LỜI MUỘN
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Tôi ở trong cái cốc nhỏ, trú xứ không hẻo lánh lắm nhưng hoàn cành giao tiếp “kín như bưng” khiến tôi không nhanh nhạy tiếp thu thông tin từ bên ngoài. Thỉnh thoảng có lên mạng thì cũng là vài phút đủ để gởi bài đến toà soạn mà thôi.

Công tác viết? dịch… cộng thêm những việc tủn mủn của cuộc sống thường nhật khiến tôi không có thời giờ để đọc gì nhiều ngoại trừ vài số báo rời rạc do toà soạn gởi đến mỗi khi có bài đăng.

Rồi một hôm, chị Ẩn đứng bên rào Viên Chiếu, “bắn” tin cho tôi:

– Này, Hạnh Đoan! Có báo “Văn Hóa Phật Giáo” mới ra đó…

– Vậy hả? ở đâu bán? – Bán ở đâu?

– Không biết nữa, thấy trong chùa có, cũng hay lắm!

Chùa đông, báo chuyền tay nhau nhiều, chuyện mượn xem cũng không dễ dàng vì ai cũng lắm nhiệm vụ, lại bận rộn và hay đãng trí nên thường quên luôn “đối phương” nhắn nhe hay hỏi mượn gì…

Dù không thấy mặt mũi tờ báo, tôi vẫn khấp khởi mừng, mừng cho Phật giáo có thêm vài tờ báo mới để quảng bá rộng văn hóa đạo pháp.

Rồi một hôm ai đó gởi cho tôi tờ báo “Văn Hóa” cũ, đọc thấy rất có duyên, vừa văn chương, vừa đạo vị… hóa ra, chú Võ Đình Cường làm chủ bút…

Tôi khoái chí dán mắt vào tên “thần tượng” mình, bởi ngày nhỏ, cái thuở lên mười tôi đã mê tít văn phong cùa chú qua tác phẩm “Ánh Đạo Vàng”. Thời đó tôi không có tiền để mua, nên đã mượn của quý cô ở chùa Dược Sư đem về cốc, trưa nào cũng đọc cho Sư bà nghe. Câu chuyện về cuộc đời đức Phật bỗng trở nên sống động linh hoạt nhờ lời văn duyên dáng cùa chú. Đến nỗi… Tôi nhắm mắt vào mộng mà trong giấc ngủ trưa vẫn còn hình bóng Phật, Ngài thật nhân hậu, từ ái, dịu dàng và quả cảm làm sao, tài diễn tả của chú làm tôi càng thêm ngưỡng mộ Phật, cả gió cũng được chú thổi hồn vào, “nhân cách hóa” rất ư là thi vị.

Vài năm sau tôi có dịp đọc cuốn “Đức Phật Và Phật Pháp” bản dịch của Phạm Kim khánh, hiểu thêm về Phật nhiều hơn. Tất nhiên tôi có đọc những tác phẩm khác của chú, nhưng cuốn “Ánh Đạo Vàng” vẫn xếp hạng cao trong tâm tưởng tôi, khiến tôi ưng ý nhất – có lẽ những ấn tượng thời thơ ấu thường sâu sắc, khó phai. Vì vậy mà dù đã đọc qua rồi, bây giờ tôi vẫn tìm mua tác phẩm đó, vừa cất cho mình, vừa tặng cho người – và giới thiệu cho các em thiếu nhi.

Đã từng ái mộ vậy, rồi biết chú đang làm chủ bút tờ “Văn Hóa”, thì chuyện viết một lá thư cảm ơn chú (đã giúp tôi biết kính yêu Phật sâu sắc từ thuở ấu thời) nào phải là chuyện khó? Mà chuyện viết thư làm quen, bày tỏ lòng kính mến, đâu phải là không thể…? Tôi đã từng dự định, dự tính, nghĩ đến… nhưng rồi chẳng có lá thư nào được thảo ra – Gởi qua email rất mau, rất gần… nhưng tôi vẫn ngại. Hình như tôi đã quen “Mến ai đừng nói – nghĩ thôi, đừng viết”… Cho nên, đến tận bây giờ,  khi tôi viết được những lời này thì chú mất đã hơn ba tháng. Tôi biết được tin này từ một tờ báo mới đang cầm trong tay, do hòa thượng Phó Tổng biên tập báo Giác Ngộ trao tặng – thật thú vị khi Sư tặng cho tôi – không phải tờ Giác Ngộ mà là tờ Văn Hóa, báo bạn.

Cách đó hai ngày, khi tôi nhắc và khen về tờ Văn Hóa viết hay, chị Thủy đã hỏi:

– Ai chủ bút?

Tôi đáp: Chú Võ Đình Cường!

Chị ngạc nhiên bảo: Chú Võ mất rồi mà…?

Lúc đó tôi hơi bàng hoàng, nhưng lòng vẫn không tin, thầm cho là: “Chắc chị lầm lẫn chi đây?!”… Nhưng bây giờ, trong Lá thư tòa soạn, báo Văn Hóa đang nhắc đến sự ra đi của chú và thông báo việc bổ người thay thế…

Chú Võ Đình Cường kính mến!

Khi cháu viết được những dòng này thì chú đã không còn nữa. Biết là có đến phải có đi, song cháu vẫn không khỏi luyến tiếc, tiếc cho nền văn hóa Phật giáo của nước nhà mất đi một người tài hoa. Tất nhiên, sau khi chú nằm xuống, gánh nặng từ công việc dở dang kia sẽ được chuyển sang đôi vai những vị có lòng, có tâm huyết như chú và con thuyền “Văn Hóa” lại tiếp tục lướt giữa dòng đời chở đầy hoa thơm cỏ lạ, trao tặng thế nhân những gì hay đẹp nhất của đạo pháp.

Cháu đã đọc tờ báo Văn Hóa khi không còn chú và cảm thấy lòng đầy niềm vui, pha lẫn cảm tích… Chắc hẳn chú cũng rất an tâm, vì chí nguyện của mình đã được người ở lại thực hiện rất chu đáo, tận tụy… Để tờ báo vẫn mang đủ hương sắc như bao giờ…

Cháu không biết mặt mũi chú, song cháu mong rằng những dòng gởi muộn này bày tỏ được chút lòng thành cháu dành cho chú, thay lời tiễn đưa… Cháu muốn nói rằng nhờ tác phẩm của chú mà cháu được hiểu nhiều về đức Phật, yêu quý Ngài hơn, cháu nhớ mãi lời thái tử Tất Đạt Đa nói với Da Du (qua ngòi bút của chú): “Ngày đêm ta đang tìm cách cứu thoát cho thế giới đau khổ này, lòng thương ta bao trùm cả vũ trụ, thì đối với người sống cạnh ta lẽ nào ta không thương mến?… sẽ an ủi cho em biết bao nhiêu khi em nghĩ rằng một ngày kia, nhờ lòng hi sinh của em mà thế giới được sống trong cõi tịnh lạc, em hãy can đảm và quảng đại lên… nay ta ra đi, bỏ hết lạc thú cung điện, mang một tình thương rộng lớn, mang một thân thể cường tráng chưa bị bệnh tật tàn phá, mang một trí tuệ minh mẫn chưa bị dục vọng làm lu mờ, ta tin chắc thế nào cũng tìm ra ánh sáng… ta muốn bỏ của báu bèo mây để tìm cho nhân loại những của quý vĩnh viễn”…

Cháu cũng chúc chú mang trí tuệ minh mẫn và tấm lòng từ như Phật đi bất cứ nơi đâu…