Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm – Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật Lịch 2563 – 2019

 

Khóa mục thứ hai là “Lục Hòa”: Đồng tu chúng ta, mọi người cùng cộng tu, nhất định phải tu “Lục Hòa”. Sáu cái “hòa” này phải tuân thủ, đôi bên cùng tôn trọng lẫn nhau. Tôi dạy các đồng tu nên xem tất cả đại chúng đều là chư Phật Như Lai, dùng tâm cung kính nhất để đối nhân, xử thế, tiếp vật. Người khác dùng tâm trạng thế nào đối với chúng ta, không cần phải chú ý, chúng ta nhất định dùng tâm Phật đối với người. Tất cả mọi người đều là A Di Đà Phật thị hiện cho chúng ta xem, giúp chúng ta thành tựu.

1. Kiến hòa đồng giải: Đây chân thật là viên mãn, chân thật là “nhập Phật tri kiến”. Phàm phu “nhập Phật tri kiến” thì không thể nghĩ bàn, đó là “Đại tâm phàm phu” như Kinh Hoa Nghiêm nói.

2. Giới hòa đồng tu: “Giới” này là nghĩa rộng. Ngày nay “Trì giới”, thực tế mà nói chỉ hy vọng chúng ta có thể nỗ lực triệt để giữ được năm giới, mười thiện là rất tốt rồi, không cần phải nói đến Tỳ kheo giới, Bồ Tát giới chúng ta không làm được. Người xuất gia nên học Đại sư Ngẫu Ích, học Đại sư Hoằng Nhất.

– Các ngài tu như thế nào?

– Các ngài là trì Sa Di mười thiện và năm giới!

Đại sư Ngẫu Ích sau khi thọ giới rồi lại xả giới. Cả đời ngài chỉ trì giới Sa Di. Cho nên, chúng ta thấy có rất nhiều trong văn tự, Đại sư Ngẫu Ích nổi danh là Sa Di Bồ Tát giới, ngài không dám xưng Tỳ kheo, ngài là Sa-Di Bồ Tát. Thành Thời là học trò của ngài, thấy thầy mình xưng là Sa-Di nên trò không dám xưng Sa-Di mà xưng là “xuất gia ưu bà tắc”.

Tại gia ưu bà tắc hay xuất gia ưu bà tắc đều trì năm giới, mười thiện. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, năm giới mười thiện được giải thích tỉ mỉ từ phẩm ba mươi ba đến phẩm ba mươi bảy. Ngoài ra, trì giới còn có một ý nghĩa là “thủ pháp”. Trong đạo tràng thường có rất đông người, nếu không có chế độ, qui củ sẽ trở thành một đoàn thể hỗn loạn. Cho nên, tất cả qui củ trong đạo tràng, mọi người cần phải tuân thủ. Bên ngoài đạo tràng là xã hội, là quốc gia. Quốc gia có pháp luật, có rất nhiều qui ước, chúng ta cũng phải tuân thủ. Làm một công dân tốt, luôn tuân thủ pháp luật. Làm một người tu hành “giữ pháp” là đệ tử tốt của Phật.

3. Thân hòa đồng trụ: Tương lai, sau khi thôn Di Đà khánh thành, rất nhiều đồng tu niệm Phật đến đây cùng ở chung với nhau, đôi bên chăm sóc lẫn nhau, sách tấn lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau. Hy vọng sau này cũng sẽ cùng ở chung trong Liên trì hải hội, như vậy mục tiêu chúng ta mới chân thật đạt đến.

Tôi kiến nghị: Trong thôn Di Đà, mỗi cửa phòng đều là cửa kính trong suốt, khiến người bên trong không thể giải đãi, lười biếng. Ít nhất, phải làm một cửa sổ bằng kính nhỏ, người bên ngoài đi tới, đi lui đều có thể nhìn thấy được bên trong. Nếu cửa phòng đóng kín thì không thể thanh đạo, người ngoài không biết được họ đang làm gì, giải đải lười biếng ra sao?

Nên nhớ trong thôn Di Đà phải hoàn toàn là trong suốt. Tương lai, ngay đến thân thể cũng trong suốt, một chút ô nhiễm cũng không có! Phải đạt đến tiêu chuẩn này, đây chính là “tác sư, tác phạm”. Cho nên, phải “thủ pháp”, đó là ý nghĩa chân thật của “thân hòa đồng trụ”.

4. Khẩu hòa vô tranh: Hy vọng sau khi bước vào thôn Di Đà, cho dù bạn ở nơi đây một năm, hai năm hoặc cả đời cũng không nói một câu nào, duy nhất chỉ nói một câu A Di Đà Phật. Ngoài câu A Di Đà Phật ra, không nói một câu nào! Bạn nhất định thành Phật, nhất định “thượng thượng phẩm” vãng Vì sao? Vì không có lời nào đáng nói! Nói ra đều là những lời thừa, những lời tiếp nối sáu cõi luân hồi. Bắt đầu hôm nay chúng ta không tiếp nối sáu cõi luân hồi nữa, dứt khoát không nói chuyện! Bạn chào hỏi tôi? – A Di Đà Phật! Bạn nói cái gì nhiều hay ít, tôi cũng: A Di Đà Phật! Một câu cũng không cho lọt vào tai, như vậy tâm mới thanh tịnh, khẩu nghiệp bạn mới chân thật tiêu được sạch trơn.

5. Ý hòa đồng duyệt: Nơi đây suốt hai mươi bốn giờ luân phiên niệm Phật sẽ khiến tâm ta hoan hỉ, không mệt, không chán. Niệm Phật mệt thì nghỉ ngơi chốc lát, nghỉ khỏe  rồi  phải  mau  vào Niệm Phật Đường, tự động tự phát, không cần có người đến gõ cửa nhắc bạn, vậy thì không tốt! Mỗi đơn vị có một trưởng liêu do chính bạn chọn lựa, họ có nhiệm vụ theo dõi, sách tấn bạn; xem thấy thời gian đến rồi, bạn vẫn còn lười biếng, họ sẽ đến gõ cửa bạn! Ở “Niệm Phật Đường” có pháp sư; chuyên môn phụ trách công việc nhắc nhở mọi người gọi là “tuần phang”. Khi bạn niệm Phật bị hôn trầm, ngủ gật; họ dùng “tuần phang”, hay ‘phất trần’ phang nhẹ lên đầu bạn, khiến bạn tỉnh lại. Không như trong thiền đường, dùng “hương bảng” để đánh. Đây chính là hợp tác lẫn nhau, chân thật làm đến được Pháp hỉ sung mãn.

6. Lợi hòa đồng quân: Mười phương cúng dường qui về thường trụ, phụ trách cơm áo, đi đứng cho mọi người. Cho nên, đến Niệm Phật Đường này niệm Phật, bạn không cần mang theo một phân tiền, không cần lo lắng đời sống, chỉ cần chân thật chịu niệm Phật là được.

Tôi nghĩ: Tin tức này tương lai sẽ truyền đến xã hội, Niệm Phật Đường của chúng ta về sau sẽ đầy ắp. Cũng may, hoằng nguyện của cư sĩ Lý Mộc Nguyên rất lớn, ông muốn xây dựng thôn hai, thôn ba, thôn bốn v.v… thậm chí tương lai xây thành thành phố Di Đà, nước Di Đà. Thật là khó được duyên phận hi hữu như vậy! Chúng ta hoan nghênh xã hội an ổn, khiến mọi người chân thật có nơi nương tựa. Nhưng, thôn Di Đà là chỗ nương về chân chánh của chúng ta, vô lượng công đức, được chư Phật tán thán, đó là tương ưng với “Lục Hòa”.

– Khóa mục thứ ba là “Tam Học: Giới-Đinh-Tuệ

– Khóa mục thứ tư Lục Độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã.

– Khóa mục thứ năm Phổ Hiền Bồ Tát thập nguyện.

Tóm lại, năm khóa mục trên đây của “Tịnh Tông Học Hội” chúng ta, nếu bạn có thể ghi nhớ, hiểu rõ được tường tận; khởi tâm động niệm lời nói, việc làm đều có thể tương ưng với năm khóa mục này. Sau đó, phát tâm thanh tịnh một lòng chuyên niệm, thì đó chính là “thành thục Bồ Tát, vô biên thiện căn”.

Vô biên thiện căn”, đơn giản mà nói: Đó là đại từ bi, đại tinh tấn, quyết cầu sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất định thành Phật, mới có thể hóa độ chúng sinh khổ nạn trong mười phương thế giới.

Hiện tiền giảng đường, Niệm Phật Đường, thôn Di Đà của chúng ta nơi đây là trạm tiếp dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến nơi đây cũng là đến Tây Phương Cực Lạc. Nơi đây, nếu như lý như pháp mà tu học, bạn nhất định được vãng sinh. Ngày trước tôi thường nói với các đồng tu: “Kinh Vô Lượng Thọ là bảo chứng thư để bạn vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc”, chỉ cần bạn y giáo phụng hành, chân thật chịu làm theo thì không ai mà không được vãng sinh.

Thiện căn” của người thế gian, bao gồm tất cả “thiện pháp” đều từ vô tham, vô sân, vô si nên gọi là ba thiện căn.

Vô biên thiện căn” ở chỗ này là nói đến “pháp xuất thế”. “Pháp xuất thế” siêu việt mười pháp giới là pháp giới nhất chân. Trong “pháp giới nhất chân” đều là Pháp Thân Đại Sĩ. Thiện căn của họ là gì? Là tinh tấn, là đại tinh tấn. Hiện tại chúng ta tuy chưa chứng được cảnh giới của Pháp Thân Đại Sĩ, nhưng có thể ở Niệm Phật Đường này, mỗi ngày niệm Phật hai mươi bốn giờ, từ đầu đến cuối năm không gián đoạn cũng là đại tinh tấn, có thể ngang bằng với Pháp Thân Đại Sĩ, tuyệt nhiên không hề kém hơn họ.

Thành thục Bồ Tát”, chú trọng ở hai chữ “thành thục”, nếu không có được duyên phận thù thắng này làm sao có thể thành tựu?!

Đúng như Đại sư Thiện Đạo nói trong “chú giải” của Quán Kinh: “Tất cả thành thục, tổng tại ngộ duyên”. Chữ “duyên” này rất quan trọng, “duyên” là điều kiện.

Hiện tại nơi đây, điều kiện niệm Phật quá đầy đủ, quá thù thắng! Có rất nhiều Bồ Tát, nhiều người tu hành mong cầu mà không được! Tôi nghĩ về thôn Di Đà, đã nghĩ mười sáu năm rồi, chính mình luôn cho rằng đó là vọng tưởng, cả đời không thể nào thực hiện được! Không ngờ lại có thể thực hiện ở nơi đây, thật hi hữu! Đến nay tôi vẫn cảm thấy rất kinh ngạc! Hơn nữa, sự thành tựu này lại viên mãn đến như vậy! Thử nghĩ xem! Nếu không phải là được chư Phật oai thần gia trì, quyết không thể nào! Thành thật mà nói, Bồ Tát gia trì cũng không thể làm được, nhất định phải oai thần chư Phật Như Lai gia trì mới làm được. Chúng sinh khu vực này duyên làm Phật đã chín muồi, cho nên mới có cảm ứng thù thắng đến như vậy, phước báo hi hữu, vô lượng kiếp đến nay, vào lúc này hoa khai kết quả, đó là “thành thục”.

Thành thục Bồ Tát, vô biên thiện căn, vô lượng chư Phật hàm cộng hộ niệm(Thành thục Bồ Tát vô biên thiện căn. Vô lượng chư Phật đều cùng hộ niệm). Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Thiện căn là sự lành nơi ba nghiệp thân, miệng, ý; vững chắc chẳng thể lay động nổi thì gọi là căn. Thêm nữa, sự lành sanh ra diệu quả, sanh ra các điều lành khác nên gọi là căn.

Hộ niệm” là giữ gìn, ức niệm. Sách Hội Sớ giảng: “Hộ là che chở, gìn giữ. Niệm là nghĩ nhớ”. Theo Hòa Thượng Tịnh Không, câu kinh văn trên đây là nói tương ưng, đã tương ưng liền cảm động chư Phật hộ niệm. “Vô lượng chư Phật hàm cộng hộ niệm”, câu nói này khiến chúng ta hôm nay ngay đây, vào lúc này cảm xúc rất sâu sắc đặc biệt! Gần như chính mắt mình nhìn thấy, chính tai mình nghe được, đích thân mình tiếp xúc được, chân thật là chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ!

Tôi tin chắc đồng tu tại Niệm Phật Đường chúng ta, mọi người đều nhất tâm niệm Phật, sức cảm ứng sẽ rất lớn. Cho nên, đạo tràng thù thắng trang nghiêm có thể xây dựng ở khu vực này, không phải là việc ngẫu nhiên.

KINH VĂN:

Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện. Thí thiện huyễn sư, hiện chúng dị tướng. Ư bỉ tướng trung, thực vô khả đắc, thử chư Bồ Tát, diệc phục như thị, thông chư pháp tánh, đạt chúng sanh tướng, cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh, hóa hiện kỳ thân, do như điện quang, liệt ma kiến võng, giải chư triền phược, viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn, thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa. Ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ.

VIỆT DỊCH:

Trong các cõi Phật đều có thể thị hiện, ví như huyễn sư giỏi hiện các tướng lạ. Trong các tướng ấy thật không có gì để được. Các vị Bồ Tát này cũng lại như thế: Thông các pháp tánh, đạt chúng sinh tướng, cúng dường chư Phật, chỉ dạy quần sanh, hóa hiện thân mình tựa như ánh chớp, xé rách lưới Kiến Hoặc của ma, cởi các trói buộc, vượt xa địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, nhập pháp môn Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, khéo lập phương tiện hiển thị tam thừa. Đối với hàng trung, hạ căn ấy thị hiện có diệt độ.

GIẢNG:

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ, đoạn kinh văn trên tiếp tục nói về tướng thứ bảy “chuyển pháp luân”. Tên của phẩm này là “Đức Tuân Phổ Hiền” thật phù hợp với ý nghĩa Phổ Hiền Bồ Tát được kể làm Thượng Thủ. Kinh này là Viên Giáo, từ quả khởi nhân, nên kế ngay sau ngài Phổ Hiền là Văn Thù. Phổ Hiền tượng trưng cho Hạnh, Văn Thù tượng trưng cho Trí. Không có “Trí” thì chẳng thể khởi “Hạnh”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đoạn này nói về “Trí Đức” của Bồ Tát Văn Thù. Phía trước nói về “Hạnh Đức” của Bồ Tát Phổ Hiền. Nghĩa thú của kinh này cùng Kinh Hoa Nghiêm như nhau. Trên Kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền là trưởng tử; Văn Thù là thứ nam, biểu trưng một sự việc: Ngay trong “giải, hành”, xem trọng ở “hành môn”, đem “hành môn” xếp hàng đầu, “giải môn” ở hàng kế. Kinh này cách thức cũng là như vậy. Phía trước “hành môn” của Phổ Hiền đã giảng xong. Tiếp theo là “Trí môn” của Văn Thù, cũng tức là “giải môn”. “Hành” cùng “giải” phải tương ứng mới có thể nâng cao được cảnh giới. Nếu “hành, giải” không tương ứng, “hành” có được chỉ là phước báo. Hơn nữa, “hành” nhất định phải có trí tuệ để y cứ, cái “hành” này mới thật là Bồ Tát hạnh, là chánh hạnh.

Pages: 1 2