Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hòa

 

Truyền Thuyết Kinh Bát Nhã

A-tu-la hỗn chiến Ngọc hồng
Đức Phật dạy truyền kinh Bát nhã

Một hôm nọ, Đế Thích mời nhạc phụ là A-tu-la vương đến viếng thiên cung. Khi nhạc phụ trở về thế gian, vì để tỏ lòng tôn trọng cha vợ nên Ngọc hoàng sai thiên binh thiên tướng rằng:

– Quân đâu! Hàng ngũ chỉnh tề, áo mão trang nghiêm dàn ra hai bên để cung tiễn nhạc phụ ta hồi quy hạ giới.

Tính chất A-tu-la hay sinh nghi kỵ. Nhân thấy thế A-tu-la suy nghĩ:

– Chàng rể Ngọc đế nay mời ta đến, lại dụng ý đem binh tướng nhà trời ra để uy hiếp ta nên ôm lòng bất mãn.

Lại một hôm khác, Ngọc đế một mình sửa soạn giáng hạ trần gian để nghe Tiên gia đạo sĩ giảng kinh. Hoàng hậu, tức con gái A-tu-la vương nghi ngờ là Ngài đã thầm thương trộm nhớ nàng nào dưới hạ giới chăng, nên mới đến tâu với Ngọc đế xin đi theo:

– Muôn tâu điện hạ! Thiếp xa nhà nay đã vạn năm, trong lòng nôn nóng muốn về thăm thân phụ. Nay Điện hạ giáng trần xin cho thiếp cùng đi theo.

Ngọc đế dùng lời lẽ êm diệu, khuyên nàng ở lại và nói rõ nguyên nhân hạ giới của mình, nhưng nàng không tin, một mực đòi đi theo ý là để trinh sát chứ chẳng phải nghe kinh, nghe pháp gì cả.

Để giữ thể diện, buộc lòng Ngọc đế phán rằng:

– Trẫm xuống trần gian mà đem đàn bà con gái đi theo kè kè một bên coi không đẹp, tốt hơn hết là Hoàng hậu hãy ở nhà, ta đi rồi về ấy mà.

Nghe Ngọc đế phán, trong lòng Hoàng hậu càng thêm nghi ngờ. Để tránh lớn tiếng không hay, nàng bèn cáo lui trở về hậu cung.

Sáng hôm sau chờ khi Ngọc đế ngự lên long xa, nàng bèn dùng thuật ẩn mình thót lên cùng theo Ngọc đế giáng hạ trần gian.

Chờ khi Ngọc đế ngự xuống long xa, Hoàng hậu cũng từ trên xe xuất hiện. Lúc này thiên hạ tập hợp đón rước linh đình, nào là trống đánh, cờ bay, nhạc trỗi, hoan hô, muôn lời chúc tụng; nào là hương trầm nghi ngút, hoa tung tưng bừng.

Sau một hồi náo nhiệt, Ngọc đế mới nghỉ nghiêm, nhìn hai bên tả hữu, chợt thấy bà Hoàng hậu đứng thù lù một bên. Ngài cau mày tức giận, sẵn trong tay cầm bó hoa sen cọng dài vừa mới hiến cúng, Ngài giáng xuống bà Hoàng hậu mấy roi và thốt lên:

– Con yêu! Ngăn bảo ở nhà mà không nghe, đòi theo cho được. Đồ yêu báo đời!

Hoàng hậu vừa thẹn vừa tức, trợn mắt, nổi sùng lên:

– Thằng quỷ! Ngươi dám đánh trên mặt ta, làm ta đau điếng. Rồi bà thét lên om sòm.

Thế là con yêu với thằng quỷ, hai đàng đánh mắng nhau inh ỏi chẳng còn gì sự thể của thượng giới nữa. Bởi vì, khi mà sân si đen tối nó nổi lên thì choáng mất hai cõi lòng trong sáng kia rồi, thời còn đâu phải quấy thể diện gì nữa!

Nhân đây mà lại thêm một tội nữa, làm mất tinh khiết, làm tiếng tăm của giới nữ bị ảnh hưởng. Bởi thường khi lời người nữ giống như là tiếng chim oanh thỏ thẻ trên cành liễu. Còn nay thì!!!
Trong đám người tham dự lễ rước Ngọc đế có mặt vị Tiên nhân, người sẽ chủ trì buổi giảng kinh thuyết pháp cho Ngọc đế nghe. Khi Ngọc đế từ trên long xa bước xuống, vị Tiên nhân cũng đã có mặt, nên được vinh dự thưởng thức một cuộc ẩu đả của hai vợ chồng Ngọc đế. Nhưng chẳng may cho ông, vì định lực chưa đủ nên khi tiếng oanh vàng lảnh lót của Hoàng hậu bay vào tai, khiến ông bị “mất đạo”, đứt thần thông và quên hết kinh pháp.

Bởi vì tiếng sân si vì ái tình phát ra có sức phá hoại khá mạnh mẽ, nếu sự tu luyện chưa được vững vàng. Chủ trì giảng kinh mà quên mất kinh. Ngọc đế và Hoàng hậu là thính giả mà giữa đường xảy ra việc không đẹp như thế, thử hỏi còn ai giảng và ai nghe nữa. Thế là cuộc giảng kinh thất bại hoàn toàn, không phương cứu vãn. Cũng nhân đó mà khiến cho Ngọc hoàng càng thêm nóng giận.

Bà Hoàng hậu sát khí đằng đằng, tuy bên ngoài có chút lắng dịu, nhưng bên trong vẫn sôi gan tức giận, nên đi thẳng về chỗ thân phụ tức A-tu-la vương tố trần sự việc. Nàng vừa khóc vừa nói:

– Tâu phụ vương, Ngọc đế đem lòng phản bội, nhục mạ con trước bàn dân thiên hạ. Đánh đập chửi mắng chẳng chút thương tình. Mong phụ vương xem xét.

A-tu-la vương vốn đã có điềm không ưa, nay nghe con gái trình bày lòng thêm tức giận, lệnh truyền binh mã tiến đánh thượng giới. A-tu-la vương dùng sức thần thông, chân đạp sát đáy biển cả, tay vươn lên lung lay tòa thiên cung. Cuộc chiến diễn ra dữ dội suốt mấy trăm năm, cuối cùng Ngọc đế đại bại, bỏ thiên cung trốn chạy.

Ngọc đế chạy đến đức Phật để cầu viện binh. Sau khi thi lễ, Ngọc đế khúm núm đứng nép một bên. Đức Phật dùng thường tình thế tục hỏi:

– Ngọc đế từ xa đến có việc gì?

– Thưa, bạch đức Thế Tôn! Con có chút việc, xin Thế Tôn từ bi cho con thưa. Ngọc đế trả lời.

– Ngươi cứ nói. Đức Phật dạy.

Ngọc đế tấu trình mọi việc, từ lúc khởi thủy cho đến khi chung cuộc, nhưng vẫn còn có chỗ giấu giếm, quanh co lấp ẩn chứ chưa thật ngay thẳng. Cuối cùng Ngọc đế thưa:

– Lạy đức Thế Tôn, Ngài rủ lòng từ tái sinh cho con một lần nữa, con xin đội ơn Ngài vạn kiếp.

Với đức Phật, Ngài đã thừa hiểu, nhưng hỏi là hỏi vậy thôi. Cho nên Phật chẳng trách quở lắm mà Ngài ôn tồn dạy dỗ và an ủi:

– Ta vẫn biết các ngươi còn nhiều tội lỗi lắm, nguyên do là bởi tham dục, ngu si, nghi ngờ, ghen tuông, sân giận, đánh đập, nghe lời con và cuối cùng chém giết lẫn nhau để giải quyết vấn đề, toàn là những việc không đâu cả, chung quy là do ngu si, thì các ngươi thật ngu si hết mức! Ta nay dạy cho ngươi nên thọ trì kinh Ma-ha Bát Nhã Ba-la-mật-đa, nhờ đó mà mọi việc sẽ được êm xuôi tất cả.

Và Ngài quở:

– Sự việc xảy ra như hư không mà nói là có chút việc!

Ngọc đế liền mừng rỡ, vội vàng nhận lãnh kinh văn, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn rồi lui về. Liền khi đó A-tu-la vương đại bại, chui vào trong lòng ngó sen ẩn nấp. Từ đó A-tu-la oán hận, lúc nào cũng đem quân khiêu chiến với Ngọc đế, nhưng kết quả vẫn là thảm bại nặng nề!

Lời bàn:

Chúng ta thường nghe, trong đạo Phật có nói đến cụm từ “Tam đồ, lục đạo”.

Tam đồ: ba đường đi. Chỉ ba cõi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh hành phạt những kẻ gây ác nghiệp. Ba đường còn là: Hỏa đồ (đường lửa) chỉ địa ngục là nơi nổi lửa mạnh để thiêu đốt tội nhân. Huyết đồ (đường máu) chỉ nẻo súc sinh là nơi ăn thịt lẫn nhau. Đao đồ (đường đao) chỉ nẻo ngạ quỷ là nơi bị gươm dao bức bách. Đây là thuyết trong kinh Tứ Giải Thoát.

Lục đạo: sáu đường. Như lục thú, gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, nhân và thiên. Sáu thứ này chính là sáu đường luân hồi trong chúng sinh, nên gọi là lục đạo. Các chúng sinh tùy theo nhân nghiệp của mình mà tới đó, nên gọi là lục thú.

A-tu-la, dịch là không đoan chính, tướng mạo xấu xí. Đó là nói nam A-tu-la. Còn nữ A-tu-la thì diện mạo dung nhan mỹ lệ. Theo thứ tự thì loại này xếp dưới nhân đạo. Họ có thiên phước nhưng không có thiên đức. Nghĩa là phước lớn bằng trời nhưng đức độ thì kém xa. Loại này thường cùng trời Đao Lợi đánh nhau.

Đế Thích (vua cõi trời Đao Lợi) tuy làm vua chúa, nhưng vẫn còn ưa gái đẹp, vì chưa rời cõi dục. Khi thấy con gái của A-tu-la vương tên là Xà Chỉ, nhan mạo đẹp đẽ cực kỳ nên xin cưới về làm vợ.

Ma-ha Bát nhã Ba-la-mật dịch là đại tuệ đáo bỉ ngạn (trí tuệ lớn đưa chúng sinh sang bờ giác ngộ bên kia) là một trong lục bộ.Trí tuệ lớn là một trong yếu pháp đưa chúng sinh tới bờ Niết bàn, nên gọi là sang bờ bên kia. Theo Tâm Kinh Pháp Tạng sớ: “Bát nhã là cái thể, có nghĩa là trí tuệ, tức là cái thể huyền diệu, diệu chứng chân tịnh. Ba-la-mật-đa là cái dụng, có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Tức là nhờ trí tuệ tuyệt diệu này đưa sinh tử sang qua đến cõi tận chí chơn không. Trí tuệ thường không đưa chúng sinh sang bờ bên kia được, cho nên gọi tên như vậy”.

Nói tóm lại, kinh này nghĩa là Đại trí tuệ rốt ráo. Ngu si là căn bệnh trầm kha, chỉ có thuốc trí tuệ mới trừ được.

Với câu chuyện trên chúng ta có thể thấy, người đời tuy tu phước, làm việc từ thiện. Song phần nhiều hay nghi ngờ, đố kỵ, hơn thua, tranh giành lẫn nhau. Do đó, sau khi chết đọa làm A-tu-la. Hay những người thường nóng giận, sân si, khi còn sống nhìn họ ai cũng cảm thấy sợ hãi, không muốn gần, chắc chắn sau khi chết cũng sẽ thành A-tu-la.

A-tu-la thì có phước nhưng thiếu đức. Trời thì phước đức đầy đủ nhưng thiếu trí tuệ. Cho nên người học Phật, tu theo Phật cố nhiên là phải phước trí lưỡng toàn. Thiếu một trong hai thì rất chướng ngại trên đường tu.

Chúng ta thấy, Ngọc đế sở dĩ phải chạy cầu viện đức Phật là vì muốn có được Đại trí tuệ. Cho nên Phật mới truyền kinh Bát Nhã, tức là truyền trao cái Đại trí tuệ ấy. Vì vậy, khi có trí tuệ trong tay thì sân giận, ngu si lập tức tan biến, giống như hình ảnh A-tu-la vương thua trận.

Cổ đức nói: “Sóng khổ ái hà, cao vút ngàn trượng. Thế nhân mê muội trọn ngày suốt tháng trồi lặn nơi bể khổ mênh mang”.

Thật vậy, người học Phật cần yếu là nhận rõ điều này, cần phải đoạn trừ những thứ tâm bất tịnh, tiến thêm một bước nữa là liễu thoát sinh tử chứng nhập Niết bàn, vì thế rất cần có trí tuệ. Chỉ có trí tuệ rốt ráo này mới có thể đưa chúng ta thoát khỏi biển khổ sinh tử để đến bến bờ giải thoát an vui.