KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Ma
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Phẩm thứ 2: THÂU GIỮ CỦA ĐỊA CỨU CÁNH

Bồ-tát Ma-ha-tát lúc tu tất cả hành có sáu việc để khéo thâu giữ chúng sinh: Một là chí tâm thâu giữ. Hai là thâu giữ tăng ích. Ba là thâu giữ chọn lấy. Bốn là thâu giữ cứu cánh. Năm là thâu giữ không cứu cánh. Sáu là thâu giữ hậu hữu.

Bồ-tát Ma-ha-tát vào lúc mới phát tâm, thâu giữ chúng sinh như cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, chí tâm nhớ nghĩ tạo phương tiện thâu giữ, làm sao có thể ban cho chúng sinh sự an lạc? Lúc phát nguyện ấy thì tùy lực mà ban cho. Đó gọi là Bồ-tát chí tâm thâu giữ. Bồ-tát Ma-ha-tát tuy ở với cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, nhưng tâm thù thắng không kiêu mạn, bội tăng sự cúng dường. Nếu làm quốc vương đối với quyến thuộc mà nói cũng lại như thế.

Thâu giữ tăng ích, tức là phá trừ pháp ác, dạy theo pháp thiện, tùy thời lễ bái khen ngợi, cúng dường bố thí y phục, thức ăn và những vật cần dùng, biết ân báo ân, thăm bệnh cho thuốc. Đối với tôi tớ không nghĩ là hàng hạ tiện mà khởi tưởng như anh em. Nếu thấy người có tội, thường dùng lời dịu dàng khuyên bảo, không nói lời thô ác. Nếu làm quốc vương, đối với quyến thuộc không tăng thêm sự đau khổ, không đoạn mạng căn của họ, xa lìa hình phạt, dùng chánh pháp trị nước, tùy theo chủng tánh gốc nơi phần cõi hiện có. Đối với nước khác, không sinh tâm tham lam chiếm đoạt, bảo hộ muôn dân, xem như con một. Nếu có của cải thì cùng hưởng chung với quyến thuộc, lời nói thành thật dịu dàng, không nói lời thô ác, xa lìa bỏn sẻn. Đó gọi là Bồ-tát thâu giữ tăng ích.

Bồ-tát Ma-ha-tát thâu giữ chúng sinh có hai nhân duyên: Một là tài thí. Hai là pháp thí. Do tài thí nên phá bỏ sự bần cùng. Do pháp thí nên phá trừ tà kiến. Đối với các chúng sinh luôn giữ tâm bình đẳng, không bỏn sẻn, không kiêu mạn, không cầu báo ân, không cầu cúng dường. Nếu có người cầu phước nên đến cúng dường thì cũng không ngăn ngại, vì muốn phước đức trang nghiêm của họ được tăng trưởng. Nếu có người tu tập pháp thiện, trì giới tinh tấn, nên thân cận cúng dường, vì họ làm các việc hỗ trợ. Có người không hiểu nghĩa nên vì họ mà giảng giải. Người đã hiểu rồi cũng giảng nói khiến được tăng trưởng. Có người khởi nghi ngờ nên thuyết giảng nghĩa sâu xa khiến trừ bỏ lưới nghi, khổ vui đồng với họ tâm không tăng giảm. Có người phạm tội Bồ-tát dùng phương tiện khéo chỉ dạy họ sám hối, có lúc quở trách, có lúc khen ngợi. Thấy người bệnh khổ thì đến chăm sóc không xả bỏ, khéo dùng phương tiện khiến trừ khổ hoạn. Nếu thấy chúng sinh hình sắc tâm trí sự tiến thủ đều thấp kém thì không khinh mạn, tùy thời nên thuyết giảng về nhân duyên chánh tâm. Thấy người sầu khổ nên thuyết pháp an ủi. Luôn khéo tự suy nghĩ, không tin theo lời người khác, không gì có thể làm cho loạn động. Nếu có lợi dưỡng nên hưởng chung với mọi người. Tu tập tâm bi, thành tựu đầy đủ. Hoặc thấy người sống theo chánh mạng thì nên đến thăm viếng hỏi han. Xa lìa tâm ác, thường tu pháp thiện, trọn không phóng dật. Lìa bỏ biếng nhác, thường phát nguyện: “Làm sao để phước đức của ta ngang bằng với tất cả”. Bồ-tát Ma-ha-tát chẳng phải tất cả thời đều hành tác thâu giữ chọn lấy. Lúc có lợi ích mới thâu giữ. Đó gọi là Bồ-tát thâu giữ chọn lấy.

(Thiếu hai phần: Thâu giữ cứu cánh và thâu giữ không cứu cánh – ND)

Như có chúng sinh căn tánh ám độn, căn thiện khó thành thục thì Bồ-tát thâu giữ lâu xa. Vì sao? Vì cuối cùng sẽ có tâm thanh tịnh. Nếu người có căn tánh trung bình, thành thục trung bình, thì Bồ-tát thâu giữ không lâu xa. Vì sao? Vì không bao lâu sẽ được tâm tịnh. Nếu người có căn tánh lanh lợi, dễ thành thục, Bồ-tát liền giúp họ điều phục đạt thành thục, thanh tịnh. Đó gọi là Bồ-tát thâu giữ hậu hữu.

Bồ-tát dùng sáu thứ thâu giữ trên để thâu giữ giáo hóa tất cả chúng sinh trong ba đời. Bồ-tát nơi đời quá khứ, hiện tại, vị lai giáo hóa chúng sinh, đều không xa lìa sáu pháp thâu giữ ấy.

Bồ-tát Ma-ha-tát lúc thâu giữ chúng sinh có mười hai việc khó: Một là Bồ-tát Ma-ha-tát nhận biết không có ngã, không có ngã sở, không có chúng sinh, nhưng vì chúng sinh nên tu tập khổ hạnh. Hai là vì điều phục người khác nên có quở trách, cũng tự hộ giới không khiến hủy phạm. Ba là các vật hiện có thì ít nhưng người xin thì nhiều. Bốn là Bồ-tát chỉ có một thân nhưng thuộc về nhiều người, luôn đi lại cung cấp. Năm là đồng thọ thân phóng dật như chư thiên, nhưng trong tâm không có phóng dật. Sáu là luôn vì tất cả chúng sinh làm kẻ phụ giúp, tự giữ giới cấm không có hủy phạm. Bảy là thường cùng ở chung với các người ác, đủ tham dục, sân hận, ngu si, bỏn sẻn, dối gạt, gian trá, nhưng không làm theo họ. Tám là hiểu biết sinh tử có nhiều lỗi lầm tai họa nhưng không xả bỏ. Chín là có tất cả phiền não sinh tử nhiều lỗi lầm, lúc xả mạng căn tâm chưa thanh tịnh, tuy chưa thanh tịnh nhưng không mất chánh niệm. Mười là chưa được tâm tịnh, nhưng có thể đem của cải vật dụng mình yêu thích, cả vợ con, quyến thuộc để bố thí cho người. Mười một là tâm chúng sinh khác biệt, cảnh giới không đồng, hoặc có lúc nói dịu dàng, hoặc có lúc hành xả. Mười hai là trọn không phóng dật, không đoạn dứt hẳn các phiền não.

Bồ-tát Ma-ha-tát đối với chúng sinh không phân biệt hơn kém, hoặc lúc xem nhẹ, hoặc lúc coi trọng, hoặc quán cảnh giới, hoặc khi lập nguyện, hoặc không phóng dật, hoặc tu trí tuệ, hoặc nói lời hòa nhã, hoặc có lúc quở trách, hoặc có lúc xả bỏ, hoặc siêng năng tinh tấn, hoặc có khi biếng nhác, hoặc tạo phương tiện.

Bồ-tát Ma-ha-tát thực hành như vậy, đối với mười hai chỗ khó trên, tâm không ưu sầu, hối hận, tức đã có thể tự lợi, lại có thể lợi tha.

*********

Phẩm thứ 3: RỐT RÁO CỦA ĐỊA CỨU CÁNH

Bồ-tát Ma-ha-tát tu mười hai hành có bảy địa, sáu thứ là Địa Bồ-tát, một địa còn lại là Thanh văn và Bồ-tát cùng chung. Một là địa tánh. Hai là địa giải. Ba là địa tâm tịnh. Bốn là địa trì. Năm là địa định. Sáu là địa định hành. Bảy là địa cứu cánh. Đó gọi là bảy địa.

Tánh hành, giải hành mỗi thứ là một địa. Hỷ hành gọi là địa tâm tịnh. Giới hành, tuệ hành và vô tướng hành hợp làm địa trì. Vô hành vô tướng hành gọi là địa định. Trí vô ngại hành gọi là địa định hành. Như Lai hành gọi là địa cứu cánh. Địa cứu cánh phần sau sẽ nói rộng.

Bồ-tát lúc từ địa hạ nhập vào địa tâm tịnh, làm sao có thể đoạn trừ sự khổ trong ba đường ác? Bồ-tát tu tập thiền thế tục hữu lậu, tu tập thiền đó rồi thì được thiền thế tịnh, sau đấy tức được địa giải. Trang nghiêm Bồ-đề, tu tập một trăm mười thứ tâm bi. Do tu tâm bi nên ở trong chúng sinh tức đạt được tâm bi, vì đạt được tâm bi nên vui thích nơi ba đường ác như nhà của mình. Bồ-tát tự quán xét trụ trong ba đường ác, lúc trang nghiêm Bồ-đề vì chúng sinh nên thọ nhận khổ não lớn, khéo lập đại nguyện: Như ta được tâm tịnh và có uy lực, nguyện cho các chúng sinh đang chịu khổ não đều tu tập nơi thân ta. Do lực của nguyện thiện theo thiền tịnh thế gian nên thân tâm xa lìa tập khí phiền não. Do xa lìa tập khí nên chuyển thân bốn đại. Bốn đại đã chuyển, vì thiền tịnh thế gian nên không dẫn đến ba đường ác. Vì thế, Bồ-tát đoạn trừ khổ trong ba đường ác. Qua địa giải rồi nhập ở địa tịnh, có các công đức khác như nơi mười tâm tịnh trong phẩm hạnh đã nói rõ.

Mười pháp tịnh này nhằm đối trị mười thứ: Một là tâm không làm. Hai là tâm không phát khởi. Ba là tâm không thọ giới Bồ-tát. Bốn là tâm bất tín. Năm là tâm ác. Sáu là tâm không tu tập bi. Bảy là tâm sân. Tám là tâm ưu sầu hối hận. Chín là tâm không từ. Mười là tâm phóng dật. Lại, nói với thô ác, tham tiếc thân mạng, không tùy thuận thế gian, biếng nhác trễ nải, không có hổ thẹn, bị khổ não bức bách thân, nghi ngờ, khiếp nhược, không thể cúng dường Phật Pháp Tăng bảo. Như vậy là các pháp bất tịnh cần được đối trị. Trong mười pháp tịnh, ba pháp đầu là làm thanh tịnh tâm, bảy pháp sau là làm thanh tịnh nơi sự trang nghiêm. Bồ-tát Ma-ha-tát tin nơi Bồ-đề và đạo Bồ-đề. Do tin nơi đạo Bồ-đề nên thấy chúng sinh khổ liền sinh tâm đại từ, vì khởi tâm từ nên phát nguyện: Nguyện ta luôn cứu độ các khổ như vậy. Do tâm thương xót nên xả thân bố thí không hề tham tiếc. Vì đem lại lợi ích cho chúng sinh nên tâm không ưu sầu hối hận. Do tâm không hối hận nên nhận biết các thứ phương thuật của thế gian. Vì nhận biết các thứ phương thuật của thế gian nên khéo nhận biết thời tiết, tùy thuận tâm ý của chúng sinh. Do nhận biết thời tiết nên gọi là biết thế gian. Vì có trí lực nên khi các khách trần phiền não tìm đến đều sinh tâm hổ thẹn. Do hổ thẹn nên khiến phiền não không thể thao túng. Đó gọi là dũng mãnh. Do dũng mãnh nên không có phóng dật. Do không có phóng dật nên tu tập pháp thiện. Do tu tập pháp thiện nên thọ giới Bồ-tát. Vì thọ giới Bồ-tát nên cúng dường Tam bảo. Vì cúng dườmg Tam bảo nên thân tâm thanh tịnh. Đó gọi là địa tịnh.

*********

Phẩm thứ 4: HÀNH CỦA ĐỊA CỨU CÁNH

Bồ-tát Ma-ha-tát trụ nơi địa giải cho đến địa Bồ-tát gồm có bốn hành: Một là hành Ba-la-mật. Hai là hành Bồ-đề. Ba là hành thần thông. Bốn là hành thành thục chúng sinh.

Hành Ba-la-mật tức là sáu pháp Ba-la-mật như trước đã nói, cùng thêm Phương tiện Ba-la-mật, Nguyện Ba-la-mật, Lực Ba-lamật và Trí Ba-la-mật. Mười thứ Ba-la-mật như vậy gọi là hành Bala-mật.

Phương tiện thiện có mười hai thứ, như trước đã nói, đó gọi là Phương tiện Ba-la-mật. Nguyện có năm thứ, như trước đã nêu, đó gọi là Nguyện Ba-la-mật. Mười lực trang nghiêm thanh tịnh gọi là Lực Ba-la-mật. Biết tất cả pháp là xứ và phi xứ, gọi là Trí Ba-la-mật. Biết đế thế gian gọi là Trí Ba-la-mật. Biết đế đệ nhất nghĩa gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, trí vô lượng gọi là Phương tiện Ba-la-mật. Trí cầu thắng thắng gọi là Nguyện Ba-la-mật. Không bị bốn ma tạo chướng ngại gọi là Lực Ba-la-mật. Có thể nhận biết tánh chân thật của các pháp gọi là Trí Ba-la-mật.

Bốn niệm xứ cho đến tám chánh đạo, bốn cầu bốn chân trí như trước đã nói, đó gọi là hành Bồ-đề. Thần thông như trong phẩm Bất khả tư nghì đã nêu. Sáu thông như trước đã thuyết giảng. Đó gọi là hành thần thông.

Hai thứ vô lượng là vô lượng điều phục và vô lượng phương tiện như trước đã nêu. Đó gọi là hành thành thục.

Bồ-tát Ma-ha-tát có bốn hành như vậy nên thâu giữ tất cả các hành. Bồ-tát Ma-ha-tát trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, đầy đủ trọn vẹn các pháp thiện thanh tịnh, hơn hẳn các hàng Thanh văn, Duyên giác, thâu giữ hoàn toàn đạo quả Bồ-đề. Do trọn vẹn nên có thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là mười Ba-la-mật.

Nếu nói về thứ lớp tức có ba việc: Một là đối trị. Hai là sinh. Ba là đắc quả. Đối ngược với pháp thiện có sáu việc: Một là tham lam keo kiệt. Hai là nghiệp ác. Ba là tâm sân. Bốn là biếng nhác. Năm là tâm loạn. Sáu là ngu si.

Do nhân duyên của sáu pháp này nên không thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Vì muốn phá trừ sáu pháp ấy nên thuyết giảng sáu pháp Ba-la-mật, từ Bố thí Ba-la-mật cho đến Trí tuệ Bala-mật. Sáu Ba-la-mật trước tức gồm thâu bốn Ba-la-mật sau. Đó gọi là đối trị.

Sinh: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát xả bỏ tất cả vật ở thế gian, xuất gia tu đạo, đó gọi là bố thí Ba-la-mật. Đã xuất gia rồi thì thọ giới Bồ-tát, đó gọi là trì giới Ba-la-mật. Do hộ giới nên dù bị đánh mắng cũng nhẫn chịu, không báo thù, đó gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật. Giới đã thanh tịnh nên siêng tu pháp thiện, đó gọi là tinh tấn Ba-la-mật. Do tinh tấn nên điều phục được năm căn, đó gọi là thiền Ba-la-mật. Năm căn đã điều phục, nên biết rõ về pháp giới chân thật, đó gọi là trí tuệ Ba-la-mật. Trên đây tức là sinh.

Quả báo: Tức là hiện tại Bồ-tát tu các pháp thiện như bố thí v.v…, hoặc xả thân mình, bên ngoài được nhiều tài vật, bên trong đầy đủ năm thứ. Năm thứ đầy đủ nghĩa là sinh vào nẻo trời người có thọ mạng lâu, sắc đẹp, sức mạnh, an lạc và biện tài, đó gọi là quả báo của bố thí. Do nhân duyên bố thí nên tu tập pháp thiện, tâm không ganh ghét, nhẫn nhục đối với các thứ tội lỗi, đó gọi là đầy đủ quả báo thứ hai. Do nhân duyên bố thí nên làm việc thế gian và xuất thế gian, tâm không nhàm chán hối hận, đó gọi là quả báo thứ ba. Do nhân duyên bố thí nên tâm được nhu hòa không có tán loạn, đó gọi là quả báo thứ tư. Do nhân duyên bố thí nên có thể hiểu rõ đây là ruộng phước – đây không phải là ruộng phước, biết đây là nên bố thí – đây là không nên bố thí, khéo biết phương tiện cầu tài vật, giữ tài vật, đó gọi là quả báo thứ năm.

Bốn Ba-la-mật sau thâu giữ sáu Ba-la-mật trước có ba giới: Một là giới tùy giới. Hai là giới tùy tâm. Ba là giới tùy trí. Bồ-tát trì giới Ba-la-mật gọi là giới tùy giới. Thiền Ba-la-mật gọi là giới tùy tâm. Trí tuệ Ba-la-mật gọi là giới tùy trí. Xa lìa ba thứ giới này thì không có giới Bồ-tát. Bồ-tát có ba giới này thâu giữ tất cả giới.

Bồ-tát lại có bốn việc có thể tạo lợi ích cho chúng sinh: Một là ở nơi Bồ-đề tu tập pháp thiện. Hai là dùng trí chân thật nhận biết nghĩa các pháp. Ba là tăng trưởng pháp thiện. Bốn là thành tựu đầy đủ căn tánh của chúng sinh. Bốn việc như vậy, Bồ-tát có thể tạo lợi ích lớn cho chúng sinh. Nếu nói xa lìa bốn việc ấy nhưng có thể tạo lợi ích cho chúng sinh, thì không có điều ấy.

********

Phẩm thứ 5: BA MƯƠI HAI TƯỚNG TỐT – TÁM MƯƠI VẺ ĐẸP CỦA ĐỊA CỨU CÁNH

Mười ba hành Như Lai gọi là Phật địa cứu cánh. Phật địa cứu cánh có một trăm bốn mươi pháp bất cộng: Đó là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, bốn nhất thiết hành tịnh, mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ, ba bất hộ, đại bi, thường không quên mất, đoạn tập khí phiền não, nhất thiết trí. Đó gọi là một trăm bốn mươi pháp bất cộng.

Ba mươi hai tướng tốt gồm có: (1) Dưới bàn chân bằng phẳng. (2) Dưới bàn chân có tướng xoáy tròn như bánh xe ngàn căm. (3) Ngón tay thon dài. (4) Gót chân đầy đặn. (5) Trong kẽ tay, kẽ chân có da mỏng như lưới. (6) Tay chân mềm mại. (7) Bắp chân như tướng nai chúa. (8) Nam căn ẩn kín. (9) Đứng thẳng tay dài quá gối. (10) Mu bàn chân nổi cao đầy đặn. (11) Thân đầy đặn như cây Ni-câu-đà. (12) Lông nơi thân đều hướng lên trên. (13) Mỗi mỗi lỗ chân lông đều xoay bên phải. (14) Thân có sắc vàng ròng. (15) Quanh mình luôn có hào quang chiếu ra một tầm. (16) Da thịt mềm mại không dính bụi bặm. (17) Hai chân, hai tay, hai vai và đỉnh đầu đều đầy đặn. (18) Thân trên như sư tử. (19) Hai nách đều đặn. (20) Thân thể ngay ngắn. (21) Hai vai tròn, cân phân. (22) Miệng có bốn mươi cái răng. (23) Răng khít không lồi lõm. (24) Răng màu sắc trắng. (25) Hai má cao đầy đặn như sư tử. (26) Nước bọt trong miệng thơm. (27) Trên đỉnh đầu có tướng nhục kế. (28) Lưỡi dài rộng. (29) Âm thanh vang như giọng Phạm thiên. (30) Mắt màu xanh biếc. (31) Mắt như ngưu vương. (32) Có chòm lông trắng giữa chặng mày.

Tám mươi vẻ đẹp kèm theo: Hai mươi ngón tay chân là hai mươi vẻ đẹp. Tay chân trong ngoài tám chỗ bằng phẳng đầy đặn. Gót chân, đầu gối, bắp chân sáu chỗ tốt đẹp. Tay có ba tụ. Hai vai, hai khuỷu tay và hai cổ tay là sáu chỗ đầy đặn. Hai bên eo là hai chỗ đẹp. Mã tàng và hai bắp tay là ba chỗ đẹp. Eo, rốn, hai sườn, hai nách, hai ngực là tám chỗ đẹp. Bụng, ngực, cổ, cộng chung là sáu mươi chỗ đẹp. Răng trên dưới, môi miệng trên dưới, hai má, hai tai, hai mắt, hai mũi, dưới cằm, trên trán, đầu tròn đầy. Trên đây là tám mươi vẻ đẹp.

Bồ-tát Ma-ha-tát trụ ở địa tịnh rồi, do nghiệp lực nên tuy được tám mươi vẻ đẹp như vậy nhưng vẫn chưa sáng, tịnh. Lúc thành đạo bên gốc cây mới được sáng tịnh. Lúc chưa tịnh, sáng hoàn toàn gọi là hành địa Bồ-tát. Trang nghiêm Bồ-đề có hai thứ: Một là gần. Hai là xa. Xa tức chưa được quả báo của ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nếu được gọi là gần. Nói ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, là nhằm khiến cho chúng sinh tạo nghiệp thiện. Chúng sinh tạo các nghiệp ác, do nghiệp ác nên có quả báo xấu, vì thế Như Lai nói ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, các thứ nghiệp thiện, các thứ quả thiện, chúng sinh nghe rồi tức phá trừ được những nghiệp ác.

Bồ-tát chí tâm tu trì tịnh giới nên có tướng dưới bàn chân bằng phẳng.

Cúng dường cha mẹ, Hòa thượng, sư trưởng và người có đức, do nhân duyên này nên được tướng dưới bàn chân có xoáy tròn như bánh xe.

Đối với chúng sinh không sinh tâm hại, không có ý tưởng cướp đoạt, nếu thấy cha mẹ, sư trưởng, Hòa thượng và người có đức thì nghinh đón, sắp đặt giường tòa, cung kính lễ bái, phá trừ kiêu mạn. Do nhân duyên này nên có tướng ngón tay thon dài.

Đầy đủ ba hành trên nên có tướng gót chân đầy đặn.

Dùng bốn nhiếp pháp thâu giữ chúng sinh, do nhân duyên ấy nên được tướng kẽ tay kẽ chân có màng như lưới.

Vì ưa thích dùng dầu tô tắm rửa cha mẹ, Hòa thượng, sư trưởng và người có đức, do nhân duyên này nên tay chân được mềm mại.

Do nhân duyên tu tập pháp thiện không biết chán đủ nên có tướng bắp chân như nai chúa.

Do nhân duyên nghe pháp hoan hỷ, vì người diễn nói nên có tướng nam căn không hiện.

Ba nghiệp thanh tịnh, nuôi bệnh cho thuốc, phá trừ kiêu mạn, ăn uống biết đủ. Do nhân duyên ấy nên có tướng đứng thẳng tay dài quá gối.

Thấy người phân ly khéo nói cho hòa hợp, tự tu pháp hổ thẹn, cũng dạy người tu. Do nhân duyên ấy nên có tướng mu bàn chân nổi cao đầy đặn.

Tự thanh tịnh ba nghiệp, cũng dạy người thanh tịnh. Nếu có chúng sinh bị bệnh trong người, thì có thể trị liệu. Do nhân duyên ấy nên có tướng thân đầy đặn.

Nghe pháp hoan hỷ, ưa vì người thuyết giảng, do nhân duyên này nên có tướng lông nơi thân đều hướng lên trên.

Suy nghĩ ý nghĩa sâu xa của các pháp, ưa tu pháp thiện, cúng dường cha mẹ, Hòa thượng, sư trưởng và người có đức, như đi giữa đường dọn dẹp gai gốc hoặc vật bất tịnh nơi tháp của Phật, phòng xá của Tăng, do nhân duyên ấy nên có tướng lông trên thân xoay về bên phải.

Do nhân duyên dùng thức ăn và anh lạc bố thí cho người, trừ bỏ tâm sân nên có được hai tướng: Một là thân sắc vàng ròng. Hai là quanh mình thường có hào quang.

Do nghiệp duyên này nên thân mềm mại, bụi bặm không dính. Thường ban cho chúng sinh những vật cần dùng, do nhân duyên ấy nên có tướng bảy chỗ đều đặn.

Tự phá kiêu mạn, điều phục tâm tánh, tùy tâm chúng sinh, như pháp thực hành, vì trừ bất thiện, nêu dạy pháp thiện, do nhân duyên ấy mà thân có tướng như sư tử, có tướng hai vai đầy đặn, hai nách bằng phẳng.

Do nghiệp duyên gì nên có tướng ngón tay mềm mại? Tức do nghiệp duyên này nên có tướng thân thể ngay ngắn.

Xa lìa nghiệp hai lưỡi cùng tranh cãi, do nhân duyên ấy nên có tướng bốn mươi cái răng, răng đều và bằng phẳng.

Tu từ bi nơi cõi dục, do nhân duyên ấy nên có tướng răng màu sắc trắng.

Thấy người đến xin hoan hỷ nghinh đón, do nhân duyên ấy nên có tướng hai má cao đầy đặn.

Xem chúng sinh bình đẳng như con một, do nhân duyên ấy nên được tướng nước bọt trong miệng có mùi thơm.

Thường ban cho chúng sinh pháp vị vô thượng, thấy có người quên ban cho sự nhớ nghĩ, tự nghĩ năm giới và chuyển dạy cho mọi người, tu tập tâm bi hay thí pháp lớn, do nhân duyên này nên được tướng trên đỉnh đầu có thịt nhô cao, có tướng lưỡi dài rộng.

Nói lời thật, lời hoan hỷ, lời pháp, lời dịu dàng, phi thời tức không nói, do nhân duyên ấy nên có âm thanh như giọng Phạm thiên.

Tu tập tâm bi, xem các chúng sinh giống như cha mẹ, do nhân duyên này nên được tướng: Một là mắt màu xanh biếc. Hai là mắt như Ngưu vương.

Thấy người có đức liền khen ngợi tán thán, do nhân duyên này nên có tướng lông trắng giữa chặng mày.

Ba mươi hai tướng, tuy mỗi mỗi đều nói về từng nhân duyên, nhưng nhân duyên chính là trì giới, tinh tấn. Vì sao? Vì nếu không trì giới, siêng tu tinh tấn thì thân người còn không có được, huống là ba mươi hai tướng.

Tướng không thấy đảnh và tướng nhục kế là như nhau không sai khác. Lại nữa, phàm làm việc, tâm định không hối hận, do nhân duyên này nên có tướng dưới chân bằng phẳng.

Hoặc chí tâm làm. Do nhân duyên ấy nên được tướng dưới bàn chân có xoáy tròn như bánh xe, cùng tướng thứ hai, thứ ba: kẽ tay, kẽ chân có màng mỏng, bảy chỗ đều đầy đặn, mềm mại, hai vai tròn đầy, thân cao thẳng, lưỡi dài rộng.

Hoặc mình thường làm. Do nhân duyên ấy nên có tướng tay thon dài, đứng thẳng tay dài quá gối, ánh sáng chiếu xa một tầm, răng khít, không lồi lõm.

Hoặc hành tác thanh tịnh. Do nhân duyên ấy nên có các tướng khác. Lại nữa, đối với chúng sinh luôn sinh tâm thuần thiện. Do nhân duyên này nên có tướng tay chân mềm mại, thân thể trơn láng, bụi bặm không dính.

Lần lượt tu tập, theo thời tiết tu tập. Do nhân duyên ấy nên có tướng thứ hai, thứ ba, thứ tư.

Ưa tu pháp thiện tâm không hối hận. Do nhân duyên này nên được thân sắc vàng ròng, thường có hào quang, răng màu sắc trắng, có chòm lông trắng giữa chặng mày.

Hoặc được khen ngợi không sinh kiêu mạn, che giấu điều tốt không để người biết. Do nhân duyên ấy nên có tướng nam căn ẩn kín.

Chỗ tu pháp thiện đều hồi hướng đến đạo Bồ-đề. Do nhân duyên này nên có tướng lông nơi thân đều hướng lên trên, lông đều xoay về bên phải, miệng có bốn mươi cái răng, nước bọt có mùi thơm.

Do nhân duyên siêng tu tinh tấn nên có tướng hai má cao đầy đặn, thân như sư tử.

Do nhân duyên chí tâm thương mến chúng sinh như con một, nên có tướng răng bằng và khít, măt màu xanh biếc và như mắt Ngưu vương.

Do nhân duyên tu tập pháp thiện không biết chán đủ nên có các tướng khác.

Bồ-tát Ma-ha-tát lúc trụ ở hành tánh, tu nghiệp ba mươi hai tướng. Lúc trụ ở hành tịnh tuy có ba mươi hai tướng như vậy, nhưng tướng không đầy đủ, nên chưa được sáng tịnh. Khi trụ nơi mười ba hành mới được hiển bày sáng rõ, đầy đủ tất cả pháp Phật. Tuy chúng sinh có vô lượng tướng nhưng không đồng, tức có loại thượng, trung, hạ không thể nghĩ bàn, thế nên Đức Phật thuyết ba mươi hai tướng. Tất cả chúng sinh hiện có công đức, hòa hợp tụ tập, chính là cùng với tướng một sợi lông trên thân của Như Lai bằng nhau. Hết thảy lỗ chân lông hiện có công đức hòa hợp tụ tập thành một tướng tốt. Tập hợp công đức hiện có của các tướng tốt, tăng đến trăm lần mới thành một tướng, chỉ trừ tướng chòm lông trắng giữa chặng mày và tướng không thấy đảnh. Tập hợp tất cả các tướng còn lại, tăng đến ngàn lần thành ra hai tướng. Tập hợp các công đức hiện có của ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, tăng đến ngàn vạn ức lần mới thành âm thanh sâu xa của Như Lai. Âm thanh ấy vang đến vô lượng vô biên thế giới của chư Phật. Như Lai thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy, do nghĩa này nên Như Lai – Thế Tôn gọi là vô thượng, pháp được hành gọi là hành vô thượng.

Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp có ba thứ vô lượng: Một là ba kiếp vô lượng. Hai là tu thiện vô lượng. Ba là tạo lợi ích cho chúng sinh vô lượng. Thế nên nói Như Lai thành tựu vô lượng công đức.

********

Phẩm thứ 6: TRỤ CỦA ĐỊA CỨU CÁNH

Bồ-tát có bốn thứ thanh tịnh: Môt là thân tịnh. Hai là duyên tịnh. Ba là tâm tịnh. Bốn là trí tịnh.

Vĩnh viễn đoạn trừ tập khí được các phẩm thanh tịnh, thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thân được tự tại, sinh diệt tùy ý. Đó gọi là thân tịnh. Thần thông tự tại gọi là duyên tịnh. Tu tập pháp thiện, tâm lìa phiền não gọi là tâm tịnh. Biết rõ tất cả các pháp không có trở ngại, được trí tự tại, nhận biết tất cả các pháp hành. Đó gọi là trí tịnh.

Bồ-tát do bốn pháp thanh tịnh này nên được mười lực: Một là lực nhận biết về thị xứ phi xứ. Hai là lực nhận biết về các nghiệp. Ba là lực nhận biết về các thiền định giải thoát. Bốn là lực nhận biết về căn của các chúng sinh lợi độn. Năm là lực nhận biết về mọi hiểu biết của chúng sinh. Sáu là lực nhận biết về cảnh giới của chúng sinh. Bảy là lực nhận biết về các xứ đạo đạt đến. Tám là lực nhận biết về đời quá khứ. Chín là lực vận dụng thiên nhãn nhìn thấy sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sinh. Mười là lực dứt hết các lậu.

Lời nói của Như Lai là chân thật không hai, nên gọi là Đa-đà-agià-độ (Như Lai). Hoặc nói về quả thiện và quả bất thiện, nhân duyên chân thật, thể chân thật, tánh chân thật, trụ chân thật, sinh chân thật. Đó gọi là thị xứ. Quả thiện và bất thiện, chẳng phải nhân làm nhân. Đó gọi là phi xứ. Trí phá trừ kiêu mạn, gọi là trí chân thật, gọi là nhất thiết trí, gọi là trí vô ngại, gọi là trí tịnh, gọi là trí lìa mạn. Tính theo thứ lớp nên gọi là đệ nhất lực. Không gì hơn nên gọi là tất cả hành. Tạo tợi ích cho chúng sinh, phá trừ các ma nên gọi là Lực. Trang nghiêm chân thật được tự tại nên gọi là đầy đủ. Có thể phá trừ tất cả sự sợ hãi nên gọi là Niết-bàn. Nhân nơi nhân của tám chánh đạo phá diệt các khổ nên gọi là vô thượng. Như pháp trụ nên gọi là chân thật. Tự mình được pháp thanh tịnh, thương xót chúng sinh tức diễn nói giáo pháp, nên gọi là Phạm luân. Phạm luân gọi là Như Lai. Như Lai gọi là trong mát. Trong mát gọi là giới. Thọ trì tịnh giới, như giới mà thuyết. Đó gọi là thanh tịnh. Thuyết đúng, thuyết thật, vì lợi ích nên thuyết, thuyết rộng lớn, thuyết vô ngại, thuyết hết thảy, thuyết rốt ráo, thuyết vô thượng, thuyết vô lậu, thuyết vô vi, thuyết ngoại, thuyết hiện tiền. Thế nên gọi là tiếng gầm của đại sư tử. Thuyết phương tiện thiện, thuyết nhân chân thật. Do nhân duyên chân thật nên được quả chân thật. Đó là quả báo ở nẻo trời người và vô thượng. Do quả vô thượng nên gọi là vô thượng. Nếu tạo nghiệp rồi, tăng trưởng được quả, gọi là quá khứ. Có khi tạo nghiệp rồi chưa thọ quả báo cũng gọi là quá khứ. Chưa tạo tác nghiệp muốn tạo tác, chưa được quả báo muốn được. Đó gọi là vị lai. Đã tạo nghiệp rồi, chưa được quả báo, nghiệp thọ rồi diệt thành quá khứ. Đó gọi là hiện tại. Nghiệp quá khứ, hiện tại, vị lai có ba thứ: Nghĩa là quả của thân, khẩu ý. Xứ nào tạo tác nghiệp thiện của thân, khẩu ý thì xứ ấy đắc quả. Xứ nào tạo tác nghiệp ác của thân, khẩu ý thì xứ ấy đắc quả. Đó gọi là thị xứ.

Nghiệp của thuần thiện không có quả ác. Đó gọi là phi xứ. Nghiệp ác bất thiện không được quả thiện. Đó gọi là phi xứ. Nghiệp ở nẻo người, không thọ quả báo ở địa ngục. Đó gọi là phi xứ. Nghiệp của địa ngục không thọ quả báo ở nẻo người. Đó gọi là phi xứ. Chỉ trừ có thể tu giới tâm, tuệ nơi thân khiến quả báo của địa ngục ở trong nẻo người được thọ nhẹ. Do tương tợ nên gọi là quả báo địa ngục. Trong nẻo người thọ nhẹ nên gọi là quả báo của nẻo người. Đó gọi là thị xứ phi xứ. Bốn thiền, tám giải thoát, các pháp như vậy tự tại tu đắc. Do tự tại thế nên Như Lai thường ở nơi Tam-muội thuyết pháp.

Phạm thiên vương chỉ nghe âm thanh không thấy hình tướng. Như vậy, các thiền định giải thoát có hai thứ phiền não: Một là chưa được, muốn được nên sinh phiền não. Hai là đã được rồi thoái thất nên sinh phiền não. Như Lai đã đoạn được hai thứ phiền não này, nên được đại tự tại. Biết tất cả tâm tưởng của các chúng sinh, tuy hiểu rõ nhưng tâm không tham đắm, không sinh hoan lạc. Tu tập đầy đủ, muốn đắc liền đắc, đắc rồi không thoái thất. Đó gọi là lực của thiền định giải thoát thứ ba. Biết năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ có bậc thượng, trung, hạ. Từ nghe sinh, từ chánh tư duy sinh. Đó gọi là lực căn. Biết các dục thượng, trung, hạ. Đó gọi là lực hiểu. Biết các thứ tánh, tánh Thanh văn, tánh Duyên giác, tánh Như Lai, tánh chúng sinh tham, cho đến tám vạn bốn ngàn tánh phiền não. Đó gọi là lực thứ năm. Biết nhân nơi phiền não nên có được vô số các thân nơi thế giới. Đó gọi là lực thứ sáu. Biết các thứ phiền não đều có cách đối trị. Biết tất cả hữu cũng đều có đối trị. Biết đối trị phá trừ tất cả kiến tà ác. Đó gọi là lực của xứ đạt đạo. Hiểu rõ bốn phương với vô số các loại chúng sinh, vô số các thứ danh tự. Chúng sinh quá khứ nghĩ nhớ tám việc: Một là danh. Hai là sinh. Ba là tánh. Bốn là thức ăn. Năm là thọ khổ vui. Sáu là thọ mạng. Bảy là trụ. Tám là mạng chung. Lại nghĩ nhớ sáu việc: Một là danh tự. Hai là chủng tộc như Sát lợi v.v… Ba là cha mẹ thân tộc. Bốn là thức ăn uống. Năm là giàu nghèo. Sáu là sống lâu hoặc chết sớm. Đó gọi là lực thứ tám.

Hành nơi cõi trời gọi là bốn thiền. Do đắc quả bốn thiền nên gọi là thiên nhãn. Đầy đủ quả thuần thiện nên gọi là thanh tịnh. Ánh sáng không đồng nên gọi là vượt quá mắt người. Cũng có thiên nhãn của dục giới, tuy tên đồng, nhưng do bất tịnh nên không gọi là thiên nhãn. Người có thiên nhãn nhận biết, thấy chúng sinh đọa. Người đọa gọi là trời. Lại có người đọa gọi là người chết. Sinh gọi là trung ấm. Trung ấm có hai thứ: Một là thiện. Hai là bất thiện. Trung ấm bất thiện màu sắc như áo lông đen, vào lúc đêm tối chỉ có mắt thanh tịnh mới thấy. Thiên nhãn thanh tịnh thấy sắc của trung ấm cũng lại như vậy. Trung ấm thiện màu sắc như áo mới xứ Ba-la-nại, vào lúc trăng sáng mắt thanh tịnh mới thấy. Thiên nhãn thanh tịnh thấy sắc của trung ấm cũng lại như vậy. Sắc đen gọi là chúng sinh hạ hành. Sắc trắng gọi là chúng sinh thượng hành. Do nhân duyên tạo nghiệp thân, khẩu, ý ác nên gọi là hạ hành. Do nhân duyên tạo nghiệp thân, khẩu, ý thiện nên gọi là thượng hành. Nghiệp ác gọi là tà kiến. Tà kiến có hai loại: Một là có thể chuyển. Hai là không thể chuyển. Phỉ báng nhân quả, nói không có Thánh nhân, gọi là không thể chuyển. Không phải nhân thấy nhân, không phải quả thấy quả, gọi là có thể chuyển. Cho nên nghiệp ác gọi là tà kiến, nghiệp thiện gọi là chánh kiến. Không phỉ báng bốn đế, tin nghiệp thiện ác, quả báo chân thật, thế nên nghiệp thiện gọi là chánh kiến. Do nhân duyên nghiệp ác nên khi chết đọa vào địa ngục. Do thọ quả báo không vui, nên gọi là điạ ngục. Phóng dật tạo nghiệp ác tất dẫn đến địa ngục. Thấy rõ nhân quả nên gọi là thiên nhãn. Do nhân duyên nghiệp thiện nên không vào đường ác, thọ quả báo vui, thọ thân trời người. Do chánh kiến nên được sinh nơi cõi thiện. Sinh về cõi thiện gọi là trời, người. Thấy được rõ ràng nên gọi là thiên nhãn.

Thế nào là cõi thiện? Do nhân duyên thiện nên đạt được quả thiện. Đó gọi là cõi thiện. Trên đây gọi là lực thứ chín. Do nhân duyên tu giới tâm tuệ nơi thân, đoạn tất cả lậu, vì đoạn trừ lậu nên được thân giới tâm tuệ vô lậu. Thân giới tâm tuệ vô lậu có hai thứ: kiến đạo và tu đạo. Do hai thứ đạo này nên tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát. Tâm tuệ được giải thoát nên có thể thị hiện thần thông, giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là lực thứ mười. Bồ-tát có mười lực tức: Biết tánh, biết phân biệt, biết tự tướng, cộng tướng, bất cộng tướng, biết bình đẳng, biết nghiệp, biết thứ lớp, biết thắng và chẳng thắng. Bồ-tát có thể nhận biết bảy việc như vậy.

Biết tánh: Tức tánh của mười lực, là tánh của năm căn, do tuệ nhiều nên gọi là tánh trí. Cho nên nói trí xứ phi xứ, không nói tín xứ phi xứ, cho đến dứt hết lậu cũng lại như vậy.

Phân biệt gồm có ba thứ: Một là phân biệt thời. Hai là phân biệt hành. Ba là phân biệt tự tướng, cộng tướng. Mười lực có thể nhận biết tất cả thời, là quá khứ, hiện tai, vị lai. Đó gọi là phân biệt thời. Mười lực có thể nhận biết tất cả cách đối trị vô lượng phiền não trong mười phương thế giới. Đó gọi là phân biệt hành. Mười lực có thể nhận biết tất cả sắc tướng. Đó gọi là tự tướng. Nhận biết sắc là vô thường, cho đến tất cả pháp là vô thường. Đó gọi là cộng tướng. Đấy gọi là phân biệt tự tướng cộng tướng.

Bất cộng: Nghĩa là mười lực không cùng chung với tất cả hàng Thanh văn Duyên giác. Mười phương chư Phật đồng được mười lực. Đó gọi là bình đẳng.

Biết nghiệp: Tức là lực của xứ và phi xứ. Nhân thật biết nhân, quả thật biết quả, tức là lực thứ hai. Như Lai nhận biết rõ quả báo nơi nghiệp của mình, cũng nhận biết quả nơi nghiệp hiện có của chúng sinh. Nhân nơi lực thiền định giải thoát nên Như Lai đạt được ba thứ thị hiện có thể điều phục chúng sinh. Nhân nhận biết căn lực nên hiểu biết căn tánh thượng, trung, hạ của chúng sinh. Vì nhận biết căn nên tùy theo căn để thuyết pháp. Nhân hiểu rõ lực nên Như Lai hiểu biết rõ tánh thiện tánh ác của tất cả chúng sinh. Vì trừ bỏ tánh ác nên dạy cho tánh thiện. Nhân nhận biết lực thế giới nên Như Lai thường hành pháp thế gian, nhưng không bị pháp thế gian làm nhiễm ô. Do biết thế giới nên nhận biết cảnh giới của chúng sinh. Do nhận biết giới chúng sinh nên tùy căn, tùy tâm, tùy phiền não để thuyết giảng pháp.

Thế nào là Như Lai ban đầu chỉ dạy chúng sinh khiến nhập pháp Phật? Nếu Như Lai ban đầu dạy các Thanh văn, Bồ-tát nhập pháp Phật thì nói lời: Này thiện nam! Ông nên tu tập, ưa thích vắng lặng, ở một mình chỗ yên tĩnh. Lúc mới sinh ông, cha mẹ vì ông nên đặt tên gọi, cho đến chư Phật, Hòa thượng đặt cho tên gọi, phải chí tâm quán xét. Như tên này của mình là do cha mẹ, Hòa thượng đặt ra. Đối với sáu nhập trong ngoài là có hay không có? Này Thiện nam! Nếu lìa sáu nhập trong ngoài nhưng không thấy có, lúc này ông sẽ được trí chân thật. Biết tên gọi ấy là hư giả không thật, pháp cũng không thật, tên cũng không thật, tên và pháp đã không thật thì sao đối với điều ấy sinh khởi kiêu mạn? Này Thiện nam! Vào lúc này, ông nên quán sát mắt và tên gọi của mắt. Mắt có hai thứ: Một là tên gọi. Hai là lưu hành khắp. Tên gọi của mắt chẳng phải mắt, tướng của mắt chẳng phải mắt. Nếu có một vật gọi là mắt thì vật này cũng không có. Nếu thật có mắt thì tên cũng nên thật có. Nếu là chân thật thì lúc chúng sinh sinh ra tự nên hiểu biết không cần dạy bảo, vật chưa thấy không cần dạy nhưng có thể biết. Do nghĩa này nên biết tên cũng không thật, vật cũng không thật. Như mắt, thức cũng như vậy. Lúc quan sát như thế thì đoạn trừ được tâm tham đắm nơi các nhập trong ngoài. Do đoạn trừ tham đắm trong ngoài nên đoạn dứt tướng của tất cả các pháp. Do đoạn trừ tướng của tất cả các pháp nên nhận biết chân thật tánh của tất cả pháp. Tánh của tất cả pháp nghĩa là không chân thật, không có hình tướng.

Này thiện nam! Lúc quán sát như vậy, nếu muốn được nhất thiết trí, muốn được đại từ đại bi, muốn được thiền thứ nhất cho đến phi tưởng phi phi tưởng, muốn được hành tánh cho đến hành Như Lai, muốn được địa Bồ-tát với sáu thông cho đến đạo quả Bồ-đề Vô thượng, tất cả đều có thể đạt được. Đó gọi là lực thứ sáu. Nhân nơi lực của xứ đạo đạt đến nên nhận biết đạo chân thật, đạo không chân thật, phá bỏ đạo không chân thật, chỉ bày đạo chân thật. Nhân nơi lực nhận biết đời quá khứ nên nhận biết thọ các khổ, biết mình không ưa sinh tử, cũng dạy chúng sinh không ưa sinh tử, phá trừ thường kiến. Nhân nơi lực dùng thiên nhãn thọ ký cho người, dứt trừ đoạn kiến. Nhân nơi lực lậu tận nên Như Lai tự nhận biết mình được giải thoát, có thể phá trừ kiến chấp của chúng sinh, thấy chẳng phải là Như Lai cho là Như Lai thật, thấy chẳng phải là Sa-môn nói thật là Sa-môn, chẳng phải là người phạm hạnh nói là thật phạm hạnh. Lúc Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thì cùng lúc chứng đắc mười lực ấy.

Vì sao nói có thứ lớp? Lúc Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, đầu tiên quán xét về nhân quả thế nên đầu tiên gọi là Lực xứ phi xứ. Như vậy, nhân quả ai làm, ai thọ. Đó gọi là nghiệp lực. Do phá trừ nghiệp nên tu tập thiền định. Vì nhận biết chúng sinh ai có thể tu tập, ai không thể tu tập, nên quán xét các căn. Căn có ba hạng là thượng, trung, hạ. Đó gọi là tánh chúng sinh, là lực thứ năm. Do nhận biết tánh nên biết tâm tịnh và bất tịnh. Đó gọi là thế giới. Muốn biết nhân duyên tâm tịnh và bất tịnh nên biết xứ đạo đạt đến. Đạo như vậy là đoạn trừ thường kiến và đoạn kiến. Đó gọi là lực túc mạng, lực thiên nhãn. Do đoạn trừ thường kiến và đoạn kiến nên các lậu vĩnh viễn hết sạch. Đó gọi là lực lậu tận. Như thế gọi là thứ lớp.

Lại có thứ lớp: Lúc Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, trước hết quán xét thị xứ phi xứ. Thứ đến quán xét nghiệp thế gian. Do phá bỏ nghiệp thế gian nên quán xét thiền định giải thoát và quán xét chúng sinh có thể tu đạo hoặc không thể. Tiếp theo dùng thiên nhãn thấy căn tánh lợi, độn của các chúng sinh, là nhằm muốn nhận biết. Ngoài ra như trước đã nói.

Lại có thứ lớp: Lúc Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, quán xét về thị xứ phi xứ của mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên do đâu mà có, cho nên quán xét nghiệp. Các nghiệp của chúng sinh hoặc có thọ báo hoặc không thọ báo. Dùng thiên nhãn quán xét những gì? Vì chúng sinh nên quán xét pháp giới. Đó gọi là giải. Pháp giới và thế giới không có sai khác. Muốn nhận biết người khó điều phục và dễ điều phục, nên nhận biết về thọ mạng đời trước. Vì nhận biết người thọ nhận lời dạy hoặc không thọ nhận, nên nhận biết căn tánh lợi độn. Biết rồi nên thuyết giảng tám chánh đạo, gọi là đến xứ đạo. Do lực đạo nên đoạn trừ được các phiền não. Đó gọi là lực lậu tận.

Lực thị xứ phi xứ và lực của nghiệp có gì sai khác? Nhận biết rõ về nghiệp thiện, nghiệp ác, quả thiện cho đến quả ác. Đó gọi là Lực thị xứ phi xứ. Tạo tác nhất định có thọ nhận, không tạo tác thì không thọ nhận. Đó gọi là lực của nghiệp. Vì muốn điều phục nghiệp bất thiện nên tu tập thiền định. Điều phục có hai thứ: Một là tin. Hai là không tin. Thế nên quán xét căn nơi tâm tin có hai loại: Một là tin Tam bảo. Hai là tin trời Ma-hê-thủ-la. Đó gọi là giải thoát, có ba hạng thượng, trung, hạ, nên gọi là lực thế giới. Nhận biết thế giới rồi thuyết giảng về đạo thế gian, đạo Thanh văn, đạo Duyên giác, đạo Bồ-tát, đạo Phật. Đó gọi là lực biết đến xứ đạo. Quán xét nhân thiện, nhân ác, nghiệp nặng, nghiệp nhẹ của các chúng sinh. Đó gọi là lực túc mạng. Nhân nhận biết như vậy nên đoạn trừ thường kiến đoạn kiến. Đó gọi là thiên nhãn. Do thấy chân thật nên các lậu vĩnh viễn đoạn hết. Đó gọi là lực lậu tận. Tánh của mười lực đều là tánh trí không có sai khác, do duyên nơi cảnh giới nên nói có sai khác. Bốn vô sở úy như đã thường nêu. Như Lai vì chúng sinh nên nói bốn việc: Một là pháp giải thoát không chung với hàng Thanh văn. Hai là pháp giải thoát chung với hàng Thanh văn. Ba là giải thoát chúng sinh khổ. Bốn là vì chúng sinh nên đoạn khổ đạt giải thoát, thuyết giảng pháp đối trị.

Thanh văn không chung: Nghĩa là đối tượng hiểu biết về ngã. Nếu nói có pháp nhưng ông không biết: Ta cũng không thấy Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc người, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, như pháp mà nói không biết không thấy. Do không thấy nên không sinh xấu hổ, sợ sệt, nói lậu của ta đã hết, hoặc nói không hết. Không thấy Sa-môn cho đến ma, phạm, như thật mà nói, lậu của ông chưa hết. Do không thấy nên không sinh xấu hổ, sợ sệt, nói ta đã đắc đạo, hoặc nói đạo ấy chẳng phải là cứu cánh. Ta cũng không thấy có các Sa-môn cho đến ma phạm, như thật mà nói, ông chưa đắc đạo, chẳng phải là cứu cánh. Do không thấy nên không sinh xấu hổ, sợ sệt, ta nói là chướng ngại đạo. Nếu nói không chướng, ta cũng không thấy có các Sa-môn cho đến ma phạm, như thật mà nói là chướng chẳng phải chướng. Do không thấy nên không sinh xấu hổ, sợ sệt. Phật thuyết giảng đạo là vì các Bồ-tát và các Thanh văn. Sau khi Phật Bát Niết-bàn, lúc kết tập kinh tạng, trong tạng Thanh văn đã loại trừ tên Bồ-tát, trong Tạng Bồ-tát để yên tên Bồ-tát. Cho nên kinh Phương Đẳng gọi là Tạng Bồ-tát. Không chung với Thanh văn tức là ba niệm xứ của Như Lai. Như Lai thuyết giảng pháp, chí tâm nghe nhận, tâm được hoan hỷ, thọ các an lạc. Như pháp mà trụ, không trái với giáo pháp Phật Phật cũng không vui. Tu tập tâm xả không mất chánh niệm, cũng không phóng dật. Như Lai thuyết giảng pháp, có người không tin nhận, trái lời Phật đã nói, Phật cũng không sân, không có sầu não. Tu tập tâm xả không mất chánh niệm, cũng không phóng dật, Như Lai thuyết giảng pháp, hoặc có người nghe, hoặc có kẻ không nghe. Có người nghe, không vui, có người không nghe, không sầu, tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không phóng dật. Đó gọi là ba niệm xứ.

Lại có điều không cùng chung với Thanh văn, đó là ba thứ bất hộ. Như Lai không hộ thân, khẩu mạng. A-la-hán có nghiệp vô ký, ghi nhận là tâm mất niệm. Nghiệp vô ký gọi là Đột-kiết-la (Ác tác). Như Lai đã đoạn tất cả nghiệp vô ký. Vì sao? Vì thường tu chánh niệm. Thế nên Như Lai tùy tâm thuyết giảng nói lời quở trách quyến thuộc. Đó là xua trừ lời nói thô ác, tăng thêm tâm không sợ khó. Vì sao? Vì thân khẩu mạng thanh tịnh.

Lại có điều không cùng chung với Thanh văn. Đó là đại bi, như trước đã nói. Như Lai hành tác sự việc gì, hành tác nơi xứ nào, do nhân duyên gì hành tác, hành tác như thế nào, hành tác vào lúc nào? Các sự việc như vậy đều có thể nhận biết như thật. Đó gọi là tâm niệm. Như Lai nhận biết rõ về việc gì? Đó là tất cả hành. Nơi xứ nào? Đó là tất cả thế giới. Do nhân duyên gì? Đó là nhằm điều phục chúng sinh. Hành tác như thế nào? Đó là phương tiện thiện. Hành tác vào lúc nào? Đó là tất cả thời. Do đấy Như Lai thường tu tâm chánh niệm. Đức Như Lai, Thế Tôn hoặc động, hoặc tĩnh, hoặc nói, hoặc làm, hoặc đi, hoặc đứng, trong tất cả thời đều không có tập khí phiền não, thế nên nói Như Lai đã vĩnh viễn đoạn trừ tập khí phiền não. A-la-hán thì không như vậy, cho nên Như Lai không cùng chung với Thanh văn.

Như Lai hiểu biết rõ về ba thứ tụ pháp: Một là tụ của nghĩa được lợi ích. Hai là tụ của nghĩa phi lợi ích. Ba là tụ của nghĩa phi lợi ích phi bất lợi ích. Như Lai biết rõ ba tụ như vậy, thế nên nói Như Lai đắc Nhất thiết trí. Như vậy một trăm bốn mươi pháp bất cộng không cùng chung với hàng Thanh văn, Duyên giác, do đó gọi là Thanh văn không chung.

Bồ-tát lúc hành trì có được ba mươi hai tương tốt, tám mươi vẻ đẹp, nhưng không tịnh, sáng. Khi ngồi nơi gốc cây không có thầy, tự tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo mới được tịnh, sáng. Học địa Bồtát, được Tam-muội kim cang rồi, niệm thứ hai tiếp theo chứng đắc mười lực, tất cả pháp Phật, cho đến tất cả trí tịnh. Do chứng đắc như thế nên gọi là trí nhất thiết, trí vô ngại, trí vô chướng, trí tịnh, trí tịch tĩnh, trí thanh tịnh, trí đầy đủ. Đó gọi là địa cứu cánh. Vượt qua tất cả hành Bồ-tát, địa Bồ-tát, vào địa Như Lai, hành Như Lai được thân vô thượng, chuyển thân Bồ-tát, vĩnh viễn đoạn trừ tập khí, trụ nơi địa cứu cánh. Bồ-tát Ma-ha-tát thấy pháp Phật như thấy màu sắc hình tượng cách nơi hạt thóc nhỏ. Đức Như Lai, Thế Tôn đều không như vậy, nên gọi là tịnh. Bồ-tát trụ nơi địa cứu cánh thấy pháp Phật như ở xa nhìn sắc. Chư Phật Thế Tôn thấy pháp như ở gần nhìn sắc. Bồ-tát nơi địa cứu cánh thấy pháp Phật như ở nơi tối nhìn sắc. Chư Phật Thế Tôn thấy pháp như nơi ban ngày nhìn sắc. Bồ-tát nơi địa cứu cánh như chưa ra khỏi thai. Chư Phật Thế Tôn như đã ra khỏi thai. Bồ-tát nơi địa cứu cánh như điều thấy trong mộng. Chư Phật Thế Tôn như tỉnh thấy vật. Bồ-tát nơi địa cứu cánh như đèn không sáng. Chư Phật Thế Tôn như đèn sáng rực.

Bồ-tát chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng rồi, có thể ở nơi trụ xứ của tất cả chư Phật, Thế Tôn làm Phật sự. Làm Phật sự gồm có chín việc, mỗi mỗi Phật sự đều tạo lợi ích lớn cho vô lượng chúng sinh. Những gì là chin thứ? Một là tự mình làm việc của bậc đại trượng phu, có thể khiến chúng sinh tin nơi việc trượng phu. Hai là dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân tướng, vì tạo lợi ích cho chúng sinh nên phá trừ lưới nghi. Ba là Như Lai đầy đủ mười lực, do đầy đủ mười lực nên có thể đem lại lợi ích cho chúng sinh. Nếu có người hỏi thế nào là lực, tức có thể khéo giải thích, phá trừ tâm nghi, điều phục chúng sinh, dứt bỏ tà kiến. Bốn là Như Lai đầy đủ bốn vô sở úy, là tin Tam bảo, điều phục chúng sinh, phá bỏ tà kiến, là tiếng gầm của đại sư tử. Năm là Như Lai đầy đủ ba niệm xứ, như thuyết mà hành, như hành mà thuyết, phá các phiền não, có thể nuôi dưỡng đồ chúng, có thể giáo hóa chúng sinh. Sáu là Như Lai đầy đủ ba pháp Bất hộ, vì tạo lợi ích cho chúng sinh, vì nhằm điều phục chúng sinh, đêm ngày thường dùng Phật nhãn quán sát chúng sinh. Bảy là Như Lai đầy đủ đại bi, vì đầy đủ nhẫn nhục Ba-la-mật, vì khiến chúng sinh lìa các khổ não, ban cho chúng sinh sự an lạc. Tám là Như Lai đầy đủ không có sai lầm, không mất chánh niệm, thế nên không có thầy, vẫn như pháp mà hành, như pháp mà trụ, đem lại lợi ích cho chúng sinh khiến họ được điều phục, loại các thứ phóng dật của chúng sinh. Chín là Như Lai vĩnh viễn đoạn hết tập khí phiền não, nhận biết nghĩa pháp, phi nghĩa pháp, phi nghĩa phi phi nghĩa pháp. Vì thế Như Lai thuyết giảng về nghĩa pháp, lìa phi nghĩa pháp và phi nghĩa phi phi nghĩa pháp, tức Như Lai đầy đủ một trăm bốn mươi pháp bất cộng. Chín sự việc như vậy tức có thể làm Phật sự. Đó gọi là hành Như Lai, gọi là địa Như Lai, gọi là địa cứu cánh của Như Lai. Vì sao? Vì hành Như Lai, địa Như Lai, địa cứu cánh của Như Lai, ở trong vô lượng ức na-do-tha kiếp, thọ giới Bồ-tát, tu hành Bồ-tát, Bồ-tát cứu cánh có thể giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh trụ nơi địa cứu cánh. Tất cả pháp Phật của Như Lai đều vì chúng sinh không vì tự mình. Pháp hiện có của Thanh văn, Duyên giác chỉ vì tự lợi, ít có lợi tha, cho nên hàng Nhị thừa không có pháp bất cộng. Pháp Phật vô thượng trọn không tương tợ như pháp của Thanh văn, Duyên giác. Đại bi không sai lầm khi đoạn trừ tập khí. Nhất thiết trí, năm trí, Tam-muội, Như Lai đầy đủ tất cả pháp bất cộng, do đấy gọi là vô thượng.

Kinh này diễn nói về giới Bồ-tát, về quả của giới Bồ-tát, đạo Bồ-tát, hành của tất cả Bồ-tát, hành quả nơi giới của tất cả Bồ-tát, vì thế gọi là địa Bồ-tát, Tạng Bồ-tát, Luận Bồ-tát, là kinh của trí vô ngại thâu giữ tất cả kinh điển Đại thừa. Nếu là hàng trời người, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn tin kinh điển này, thọ trì, nghe giảng, đọc tụng, biên chép, rộng nói, tu tập, phân biệt về nghĩa, thấy người thọ trì liền cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán, dùng hoa hương, đèn đuốc, kỹ nhạc để cúng dường, nên biết người ấy thường được mười phương chư Phật hộ niệm, xưng nói danh tự, có được vô lượng nhóm công đức. Vì sao? Vì Bồ-tát do nhân duyên giới nên chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Do thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói giới Bồ-tát, nên chánh pháp của Như Lai được ở đời lâu, không diệt, các Tỳ-kheo xấu ác dần được tổn giảm. Nếu không có giới Bồ-tát, thì các Tỳ-kheo xấu ác sẽ dần tăng mạnh, chánh pháp của Như Lai không bao lâu sẽ tàn diệt.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kinh này nên gọi là kinh gì?

Phật dạy:

–Này Tôn giả Ưu-ba-ly! Đây gọi là Thiện giới, gọi là Địa Bồtát, gọi là Tỳ-ni (Luật) Ma-di (Luận) của Bồ-tát, gọi là Như Lai tạng, gọi là căn bản của tất cả pháp thiện, gọi là nhân an lạc, gọi là các tụ Ba-la-mật.

Tôn giả Ưu-ba-ly nghe Phật giảng nói xong liền hoan hỷ lễ bái, nhiễu quanh Phật theo phía bên phải rồi lui ra.

HẾT – QUYỂN 9

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9