NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

THỢ MỘC THI TÀI

Tại một quốc gia nọ, có hai người thợ mộc tên An và Bích tay nghề đều khéo, khó phân cao thấp.

Nhà vua muốn biết trong hai người ai giỏi nhất, nên cho tổ chức cuộc thi tranh tài. Vua triệu hai thợ mộc đến, ra đề thi, hạn cho họ ba ngày, hễ ai làm ra con chuột giống như thật, sẽ được phong là Thợ mộc ưu tú. Kẻ thắng sẽ được tưởng thưởng trọng hậu, được sắc phong, được công nhận là Nghệ nhân tài ba nhất nước…

Hai thợ mộc ra về, làm việc ráo riết ngày đêm, không dám nghỉ tí ti. Đến hạn, họ dâng tác phẩm trình quốc vương xem, vua giơ lên cho khắp triều thần chiêm ngưỡng để cùng chấm điểm.

Tác phẩm của anh An thoạt nhìn đã thấy công phu khéo léo, hình tạc y như con chuột sống. Còn của Bích nhìn gần chỉ có ba phần giống, nếu mà nhìn xa thì chẳng biết đó là chuột.

Thắng thua đã rõ, không cần bình phẩm cũng thấy. Ai cũng chấm anh An là nghệ nhân kiệt xuất.

Bích không chịu, phản đối:

– Như thế là không công bằng!

Vua hỏi:

– Theo ý anh, sao mới là công bằng?

Bích đáp:

– Muốn biết tôi làm chuột có đạt hay không thì phải do mèo quyết định, chứ không phải người!

Quốc vương nghe, bật cười to, cho là có lý; liền sai người đem mèo tới. Bầy mèo vừa được thả xuống, cuống cuồng nhào đến chụp con chuột của Bích; chúng giành nhau, tát nhau loạn xị, còn con chuột giống như thật của An lại bị chúng ngó lơ không đoái hoài tới.

Cả triều ngẩn ngơ. Vua suy nghĩ hồi lâu rồi ra quyết định công nhận hai anh thợ có tài như nhau, cho xếp hạng phong thưởng ngang nhau, đồng nghệ danh Thợ mộc ưu tú.

Mèo cuống cuồng nhào đến chụp con chuột của Bích; chúng giành nhau, tát nhau…

Sau đó, vua gọi Bích tới, hỏi:

– Vì sao mà mèo ưa chuột của anh dữ vậy?

Bích cười:

– Muôn tâu, mèo đâu cần biết chuột làm có giống hay không? – Nó chỉ cần mùi thôi, vì vậy thần đã chọn xương cá làm vật liệu ạ!

(Theo Nhân sinh phương hướng của Lâm Thanh Huyền)

BÌNH:

Thường trong một cuộc thi, các tác phẩm nộp tới đều muôn màu muôn vẻ, đa sắc thái. Chẳng hạn như cuộc thi văn, ở vòng sơ khảo, giám khảo phải tuyển ra trăm truyện trong ngàn truyện. Đến vòng bán kết, trong trăm truyện đó phải lọc ra mấy mươi truyện; rồi đến chung kết, phải chọn lựa mướt mồ hôi để tuyển ra mấy bài văn ưu việt trong số vài mươi bài…

Các cuộc thi khác cũng đều như vậy. Có thể nói công việc của ban giám khảo khó khăn cực kỳ, vì càng vào chung kết thì các tác phẩm càng hay và khó phân cao thấp; văn tài thì suýt soát nhau, mà họ chỉ được phép chấm và tuyển, xếp hạng danh dự có vài bài, tất nhiên phải động não chọn lựa rất vất vả…

Giám khảo vất vả? Thí sinh cũng không kém nhọc nhằn, vì họ đều đem hết tâm huyết viết ra.

Vẫn biết, đã là cuộc thi thì phải có đậu, rớt; phải có xếp hạng cao thắp, ban thưởng chênh lệch nhau. Song bài bị loại không hẳn là không hay, vì có thể một số bài hợp với tiêu chuẩn nơi này, một số bài hợp tiêu chuẩn nơi kia; vì vậy mà có tình trạng cũng một bài văn đó, báo này đăng, báo kia thì không…

Như anh thợ mộc làm chuột bằng xương cá; xét ngoại hình, không giống con chuột thật chút nào. Nếu đức vua khó tính, anh ta có thể bị đánh rớt. Quả tình rất khó so sánh giữa các tác phẩm

– Về mặt hình thức hay nội dung đặc thù của nó – Việc định danh giỏi, thường… chỉ là tạm gọi, vì giá trị thực sự của tác phẩm nằm ở chỗ hữu ích rộng.

– Tất cả đều nương vào thực lực, đều do tâm tạo ra. Do vậy, chỉ cần người viết có tâm chân thành cống hiến, nỗ lực hết sức mình, không nản lòng là đủ. Còn mọi sự xin hãy để tùy duyên…