SỐ 1576/2
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
Tác giả: Bồ tát Đề Bà La
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Đạo Thái
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm thứ 1: THÍ THẮNG

Kính lễ Đẳng Chánh Giác

Thế Tôn Đại từ bi

 Nhân đấy khởi chánh pháp

Chân tế trong ba cõi.

Chúng Trung Tôn đệ nhất

Tạng công đức vô lượng

Xưa hành hạnh Bồ-tát

Con sẽ nói phần ít.

Nay con thương chúng sinh

Mở bày môn thí diệu

Tất cả các Hiền sĩ

Nên hoan hỷ lắng nghe.

Lúc Bồ-tát hành thí

Đại địa đều chấn động

Biển lớn trào các báu

Mây tuệ mưa hoa diệu.

Không tâm còn như vậy

Huống chi loài tình thức

Bồ-tát thí rộng lớn

Như cảnh giới hư không.

Giả sử Tiên năm thông

Đầy khắp mười phương cõi

Lắng nghe hãy còn khó

Huống lại phân biệt nói.

Không có địa phương sở

Mà không do cầu thí

Nước sạch ngấm vào đất

Không xứ nào không khắp.

Không có một vật gì

Bồ-tát chưa từng thí

Không có một chúng sinh

Chưa từng nhận người thí.

Luận nói về đại địa

Tất cả nên lễ ông

Vì sao lễ đại địa

Xứ Bồ-tát hành thí.

Bồ-tát một ngày thí

Vô số các tạp vật

Phật-bích-chi trăm kiếp

Không thể biết biên vực.

Sở dĩ không thể biết

Đại bi là thể thí

Hay thành quả chủng trí

Nhân thí là rất lớn.

Đây là người trí nói

Thí nên đến bờ kia

Nếu khi đến bờ kia

Các độ thảy đầy đủ.

Nghĩa Ba-la-mật ấy

Gọi là thanh hòa tập

Ví như xứ nhiều người

Gọi đó là đại chúng.

Chủng tử của Bồ-đề

Hay thành quả đại trí

Tất cả các việc đủ

Thảy đều do thí thành.

Bố thí sinh nẻo trời

Bào thai của xuất thế

Thí vô tướng là diệu

Bình đẳng là tối thắng.

Thân và vật đều thí

Không hề có hối tiếc

Tất cả xứ đều thí

Không một nơi nào không.

Tất cả thời đều thí

Không lúc nào không thí

Ở trong bốn thí này

Tâm trí luôn bất động.

Người hành thí như vậy

Gọi thí chẳng nghĩ bàn

Nếu thí một chúng sinh

Tất cả đều được vui.

Nếu thí không như vậy

Đó gọi là khi dối

Tuy gọi thí một người

Mà là thí hết thảy.

Sở dĩ gọi hết thảy

Vì tâm đại bi phủ

Đại bi sở dĩ khắp

Vì cầu quả chủng trí.

Cúng dường Phật, La-hán

Ruộng phước tốt thế gian

Không thương thí bình đẳng

Đấy là thí tối thắng.

Thí vô lượng của báu

Không bằng tạm dừng dứt

Tâm bi thí một người

Công đức như đại địa.

Vì mình thí tất cả

Phước báo như hạt cải

Cứu người khỏi ách nạn

Hơn hẳn mọi thí khác.

Các sao tuy có sáng

Không bằng một vầng trăng

Tâm chúng sinh cấu trược

Bố thí luôn vì mình.

Bồ-tát tâm bi thí

Như tro trừ cấu uế

Từ bi thí cứu giúp

Khắp vì mọi chúng sinh.

Từ bi thí như vậy

Công đức không cùng tận

Thí vi diệu như thế

Các chúng sinh an vui.

Dốc cầu trí tuệ Phật

Tâm không hề chán đủ

Tâm bi thí như thế

Thường diệt chướng vô minh.

Mở dẫn dắt người ngu

Khiến được mắt trí tuệ

Hay diệt các kiết sử

Trừ bỏ già bệnh chết

Thí cùng tâm bi hợp

Cam lồ của chúng sinh.

 

Phẩm thứ 2: THÍ THẮNG VỊ

Đại bi phát khởi thí

Ý nguyện thành Bồ-đề

Người thấy biết như thế

Thành tựu tất cả thí.

Thí tất cả như thế

Trọn thành trí nhất vị

Tâm đại bi là thể

Thường khởi vô số thí.

Vô số cứu chúng sinh

Đến được nơi xứ trí

Hay diệt các kiết ái

Cùng cấu uế vô minh.

Khiến tất cả chúng sinh

Thảy đều được an lạc

Tâm bi thí như thế

Ai không sinh yêu thích.

Tâm đại bi đã khởi

Công đức nơi thí lợi

Không thể sinh yêu thích

Lìa bỏ nơi cứu giúp.

Người này vì ái buộc

Thật khó đạt Bồ-đề

Người muốn cầu quả Phật

 Vui thích thí cam lồ.

Người trí vui tuệ thí

Vui pháp vị Bồ-đề

Thấy rõ lỗi ba cõi

Niết-bàn pháp vị vui.

Muốn nhanh chóng xa lìa

Trong một niệm không trụ

Lại thấy vui thích thí

Tức hơn hẳn Niết-bàn.

Vui thích thí tự tại

Tâm liền quên Bồ-đề

Tâm đã quên Bồ-đề

Tức Bồ-đề khó đạt.

Tự quán tâm vui thí

Vì thương xót chúng sinh

Không hiểu vị lạc thí

Thí có ba vị lạc.

Một là vị bố thí cầu phước báo. Hai là vị bố thí cầu giải thoát. Ba là vị bố thí cầu tâm đại bi. Ba loại vị này gọi là vị bố thí làm tăng trưởng an lạc.

 

Phẩm thứ 3: THỂ THÍ CHỦ

Người thọ nhận được vô lượng châu báu nên tâm vô cùng hoan hỷ. Người ban thí, lúc thực hiện một phần bố thí nhỏ, tâm cũng hết sức hoan hỷ, hơn hẳn người thọ nhận gấp trăm ngàn vạn lần. Nếu có thể hành thí như vậy, đó là hành bậc nhất.

Người cứu giúp thành tựu

Uống cam lồ đại bi

Bồ-tát hành hạnh này

Trừ hẳn xan, bệnh, già.

Tâm bi của Bồ-tát lấy bố thí làm thể. Chúng sinh ở thế gian lấy kiết sử làm thể, chỉ thuần lấy các khổ cho là một vị. Để đạt được an vui nên tâm bi hành bố thí. Mặt trời lấy chiếu sáng làm dụng. Mặt trăng lấy trong mát làm tánh. Bồ-tát lấy tâm bi làm thể, trí tuệ và của cải đem bố thí để khiến cho tất cả được an vui. Như từ Cala-la (Thời kỳ thai kết sau bảy ngày) cho đến lúc già là mười thời kỳ sai biệt, tuy đến khi già nhưng không bỏ tướng trẻ thơ. Bồ-tát đem hết tâm bố thí cứu giúp chúng sinh cũng không lìa bỏ phàm phu. Lìa cõi dục cho đến xứ phi tưởng, không lìa tướng của phàm phu. Bồ-tát không xả bỏ tâm bố thí cứu giúp chúng sinh cũng lại như vậy. Muốn trừ cơn khát bố thí nên uống nước đại bố thí, cơn khát bố thí tạm ngưng, nhưng các thứ khát khác không dứt, vì yêu thích bố thí. Tất cả chúng sinh dựa nơi ăn uống mà sống, đại bi cũng như thế, dựa nơi bố thí mà tồn tại. Pháp thân của Bồ-tát không nương vào ăn uống để được tồn tại. Đại bi là thức ăn để giữ gìn thân của Bồ-tát. Tâm bi như lửa mong muốn bố thí giống như đói, bố thí như thức ăn. Bồ-tát vui thích ban cho không hề có chán đủ. Tâm bi như biển cả, bố thí như đá ốc tiêu (Núi đá hút nước nơi đáy biển lớn), tâm cứu giúp là nước, như đá ốc tiêu nuốt hết dòng nước. Mong muốn hướng đến Bồ-đề lấy chúng sinh làm bạn, tâm bi làm thể, bố thí không hề chán đủ như biển, gồm thâu mọi dòng nước không bao giờ dừng dứt.

Tất cả chúng sinh đến

Đều mong cầu vật khác

Bồ-tát luôn ban cho

Tâm không có mỏi mệt.

Các chúng sinh khổ não

Thảy đều được diệt trừ

Giả như chưa dứt trừ

Tâm không hề chán đủ.

 

Phẩm thứ 4: THÍ CHỦ, NGƯỜI XIN TĂNG TRƯỞNG

Người có đại bi tức có thể ở nơi sinh tử bố thí tất cả để diệt trừ khổ của chúng sinh. Nếu đạt được như vậy là khéo an trụ trong sinh tử.

Phước đức trượng phu thiện

Tâm bi tay tuệ thí

Vượt bùn lầy bần cùng

Cứu người không tự thoát.

Tâm bi làm thể nên có khả năng hành đại thí diệt trừ khổ của chúng sinh. Như vào lúc nóng nực, mây mưa vần vũ nổi lên, mây đại bi phát khởi tuôn xuống cơn mưa lớn bố thí, phá bỏ sự bần cùng, như hủy hoại núi đá, cứu giúp kẻ bần cùng, nên bố thí không hề có giới hạn, khiến người nghèo khổ kia vĩnh viễn lìa đói khổ. Dùng mưa đại bố thí rưới khắp, tạo lợi ích cho tất cả, chúng sinh bần cùng hoàn toàn không còn ở nơi đau khổ. Bồ-tát vì cứu giúp chúng sinh nên lúc tu hạnh thí, ma cùng đám quyến thuộc đều sinh tâm đố kỵ buồn lo khổ não. Lúc Bồ-tát tu tập hành tài thí pháp thí vô lượng, thì các thứ tham lam keo kiệt ganh ghét thảy đều hoảng sợ, gào la, hết thảy các thứ ấy đều lo lắng, kinh hãi.

Tâm từ thân đoan nghiêm

Tâm bi là ngàn mắt

Thí là chày kim cang

Bồ-tát như Đế thích.

Thảy đều trừ diệt hết

A-tu-la bần cùng

Tâm Bi Bồ-tát: Cung

Đủ loại thí làm tên.

Phá giặc oán nghèo khổ

Vĩnh viễn không chốn trụ

Tâm bi gốc kiên cố

Ái ngữ dùng làm thân.

Nhẫn nhục làm cành, nhánh

Bố thí dùng làm quả

Người cầu là chim, nai

Người xin như gió lớn.

Thổi rụng quả bố thí

Kẻ nghèo được đầy đủ

Bồ-tát hiện nơi đêm

Tâm từ như trăng tròn.

Tịnh thí làm ánh sáng

Người cầu như sen trắng

Nhờ ánh sáng tịnh thí

Khiến đều được nở rộ.

Người xin đã được đầy đủ nên vui vẻ sung sướng, chuyển sang hành thí cũng như Bồ-tát. Thí cho người cầu xin kia lần lượt cùng nghe cũng như Bồ-tát. Bồ-tát bố thí tất cả đều nghe biết, những người bần cùng đều đến quy phục, như cây to lớn giữa đồng rộng người đi đường gặp lúc nóng bức đều tụ đến nghỉ ngơi. Mến mộ, yêu thích danh hiệu thù thắng của Bồ-tát nên đạt được nơi chốn tốt đẹp. Vì sao? Vì có thể khiến cho người cầu xin tìm đến, làm cho mình đạt được phước bố thí, vì phước bố thí nên gọi là đạt được nơi chốn tốt đẹp, tất cả chúng sinh đều quy tụ. Bậc Đại sĩ như thế thảy nên kính lễ. Tâm Bồ-tát hoan hỷ tức biết thân nhẹ nhàng, vì tướng này nên biết tất có người đến cầu xin. Nếu có người đến thưa với Bồ-tát: Có người cầu xin tới, Bồ-tát hoan hỷ tức lấy của cải ban thưởng cho sứ giả, Bồ-tát liền lấy vật khác bố thí người xin. Thấy người cầu xin đến thì hoan hỷ ái kính. Người cầu xin nói xin các thứ vật dụng, lúc nói lời này trong tâm Bồ-tát hiện rõ sự thương xót. Nếu có người cầu xin không biết thể tánh của Bồ-tát là vui thích bố thí, Bồ-tát cầm tay hoan hỷ chuyện trò, cũng như bạn thân. Tâm ý người kia không nhận biết, khiến sinh khởi tướng nhận biết. Người cầu xin kia có được của cải, vật dụng nên rất vui vẻ, người bên cạnh nhìn thấy cũng lại vui vẻ. Nguyện cho mình và người cứu giúp này trường tồn nơi thế gian. Đây chính là cứu giúp chân thật cho người cầu xin. Lúc Bồ-tát thấy người cầu xin thì thân tâm hoan hỷ, khuôn mặt tựa trăng tròn, khiến tâm người cầu xin kia cũng vui sướng như được cam lồ rưới nơi tâm. Bồ-tát vui vẻ hòa nhã, đem tâm từ bi nhìn người trước mắt như uống vị cam lồ. Ví như có người khó nhọc lắm mới làm ra được các vật dụng mang đến chợ bán, nếu bán được nhanh chóng thì tâm rất vui mừng. Lúc Bồ-tát được bố thí vật dụng cho người cầu xin, tâm vô cùng hoan hỷ vượt hơn điều ấy. Như người rất giàu có, của cải châu báu nhiều vô kể, ngàn con đầy đủ tùy ý ban cho, lòng càng thương yêu vui sướng, không bằng tâm vui vẻ tột cùng khi ban cho của Bồtát đối với người cầu xin. Bồ-tát khi thấy người cầu xin, tâm vô cùng hoan hỷ, hơn hẳn người giàu có kia thấy những người thân của họ. Hoặc thấy người trước được nhiều của cải châu báu, tùy tâm mặc ý tự chuộng giữ, Bồ-tát thấy vậy càng sinh tâm hoan hỷ. Nếu lúc nhìn thấy người cầu xin cất lời, tâm khao khát bố thí của Bồ-tát càng sâu nặng, tai nghe lời nói của người cầu xin như uống vị cam lồ. Hoặc nghe lời nói của người cầu xin, tâm sinh ái kính, thì không gì có thể hủy hoại được. Hoặc nghe đầy đủ thì trừ diệt tâm tham ái. Bồ-tát đối với người cầu xin thường sinh ý niệm yêu thương. Hoặc nghe đầy đủ âm thanh thì tâm ý tràn đầy vị yêu thương kia. Bồ-tát quán xét phước điền thọ thí trước, nếu như có người cùng với mình bằng, nhân đó thấy chúng sinh yêu thích tức cùng với mình bằng. Vì sao? Vì tâm yêu thích kia không được đầy đủ thì tâm thí của mình không chán lìa. Tâm của các chúng sinh kia là yêu thích đại thí chủ.

Bồ-tát thấy nhiều người cầu xin cũng sinh tâm ái kính sâu xa. Người cầu xin ấy thường cầu nơi người bố thí, muốn cầu người bố thí luôn ban cho những gì người cầu xin mong có. Bồ-tát thường cùng với người cầu xin ở thế gian, đều đến nơi người bố thí để cầu xin. Bồtát chính vì người cầu xin mà bố thí. Người cầu xin nghe người bố thí không còn của cải châu báu thì sinh khổ não vô cùng. Lúc người cầu xin không được, tâm Bồ-tát sinh ưu não vượt quá người kia trăm ngàn vạn lần. Đối với người cầu xin, Bồ-tát suy nghĩ: “Đức Phật dạy cầu không được thì khổ, thật đúng như vậy”. Bồ-tát đối với người cầu xin sinh khởi ý tưởng khó gặp. Vì sao? Vì nếu không có người cầu xin thì bố thí Ba-la-mật không đầy đủ, quả vị Bồ-đề Vô thượng tức không thể đạt được, thế nên đối với người cầu xin sinh bi não lớn. Nếu có người cầu xin thì đạo quả Bồ-đề Vô thượng mới có thể đạt được không khó. Bồ-tát nghe người cầu xin nói: “Xin ban cho tôi” thì tâm sinh hoan hỷ, người này tức ban cho mình nhân của quả vị Bồ-đề Vô thượng. Chúng sinh ngu tối ở thế gian nếu nghe cầu xin của cải vật dụng thì sinh khinh mạn, không hề ái kính. Bồ-tát nghĩ, sở dĩ gọi là người cầu xin, vì chúng sinh phần lớn là ngu tối, do tâm keo kiệt nên tạo ra tên gọi xấu ác. Những người như vậy đâu có thể gọi là người bố thí. Tuy có của cải nhưng lại không có tâm bố thí. Tuy có tâm bố thí của cải nhưng lại không có người thọ nhận. Nếu đầy đủ ba việc ấy thì người này là đại phước đức. Như có người nghèo khổ gặp được kho báu lớn, cũng sinh tâm sợ hãi. Hoặc do vua quan, trộm cướp. Hoặc lửa nước ập đến bất ngờ cuốn trôi, thiêu rụi. Gặp người bạn thân nói: “Tôi nay vì ông tạo các phương cách khiến không mất mát, nên lập tức vui mừng vô cùng”. Bồ-tát gặp được người cầu xin dùng làm bạn tốt, tâm vô cùng hoan hỷ cũng lại như vậy. Tâm bi của Bồ-tát bao trùm tất cả mọi nơi chốn, đối với người cầu xin kia sinh lòng thương xót đặc biệt. Tâm bi của Bồ-tát thấy người cầu xin luôn vui vẻ hòa nhã, khiến người cầu xin kia khởi tưởng tất sẽ đạt được. Lúc người cầu xin nhìn thấy nét mặt vui vẻ hòa nhã của Bồ-tát, liền khởi tưởng nhất định đạt được. Bồ-tát khi nhìn thấy người cầu xin, nói: “Ông nay muốn những gì, tùy ý mà lấy”. Rồi nói lời an ủi: “Hãy đến đây Hiền giả! Chớ nên sinh sợ hãi, ta sẽ làm nơi nương dựa cho ông!”. An ủi người cầu xin với vô số lời như thế, thường dùng ái ngữ khiến cho tâm người cầu xin cảm thấy mát mẻ. Bao nhiêu của cải châu báu tùy ý ban cho. Những người cầu xin luôn đầy lửa tham, Bồ-tát thường dùng sữa bố thí để diệt trừ lửa tham cầu. Nếu người có thể bố thí những loại như vậy, gọi là người sống, nếu không thể hành trì như thế gọi là người chết. Người thọ nhận bố thí được của cải vật dụng nhiều, những người khác thấy vậy đều hoan hỷ khen ngợi. Bấy giờ, Bồ-tát đối với quả Bồ-đề chắc chắn có thể đạt được. Tâm bi tịnh tức bố thí thanh tịnh, nếu không có tâm bi thì bố thí không thể thanh tịnh. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Người khéo điều phục thuận theo ý, là cung kính tâm bi thù thắng nên có thể khiến cho bố thí được thanh tịnh”. Bồtát thấy người bần cùng thì tâm bi hiện bày vô cùng sâu nặng, chúng sinh nghèo khốn cùng cực được Bồ-tát bố thí khiến trở thành giàu có, ví như có người được ngọc báu Như ý, mong muốn gì đều đạt được. Những người bần cùng được gặp Bồ-tát thì tất cả sự nghèo khổ thảy đều trừ diệt. Bồ-tát trước hành tài thí, tiếp theo là xả bỏ người thân của mình, sau đó xả bỏ tay chân, tiếp tục là xả bỏ thân mạng, như thế dần dần theo thứ lớp hành xả thí. Bồ-tát hướng về người cầu xin ban cho những của cải, bảo cho người cầu xin biết mình sẽ ban cho những gì thân thiết của mình. Hoặc người cầu xin tự đến trước mặt Bồ-tát cầu xin ban cho tay chân. Hoặc cất tiếng cầu xin nên xả bỏ thân mạng. Hoặc người không đến nhưng Bồ-tát tự hướng tới để bố thí. Có người tới cầu xin hãy còn xả bỏ thân mạng, huống gì là của cải mà không ban cho. Bồ-tát thành tựu tâm bi giống như tự thể của chính mình chưa từng lìa bỏ. Thấy người đến cầu xin, đối với tự thân đã sinh khởi tưởng là của người khác. Trong thân Bồ-tát sinh ra sự buồn bực khổ sở. Vì sao ngu si là đối với thân ta sinh khởi tưởng nơi người khác? Nên nói với người cầu xin: “Tất cả của cải trước đó đều ban cho ông, đều là của ông, nay ông chỉ việc lấy, vì sao nói là xin?”. Những người cầu xin nói: “Thấy cho vào lúc nào?”. Bồ-tát trả lời: “Trước đây ta ở trước Đức Tôn quý trong ba cõi phát thệ nguyện rộng lớn. Lúc này ban cho ông, nay ông vì sao còn phải cầu xin nơi ta?”. Bồ-tát phát tâm nguyện cho tất cả chúng sinh đối với của cải vật dụng của mình sinh khởi tưởng là chính của họ có. Như sông Tân-đầu, chim chóc muông thú hướng đến nơi đó tùy ý uống nước, không có gì ngăn trở giữ gìn. Ban cho hay không ban cho, trước kia đã lìa bỏ tất cả, nên không nói là ban cho, lại cũng không sinh tâm hoan hỷ. Vì sao? Vì trước kia đã ban cho tất cả, đã xả bỏ tất cả, khiến các chúng sinh đều được an vui. Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh chỉ là người đi sứ, tất cả chúng sinh đều là thí chủ. Lúc tâm của những người bần cùng đầy đủ, bấy giờ bố thí Ba-la-mật của Bồ-tát đều được đầy đủ. Lúc bố thí Ba-la-mật đầy đủ thì biết công đức đầy đủ.

Khi người tham lam bỏn sẻn thấy người cầu xin thì quay mặt đi. Lúc người tu tập công đức thấy người cầu xin thì hoan hỷ chiêm ngưỡng, thân cận, người cầu xin liền đạt được. Bồ-tát khi bố thí thấy người thọ nhận bố thí lần lượt bố thí lẫn nhau càng sinh hoan hỷ. Tất cả chúng sinh cùng vui vẻ ca ngợi, Bồ-tát nghe sự tán thán đó thì tâm vui sướng, hơn hẳn niềm vui được giải thoát. Lúc tâm bi của Bồ-tát hành bố thí, thấy tất cả chúng sinh được nhiều của cải vật báu tràn đầy vui sướng, những chúng sinh đều được vui sướng rồi, lại phát nguyện: “Con sẽ mãi ở nơi sinh tử tu tập các công đức, không cầu mong giải thoát”. Bồ-tát thấy chúng sinh có thể ở lâu dài nơi sinh tử, tâm vô cùng hoan hỷ, mình nay đạt được quả báo hiện tại, giả như không đạt được Bồ-đề cũng đã là đầy đủ.

 

Phẩm thứ 5: GIẢI THOÁT THÙ THẮNG

Bồ-tát suy nghĩ: Người luôn luôn thích sự giải thoát thù thắng đi đến giác ngộ cho mình, người kia đến không vì của cải châu báu, nhưng vì muốn thành tựu đại sự của mình nên đến. Bồ-tát hoặc làm vua cõi người, người tu tập các công đức tới thưa với nhà vua: Có người cầu xin đến. Nhà vua lại nghĩ: Nói người cầu xin này, chính là sự giải thoát thù thắng đến, ta nay đạt được điều đó. Nhà vua lại nghĩ: Ta nay không tham đắm vương vị, vì muốn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, không nên an nhàn ngồi ở ngôi vua, phải nên tu tập đầy đủ quả bố thí, sứ giả kia chính là người giác ngộ cho ta. Đã là người cầu xin thì dung mạo rất khó coi, tâm ý hay hổ thẹn, lời nói sắc mặt biến đổi khác lạ. Bồ-tát tức biết ý nghĩ đó nên an ủi: Nếu cần gì cứ tùy ý cầu xin! Người cầu xin đã được của cải vật dụng nên tâm vui mừng vô cùng. Người bố thí, người thọ nhận, cả hai cùng vui vẻ, giống như niềm vui của Niết-bàn an lạc.

Sinh tử nơi ba cõi luôn thiêu đốt tạo khổ lớn, Bồ-tát ở đấy xem như là Niết-bàn an lạc. Vì sao? Vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, Bồ-tát suy nghĩ: Thương xót chúng sinh, chính là sự giải thoát của mình, đem ân đức bố thí to lớn cứu tế chúng sinh, chúng sinh được vui sướng tức là mình được giải thoát. Tuy tiếp tục bố thí rộng lớn nhưng không có tâm bi thì không gọi là bố thí. Nếu đem tâm bi bố thí rộng lớn tức là giải thoát. Bồ-tát lại nghĩ: Ngày xưa mình ở trước Đức Tôn quý nơi ba cõi nghe pháp giải thoát cực lạc, nay mình đã chứng được. Vì sao? Vì hợp ý bố thí tức là giải thoát. Nếu giải thoát an lạc của A-la-hán tương tợ với sự an lạc của bố thí từ tâm bi phát khởi thì mình sẽ ái mộ, nếu không tương tợ thì mình không thể ái mộ, chỉ ái mộ sự an lạc của bố thí để được giải thoát. Tâm bi phát khởi bố thí đạt được an lạc không gì có thể sánh. Niềm vui giải thoát của sự bố thí không có tâm bi trăm ngàn vạn phần không thể làm thí dụ được, so với sự an lạc đạt được do tâm bi bố thí, nếu có thể dùng dụ để thí dụ, thì thật là vô cùng to lớn, nên không thể thí dụ.

 

Phẩm thứ 6: THÍ CHỦ TĂNG TRƯỞNG

Tâm bi phát khởi bố thí có thể ban cho chúng sinh an lạc lớn. Như vậy người bố thí ban cho chúng sinh sự an lạc ấy là thù thắng, hơn sự giải thoát, nên gọi là tối thắng. Người bố thí trở thành niềm an lạc cho người khác. Vì người tu tập tâm bi đối với tất cả chúng sinh, tâm đạt được bình đẳng, người như vậy gọi là Đàn-việt. Người không thể bố thí như thế gọi là người cầu xin. Nếu lúc hành thí, khiến cho người nghe thương cảm xót xa, đó gọi là thiện thí, nếu không như vậy thì không gọi là thiện thí thủ. Nếu hành thí có thể khiến cho con cháu người thọ nhận tùy ý thọ dụng, vui vẻ ngợi ca, gọi là người bố thí dũng mãnh. Nếu cầu xin mới bố thí không gọi là thí chủ, tự hướng đến bố thí mới gọi là thí chủ. Nếu xả bỏ tất cả của cải vật dụng nhưng tâm còn luyến tiếc mà bố thí không gọi là thí chủ. Người có tâm bi tuy không cho vật dụng, cũng gọi là đại thí chủ. Những người đến cầu xin mong muốn, đều khiến theo ý xứng hợp với hy vọng ban đầu của họ, gọi là thiện thí chủ. Không thể xứng hợp với hy vọng ban đầu của họ, cho dù rất giàu có vẫn gọi là bần cùng. Người giàu có tuy cấp cho nhưng không có tâm thương xót, gọi là ban cho, không gọi là thí chủ. Tâm thương xót bố thí mới gọi là thí chủ. Nếu không tạo sự ăn uống không có quả báo, bố thí tuy là ban cho nhưng không gọi là bố thí. Bố thí không có tâm bi tuy là ban cho nhưng không gọi là bố thí. Người có tâm bi tuy lại không bố thí nhưng vẫn gọi là bố thí. Nếu người vì cầu phước báo mà bố thí được gọi là người bố thí, thì người buôn bán cũng có thể gọi là bố thí. Nếu bố thí cầu phước báo thì quả báo hãy còn vô lượng, huống chi là có tâm bi, bố thí không cầu báo thì phước báo sao có thể nêu tính được. Nếu bố thí cầu phước báo thì chỉ có thể tự mình vui sướng, không thể cứu giúp nhiều người vì chỉ có riêng mình khó nhọc. Người đem tâm bi bố thí có thể tạo sự cứu giúp, về sau đạt được quả lại có thể tạo lợi ích to lớn. Người bần cùng không giống như người có của cải. Người có của cải không giống như người có thể ăn uống. Người có thể ăn uống không giống như người có thể bố thí. Người đem tâm bi bố thí là người tốt nhất đối với tất cả chúng sinh. Người giàu có nên bố thí. Người bố thí nên có tâm bi. Người giàu có thường bố thí thì sự giàu có được bền vững. Người bố thí thường có tâm bi thì bố thí được chắc chắn. Người tu hạnh thí được giàu có. Người tu hạnh định được giải thoát. Người tu tập tâm bi đạt được Bồ-đề Vô thượng thù thắng nhất trong các quả.

 

Phẩm thứ 7: CUNG KÍNH NGƯỜI CẦU XIN

Bồ-tát suy nghĩ: Nhân nơi người cầu xin kia nên đạt được Bồđề. Ta nên đem quả vị Bồ-đề này hướng về ban cho tất cả chúng sinh, vì để báo ân. Nay ta nhờ bố thí cho chúng sinh nên đạt được niềm an lạc không gì sánh kịp. Nhân nơi niềm an lạc này nên thành tựu được Bồ-đề. Như vậy, quả vị Bồ-đề ta sẽ ban cho người cầu xin. Ta nay nhân nơi bố thí cho người cầu xin nên đạt được sự an vui hơn hẳn niềm an lạc của giải thoát. Sự an lạc nhân nơi bố thí thành tựu hãy còn như thế, huống chi là Bồ-đề Vô thượng, ta nên xả bỏ để bố thí cho những người cầu xin. Như vậy, ân đó rất sâu nặng, không thể nào báo đền được đối với người cầu xin. Như thế, người cầu xin chính là nhân tố có thể đem lại cho ta sự an lạc lớn. Nếu dùng của cải châu báu để báo ân thì không đủ, nên đem quả Bồ-đề Vô thượng đã đạt được để ban cho họ. Nhờ vào phước của ta, nguyện cho người cầu xin vào đời vị lai cũng như ta hiện nay thành đại thí chủ. Tâm Bồ-tát tự suy nghĩ: Nhân nơi người cầu xin nên được niềm diệu lạc của bố thí, khiến cho người cầu xin đạt được Bồ-đề Vô thượng, là pháp thí nơi đàn-việt. Những người cầu xin thấy Bồ-tát bố thí rộng lớn, bèn hỏi Bồ-tát: Vì cầu những gì mà hành bố thí rộng lớn? Bồ-tát trả lời cho tất cả: Ta nay không cầu quả báo nơi nẻo trời người hay Niết-bàn của hàng Thanh văn mà nguyện đạt được đạo quả Bồ-đề Vô thượng để cứu độ tất cả chúng sinh. Những người tham lam keo kiệt lại suy nghĩ, hỏi: Bồ-tát làm thế nào có thể hành bố thí rộng lớn, tâm không hề chán mệt? Bồ-tát trả lời: Thầy ta là bậc tôn quý nhất trong ba cõi luôn thương xót nghĩ đến tất cả chúng sinh. Ta nay không lấy gì để báo đền ân đức của Thầy, cho nên hành thí không hề chán mệt. Tất cả sự an lạc không gì hơn được niềm an vui của giải thoát. Ta yêu thương chúng sinh hơn yêu thích giải thoát. Ta vì yêu thương nghĩ đến chúng sinh, muốn khiến họ được giải thoát, nên tu tập các hạnh bố thí. Nếu sinh tử không là khổ cùng cực, thì ta bố thí suốt đời, không mong cầu Bồ-đề. Do sinh tử khổ nên ta bố thí để cầu đạt Bồđề. Dứt trừ sinh tử khổ đau kia thì ai là người thực hành? Phiền não do những nghiệp đã tạo tác, nên khiến tất cả chúng sinh lấy tâm bi làm thể để luôn vui thích bố thí.

 

Phẩm thứ 8: THÍ CHO KẺ BỎN SẺN

Người không nghĩ đến ân đức là không có tâm bi. Nếu không có tâm bi thì không thể hành bố thí. Nếu người không bố thí thì không thể cứu độ sinh tử của chúng sinh. Người không có tâm bi lại không hề có thân hữu. Người có tâm bi mới luôn có thân hữu. Kẻ chấp ngã là lấy ái làm thể. Người cứu tế lấy bi làm thể. Tâm có nặng về ái không có người nhận biết. Người nặng về tâm bi cũng không thể nhận biết. Nếu không hành thí thì tâm bi bị che lấp, như đem khắc vào đá mới biết rõ thật giả. Nếu gặp người bị khổ ách có thể hành đại thí tức biết là có tâm bi. Người tâm bỏn sẻn nhiều, giả như người thân của họ đến cầu xin, tức trở thành oán ghét. Người tâm bi nhiều, giả như gặp oan gia cũng xem như là thân hữu. Người tâm keo kiệt nhiều, tuy bố thí bùn đất nhưng xem nặng như vàng ngọc. Người tâm bi nhiều, tuy bố thí vàng ngọc nhưng xem nhẹ tựa cỏ cây. Người tâm keo kiệt nhiều, khi mất mát của cải châu báu thì vô cùng sầu não. Người tâm bi nhiều, tuy có của cải châu báu nhưng khi không có nơi bố thí thì tâm u hoài buồn khổ, còn hơn kẻ kia. Người xả bỏ của cải vật dụng gồm có hai loại: Một là lúc mạng chung thì xả bỏ. Hai là lúc bố thí thì xả bỏ. Người xả bỏ lúc mạng chung, tất cả đều xả bỏ, không mảy may nào còn lại đến đời sau. Người xả bỏ lúc bố thí, thì bố thí một ít của cải vật dụng, đạt được quả báo lớn. Đâu có người biết, gặp phải tai họa này mà không hành thí? Nếu lúc hành thí, khiến cho người thọ nhận vui mừng, thì tự mình cũng vui thích. Nếu người không thể sinh niềm vui thích sâu xa, tức là tự mình khinh dối. Nếu có người cầu xin mong được của cải vật dụng, vì cầu mong có, nên khi ban cho chút ít của cải, tâm họ liền vui vẻ. Lại có người bố thí tự mình hướng đến kẻ cầu xin để ban cho, không hề mong quả báo khi hành thí rộng lớn, tài sản vật dụng còn lại chút ít, nhưng tâm an vui không thể thí dụ được. Nếu có thức ăn ngon, nhưng không bố thí, chỉ để ăn thì không thể lấy làm ngọn được. Giả như tạo thức ăn dở nhưng hành thí, sau đó mới ăn, tâm ý vui thích nên lấy làm rất ngon. Nếu hành thí xong, thức ăn còn lại, tự mình thọ dụng, bậc trượng phu thiện sinh tâm hoan hỷ, như đạt được Niết-bàn, người không có tâm tín thì sao tin nổi lời này? Giả như người có thức ăn ngon, thấy người đói khát đang ở trước mặt, không thể ban cho họ, người này thức ăn hãy còn không thể thí cho, huống gì là sự giải thoát thù thắng lại có thể ban cho người khác? Giả sử khiến có được nhiều của cải, có người đến cầu xin, hãy còn không có tâm thí, huống gì là chỉ có chút ít tài sản vật dụng. Không thấy người này ở trong sinh tử có một chút nơi chốn an lạc, huống gì là có thể trụ ở Niết-bàn. Như người ở bên bờ sông lớn nhưng không thể lấy chút ít nước ban cho kẻ khác. Trong vô lượng khổ não của sinh tử, ông chớ nên trụ ở đấy, chỉ có thể mau chóng đi vào Niếtbàn. Như có dòng nước lớn muốn bố thí nước cho người không lấy gì làm khó. Như có tâm bi muốn giữ lấy Niết-bàn cũng không gọi là khó. Phân đất nơi thế gian dễ có được hơn nước, người tham lam keo kiệt nghe xin phân đất cũng còn ôm lòng tiếc huống chi là của cải vật dụng.

 

Phẩm thứ 9: TÀI VẬT THÍ

Như có hai người, một rất giàu có, một thật nghèo khổ. Có người cầu xin đến, hai người như vậy đều mang tâm khổ não. Người có của cải thì lo sợ sự cầu xin. Người không có tài sản thì nghĩ mình phải làm sao có được chút ít của cải để ban cho. Như thế, sự sầu khổ của hai người tuy giống nhau, nhưng quả báo đều khác. Người suy nghĩ xót thương sầu não, sinh trong hàng trời người, thọ nhận vô lượng an lạc. Người tham lam keo kiệt sinh trong nẻo ngạ quỷ, nhận chịu vô số khổ não. Nếu Bồ-tát có tâm thương xót, ở trước chúng sinh liền cho là đầy đủ, huống gì là chỉ ban cho chút ít tài sản. Như người giàu có gồm đủ mọi thứ của cải châu báu, tùy ý sử dụng, tâm sinh vui sướng. Tâm bi của Bồ-tát nghĩ đến bố thí luôn xót thương sầu não, vượt quá người này trăm ngàn vạn lần. Người có tâm bi nhưng không có tài sản, lúc gặp người cầu xin trong tâm không nỡ nói không thương xót, rơi lệ. Người thấy sự khổ não không thể rơi nước mắt, sao có thể gọi là người tu hạnh bi? Người chiến thắng, giả như nghe người khác khổ đau hãy còn không thể chịu đựng nổi, huống hồ mắt nhìn thấy người khác khổ não lại không cứu giúp? Không thể có điều ấy. Người có tâm bi thấy chúng sinh bần cùng khổ sở, nhưng không có tài sản vật dụng để có thể chu cấp, tâm xót thương than thở không thể nào thí dụ. Người cứu giúp chúng sinh, thấy chúng sinh nhận chịu khổ đau, thương xót khóc than, vì khóc than nên biết tâm của người đó mềm dịu, thể thanh tịnh của Bồ-tát thảy đều hiển hiện. Vì sao? Vì biết sự hiển hiện đó, rơi nước mắt khi nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh, do đấy nên biết được thể thanh tịnh mềm dịu của Bồ-tát. Tâm bi của Bồ-tát giống như tuyết tụ, tuyết tụ gặp mặt trời đều tan ra. Tâm bi của Bồ-tát có ba lúc: Một là thấy người tu tập công đức, vì ái kính nên vì thế mà rơi lệ. Hai là thấy chúng sinh khổ não, không có công đức, vì thương xót nên rơi lệ. Ba là lúc tu tập đại thí, vui buồn phấn khích lại cũng rơi lệ. Nghĩa là nước mắt của Bồ-tát tuôn rơi từ xưa đến nay nhiều hơn nước nơi bốn biển lớn. Chúng sinh ở thế gian xa lìa quyến thuộc buồn đau than khóc lệ rơi không sánh bằng nước mắt buồn thương của Bồ-tát khi nhìn thấy chúng sinh nghèo khốn khổ sở nhưng mình không có của cải để bố thí. Bồ-tát nhập thiền định cứu chúng sinh, tâm hết sức an lạc tương ưng với kho báu vô tận tự nhiên hiển xuất, tất cả người cầu xin tự nhiên tìm đến. Bậc trượng phu thiện có thể đem tài sản vật dụng bố thí rộng lớn cho người cầu xin. Người cầu xin có được tài sản rồi cũng hành thí rộng rãi. Bồ-tát có thể đem của cải vật dụng bố thí cho chúng sinh, khiến tất cả được đầy đủ sung túc, do tâm bi bình đẳng nên chỉ nghe âm thanh của người cầu xin cũng đã xót xa rơi nước mắt. Người cầu xin nhìn thấy Bồ-tát rơi nước mắt, tuy không nói ban cho, nhưng biết là chắc chắn có được. Bồ-tát không thấy người cầu xin đến, sinh tâm buồn khổ vô cùng, lúc người cầu xin có được của cải, sinh tâm vui mừng nên buồn khổ được trừ diệt. Lúc Bồ-tát nghe người cầu xin thưa nói, thương xót rơi lệ, không thể tự ngăn. Người cầu xin thưa nói xong, bấy giờ tâm Bồtát mới nén lại. Bồ-tát tu hành các hạnh bố thí đầy đủ cho chúng sinh rồi, liền đi vào rừng núi tu hành thiền định. Làm thế nào để diệt trừ các thứ họa khổ nơi ba độc của chúng sinh? Tài vật của Bồ-tát nhiều vô cùng nhưng không có người cầu xin để bố thí, ta nay làm sao giữ lấy chúng được. Phải nên xả bỏ để xuất gia.

 

Phẩm thứ 10: XẢ NHẤT THIẾT

Bồ-tát có rất nhiều tài sản nhưng không có người cầu xin, gọi họ không đến, Bồ-tát suy nghĩ: Phải nên đoạn trừ các kiết sử. Do không có người đến cầu xin tâm bi của Bồ-tát càng bị ràng buộc do các khổ đau của tất cả chúng sinh, nên phát nguyện cứu độ hết thảy. Những gì chúng sinh tìm cầu, Bồ-tát đều xả bỏ, không vật gì là không ban cho. Nhằm cầu trí Phật tối thượng để cứu độ tất cả chúng sinh, tôn trọng người có tâm bi thù thắng, muốn hành trì cứu giúp thì vật gì không xả bỏ. Người có tâm bi, vì người khác nên Niết-bàn hãy còn xả, huống chi là xả thân. Xả bỏ thân mạng, tài sản có những khó gì? Người xả bỏ tài sản không bằng xả bỏ thân mạng. Người xả bỏ thân mạng không bằng xả bỏ Niết-bàn. Niết-bàn hãy còn xả bỏ thì có gì là không xả bỏ? Tâm bi thấu triệt tận xương tủy, tức đạt được bi tự tại. Người thực hiện cứu độ là Bồ-tát thì hành thí rộng lớn hoàn toàn không có gì khó khăn. Là người thân thiết nhất của tất cả chúng sinh, làm nhân hướng đến nơi an lạc cho mọi người. Bi là xả bỏ tất cả, lìa mọi sự chán mệt, đích thực cứu giúp mọi chúng sinh, oán thân bình đẳng. Thân mạng hãy còn ban cho thì có vật gì là không xả bỏ được. Tất cả chúng sinh luôn coi trọng đến của cải lợi lộc, nhưng yêu quý thân mạng hơn tài sản. Hết thảy chúng sinh xả bỏ tài sản thì dễ, xả bỏ thân mạng là khó. Bồ-tát xả bỏ tất cả của cải vật dụng, có được hoan hỷ không bằng sự hoan hỷ thù thắng đạt được khi xả bỏ thân mạng. Bao nhiêu ý vị của bố thí thảy đều biết rõ, vì bố thí là thức ăn, nhờ đó nên được tồn tại. Người ban cho người khác niềm vui, muốn biết ý vị của sự bố thí thân mạng, nên bố thí thân mạng, gặp người khác cầu xin tay chân, thân thể, trong tâm hoan hỷ hơn hẳn sự hoan hỷ xả bỏ tài sản. Như người vui thích bố thí, đạt được niềm vui hoan hỷ, không bằng sự hoan hỷ thù thắng của Bồ-tát đạt được khi xả bỏ thân mạng. Con người nơi châu Diêm-phù-đề là người cầu xin tài sản vật dụng, vì phước đức vô ngã nên được người cầu xin thân mạng tới. Người xả bỏ tài sản thì tài sản do người khác hoặc không hợp ý. Người xả bỏ thân mạng thì chính mình được tự tại, tùy ý ban cho không vì người khác. Thân này là vật không vững bền, không cố định, mau chóng suy yếu. Người luôn ái niệm có thể mau chóng giữ lấy. Những người ăn thịt nói với Bồ-tát: Nay ông đem máu thịt nóng thí cho tôi, tôi nên lấy gì để báo ân? Bồ-tát trả lời: Nếu muốn báo ân thì lại nói với người khác: Người có tâm bi có thể bố thí máu thịt thân, nên đến đó nhận lấy. Nếu có thể như thế thì chính là báo ân. Nói với người cầu xin: Nay ông vì tôi giữ lấy thân không bền chắc, khiến tôi đạt được thân bền chắc, ân của ông thật sâu nặng, lấy gì báo đáp được. Quả xả thân trong đời vị lai, tức dùng thí cho ông. Tôi vì cứu giúp tất cả chúng sinh, nên xả bỏ thân mạng. Người xả bỏ thân mạng đạt được pháp thân. Người đạt được pháp thân thì đạt được Nhất thiết chủng trí, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được quả ấy. Người xả bỏ thân mạng này đạt được pháp thân, pháp thân ấy luôn ban bố lợi ích cho tất cả chúng sinh. Có thể suy nghĩ như vậy, vì sao không sinh vui mừng, mau chóng xả bỏ thân mạng này? Lúc Bồ-tát xả bỏ thân mạng, tư duy như vầy: Ta vì chúng sinh làm người thân hữu. Ta do vượt qua sinh tử, cần phải cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi sinh tử. Thế nên nay ta xả bỏ thân mạng.

Bồ-tát tư duy như vầy: Ta xả bỏ thân mạng này, công đức không thuộc về mình, cũng chẳng phải cho nhiều chúng sinh, mà còn vì nuôi dưỡng công đức pháp thân cho mình. Nếu lúc tâm quyết định như vậy, thì ý tưởng xả bỏ thân mạng không có gì khó. Sở dĩ Bồ-tát xả bỏ thân mạng không khó, vì sẽ thành tựu pháp thân, cho nên hoan hỷ. Người tham ái sâu nặng, phần lớn khi đạt được tài sản thì vui mừng vô cùng, không sánh bằng sự hoan hỷ xả bỏ thân mạng của Bồ-tát, hơn người trước trăm ngàn vạn lần. Bồ-tát dùng trí tuệ, tâm bi làm thể, vì chúng sinh nên cầu đạt pháp thân. Bồ-tát xả bỏ thân mạng thì vui mừng, vượt xa người thế gian, đạt được mọi diệu lạc tự tại của bậc Chuyển luân Thánh vương. Như chủng tộc Sát-đế-lợi, nếu phá tan trận địa của quân địch, có thể xả bỏ thân mạng, được sinh lên cõi trời, lúc xả thân mạng thì vui mừng vô cùng. Bồ-tát dùng trí tuệ tâm bi xả bỏ thân mạng thì sự hoan hỷ vô cùng thù thắng, càng vượt hơn đối với những người Sát-đế-lợi kia. Chúng sinh phàm ngu vì tài lợi nên xả bỏ thân mạng ở nơi trận địa của quân địch, muốn thành tựu giải thoát, nên có kẻ lao vào đá, nhảy vào lửa, bỏ mạng vô số, huống chi là Bồ-tát dùng trí tuệ, tâm bi, vì tất cả chúng sinh, lại không xả bỏ thân mạng? Chúng sinh ngu si dùng tâm ái chấp làm quốc độ nên xả bỏ thân mạng. Bồ-tát dùng trí tuệ tâm bi, vì muôn vật nên xả bỏ thân mạng, đâu đủ để gọi là khó. Lúc Bồ-tát phát thệ nguyện, tất cả đều xả bỏ, tuy có nói lời ấy, nhưng tất cả chúng sinh thật sự chưa được lợi ích, nên Bồ-tát tu hạnh bố thí. Lúc ấy, tất cả chúng sinh đạt được lợi ích thọ dụng, nên Bồ-tát xả bỏ thân mạng không đủ cho là khó. Biết rõ thân là vô thường, khổ, không, bất tịnh, vì chúng sinh nhưng không lìa bỏ đấy tức là khó. Bồ-tát tâm bi vì chúng sinh nên xả bỏ thân mạng không đủ là khó, vui thích xả bỏ, không có chán đủ, đấy mới là khó. Giả sử khiến một phàm phu làm xoay chuyển đại địa, lực không thể làm được nên sinh buồn khổ vô cùng. Lúc Bồ-tát thấy chúng sinh đau khổ nhưng chưa được độ thoát, tâm ý xót thương sầu não lại vượt quá hơn thế. Vì tâm bi, Bồ-tát quán thân nhẹ như cỏ, đất, nên vì chúng sinh xả bỏ thân mạng đâu đủ là khó. Như người vì bản thân mình nên trong một niệm thọ giới không sát hại, người này mạng chung tất sinh lên cõi trời. Bồ-tát vì chúng sinh nên xả bỏ thân mạng, tất cả công đức hiện có trong nẻo sinh tử, không có nơi chốn để dung nạp, chỉ đến Bồ-đề mới có thể thâu nhận. Nếu lúc Bồ-tát nghe có người đến cầu xin thân mạng, tức thời sinh khởi niệm: Đã từ lâu ta phát tâm xả bỏ thân mạng này không còn tự giữ lấy. Vậy theo ta cầu xin tất cho ta còn có tâm tham tiếc nên thử tha đấy.

 

Phẩm thứ 11: XẢ ẤM THỌ ẤM

A-la-hán xả bỏ thân cuối cùng đạt được Niết-bàn an lạc, không sánh bằng sự an lạc lúc Bồ-tát vì chúng sinh xả bỏ thân mạng. A-lahán đạt được giải thoát, không bằng sự an lạc lúc Bồ-tát vì chúng sinh nên thọ thân. Bồ-tát sinh khởi niệm: Ta do không thủ chứng Niết-bàn, là vì chúng sinh nên thọ thân này, là sự vi diệu tột cùng. Bồtát lại nghĩ: Ta xả bỏ thân mạng dùng để bố thí, lại tiếp tục thọ thân, không vào giải thoát, thật là tối thắng. Ta vui thích khi nghe công đức cứu độ chúng sinh của Như Lai, nên ta dốc đạt được pháp vị của tâm bi cứu giúp chúng sinh, không thủ chứng Niết-bàn, việc này thật là đáng yêu thích. Lúc Bồ-tát vì chúng sinh xả bỏ thân mạng để bố thí, tuy không chứng Niết-bàn, nhưng hơn hẳn người đạt được Niết-bàn, vì người kia không có được pháp vị vì chúng sinh xả bỏ thân mạng. Bồ-tát thọ thân ấm này là chấp nhận đi vào nẻo sinh tử đau khổ, cũng như những sự vui thích lúc xả bỏ thân mạng cho chúng sinh, không có gì sai khác. Phàm phu thế gian vì sự trói buộc bức bách của bần cùng, bệnh khổ, không thể xả bỏ thân mạng để xa lìa vui thú dục lạc. Chúng sinh chán ghét, lo lắng thân ấm không ai có thể cứu giúp, nên mong muốn mau chóng vào Niết-bàn. Bồ-tát tư duy: Niết-bàn thật an lạc, thân ấm sinh tử là cùng cực khổ đau. Ta nên thay thế cho tất cả chúng sinh nhận chịu sự khổ đau của thân ấm này, khiến họ được giải thoát. Thân A-la-hán tận, thân Phật cũng tận. Thân tận tuy đồng, nhưng không thể cứu độ, vì thân Phật diệt độ là thiện.

 

Phẩm thứ 12: XẢ THÂN MẠNG

Bồ-tát vì cầu đạt Nhất thiết chủng trí, nên khởi tâm đại bi, vì tất cả chúng sinh, xả bỏ thân xả mạng, đạt được quả báo chẳng không. Nếu tất cả sự xả thân không đạt được quả báo gọi là không xả thân. Bồ-tát xả thân vì muốn khiến cho những chúng sinh đang tham đắm của cải sinh tâm hổ thẹn. Bồ-tát vì chúng sinh nên xả bỏ thân mạng, dễ hơn người tham tiếc xả bỏ một nắm cơm. Bồ-tát xả bỏ thân mạng vì nhằm khiến cho những kẻ tham lam keo kiệt sinh tâm xấu hổ. Bồtát sở dĩ bố thí thân mạng là để hộ trì mạng sống của người khác. Vì sao? Vì mạng của người khác tức là mạng của mình. Bồ-tát tuy xả bỏ thân mạng nhưng không cứu giúp được người khác, đấy là xả vì quán xét lỗi lầm của thân ấm. Bồ-tát vì tạo lợi ích cho chúng sinh nên lại tiếp tục thọ thân. Nếu chẳng phải đại bi, sao người có trí lại vui thích thân ấm? Nếu không có đại bi, thì ý vị của sự bố thí ấy không thể khiến vui thích nơi sinh tử. Bồ-tát luôn vui thích hành thí, đại bi tự tại, tùy ý thọ thân sinh tử như an vui nơi Niết-bàn.

 

Phẩm thứ 13: HIỆN BI

Tâm bi vô cùng rộng lớn của Bồ-tát luôn hiện hữu trong thân nhưng không có người nhận biết. Lúc Bồ-tát xả bỏ thân mạng thì tất cả hàng trời người vì thế được biết. Tâm bi của Bồ-tát sâu rộng tột cùng, khắp tất cả chúng sinh không có người nhận thấy, nhờ vào tài thí, pháp thí, vô úy thí mới thảy đều thấy biết. Thân của tất cả chúng sinh không loại nào là không bệnh, nhưng không có người nhận biết rõ. Do ba điều nên biết là có bệnh. Những gì là ba? Đó là ăn uống, y phục, thuốc thang. Tâm bi của Bồ-tát do ba sự nên được hiển bày. Những gì là ba? Tức là tài thí, pháp thí, vô úy thí. Bồ-tát ban cho tất cả chúng sinh mọi niềm an vui, vì diệt trừ khổ đau cho hết thảy chúng sinh nên xả thân cứu giúp. Bồ-tát không cầu quả báo nên xem nhẹ thân như cỏ rơm. Đại bi của Bồ-tát thực hiện vô số phương tiện, giống như sữa kết tụ. Lấy máu bố thí cho người dễ hơn người thế gian dùng nước để bố thí. Như Bồ-tát xưa kia lấy máu nơi năm chỗ để bố thí cho các quỷ Dạ-xoa, tự phấn khích hoan hỷ không gì có thể thí dụ, vì nhằm cứu độ tất cả các chúng sinh. Có người khác hỏi Bồ-tát: Đại bi ấy có ý vị gì để có thể khiến xả bỏ máu huyết dễ dàng hơn xả bỏ nước lã? Tâm đại bi Bồ-tát trả lời: Vì không cầu quả báo, nhưng là để khiến cho người khác được an vui, nên xả bỏ thân mạng. Vì sao? Vì niềm an lạc vô tướng là điều đầu tiên để đi vào niềm an lạc của tâm bi. Có người thấy đại bi của Bồ-tát nghi ngờ về điều ấy là Thể của bi, tức dùng đại thí nên biết là Thể của bi. Người thế gian sinh nghi, cho bi đi vào trong thân Bồ-tát, nên Bồ-tát hướng vào tâm bi. Bồ-tát xả thân, tất cả chúng sinh không thể cùng chung. Chỉ có bậc đại bi là có thể, lúc đạt được Nhất thiết chủng trí thì tất cả chúng sinh đều không thể sánh cùng. Có tâm đại bi đem lại lợi ích cho chúng sinh thì mọi mong muốn đều đạt được. Không có khó khăn ấy, thì những đạt được quyết định là không. Tâm đại bi nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh nên thường ở nơi tâm, thì Bồ-đề Vô thượng như ở trong tay không khác. Được trụ nơi nhẫn không sinh, nên có thể hiển hiện Đà-la-ni, an trụ nơi mười địa, nên biết tự tại như Phật.

 

Phẩm thứ 14: PHÁP THÍ

Người bố thí của cải, trong nẻo người có trăm ngàn vạn, quả báo của bố thí của cải là có thể đạt được pháp thí. Chỉ có bậc đại bi mới có thể đạt được quả báo của bố thí của cải và pháp thí, thân đời sau đạt được vô lượng an lạc. Bi là pháp thí hiện chứng Niết-bàn.

Vui thích bố thí, đầy đủ vị cam lồ hoan hỷ, đồng nhất vị tâm bi của Bồ-tát. Vì nhân duyên này nên không một sát-na muốn hướng về giải thoát. Các loại pháp thí hoàn tất, thỉnh cầu những người nghe pháp: Lúc tôi đạt được quả pháp thí, tất thọ nhận lời tôi thỉnh cầu. Lúc Bồtát bố thí gọi là dục thí, không phải là căn bản thí. Khi thành Phật bố thí, gọi là pháp thí căn bản.

Trí Phật ở hư không

Đại bi là mây dày

Pháp thí như mưa ngọt

Tràn đầy ao ấm giới.

Bốn nhiếp làm phương tiện

Nhân giải thoát an lạc

Tu tập tám chánh đạo

Đạt được quả Niết-bàn.

Tài thí trừ khổ nơi thân chúng sinh. Pháp thí diệt khổ nơi tâm chúng sinh. Trải qua vô lượng kiếp tài thí để đạt được quả của pháp thí, nên pháp thí có thể ban cho chúng sinh vô úy thí. Người trí rất chán lìa sinh tử, nên cầu đạt Niết-bàn. Người thương xót cứu giúp chúng sinh cầu mong nơi pháp thí. Bồ-tát thọ dụng tiền tài vì tu thí, lúc tu hạnh thí là đạt được pháp thí, thấy rõ chúng sinh có hai loại là tham ái, ngu si. Người nhiều tham ái thì thí của cải châu báu. Người nhiều ngu si thì ban cho giáo pháp. Người thí tài sản là tạo cho tiền tài thành vô tận. Người hành thí pháp khiến đạt được trí vô tận. Người hành thí tài sản đạt được an lạc nơi thân. Người hành thí pháp đạt được an lạc nơi tâm. Tùy theo chúng sinh được giáo hóa, tâm ý mong muốn đạt được nghĩa lý phù hợp, đầy đủ, không có ý chán mệt, nên người thí đạt được công đức lớn, đạt được pháp thí hoan hỷ, tăng thêm sự đoan nghiêm như vầng trăng tròn mùa thu, thường khiến tâm mắt của chúng sinh không lìa. Người bố thí tài sản được chúng sinh yêu quý. Người bố thí chánh pháp thường được thế gian cung kính tôn trọng. Người bố thí tài sản được người ngu yêu mến. Người bố thí chánh pháp được người trí quý kính. Bố thí tài sản phá trừ sự nghèo cùng về của cải. Bố thí chánh pháp phá bỏ sự bần cùng về công đức. Hai loại bố thí như thế mọi người đều kính trọng. Người bố thí tài sản có thể ban cho an lạc nơi hiện tại. Người bố thí chánh pháp có thể ban cho an lạc nơi cõi trời, nơi cảnh giới Niết-bàn. Người vui thích, yêu quý tâm bi có thể yêu mến tất cả chúng sinh. Yêu mến tất cả chúng sinh tức là yêu thương chính bản thân mình. Bậc A-lahán xả bỏ chúng sinh nhập Niết-bàn, nên không được người trí yêu quý. Vậy đối với chúng sinh đau khổ thì ai nên yêu mến vui thích? Thường hành thí xa lìa mười điều ác, cung kính đối với cha mẹ, nếu người luôn như thế tức là báo ân Phật. Nếu người muốn nối tiếp Phật chủng, nên dùng tâm bi làm đầu để tạo lợi ích cho người khác, luôn có thể nhớ nghĩ nên thành tựu sự nghiệp hóa độ chúng sinh.

HẾT – QUYỂN THƯỢNG

Pages: 1 2