TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

NHÌN NHẬN CHỦ QUAN VÀ KHÁCH QUAN

“Chủ quan” và “khách quan” là hai danh từ mà con người hiện đại rất thích sử dụng. Nếu như có người vẫn kiên trì theo đuổi ý kiến của mình, chúng ta sẽ phê bình họ quá chủ quan, nên khách quan một chút. Ngược lại, để thể hiện sự nhìn nhận không thiên lệch đối với sự vật  oặc con người, chúng ta sẽ nhấn mạnh cách nhìn của mình là khách quan. Dường như có sự phân biệt cao thấp, tốt xấu giữa hai quan điểm này. Thực chất, “chủ quan” và “khách quan” là hai quan niệm không hài hòa.

Xét từ phương diện chữ nghĩa, “chủ quan” là cách nhìn của cá nhân mình, “khách quan là cách nhìn của người khác, hai mặt cho dù là đối lập, nhưng không phải là tuyệt đối, mà giữa chúng có thể hỗ trợ cho nhau.

“Chủ quan” vốn không phải là việc xấu, điểm mấu chốt là ngoài việc dựa vào ý kiến chủ quan của mình, cần xem xét đến ý kiến chủ quan của người khác. Tôn trọng ý kiến người khác, để mọi người tự mình đưa ra những phát hiện và sự sáng tạo của họ, sau đó mới thâu tóm lại, tập hợp tất cả ý kiến của mọi người, đó lại trở thành “khách quan”. Vậy quan điểm khách quan từ đâu mà có, đó là sự tập hợp rất nhiều các ý kiến chủ quan mà có.

Nếu một người chỉ giữ ý kiến của mình, không chấp nhận ý kiến của người khác, điều đó thể hiện ý thức chủ quan của họ rất lớn, có thể sẽ trở thành trường phái lập dị. Trong xã hội hiện đại, vì quá nhấn mạnh chủ kiến của cá nhân, vì vậy có rất nhiều người cho rằng ý kiến của mình là tốt nhất, mình là người thông minh nhất, cách nghĩ của mình là chân lý tuyệt đối, người khác không thể bằng mình được. Giống như trong gia đình, có một bà vợ rất gan dạ, động một tý là phản đối ý kiến của chồng; có những người chồng là người quyết định chính, hoàn toàn không thèm để ý đến cách nghĩ của con và vợ mình, lúc nào cũng nói: “Điều tôi nói là đúng, mọi người chỉ cần làm theo là được rồi”. Hoàn toàn không cho người khác nói ra ý kiến của họ. Tương tự như vậy, trong công ty hoặc tổ chức đoàn thể, thường xuyên gặp những trường hợp như vậy.

Những người như vậy, phần lớn do quá tự tin, đầu óc lại phản ứng nhanh nhẹn, giải quyết sự việc rất thông minh, có năng lực, việc đánh giá sự việc cũng thường chính xác, vì vậy có lúc cảm thấy mình làm gì cũng đúng. Tuy nhiên, việc đánh giá chính xác không có nghĩa là bạn phản đối ý kiến người khác, người khác không phải là bạn, cách nghĩ của bạn không thể đại diện cho cách nghĩ của người khác. Bạn có thể đưa ra cách nghĩ và ý kiến của mình, cống hiến năng lực và trí tuệ, nhưng cần phải tôn trọng ý kiến của người khác, ít nhất cần phải nhận được sự đồng ý của người khác.

Hơn nữa bất kì người nào khi làm việc cũng sẽ có những chỗ thiếu sót, lúc nào cũng cho rằng tất cả mình đều đã suy nghĩ chu đáo, sau đó mới phát hiện ra hóa ra vẫn có chỗ sơ suất. Kiên trì theo đuổi quá mức ý thức chủ quan, mặc dù vẫn có thể thành công, nhưng trở ngại trong công việc là rất lớn.

Chúng ta không phải là người hoàn thiện, người khác cũng không phải là người hoàn toàn không có năng lực. Tham khảo những ý kiến khác nhau, sẽ có những điểm lợi đối với việc sắp xếp kế hoạch làm việc. Hơn nữa, theo quan điểm của Phật giáo, chúng sinh đều được bình đẳng. Mỗi người đều có một phần phúc báo và trí tuệ của mình. Cả hai bên bởi vì ý kiến không đồng nhất, có thể sẽ tăng thêm những phiền phức, bất tiện. Nhưng đó chính là cơ hội để thử nghiệm, nếu như có thể biết tiếp thu những ý kiến đóng góp, có thể tăng thêm cho chúng ta nhiều trí tuệ, đem lại cho chúng ta thật nhiều phúc báo.

Tuy nhiên đối với những kiến nghị của người khác, cũng không nên tiếp thu tất cả, cần thông qua việc đánh giá, định ra thứ tự ưu tiên, lại cần xem xét đến việc lấy hay bỏ, cái nào cần nhất, quan trọng nhất, cần phải bắt tay làm ngay, cái gì có thể thực hiện từ từ, hoặc để lại làm sau; mặc dù chủ ý rất tốt, nhưng thời cơ chưa tới, vậy cần giữ lại, đợi đến thời cơ thích hợp sẽ làm. Như vậy vừa có tính chủ quan, lại vừa mang tính khách quan. “Tôn trọng mọi người tức là tôn trọng chính mình”, biết đưa ra những quan điểm chủ quan của cá nhân, đồng thời cũng biết khẳng định quan điểm khách quan của người khác, cân bằng giữa chủ quan và khách quan, như vậy bạn có thể tập hợp được trí tuệ và sự cố gắng của mọi người. Hoàn thành được sự nghiệp chung. Kết quả, cả cá nhân, đoàn thể, gia đình và xã hội đều trở nên tốt đẹp.