NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

TRỒNG MÍA THI

Xưa, có hai chàng nông dân, một người tên Đông, một người tên Tây, cùng sống bằng nghề trồng mía, ruộng họ nằm gần nhau, chỉ cách một con đê.

Thế nhưng mối giao du của họ không được tốt lắm. Cả hai đều thấy ruộng mía đối phương thật là khó ưa và chướng mắt. Ai cũng cho ruộng mía mình tốt, còn của đối phương thì: – “Mía gì đâu lắm sâu lại xấu, đã còm cõi lại lắm đốt, lắm mắt!”…

Năm nọ, khi thu hoạch mía xong, họ gặp nhau giữa đồng, anh Tây bèn lên giọng nhạo báng:

– Có người trồng mía ngót mấy mươi năm, vậy mà vẫn không rành kỹ thuật trồng tỉa! Nghĩ thật buồn cười!

Đông cười nhạt, đáp lễ:

– Phải rồi! Loại người ngu ngốc ấy tôi biết! Ruộng họ ở sát cạnh đây, bên hướng Tây ấy mà! Cây mía nếu có tri giác, chắc chắn nó sẽ cho là mình bất hạnh khi mọc trong ruộng một chủ nhân ngố như vậy! Ha ha!…

– Anh ám chỉ tôi phỏng?

– Ai có tật thì giật mình, tôi có chỉ đích danh ai đâu nào?

Hai người đấu võ mồm một hồi, cứ… “anh dở tôi hay”… nhặng xị cả lên. Cuối cùng, họ quyết định trồng mía thi và giao hẹn với nhau, vào mùa thu hoạch năm tới, sẽ nhờ trưởng làng và người trong thôn chấm điểm, hễ mía ai mập to, ngon nhất thì người đó thắng và kẻ chiến bại sẽ bị tịch thu phân nửa ruộng đất.

Loại người ngu ngốc ấy tôi biết! Họ ở sát cạnh đây…

Làm cam kết xong, ai nấy về nhà, chuẩn bị cho việc
trồng mía thi.

Anh Đông nghĩ thầm:

“Thường ngày ta dốc hết sức chăm sóc, trồng trọt, mía ta cũng đã tốt lắm rồi. Giờ cứ theo phương án cũ mà làm, không có gì phải lo!”

Còn anh Tây nằm thao thức mãi, rầu rĩ thở ra:

“Ruộng mía gã Đông chết tiệt kia quả là có tốt hơn mình thật… Ta vì háo thắng nhất thời mà đánh cuộc đại. Giờ phải lo cải tiến kỹ thuật trồng trọt… mới mong đánh đổ được lão ta. Xem nào… mía là giống cây nhiều nước, vị ngọt… tất nhiên nó phải hảo ngọt Nếu như ta đem số mía vừa thu hoạch, ép lấy nước… tưới lại cho nó thì đảm bảo nó sẽ to mập và gia tăng vị ngọt gấp đôi cho mà xem!”…

Nghĩ là làm, Tây thực hiện y như dự tính, hễ nước mía tưới không đủ thì anh lại ra chợ mua thêm, hằng ngày gia công tưới vào ruộng mía.

Chưa hết, đề phá anh Đông, Tây còn lén đi đại tiện, tiểu tiện ngay bên ruộng anh ta, thậm chí khạc, nhổ, hỉ mũi gì… anh cũng hắt qua ruộng anh Đông tất, nghĩa là mọi chất thải nhớp nhúa đều được anh quẳng vào ruộng địch thủ. Còn ruộng mía mình thì anh không tiếc tiền, lo chăm sóc o bế toàn bằng nước mía hảo hạng.

Tây hớn hở nghĩ thầm: – Phen này ta thắng rồi.

Mùa thu họach tới, không cần cử người công tâm giám sát phân xử, ai cũng thấy rõ là ruộng mía anh Đông xanh tốt, thân mía to mập, ngọt ngon hơn năm ngoái bội phần, còn ruộng mía anh Tây lại èo uột, gầy còm… thảm hại còn hơn mùa rồi.

Thế là ruộng đất tổ tiên để lại cho anh Tây, phân nửa bị mất về tay anh Đông.

(Phỏng theo Kinh Bách Dụ)

BÌNH:

Trong đời, đôi lúc ta thóa mạ, ném đủ mọi thứ xấu xa về người và họ thản nhiên nhận không chút phản công. Song, kết quả luôn trái ngược với những gì ta mong đợi. Ngoài việc ta biến thành thấp hèn vì tự nhuộm bẩn mình bằng ác ý và lời xấu. Ta còn bị trừng phạt vì đã khởi ý không lành. Chính hành vi ám hại người, mong thu điều tốt về cho tự ngã, sẽ khiến ta lãnh quả báo dội ngược – Rước lấy toàn bộ kết cục xui xẻo mà ta muốn tặng cho đối phương.