Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

Vị giáo Bồ Tát, tác A xà Lê” (Vì dạy Bồ Tát mà làm A Xà Lê). Theo chú giải của cụ Hoàng: A Xà Lê (Acarya) dịch là Giáo Thọ, cũng dịch là Quỹ Phạm Sư, là bậc khuôn phép về chánh hạnh, là tiếng tôn xưng bậc mô phạm cho chúng tăng, thường dùng để chỉ bậc dạy dỗ pháp lành. Trong kinh này, nếu nói theo ý câu “thăng Quán Đảnh giai” (lên địa vị Quán Đảnh) thì A Xà Lê là bậc A Xà Lê chỉ dạy chân ngôn, cũng gọi là “Kim Cang A Xà Lê” do vị này kế tục địa vị tổ sư Kim Cang Tát Đỏa. A Xà Lê là tiếng tôn xưng bậc truyền pháp Quán Đảnh.

Theo giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không: “Giáo” là giáo dục, mô hình, kiểu dáng thị hiện giáo hóa chúng sinh.

– Kiểu dáng này là gì?

– Làm “A Xà Lê”! Chính là tổng đề mục mà hiện tại chúng ta giảng kinh, chúng ta đã làm rồi nhưng chưa treo lên, tương lai sẽ treo hai bên đôi liễng: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”.

“A Xà Lê” là tiếng Ấn Độ, chính là bậc thầy mô phạm, mẫu mực cho đại chúng xã hội nên gọi là “A Xà Lê”. “A Xà Lê” dịch là Quỹ Phạm Sư. “Quỹ” là quỹ đạo. Câu “vị giáo Bồ Tát, tác A Xà Lê” tương đồng với ý nghĩa trên kinh Phật thường dạy: “thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói”. “Thọ trì” là tiếp nhận, khế nhập cảnh giới mà Phật đã dạy, mới có thể được thọ dụng chân thật, kế đến là “đọc tụng”. Như trên đã nói, đọc tụng một biến, chính là nhận được “Quán Đảnh” của chư Phật Như Lai một lần, đó là tự lợi. Đọc tụng tốt nhất phải đọc ra tiếng. Công đức đọc ra tiếng lớn hơn nhiều so với đọc không ra tiếng.

– Do đâu mà đọc ra tiếng có công đức?

– Do đọc cho người khác nghe! Để người chưa tiếp xúc Phật pháp nghe được bạn đang đọc.

Đọc kinh phải đọc từng chữ rõ ràng, cường điệu âm thanh vui tai, khiến người nghe sinh tâm hoan hỉ, nghe được rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Sau khi họ nghe rồi có thể giác ngộ. Có số đồng tu tâm tính nóng vội, đọc kinh rất nhanh. Nghe nói: Một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, chỉ nửa giờ đồng hồ họ đã đọc xong; tỉ mỉ lắng nghe, một chữ cũng không nghe được rõ ràng! Cách đọc tụng này chỉ có thể tự lợi mà không thể lợi tha. Tự lợi là nhắc nhở chính mình không quên giáo huấn của Phật.

Nếu nói: Chung quanh bạn không có ai; không có ai mà có quỷ thần, có chúng sinh mà mắt thịt bạn không thể nhìn thấy. Đó là chúng sinh vô hình, nhiều hơn rất nhiều so với chúng sinh hữu hình. Bạn đọc kinh cho họ nghe, họ nghe rồi sẽ có được thọ dụng. Quỷ thần học Phật thì quỉ thần hộ pháp, thiên hạ liền thái bình. Nên biết: Động loạn của xã hội là phát xuất từ quỉ thần loạn trước. Khi quỉ thần loạn rồi, chúng ta muốn xã hội an định là việc vô cùng khó! Muốn xã hội an định, phương pháp tốt nhất chính là đọc kinh. Cho nên, trong đọc tụng, ý nghĩa quan trọng nhất là phải độ những chúng sinh vô hình này, làm “tăng thượng duyên” nghe pháp cho họ. Có thể thấy được “đọc tụng” là đối với chúng sinh vô hình, “diễn nói” mới là đối với chúng sinh hữu tình.

– Đối với người thì phải thế nào?

– Phải biểu diễn! Biểu diễn là y giáo phụng hành, phải đem tất cả những giáo huấn trong Phật kinh, thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày. Những gì Phật dạy chúng ta phải làm, chúng ta nhất định nỗ lực, chăm chỉ làm; những gì không được làm, chúng ta quyết không vi phạm.

Trong “hành môn”, cương lĩnh quan trọng nhất có ba câu: “Thiện hộ khẩu nghiệp bất nghị tha quá. Thiện hộ thân nghiệp bất thất luật nghi. Thiện hộ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm” (Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác. Khéo giữ gìn thân nghiệp chẳng mất luật nghi. Khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm). Trong đó, khẩu nghiệp là dễ dàng phạm phải nhất! Trong Kinh Địa Tạng, chúng ta thấy: Địa ngục cắt lưỡi, địa ngục cày lưỡi đều là quả báo do nghiệp nhân của khẩu nghiệp mà ra. Cho nên, người chân thật tu hành, tương lai ở Niệm Phật Đường, thân tâm thế giới tất cả ý niệm đều buông bỏ, chỉ có một niệm A Di Đà Phật thì bạn nhất định thành công, vậy mới là chân thật “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”.

Hiện tại có một loại người, không chỉ riêng mình khởi vọng tưởng, còn phái người đi nghe ngóng người khác! Cái vọng tưởng này sẽ càng lớn, càng sai lầm! Bạn học Phật như vậy đến sau cùng cũng đọa vào A Tỳ địa ngục. Trên đề kinh hiển thị ba cương lĩnh lớn để chúng ta tu hành: Thanh tịnh, bình đẳng, giác. Mỗi ngày nếu biết quá nhiều sự việc, tâm bạn làm sao có thể được thanh tịnh!

Người xưa dạy: Biết nhiều thì phiền não nhiều, đó là giữ tâm luân hồi, tạo nghiệp luân hồi, hơn nữa tạo ra địa ngục ba đường, rất đáng sợ! Chúng ta giác ngộ chính là phải ngay từ chỗ này mà tỉnh ngộ. Việc người khác không liên quan gì đến ta, nghe ngóng họ để làm gì?! Thiền tông Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá” (Nếu là người chân chánh tu hành, không thấy lỗi thế gian). Không phải thế gian không có lỗi lầm,  chỉ riêng quan tâm chính mình còn không kịp, lấy đâu có thời gian mà đi quản người khác!

– Vậy thì phải dùng cách gì để xem người khác?

– Dùng cách nhìn của Phật để xem người khác! Cái chiêu này là “cao chiêu”; Trong cách nhìn của Phật, xem tất cả chúng sinh đều là chư Phật. Trong cái nhìn của Bồ Tát, xem tất cả chúng sinh đều là Bồ Tát. Người thiện xem thấy chúng sinh đều là người thiện. Người ác, xem thấy Phật, Bồ Tát cũng là người ác! Đạo lý này chính là “cảnh tùy tâm chuyển”.

Nếu xem thấy tất cả chúng sinh đều là chư Phật, Bồ Tát liền sinh tâm cung kính, bình đẳng; đó chính là tu hạnh Phổ Hiền. Quyển kinh vừa mở ra: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”, đây mới là đệ tử Di Đà chân chánh. Cho nên, phải vì người diễn nói, phải làm gương cho đại chúng, đặc biệt phải làm tấm gương cho người tu hành, phải làm thật, đó mới gọi là A-Xà-Lê. A-Xà-Lê là lối xưng hô trong Mật tông. Trong Hiển tông, chúng ta gọi là Pháp sư.

Thường tập tương ứng vô biên chư hạnh” (Thường tu tập vô biên các hạnh tương ứng). Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Tương ứng” nghĩa là khế hợp như: Tam mật tương ứng, cảnh trí tương ứng v.v… Mật tông lấy ý chỉ “tam mật tương ứng” làm điều cốt lõi, ngõ hầu ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng sinh mau chóng khế hợp với tam mật của Như Lai, cho nên thành Phật ngay nơi thân này. Vì vậy Mật tông còn gọi là Tương Ứng Tông. “Hạnh” là hành vi đời sống: Vi tế là khởi tâm động niệm, thô là lời nói, hành động tạo tác. Hành vi phải tương ứng với tự tánh, với tánh đức; câu nói này vô cùng quan trọng! Chữ “thường” là không gián đoạn; “tập” là học tập, phải có tâm hạnh tương ứng với Phật pháp, với tâm của chư Phật, Bồ Tát từ ngôn ngữ, hành vi cho đến nguyện vọng; đây tức là “tương ứng vô biên chư hạnh”.

Đối với đồng tu mới học Phật, nếu nói đến “hạnh tương ứng” với tự tánh thì rất khó! Vì sao? Vì chưa kiến tánh! “Hạnh tương ưng” với tự tánh, mức thấp nhất phải là “Bồ Tát viên giáo Sơ Trụ”. Từ “Sơ Trụ” trở lên, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ như trên Kinh Hoa Nghiêm nói, có hơn một trăm bảy mươi đoàn thể, tâm hạnh mỗi người đều tương ứng với Pháp tánh nên gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Ngày nay, chúng ta là phàm phu sinh tử, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, làm sao có thể học được “hạnh tương ứng”?! Phật dạy chúng ta rất nhiều qui củ, y theo qui củ đó mà làm thì tương ưng. “Hạnh tương ưng” trải đều rất nhiều trong kinh luận.

– Rốt cuộc phải bắt đầu học từ đâu?

– Chúng ta phát tâm chuyên tu Tịnh Độ, vậy thì phạm vi kinh luận của chúng ta học tập liền được thu nhỏ lại: Y cứ theo ba kinh một luận, hoặc năm kinh một luận như cận đại nói. Trong năm kinh một luận vẫn thấy còn rất phức tạp, khó nắm vững; nên khi vừa thành lập “Tịnh Tông Học Hội”, tôi viết ra một duyên khởi, trong duyên khởi nhắc đến “hành môn” năm khoa mục, giúp mọi người dễ ghi nhớ. Khóa mục của “hành môn” phải đơn giản, dễ nhớ và học tập dễ dàng.

Hiện tại thọ giới: Xuất gia thọ hai trăm năm mươi giới; giới điều quá nhiều không thể ghi nhớ! Giới Tỳ kheo ni lại còn nhiều hơn! Không nhớ hết làm sao có thể thực hiện?! Giới Bồ Tát tại gia, Kinh Phạm Võng: Mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh cũng quá nhiều, không thể ghi nhớ! Không ghi nhớ thì không cách chi làm được! Nhất định phải rất đơn giản, rất dễ dàng; mỗi giờ mỗi lúc đều có thể ghi nhớ, đọc thuộc lòng. Nhờ vậy, khi khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm lập tức đều có thể tự mình phản tĩnh, kiểm soát lại chính mình có tương ưng với lời giáo huấn của Phật hay không? Cho nên, người chân thật tu hành phải nắm được cương lĩnh.

Chúng ta nêu ra năm khóa mục:

– Khóa thứ nhất là “Tam phước”: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói “Tam phước” tổng cộng có ba điều, mười một câu.

– Phước thứ nhất là phước của trời, người: Nếu chân thật có thể làm đến được, bạn sẽ không mất thân người, sẽ không đọa vào ba đường ác, đời đời kiếp kiếp bạn ở cõi trời, người để hưởng phước.

– Câu thứ nhất: Hiếu dưỡng cha mẹ.

– Câu thứ hai: Phụng sự sư trưởng.

– Câu thứ ba: Từ tâm bất sát.

– Câu thứ tư: Tu thập thiện nghiệp.

Bốn câu này ý nghĩa rất sâu, bạn đã làm được chưa? Tôi đã từng làm qua chuyên đề diễn giảng. Phải thực sự ghi nhớ, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm phải tương ưng với bốn điều này, nếu không tương ưng thì sai rồi! Phải “thường tập tương ưng vô biên chư hạnh”. Nên biết: Phước thứ nhất là phước của phàm phu, phước thứ hai là phước của hàng Nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) mới là học Phật.

Phật pháp là xây dựng trên nền tảng của phước thế gian; không có phước thế gian thì học Phật làm sao thành tựu! Nói cách khác, bạn làm người chưa tốt, làm sao có thể học Phật! Bốn câu trên là dạy bạn làm người; nếu trái ngược với bốn câu này, bạn không phải là con người mà là súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục! Cho nên, trời người có tiêu chuẩn đạo đức của trời, người; lấy nền tảng này để bước vào Phật pháp.

– Phước thứ hai là phước của Nhị Thừa: “Thọ trì tam qui, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”.

Ngày nay, chúng ta thọ “tam qui”, trên thực tế chỉ là qui y trên hình thức; thọ giới cũng chỉ trên hình thức, không phải chân thật! Vì sao? Vì bên dưới không có gốc! Nếu nền móng xây dựng được tốt thì “tam qui, ngũ giới” mới khởi tác dụng, mới có thể thành tựu đức hạnh. Nên biết: Phật pháp là “Sư đạo”. “Sư đạo” là xây dựng trên nền tảng của “Hiếu đạo”, phải từ đây mà học! Ở nhà hiếu thuận cha mẹ, làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng. Phải “vì người diễn nói”, cũng chính là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, bạn phải làm đến được.

– Phước thứ ba là “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”: Làm được bốn câu này, bạn mới chân thật là Bồ Tát.

– Thế nào gọi là phát tâm Bồ Đề?

– Đại sư Ngẫu Ích trong “A Di Đà Kinh Yếu Giải” nói: “Chân thật phát tâm cầu sinh Tịnh Độ”, cái tâm nguyện này quyết không thay đổi, quyết không nghi hoặc, thì nhất định được sinh, tâm này chính là tâm Vô thượng Bồ Đề. “Tâm Bồ Đề”, trong Quán Kinh, đức Thế Tôn giải thích: Đó là “tâm chí thành”, là “thâm tâm”, là “hồi hướng phát nguyện tâm”.

Thâm tín nhân quả”: Cái nhân quả này không phải là nhân quả báo ứng như thiện nhân thiện quả; ác nhân ác quả, mà là nhân quả của “Niệm Phật” là nhân, “thành Phật” là quả, không cần phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp mà chỉ một đời đạt đến cứu cánh thành Phật. Chúng ta nhìn lại, trong đời sống thường ngày có rất nhiều người học Phật như tham thiền, học giáo, trì chú, trì giới v.v… có rất nhiều pháp môn; bảo họ niệm Phật thì họ không tin. Họ học pháp môn của họ cũng rất dõng mãnh, rất chuyên cần, chỉ là không chịu niệm Phật!

Cho nên, người “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả” thật là cừ khôi! Nếu thật sự tương ưng với hai câu này, đó chính là thiện căn, phước đức, nhân duyên của họ đã đầy đủ, đã “thành thục Bồ Tát, vô biên thiện căn”, ngay đời này họ quyết định làm Phật, về sau không còn phải trôi lăn trong luân hồi sáu cõi nữa. Có trở lại đây, họ chính là Bồ Tát ứng hóa thân đến, không phải phàm phu mà là thừa nguyện tái lai.

Đọc tụng Đại Thừa”: Phía trước đã nói “đọc tụng Đại Thừa” chính là đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ, đọc tụng Kinh A Di Đà. Đọc qua một biến; chư Phật, Bồ Tát “Quán Đảnh” cho ta một lần. Sau khi đọc rồi, nhất định phải y giáo phụng hành.

Khuyến tấn hành giả”: Phải đem Pháp môn thù thắng này giới thiệu cho người khác, cho quần chúng, cho tất cả chúng sinh, đó là lợi tha.

Tóm lại, trong mười một câu của “Tam phước”: Mười câu đầu là tự lợi, câu sau cùng là lợi tha. “Tự độ, độ người”, đó là nói bạn khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm phải tương ưng với “Tam phước”, phải “thường tập tương ưng chư hạnh”, đó là chân thật tu Tịnh Độ.

Pages: 1 2