MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Ngay Nơi Khổ Đau
Những lời của đức Phật dạy không liên hệ gì đến cũ hay mới, bảo thủ hay tiến bộ, Tôn giáo hay phi Tôn giáo, mà liên hệ đến chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và liên hệ đến các phương pháp thực hành giúp ta diệt tận khổ đau ngay trong cuộc sống này.
Nếu ta có cái khổ do sinh, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do sinh ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta có cái khổ do già, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do già ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta có cái khổ do bệnh, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do bệnh ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta có cái khổ do chết, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những cái khổ do chết ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta khổ đau do ân ái mà bị xa lìa, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những cái khổ do ân ái mà bị xa lìa ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta bị cái khổ do oán thù, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những oán thù ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta bị các nỗi khổ do mơ ước không thành, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta bị những nỗi khổ đau do những sự hỗ dụng và xung đột của năm uẩn đem lại, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta bị khổ đau do bản thân, gia đình, xã hội và môi trường đem lại, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta bị khổ đau do các điều kiện của các lạc thọ hay các điều kiện của sự sống bị hoại diệt, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nếu ta khổ đau do thế lực hiện hành của các chủng tử liên hệ sinh tử hay các tham dục, thì ta thực hành chánh kiến đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.
Nói tóm lại, trong đời sống của ta, ta bị khổ đau bởi cái gì, thì ta hãy thực hành chánh kiến đối với cái ấy, để thấy rõ tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của nó, nhằm chuyển hóa tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của chúng thành tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của sự an lạc.
Sự an lạc của ta do quá trình thực hành chánh kiến như vậy đem lại, là sự an lạc có thực.
Chánh kiến như vậy là chánh kiến của Đạo Phật. Ta thực tập chánh kiến như vậy, cũng còn gọi là thực tập theo pháp Trung Đạo của Đạo Phật.
Thực hành theo pháp Trung Đạo là sự thực hành không bị mắc kẹt bởi nhận thức bên này hay bên kia và cũng chẳng bị mắc kẹt ở nhận thức chặng giữa hay những nhận thức không phải bên này, bên kia và chặng giữa.
Nếu ta tu tập mà để cho tâm ta bị mắc kẹt bên này hay bên kia hoặc chặng giữa hay những kiến chấp về ngã và phi ngã, về pháp và phi pháp, đều là bị chệch hướng đối với Thánh đạo và Phật đạo. Sự tu tập ấy, không thể dẫn sinh sự an lạc, giải thoát và giác ngộ đích thực cho ta. Và lẽ đương nhiên ta không bao giờ hội nhập được với biển cả tâm linh giác ngộ rộng lớn của chư Phật. Ví như thanh gỗ từ một dòng sông trôi ra được với biển cả, chỉ khi nào, nó không bị mắc kẹt ở bờ bên này, hay bờ bên kia, hoặc không bị mắc kẹt giữa gầm cầu hay không bị người khác vớt lên, thì nó mới hội nhập được với biển lớn.
Trong đời sống của một người đệ tử Phật có học Pháp, có hành Pháp, có thấy Pháp, có sống với Pháp và hội nhập với Pháp, vị ấy không bao giờ bị mắc kẹt bởi bất cứ cái gì, dù cái ấy chỉ là những ý niệm và vị ấy không bao giờ tuyên bố rằng, Pháp do Thế Tôn giảng dạy là cũ hay mới, là bảo thủ hay tiến bộ, là khoa học hay phi khoa học, là triết học hay phi triết học, là tôn giáo hay phi tôn giáo mà vị ấy chỉ nói rằng, Pháp của
Thế Tôn giảng dạy có tác dụng phơi bày sự thật, khiến cho ai có mắt có thể thấy, có trí có thể hiểu và có thể thực hành để diệt tận khổ đau, sinh khởi trí tuệ, đem đến đời sống hướng thượng và trạng thái vô ưu cho những người ấy ngay trong cuộc sống này.
Vì vậy, lúc nào ta có khổ đau, thì ngay nơi lúc đó, ta cần thực hành chánh kiến để nhận diện bản chất, tính thể, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, hậu quả, gốc rễ và ngọn ngành của chúng để chuyển hóa và đoạn tận.
Tập khởi khổ đau ở đâu, ta hãy nhìn thẳng vào ở đó để thấy rõ, nhiếp phục và đoạn tận, ấy là ta đang thực hành chánh kiến của Thánh đạo ngay trong cuộc sống này.