SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
16. Xin hãy nói về nhẫn nhục
Các loại hoàn cảnh của đời người đều là bài học cho chúng ta học tập. Có người giải quyết được nghịch cảnh, nhưng chưa chắc gì giải quyết được thuận cảnh.
Mỗi người dùng tâm thái như thế nào để đối diện hoàn cảnh của mình? Điều này thì phải xem bản lĩnh ‘nhẫn nhục’ của họ có làm được không? Tôi nghe nói tù nhân mỗi lần bị giam trong nhà tù là từ mười mấy đến hai mươi năm, có rất nhiều người ra tù rồi mà vẫn căm thù sâu sắc; cho nên, sau khi họ ra tù thường tệ hơn, phạm lại bản án càng nặng hơn.
Trong kinh Phật ẩn ý ‘nhẫn nhục’ rất phong phú. Khi chúng ta bị thất bại, trù dập tất nhiên phải nhẫn, mà khi thành công, vui sướng cũng phải nhẫn; gặp nghịch cảnh phải tiếp nhận, thuận cảnh đến cũng phải tiếp nhận.
Nhưng nói ‘nhận’ không phải bằng lòng tiếp nhận một cách bị động, mà dùng thái độ chủ động tích cực, chuyển hóa thoát khỏi hoàn cảnh, giúp cho mình từ trong cảnh này được cơ hội học tập mà trưởng thành. Người bình thường bị oan ức, thất bại, trong tâm lí thường căm giận bất bình. Nhưng vì căm thù khó hóa giải, cho nên làm cho họ đau đớn khổ sở cũng như bóng theo hình, không bỏ được oán thù. Nếu như họ chấp nhận sự trù dập để rèn luyện tâm tính, phẩm hạnh của mình. Thậm chí, xem người trù dập bạn là Bồ-tát đến hóa độ bạn, phải cảm ơn họ, giúp bạn rèn luyện mình, được cơ hội thử thách mình, trong tâm bạn không có oán hận, tất nhiên sẽ không còn cảm thấy đau khổ.
Có mấy vị phụ huynh của trẻ em mới lớn đến nói với tôi rằng: “Trải qua năm tháng đằng đẵng, chịu được gian khổ và khó khăn để chăm sóc con cái, dần dần họ hiểu tâm lượng của mình được mở rộng.” Họ đem tâm trạng tiếp nhận thử thách, vui vẻ chịu đựng. Thế nên, cho dù người ngoài cho rằng hoàn cảnh của họ là khổ không thể nói; ngược lại, họ thấy an lạc vô cùng.
Trong nghịch cảnh mà chúng ta chịu khổ nhục để gánh trọng trách, cố gắng tiến lên. Đạo lí này mọi người nên tiếp nhận. Khi chúng ta gặp thuận lợi mọi việc, như diều gặp gió cũng phải tu hạnh ‘nhẫn nhục,’ vì sợ rằng không dễ gì hiểu rõ.
Thực ra, các loại hoàn cảnh của nhân sinh đều là bài học cho chúng ta học tập. Có người giải quyết được nghịch cảnh, nhưng chưa chắc gì giải quyết được thuận cảnh. “Sau khi được làm quan, cưỡi ngựa đi trong mùa xuân, chỉ trong một ngày đã ngắm hết hoa Trường An.” Có rất nhiều người khi nản lòng vẫn thường chịu khó khuyến khích mình, nhưng một khi được thăng quan tiến chức thì sống buông thả, đắc ý vênh váo; lời nói, hành động, cử chỉ không có chừng mực, nên tai nạn theo đó mà đến rất nhanh. Cho nên, lúc bình yên phải nghĩ đến lúc nguy hiểm; thành công phải nhẫn, vui sướng cũng phải nhẫn.
Tôi thường nói, người tham thiền phải ngồi ở ngã tư đường; vì nơi đó có xe chạy qua, người đi lại, trong môi trường ồn ào lộn xộn, có kiểm soát được tâm mình và không bị mảy may trở ngại không? Nếu như hoàn cảnh bên ngoài, cơn gió nhẹ thổi đến làm động cây cỏ mà ảnh hưởng đến tư tưởng, hành vi của bạn thì tôi không dám bảo đảm phiền não không nổi lên. Lại có người cho rằng hoàn cảnh bên ngoài dù thuận, hay nghịch, tất cả đều do tâm tạo. Đây là nhận định chủ quan của phàm phu tục tử. Sự thật khách quan chưa chắc là như vậy. Do đó, để mình giữ được khách quan, tránh được tâm bị cảnh bên ngoài lôi kéo thì mới đoạn được phiền não, sinh trí tuệ.