MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa

 

Pháp Của Người Lãnh Đạo

Người lãnh đạo muốn thành công phải thực hành mười pháp như sau:

1. Chánh tâm và đại tâm: Người lãnh đạo phải biết phát khởi tâm nguyện chân chánh và rộng lớn, bằng cách đem mạng mạch của mình mà hiến dâng cho mạng mạch của tổ chức; phải biết lấy vinh nhục, thăng trầm của tổ chức làm vinh nhục, thăng trầm của đời mình và phải biết hiến dâng thọ mạng của mình cho thọ mạng tồn tại của tổ chức. Và không phải chỉ hội nhập sinh mệnh của mình với sinh mệnh của tổ chức với nhau trong một đời mà nhiều đời, cho đến khi viên thành đại nguyện.

2. Dĩ thân tác chứng: Muốn khuyến khích người khác đoan chánh, thì trước hết mình phải đoan chánh; muốn khuyên dạy người khác đạo đức, thì trước hết là mình phải sống có đạo đức. Mình và người đều đoan chánh và sống có đạo đức, khiến cho đạo đức tự thịnh trị, xã hội tự đoan chánh, thanh bình và tổ chức tự vững mạnh một cách có ý nghĩa.

Xã hội có trật tự và đạo đức bắt nguồn từ nơi những người đứng đầu xã hội mà ra. Và xã hội mất ổn định và đạo đức, cũng bắt đầu từ nơi những người đứng đầu xã hội mà có.

Người đứng đầu xã hội hay đứng đầu tổ chức là tấm gương sáng, nên phải lấy việc tu thân để làm cho gương của mình được sáng, gọi là “dĩ thân tác chứng”.

3. Tôn trọng hiền nhân: Người lãnh đạo muốn an bình quốc gia, vững mạnh tổ chức, họ phải có khả năng tôn trọng các bậc hiền tài. Bậc hiền tài thì lúc nào và ở đâu, họ cũng xem vinh hoa như miếng giẻ rách, xem lợi danh như đôi dép bỏ.

Vì vậy, người lãnh đạo quốc gia phải có khả năng biết lắng nghe, học hỏi những vị hiền tài để thiết lập chính sách an dân lâu dài khỏi bị lầm lỗi.

4. Phải biết tề chỉnh thân thích: Phải biết hiếu kính cha mẹ, thuận thảo với anh chị em trong thân tộc, khiến cho người lãnh đạo tề chỉnh được thân quyến, ngay trong thân quyến không có sự oán thù. Thân thích tề chỉnh là cơ sở vững chãi, khiến cho người lãnh đạo có thể vươn mình cao hơn, để tạo ra và lãnh đạo những tổ chức lớn rộng.

5. Kính quý những người trợ lý: Người lãnh đạo phải biết kính quý những người trợ lý, giúp việc, khiến cho những người ấy đem hết lòng chân chính mà yểm trợ, làm cho những kẻ dua nịnh, không thể dối lường.

6. Khen thưởng đúng công trạng: Phải biết xét đúng công trạng của những cộng sự để khen thưởng đúng lúc, đúng đối tượng, không sai lệch, không thiên vị.

7. Thương mến nhân viên như con: Người lãnh đạo tổ chức biết thực tập thương nhân viên như con, thương người trợ lý như bạn, chắc chắn những người ấy sẽ phục tùng và ủng hộ sự lãnh đạo của mình.

8. Trọng đãi bách công: Người lãnh đạo đất nước phải biết chiêu mộ và trọng đãi các nhà công nghệ, các nhà sản xuất, để họ đem hết lòng thành mà sản xuất những nhu yếu phẩm cho xã hội tiêu dùng, nhằm ủng hộ cho quốc gia hay tổ chức của mình, khiến cho quốc gia hay tổ chức của mình không bị đóng khung, mà trái lại trở thành một tổ chức của mọi thành phần xã hội và tồn tại một cách nghiễm nhiên trong sự phát triển của dân tộc và nhân loại.

9. Biết đãi ngộ đối với những người cùng tổ chức và những người dân đến từ xa xứ: Người lãnh đạo biết trọng đãi những người như vậy, thì người dân bốn phương sẽ quần tụ để yểm trợ và tuân phục sự lãnh đạo của mình.

10. Biết tôn trọng, giao hảo và học hỏi từ những tổ chức khác: Người lãnh đạo quốc gia hay tổ chức phải biết khiêm cung và cầu tiến mà đối xử với các quốc gia khác, với các tổ chức khác, phải biết tôn trọng và học hỏi những cái hay, những cái đẹp, từ những quốc gia khác, từ những tổ chức khác, để làm phong phú và đa dạng cái hay, cái đẹp của đất nước mình, của tổ chức mình.

Mười pháp này là nguyên tắc căn bản cho những ai muốn thành công trên cương vị của một người làm thủ trưởng hay làm một nhà lãnh đạo tổ chức hoặc đất nước.