TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

CHỦ ĐỘNG VÀ BỊ ĐỘNG

Người Trung Quốc luôn bị coi là dân tộc bị động. Thông thường đều cho rằng “chủ động” chính là sự tự động, tự nguyện và tự chủ. “Bị động” chính là chịu sự ảnh hưởng, chỉ huy, chi phối, xui khiến hoặc giáo huấn của người khác, vì vậy bị động luôn khiến cho con người có cảm giác không chấp nhận hoặc không chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên nếu như nói hoàn toàn “bị động”, vậy thì ai sẽ khiến cho bạn “hành động” đây?

Nhất định chính bản thân bạn “chủ động” mới có thể thực sự có những hành động sao? Vì vậy nói hoàn toàn bị động là điều không thể, chỉ có nói đó là sự tương đối chủ động hoặc tương đối không chủ động, sự phân biệt giữa chủ động tích cực và chủ động tiêu cực. Giống như “chủ quan” và “khách quan”, “chủ động” và “bị động” là hai mặt thống nhất của vấn đề, chỉ là cách nhìn nhận khác nhau mà thôi.

Nếu trước khi làm việc không có bất kì kế hoạch nào, đợi khi nảy sinh vấn đề mới giải quyết thì gọi là bị động. Chủ động chính là trước khi vấn đề nảy sinh, đã có những mục tiêu quy hoạch trước.

Người chủ động tích cực có cái nhìn xa đối với tương lai, đã có sự chuẩn bị tâm lý và ý thức được những nguy cơ, trời chưa đổ mưa, đã nghĩ đến khả năng có mưa, hơn nữa còn nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Nhưng với người bị động tiêu cực, chỉ có phản ứng khi hoàn cảnh thay đổi, hoàn cảnh bao gồm tự nhiên và hành vi con người, hoặc khi chuẩn bị đối diện với mối quan hệ mật thiết với anh ta, hoàn cảnh không thể tránh được, mới tìm cách giải quyết.

Do chưa có sự chuẩn bị về tâm lý và phòng bị, vì vậy người bị động tiêu cực sẽ tương đối bất lợi, còn đối với người chủ động tích cực vì đã có sự đề phòng những hiểm họa chưa xảy ra, biến những trở ngại trở thành sự trợ giúp trước khi hành sự, vì vậy luôn chiếm lợi thế và sức mạnh to lớn.

Trong quá trình phát triển, tất cả mọi sự việc đều có hai mặt chủ động và bị động, không thể chỉ có sự chủ động đơn thuần hoặc cũng không có sự bị động đơn thuần.

Thông thường việc tạo ra những trào lưu trong xã hội hoặc đem đến những trào lưu đó cần phải có sự chủ động tích cực. Trong lịch sử có rất nhiều người có công lao vĩ đại, đều là do sự chủ động mà có được, được gọi là “thời thế tạo anh hùng”. Nhưng nếu chỉ biết chủ động, không biết nên bị động đúng lúc, vậy sẽ rất khổ cực. Ít nhất các vấn đề trong gia đình, việc hợp tác trong công việc, các vấn đề về quan hệ trong giao tiếp, cũng đều như vậy, hoàn toàn giữ thế chủ động là không thể, bởi bạn cần phải biết kết hợp với cách nghĩ và nhu cầu của người khác, nhưng ở thế hoàn toàn bị động cũng không đúng, bởi bạn cũng có những cách nghĩ và nhu cầu của riêng mình, những phán đoán
của riêng mình.

Theo quan điểm của Phật pháp, chủ động là “nhân”, bị động phối hợp là “duyên”. Giữa chủ động và bị động là sự tương trợ của nhân duyên. Giống như trong xã hội hiện đại với sự biến đổi không ngừng, để có thể thích ứng được với sự biến đổi đó, chúng ta thường thường vẫn nghe thấy cần “thích ứng” với thời đại, “thích ứng” với hoàn cảnh xã hội, hoặc “thích ứng” với tình hình quốc tế. Vậy chúng ta cần điều chỉnh bước đi của mình, cải thiện mình để có thể kết hợp với người khác, theo kịp người khác thậm chí là thay đổi được người khác. Mặc dù đây là vấn đề chúng ta cần bị động để đối diện, nhưng lại cần sự điều chỉnh chủ động.

Mặc dù nhân là chủ động, duyên là bị động, duyên là cái thứ yếu, nhân là cái chủ yếu.

Nhưng cần có nhân, có duyên cả hai điều này tương trợ cho nhau thì sự việc mới đi đến thành công.