TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

CHUYỂN HÓA CÁI TÔI RIÊNG TƯ THÀNH VÔ NGÃ

Chúng ta thường nghe mọi người phàn nàn “con người này quá tham lam, ích kỷ”. Thực ra, con người tham lam, ích kỷ là tâm lí phổ biến không ai tránh được, vì không ai có thể sinh tồn nếu không có tính tham lam ích kỷ, thế nhưng khi nghe câu đó ai cũng nghĩ là họ đang chê trách nhau.

Mọi loài vật đều có tính ích kỷ. Thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin phát hiện quy luật cạnh tranh sinh tồn, thích ứng hóa môi trường là tiền đề sinh tồn nghĩa là mọi loài sinh vật đều có bản năng cạnh tranh. Vì thế nói theo cách khác, ích kỷ thực chất để tranh giành môi trường, duy trì sự sống. Con người bất quá chỉ là một trong vô số loài động vật cố nhiên sẽ mang trong mình bản năng nguyên thủy kia, âu cũng là lẽ bình thường nên không thể nói đúng hay sai.

Hành vi “tự lợi” cũng thế, nhờ tìm kiếm những gì có lợi cho mình mới tồn tại, nếu không biết “tự lợi” bất kì loài động vật nào cũng sẽ tiêu vong.

Tuy nhiên tâm lí tự tư tự lợi được chia thành nhiều tầng bậc khác nhau. Thứ nhất, tự tư tự lợi không ảnh hưởng đến người khác, đây là nguyên tắc cơ bản đồng thời còn là tiêu chuẩn của đạo đức con người.

Thứ hai, song song với làm lợi cho mình, biết cách phát triển cái lợi đó đến cho mọi người.

Đây là công hạnh tự lợi lợi tha, là bước đầu tu tập Bồ-tát hạnh, tuy nhiên việc làm này vẫn hạn chế trong giới hạn phàm phu.

Thứ ba, dù bất lợi cho mình nhưng có ích cho số đông người khác vẫn sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, thực hiện bằng được tinh thần vị tha, mang lại lợi ích cho mọi người. Đây còn là tinh thần chí công vô tư, hy sinh cái tôi nhỏ bé, hoàn thành công hạnh xóa bỏ cái tôi nhỏ bé để hòa vào cái tôi lớn hơn cho đến khi nào đạt đến tinh thần vô ngã mà phần lớn các tôn giáo, các nhà triết học, đạo đức học xưa nay cổ xúy.

Vì thế, khi nói đến việc tự tư tự lợi bạn chớ vội kết luận đó là điều không tốt. Tuy nhiên, xét trên quan điểm Phật giáo, nguồn gốc sâu xa của tự tư tự lợi là sự chấp ngã, nó là gốc rễ của tất cả phiền não.

Thậm chí khi bạn đạt đến tầng thứ ba vẫn còn cái “đại ngã” và bất luận thế nào thì nó vẫn không chạy thoát cái “ngã” cái tôi, và khi nào cái tôi còn tồn tại thì lúc đó bạn vẫn còn phiền não. Vì thế khi đã đạt đến tầng thứ ba vẫn còn thêm một tầng nữa mà bạn cần thực hiện: tinh thần vô ngã.

Vô ngã theo tinh thần Phật giáo tức xóa hết cái tôi, xóa nhỏ cái tôi vào trong vạn loại chúng sinh, chia lợi ích cá nhân cho hết thảy chúng sinh. Như thế có nghĩa là, khi bạn có tư tưởng chia đều lợi ích cho hết thảy chúng sinh, dâng hiến vô tư cho hết thảy chúng sinh là lúc bạn đã đạt đến vô ngã. Sau khi mọi người được bạn chia sẻ lợi ích, giúp đỡ bạn hoàn toàn không khởi lên tâm lí rằng “mình đã lập công”, đồng thời bạn không còn mong muốn sẽ nhận được sự đền đáp từ việc làm kia của bạn. Lòng bạn thanh tịnh, không còn tính toán rằng mình đã giúp đỡ được bao nhiêu người, cứu giúp bao nhiêu chúng sinh, làm bao nhiêu việc tốt, đây là nội hàm đích thực của tinh thần Bồ-tát.

Tinh thần Bồ-tát được phân thành hai giai đoạn: thứ nhất, thượng cầu Phật đạo — tu hành với mong muốn chứng quả vô thượng Bồ-đề (Phật đạo). Thứ hai, hóa độ chúng sinh.

Cầu Phật đạo tức tu tập làm tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng tâm từ bi. Hóa độ chúng sinh tức giúp đỡ hết thảy chúng sinh lìa xa đau khổ, đạt lợi ích an lạc. Tu tập theo tinh thần Bồ-tát không tách rời khỏi “điều lợi”, từ trong việc thực hành “điều lợi” đó trí tuệ, phúc đức và công đức1 sẽ tăng trưởng. Hoàn thành việc tự lợi, lợi tha, xóa tan cái tôi riêng lẻ hòa vào muôn loài chúng sinh.

Phần lớn mọi người khi nghe xong điều này đều cảm thấy chí lí, dễ hiểu. Nhưng khi bạn thực sự đưa nó vào hành động cụ thể sẽ không đơn giản như bạn nghĩ. Trong bốn cấp độ đó, chúng ta ít nhất phải thực hiện cấp độ đầu tiên để làm nền cho cấp độ thứ hai. Cấp thứ ba rất khó, và khó nhất là cấp độ thứ tư.

Khó không có nghĩa là không thể làm được, ít nhất chúng ta xem đó là mục tiêu phấn đấu, là phương hướng cho mình nỗ lực, cố gắng.