NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

TIÊN SINH KHIÊM CUNG

Ngày xưa có một vị rất sùng bái hạnh khiêm cung, cho đây là đức tính quan trọng nhất.

Ông lý luận: Biển cả bao la là nhờ khiêm cung: do ở vị thắp nhất nên nó mới có thể dung nạp trăm sông. Còn đại địa rộng lớn như thế cũng nhờ khiêm cung: mặc người dẫm đạp, mặc người khạc nhổ, mặc người phá hoại, mặc người cuốc lật… đất chẳng mảy may ôm hận, vẫn sản sinh cây cối, ra hoa trái ngọt ngon, cống hiến cảnh mỹ lệ cho đời.

Càng nghĩ càng thấy hay và có lý, thế là ông quyết tâm thực hành mỹ đức này. Đến độ người quanh vùng đều biết tiếng, thét rồi họ quên bẵng tên ông và gọi ông là Tiên sinh Khiêm Cung.

Ông vốn giàu có, vì hành khiêm cung nên đối với người rất lễ độ. Mỗi khi gặp hay giã từ ai, ông đều khom mình sát đất, xá họ tới 9-10 lần.

Dù bản thân có học vấn uyên bác, nhưng lúc nào ông cũng xưng mình thấy biết hữu hạn. Dù ông có nhiều ưu điểm, nhưng cứ tự nhận mình là kẻ thô lỗ thất phu.

Tiên Sinh Khiêm Cung có hai cô con gái nhan sắc mỹ miều, học rộng hiểu cao; cư xử lễ nghĩa hệt như cha, có thể nói hai cô là trang giai nhân tuyệt thế. Bình sinh hai cô luôn ở trong khuê phòng, hiếm khi ra ngoài.

Ngày nọ, có một vị khách đến chơi tình cờ gặp mặt hai cô, họ ngây người kinh ngạc, thưa với Tiên sinh Khiêm Cung:

– Ngài thật hữu phước, có hai cô con gái đã thông minh còn xinh đẹp như tiên!

Tất nhiên theo hạnh khiêm nhường, Tiên sinh vội lắc đầu, giẫy như đỉa phải vôi:

– Ồ! không không! Con gái tôi thô kệch, tầm thường, xấu xí lắm… Chúng lỗ mãng, ngu đần, chẳng biết lễ nghĩa gì đâu!…thấy như vậy cũng chưa đủ khiêm nhường, tiên sinh bèn bồi thêm: – Hai cháu nhà tôi thuộc diện thất học, chưa được giáo dục tới nơi, chúng còn thiếu sót đủ điều, thiếu sót lắm!…

Tiên sinh Khiêm Cung có hai cô con gái nhan sắc mỹ miều…

Khách hoài nghi hỏi vặn:

– Xấu xí, thất học ư? Lẽ nào như thế? Rõ ràng lúc nãy tôi thấy có hai cô gái đẹp như tiên, phong cách tao nhã, cư xử rất lễ độ, vừa mới đi vào nhà ngài đấy mà?!

– Ôi dào! Ngài nhìn lầm rồi! Xinh lịch như vậy thì chắc là con gái nhà láng giềng nào đó ghé vào đây chơi, chứ không phải con tôi đâu!

– Thế ư?…

Khách mới đầu còn hồ nghi, song tiên sinh phủ nhận dữ quá khiến họ phải tin. Thế là họ phao tin đi khắp nơi:

– Tiên sinh Khiêm Cung có hai cô con gái vừa xấu vừa đần! Còn con gái ông láng giềng thì đẹp như tiên…

Nếu có ai không tin đến hỏi, thì tiên sinh xác nhận ngay:

– Vâng! Thưa đúng như vậy! Con gái tôi xấu, ngu đần, thô tháo, thiếu sót lắm!

Cứ nghe mãi điệp khúc ấy, lâu dần mọi người đều tin lời tiên sinh. Thế là chuyện ông có con gái xấu xí được đồn vang. Một đồn mười, mười đồn trăm, điều này ngày càng được thổi phồng thậm tệ đến nỗi, khi hai cô đến tuổi lấy chồng, trong nước không chàng nào dám đến cầu hôn. Còn nhà láng giềng tuy có hai cô con gái dung nhan bình thường song nhờ được tiên sinh “quảng cáo” xác nhận, nên người đến cầu thân nườm nượp, chẳng mấy chốc mà gả sạch hết ráo!

Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc ái nữ tiên sinh Khiêm cung đã ở tuổi ba mươi, vẫn còn xinh đẹp lắm. Dù không ai đến dạm hỏi nhưng tiên sinh Khiêm Cung vẫn luôn mồm nói mãi:

– Con gái tôi xấu xí, thiếu sót lắm!

Lại nhiều năm trôi qua. Có một anh chàng ngụ ở nơi hẻo lánh xa xôi, do gia cảnh bần cùng, thêm diện mạo quá xấu, lại không biết chữ nên tuổi đã cao mà vẫn chưa cưới được vợ. Nghe đồn con gái tiên sinh Khiêm Cung vừa thô lỗ vừa xấu, vừa ngu… nghĩ là rất xứng lứa vừa đôi với mình nên anh mang theo sính lễ sơ sài, mon men tới cầu hôn..

Tiên sinh khiêm cung thấy anh chàng này thực chẳng xứng với con mình chút nào, nhưng vì tôn sùng hạnh khiêm cung nên chấp nhận gã trưởng nữ cho.

Chàng rễ rước vợ về nhà, khi giở khăn ra, vừa nhìn thấy mặt giai nhân thì hồn phi phách tán đến tứ chi bủn rủn, nhũn cả người… suýt nữa thì tim chàng ngừng đập. Bởi chàng không ngờ mình tốt số, cưới được một đại mỹ nhân. Thế là chàng la ầm lên. Lúc này mọi người mới biết con gái tiên sinh Khiêm Cung là trang thiên hương quốc sắc, duyên dáng thông minh, hiếm có trên đời.

Kể từ giây phút đó, cửa nhà tiên sinh trở nên nhộn nhịp, các chàng trai thuộc hàng danh gia vọng tộc đến xếp hàng chật đường, chật cổng., xin được kết hôn với thứ nữ của ông.

Nhà Tiên sinh Khiêm Cung suốt một thời gian dài nháo nhiệt như chợ, song ông vẫn chung tình với một câu không thay đổi:

– Tiểu nữ nhà tôi xấu xí thô kệch, ngu dốt, thiếu sót lắm Ị…

(Kể theo Lâm Thanh Huyền)

BÌNH:

Hành khiêm cung mà thiếu trí tuệ, thì dễ lạc vào khách sáo, không thật.

Khiêm Cung không phải là một bề tự ty tự hạ, khăng khăng cho mình là thấp hèn. Khiêm cung không phải là cứ nhận mình ngu si, mà chính là lòng không có ý niệm tự tôn, trịch thượng, ngả mạn… Người khiêm cung cư xử nhún nhường, chịu lắng nghe lời chỉ khuyết điểm mình và chân thành quan tâm đến người, đối người bằng sự trân trọng thật lòng.

Biết nhận khuyết điểm là hay, song không phải cứ làm như tiên sinh trong truyện là cứ một bề tự chê, tự miệt thị mình lẫn thân quyến. Khiêm cung là cư xử theo lễ, biết quí kính, trân trọng; song không phải chỉ đối với người ngoài mà còn phải biết trân trọng cả gia đình và thân quyến mình. Nếu cứ một mực biếm nhẽ mình, dè bĩu thân nhân, rồi tán tụng người ngoài một cách sai sự thật, thì đã lạc vào thiên chấp, mắc thêm chứng bịnh ghiền tự ty, vướng phải lỗi ưa miệt thị – dù là miệt thị người thân! Mà hễ đã có miệt thị chen vào, là không có khiêm cung. Khiêm cung là mỹ đức, song không khéo nhận thức cũng thành hành sai. – Thiệt tội nghiệp hai cô gái con của tiên sinh Khiêm Cung biết chừng nào!