Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hòa

 

Khổ ơi là khổ!

Bài thuyết pháp nói đời là khổ
Ngẫm lại xem, thật đúng chẳng sai

Thuở xưa, có một nhà sư, thích tu hạnh đầu đà, nên ra đi phương xa để cầu thầy tham học.

Sáng hôm nọ, sư mang bát đi khất thực vào một xóm có đông người nữ Bàng Uẩn. Họ cũng là những người tu hành, mà đầu còn búi tóc.

Các bà ấy khi thấy nhà sư họ mới nghĩ rằng:

– Vị Đại đức này, chẳng mấy khi đến xóm ta, hôm nay Ngài quang lâm thật hân hạnh cho chị em mình biết bao, vì Tăng đáo như Phật lai mà.

Liền khi ấy, các bà lo sắm sửa cơm chay, thiết lập một pháp tòa, hương trầm hoa trái, thật chu toàn.

Khi đâu vào đấy, các bà cùng quỳ xuống mà bạch rằng:

– Kính bạch Đại đức, chúng con là hàng nữ nhân, tự biết mình phước mỏng nghiệp dầy, cách xa chánh pháp, khó gần Phật đạo. Nay được Đại đức quang lâm, chị em chúng con vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Vào giờ này pháp tòa đã trang nghiêm, hương trầm nghi ngút, cung thỉnh Đại đức đăng đàn mở cánh cửa pháp, khai thị cho chị em chúng con chút ít pháp mầu, giúp cho chúng con trong bước đường tu học.

Nhưng trớ trêu thay! Nhà sư này từ nhỏ đến giờ chưa từng thính pháp nghe kinh, thì lấy gì khai thị bây giờ!

Thấy tình hình khó xử, nhà sư cũng nhắm mắt làm liều, leo lên pháp tòa, ngồi yên bất động, toát mồ hôi, xanh mặt tím tai, tâm thần vô cùng lí bí, bực quá mới thốt ra lời tự than:

– “Khổ quá!”

Rồi Ngài tiếp tục ngồi yên như một pho tượng vừa mới khai quang điểm nhãn.

Nãy giờ các bà quỳ trước pháp tòa để đón nghe lời khai thị, ngoài tiếng “khổ” thì chẳng nghe Ngài nói gì nữa.

Nhưng thần khí của một tiếng “khổ” bay ra trong lúc bất giác, bất tri có thần diệu thật phi thường, đã lọt vào tai của các bà một cách trọn vẹn.

Do đấy các bà khởi nghĩ đến thân phận của mình và của mọi người.

Trước khi tu hành, lúc còn nhỏ chịu sự bó buộc của cha mẹ. Khi lớn lên lấy chồng, sinh con nuôi cái, phụng sự chồng con, lo cho gia đình chén cơm manh áo, thiếu trước hụt sau, nhân tình thế thái lúc này lúc khác. Đến nay tuổi đã chừng này, đầu bạc răng lay… Đã từng nếm đủ mùi ngọt đắng chua cay, đã trải qua biết bao cảnh vui buồn vinh nhục.

Nghĩ đến quá khứ, trong tâm trí hiện đầy những nỗi thống khổ. Chao ôi! Khổ ơi là khổ, khổ biết bao! Nghĩ sao cho xiết. Về ngày tương lai thì mịt mịt mù mù, thân thể gia đình, sống còn chết mất, chẳng biết về đâu, ruộng dâu bể bãi nào ai đảm bảo cho được.

Nghĩ vậy, các bà buồn tủi cho thân phận mình, bất giác rơi lệ, một bà khóc, kéo theo cả đám cùng khóc.

Nhà sư chẳng hiểu gì cả, Ngài kinh hãi hoảng sợ, nhưng cũng không biết làm cách nào để xuống tháp tòa cho được.

Phần các bà vì quán triệt được cái khổ, thấy rõ cái khổ đến cực độ, cho nên vong cảnh vong tình, bất ngờ các bà nhập vào khổ đế thiền định tam muội.

Bấy giờ quang cảnh vắng lặng như tờ, nhà sư nhanh chân leo xuống pháp tòa, lẹ tay ôm chiếc bình bát, chẳng lời từ biệt, một mạch đi thẳng, chẳng nghĩ đến cơm nước gì cả.

Lát sau các bà xuất định thì thấy vị Tăng đã đi xa, các bà vô cùng ân hận là chưa kịp cúng dường, họ nói:

– Thật là có lỗi! Đại Tăng đã đi xa rồi không biết ngày nào trở lại, một chữ khổ của Ngài thọ dụng cả đời chưa hết, quả là Thánh Tăng tái thế. Nói xong các bà cùng nhau quỳ xuống, năm vóc sát đất, hướng về đại Tăng, cúi đầu vọng bái.

Lời bàn:

Quả thật là khổ! Cái khổ trên thế gian này khó mà kể cho hết được. Con người sống trên đời không lúc nào không khổ. Giàu cũng khổ mà nghèo cũng khổ. Thông minh tài trí cũng khổ, si mê dại dột cũng khổ.

Nói đến khổ thì vô lượng vô biên, song đức Phật chỉ dạy có tám thứ khổ căn bản chi phối kiếp sống con người: “Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, cầu không được khổ, thương yêu chia lìa khổ, oán thù gặp nhau khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”.

Chúng sinh hiện nay đang trồi hụp trong biển khổ mênh mông không bờ bến, trọn đời mãn kiếp chịu khổ mà chẳng hề biết khổ. Trái lại còn đem vui làm khổ. Như lũ dòi kia lặn hụp trong hố phân hôi thối tìm kiếm thức ăn mà chẳng biết mùi phân hôi thối, si mê dại dột tự nhận hố phân làm nhà, làm thức ăn, vì thế mà đời đời kiếp kiếp không thoát ra được.

Muốn dứt trừ cái khổ, không chi hơn là tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc của khổ. Nhân khổ đã diệt thì quả khổ sẽ không còn. Nhân khổ chính là những tâm sở bất thiện (nói theo Duy thức học) ẩn chứa bên trong tâm thức mỗi người như là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Những tâm sở bất thiện này thôi thúc chúng ta hành động, nói năng, nhận thức bằng tri kiến sai lầm, từ đó làm khổ cho mình và khổ cho người. Phải dứt trừ được nguyên nhân gây ra phiền não, khổ đau này mới hi vọng đoạn lìa quả khổ.

Đức Thế Tôn thị hiện trong đời này, suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, nội dung không ngoài việc chỉ cho chúng sinh thấy rõ cái khổ và con đường để diệt khổ.

Nếu như muốn diệt khổ phải thực hành Đạo đế. Tức là phải chân thật xuất thế vậy. Đạo là gì? Là giới, định, tuệ. Nhất tâm niệm Phật, chẳng trì giới mà giới tự trì. Niệm đến nhất tâm bất loạn, trong ngoài yên lặng tịnh thanh tức là định, liền khi đó thông suốt vạn pháp, thoát vòng nhị nguyên, tự tại vô ngại, tức là tuệ. Tu hành giới, định, tuệ tức là đạo ấy. Đây chính là phương pháp đối trị tham, sân, si là tập nhân của phiền não, đau khổ. Nhân khổ đã diệt, thời quả khổ diệt, tức chứng được thiền định khổ đế tam muội.

Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cũng không ngoài mục đích trên. Khi chúng sinh đau khổ cùng cực, niệm danh hiệu Ngài sẽ lìa khổ được vui. Vì niệm Quán Thế Âm chính là niệm từ bi, niệm của tình thương, niệm của hiểu biết và lòng tha thứ. Thường xuyên niệm Ngài, tức là thường xuyên huân tập những tâm sở thiện, khiến cho trí tuệ rộng mở, tâm cảnh dung thông, ta người đều mất, ngay khi đó niềm vui xuất hiện, ngay khi đó Bồ-tát liền ở trước mặt, chẳng phải đâu xa.