KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Ma
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 6

Phẩm thứ 17: CÚNG DƯỜNG TAM BẢO CỦA ĐỊA BỒ TÁT

Thế nào gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát cúng dường Như Lai? Cúng dường Như Lai gồm có mười việc: Một là cúng dường sắc thân. Hai là cúng dường tháp. Ba là cúng dường hiện thấy. Bốn là cúng dường không hiện thấy. Năm là tự cúng dường. Sáu là tha cúng dường. Bảy là cúng dường lợi ích. Tám là cúng dường tối thắng. Chín là cúng dường thanh tịnh. Mười là cúng dường thọ trì.

Cúng dường sắc thân: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát khi gặp sắc thân của Phật liền cúng dường. Đó gọi là cúng dường sắc thân.

Cúng dường tháp: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát vì Như Lai nên tạo lập tháp miếu, hình tượng, khám thất, sửa sang tháp đã cũ, hư hoại, nếu thấy tháp mới tức dùng hoa hương cúng dường. Đó gọi là cúng dường tháp.

Cúng dường hiện thấy: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát lúc gặp hình tượng Như Lai, thấy vật này cũng như thấy mười phương chư Phật. Đó gọi là cúng dường hiện thấy.

Cúng dường không hiện thấy: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát nếu cúng dường chư Phật hiện tại và tháp miếu Phật, thì được tâm tin hiểu. Nay ta hiện làm việc cúng dường này, tức cũng được cúng dường Phật trong đời quá khứ và vị lai. Vì sao? Vì tất cả Như Lai đồng một pháp tánh, do đó tức được cúng dường chư Phật đời quá khứ và vị lai. Như ta cúng dường tháp Phật hiện tại, tức cũng được cúng dường tháp Phật đời quá khứ và vị lai. Vì sao? Vì các tháp như vậy là đồng một pháp tánh. Nếu cúng dường một vị Phật tức đã cúng dường mười phương chư Phật. Nếu cúng dường một tháp tức đã cúng dường tháp Phật trong mười phương. Tạo lập khám thất, sửa sang tháp cũ, cúng dường tháp cũng lại như vậy. Đó gọi là cúng dường không hiện thấy.

Lại nữa, cúng dường không hiện thấy nghĩa là nếu không gặp Phật, không thấy tháp Phật, nhưng trong tâm tưởng niệm: Đây là Như Lai, đây là tháp Phật, tất cả Phật, tất cả tháp, tất cả hang, tất cả tượng cũng lại như vậy. Đó gọi là cúng dường không hiện thấy.

Lại nữa, cúng dường không hiện thấy nghĩa là nếu sau khi Phật, Bồ-tát Niết-bàn, vì Như Lai nên tạo lập tháp miếu, tạo lập khám thất, hoặc một hoặc hai, cho đến vô lượng, tùy lực mà làm. Đó gọi là cúng dường không hiện thấy.

Quả báo vô lượng phước đức như vậy là thâu giữ vô lượng quả phạm phước đức. Bồ-tát Ma-ha-tát do nhân duyên này nên trong vô lượng kiếp không rơi vào nẻo ác, cũng có thể trang nghiêm đạo Bồđề. Bồ-tát Ma-ha-tát không hiện thấy Tam bảo nhưng bày biện cúng dường, là hơn tất cả sự cúng dường hiện thấy, không thể xét lường, không thể so sánh, quả báo có được nhiều vô lượng không thể nói hết. Người ngu si, sau khi thấy Phật, Pháp mà bày biện cúng dường. Người trí tuệ tuy không hiện thấy nhưng cũng cúng dường. Đó gọi là cúng dường không hiện thấy.

Tự cúng dường: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát nếu cúng dường Phật và tháp Phật, tự tay làm lấy không sai người khác làm. Đó gọi là tự cúng dường.

Tha cúng dường: Nghĩa là khi muốn cúng dường Phật và tháp Phật, tụ tập nhiều người cùng làm, chẳng phải riêng mình tự làm. Nhiều người: Như là cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, tôi tớ, hoặc quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, trưởng giả, hàng xóm, tri thức, người trong, người ngoài, nam nữ, giàu nghèo, thọ khổ, thọ vui. Hoặc Hòa thượng, hoặc đồng sư, đồng Hòa thượng, đồng ở, đồng học, đồng quốc độ, đồng tên, đồng họ, cho đến người tà kiến và hạng Chiên-đàla. Đó gọi là tha cúng dường.

Lại nữa, Bồ-tát Ma-ha-tát nếu là người giàu có, tự tại, vì tâm từ bi nên bố thí cho chúng sinh, lúc bố thí tự nguyện: Chúng sinh nghèo khổ là do thiếu phước đức, nay thọ thí rồi ta sẽ khuyên bảo khiến họ cúng dường Tam bảo. Do nhân duyên cúng dường Tam bảo này nên phá trừ sự bần cùng, được nhiều phước đức. Phát nguyện xong rồi bố thí cho chúng sinh, bố thí rồi thì chỉ dạy khiến họ cúng dường Tam bảo. Đó gọi là tha cúng dường.

Cúng dường lợi ích: Nghĩa là Bồ-tát đối với Phật và tháp Phật, phụng cúng y phục, thức ăn, ngọa cụ, thuốc thang, phòng xá, cung kính lễ bái, lại dùng đủ các thứ hoa, hương xoa, hương bột, cờ phướn, lọng báu, đèn đuốc để cúng dường, lại khen ngợi công đức vô lượng của Như Lai, năm vóc gieo xuống đất, đi nhiễu ba vòng cho đến vô lượng vòng, lại phụng cúng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, anh lạc, chuông, linh, cho đến một tiền, một sợi chỉ, một hạt gạo. Đó gọi là Bồ-tát cúng dường lợi ích.

Cúng dường tối thắng: Nghĩa là Bồ-tát đối với Phật và tháp Phật bày biện cúng dường, cúng dường lợi ích, cúng dường thường hằng, dùng vật tốt cúng dường, cúng dường hiện thấy, cúng dường không hiện thấy, tự cúng dường, tha cúng dường, chí tâm cúng dường, hỷ tâm cúng dường, chí tâm nhẫn vui cúng dường Tam bảo. Đem các thứ cúng dường như vậy hồi hướng về đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đó gọi là cúng dường tối thắng.

Cúng dường thanh tịnh: Nghĩa là Bồ-tát đối với Phật và tháp Phật, tự tay cúng dường, không có tâm kiêu mạn, xem thường, khiến người khác làm việc không có phóng dật, siêng năng tinh tấn chí tâm thanh tịnh. Chẳng phải vì quốc vương nên sinh kính tín. Chẳng phải do sẽ được sự cúng dường của quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ. Chẳng phải tự khoe công đức của mình mà cúng dường. Khi làm hình tượng không dùng các thứ như hồ giao, dầu tô v.v… bôi phết lên, không đốt hương keo, hương xông để cúng dường, các thứ hoa Phả-ca cũng không cúng dường, tất cả hoa có mùi hôi tuy có sắc đẹp cũng không cúng dường. Không cúng dường các thứ như vậy, nên gọi là cúng dường thanh tịnh.

Cúng dường thọ trì: Nghĩa là Bồ-tát đối với Phật và tháp của Phật, tự mình xuất tiền tài hoặc xin từ người khác để tạo tượng, hoặc làm tháp, hoặc một, hoặc hai, cho đến trăm ngàn, vô lượng vạn ức. Trong mỗi mỗi tháp, trước mỗi mỗi tượng đều cung kính lễ bái, dùng hoa hương tươi đẹp, kỹ nhạc, đèn đuốc, anh lạc, cờ phướn, lọng báu để cúng dường, cũng không vì nhân duyên cúng dường này nên cầu đạo quả Bồ-đề Vô thượng, cầu nơi Phật đạo. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát đã trụ nơi địa bất thoái. Bồ-tát trụ nơi địa bất thoái này rồi, đối với quốc độ của chư Phật thọ thân vô ngại. Bồ-tát Ma-ha-tát không tự xuất tiền tài, không cầu tiền tài ở người khác, khởi nguyện: Như chúng sinh hiện có trong xứ Diêm-phù-đề, có thể cúng dường Phật Pháp Tăng bảo, từ bốn thiên hạ cho đến ba ngàn đại thiên thế giới, chúng sinh hiện có trong mười phương vô lượng vô biên thế giới, dùng các sự cúng dường thượng trung hạ để cúng dường Tam bảo, ta nên chí tâm tùy hỷ. Lại thệ nguyện: Do nhân duyên này, nên khiến các chúng sinh đều được thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đấy gọi là Bồ-tát trang nghiêm đạo Bồđề Vô thượng. Đó gọi là tạo sự cúng dường như pháp.

Bồ-tát Ma-ha-tát tu tập tâm từ, đối với chúng sinh luôn thương yêu như con, tâm bi hỷ xả cũng lại như vậy. Tất cả hữu vi, vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, quán sâu về công đức vi diệu của Niết-bàn, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, cho đến không thấy trong pháp giới có phần tướng nhỏ nào có thể nói nêu, chí tâm thực hành sáu pháp Ba-la-mật, dùng bốn nhiếp pháp để thâu giữ chúng sinh. Đó gọi là tạo sự cúng dường như pháp.

Nếu có Tỳ-kheo thường ưa thích vui thấy cung kính, cúng dường tháp vàng, tượng vàng, tháp bạc, tượng bạc, hoặc tháp tượng bằng pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, ngọc bích, không ưa thích vui thấy cung kính cúng dường tháp tượng bằng đất, hoặc gỗ, nên biết người này không gọi là tạo sự cúng dường như pháp. Tạo sự cúng dường như pháp ấy gọi là cúng dường vô thượng, cúng dường vô thắng, cúng dường tối thượng. Cúng dường như vậy là hơn tất cả sự cúng dường, có thể đạt được vô lượng quả không gì hơn.

Bồ-tát Ma-ha-tát cúng dường Tam bảo vì sáu việc: Một là vì phước điền vô thắng. Hai là vì biết ân báo ân. Ba là vì hơn tất cả các loài một chân, hai chân, nhiều chân, không chân. Bốn là vì khó gặp như hoa Ưu-đàm-bát. Năm là vì không có thầy như Hòa thượng nhưng tự nhiên chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Sáu là vì có thể khiến chúng sinh đạt được nhân của sự an vui thế gian và xuất thế gian.

Bồ-tát lúc muốn thọ giới Bồ-tát, nên quán xét Hòa thượng có đầy đủ tám pháp mới theo thọ giới: Một là đầy đủ giới Ưu-bà-tắc, Sa-di, Tỳ-kheo. Hai là có thể tạo sự cúng dường. Ba là khéo quán sát tướng mạo trì giới hoặc hủy giới. Bốn là đạt được pháp chỉ và quán. Năm là tâm từ thương xót tất cả. Sáu là có thể xả bỏ sự an vui của mình để thí cho chúng sinh. Bảy là không sợ hãi. Tám là không thuyết phi pháp, không nghe phi pháp. Nghe thuyết phi pháp thì quở trách can ngăn, có thể nhẫn chịu tất cả sự hủy nhục, đánh mắng, não hại cùng những người tham sân si, hủy giới, biếng nhác. Ở trong chúng thuyết pháp không từ mệt nhọc. Không giải nghĩa sai, cũng không giảng nói lầm, lời nói luôn dịu dàng không thô tháo, thường nhớ chúng sinh muốn khiến đạt được an lạc. Có nghi liền thưa thỉnh, không mang tâm sỉ nhục, khéo biết phương tiện để giáo hóa, biết đối trị phiền não của các chúng sinh. Đối với chúng sinh tâm luôn bình đẳng, không có phân biệt sang hèn, cao thấp. Sáu căn đầy đủ, oai nghi đĩnh đạc, không tin lời dua nịnh, không tự khoe khoang, khinh chê người khác, không vì lợi dưỡng mà hiện sự dối trá bên ngoài. Xả bỏ tâm tham lam, ganh ghét, bỏn sẻn, nếu tự có lợi trước nhường cho người, trong tâm thường nhất, không hành phóng dật. Thấy người được lợi hoan hỷ như mình được, ít ham muốn, biết đủ, chỉ chứa sáu vật, ngoài sáu vật ra nếu có tức thí. Thường khuyên người phạm giới nên phát lồ, chỉ bày ức niệm, khéo biết pháp sám hối. Khéo nuôi dưỡng người có bệnh khổ, trọn không tuyên thuyết tạng pháp Thanh văn và lỗi của Tạng Bồ-tát. Nếu có đầy đủ những pháp như trên, mới có thể nhận làm Hòa thượng. Bồtát Ma-ha-tát đã thọ giới rồi, nếu Hòa thượng bị bệnh nên cung cấp hầu hạ như lúc không bệnh, nên theo lời dạy mà làm việc, nên sinh tâm thành thật cung kính, nghinh đón lễ bái đứng hầu hai bên, phụng dâng y phục, thức ăn, ngọa cụ, thuốc thang, tùy thuận pháp ngữ, tùy pháp mà làm không có động chuyển, tùy chỗ phạm tội nên nêu bày thành thật. Như lúc nghe pháp, nên tạo tưởng như Phật, tưởng Pháp, tưởng Tỳ-kheo Tăng, tưởng về sự khó được, tưởng nhãn, tưởng nhân của đại trí, tưởng về ánh sáng lớn, tưởng đạt được đại quả báo, tưởng về nhân của đạo vô thượng là Đại Niết-bàn, tưởng đạt được thường lạc, tưởng chứng đắc chỉ quán. Các tưởng như vậy tức là pháp tưởng chân thật. Đó gọi là đầy đủ công đức nghe pháp.

Lại nữa, lúc nghe pháp nên chí tâm nghe, tâm tín nghe, không nên nghĩ nay ta không cần theo người này, ấy là chủng tánh thấp kém, căn không đầy đủ, nên lìa niệm như vậy để nghe pháp.

Bồ-tát Ma-ha-tát thọ giới Bồ-tát có hai hạng: Một là trí. Hai là ngu. Nếu có sự suy nghĩ như trên thì gọi là ngu si, không tăng pháp thiện, không được đại trí. Bồ-tát tu tập bốn tâm vô lượng là từ bi hỷ xả. Bốn tâm vô lượng có ba loại: Một là duyên nơi chúng sinh. Hai là duyên nơi pháp. Ba là không duyên.

Duyên nơi chúng sinh: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát tu tập tâm từ, quán xét đúng về hết thảy ba tụ chúng sinh: Một là thọ vui. Hai là thọ khổ. Ba là thọ không khổ không vui. Bồ-tát Ma-ha-tát tu tập tâm từ, quán người thọ vui khiến được tăng trưởng, quán chúng sinh thọ khổ thì diệt khổ sinh vui, quán người không khổ không vui thì đoạn trừ khổ vui khiến được Niết-bàn. Đó gọi là duyên nơi chúng sinh.

Duyên nơi pháp: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát chỉ quán tướng pháp, không khởi tướng chúng sinh. Nếu ta tu từ không có chúng sinh, chỉ được lìa khổ, ai được thọ vui? Đó gọi là duyên nơi pháp.

Không duyên: Nghĩa là xả bỏ tướng chúng sinh, cùng dùng tướng pháp để tăng trưởng tâm từ. Đó gọi là không duyên.

Như tâm từ, ba tâm vô lượng bi, hỷ, xả cũng lại như vậy. Bồ-tát Ma-ha-tát nếu nhân nơi chúng sinh tu vô lượng tâm, nên biết tâm này không khác với ngoại đạo, cũng cùng với tâm của hàng Thanh văn, Duyên giác. Bồ-tát Ma-ha-tát hợp bốn tâm vô lượng tức là bi, cho nên Bồ-tát được gọi là Đại bi.

Bồ-tát quán sát chúng sinh thọ khổ có một trăm mười thứ, vì diệt trừ những thứ khổ này nên tu tập Đại bi. Những gì là một trăm mười thứ? Một thứ là sinh khổ.

Lại có hai thứ: Một là cầu không được nên khổ. Hai là cầu được rồi mất nên khổ.

Lại có ba thứ: Một là khổ khổ. Hai là hành khổ. Ba là hoại khổ.

Lại có bốn thứ: Một là yêu thích xa nhau nên khổ. Hai là oán ghét gặp nhau nên khổ. Ba là chết khổ. Bốn là năm ấm hưng thạnh nên khổ.

Lại có năm thứ: Một là nhân duyên tham dục nên khổ. Hai là nhân duyên sân hận nên khổ. Ba là nhân duyên ngủ nghỉ nên khổ.

Bốn là nhân duyên trạo cử, hối tiếc nên khổ. Năm là nhân duyên nghi ngờ nên khổ.

Lại có sáu thứ: Một là nhân của đường ác nên khổ. Hai là quả của đường ác nên khổ. Ba là cầu nhiều nên khổ. Bốn là giữ gìn nên khổ. Năm là có được không biết nhàm chán nên khổ. Sáu là mất mát nên khổ.

Lại có bảy thứ: Một là sinh khổ. Hai là già khổ. Ba là bệnh khổ. Bốn là chết khổ. Năm là ái xa nhau khổ. Sáu là oán gặp nhau khổ. Bảy là cầu không được nên khổ.

Lại có tám thứ: Một là lạnh khổ. Hai là nóng khổ. Ba là đói khổ. Bốn là khát khổ. Năm là không được tự tại khổ. Sáu là tự tạo khổ như Ni-kiền-tử. Bảy là người khác tạo khổ, như việc vua v.v… Tám là mất oai nghi khổ.

Lại có chín thứ: Một là thân bần cùng khổ. Hai là người khác bần cùng khổ. Ba là thân ái bị hoại khổ. Bốn là mất của cải khổ. Năm là bệnh khổ. Sáu là phá giới khổ. Bảy là tà kiến khổ. Tám là hiện tại khổ. Chín là đời sau khổ.

Lại có mười thứ: Một là có thức ăn không có đồ đựng khổ. Hai là bước đi không có xe khổ. Ba là cầu các anh lạc hoa hương không được nên khổ. Bốn là cầu tìm kỹ nhạc vui chơi không được nên khổ. Năm là cầu ánh sáng không được nên khổ. Sáu là cầu người phục dịch không được nên khổ. Bảy là cầu thức ăn không được nên khổ. Tám là cầu y phục không được nên khổ. Chín là có được không dùng nên khổ. Mười là thấy người đến xin nên khổ.

Lại có chín thứ: Một là tất cả khổ. Hai là khổ lớn. Ba là tất cả tự khổ. Bốn là không như pháp trụ khổ. Năm là chuyển khổ. Sáu là không được tự tại khổ. Bảy là hại khổ. Tám là đuổi theo khổ. Chín là tất cả hành khổ.

Tất cả khổ: Tức là do tạo nhân đời trước nên hiện tại khổ.

Khổ lớn: Tức là các chúng sinh thọ khổ nơi địa ngục trong vô lượng đời.

Tất cả tự khổ: Tức là sự khổ trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời người.

Không như pháp trụ khổ: Tức là bàn mưu muốn hại người nhưng không thành, trở lại rước họa vào thân. Như tham ăn uống sau thọ khổ lớn. Như nghĩ đến tham dục, sân hận, ngu si nên khổ. Hoặc nhân nơi nghiệp ác của thân khẩu ý mà thọ khổ, hoặc nhân nơi hủy giới nên thọ sự ưu khổ.

Chuyển khổ: Tức là hiện tại làm thân vua, đời khác chuyển làm thân tôi tớ. Hoặc hiện tại làm cha mẹ, anh em, vợ con, đời khác là oán ghét khổ. Hoặc đời này giàu có đời sau chịu bần cùng khốn khổ.

Không được tự tại khổ: Tức như muốn được sống lâu, muốn được xinh đẹp, muốn được giàu có, muốn được mạnh khỏe, muốn được trí tuệ, muốn trừ oán địch, nhưng tất cả không được như ý nên khổ.

Hại khổ: Tức như người trong thế gian cầu hết sự bần cùng nhưng không được nên khổ. Người xuất gia cầu phá bỏ phiền não nhưng không thể nên khổ. Hoặc gặp nạn khổ, binh đao khởi khổ, đi giữa đồng trống khổ, bị cắt tay chân khổ, bị trói buộc giam cầm khổ, bị đuổi ra ngoài khổ.

(Thiếu phần nói về Đuổi theo khổ)

Tất cả hành khổ: Tức là nhân nơi khổ thọ khổ, lìa sự vui thọ khổ, tất cả các thọ chưa đoạn nên khổ, không thể xuất gia nên khổ, không thể tịch tĩnh nên khổ, không được Bồ-đề nên khổ, sinh nhiều tư giác nên khổ, phàm phu khổ, bốn đại khổ, ba cõi khổ, phiền não khổ.

Đó gọi là một trăm mười sự khổ.

Bồ-tát quán sát các sự khổ như vậy nên tăng trưởng tâm đại bi. Khổ lớn như thế do mười tám thứ nên tăng trưởng: Một là ngu si khổ. Hai là thọ quả báo khổ. Ba là hành khổ. Bốn là thường khổ. Năm là sinh khổ. Sáu là tự tạo tác khổ. Bảy là tha tạo tác khổ. Tám là phá giới khổ. Chín là tà kiến khổ. Mười là qua đời khổ. Mười một là đại khổ. Mười hai là địa ngục khổ. Mười ba là trời người khổ. Mười bốn là chuyển khổ. Mười lăm là thọ khổ. Mười sáu là không biết nên khổ. Mười bảy là tăng trưởng khổ. Mười tám là biếng nhác khổ.

Bồ-tát thường dùng bốn nhân duyên gọi là đại bi: Một là quán sát nhân duyên của chúng sinh thọ khổ sâu xa khó giải. Hai là tu tập trong vô lượng đời. Ba là chí tâm tu tập. Bốn là chí tâm đối với chúng sinh không tiếc thân mạng. Do bốn nhân duyên này, tức có thể vì chúng sinh lao nhọc thọ khổ nơi thân, nên Bồ-tát gọi là tịnh đại bi. Tịnh đại bi gọi là địa Như Lai.

Bồ-tát Ma-ha-tát quán sát một trăm mười việc ấy, tất cả Bồ-tát thảy đều tu tập, vì chúng sinh nên tăng trưởng tâm đại bi. Như vậy, Bồ-tát có thể quán chúng sinh và dùng tướng pháp để sinh tâm đại bi. Không thể quán sát tướng không duyên mà sinh tâm đại bi, như thế không được gọi là đại bi. Đức Như Lai có thể đầy đủ ba thứ như thế nên gọi là đại bi. Bồ-tát tu tập đại bi nên được thân tâm tịch tĩnh, do nhân duyên thân tâm tịch tĩnh nên có thể phá trừ phiền não hiện có của chúng sinh, trụ ở địa tịnh, đối với chúng sinh luôn thương mến như con một. Do nhân duyên đại bi, nên vì các chúng sinh mà siêng tu khổ hạnh, tâm không hối hận. Như đạo Thanh văn lúc tỏ ngộ tứ đế thọ sự an vui vô lậu. Bồ-tát tu tập từ bi cũng lại như vậy, Bồ-tát tu bi là chỉ vì chúng sinh không vì thân mình. Do nhân duyên tu tập bi nên Bồ-tát không tiếc thân mạng và của cải bên ngoài. Do nhân duyên tu bi nên xả thân thọ thân, trọn không hủy phạm giới cấm của Như Lai, Tam-muội khó được tức có thể đạt được, trí tuệ khó được tức có thể đạt được. Vì thế trong kinh Phật dạy: Đạo quả Bồ-đề Vô thượng của Bồ-tát trụ tại chỗ nào? Phải nói là trụ ở đại bi, nhiều vô lượng vô biên không thể xưng kể, nên gọi là đại bi. Bồ-tát tu tập tâm vô lượng này, đạt được sự an vui nơi hiện tại, có thể khiến chúng sinh xa lìa khổ não, đạt được vô lượng công đức vô thượng, trang nghiêm đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

********

Phẩm thứ 18: BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO CỦA ĐỊA BỒ TÁT

Thế nào gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát hổ thẹn? Hổ thẹn có hai thứ: Một là tánh. Hai là nhân duyên.

Tánh: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát tự biết chỗ làm là phi pháp, sợ hãi quả báo ác nên sinh tâm hổ thẹn.

Nhân duyên: Nghĩa là Bồ-tát đối với việc làm ác, sợ mọi người biết nên sinh tâm hổ thẹn.

Tánh hổ thẹn tức chẳng phải do nhân duyên mà được như tánh Bồ-tát. Bồ-tát tu hổ thẹn là từ nhân duyên đạt được, như tám chánh đạo.

Hổ thẹn có bốn thứ: Một là không nên làm mà làm nên sinh hổ thẹn. Hai là việc nên làm nhưng không làm nên sinh hổ thẹn. Ba là tâm tự sinh nghi nên sinh hổ thẹn. Bốn là đối với tội che giấu sợ người khác biết nên sinh hổ thẹn.

Thế nào gọi là Bồ-đề tát đỏa? Tát đỏa gọi là dũng mãnh, không sợ hãi. Tánh của Bồ-tát có lực mạnh. Do tánh mạnh nên có thể điều phục phiền não khiến chúng không tùy theo tâm. Có thể nhẫn chịu các khổ, các sự sợ hãi, tuy có sợ hãi nhưng không lay động. Bồ-tát hiện có pháp thiện trang nghiêm, gọi là tánh dũng mãnh, thế nên gọi là Bồ-đề Tát đỏa.

Tánh lực dũng mãnh của Bồ-tát có năm nhân duyên: Một là các thứ sinh tử khổ. Hai là chúng sinh hành các thứ nghiệp ác. Ba là ở trong vô lượng đời vì tạo lợi ích cho chúng sinh nên thọ vô lượng khổ. Bốn là chí tâm kiên trì giới cấm của Bồ-tát. Năm là chí tâm nghe thọ pháp.

Bồ-tát Ma-ha-tát có năm nhân duyên, vì các chúng sinh chịu khổ lớn, tâm không sầu não: Một là do có sức mạnh lớn. Hai là tu tập không ưu sầu. Ba là dũng mãnh tinh tấn, có phương tiện thiện xảo. Bốn là trí tuệ dũng mãnh. Năm là chuyên tâm tu từ bi.

Thế nào gọi là Bồ-tát hiểu biết về sách vở thế gian? Bồ-tát khéo biết về phương thuật ở thế gian, biết chữ biết câu, biết lời biết nghĩa, tâm miệng hòa hợp, chuyên niệm thọ trì. Đó gọi là Bồ-tát biết pháp biết nghĩa. Do biết pháp biết nghĩa nên có thể vì mọi người thuyết giảng. Do nhân duyên thuyết giảng nên pháp trí nghĩa trí đều được tăng trưởng. Đó gọi là văn tuệ tư tuệ. Do nhân duyên văn tuệ tư tuệ nên pháp trợ Bồ-đề được tăng trưởng.

Thế nào gọi là Bồ-tát hiểu biết về thế gian? Thế gian có hai thứ: Một là thế gian của chúng sinh. Hai là khí thế gian.

Bồ-tát Ma-ha-tát quán xét thế gian của chúng sinh, cho nên kinh chép: Hành khổ của thế gian thọ nơi sinh tử. Không biết sinh tử tức không được giải thoát. Như Lai khéo nhận biết về thế gian của chúng sinh, vì vậy kinh nói: Chúng sinh có năm trược: Một là mạng trược. Hai là chúng sinh trược. Ba là phiền não trược. Bốn là kiến trược. Năm là kiếp trược.

Như nay mạng người sống không đủ trăm năm. Đó gọi là mạng trược.

Như nay chúng sinh không thể hiếu dưỡng đối với cha mẹ, các bậc sư trưởng, Hòa thượng, Sa-môn, phạm hạnh, không theo nghĩa mà làm, không sợ quả báo nơi hiện tại và đời vị lai, không ưa bố thí, không thích phước đức, không ưa thọ trai trì giới tinh tấn. Đó gọi là chúng sinh trược.

Như chúng sinh do phiền não nên giết hại cha mẹ, đối với cha mẹ anh chị em, thân thuộc cưỡng làm việc phi pháp, vì cùng chúng sinh tạo nhân duyên ác, nên cất chứa cung tên, đao gậy, giáo mác. Có nhiều chúng sinh nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời vô nghĩa. Các điều ác như vậy là vô lượng, lúc phiền não bất thiện khởi lên. Đó gọi là phiền não trược.

Như nay chúng sinh phi pháp thấy là pháp, pháp thấy là phi pháp, phi pháp nói pháp, pháp nói phi pháp, vì vậy nên phá hoại chánh pháp, làm tăng trưởng pháp tà, vô lượng chúng sinh hành theo tà kiến. Đó gọi là kiến trược.

Như vào thời ác, chúng sinh ác, có ba thứ nội kiếp ác khởi: Một là nội kiếp đói kém. Hai là nội kiếp bệnh dịch. Ba là nội kiếp binh đao. Đó gọi là kiếp trược.

Trên đây là nói về Bồ-tát biết thế gian của chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát biết khí thế gian, tức là Bồ-tát khéo biết nhân duyên thành hoại ở thế gian. Cho nên kinh chép: Này Ca-chiên-diên! Như Lai khéo nhận biết thế gian, biết nhân của thế gian, biết thế gian diệt, biết đạo thế gian, biết vị của thế gian, biết thế gian khổ, biết thế gian giải thoát. Này Ca-chiên-diên! Sáu nhập, năm ấm và bốn đại gọi là thân người, do thân người theo thế gian tạo tướng nên gọi đó là ngã, gọi là chúng sinh, gọi là thọ mạng, gọi là sĩ phu, gọi là A, B, danh tự như vậy tánh không chân thật, nhân nơi phiền não nên chúng sinh nói ta thấy, ta nghe, ta biết. Thấy nghe biết ấy cũng không chân thật. Lưu hành khắp các danh tánh, thức ăn uống, thọ khổ, thọ vui, sống lâu, chết sớm như vậy, đó gọi là lưu hành khắp. Lưu hành khắp thì gọi là tướng, không gọi là chân thật. Như Lai khéo nhận biết thế gian chúng sinh và khí thế gian, nên gọi là Như Lai khéo nhận biết về thế gian.

Bồ-tát nếu thấy người hơn mình về tuổi tác, phước đức, nên cung kính thăm hỏi, sắp đặt giường tòa, hoặc thấy người có tuổi và phước đức bằng mình, trước dùng lời khiêm nhường thăm hỏi, chấp tay cùng ngồi, không sinh tâm kiêu mạn, nghĩ ta hơn người kia. Nếu thấy người có tuổi tác và phước đức nhỏ hơn mình, cũng thăm hỏi và khuyến khích họ về phước đức, dạy thực hành pháp thiện, tâm không khinh chê, giả sử họ có tội, trọn không chỉ trích, tùy theo vật cần dùng để cung cấp. Bồ-tát đối với chúng sinh dùng lời nói dịu dàng đem pháp thiện giáo hóa, dùng thức ăn, dùng pháp để thâu giữ, nghiệp thân khẩu ý, suy nghĩ thiện đều hồi hướng cho chúng sinh, thường nghĩ như vầy: Nguyện ta và các chúng sinh không tạo nhân duyên ác, đối với chúng sinh không khởi tưởng oán, thường khởi tưởng thân thuộc, không có tâm sân hận. Giả sử có người sân thì không giữ nơi ý, nếu bị đánh đập phải quán xét pháp giới, nghiệp thân khẩu ý thường tự thận trọng. Đầy đủ mười bốn việc: Đó là sáu phương tiện, bốn tri thức ác, bốn tri thức thiện. Như Kinh Thiện Sinh chép: Thường có thể tạo lợi ích cho đời này đời sau, có thể cầu của cải, được rồi có thể giữ gìn, tạo cuộc sống giàu đủ, có thể làm việc phước đức, không tham lam, không keo kiệt, không tạo huyễn thuật mê hoặc người đời, trì giới biết hổ thẹn, có người giao phó việc không để họ sinh nghi, chúng sinh trông thấy như thấy sự chân thật, thường gần bạn thiện, trị nước an dân, khuyên dùng mười điều thiện, thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, biết thì nói biết, hiểu thì nói hiểu. Cho nên Bồ-tát gọi là hiểu biết về thế gian.

Thế nào gọi là Bồ-tát học tứ y? Bồ-tát y (dựa) nơi nghĩa không y nơi chữ. Bồ-tát nghe pháp không vì dựa nơi chữ, chỉ vì dựa nơi nghĩa. Bồ-tát Ma-ha-tát dựa nơi pháp không dựa nơi người. Nghĩa là biết pháp và phi pháp, biết pháp như vậy là do Phật thuyết, hoặc trưởng lão thuyết, hoặc chúng Tăng thuyết, nếu là phi pháp, tuy nghe Phật thuyết nhưng tâm không sinh tin. Lại có pháp chẳng phải là Phật thuyết, chẳng phải là trưởng lão hay chúng Tăng thuyết, tuy vậy nhưng đây là pháp tướng nên nghe rồi tin thọ. Bồ-tát Ma-ha-tát dựa nơi kinh liễu nghĩa, không dựa nơi kinh không liễu nghĩa. Dựa nơi kinh liễu nghĩa là không thể động không thể chuyển. Kinh liễu nghĩa là không sinh tâm nghi. Bồ-tát nếu đối với kinh liễu nghĩa mà sinh tâm nghi thì có thể lay chuyển. Bồ-tát dựa nơi trí không dựa nơi thức. Vì sao? Người tu trí tuệ gọi là trí tịnh, do đó Bồ-tát hiểu nghĩa sâu xa, tuy đối với nghĩa sâu xa chưa được hiểu rõ, cũng trọn không sinh phỉ báng. Đó gọi là Bồ-tát thành tựu bốn thứ y.

Bồ-tát thành tựu bốn thứ y như vậy nên hiểu biết rõ về đạo thế gian và xuất thế gian. Bồ-tát lại có bốn đạo, do bốn đạo nên biết tất cả pháp giới, được trí vô ngại. Bốn đạo tức bốn trí vô ngại. Nhận biết tất cả pháp giới, gọi là trí pháp vô ngại. Nếu trí vô ngại, trí không điên đảo nhận biết về tánh của tất cả pháp, thì gọi là trí nghĩa vô ngại. Bồ-tát nếu nhận biết về vô số danh tự của tất cả các pháp, thì gọi là trí từ vô ngại. Bồ-tát nếu nhận biết tất cả pháp giới, tất cả danh tự của pháp, tất cả nghĩa của pháp giảng nói không cùng tận, thì gọi là trí lạc thuyết vô ngại. Bồ-tát có đầy đủ bốn trí vô ngại, tức nhận biết phương tiện của năm ấm, sáu nhập, mười tám giới, phương tiện của mười hai nhân duyên, phương tiện của thị xứ phi xứ. Bồ-tát có đầy đủ bốn trí vô ngại, tức tự nhận biết rõ ràng đạo Bồ-đề, lại có thể vì người phân biệt thuyết giảng rộng.

Thế nào gọi là trang nghiêm Bồ-đề? Trang nghiêm Bồ-đề có hai thứ: Một là công đức trang nghiêm. Hai là trí tuệ trang nghiêm, như trong Phẩm Tự Lợi Lợi Tha đã nói. Nếu Bồ-tát ở tại A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất tu tập hai thứ trang nghiêm như vậy, gọi là trang nghiêm hạ. Nếu vào thời A-tăng-kỳ kiếp thứ hai tu tập, gọi là trang nghiêm trung. Nếu vào thời A-tăng-kỳ kiếp thứ ba tu tập gọi là trang nghiêm thượng.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo? Bồ-tát đạt đầy đủ bốn trí vô ngại, được trí phương tiện, do trí phương tiện nên tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cũng chưa chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, nhưng cũng nhận biết về phẩm tu đạo của hàng Nhị thừa, nhận biết hàng Nhị thừa như trong phẩm đầu đã thuyết.

Thế nào gọi là biết Bồ-tát tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo? Bồ-tát quán thân, tuần tự theo thân quán, lúc quán như vậy không chấp nơi tướng thân, không tạo tướng không, cũng biết thân này là không thể nêu bày. Đó gọi là quán thân đệ nhất nghĩa. Vì lưu hành khắp nên gọi là thân. Ngoài thân ra, ba mươi sáu phẩm còn lại cũng như vậy. Bồ-tát Ma-ha-tát lúc quán thân này không nghĩ khổ, không nghĩ tập, không nghĩ diệt, không nghĩ đạo là nhân duyên của diệt. Vì sao? Vì pháp giới là không thể nêu bày. Nếu Bồ-tát có thể nhận biết khổ tập diệt đạo như thế, tức gọi là tu tập ba mươi bảy phẩm đệ nhất nghĩa. Vì lưu hành khắp nên nói là khổ tập diệt đạo. Nếu Bồ-tát nhận biết không dùng giác quán (tầm tứ) để quán xét ba mươi bảy phẩm, thì gọi là Chỉ. Nếu Bồ-tát nhận biết pháp giới là chân thật, không thể nêu, nói, đó gọi là Quán. Xa-ma-tha (Chỉ) của Bồ-tát có bốn thứ: Một là Xa-ma-tha đệ nhất nghĩa. Hai là Xa-ma-tha kỳ hạn. Ba là Xa-matha chân thật. Bốn là Xa-ma-tha lìa phiền não oán. Bồ-tát có đầy đủ bốn thứ Xa-ma-tha, nhận biết tất cả pháp giới, vì nhằm đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Tỳ-bà-xá-na (Quán) của Bồ-tát có bốn thứ: Một là cùng hành với bốn thứ Xa-ma-tha. Hai là xa lìa điên đảo. Ba là phân biệt vô lượng pháp giới. Bốn là nhận biết pháp giới vô ngại. Bồ-tát tu tập bốn thứ Tỳ-bà-xá-na này là vì cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Thế nào gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát có phương tiện thiện xảo? Phương tiện thiện xảo có mười hai thứ: Nội sáu thứ và ngoại sáu thứ.

Sáu thứ phương tiện nội: Nghĩa là Bồ-tát thường khởi tâm đại bi đối với tất cả chúng sinh. Hiểu rõ chân thật tất cả các hành. Thường ưa buộc niệm nơi đạo quả Bồ-đề Vô thượng, vui thích vì chúng sinh chuyển nơi sinh tử. Chân thật nhận biết phiền não, không hoại phiền não. Vì đạo quả Bồ-đề Vô thượng nên siêng tu tinh tấn. Đó gọi là phương tiện nội.

Sáu thứ phương tiện ngoại: Nghĩa là có thể khiến người bố thí ít đạt được vô lượng phước. Người có công đức có thể khiến cho tăng trưởng. Người chưa thuần thục có thể khiến cho thuần thục. Người được thuần thục có thể khiến được giải thoát. Người phá hoại pháp Phật có thể khiến sinh tin tưởng. Người đã tin rồi có thể khiến tăng trưởng. Đó gọi là phương tiện ngoại.

Thế nào gọi là bố thí ít mà được vô lượng phước? Như có chúng sinh ở chỗ Bồ-tát nghe thuyết pháp rồi, đem một ít thức ăn bố thí cho loài chó đói, vật thí đã ít ruộng phước lại mỏng, do có thể hồi hướng về đạo Bồ-đề, nên có được phước báo là không thể xưng kể. Người có công đức khiến được tăng trưởng, tức nếu có chúng sinh thọ tám trai giới, Bồ-tát lại vì họ nên phân biệt giải nói, chỉ dạy họ hồi hướng nơi đạo Bồ-đề Vô thượng.

Nếu có chúng sinh chấp sâu nơi tà kiến, một tháng không ăn, ngày đoạn tối ăn, Bồ-tát liền vì họ tuyên giảng chánh pháp, phá trừ tâm tà, chỉ dạy họ khiến thọ trì tám pháp trai giới. Bồ-tát vì phá trừ khổ do thọ trai giới bất thiện, nên chỉ dạy khiến cho trì trai giới pháp thiện. Nếu có chúng sinh muốn cầu giải thoát nhưng không biết phương tiện, Bồ-tát vì họ mà thuyết giảng về thật nghĩa trung đạo, lìa hai biên. Nếu có chúng sinh muốn được thân cõi trời nên nhảy xuống vực sâu hoặc nhảy vào lửa, Bồ-tát vì họ nên phá trừ sự khổ như vậy, vì họ giảng nói về trì giới, hiện đời thọ an vui, đời sau được thân cõi trời. Nếu có chúng sinh vì tịch tĩnh nên đọc tụng giải nói bốn luận Tỳ-đà, Bồ-tát liền dùng mười hai bộ kinh chỉ dạy họ khiến phân biệt suy nghĩ về ý nghĩa.

Lại nữa, Bồ-tát dùng hương hoa thượng diệu hiện có trên thế gian để cúng dường Tam bảo, cũng nên chỉ dạy chúng sinh khiến biết cúng dường, tự hướng đến vô lượng chư Phật trong mười phương phát nguyện cúng dường, cũng dạy chúng sinh hướng đến mười phương chư Phật và phát nguyện cúng dường.

Lại nữa, Bồ-tát thường tu niệm Phật cho đến niệm thiên, cũng chỉ dạy chúng sinh khiến tu sáu niệm.

Lại nữa, Bồ-tát hành nghiệp thiện nơi thân khẩu, hoặc nhiều hoặc ít đều thí cho chúng sinh, cũng dùng pháp ấy để giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát thường phát nguyện: Tất cả chúng sinh hiện có việc khổ đều tập hợp nơi thân ta, chớ khiến người khác nhận chịu, cũng dùng pháp này chuyển dạy cho chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát nếu có tội trong đời quá khứ cùng hiện tại, đều hướng tới mười phương chư Phật sám hối, cũng dùng pháp này chỉ dạy chúng sinh thực hành.

Lại nữa, Bồ-tát tự có thể tu tập bốn tâm vô lượng, cũng dẫn dạy chúng sinh thực hành bốn tâm vô lượng. Người có công đức có thể khiến cho tăng trưởng. Người phá hoại pháp Phật có thể khiến họ sinh tin, đã sinh tin rồi tức có thể khiến cho tăng trưởng. Người chưa thuần thục có thể khiến cho thuần thục. Người đã thuần thục rồi có thể khiến được giải thoát. Bồ-tát Ma-ha-tát vì bốn pháp này nên tu tập sáu việc: Một là tùy theo người khác. Hai là không có chướng ngại. Ba là không lay động. Bốn là tâm tương trợ. Năm là báo ân. Sáu là thanh tịnh.

Tùy theo người khác: Nghĩa là Bồ-tát nếu vì chúng sinh giảng nói pháp, trước dùng lời dịu dàng tùy theo tâm họ mà nói, tùy theo sức thâu nhận của thân khẩu ý mà bố thí, khiến người kia cung kính sinh tâm hoan hỷ, sinh tâm ưa nghe pháp, sau đó mới thuyết giảng. Tùy theo căn cơ thượng trung hạ của chúng sinh để thuyết pháp dễ hiểu, thuyết đúng thời, thuyết theo thứ lớp, thuyết không điên đảo, thuyết lợi ích, thuyết thương xót. Nếu cần thần thông cảm ứng để hóa độ thì vì họ thị hiện thần thông, tóm lược có thể nói rộng, rộng có thể nói tóm lược, có thể phá trừ lưới nghi, ban cho họ sự nhớ nghĩ, có thể mở rộng chỗ phân biệt, chỗ xuất định nhập định. Nếu có chúng sinh không hiểu nghĩa không thâm diệu của Như Lai, tức vì họ khai thị phân biệt diễn nói. Nếu có chúng sinh phỉ báng kinh điển Phương đẳng Đại thừa, tức vì họ thuyết pháp khiến được điều phục.

Nếu có chúng sinh nói: “Như Lai tuyên thuyết không có tất cả pháp, không có tất cả vật, tất cả các pháp là không sinh không diệt, cũng như hư không, như huyễn, như mộng, như dợn nắng, như thành Càn-thát-bà, như trăng trong nước, như tiếng vang”, do không hiểu nhân duyên của pháp tánh nên sinh sợ hãi. Do sợ hãi nên sinh phỉ báng, nói chẳng phải kinh Phật, là thuyết của tà kiến. Bồ-tát Ma-ha-tát với phương tiện thiện xảo, dần dần vì họ khai thị nghĩa kinh, tùy ý mà nói, chẳng phải không có tất cả pháp, do tất cả pháp không thể tuyên thuyết, nên gọi là không pháp. Vì không thể tuyên thuyết tánh không thật có, nên gọi là không vật. Như ban đầu không có bất khả thuyết, không có tánh bất khả thuyết, làm sao có thể nói có sinh có diệt, thế nên nói là không sinh không diệt. Nếu không sinh diệt tức gọi là hư không. Như trong hư không có vô lượng sắc, có vô lượng nghiệp, các sắc các nghiệp không có chướng ngại. Đó gọi là đi đứng, co, duỗi, cúi, ngưỡng. Nếu không có các sắc, các nghiệp như vậy, gọi là hư không, thì hư không không thể tuyên thuyết. Nếu nhân nơi hư không có các sắc, các nghiệp có thể tuyên thuyết, thì không được nói tánh của hư không là không thể tuyên thuyết. Nếu hư không kia không thể tuyên thuyết, thì các sắc các nghiệp làm sao có thể tuyên thuyết?

Bồ-tát Ma-ha-tát được Thánh trí rồi, mới biết pháp giới không thể tuyên thuyết. Bấy giờ, Bồ-tát phá trừ tướng tà, nói tất cả pháp là có, tất cả pháp là có thể giảng nói. Bồ-tát ban đầu dùng Thánh trí như vậy chỉ dạy cho chúng sinh, chúng sinh đạt được rồi tự thấy pháp tánh, không thể tuyên thuyết, cũng như hư không, cho nên Như Lai nói tất cả pháp đồng nơi hư không, như huyễn, tánh tướng chẳng phải có chẳng phải không. Thánh nhân cũng nói chẳng phải là có chẳng phải là không. Huyễn nếu là định có, thì do nhân duyên gì có lúc có thể thấy, có lúc không thể thấy? Nếu định là không, thì vì sao khiến người thấy vô số các thứ tướng? Pháp của thật không, không nên sinh tướng. Tất cả pháp giới cũng lại như vậy. Đối với phàm phu nói có danh tướng, do có danh tướng nên không thể nói là không. Tánh của đệ nhất nghĩa do không thể tuyên thuyết nên không được nói là có. Cho nên pháp giới như huyễn có hai. Vì thế Bồ-tát đối với các pháp giới, không lấy không bỏ, không tăng không giảm, tức thì biết thật, cũng nói là thật. Đó gọi là Bồ-tát khéo tùy theo phương tiện.

Không có chướng ngại: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát thấy người đến cầu xin, nên nói: Thiện nam! Nay nếu ông có thể cúng dường Tam bảo, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, thì những vật cần dùng như y phục, thức ăn, giường tòa, thuốc thang, hoa hương, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, kỹ nhạc, ruộng vườn, phòng xá, tôi tớ, xe cộ, tiền tài, ta đều đem cho ông. Nếu có chúng sinh sợ hãi ưu sầu, Bồ-tát nên nói: Nay nếu ông có thể cúng dường Tam bảo, cho đến Bà-lamôn, ta sẽ cung cấp cho ông các thứ y phục, thức ăn, cho đến tất cả các vật cần dùng, cũng sẽ cứu giúp việc ưu sầu lo sợ cho ông. Nếu có người bệnh cũng lại nói: Nay nếu ông có thể cúng dường Tam bảo cho đến Bà-la-môn, ta sẽ vì ông tìm cầu thuốc hay, chăm sóc bệnh tốt, cho đến các vật cần dùng khiến ông hết bệnh. Như vậy, chúng sinh nếu có thể tin nhận lời Bồ-tát dạy, Bồ-tát sẽ tạo các thứ phương tiện khiến được như ý. Nếu không tin thọ, lúc ấy Bồ-tát sẽ tu tâm xả. Nếu có tin nhận, Bồ-tát trước chỉ dạy họ cúng dường Tam bảo, cha mẹ, sư trưởng, trì giới, tinh tấn, vì điều phục khiến chứng đắc đạo quả giác ngộ vô thượng. Nếu trước tin nhận lời dạy sau không nghe, Bồ-tát vì tâm thương xót nên hiện sự nổi giận, quở trách, chẳng phải thật có tâm ác, hoặc nếu không bố thí vật, thật chẳng phải là ghét giận, mà vì điều phục. Đó gọi là không chướng ngại không lay động.

Tâm tương tợ: Nghĩa là Bồ-tát nếu được thân tự tại, như vua, đại thần có nhiều quyến thuộc, trước nói rõ: Như trong phần đất của ta và người trong nhà, nếu có ai không cúng dường Tam bảo, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc hủy giới, biếng nhác, ta sẽ không ban cho y phục, thức ăn, hoặc đánh mắng, bắt giam vào lao ngục, hoặc giết hoặc đuổi. Giao phó cho đại thần khiến giám sát, biết ai trì giới, biết ai hủy giới, ai có thể cúng dường cha mẹ, Tam bảo, ai không cúng dường cha mẹ, Tam bảo. Bấy giờ, các chúng sinh vì lo sợ, nên xa lìa các điều ác, tu tập pháp thiện, tương tợ như tâm của Bồ-tát. Đó gọi là phương tiện tương tợ.

Báo ân: Nghĩa là Bồ-tát thọ nhận y phục, thức ăn, ngọa cụ, thuốc thang, phòng xá của đàn-việt, hoặc nhiều hoặc ít. Hoặc gặp sợ hãi có người giải nguy. Hoặc gặp bệnh khổ có người trị liệu. Hoặc nghe thuyết pháp phá trừ tâm nghi. Bồ-tát Ma-ha-tát vì nhớ đến ân, tức đều chỉ dạy họ thực hành pháp thiện. Đó gọi là báo ân. Bồ-tát thuyết pháp cho chúng sinh nghe rồi, tức có thể cúng dường Tam bảo, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, trì giới tinh tấn. Đó gọi là báo ân.

Tịch tĩnh: Nghĩa là Bồ-tát Ma-ha-tát an trụ trong địa Bồ-đề rốt ráo, tu tập đạo Bồ-đề tịch tĩnh, sinh nơi cõi trời Đâu Suất, nên biết là không bao lâu sẽ hạ sinh nơi cõi Diêm-phù-đề, chứng đắc đạo quả giác ngộ vô thượng. Chúng sinh nghe pháp rồi đều phát nguyện: Như vậy lúc Bồ-tát thành Phật, chúng ta sẽ ở trong pháp Phật ấy xuất gia học đạo. Bấy giờ, Bồ-tát hạ sinh nơi cõi Diêm-phù-đề, thác sinh ở nhà Sát-lợi, Bà-la-môn, vì chúng sinh nên xả bỏ sự vui của năm dục, xuất gia học đạo tu hành khổ hạnh, vì khổ hạnh nên sinh tâm cung kính, phá bỏ tâm khổ, tu hạnh khổ, chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, phá bỏ tâm Bồ-đề Thanh văn, Duyên giác. Đã thành đạo rồi mặc nhiên mà trụ, Đế thích Phạm thiên cùng đến khuyến thỉnh. Phạm thiên nêu bày thưa thỉnh, vì khiến cho chúng sinh sinh tâm tôn trọng đối với chánh pháp. Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng Phật nhãn quán sát chúng sinh, rồi sau mới thuyết pháp. Dùng Phật nhãn quán sát, là vì phá tên gọi xấu ác, như có chúng sinh nói: Như Lai chỉ vì Phạm vương khuyến thỉnh, chẳng phải vì thương xót chúng sinh. Như dùng Phật nhãn quán xét nơi chúng sinh chuyển pháp luân, vì phá trừ các thứ luân tà ác của chúng sinh. Chuyển pháp luân rồi tập họp chúng chế giới, vì khiến cho chúng sinh được giải thoát. Đó gọi là phương tiện tịch tĩnh của Bồ-tát. Vì khiến chúng sinh đạt được tâm tín. Người chưa vào pháp Phật khiến được vào, chúng sinh chưa thành thục khiến được thành thục, đã thành thục rồi khiến được giải thoát.

HẾT – QUYỂN 6

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9