MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa

 

Hoàn Thiện Từ Lầm Lỗi

Đã làm con người thì không ai hoàn hảo, câu nói ấy là chân lý cho tất cả chúng ta. Nhưng sự hoàn hảo sẽ làm đẹp con người và làm cho đời sống con người có ý nghĩa. Câu nói này không phải là chân lý chết cứng mà là chân lý sống động, khẳng định khả năng phản tỉnh và cầu toàn nơi mỗi chúng ta. Vì vậy, con người chúng ta cần phải biết hoàn hảo hóa ngay trong đời sống của chính mình.

Sự lầm lỗi hay không hoàn hảo của con người sinh ra ngay nơi cách nhìn của chính họ, vậy ngay nơi cách nhìn mà con người hoàn thiện và chuyển hóa những lầm lỗi của họ, khiến cho cách nhìn của họ trở nên hoàn hảo. Cách nhìn thiển cận, cạn cợt và vội vã đã tạo ra những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì cách nhìn sâu lắng, rộng lớn, giảo nghiệm và chính xác, sẽ tạo nên cho con người có những hành động hoàn thiện bấy nhiêu.

Cách nghe thiển cận, cạn cợt và vội vã đã tạo nên những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì cách nghe sâu lắng, có đối chiếu từ nhiều phía, có kiểm chứng từ nhiều sự kiện, sẽ tạo nên một cách nghe chính xác không lầm lỗi, giúp cho con người có những hành động hoàn thiện và chuyển hóa những lầm lỗi bấy nhiêu.

Cách ngửi, cách ăn, cách nói, cách tiếp xúc và cách suy nghĩ cũng vậy, nếu chúng thiển cận, thiếu gạn lọc và vội vã, sẽ tạo nên những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì những cách ngửi, cách ăn, cách nói, cách tiếp xúc và cách suy nghĩ của con người càng tế nhị, sâu lắng, có tư duy, có gạn lọc bao nhiêu, chúng sẽ tạo ra cho con người những hành động hoàn thiện, để chuyển hóa những gì lầm lỗi của con người trở nên hoàn hảo bấy nhiêu.

Biết hoàn hảo hóa đời mình ngay nơi những chủng tử tâm thức của mình, ngay nơi những điều kiện vốn có của thân tâm hay ngay nơi đời sống của chính mình, mà không phải ngay nơi những người khác, nơi những điều kiện của cái khác, và những lúc khác, đó là cái biết chính xác của ý thức tự giác con người. Và cái biết ấy là cái biết của con người, chứ không phải là cái biết của thế giới dưới người.

Cái biết dưới cái biết của thế giới con người, thì khi lạnh nó đi tìm cái ấm và nó có thể tranh giành cái ấm của đồng loại, khi nóng nó đi tìm cái mát và có thể tranh giành với cái mát của đồng loại, khi đói nó đi tìm cái ăn và giành giựt cái ăn với đồng loài, khi khát nó đi tìm cái uống và giành giựt cái uống với đồng loại, khi mệt nó đi tìm cái nghỉ ngơi và giành giựt sự nghỉ ngơi của đồng loại, mạnh được yếu thua, đó là những cái biết dưới mức con người, là quy luật tự nhiên của thú tính, nhưng cái biết của con người thì không phải như thế và nếu chỉ có biết như thế, thì làm sao gọi là con người?

Khi lạnh con người không phải chỉ biết là lạnh và đi tìm cái ấm từ người khác hay từ nơi khác, mà trước hết họ phải biết hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của chính họ. Họ hoàn thiện bằng cách nào?

Trước hết, họ không có những hành động làm cho cái lạnh lạnh thêm, tiếp theo là họ biết làm ngưng chỉ những yếu tố tạo nên cái lạnh, tiếp theo nữa là họ biết sử dụng những yếu tố tạo nên cái ấm cho chính họ và sau cùng là họ biết nuôi dưỡng cái ấm ấy, qua những động tác cụ thể của họ, khiến cho cái ấm áp thực sự có mặt trong đời sống của chính họ. Bấy giờ, sự ấm áp đối với họ không còn là những khái niệm, không còn là những ước mơ tìm cầu, mà đã trở thành hiện thực, và nó đã hiện thực ngay trong đời sống của chính họ mỗi ngày.

Khi con người đã biết hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của chính mình, thì lúc ấy con người mới có khả năng giúp cho người khác hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của họ. Con người biết cách làm cho đời sống của mình từ lạnh lẽo trở nên ấm áp đã là một sự thông minh kỳ diệu, nhưng biết giúp cho người khác biết vươn lên với sự ấm áp từ đời sống lạnh lẽo của chính họ, lại là một khả năng kỳ diệu hơn nữa của con người.

Biết làm cho mình hết đói, hết khát, hết mệt không phải chỉ có con người mà các thú vật cũng có khả năng ấy. Đó là khả năng vốn có để tự sinh tồn của muôn vật. Nhưng, những loài vật không có khả năng chọn lựa thức ăn và chọn lựa cách ăn hoàn hảo để ăn, không có khả năng chọn lựa thức uống và cách uống hoàn hảo để uống, không có khả năng chọn lựa sự nghỉ ngơi và cách nghỉ ngơi hoàn hảo để nghỉ ngơi. Chúng cũng không có khả năng thay đổi cách nghe, cách thấy, cách ăn, cách tiếp xúc, cách suy nghĩ của chúng một cách nhanh chóng, chính xác, hợp lý, cao thượng và bén nhạy như con người và chúng khó có thể chọn lựa một cách sống hay những cách sinh hoạt hoàn hảo, để hướng tới đời sống chí chân, chí thiện và chí mỹ như con người.

Và con người không phải chỉ biết làm cho mình hoàn hảo, mà còn phải biết liên kết lại với nhau để giúp nhau hoàn hảo và có khả năng bảo vệ sự hoàn hảo cho nhau. Khả năng ấy gọi là khả năng hiểu biết và khả năng bác ái và từ bi nơi con người.

Lại nữa, con người không phải chỉ biết liên kết với nhau để bảo vệ sự hoàn hảo cho đồng loại, mà còn tìm cách giúp cho các loài vật khác cải thiện đời sống, để chúng cũng có một đời sống tương đối hoàn thiện không thể bằng con người, nhưng ít ra chúng cũng cùng với con người đi lên và đi lên từ tấm lòng và bàn tay chăm sóc của con người. Và con người không phải chỉ biết chăm sóc người và vật, mà còn phải biết chăm sóc và bảo vệ sinh môi xanh đẹp và trong lành cho tất cả, để tất cả cùng nhau chung sống an bình.

Và nếu đời sống của con người có những nội dung như vậy, thì sự sống của con người không những quý báu cho con người, mà còn quý báu và có ý nghĩa cho cả muôn vật.

Con người không ai không lầm lỗi, câu nói ấy không nên sử dụng như là những câu bùa chú để đồng hóa những sai lầm và tội lỗi của mình với thói quen và với nhiều người, nhằm bảo chứng cho những sai lầm di căn của mình và dẫn dắt đời mình sống theo kiểu “chứng nào tật nấy”.

Con người không ai không lầm lỗi, nhưng cần phải nỗ lực làm cho đời sống lầm lỗi ấy trở nên hoàn thiện, chính đó mới là việc làm và đời sống của con người vậy.