thế nào là Tưởng? Là các tưởng cùng tưởng, tăng thượng, đều tưởng, đã tưởng, là loại tưởng. Đó gọi là tưởng.
Thế nào là Tư? Là các tư (suy nghĩ) cùng tư, tăng thượng, đều tư, đã tư, là loại tư, tâm tạo ý nghiệp. Đó gọi là tư.
Thế nào là Xúc? Là các xúc cùng xúc, tánh xúc chạm, tánh cùng xúc chạm, đã xúc, là loại xúc. Đó gọi là xúc.
Thế nào là Tác ý? Là tâm dẫn dắt, dẫn dắt thuận theo, dẫn dắt tư duy, tạo tác các ý nghĩ, khiến tâm chuyển biến, tâm tỉnh giác. Đó gọi là tác ý.
Thế nào là Dục? Là ham muốn, tánh ham muốn tăng thượng, tánh ham muốn hiện tiền, các sự vui mừng, trông mong, ưa thích hành tác. Đó gọi là dục.
Thế nào là Thắng giải? Là tánh của tâm đang hiểu rõ đúng, đã hiểu rõ đúng, sẽ hiểu rõ đúng. Đó gọi là thắng giải.
Thế nào là Niệm? Là niệm (nhớ nghĩ), tùy niệm biệt niệm, ức niệm, không quên, không mất, không sót, không rớt, tánh không quên các pháp, tánh của tâm ghi nhớ rõ v.v… Đó gọi là niệm.
Thế nào là Định? Là khiến tâm trụ, cùng trụ, an trụ, trụ gần, trụ vững chắc, không loạn không tán, thâu tóm, cùng giữ, tánh của tâm một cảnh. Đó gọi là định.
Thế nào là Tuệ? Là đối với các pháp biết chọn lựa, chọn lựa kỹ, chọn lựa cùng cực, hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu rõ khắp, hiểu rõ gần, thấu suốt mọi nẻo, phán xét thông tỏ, tuệ giác sáng hành Tỳ-bát-xána. Đó gọi là tuệ.
HẾT – QUYỂN 2