KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Ma
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 3

Phẩm thứ 7: ĐIỀU PHỤC CỦA ĐỊA BỒ TÁT

Thế nào gọi là Bồ-tát điều phục? Điều phục có sáu thứ:

  1. Tánh điều phục.
  2. Chúng sinh điều phục.
  3. Hành điều phục.
  4. Phương tiện điều phục.
  5. Thành thục điều phục.
  6. Thục ấn điều phục.

Tánh điều phục: Nghĩa là có chủng tử thiện nên tu pháp thiện, do tu pháp thiện tức phá diệt hai thứ chướng là chướng phiền não và chướng trí tuệ. Vì tu pháp thiện nên thân tâm được thanh tịnh, do thân tâm thanh tịnh nên nếu gặp bạn thiện là chư Phật, Bồ-tát hay không gặp cũng có thể phá trừ được hai chướng của phiền não và trí tuệ. Như mụt nhọt đã chín muồi, nếu gặp thầy thuốc giỏi hay không gặp đều cũng chữa trị được. Ví như đồ dùng bằng đất tùy thời mà dùng, gọi đó là thục. Như quả Am-la tùy thời mà ăn, cũng gọi là thục. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Tu tập đạo thiện rốt ráo, nhằm chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là thục, là tánh điều phục.

Chúng sinh điều phục gồm có bốn thứ: Một là có tánh Thanh văn đắc đạo Thanh văn. Hai là có tánh Duyên giác đắc đạo Duyên giác. Ba là có tánh Phật đắc đạo Phật. Bốn là có tánh trời người đạt được an vui nơi nẻo trời người. Bốn thứ này gọi là chúng sinh điều phục.

Hành điều phục gồm có sáu thứ: Một là căn điều phục. Hai là căn thiện điều phục. Ba là trí tuệ điều phục. Bốn là hạ điều phục. Năm là trung điều phục. Sáu là thượng điều phục.

Căn điều phục: Tức do nhân duyên điều phục căn, nên được thân nam tử sống lâu, sắc đẹp, chủng tánh tôn quý, đại lực tự tại, ngôn âm vi diệu, không ai có thể hơn. Thành tựu đầy đủ quả của báo như vậy, nên có thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thường vì chúng sinh tu tập khổ hạnh, tâm ấy từ đầu tức không có ưu sầu hối hận. Đó gọi là căn điều phục.

Căn thiện điều phục: Tức là tánh không ưa thích tạo tác nghiệp ác, năm uẩn nhẹ nhàng, các giác quán xấu ác dần dần giảm kém, ưa thọ nhận lời nói thanh tịnh thuần thiện. Đó gọi là căn thiện điều phục.

Trí tuệ điều phục: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát do tu tập trí tuệ nên tâm hành rộng lớn, khéo có thể thọ trì đọc tụng kinh điển, hiểu rõ nghĩa thiện ác, tư duy phân biệt rộng vì người giảng nói. Do tu tập trí tuệ nên có thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Nếu có thể đạt đầy đủ căn điều phục, căn thiện điều phục, trí tuệ điều phục, thì có thể diệt hết chướng trí. Nếu đầy đủ căn điều phục, thì có thể trừ hết chướng báo. Nếu đầy đủ căn thiện điều phục và trí tuệ điều phục, thì có thể diệt trừ hết chướng trí và chướng phiền não. Đó gọi là trí tuệ điều phục.

Hạ điều phục gồm có hai thứ: Một là không ở trong vô lượng đời tu tập pháp thiện. Hai là không ưa thích suy cầu căn thiện, trí tuệ.

Đó gọi là hạ điều phục.

Trung điều phục: Tức là ở trong vô lượng đời tu tập pháp thiện, được căn thiện điều phục, nhưng không được trí tuệ. Đó gọi là trung điều phục.

Thượng điều phục: Tức là có đủ ba sự việc trên. Đó gọi là thượng điều phục.

Phương tiện điều phục gồm có hai mươi hai thứ:

  1. Cõi tăng trưởng.
  2. Nhân hiện tại.
  3. Vào hàng xuất gia.
  4. Mới phát khởi.
  5. Chẳng phải mới phát khởi.
  6. Tịnh xa.
  7. Tịnh gần.
  8. Trang nghiêm.
  9. Chí tâm.
  10. Thí thức ăn.
  11. Thí pháp.
  12. Vì thị hiện thần thông sinh tâm tín.
  13. Vì thuyết pháp sinh tâm tín.
  14. Thuyết giảng tạng pháp thâm diệu, phân biệt rộng về pháp.
  15. Hạ trang nghiêm.
  16. Trung trang nghiêm.
  17. Thượng trang nghiêm.
  18. Nghe pháp.
  19. Suy nghĩ tu tập.
  20. Thâu giữ.
  21. Chê trách.
  22. Không đợi thỉnh thuyết và đợi thỉnh thuyết.

Cõi tăng trưởng: Tức là đầy đủ chủng tử thiện. Do đủ chủng tử thiện nên ở nơi đời khác căn thiện lại được tăng trưởng. Do hiện tại tu tập pháp chủng tử, nên nơi đời khác pháp chủng tử cũng được tăng trưởng. Đó gọi là cõi tăng trưởng.

Nhân hiện tại: Tức là trong đời hiện tại thuyết pháp không sai lầm, nghe pháp không sai lầm, như pháp thọ trì. Do nhân của đời trước tăng nhân hiện tại. Do nhân hiện tại tăng nhân vị lai. Lại do nhân hiện tại tăng nhân hiện tại. Đó gọi là nhân hiện tại.

Vào hàng xuất gia: Tức là gần gũi bạn thiện là chư Phật, Bồtát, tâm tín được sinh. Do được tâm tín nên lìa bỏ pháp thế gian, thọ trì tu hành pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế tức là giới Bồ-tát. Nếu không thể thọ tức là Sa-môn danh tự, không gọi là xuất gia. Đoạn được pháp dục mới gọi là xuất gia. Không thọ giới Bồ-tát như vậy thì không gọi là vĩnh viễn đoạn trừ rốt ráo pháp dục. Đoạn trừ tất cả ái gọi là xuất gia. Thọ nhận an vui trọn vein gọi là xuất gia. Ưa thích hành đạo gọi là xuất gia. Tăng trưởng pháp Phật gọi là xuất gia. Vui thích thọ trì giới cấm gọi là xuất gia. Đó gọi là vào hàng xuất gia.

Mới phát khởi: Tức là lúc mới phát tâm không ưa thích sinh tử. Do không ưa thích sinh tử nên tâm tín được sinh. Tu tập nơi đạo làm tăng ích pháp Phật. Đó gọi là mới phát khởi.

Chẳng phải mới phát khởi: Tức là sau khi phát tâm rồi, thì gần gũi chư Phật và đệ tử Phật, thọ trì giới cấm, đọc tụng, biên chép, rộng vì người giảng nói, cho đến làm tăng trưởng pháp thiện thượng thượng. Đó gọi là chẳng phải mới phát khởi.

Tịnh xa: Tức là như không thọ trì giới cấm của Bồ-tát, không thể đọc tụng biên chép giải nói, không thuận theo lời Sư dạy, lại biếng nhác trễ nải, trải qua vô lượng kiếp không thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là tịnh xa.

Tịnh gần: Tức là thọ trì giới cấm, đọc tụng biên chép, vì người giải nói, tùy thuận lời Sư dạy, siêng năng tinh tấn, có thể nhanh chóng chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là tịnh gần.

Trang nghiêm: Tức là chí tâm dốc cầu Phật đạo vô thượng, vì đạo Bồ-đề nên hành trì giới Bồ-tát, vì sợ phép vua, Sư trưởng, Hòa thượng, vì danh xưng nên hành trì giới Bồ-tát. Đó gọi là trang nghiêm.

Chí tâm: Tức là ở trong pháp Phật chí tâm giữ niệm, không có tâm nghi ngờ, tâm không nhẫn, hộ trì chánh pháp, dùng Tạng Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, đối với các bậc Hòa thượng, Trưởng lão cùng người có đức luôn sinh tâm cung kính, cúng dường Tam bảo không có dừng nghỉ, tin sâu Tam bảo thường trụ bất biến. Đó gọi là chí tâm.

Thí thức ăn: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát thấy người đói khát liền bố thí thức ăn, tùy theo chỗ cần mà cung cấp tất cả. Đó gọi là thí thức ăn.

Thí pháp: Tức là Bồ-tát dùng một câu, một bài kệ, cho đến nửa bài kệ, một Bộ, một Tạng, rộng vì chúng sinh thuyết giảng ý nghĩa, vì đạo Bồ-đề nên giáo hóa chúng sinh khiến làm việc thiện. Đó gọi là thí pháp.

Vì thị hiện thần thông sinh tâm tín: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát dùng đại thần thông thị hiện cho chúng sinh, vì tâm thương xót, vì muốn khiến tâm chúng sinh được thanh tịnh, vì biết tâm tín của chúng sinh thanh tịnh, vì thấy chúng sinh thanh tịnh trang nghiêm, vì khiến chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là thần thông.

Vì thuyết pháp sinh tâm tín: Tức là Bồ-tát tự nhận biết chưa có lợi ích, vì lợi tha nên diễn nói chánh pháp, cũng lại nhận biết do lợi tha nên có thể diệt tội của mình nên diễn nói pháp, lại tự nhận biết vì người khác thuyết pháp cũng được tăng trưởng chỗ tu thiện của mình. Đó gọi là thuyết pháp.

Thuyết giảng tạng pháp thâm diệu phân biệt rộng về pháp: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát dùng diệu lực của phương tiện, có thể vì chúng sinh khai thị tạng pháp thâm mật của Đức Như Lai, muốn khiến chúng sinh hiểu ý nghĩa ấy, vì tăng trưởng căn thiện cho người có trí nên thuyết giảng nghĩa sâu xa. Đó gọi là thuyết giảng tạng pháp thâm diệu phân biệt rộng về pháp.

Hạ trang nghiêm: Là không thể chí tâm thường hành hạnh vô thượng của bậc Hiền Thánh. Đó gọi là hạ trang nghiêm.

Trung trang nghiêm: Tức là tuy chí tâm tu tập Thánh hạnh, nhưng không thường hành. Đó gọi là trung trang nghiêm.

Thượng trang nghiêm: Tức là cũng chí tâm, cũng thường hành. Đó gọi là thượng trang nghiêm.

Nghe pháp: Tức là lúc tu pháp Phật vô thượng, chí tâm nghe kỹ mười hai bộ kinh, thọ trì biên chép đọc tụng giải nói. Đó gọi là nghe pháp.

Suy nghĩ tu tập: Tức là nghe pháp rồi, thân tâm vắng lặng, suy nghĩ về ý nghĩa ấy nhằm phá trừ tâm nghi, tu tập ba tưởng là định, tuệ và xả. Đó gọi là suy nghĩ tu tập.

Thâu giữ: Tức vì không có tâm tham nên thuyết pháp cho người, nuôi đệ tử và khéo dạy dỗ, ban cho y bát, bệnh thì cung cấp thuốc men, biết phiền não khởi thì tùy bệnh thuyết pháp. Đó gọi là thâu giữ.

Chê trách: Tức là tự tri kiến về phiền não đã khởi thì trách thân tâm. Do khởi phiền não thì không thể hành tự lợi, lợi tha. Tội nhẹ thấy trung, tội trung thấy nặng, như người loạn tâm rơi xuống hầm hố, sau khi đã rơi, không nên rơi nữa. Nếu khởi phiền não thì phải điều phục. Nếu thấy đệ tử khởi phiền não nhỏ thì phải quở trách.

Không nên nhận sự cúng dường lễ bái của đệ tử này, cho đến cành dương, nước tắm. Nếu phạm tội lớn thì phải làm pháp yết-ma tẫn xuất. Nếu có chê trách là vì tự lợi, lợi tha. Đó gọi là chê trách.

Không đợi thỉnh thuyết: Tức là vì tự lợi nên thọ trì đọc tụng giải nói về nghĩa sâu xa. Vì phá trừ phiền não của chúng sinh, vì làm tăng trưởng pháp thiện cho chúng sinh nên thuyết pháp. Như chỗ thọ trì của mình để thuyết giảng, như pháp mà trụ. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát không trụ như pháp thì chúng sinh sẽ khinh thường, nói: Ông tự mình không thể trụ như pháp, làm sao giáo hóa người khác? Nay ông nên đến người khác để thọ pháp, không thể vì người khác thuyết giảng pháp. Đó gọi là không đợi thỉnh thuyết.

Đợi thỉnh thuyết: Tức là như trì giới cấm, siêng tu tinh tấn, đầy đủ căn thiện, ưa ở chỗ vắng lặng, thường được tất cả mọi người cung kính, nếu có giảng nói người đều tin nhận, biết nghĩa biết lời hay khéo thuyết pháp. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nói lời: Xin nguyện Đại sĩ, vì điều phục chúng sinh nên mở bày môn cam lồ. Đó gọi là đợi thỉnh thuyết.

Hai mươi hai sự việc như vậy ai là người điều phục? Đó là sáu hạng Bồ-tát trụ trong sáu địa. Bồ-tát như thế tức có thể giáo hóa điều phục chúng sinh. Những gì là sáu địa? Một là địa chí tâm chuyên niệm hành Bồ-đề. Hai là địa tịnh tâm vì đạo Bồ-đề. Ba là địa như pháp trụ. Bốn là địa định. Năm là địa cứu cánh. Sáu là địa thành tựu đạo Bồ-đề. Đó gọi là sáu địa.

Thành thục điều phục: Nghĩa là vì muốn điều phục chúng sinh vô tánh, nên nói sự an vui nơi nẻo trời người, khiến được bất thoái. Vì chúng sinh hữu tánh mà thuyết giảng, khiến được điều phục, tăng trưởng pháp thiện. Đó gọi là thành thục điều phục.

Thục ấn điều phục gồm có ba loại: Một là thục ấn điều phục bậc hạ. Hai là thục ấn điều phục bậc trung. Ba là thục ấn điều phục bậc thượng.

Thục ấn điều phục bậc hạ: Tức người Thanh văn ở trong vô lượng đời tu tập căn thiện. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc hạ. Lại có thục ấn điều phục bậc hạ: Tức là tâm phẩm hạ, trang nghiêm phẩm hạ, căn thiện phẩm hạ, không thể phá trừ quả báo trong ba đường ác, hiện tại không chứng đắc bốn quả Sa-môn cho đến Niết-bàn. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc hạ.

Thục ấn điều phục bậc trung: Tức được tâm phẩm trung, trang nghiêm phẩm trung, căn thiện phẩm trung, phá trừ ba đường ác, nhưng hiện tại không chứng đắc bốn quả Sa-môn cho đến Niết-bàn. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc trung.

Thục ấn điều phục bậc thượng: Tức được tâm phẩm thượng, trang nghiêm phẩm thượng, căn thiện phẩm thượng, phá trừ ba đường ác, hiện tại có thể chứng đắc bốn quả Sa-môn cho đến Niết-bàn. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc thượng.

Duyên giác cũng có hai sự việc thù thắng như vậy: Một là tu tập đạo thù thắng. Hai là không thầy mà đắc đạo thù thắng.

Bồ-tát Ma-ha-tát trụ nơi địa chuyên niệm hành Bồ-đề này, đó gọi là thục ấn điều phục bậc hạ. Trụ ở địa thứ hai gọi là thục bậc trung. Trụ nơi địa thứ ba gọi là thục bậc thượng. Bồ-tát nơi địa thứ nhất tâm còn yếu kém, trang nghiêm cũng như vậy, rơi vào ba đường ác, tu hành đã trải qua A-tăng-kỳ thứ nhất, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất ấy chưa thể thành tựu đầy đủ ba mươi bảy phẩm thanh tịnh vô thượng, không động.

Thục ấn điều phục bậc trung: Tức là Bồ-tát có tâm phẩm trung, trang nghiêm phẩm trung, không đọa vào ba đường ác, tu hành đã trải qua A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, tuy đã khéo thành tựu đủ ba mươi bảy phẩm thanh tịnh, bất động chuyển, nhưng chưa đạt được đầy đủ ba mươi bảy phẩm tịch tĩnh tối đại. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc trung.

Thục ấn điều phục bậc thượng: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát trụ ở thục ấn điều phục bậc thượng, có tâm phẩm thượng, trang nghiêm phẩm thượng, không đọa vào ba đường ác, tu hành đã trải qua A-tăngkỳ kiếp thứ ba, đầy đủ thanh tịnh, bất động chuyển, khéo đạt được ba mươi bảy phẩm đại tịch tĩnh, tức là đạo vô thượng của Bồ-tát, gọi là đại tịnh bất động thuần thiện tịch tĩnh tối đại. Đó gọi là thục ấn điều phục bậc thượng.

Thục ấn điều phục bậc hạ có ba thứ là hạ hạ, hạ trung và hạ thượng. Thục ấn điều phục bậc trung có ba là trung hạ, trung trung và trung thượng. Thục ấn điều phục bậc thượng có ba là thượng hạ, thượng trung và thượng thượng. Bồ-tát Ma-ha-tát đầy đủ các thứ điều phục như vậy, tức có thể tăng trưởng pháp Phật vô thượng, giáo hóa chúng sinh, chế ngự các căn, trí tuệ dũng mãnh, có thể vì chúng sinh mở bày chỉ rõ về ba thừa.

********

Phẩm thứ 8: BỒ ĐỀ CỦA ĐỊA BỒ TÁT

Thế nào gọi là Bồ-đề? Bồ-đề tức là hai thứ giải thoát, hai thứ trí tuệ.

Hai thứ giải thoát: Một là giải thoát chướng phiền não. Hai là giải thoát chướng trí.

Hai thứ trí tuệ: Một là có thể hủy hoại chướng phiền não. Hai là có thể hủy hoại chướng trí tuệ.

Lại nữa, Bồ-đề Vô thượng đó là trí tịnh, trí vô ngại, trí nhất thiết, đoạn trừ tất cả tập khí, đoạn trừ tất cả vô minh vô ký.

Trí tịnh: Nghĩa là đoạn dứt tất cả tập khí, nhận biết tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả hành, tất cả thế gian, tất cả thời, tất cả sự đối trị. Cõi có hai thứ: Một là cõi thế gian. Hai là cõi chúng sinh. Pháp cũng có hai thứ: Một là hữu vi. Hai là vô vi. Hành cũng có hai thứ: Một là hủy hoại chướng phiền não. Hai là hủy hoại chướng trí tuệ. Thế gian cũng có hai thứ: Một là trí. Hai là ngu. Thời có ba thứ: Là quá khứ, hiện tại, vị lai. Đối trị có ba thứ: Là quán bất tịnh, quán từ bi, quán mười hai nhân duyên. Đó gọi là trí tịnh.

Trí vô ngại: Nghĩa là không nhờ vào trang nghiêm, tư duy, nhập định, nhưng có thể thông đạt tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả hành, tất cả thế gian, tát cả thời, tất cả sự đối trị. Đó gọi là trí vô ngại.

Lại có trí vô ngại: Nghĩa là một trăm bốn mươi pháp bất cộng. Như Lai hiện có Tam-muội vô tránh, trí nguyện và bốn trí vô ngại. Đó gọi là trí vô ngại, gọi là Bồ-đề.

Thế nào gọi là một trăm bốn mươi pháp bất cộng? Đó là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, bốn hạnh tịnh, mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ, ba thứ bất hộ, đại bi, pháp không quên, đoạn tất cả tập khí, tất cả hành nơi trí vô thắng. Đó gọi là một trăm bốn mươi pháp bất cộng. Trong Phẩm Trụ ở phần sau sẽ nói rộng.

Thế nào gọi là Bồ-đề Vô thượng? Tức đầy đủ bảy thứ vô thượng nên gọi là Bồ-đề Vô thượng: Một là thân vô thượng. Hai là thọ trì vô thượng. Ba là đầy đủ vô thượng. Bốn là trí tuệ vô thượng. Năm là bất khả tư nghì vô thượng. Sáu là giải thoát vô thượng. Bảy là hành vô thượng.

Thân vô thượng: Nghĩa là thân trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt.

Thọ trì vô thượng: Nghĩa là chư Phật, Bồ-tát hành tự lợi, lợi tha, có thể ban cho chúng sinh sự an vui ở nẻo trời người.

Đầy đủ vô thượng: Nghĩa là chư Phật, Bồ-tát có bốn thứ đầy đủ. Đó là thọ mạng đầy đủ, kiến đầy đủ, giới đầy đủ, hạnh đầy đủ.

Trí tuệ vô thượng: Nghĩa là bốn thứ vô ngại.

Bất khả tư nghì vô thượng: Nghĩa là đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.

Giải thoát vô thượng: Nghĩa là Như Lai có thể phá trừ hai thứ chướng của phiền não và nơi trí tuệ.

Hành vô thượng: Nghĩa là hành Thánh, hành Thiên, hành Phạm. Hành Thánh: Là ba Tam-muội không, vô tướng, vô nguyện và định diệt tận. Hành Thiên: Là bốn thiền, bốn định vô sắc. Hành Phạm: Là bốn tâm vô lượng. Ba thứ hành này xuất phát từ bốn hành thường ưa tu tập của Phật.

Thế nào gọi là bốn? Hành Thánh có hai: Một là Tam-muội không. Hai là định diệt tận. Hành Thiên có một, đó là thiền thứ tư. Hành Phạm cũng có một, đó là đại bi. Như Lai dùng nhân duyên đại bi này, ngày đêm sáu thời thường quán sát chúng sinh, ai không có căn thiện thì ban cho chủng tử, ai có căn thiện rồi thì khiến cho tăng trưởng, cho đến người chưa phát tâm thì khiến phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Như Lai do thân vô thượng này nên gọi là đại trượng phu. Thọ trì vô thượng nên gọi là đại bi. Đầy đủ vô thượng nên gọi là đến bờ kia. Trí tuệ vô thượng nên gọi là Nhất thiết trí. Bất khả tư nghì vô thượng nên gọi là A-la-ha. Giải thoát vô thượng nên gọi là Đại Niếtbàn. Hành vô thượng nên gọi là Tam miệu tam Phật đà (Chánh đẳng Chánh giác). Do nghĩa này nên Như Lai đầy đủ mười danh hiệu, đó là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Do không có hư vọng nên gọi là Như Lai. Là phước điền tốt nên gọi là Ứng Cúng. Do nhận biết pháp giới nên gọi là Chánh Biến Tri. Đầy đủ ba minh nên gọi là Minh Hạnh Túc. Không còn trở lại nữa nên gọi là Thiện Thệ. Nhận biết về hai thế gian nên gọi là Thế Gian Giải, tức một là thế gian quốc độ, hai là thế gian chúng sinh. Có thể điều phục thân tâm xấu ác của chúng sinh nên gọi là Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu. Có thể vì các chúng sinh làm mắt sáng tỏ, có thể khiến chúng sinh hiểu biết đúng về chánh pháp, chánh nghĩa, quy kính chân chánh, vì các chúng sinh nói rộng về ý nghĩa, có thể phá trừ tất cả sự khổ của phiền não, có thể phá tan tâm lưới nghi của chúng sinh, khai thị ý nghĩa sâu xa nơi các pháp, làm căn bản cho tất cả pháp thiện, thế nên gọi là Bậc Thầy của trời người (Thiên Nhân Sư). Nhận biết rõ về tụ pháp thiện, tụ pháp bất thiện, tụ pháp phi thiện phi bất thiện, đó gọi là Phật. Do phá trừ ma Ba-tuần, nên có thể chứng đắc thân Như Lai khó được, gọi là Bà-già-bà (Thế Tôn).

Trong vô lượng kiếp cho đến không có một vị Phật ra đời, nên gọi là khó được. Vô lượng thế giới có vô lượng Phật, mười phương thế giới có vô lượng Bồ-tát, đồng thời, đồng nguyện tu tập trang nghiêm, đồng thời đều phát tâm Bồ-đề, một thời, một ngày, một tháng, một năm, đồng bố thí, đồng trì giới, đồng nhẫn nhục, đồng tinh tấn, đồng thiền định, đồng trí tuệ. Vì nghĩa này nên mười phương thế giới có vô lượng vô biên cõi Phật, trong một cõi trọn không có hai vị Phật đồng thời ra đời. Nếu không có mười phương vô lượng thế giới, thì vô lượng vô biên Bồ-tát đồng tu hạnh thiện như vậy có thể là không có quả chăng? Do đấy nên biết có mười phương vô lượng vô biên thế giới của chư Phật. Vì sao? Vì trong một cõi không có hai vị Phật.

Bồ-tát Ma-ha-tát lúc mới phát tâm nói như vầy: Chỉ một người là tôi có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh đoạn trừ phiền não khổ, nhập vào Niết-bàn. Do nguyện lực này nên đạt được phước báo. Như Lai có thể vì vô lượng thế giới nơi ba ngàn đại thiên, thuyết pháp giáo hóa điều phục chúng sinh, cho nên một quốc độ không có hai vị Phật ra đời. Nếu trong một quốc độ có hai vị Phật ra đời, thì chúng sinh không thể ưa tu pháp thiện, không sinh ý tưởng cung kính khó gặp. Nếu chỉ thấy một Đức Phật thì sinh tâm không thể nghĩ bàn.

Hoặc Phật Niết-bàn, chúng ta sẽ cùng thời tu thiện, siêng hành tinh tấn, xa lìa sinh tử, sinh tâm cung kính và ý tưởng khó gặp, tu tập bố thí cho đến tu tập trí tuệ Ba-la-mật. Vì thế, một quốc độ không có hai vị Phật ra đời.

Mười phương chư Phật chỉ trừ bốn việc, ngoài ra tất cả đều bình đẳng không hai: Một là thọ mạng. Hai là tánh. Ba là danh. Bốn là thân. Bồ-tát trọn không dùng thân người nữ để chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát vào thời kỳ đầu nơi A-tăng-kỳ kiếp đã đoạn thân nữ. Do thân người nữ có nhiều tham dục. Hai là chỉ trí (Chỉ là trí hòa hợp của người nữ). Do trí xấu ác như thế nên không thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Bồ-đề tức là không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì không phải là đối tượng chứng đắc của hàng Thanh văn, Phật-bích-chi. Thế nên Bồ-đề Vô thượng là sự thành tựu của vô lượng công đức.

*********

Phẩm thứ 9: TÁNH LỰC BỒ ĐỀ CỦA ĐỊA BỒ TÁT

Bồ-tát Ma-ha-tát muốn học giới Bồ-tát, thì phải tu tập tín giải (Tin hiểu), thường ưa thích cầu pháp, thường ưa thích thuyết pháp. Thấy người trì pháp thì dốc sinh tâm cúng dường, như pháp mà trụ. Dạy dỗ đệ tử trụ trong chánh pháp, khéo biết phương tiện nơi ba nghiệp thân khẩu ý.

Thế nào là Bồ-tát tu tập tín giải? Nghĩa là tin hiểu Tam bảo và công đức của Tam bảo, tin Phật, Bồ-tát là không thể nghĩ bàn, tin nghĩa chân thật, tin có nhân quả, tin các chúng sinh có các thứ nghiệp và quả của các nghiệp, biết phương tiện thiện và phi phương tiện, tự tin tất sẽ chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, tự biết đắc nghĩa. Nghĩa tức là Bồ-đề Vô thượng, trí Bồ-đề, phương tiện Bồđề. Phương tiện tức giới Bồ-tát cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Giới Bồ-tát là khi nghe thuyết pháp tâm nhẫn tin thọ, đó là mười hai bộ kinh. Đó gọi là giới Bồ-tát. Học giới Bồ-tát tức phải tu hai việc: Một là tâm từ. Hai là tâm tín. Bồ-tát tu tập hai pháp như vậy được tâm tín giải.

Cầu pháp là cầu việc gì? Vì sao cầu? Cầu cái gì? Cầu tức là tạng Bồ-tát, tạng Thanh văn, tất cả luận thế gian, tất cả việc thế gian.

Tạng Bồ-tát tức là Phương quảng, là một trong mười hai bộ kinh.

Mười một bộ còn lại gọi là tạng Thanh văn.

Luận thế gian có ba thứ: Một là Nhân luận. Hai là Thanh luận. Ba là Y phương luận.

Tất cả việc thế gian, là như nghề nghiệp về vàng bạc, tất cả phương thuật.

Phương thuật có năm thứ: Một là nội thuật. Hai là nhân thuật. Ba là thanh thuật. Bốn là thuật biết nhân của bệnh, trị bệnh. Năm là biết tất cả việc làm.

Bồ-tát Ma-ha-tát thường cầu năm phương thuật như vậy.

Nội thuật tức là mười hai bộ kinh.

Bồ-tát Ma-ha-tát vì hai sự việc nên cầu mười hai bộ kinh: Một là biết nhân quả. Hai là tạo nghiệp không mất, không làm, không nhận.

Cầu nhân luận là vì hai việc: Một là vì nhận biết lỗi lầm của ngoại đạo. Hai là vì phá trừ các luận sư ngoại đạo.

Cầu thanh luận cũng vì hai việc: Một là vì hiểu tất cả nghĩa của pháp giới. Hai là vì biện chính tất cả âm thanh ngôn ngữ.

Thuật cầu trị bệnh là vì bốn việc: Một là biết tướng mạo của bệnh. Hai là biết nhân duyên của bệnh. Ba là biết bệnh để trừ khiến khỏi. Bốn là biết sau khi bệnh lành tức lại không khởi.

Cầu mười hai bộ kinh là vì biết nhân quả: Tức tất cả pháp có mười thứ nhân. Nêu rõ về nhân đích thực, cùng thâu tóm tất cả nhân, hoặc sinh tử, hoặc giải thoát, hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc chúng sinh, hoặc phi chúng sinh.

Thế nào là mười thứ nhân? Một là nhân lưu bố. Hai là nhân tùng. Ba là nhân tác. Bốn là nhân nhiếp. Năm là nhân tăng trưởng. Sáu là nhân chuyển. Bảy là nhân bất cộng. Tám là nhân cộng. Chín là nhân hại. Mười là nhân bất hại.

Nhân lưu bố tức là nhân của các pháp, gọi là đạt được thể tướng, do đạt được thể tướng nên có thể tuyên thuyết, đó gọi là nhân lưu bố. Như nhân nơi tay mà nhận lấy, nhân nơi chân mà bước đi, nhân nơi thân mà có đi đứng nằm ngồi, đó gọi là nhân tùng (Nhân thuận theo). Như từ chủng tử mà được quả, đó gọi là nhân tác. Lìa chủng tử, từ những thứ khác mà được quả, đó gọi là nhân nhiếp (Nhân thâu tóm). Hạt giống diệt thì mầm sinh, từ mầm mà được quả, đó gọi là nhân tăng trưởng. Như từ hạt giống sinh ra lúa, nhân nơi lúa sinh ra hạt giống, đó gọi là nhân chuyển. Tùy chỗ gieo trồng mà được quả, đó gọi là nhân bất cộng. Như đất nước gió lửa gọi là nhân cộng. Phạm bốn giới trọng, làm hại pháp thiện, đó gọi là nhân hại. Như không phạm gọi là nhân bất hại.

Nhân hại có năm thứ: Một là thanh hại. Hai là sinh hại. Ba là bất cộng trụ hại. Bốn là oán hại. Năm là định hại.

Thanh hại: Tức cũng như luận thế gian, ban đầu nói việc tốt đẹp, sau nói bất thiện. Lại nữa, hại như nói tất cả các pháp là vô thường, cũng như hư không. Nói tất cả thường, nghĩa là sinh già chết. Đó gọi là thanh hại.

Sinh hại: Như nói không nhân nhưng có thể sinh ra quả, hoặc có nhân không quả.

Bất cộng trụ hại: Cũng như sáng, tối, tham, sân, khổ, vui.

Oán hại: Là như rắn, chuột, sói, ngựa cùng trâu, như mèo và chuột.

Định hại: Như là quán bất tịnh trừ tham, tâm từ trừ sân, tâm bi trừ hại, tám Thánh đạo phần trừ tất cả kiết sử.

Lại có hai nhân: Một là nhân chân thật. Hai là nhân phương tiện. Nhân chân thật tức là chủng tử. Nhân phương tiện như là các duyên bên ngoài.

Nhân phương tiện có bốn thứ duyên: Một là duyên nhân. Hai là duyên thứ đệ (Đẳng vô gián duyên). Ba là duyên duyên. Bốn là duyên tăng thượng. Duyên nhân nghĩa là các pháp sinh ra nhân. Duyên tăng thượng nghĩa là nhân phương tiện. Duyên thứ đệ, Duyên duyên nghĩa là tâm tâm số pháp. Đó gọi là bốn duyên.

Mười nhân như trên đây làm sao xuất sinh tất cả pháp thế gian và xuất thế gian? Làm sao để đoạn sinh tử? Thế nào là không đoạn sinh tử? Như trong thế gian có vô số các hạt giống, vì làm tăng trưởng thọ mạng nên có vô số tên gọi. Như gọi là đại mạch, tiểu mạch, đại đậu, tiểu đậu, lương thực, hồ ma v.v…, đó gọi là nhân lưu bố. Do đói khát không có khí lực, vì trừ họa cho thân này khiến có được lực nên cầu đại mạch, tiểu mạch, cho đến hồ ma. Nhân nơi thức ăn ngon tâm sinh tham đắm, do sinh tâm tham đắm nên dùng phương tiện để tìm cầu, đó gọi là nhân tùng. Như hạt giống kia sinh ra quả tương tợ, đó gọi là nhân tác. Như đất, nước, gió lửa, đất phân, công người v.v…, đó gọi là nhân nhiếp (Nhân thâu tóm). Từ hạt giống tăng trưởng cho đến quả, đó gọi là nhân tăng trưởng. Như hạt giống sinh ra quả, từ quả lại sinh ra nhân, đó gọi là nhân chuyển. Như lúa sinh ra lúa, đậu sinh ra đậu, đó gọi là nhân bất cộng. Như lìa hạt giống rồi, từ các thứ khác sinh ra quả, đó gọi là nhân cộng. Như hạt giống gặp phải mưa đá, lửa cháy, chim ăn, đó gọi là nhân hại. Không bị mưa đá, lửa thiêu, chim ăn, đó gọi là nhân bất hại. Do nghĩa ấy nên mười thứ nhân như vậy đã xuất sinh pháp thế gian và xuất thế gian.

Lại diễn nói về danh tướng hiện có của mười hai nhân duyên: Nghĩa là do vô minh duyên hành, do hành duyên thức, do thức duyên danh sắc, do danh sắc duyên sáu nhập, do sáu nhập duyên xúc, do xúc duyên thọ, do thọ duyên ái, do ái duyên thủ, do thủ duyên hữu, do hữu duyên sinh, do sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não, khổ lớn tụ tập, đó gọi là nhân lưu bố. Vô minh duyên hành cho đến sinh duyên lão tử, vì tham sân nên không dứt mười hai nhân duyên, đó gọi là nhân tùng. Hiện tại là ái thủ, vị lai là vô minh, đó gọi là nhân tác. Hiện tại là hữu, vị lai là hành, đó gọi là nhân tác. Hiện tại là thức, vị lai là sinh, đó gọi là nhân tác. Hiện tại là danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, vị lai là sinh, lão tử, đó gọi là nhân tác. Không gần bạn thiện, không ưa nghe pháp, không suy nghĩ nghĩa, không trụ như pháp, do bốn việc này nên thâu giữ vô minh cho đến sinh, lão, tử, đó gọi là nhân nhiếp. Do nghiệp ác nên tăng trưởng vô minh, cho đến lão tử, đó gọi là nhân tăng trưởng. Vô minh có ba hạng là hạ trung thượng. Hạ làm nhân cho trung, trung làm nhân cho thượng, cho đến lão tử, đó gọi là nhân chuyển. Có vô minh nên rơi vào địa ngục, có vô minh nên rơi vào ngạ quỷ, có vô minh nên rơi vào súc sinh, đó gọi là nhân bất cộng. Tất cả chúng sinh bình đẳng cùng có mười hai nhân duyên, đó gọi là nhân cộng. Do nhân duyên vô minh nên không đầy đủ tánh, không cùng Như Lai sinh chung nơi một nước, xa lìa bạn thiện, không được nghe pháp, không suy nghĩ nghĩa, không trụ như pháp, không được tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó gọi là nhân hại. Do trừ vô minh nên tánh được đầy đủ, do tánh đầy đủ nên được cùng Như Lai sinh chung nơi một nước, gần gũi bạn thiện, được nghe chánh pháp, suy nghĩ chánh nghĩa, như pháp mà trụ, tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó gọi là nhân bất hại. Do nghĩa này nên mười thứ nhân ấy sinh ra pháp thế gian.

Thế nào là mười nhân sinh ra pháp xuất thế gian? Nếu thuyết danh tướng của ba mươi bảy phẩm trợ đạo, danh tướng của Bồ-đề, cho đến danh tướng của Niết-bàn, đó gọi là nhân lưu bố. Nhân nơi bốn niệm xứ mà đắc bốn chánh cần, nhân nơi bốn chánh cần mà đắc bốn như ý túc, nhân nơi bốn như ý túc mà đắc năm căn, nhân nơi năm căn mà đắc năm lực, nhân nơi năm lực mà đắc bảy giác chi, nhân nơi bảy giác chi mà đắc tám chánh đạo, nhân nơi tám chánh đạo mà đắc Niết-bàn, đó gọi là nhân tùng. Do vô minh diệt nên các hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên lão tử diệt, do lão tử diệt nên được Niết-bàn, đó gọi là nhân tùng. Do tánh đầy đủ nên tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, do tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo nên được Niết-bàn, đó gọi là nhân tùng. Do tánh đầy đủ cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, có thể sinh ra Bồ-đề, đó gọi là nhân tác. Gần gũi bạn thiện, chí tâm nghe pháp, suy nghĩ ý nghĩa, như pháp mà trụ, điều phục các căn, tu tám chánh đạo, đó gọi là nhân nhiếp. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo có thể làm hai thứ nhân của Niết-bàn, đó gọi là nhân chuyển. Đầy đủ tánh Thanh văn đắc quả Thanh văn, đầy đủ tánh Duyên giác đắc quả Duyên giác, đầy đủ Phật tánh nên đắc đạo vô thượng, đó gọi là nhân bất cộng. Ba hạng như vậy đều cùng tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó gọi là nhân cộng. Do tánh không đầy đủ nên sinh về nơi tám nạn, không nghe pháp Phật, đó gọi là nhân hại. Phá bỏ nhân hại nên được nghe chánh pháp, đó gọi là nhân bất hại. Do nhân duyên tu tập tám chánh đạo nên được Bồ-đề Thanh văn, Bồ-đề Duyên giác, Bồ-đề Phật, đó gọi là nhân tăng trưởng. Mười thứ nhân này phát sinh pháp thế gian và xuất thế gian. Hai pháp này mỗi pháp có ba đời, đó là quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu nói lìa mười nhân này mà lại có nhân thì không có việc ấy.

Thế nào gọi là quả? Quả có năm thứ: Một là quả báo. Hai là quả dư. Ba là quả giải thoát. Bốn là quả hiện tác. Năm là quả tăng thượng.

Do pháp bất thiện nên bị quả báo trong ba đường ác, do pháp thiện hữu lậu nên được quả báo sinh nơi nẻo trời người, đó gọi là quả báo (Quả dị thục). Do tạo ác nên ưa làm nghiệp ác, do quả thiện nên ưa tu nghiệp thiện, đó gọi là quả dư (Quả đẳng lưu). Tu tám chánh đạo xa lìa phiền não, đó gọi là quả giải thoát (Quả ly hệ). Phàm phu tu đạo tuy lìa phiền não nhưng không gọi là quả giải thoát. Vì sao? Vì chẳng phải rốt ráo. Như trong đời hiện tại con người dùng các thứ phương tiện và sức lực để được tiền tài, đó gọi là quả hiện tác (Quả sĩ dụng). Nhãn căn, nhãn thức, cho đến ý pháp, ý thức, đó gọi là quả tăng thượng.

Bồ-tát Ma-ha-tát do nhận biết nhân quả, tăng trưởng lực tạo tác, tu tập đạo, biết không làm không thọ, làm không mất quả. Bồ-tát Ma-ha-tát do nhận biết nhân quả nên cầu mười hai bộ kinh, thọ trì đọc tụng, biên chép giải nói, được nghiệp lực thứ hai. Nếu có Bồ-tát không tin nhân quả nơi nghiệp của chúng sinh, thì trọn không thể đạt được giới Bồ-tát.

Vì sao Bồ-tát cầu mười hai bộ kinh? Bồ-tát chí tâm niệm giới Bồ-tát, siêng năng cầu pháp Phật, cho đến một câu, một kệ, một nghĩa, nếu thấy có người thuyết pháp, liền sinh tâm cung kính ưa nghe, không khinh chê người thuyết pháp, chí tâm cung kính như nghe lời Phật. Nếu người thuyết pháp keo kiệt đối với pháp, không chịu bố thí, nên dùng tiền tài cho đến thân mạng phụng sự dâng hiến. Nếu có Bồ-tát có thể làm như vậy, gọi là Bồ-tát nghĩa. Nếu Bồ-tát có thể chí tâm nghe nhận, cho đến một câu, một bài kệ, một ý nghĩa, thì phiền não nơi ba cõi đều được tiêu tan, đủ giới Bồ-tát. Lúc Bồ-tát chí tâm cầu lời Phật, vì khát ngưỡng pháp nên không tiếc thân mạng, dẫu đạp trên đất toàn là sắt nóng lửa dữ nhưng không cho đó là họa, Bồ-tát Ma-ha-tát vì một câu kệ hãy còn không tiếc thân mạng, huống gì là mười hai bộ kinh. Vì một câu kệ hãy còn không tiếc thân mạng, huống gì là các tài sản vật dụng khác mà lại luyến tiếc? Do nghe pháp thân được an lạc, thâm sinh tâm tín, được tâm nhu hòa, tâm trực chánh kiến. Thấy người thuyết pháp như thấy cha mẹ, tâm không kiêu mạn, vì chúng sinh nên chí tâm nghe pháp trọn không vì mình. Vì làm tăng trưởng căn thiện hiện có của chúng sinh nên nghe, thọ nhận chánh pháp, không vì lợi dưỡng. Vì chúng sinh nên thọ giới Bồtát, không vì tự lợi. Vì chánh pháp nên không sợ nạn vua quan, đói khát, lạnh nóng, hổ lang, thú dữ, giặc cướp. Trước tự điều phục phiền não nơi các căn, sau đó nghe pháp, cung kính người thuyết pháp, tôn trọng giáo pháp. Đó gọi là Bồ-tát đầy đủ giới Bồ-tát.

Thế nào là Bồ-tát chí tâm nghe pháp? Nghe pháp có bốn: Một là chí tâm. Hai là nhất tâm. Ba là nhất thiết tâm. Bốn là thiện tâm. Đó gọi là Bồ-tát siêng cầu mười hai bộ kinh.

Vì sao Bồ-tát cầu mười hai bộ kinh? Vì muốn lưu hành khắp chánh pháp của chư Phật, vì muốn làm tăng trưởng pháp của chư Phật, vì muốn thế gian tin pháp Phật, vì khiến cho vô lượng chúng sinh đều đạt được đạo quả Bồ-đề Vô thượng, cho nên Bồ-tát cầu mười hai bộ kinh.

Vì sao Bồ-tát cầu nơi Nhân luận? Vì biết các tội lỗi của nhân luận, vì phá trừ luận tà của ngoại đạo, vì mở rộng phương tiện điều phục chúng sinh, vì muốn phân biệt ngữ nghĩa của Như Lai và ngữ nghĩa của thế gian, cho nên Bồ-tát cầu nơi Nhân luận.

Vì sao Bồ-tát cầu nơi Thanh luận? Vì khiến cho lời lẽ thanh tịnh trang nghiêm, lời nói bất tịnh không thể tuyên thuyết về nghĩa sáng rõ, vì muốn hiểu biết tất cả nghĩa, bỏ lời bất chánh, bỏ tâm kiêu mạn, trừ diệt tà kiến, vì biết phương tiện để điều phục chúng sinh, cho nên Bồ-tát cầu nơi Thanh luận.

Vì sao Bồ-tát cầu các y phương? Vì khiến chúng sinh xa lìa bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, vì tâm thương xót, vì nhằm điều phục chúng sinh, vì khiến sinh tâm tín, sinh tâm hoan hỷ, cho nên Bồ-tát cầu các y phương.

Vì sao Bồ-tát cầu phương thuật của thế gian? Vì dễ có được tiền tài tạo lợi ích cho chúng sinh, vì các chúng sinh sinh tâm tín, vì nhận biết việc đời và phá bỏ kiêu mạn, vì điều phục chúng sinh, và phá diệt các ám chướng của tất cả pháp.

Nếu có Bồ-tát không cầu năm việc như vậy, thì trọn không thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thành tựu nhất thiết trí. Vì chứng đắc đạo quả ấy cho nên cầu năm việc.

Bồ-tát thành tựu giới Bồ-tát, nên vì chúng sinh thuyết giảng. Thuyết việc gì? Thuyết thế nào? Vì sao thuyết?

Thuyết việc gì? Tức là thuyết mười hai bộ kinh. Thuyết thế nào? Tức thành tựu năm việc. Vì sao thuyết? Tức vì thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Thuyết có hai việc: Một là thuyết theo thứ lớp. Hai là thuyết thanh tịnh.

Thuyết theo thứ lớp: Nghĩa là ban đầu thuyết bố thí, thứ đến thuyết giới cấm, sau đó thuyết sự an vui nơi nẻo trời, kế đến thuyết Tam-muội, tiếp đến thuyết thọ trì mười hai bộ kinh, suy nghĩ ý nghĩa, như pháp mà trụ. Đó gọi là thuyết theo thứ lớp.

Thuyết thanh tịnh: Nghĩa là người ở chỗ cao, mình ở chỗ thấp, không nên thuyết pháp, trừ trường hợp bệnh hoạn. Người tâm không tin không nên vì họ thuyết pháp. Người không nhàm chán sinh tử không nên vì họ thuyết pháp. Người đứng trước mặt mình không nên vì họ thuyết pháp. Người che đầu không nên vì họ thuyết pháp. Người tìm kiếm lỗi lầm không nên vì họ thuyết pháp. Ngoài ra đều như trong Kinh Ba La Đề Mộc Xoa đã thuyết giảng. Vì sao? Vì Bồ-tát cung kính pháp của chư Phật. Nếu người thuyết pháp tôn trọng giáo pháp thì người nghe pháp cũng sinh tâm cung kính, chí tâm lắng nghe, thọ nhận không sinh khinh mạn. Đó gọi là thuyết thanh tịnh.

Thuyết theo thứ lớp: Tức là ban đầu thuyết về mười hai bộ kinh, thứ đến thuyết cho tất cả chúng sinh, vì hủy hoại tâm keo kiệt pháp nên không kiêu mạn. Hoặc có một câu một kệ, cho đến nửa bài kệ, hoặc từ, hoặc nghĩa, hoặc thuyết pháp, thuyết nghĩa và thuyết cả pháp nghĩa, chỉ bày lợi ích. Hoặc có lúc quở trách, hoặc có lúc nói rõ, hoặc có lúc ví dụ, tùy theo chỗ mà thuyết, hoặc thuyết dễ hiểu, hoặc thuyết dễ thâm nhập, tùy chỗ ưa thích mà thuyết. Đó gọi là Bồ-tát thuyết theo thứ lớp.

Thuyết thanh tịnh: Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát đối với sự oán ghét tu tập tâm từ, được tâm từ rồi dùng các phương tiện thuyết pháp cho người phóng dật và chúng sinh xấu ác, cho đến người bần cùng và người hưởng vui tâm sinh kiêu mạn, dùng phương tiện chỉ bày và vì họ mà thuyết pháp. Không vì khen ngợi mình mà chê bai kẻ khác. Không vì lợi dưỡng, tiếng khen nên thuyết pháp. Đó gọi là Bồ-tát thuyết pháp thanh tịnh.

Như pháp mà trụ: Nghĩa là ba nghiệp thân khẩu ý tu tập pháp thiện, suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa. Đó gọi là như pháp mà trụ.

Thế nào gọi là Bồ-tát suy nghĩ về nghĩa? Bồ-tát điều phục ba nghiệp thân khẩu ý, ưa ở chỗ vắng lặng, hoặc tự thọ trì, hoặc nghe nơi người khác, suy nghĩ về nghĩa chánh, không nghĩ phi nghĩa, chí tâm suy nghĩ về nghĩa chân thật, vì đạo Bồ-đề nên giữ tâm suy nghĩ dựa nơi nghĩa thật, không dựa nơi văn tự, suy nghĩ phân biệt đây là lời Phật, đây không phải là lời Phật. Xả bỏ tâm tán loạn lo sợ, suy nghĩ điều trái, tùy theo chỗ nghe để suy nghĩ về nghĩa, không theo lời nói người khác, tuy không hiểu nghĩa nhưng trọn không nói lời trái. Vì sao? Vì đây là cảnh giới của chư Phật. Bồ-tát Ma-ha-tát dựa nơi nghĩa không dựa nơi văn tự, có thể nhận biết nghĩa thâm diệu của Như Lai, biết pháp, phi pháp, không thể động chuyển. Như vậy Bồ-tát chưa được nhẫn nay đã được nhẫn, chưa được Tam-muội nay được Tam-muội. Đó gọi là Bồ-tát như pháp mà trụ.

Thế nào gọi là tu tập? Tu tập có bốn thứ: Một là Xá-ma-tha (Chỉ). Hai là Tỳ-bà-xá-na (Quán). Ba là tu tập ái lạc. Bốn là vui trụ trong chỗ tu tập.

Xá-ma-tha (Chỉ): Tức là Bồ-tát Ma-ha-tát tu tập bốn thiền, bốn định vô sắc, chuyên tâm duyên nơi định có thể phá bỏ năm uẩn, do trụ nơi định nên hiểu về hành chân thật, có thể lìa tất cả các giác quán xấu ác, tâm không loạn, có thể suy nghĩ về ý nghĩa của pháp giới trong ngoài, tùy thuận theo pháp tướng, tâm tâm số pháp an trụ nơi một duyên. Đó gọi là Xá-ma-tha.

Tỳ-bà-xá-na (Quán): Tức là tu Xá-ma-tha, có thể quán sát pháp giới, phân biệt pháp tướng, mong cầu pháp thiện, xa lìa pháp ác, trí tuệ chánh kiến không điên đảo, khéo hiểu về nghĩa. Đó gọi là Tỳ-bàxá-na.

Tu tập ái lạc: Tức là chí tâm tu tập hai pháp như trên, chí tâm tu là thường không phóng dật. Đó gọi là tu tập ái lạc.

Vui trụ trong chỗ tu tập: Tức là lúc tu Xá-ma-tha và Tỳ-bà-xána, không nhờ phương tiện, tùy ý mà trụ. Đó gọi là vui trụ trong chỗ tu tập.

Bồ-tát Ma-ha-tát thường tu hai pháp, cũng gọi là vui trụ, cũng gọi là thanh tịnh, cũng gọi là thân tâm vắng lặng, cũng gọi là trí rộng lớn. Bồ-tát Ma-ha-tát tu hai pháp này, tức đạt được chỗ căn bản của đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Bồ-tát thành tựu giới Bồ-tát chứng đắc hai pháp này. Đó gọi là tu tập.

Thế nào là giáo? Giáo có tám thứ. Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu Tam-muội, muốn giáo hóa chúng sinh trước phải nhập định hoặc cùng ở chung, sau đó mới có thể dùng tám pháp giáo hóa. Những gì là tám pháp? Một là biết tâm. Hai là biết căn. Ba là căn thiện. Bốn là phiền não. Năm là đối trị: Đối trị thì đối với người có tâm tham tức chỉ dạy pháp quán bất tịnh. Sáu là người có tâm sân thì chỉ dạy tu quán từ bi. Bảy là người có tâm si thì chỉ dạy pháp quán nhân duyên. Tám là đối với người có các giác quán xấu ác thì chỉ dạy họ tu tập quán sổ tức. Đó gọi là tám pháp.

Dùng các phương tiện như vậy để giáo hóa chúng sinh, phá tâm đoạn kiến, thường kiến, nên giảng nói trung đạo. Thật không có tưởng tạo tác lại tạo tưởng tạo tác. Chân thật không đắc mà tạo tưởng đắc. Chân thật không xúc lại tạo tưởng xúc. Chân thật không chứng lại tạo tưởng chứng. Tám việc như trên có thể phá trừ vọng tưởng, kiêu mạn như vậy.

Lại có ba việc: Một là tâm nếu không trụ có thể khiến trụ nơi duyên. Hai là trụ rồi có thể quán chánh pháp. Ba là biết phương tiện thiện xảo.

Nếu biết phương tiện thiện xảo, hoặc biết tâm chúng sinh, căn, căn thiện, cho đến phiền não, do đấy có thể khiến tâm tán loạn trụ ở trong duyên. Phá trừ đoạn kiến và thường kiến nên thuyết pháp, đó gọi là có thể quán chánh pháp. Do phá tâm tham lam nên thuyết quán bất tịnh, do phá tâm sân hận nên thuyết quán từ bi, do phá tâm ngu si nên thuyết quán nhân duyên, do phá trừ các giác quán xấu ác nên thuyết quán sổ tức, đó gọi là biết phương tiện thiện xảo.

Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát tự ở chỗ Phật hoặc chỗ Bồ-tát tu tập tám việc này, lại dùng pháp ấy giáo hóa chúng sinh, đó gọi là Bồ-tát Maha-tát làm thanh tịnh tám thứ diệu lực. Những gì là tám? Một là lực nhận biết các thiền định giải thoát. Hai là lực nhận biết căn. Ba là lực giải. Bốn là lực thế giới. Năm là lực nhận biết đến xứ đạo. Sáu là lực của trí túc mạng. Bảy là lực của trí sinh tử. Tám là lực của trí lậu tận.

Lại nữa, giáo hóa có năm thứ: Một là giáo hóa khiến xa lìa ác. Hai là giáo hóa tu pháp thiện. Ba là giáo hóa người phạm giới phát lồ sám hối. Bốn là giáo hóa làm yết-ma ức niệm. Năm là giáo hóa người không nhận lời dạy làm yết-ma tẫn xuất.

Bồ-tát Ma-ha-tát dùng năm việc này giáo hóa chúng sinh, vì tâm thương xót, vì tâm thanh tịnh. Bồ-tát Ma-ha-tát nếu dùng tâm sân giáo hóa chúng sinh, thì không thể chứng đắc giới cấm của Bồ-tát.

Nếu thọ giáo nên như pháp mà thọ, phải cung kính chí tâm nhìn rõ, cúng dường, tôn trọng như cha mẹ, như Phật, Bồ-tát. Vì sao? Vì như pháp thọ giáo, tức có thể mau chứng đắc Bồ-đề Thanh văn, Bồđề Duyên giác, Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là Bồ-tát giáo hóa.

Phương tiện thiện xảo: Tức là hết thảy thân khẩu ý nghiệp hiện có của Bồ-tát Ma-ha-tát, đều vì nhằm điều phục tất cả chúng sinh. Đó gọi là phương tiện thiện xảo.

Phương tiện thiện xảo có bốn thứ: Một là bố thí. Hai là lời nói dịu dàng. Ba là tạo lợi ích. Bốn là đồng nghĩa.

Bồ-tát Ma-ha-tát có thể bố thí cho chúng sinh y phục, thức ăn uống, phòng nhà, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh, người lãnh thọ rồi sinh tâm thương mến đối với Bồ-tát, chí tâm nghe lời dạy, nghe rồi thọ trì, vì thọ trì nên Bồ-tát dùng lời dịu dàng khen ngợi. Do khen ngợi nên người lãnh thọ hoan hỷ, do hoan hỷ nên có thể hủy hoại tâm ác, thọ trì pháp thiện, do hủy hoại tâm ác nên Bồ-tát lại nói: Ta đã đầy đủ tín, giới, văn, thí, tuệ, ông cũng sẽ đầy đủ. Nếu Bồ-tát không đủ năm việc này, thì không thể giáo hóa tất cả chúng sinh.

Chúng sinh cũng nói: Nếu Bồ-tát tự không đầy đủ, làm sao dạy người khác khiến họ đầy đủ? Thế nên Bồ-tát đầy đủ năm việc, tức gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh. Phương tiện tức là khéo điều phục. Khéo điều phục tức là không xả bỏ, không thoái, không chuyển. Đó gọi là phương tiện thiện xảo.

HẾT – QUYỂN 3

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9