TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi bảy: Thiền Ba la mật

C5. Thiền độ
D1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu tập Thiền định Ba la mật như thế nào?”

[Giải]    Thiền là âm Phạn, gọi đủ là thiền na, dịch là tĩnh lự, nghĩa là trong trạng thái tịch tĩnh, có thể suy tư sâu xa, chiếu soi quán sát.

Ý của Thiện Sinh muốn hỏi phải tu thiền định như thế nào?

D2. Như Lai trả lời
E1. Nói sơ lược hành tướng của thiền định

– Thiện nam tử! Thiền định tức là giới, từ, bi, hỷ, xả, xa lìa kiết phược, tu tập pháp lành, đây gọi là thiền định.

Thiện nam tử! Nếu không có thiền định, ngay việc thế gian còn không thành tựu, huống hồ là việc xuất thế gian? Cho nên các ông phải hết lòng tu tập.

[Giải]    Giới có thể sinh định,  định tức là giới.

Từ, bi, hỷ, xả tức là bốn vô lượng tâm.

Ở cõi dục giới tu định, trước tiên cần phải trì giới; sau khi ra khỏi cõi dục giới, tu thêm bốn vô lượng tâm.

Muốn lìa xa phiền não, không luận là phục (đè nén), hoặc đoạn (cắt đứt), đều cần phải tu định, bởi vì các tâm sở tán tâm không thể nào chứng đắc vô lậu tuệ.

Giới, từ, bi, hỷ, xả là nhân của thiền định, xa lìa các kết phược, tu tập các pháp lành là quả của thiền định.

Tứ thiền định, đối với Phật pháp rất quan trọng, là vì tất cả thiện pháp thế gian, xuất thế gian, đều nương vào đây mà chứng đắc.

E2. Chỉ rõ pháp tu thiền

Bồ tát muốn thành tựu thiền Ba la mật, trước tiên phải nên gần gũi chân thực thiện tri thức, tu tập các phương tiện để thành tựu tam muội, đó là giới giới, giới nhiếp các căn, dứt các tà mệnh, sống đúng như pháp. Tùy thuận lời dạy của sư trưởng, tu các pháp lành không biết nhàm chán; lúc tu pháp lành, tâm không ngừng nghỉ. Thường ưa chỗ vắng lặng, xa lìa ngũ cái, tâm ưa suy ngẫm, quán lỗi lầm của sinh tử. Thường hết lòng tu tập pháp lành, không hề bỏ phế, đầy đủ chánh niệm, đoạn trừ những sự buông lung. Lời nói cẩn thận, giảm bớt sự ngủ nghỉ, ăn uống. Thân tâm thanh tịnh, không gần bạn xấu, không tới lui với người ác, không ưa việc đời. Biết thời, biết pháp, biết rõ tự thân. Quán sát tâm lý, hoặc vui, buồn, giận, nhu nhược, cố chấp. Biết rồi, có thể trừ diệt. Giống như thợ bạc, khéo biết sự nguội nóng, không làm hư hao. Ưa vị cam lộ; dù ở trong pháp thế gian, thâm tâm không dao động, giống như núi Tu di, không bị bốn luồng gió làm cho khuynh động. Chánh niệm vững vàng, biết rõ lỗi lầm của pháp hữu vi. Nếu như ưa tam muội như vậy, không ngừng không nghỉ, nên biết người ấy có thể chứng đắc thiền định, ví như cọ cây lấy lửa, nếu cọ không ngừng, sẽ dễ bắt lửa.

[Giải]    Tam muội là âm Phạn, còn gọi là tam ma địa, dịch là định, hoặc dịch là chánh thọ, hoặc đẳng trì, tức là tâm chuyên chú một cảnh, bình đẳng chánh thọ.

Ngũ cái, tức là tham dục, sân khuể, hôn trầm, si, điệu cử, nghĩa là che mờ tâm thức, làm cho không được tịch tĩnh; nếu như có thể trừ bỏ ngũ cái, tinh tiến tu tập thiền định, thì sẽ được vị cam lộ của Niết bàn tịch tĩnh.

E3. Nói rõ công đức của thiền định

Thiện nam tử! Nếu không tu tam muội, mà muốn được pháp thế gian cùng pháp Bồ đề xuất thế gian, ắt là vô lý.

Thiện nam tử! Tất cả tam muội, đều là căn bổn của tất cả pháp lành, do nhân duyên này, cần phải nhiếp tâm. Giống như người cầm kính, ắt thấy tất cả những việc thiện ác, cho nên tam muội được gọi là sự trang nghiêm của Bồ đề.

Thân tâm được an lạc, gọi là tam muội; không tăng không giảm, gọi là đẳng tam muội. Từ lúc bắt đầu quán tướng xương, nhẫn đến khi đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đều gọi là tam muội.

Tam muội này có bốn loại: (1) từ sự ham muốn, (2) từ sự tinh tiến, (3) từ tâm niệm, (4) từ trí tuệ. Do bốn duyên này, được vô lượng phước, tăng trưởng tất cả thiện pháp.

Lại có ba loại: (1) từ sự nghe pháp, (2) từ sự tư duy, (3) từ sự tu tập. Tu pháp này, từ từ phát sinh thiền định.

Lại có ba thời: (1) lúc sinh khởi, (2) lúc ngừng nghỉ, (3) lúc tăng trưởng.

Thiện nam tử! Trong cõi dục giới, có chủng tử tam muội; do nhân duyên chủng tử, được ba loại Bồ đề. Ba loại tam muội này có thể thoái thất, tạm ngừng, hoặc tăng trưởng. Nếu ở cõi tứ thiền, thể tính của tam muội ắt sẽ kiên cố Nếu theo thứ lớp, từ cõi sơ thiền lên đến cõi phi tưởng phi phi tưởng, thì cõi trên thù thắng hơn cõi dưới.

Trong căn bản thiền thì có sự hỷ lạc, còn trong trung gian thiền thì không có. Sáu pháp thần thông cũng thế, ở trong căn bản thiền chứ không ở chỗ khác. Tam muội đó gọi là Bồ đề trang nghiêm. Do tam muội này mà được các giai vị Học và Vô học, bốn Vô lượng tâm, ba giải thoát môn, lợi mình lợi người, vô lượng thần túc thông, tha tâm thông, có thể điều phục chúng sinh, vô lượng trí tuệ, ngũ trí tam muội, chuyển hóa độn căn thành lợi căn, đoạn trừ tất cả sinh lão bệnh tử, có thể thành tựu Nhất thiết chủng trí, thấy tất cả pháp tánh, giống như nhìn qua miếng lụa mỏng.

[Giải]    Thân tâm được an lạc, như Sơ thiền là ly sinh hỷ lạc, Nhị thiền là định sinh hỷ lạc, Tam thiền là ly hỷ diệu lạc, Tứ thiền là xả niệm thanh tịnh.

Chủng tử tam muội, tức là chủng tử tu thiền định, chủng tử này ở trong cõi dục giới.

Từ Sơ thiền đến Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, và cuối cùng là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ Sơ thiền đến Nhị thiền, nhẫn đến từ Vô sở hữu xứ đến Phi tưởng phi tưởng xứ, trong khoảng trung gian, gọi là trung gian thiền.

E4. Tứ vô lượng định

Thiện nam tử! Người trí nên quán sát như sau: “Tất cả phiền não đều là oán thù lớn của ta. Vì sao? Vì phiền não có thể phá hoại tất cả, cho nên ta phải tu tập tâm từ bi, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, và vì muốn được vô lượng pháp lành thanh tịnh.”

Nếu có người nói: “Lìa tâm từ bi vẫn có thể được pháp lành.” Đây là điều phi lý. Lòng từ bi có thể đoạn trừ pháp bất thiện, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui, hủy diệt cõi dục. Lòng từ nếu duyên với cõi dục, thì gọi là lòng từ của cõi dục.

Thiện nam tử! Chúng sinh nếu có thể tu tập tâm từ, kẻ ấy sẽ được vô lượng công đức. Lúc tu tâm từ, nếu có thể trước tiên đem sự an vui đến cho kẻ oán thù, đây gọi là tu tập tâm từ.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh có thể chia làm ba loại: (1) kẻ oán thù, (2) kẻ thân thích, (3) kẻ không thân không thù. Ba loại như vậy gọi là cảnh duyên của tâm từ. Kẻ tu tập tâm từ, trước tiên nên bắt đầu từ những người thân thích, muốn làm cho họ thọ hưởng sự an lạc, sau khi thành tựu điều này, kế đó mới đến kẻ oán thù.

Thiện nam tử! Sự sinh khởi của tâm từ, có khi nhân trì giới mà phát sanh, có khi nhân bố thí mà phát sanh. Nếu như có thể quán sát kẻ oán thù như đứa con của mình, đây gọi là chứng được tâm từ.

Thiện nam tử! Tâm từ chỉ có thể đoái hoài, mà không thể cứu khổ. Tâm bi thì không thế, vừa đoái hoài vừa cứu khổ.

Thiện nam tử! Nếu người nào có thể quán sát việc lành, dù nhỏ mảy may, của kẻ oán thù, không thấy việc ác của họ, nên biết người ấy đang tu tập tâm từ. Giả như có người, kẻ oán thù mắc phải bệnh khổ, mà có thể đến thăm hỏi, chăm sóc, cung cấp những vật cần dùng, nên biết người đó khéo tu tập tâm từ.

Thiện nam tử! Nếu có thể tu hành nhẫn nhục, nên biết đó là nhân duyên tu tâm từ. Tâm từ là nhân duyên của tất cả mọi sự an lạc. Người nào có thể tu tập tâm từ, nên biết người đó có thể diệt trừ tất cả nhân duyên của sự kiêu mạn, có thể thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, như pháp tu hành.

Nếu có người tu định, nên biết người ấy đang tu tập phước đức của Phạm thiên, vì được thân Phạm thiên, nên được gọi là phước đức Phạm thiên. Nếu có người quán sát tội lỗi của sinh tử, công đức của Niết bàn, thì dù bàn chân người ấy có dẫm phẩn uế, cũng phải nên đội đầu cung kính. Người ấy có thể nhẫn được những việc khó nhẫn, làm được những việc khó làm, có thể tu tứ thiền, tứ không định, cùng pháp bát giải thoát.

Lại nên nghĩ như vầy: “Tất cả chúng sinh tạo ác nghiệp thân khẩu ý, trong đời vị lai sẽ thọ quả báo khổ, ta nguyện nhận chịu tất cả. Còn nếu ta có tạo được quả báo lành nào, nguyện cho tất cả chúng sinh sẽ được cùng ta hưởng thọ. Lòng từ bi đó, nếu cảnh duyên rộng lớn, thì sẽ rộng lớn, còn nếu cảnh duyên nhỏ hẹp, thì sẽ nhỏ hẹp. Từ bi có ba loại, thượng, trung, hạ. Lại có ba loại: (1) duyên với người thân, (2) duyên với kẻ thù, (3) duyên với kẻ không thân không thù. Lại có ba loại: (1 duyên với tâm tham, (2) duyên với chúng sinh (hữu tình), (3) duyên với phi chúng sinh (vô tình). Những cảnh duyên như thế, đều gọi là tam muội. Các tâm bi, hỷ, xả, cũng giống như vậy.

[Giải]    Đối với kẻ oán thù tu tập tâm từ, giống như muốn làm cây cong đứng thẳng, phải kéo quá bên phía kia, mới có thể làm cho nó thẳng được.

Tám giải thoát là: (1) nội hữu sắc quán ngoại sắc, (2) nội vô sắc quán ngoại sắc, (3) tịnh giải thoát cụ túc trụ, (4) không xứ, (5) thức xứ, (6) vô sở hữu xứ, (7) phi phi tưởng xứ, (8) diệt thọ tưởng xứ.

E5. Thiền định Ba la mật

Thiện nam tử! Có thiền định mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải thiền định, có thiền định vừa là Ba la mật, có không phải thiền định cũng không phải Ba la mật.

Thiền định không phải Ba la mật, chẳng hạn như thiền định của thế tục, Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật không phải thiền định, chẳng hạn như bố thí, trì giớ, nhẫn nhục, tinh tiến; thiền định vừa là Ba la mật, chẳng hạn như Kim cương tam muội; không phải thiền định không phải Ba la mật, chẳng hạn như các thiện pháp phát sinh từ văn, tư của tất cả chúng sinh, cùng Thanh văn, Duyên giác.

[Giải]    Tam muội có  nhiều loại biệt tướng, trong đây Kim cương tam muội tức là một loại biệt tướng. Ý nghĩa đã được giải thích ở phần trên.

E6. Sự khó khăn của tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát có hai loại, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.