Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hòa

 

Bàng Uẩn Đạo Nguyên

Khi ngộ đạo gia tài vứt bỏ
Coi vô thường như thể trị chơi

Bàng cư sĩ, tên Uẩn, tự Đạo Nguyên, người đất Nhương Dương. Cha làm quan Thái thú trấn nhậm thành Hoành Dương. Ông ngụ ở thành phía nam, dựng am ở phía tây để tu hành. Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán thứ nhất, Bàng cư sĩ đến tham học với thiền sư Thạch Đầu và thưa hỏi:

– Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, đây là người nào?

Ngài Thạch Đầu vội lấy tay che miệng Bàng Uẩn. Bàng Uẩn thoát nhiên có chỗ tỏ ngộ.

Một hôm, Thạch Đầu hỏi Bàng Uẩn:

– Thầy từ trước đến giờ, trong những việc nhật dụng, thầy có ý nghĩa gì?

Bàng Uẩn thưa:

– Nếu hỏi việc nhật dụng, tức là không có chỗ mở miệng.

Liền đó ông trình kệ rằng:

“Việc nhật dụng không khác,
Chỉ tôi tự gặp gỡ
Mọi việc chẳng thủ xả
Mỗi chỗ không phô trương
Đỏ, tía ai làm hiệu
Non khưu dứt điểm trần
Thần thông và diệu dụng
Gánh nước với bửa củi”.

Ngài Thạch Đầu nhận cho là đúng. Sau, Bàng Uẩn tham học với Mã Tổ lại hỏi:

– Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, đây là người nào?

Mã Tổ đáp:

– Đợi người một miệng uống hết nước sông Giang Tây, ta sẽ vì ngươi nói rõ.

Bàng Uẩn nghe xong liền lãnh hội ý chỉ, ở lại hầu Mã Tổ hai năm.

Từ đó về sau, cơ phong của Bàng Uẩn rất lanh lẹ, chẳng ai nạn vấn được. Bàng Uẩn thường dùng thuyền chở vô số của báu đem bỏ xuống sông.

Đến niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ nhất, Bàng Uẩn về đất Nhương Dương, nương ở nơi hang cọp trong núi cùng với vợ con. Cả nhà cùng nhau tu học, cùng nhau đốn trúc, đan giỏ tre ra chợ bán để làm kế sinh nhai.

Bàng Uẩn có làm bài kệ:

“Có con trai chẳng cưới vợ
Có con gái chẳng gả chồng
Cả nhà cùng cạo tóc
Cùng nhau nói chuyện vô sinh.
Lại làm bài kệ nói rằng:
Tâm như, cảnh như
Không diệt, không hư
Bất thị hiền thánh
Liễu sự phàm phu.”

Khi gần lâm tịch, Bàng Uẩn gọi con gái là Linh Chiếu, dạy rằng:

– Con ra coi thử mặt trời sớm hay chiều. Chừng nào đến giờ ngọ báo cho cha biết.

Linh Chiếu trở vào thưa:

– Mặt trời đã đến giờ ngọ nhưng có trùng ăn, vậy cha thử ra xem.

Bàng Uẩn liền rời chỗ nằm, đến bên cửa sổ. Linh Chiếu liền vội đến bên giường, ngồi kiết già mà hóa. Bàng Uẩn trở vô thấy vậy liền cười mà nói rằng:

– Con gái ta cơ phong rất lanh lẹ.

Nói xong, gom củi lại thiêu xác con. Bàng Uẩn liền triển hạn đến bảy ngày sau.

Đúng bảy hôm sau, tình cờ quan Thái thú Du Do, vốn là người bạn thân hậu đến vấn an Bàng Uẩn. Bàng Uẩn nói:

– Tôi chỉ nguyện không các chỗ có, dè dặt chớ thiệt các chỗ không, trụ ở cõi đời như bóng, như vang.

Nói rồi, liền ngồi sững giống như người đang suy nghĩ. Lúc đó mùi hương thơm ngào ngạt khắp phòng. Quan Thái thú vội kêu Bàng Uẩn, nhưng Bàng Uẩn đã thâu thần thị tịch.

Trước kia, Bàng Uẩn có dặn dò:

– Sau khi ta mạng chung, hỏa táng, rồi đem xương tàn bỏ xuống sông, hồ.

Quan Thái Thú sai người báo cho vợ Bàng Uẩn biết. Bà vợ nói rằng:

– Đứa con gái si mê cùng ông già vô tri, chẳng báo cho tôi biết mà bỏ ra đi, sao mà nhẫn tâm vậy.

Nhân đó, bà đến báo cho người con trai biết. Người con trai đang đi cày ruộng, vội bỏ cày nói:

– Hả?

Giây lâu cũng đứng ngay đó mà viên tịch.

Người mẹ nói rằng:

– Đứa con ngu, sao mà ngu si quá lắm vậy.

Rồi cũng lo gom củi hỏa thiêu thân xác đứa con trai. Sau đó một thời gian ngắn, bà đi khắp trong làng xóm cáo biệt rồi ẩn thân, chẳng biết tông tích như thế nào.
(Trích trong bộ truyện Truyền Đăng Lục, tập Bàng Bàng Uẩn).

Lời bàn:

Bàng Uẩn là một Bàng Uẩn thông đạt lý tính, lãnh hội yếu chỉ thiền, cho nên thái độ của ông đối với đời rất ung dung, tự tại. Đối với ông không phải tỏ ra nhàm chán cuộc đời, tìm lên non ẩn dật mới gọi là yểm ly thế gian, không cần phải tu luyện có thần thông biến hóa mới gọi là siêu xuất thế gian.

Ông sống một cuộc đời bình thường có vợ, có con, có nghề đốn trúc, đan giỏ để mưu sinh độ nhật. Nhưng cái khác biệt của ông, cái siêu xuất của ông là ở những điểm khác biệt sau đây:

– Cha làm quan mà ông chẳng thiết đến công danh, phú quý, chẳng chịu sống lầu gác, dinh thự, lại đi dựng lều che am mà ở.

– Người đời khư khư ôm giữ của tiền, báu vật, ông có bao nhiêu liền gom góp cho thuyền chở đem ra giữa sông mà tuôn xuống.

Đáng lý ra, khi ông không cần dùng đến của quý báu thì ông nên đem của tiền ấy mà bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó, giúp cho đời sống của họ được đầy đủ hơn, cớ sao lại đành lòng bỏ hết đi, hành động ấy nào có lợi lạc gì cho ai đâu?

Thật ra, đây là vấn đề nhân sinh quan. Đa số người đời đều ham chuộng vàng bạc châu báu, vì nó giúp cho cuộc sống của họ được đầy đủ, sung sướng và nhàn hạ. Nhưng đối với bậc thức giả, vàng bạc làm tổn hại con người nhiều hơn là làm lợi ích.

Vàng bạc chỉ giúp cho chúng ta sung sướng trong nhất thời, mà tác hại của nó rất lớn lao, nó làm cho con người sinh ra lười biếng, ỷ lại, chẳng thể phát huy được cái đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nhục, tiết kiệm v.v… của cải vàng bạc lại là đầu mối của sự tranh chấp. Nó làm sứt mẻ tình anh em, bà con, láng giềng. Tệ hại hơn nữa, nếu con người cứ mãi tham luyến hay vọng cầu châu báu, vàng bạc thì lòng tham dục ngày càng tăng, nghiệp nhân ngày càng chồng chất, biết đời nào dẹp trừ cho hết được?

Vàng bạc còn nguy hại hơn rắn độc vì rắn độc chỉ làm hại thân mạng một đời này, còn ngọc ngà, châu báu nhận chìm chúng ta trong bể khổ trầm luân trải vô lượng kiếp, không biết bao giờ thoát ra được.

Bởi thế, Bàng Uẩn không dùng của để bố thí, có bao nhiêu đều đem bỏ xuống biển. Hành động này ngụ ý khuyên người đời không nên tham đắm của tiền mà làm nguy hại cho thân tâm. Có lẽ Bàng Uẩn cư sĩ cũng đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc về sự lợi lạc của bố thí và sự lợi lạc thù thắng của hành động thức tỉnh người đời nên ông mới làm vậy.

– Người ta có con trai, con gái lớn lên thì lo dựng vợ, gả chồng để lưu truyền tử tôn cho có người thừa tự. Còn ông thì:

Con trai chẳng cưới vợ
Con gái chẳng gả chồng
Cả nhà cùng cạo tóc
Cùng nhau nói chuyện vô sinh.

– Người ta muốn tu hành rốt ráo thì phải cắt ái, ly gia. Ông đi cầu đạo vô thượng mà vẫn còn đa mang vợ con, gánh nặng gia đình.

Cảnh tử vong, ai cũng khiếp đảm kinh hồn. Riêng gia đình ông thì ai cũng an nhiên hóa vãng, buồn cười nhất là cô con gái Linh Chiếu đã giành với cha để đi trước. Xem những cảnh hóa vãng mau lẹ của gia đình Bàng Uẩn, chúng ta mới nhận rõ thiền đạo là phải vong tình, không nên để dính mắc vào bể ái của phàm phu. Đến như bà vợ của Bàng Uẩn, tuy có lời lẽ như phàn nàn, như trách móc theo thông lệ thường tình của thế nhân, nhưng thật ra, bà cũng không câu chấp gì nghi lễ thông thường trong cảnh tử biệt sinh ly. Nên, sau khi hỏa thiêu chồng con rồi, bà đi từ giã bà con chòm xóm liền lánh ẩn phương xa để tìm nơi thoát hóa.

Do đâu mà Bàng Uẩn có những hành động tự tại như vậy, trong khi người đời luôn luôn bị hoàn cảnh ràng buộc, chi phối? Hễ chúng ta sống với thế gian thì bị vướng vào thế gian pháp: nào là lo toan mọi sự trong gia đình, nào là tính được, tính thua, sợ còn, sợ mất, lo giàu, lo nghèo, vì thế phải bươn chải ngược xuôi, gánh gồng mãn kiếp, thân tâm chẳng chút nào rảnh rang, thư thả.
Một số người khác, chọn lối sống yểm ly. Họ cũng không khá gì hơn, do sự thiên chấp của họ: muốn sống cảnh khác đời mà vẫn còn dùng cơm gạo của đời. Muốn lánh xa mùi tục lụy mà tâm vẫn chứa đầy bụi bặm thế gian. Muốn tu luyện để đắc phép màu, cho ra vẻ người đạt đạo, thế mà tâm vẫn còn vướng mắc duyên đời thì làm sao bước ra ngoài thế tục.
Những người này, thân của họ tuy ở chốn núi rừng u tịch, nhưng tâm của họ quấy động không yên. Sự mâu thuẫn giữa thân và tâm bắt nguồn từ sự cố chấp, phân biệt cảnh thế gian và xuất thế gian, vì vậy họ bị giam hãm trong thiên kiến của họ.

Trái lại, Bàng Uẩn thông đạt yếu lý thiền tông, biết diệu dụng của câu “Không cùng muôn pháp làm bạn”, vì ông đã khế hội được “Tâm như” cùng “Cảnh như”.

Đối với ông, muôn pháp vốn không có sai biệt, nên đối với các pháp ông cũng dùng tâm vô phân biệt, tùy duyên xử sự. Do đó, ông sống an nhiên, tùy thuận theo cảnh thời mà không bị cảnh thời lôi cuốn. Vì không phân biệt thế gian và xuất thế gian, nên ông không bận tâm về vấn đề tại gia hay xuất gia. Ông không phân biệt giàu nghèo, vinh nhục, nên cũng không quý trọng vàng bạc, quan chức. Do không phân biệt mà không sinh tâm thủ xả, không có gì đáng yêu thích, cũng không có gì đáng sợ hãi. Sinh, tử, thánh, phàm, có không, còn mất, chỉ là những huyễn tượng do tâm đối đãi mà sinh ra chứ đâu phải là thật có.

Khi tâm không còn thủ, xả thì tâm trở nên linh hoạt tuyệt vời: không đâu không đến, bởi không có gì làm ngăn ngại. Đó là diệu dụng của đạo pháp xuất thế. Bởi vậy, khi đạt đạo rồi thì làm việc gì cũng hợp thời, hợp cơ, làm việc gì cũng thể hiện được đạo mầu. Nên nói: bửa củi, gánh nước là thần thông.

Bàng cư sĩ trước đắc pháp với Thạch Đầu thiền sư, sau ngộ đạo nhờ Mã Tổ. Vì thế, tâm ông không còn bị vướng mắc trong vòng sự, tướng đối đãi. Ông sống yểm ly thế gian mà không chấp tướng yểm ly. Ông có hành động siêu xuất mà không chấp có tướng siêu xuất. Đây mới thật là thâm đạt lý, tính yểm ly và siêu xuất.

Lời di ngôn của ông đã hàm chứa trọn vẹn sở ngộ và sở hành của ông: “Tôi chỉ nguyện không các chỗ có, dè dặt chớ thiệt các chỗ không, trụ ở cõi đời đều như bóng, như vang”.

Vậy mới biết, một người muốn thâm đạt lý tính “Yểm ly, Siêu xuất” để có thể “Cư trần bất nhiễm trần” như Bàng Uẩn, phải là một người không còn phân biệt, không còn thiên chấp. Đối với có, không cho là thiệt có, đối với không, chẳng nghĩ là thiệt không. Cảnh trạng nào xảy ra quán là mộng nhuyễn. Do đó mà buông bỏ những kiến chấp sai lầm, những điều thủ xả của phàm phu. Tâm nhờ đó mà không bị ràng buộc, không bị nhiễm ô. Tuy sống giữa trần ai mà tâm không dấy bụi, ví như đóa sen thơm ngát giữa bùn lầy, tuy không siêu xuất, cách ly mà lại hóa ra siêu trần, thoát tục1.