TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

CÁI TÔI NGU XUẨN NÀY PHẢI CHĂNG CÓ THỰC

Nhìn theo quan điểm đạo Phật, cái “tôi” này là tướng trạng thể hiện của chuỗi nhân quả, nghiệp lực có từ vô thủy. “Tôi” là kết quả của nghiệp. Người tạo nghiệp là ta, người chịu quả báo cũng là ta, sự sống là quá trình tạo nghiệp, thụ nghiệp tiếp nối không dứt. Nhân, quả của nghiệp đều là “ta”.

Sống trong đời không ai có thể nhịn ăn, không ai không mặc quần áo, không ai không uống nước. Giữa người với người luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, bất luận bạn đang cho đi hay đang tiếp thu thì sự tác động qua lại của con người đều là quá trình tạo nghiệp. Dù không tiếp xúc với ai, bản thân bạn cũng sẽ đang tạo nghiệp. Ví dụ bạn bực tức khi không có ai, bạn tự hành hạ, trừng phạt bản thân; khi vui vẻ hớn hở, bạn hài lòng, mãn nguyện với chính mình… tất cả hành động đó đều có nghĩa là bạn đang tạo nghiệp.

Một khi đã tạo nghiệp nhất định sẽ có quả báo. Trong quá trình từ khi tạo nghiệp đến khi chịu nhận quả báo sẽ tiếp tục tạo nghiệp mới, chịu quả báo mới. Đây là quá trình tạo nên cái mà chúng ta cho là “tôi” — đối tượng chịu sướng, khổ. Có nhiều cái tôi khác nhau, có cái tôi siêng năng, có cái tôi biếng nhác, có cái tôi ích kỷ, có cái tôi khỏe mạnh… Cái tôi đó thoạt nhìn chúng khác nhau nhưng thực ra tất cả đều là nhân do mình tạo nghiệp, cũng là quả do mình thụ nhận.

Tốt, xấu do nhân mình tạo, sướng khổ là quả mình thụ nhận. Con người không ngừng tạo thêm nghiệp mới trong quá trình thụ nhận các quả báo tốt xấu. Từ đó, ai cũng ngộ nhận bản thân của nghiệp nhân, nghiệp quả đó là “tôi”, có cái “tôi” tồn tại thực sự. Sự tồn tại của cái tôi này rất mãnh liệt, vô cùng rõ ràng đến nỗi không một người nào nhận thấy “đây không phải của tôi”, không thể thoát khỏi “tôi”. Chúng ta thử nghĩ kĩ lại xem: Cái tôi này có thực sự là tôi?

Mọi người cho rằng “cái tôi” đây là có thực, nhưng thực ra nó là quá trình của một chuỗi nhân quả, bản thân chuỗi nhân quả kia không phải là cái gì đó vĩnh hằng, bất biến. Vì thế nếu cảm giác tồn tại của tự ngã chỉ là chuỗi nghiệp lực, nhân quả tạo nên, khi chuỗi nhân quả đó kết thúc thì cái “tôi” tạo nghiệp, chịu nhận quả báo này tự nhiên sẽ không còn tồn tại nữa.

Ví dụ có người phạm pháp, bị tù đày, đến khi mãn hạn được phóng thích tự do, làm lại người bình thường. Nhưng nếu vẫn tiếp tục phạm pháp sẽ tiếp tục bị giam ngục. Bị giam trong lần tiếp theo là quá trình tạo nghiệp, quá trình chịu quả báo mới, đây là chu kì tạo nghiệp và thụ nhận quả báo.

Vì thế chúng ta thấy, người phạm tội không phải sẽ mãi mãi là người phạm tội; cái tôi trong quá trình tạo nghiệp, thụ quả báo cũng không phải là cái tôi bất biến, bản thân nhân quả cũng không phải vĩnh hằng bất biến. Chấp trước vào cái tôi chẳng qua do quá trình chịu nhận quả báo người đó tiếp tục tạo nghiệp mới mà thôi.

Không một người nào muốn mình khổ, ai cũng có bản năng tìm kiếm hạnh phúc. Không ai muốn cho đi nhưng ai cũng mong muốn thu nhận thật nhiều! Cái tôi hẹp hòi ích kỷ có thể tạm thời có quả báo tốt nhưng phải chịu cái khổ lâu dài. Có thể nói đây là cách lấy cái khổ lâu dài để đổi lấy cái vui nhất thời.

Cái “tôi” của chúng ta là quá trình tiếp diễn không ngừng nghỉ giữa khổ và vui, khổ nhiều vui ít, lấy khổ làm vui. Cái tôi này không có thực, có chăng chỉ là cái tôi ngu xuẩn.