LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
Tác giả: Bồ tát Đề Bà La
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Đạo Thái
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN HẠ

Phẩm thứ 15: PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Người hành thí đã đủ, làm người thân đối với tất cả chúng sinh, chưa từng có một niệm không tương ưng với tâm bi. Tâm bi của Bồ-tát trùm khắp, duyên với tất cả, không đâu là không duyên. Do tâm bi trùm khắp, nên sau khi thành Phật, đạt được Nhất thiết chủng trí không có chướng ngại. Vì tâm bi nên xả bỏ sự giải thoát của hàng Thanh văn phát tâm Bồ-đề. Tâm của một niệm đầu tiên này chỉ có Phật mới biết được dung lượng biên vực ấy, huống chi là diệu lạc giải thoát của hành Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề, tuy mới là một niệm ban đầu, nhưng cũng như mặt đất là vàng, mặt đất là cát đá, không cùng nêu dụ với nhau. Lúc mới phát tâm, vì có thể làm thanh tịnh các kiết sử, khiến tất cả công đức đều quy tụ. Bồ-đề là quả của phát tâm, vì tất cả chúng sinh nên cầu an lạc. Bồ-tát phát tâm Bồ-đề xong, nếu có người chưa phát nguyện hỏi: Thế nào là giải thoát? Bồ-tát nên tư duy: Vì nhân duyên gì mà hỏi? Do người phát tâm như từ trong giải thoát đến, nên hỏi: Thế nào là tướng giải thoát? Hay vì nhằm đạt đến giải thoát nên biết là đến từ giải thoát chăng? Người đã phát nguyện trả lời: Lúc phát tâm Bồ-đề, hoan hỷ an vui cũng như giải thoát, nên có thể nhận biết. Người muốn cúng dường hết thảy chư Phật cần phải phát tâm Bồ-đề. Người muốn báo đền ân Phật cần phải phát tâm Bồ-đề kiên cố. Ngoài phát tâm Bồđề ra, lại không có pháp nào có thể đến được Bồ-đề. Nếu không có tâm Bồ-đề thì không đạt được quả Phật. Nếu không đạt được quả Phật thì không thể cứu độ chúng sinh. Muốn ban cho tất cả chúng sinh vô lượng sự an lạc lớn cần phải phát tâm Bồ-đề. Vì sao? Vì tâm Bồ-đề là nhân tạo nên an lạc cho hết thảy chúng sinh. Tất cả các sắc không lìa bốn đại, tất cả sự an lạc không rời tâm Bồ-đề. Lạ thay! Vì sao không sợ hãi đối với khổ của sinh tử mà lại e ngại nơi tâm Bồ-đề vô úy? Nếu người muốn các khổ của tất cả chúng sinh dừng dứt, không gì hơn là phát tâm Bồ-đề. Người phát tâm Bồ-đề là nhân của sự dừng dứt đầu tiên. Sự dừng dứt đầu tiên sẽ đạt được sự dừng dứt vô thượng. Đạt được lợi ích về tài sản vật báu không bằng đạt được lợi ích về công đức. Đạt được lợi ích về công đức không bằng đạt được lợi ích về trí tuệ. Đạt được lợi ích về trí tuệ không bằng đạt được lợi ích của tâm Bồ-đề. Nếu người phóng dật, bỏ quên không nhớ đến tâm-Bồ-đề, thì như loài cầm thú không khác. Ông nay vì sao không phát tâm bi? Nên biết tâm bi ấy chính là đại Bồđề, vì muốn hướng đến trí Phật cần phải phát tâm Bồ-đề. Do kiết sử làm chướng ngại nên không thể phát tâm giải thoát. Do nghiệp báo làm chướng ngại nên không thể phát tâm Bồ-đề. Thế nào là nẻo tà? Thế nào là nẻo chánh? Vì có ái dẫn dắt, lấy bốn không làm giải thoát, gọi là nẻo tà. Phát tâm Bồ-đề, tu tập tám chánh đạo, gọi là nẻo chánh. Để được quả báo giàu có thì tu tập hành thí. Để được quả báo an lạc thì tu tập hành tâm bi. Vì nhằm cứu độ tạo an lạc cho chúng sinh nên phải phát tâm Bồ-đề kiên cố. Người không tu tập phước đức có ba điều khó đạt được: Một là không được thân cận nơi các thiện hữu. Hai là chán lìa sự phát tâm Bồ-đề. Ba là không thể kính quý trí tuệ Phật. Người chưa phát tâm Bồ-đề phải nên phát tâm. Nếu người phát tâm Bồ-đề, tức đạt được Nhất thiết chủng trí.

 

Phẩm thứ 16: CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG

Có những người dùng tài sản vật dụng bố thí nơi một phước điền, tâm không đồng nên quả báo đạt được có nhiều loại. Có người đạt được an lạc trong ba cõi. Có người đạt được an lạc tịch diệt. Có người đạt được an lạc lợi tha. Tư duy và tâm nguyện khác hẳn nên quả báo đạt được không đồng. Người dùng tâm ái tạo phước khi thọ nhận quả báo thì ngu si tối tăm. Người dùng tâm bi tu phước khi thọ nhận quả báo thì được trí tuệ. Người không làm tổn hại tâm Bồ-đề, vì đem lại lợi ích cho chúng sinh nên tạo phước, tức biết phước này là thù thắng nhất trong mọi phước, những phước tu còn lại là phước tương tợ không phải là phước bậc nhất. Vì tu trí tuệ một pháp vị, nên biết phước này này là bậc nhất, vì đem lại lợi ích cho thế gian nên chủng tử của Tam bảo không đoạn dứt, là biết nghiệp biết quả biết quy y Phật từ bi. Như chấp ngã khi hành phước, giống như người làm điều ác, thật đáng hổ thẹn. Bậc trượng phu thiện thấy hàng trời, người nơi thế gian không ai cứu độ, nên trọn không vì thân mình mà tu phước. Khổ não trong sinh tử hãy còn không thể nghe, huống chi là mắt thấy. Chúng sinh thọ thân thật đáng chán lìa. Tại sao tu phước tạo nghiệp chỉ vì ngã? Người có tâm bi không hành như thế. Trong một sát-na không xa lìa tâm bi, luôn vì chúng sinh làm bạn thân, nên không hành tạo phước vì ngã. Người thưởng thức ý vị của công đức, tu phước được tự tại, được người khác báo ân với pháp vị thù thắng. Trong mộng hãy còn không tu phước cho bản thân mình, huống chi là lúc tỉnh. Dùng trí nên có thể thấy được lỗi lầm nên trọn không tạo phước để cầu hữu. Tâm bi là hoàn toàn không vì giải thoát nên tu phước. Người trí nên xả bỏ nghiệp cầu hữu (thọ thân), người bi nên xả bỏ nghiệp giải thoát. Vì sao? Vì người bi tạo lợi ích cho mọi người, cần có trí tuệ không gì hơn để tạo tác bình đẳng. Nhân nơi phước là một, nhưng quả nơi phước không gì sánh bằng. Từ mười lực đạt được trí, vì chính mình được an lạc mà xả bỏ an lạc lợi tha, gọi là người bội ân, chỉ có Phật mới có thể nhận biết. Từ Phật được nhận biết, nên tất cả chúng sinh là bạn tu phước của mình. Giả như đạt được quả mà chỉ một mình thọ dụng đó gọi là người bội ân. Đạt được an lạc là vô cùng khó khăn, há đạt được rồi chỉ một mình thọ dụng? Như vậy, bậc trượng phu đó vì xả bỏ tất cả, giả như đạt được an lạc của ngàn Niết-bàn nhưng không tạo lợi ích cho nhiều người, thì không bằng cứu giúp một chúng sinh khổ. Vì sự lợi tha này hơn hẳn việc đạt được an lạc của ngàn Niết-bàn. An lạc của giải thoát hãy còn không nên thọ nhận một mình. Vì sao? Vì thấy chúng sinh nơi thế gian không có lối về, không ai cứu độ. Thế nên an lạc của giải thoát hãy còn không thọ nhận một mình, huống chi là Bồ-đề Vô thượng.

 

Phẩm thứ 17: GIẢI THOÁT THÙ THẮNG

Lại có những cảnh giới của tam muội định tuệ, chúng sinh thảy đều làm Phật. Do có tam muội này nên không muốn giữ lấy giải thoát. Hạnh đầu đà trừ bỏ tất cả lỗi lầm xấu ác, đạt tịch diệt, làm thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý. Người cứu tế chân thật vì chúng sinh khổ nên không thủ chứng giải thoát.

Định tuệ bi tự tại

Thấy các khổ thế gian

Người chân thật cứu đời

Trọn không vượt qua bờ.

Như sóng biển suốt mùa không vượt qua giới hạn, người tu hành bi, trăm kiếp khổ hạnh, nếu có thể cứu độ một người cũng trọn không gắng sức ra khỏi sinh tử, có thể được giải thoát, nhưng vì chúng sinh nên ở lại nơi sinh tử. Đối với ba loại thí trong tất cả mọi lúc, thường như lễ hội. Người không chỉ vui với niềm an vui của mình mà còn tạo an lạc cho người khác, ngày đêm ở trong sinh tử nhưng là không ở, mà được hoan hỷ an lạc như ở Niết-bàn. Bồ-tát thường vì chúng sinh tạo nghiệp lợi ích, thấu hiểu được pháp vị hoan hỷ an lạc. Bồ-tát ngay cả trong mộng, luôn được hoan hỷ an lạc hơn hẳn giải thoát. Bồ-tát được pháp vị tạo an lạc cho người. Hết thảy chúng sinh không đạt được ý vị chứng đắc giải thoát. Người trí nếu được giải thoát nhận biết ý vị hoan hỷ an lạc của sự lợi tha, tất sẽ trở lại tạo lợi ích cho chúng sinh. Người sợ hãi sinh tử vì lợi ích cho chính mình, mong cầu giải thoát cho là an lạc vô cùng, không bằng Bồ-tát lúc thọ nhận thân năm ấm hoan hỷ vui thích, vì sẽ tạo lợi ích cho mọi người. Nếu chỉ tự một mình nhận chịu khổ não bức bách mới có thể đi vào Niết-bàn. Nhưng là tất cả chúng sinh đang nhận chịu khổ bức, vì sao xả bỏ họ để nhập Niết-bàn? Người chỉ thấy tự bản thân mình bị khổ bức nên nhập Niết-bàn. Người có tâm bi thấy tất cả chúng sinh khổ đều trụ nơi tâm mình, thì đâu có thể xả bỏ họ để vào Niết-bàn? Nếu có thể đem lại hoan hỷ, tạo an lạc cho người khác, đó tức là Niết-bàn. Nếu không như thế tức là sinh tử. Người có tâm bi bình đẳng đối với chúng sinh, hoan hỷ tạo an lạc cho họ tức là tạo lập Niết-bàn. Chư Phật đã khen ngợi nói: Nếu người giải thoát hoan hỷ, an lạc như tạo lợi ích cho một người, thì được người trí yêu mến. Nếu người ban cho người khác sự an lạc sâu xa không suy tánh công sức đó tức là giải thoát. Người có tâm bi tức vì người khác tạo an lạc, không mong cầu quả báo, nếu có thể hành tác như thế tức là giải thoát. Nếu không được như thế tức là sinh tử. Nếu người vì bản thân mình cầu đạt an lạc, đó tức là khổ. Xả bỏ sự an lạc của mình, vì người khác cầu an lạc tức là Niết-bàn. Chúng sinh ở thế gian vì nhằm phá trừ khổ nên gọi là giải thoát. Người tu bi có thể phá trừ khổ của kẻ khác tức là giải thoát thù thắng. Người phá trừ khổ cho người khác thì cả hai đều được an lạc. Có người trí nào xả bỏ hai giải thoát để giữ lấy một giải thoát? Người thế gian nói: Người có trí đạt được giải thoát. Bồ-tát khởi tư duy như vầy: Ta không tin lời nói ấy. Có người trí nào xả bỏ việc cứu giúp người khác đạt an lạc để chỉ giữ lấy giải thoát? Tự bản thân mình được an lạc, lại có thể tạo sự an lạc cho người khác, thì sự an lạc trong ba cõi hơn hẳn an lạc của giải thoát. Bồ-tát vì các chúng sinh thọ nhận khổ là hơn hẳn người khác vì bản thân mình đạt được giải thoát an lạc.

 

Phẩm thứ 18: TẠO LỢI ÍCH CHO NGƯỜI KHÁC

Chúng sinh nơi thế gian, vì sự an lạc của chính mình, nên ở trong sinh tử thân tâm luôn mỏi mệt. Tâm Bồ-tát được nghỉ ngơi nên tâm bi luôn tạo nhiều lợi ích. Người khác ở trong sinh tử, ngoại trừ pháp đối trị, hầu như không có gì an lạc. Bồ-tát, ngoài việc đem lại lợi ích cho người khác, lại càng không có gì an lạc hơn. Bồ-tát được hoan hỷ an lạc khi thực hành lợi tha. Người nhận biết lợi tha tức là tự lợi, nên xả bỏ lợi ích của chính mình, quý trọng lợi ích an lạc của người khác, nhận biết lợi ích an lạc của người khác tức là lợi ích an lạc của mình. Lúc nhận biết lợi ích an lạc của người khác tức là vì sự an lạc của chính bản thân mình. Người có thượng, trung, hạ. Kẻ ngu thấy người khác có được an lạc thì sinh tâm khổ não. Hạng người trung bình, khi mình khổ thì nhận biết được khổ của người khác. Hạng người trên hết lúc thấy người khác an lạc thì tâm sinh hoan hỷ, thấy người khác khổ thì như bản thân mình bị khổ. Trong bốn nhiếp pháp, Bồ-tát cùng người khác hành đồng lợi. Thế nào là đồng lợi? Nghĩa là người khác khổ tức là mình khổ, người khác an lạc tức mình an lạc. Đó gọi là đồng lợi. Tâm bi bình đẳng không có ý tưởng về cái khác. Bồ-tát và chúng sinh đồng khổ, đồng lạc. Tự bản thân mình, Bồ-tát đặc biệt sinh tâm khổ não. Vì sao? Vì không thể cứu độ trừ khổ cho chúng sinh. Không quán quá khứ, không xét vị lai, tùy ý của chúng sinh, thực hiện pháp đối trị diệt khổ, tự ý của Bồ-tát cũng như ý của người khác. Chúng sinh ở thế gian ban lợi lạc cho người khác còn trông mong đền đáp, Bồ-tát ban lợi lạc cho người khác không cầu được báo đáp. Bồ-tát tuy tâm bi luôn bình đẳng yêu thương tất cả chúng sinh, nhưng đối với các chúng sinh trong chỗ bị oán ghét lại ban cho sự lợi lạc gấp bội. Lúc ở bên cạnh các chúng sinh bị oán ghét ban cho sự lợi lạc, tâm Bồ-tát vô cùng hoan hỷ, như lúc xả bỏ thân mạng có được sự hoan hỷ, gọi là bình đẳng, nếu không như thế gọi là không bình đẳng. Ở trong sự oán ghét ban cho lợi lạc gấp bội, gọi là hành trì xứng hợp với tâm bi. Bồtát đối với mọi chúng sinh cùng sinh tâm bi, nhưng đối với chúng sinh hành ác sinh tâm thương xót gấp bội. Ví như trưởng giả giàu lớn chỉ có một người con, nên tâm thương nhớ con tận cùng trong xương tủy. Bồ-tát thương nhớ tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Như có người con xấu ác không muốn cha mình có được sự nghiệp hơn mình, đó gọi là bội ơn. Tất cả chúng sinh bị oán ghét, đối với Bồ-tát đồng một vị xấu ác. Bồ-tát đối với các chúng sinh ấy luôn đồng một vị tâm bi. Chúng sinh ở thế gian được báo ân thì sinh tâm vui mừng. Nếu Bồ-tát ban cho những người bị oán ghét sự lợi lạc, trong tâm sinh khởi hoan hỷ bội phần, vượt quá các chúng sinh kia. Chúng sinh ở thế gian nếu lúc mạ lỵ người khác nhưng họ không báo thù thì vui mừng vô cùng. Lúc Bồ-tát bị người khác nhục mạ thì tâm vô cùng hoan hỷ. Người có tâm ái ở trong ba cõi thảy đều hiện bày khắp. Tâm bi của Bồ-tát cũng hiện hữu khắp trong ba cõi. Bồ-tát thương xót chúng sinh trong địa ngục không như xót thương chúng sinh ngu si tham đắm nơi ba cõi. Chúng sinh ưa thích nơi dục lạc của chính mình, bị sự trói buộc của vô lượng khổ, Bồ-tát vì an lạc lợi tha nên bị vô lượng khổ ràng buộc. Tất cả chúng sinh đều đồng một sự, đều muốn lìa khổ đạt được an vui. Ban cho người khác lợi lạc là pháp hữu vi thù thắng. Tạo lợi lạc hướng về bản thân cũng là nhân của bi và hỷ. Tạo lợi lạc hướng về người khác là hiện bày chỗ sinh khởi bi, hỷ. Tự làm cho bản thân lợi lạc nên sinh khởi tâm bi. Thấy đạt được lợi lạc đó nên hoan hỷ. Bốn tâm vô lượng là duyên muốn tu tập của nội tâm. Bốn nhiếp pháp là tạo lợi lạc cho chúng sinh, gọi là tối thắng. Người tu bốn tâm vô lượng luôn kết hợp với pháp thế gian và pháp xuất thế gian, vì pháp thế gian, pháp xuất thế gian và bốn tâm vô lượng chính là đồng một cảnh giới. Vì sao? Vì đồng một việc tạo lợi ích cho chúng sinh, đạt được đồng một quả Bồ-đề Vô thượng. Người có tâm bi luôn có thể lợi tha, người trí luôn có thể xả bỏ, không sinh tâm cho là ít có, không sinh tâm cao thấp.

 

Phẩm thứ 19: THÍ THÙ THẮNG ĐỐI VỚI KHỔ CỦA KẺ KHÁC

Bồ-tát khi thấy người khác khổ chính là Bồ-tát vô cùng khổ. Lúc thấy người khác an lạc chính là an lạc lớn của Bồ-tát. Thế nên Bồ-tát luôn tạo lợi ích cho người khác. Chúng sinh phàm ngu lúc thấy người khác khổ thì tự bản thân lấy làm vui thích, thấy người khác khổ không cho là khổ. Bậc hiền nhân tự lấy khổ của mình làm an lạc, đem an lạc cho người khác, không do sự khổ của chính mình. Chúng sinh phàm ngu vì chút ít an lạc của mình mà gây tạo khổ lớn cho người khác. Bậc hiền nhân vì ban cho người khác chút an lạc mà tự mình nhận chịu nhiều khổ. Người hành ác khi tu tập chút nhân an lạc, đạt được an lạc lớn, tuy sinh tâm vui mừng, không sánh bằng Bồ-tát đem chút an lạc tạo lợi ích cho người khác, tâm vô cùng hoan hỷ hơn người kia gấp bội. Bồ-tát thấy người khác nhận chịu khổ thì đem thân mình chịu thay, thân tuy thọ khổ nhưng không lấy làm khổ, trong tâm vui vẻ, sinh hoan hỷ tột bậc. Tâm bi của Bồ-tát được an lạc tự tại, không bị sầu não bức bách do các khổ trong ba cõi. Bồtát luôn uống cam lồ đại bi nên không bị các khổ làm khổ, không bị các khổ làm khổ nên có thể nhận chịu khổ của người khác. Chúng sinh phàm ngu lúc thấy người khác khổ, trong tâm sinh vui thích, lúc thấy người khác an vui, trong tâm sinh khổ sở. Bồ-tát lúc thấy người khác khổ thì mình khổ, lúc thấy người khác an vui thì mình an lạc. Người không có tâm bi lúc thấy người khác khổ giống như mặt trăng thật lạnh lẽo. Người có tâm bi lúc thấy người khác nhận chịu khổ, giống như mặt trời sáng rực nơi mùa hạ. Không hỏi ngu trí, khi thấy người khác khổ, đều sinh tâm chán lìa sinh nhân ưu não. Người có tâm bi luôn sinh thương xót sâu xa, tâm liền quyết định tất cả chúng sinh khổ chính là mình khổ. Bồ-tát khởi suy nghĩ: Nếu không thể phát khởi đại tinh tấn, thì do đâu có thể phá trừ khổ lớn này? Bồ-tát và tất cả chúng sinh luôn đồng lợi, khổ vui đều đồng, nên phải siêng năng chịu khó để có thể thành tựu Bồ-đề. Bồ-tát suy nghĩ: Ta đạt được Bồ-đề rồi nên đem ban cho tất cả chúng sinh, trở lại trong chốn sinh tử, từ lúc mới phát tâm cho đến đạt được Bồ-đề, lại xả bỏ để ban cho chúng sinh, không hề thủ đắc. Bồ-tát vì lợi tha, nên hành trì bốn nhiếp pháp trọn không chán mệt, cũng như đại địa luôn giữ gìn hết thảy các vật không hề chán mệt. Người vì bản thân mình, tự thọ nhận an vui hãy còn sinh chán mệt. Bồ-tát vì người khác tạo an lạc, không hề sinh tâm chán mệt. Bồ-tát vì luôn tạo an lạc cho người, nên thấy khổ nơi A-tỳ cũng như Niết-bàn an lạc, tức đối với các khổ biên khác đâu có gì khiến chán mệt. Nếu vì tất cả chúng sinh thọ nhận sự an lạc, thì tự mình cũng có thể nhận lấy vô lượng khổ nơi địa ngục, nên thường hành tinh tấn dũng mãnh, ban cho người khác an lạc, không hề sinh tâm chán mệt. Do nhân duyên gì, vì người khác tạo an lạc không hề sinh chán mệt? Vì Bồ-tát quán xét tất cả chúng sinh đều không thấy có tưởng về kẻ khác, tất cả đều như chính bản thân mình. Chúng sinh vì bị kiết sử trói buộc, ở tất cả xứ đều muốn làm hại người khác. Người được tâm bi giữ gìn, đối với tất cả các khổ, không khổ nào là không muốn nhận chịu. Bồ-tát vì người khác nhận chịu sự bức bách của khổ, giống như người khổ vui thích sự an lạc giải thoát. Bồ-tát vui mừng khi thay thế người khác nhận chịu các sự khổ bức chính là hiện tâm đại bi thanh tịnh. Trí tuệ quán xét người khác nhận chịu khổ tức tâm bi an trụ trong đó. Nơi tâm bi an trụ thì khổ đau không thể trụ, tuy tâm bi ấy lại bị khổ của tất cả chúng sinh ràng buộc. Như vậy, đem lại lợi lạc cho người khác, tâm sinh hoan hỷ hơn hẳn an lạc của giải thoát. Bồ-tát thấy người khác nhận chịu khổ cũng như chính bản thân mình thọ khổ. Bản thân mình được an lạc thì luôn muốn ban cho người khác, tự nhận biết hơn hẳn nơi Niết-bàn. Người có tâm bi thường muốn tự mình thọ nhận khổ để ban cho người khác an lạc. Bi cùng với khổ không thể trong một sát-na cùng trụ. Người làm điều ác thấy người khác khổ thì muốn tránh xa, thấy người khác được an lạc thì tâm không vui mừng. Bồ-tát thấy người khác khổ thì không muốn xa lìa. Người không ái nhiễm thì không trao tất cả nghiệp khổ. Vì sao? Vì trừ diệt khổ cho người khác nên sinh tâm đại hoan hỷ. Bồ-tát ban cho người khác an lạc lớn không hẳn phải hoan hỷ, nhưng thấy người khác ban cho người kia chút an lạc thì tâm vô cùng hoan hỷ. Vì sao? Vì thể tánh là như vậy. Bồ-tát thấy người khác an lạc thì bản thân mình cũng an lạc. Bồ-tát thấy người kia ban cho người khác chút ít an lạc, thì sao lại không sinh tâm hoan hỷ?

 

Phẩm thứ 20: ÁI BI

Nếu người không nhận biết thân tâm thường bị khổ não vây buộc, thì không thể biết được khổ nơi tâm người khác. Người không có tâm bi thì không việc ác nào là không làm. Nếu thấy người khác suy vi họa hoạn mà tâm không dịu dàng an ủi, người này gọi là kẻ hành ác tột bậc. Nếu người có ân nặng thì lúc nào cũng luôn nghĩ đến. Người sắp mạng chung tuy có thuốc hay cũng cho là cực khổ, vì đã hành các nghiệp xấu ác. Kẻ không phước đức, tuy gặp được cam lồ từ bi cũng khởi tưởng cay đắng. Nếu người giàu lớn có nhiều của cải châu báu, chỉ riêng mình thọ dụng không ban cho người khác, nên luôn bị người khác chê trách, tuy có trí tuệ đa văn, nếu không có tâm bi, cũng bị người khác chê trách. Nếu thấy chúng sinh khổ não, nhưng tâm bi khó có được, thì chẳng phải là pháp khí gồm thâu, giống như đồ vật bể không thể dùng để chứa nước. Người có tâm bi thấy chúng sinh khổ, tuy không thể cứu giúp, nhưng không thể không than thở: Khổ thay chúng sinh! Thấy chúng sinh bị tham dục, sân giận, ngu si làm tổn hại, những thứ khổ về sinh già bệnh chết luôn là sự bức bách của các khổ, thì than: Lạ thay! Chúng sinh rơi vào khổ lớn này! Chúng sinh nơi thế gian thân khổ, tâm khổ thường bị sự hủy hoại của nghiệp kiết. Hỡi ôi! Lạ thay! Mọi chúng sinh ở thế gian bị khổ não bức bách, có Bồ-tát nào lại không sinh tâm thương xót? Thân trụ nơi dòng chảy xiết, chìm trong biển khổ lớn của sinh tử vô cùng thật đáng sợ hãi! Chúng sinh luôn bị khổ khổ tạo khổ, hành khổ tạo khổ, hoại khổ tạo khổ. Nếu thấy một khổ là đủ để sinh nhân bi, huống gì là thấy đủ cả ba khổ. Chúng sinh ngu si thường bị trăm ngàn các thứ khổ làm cho khổ. Nếu thấy một khổ nên khởi tâm bi, huống chi là trăm ngàn các thứ khổ. Nên nhận biết rõ, đối với các khổ của thế gian, trong mỗi mỗi khổ, người chưa sinh tâm bi cần phải khởi tâm bi, đã sinh tâm bi rồi cần làm cho tăng trưởng, huống gì lại là vô lượng khổ. Nếu nghe nơi thế gian có vô số các thứ khổ, đá hãy còn mềm, huống chi là người có tâm lại không sinh thương xót? Nếu nghe âm thanh thương đau của thế gian rộ lên, cây khô cũng phải sinh thương xót, huống chi là người có tâm lại không sinh tâm bi? Khổ của thế gian cùng một vị, người có tâm hòa dịu dễ sinh khởi tâm bi. Người có tâm bi thì quả Bồ-đề tức ở trong tay.

 

Phẩm thứ 21: HÀNG TRƯỢNG PHU GIÁC NGỘ

Tâm bi rất phong phú

Lợi tha đã sinh vui

Người tâm bi nghèo cùng

Không thể cầu vui này.

Ngu buộc, ái tự tại

Tâm bi tức rời xa

Tâm bi đã bỏ đi

Các khổ cùng đến tụ.

Ái tự tại là ở trong sinh tử muốn phân chia khổ cho người khác để cùng xoay dòng sinh tử.

Tâm bi là đối với chúng sinh nơi thế gian phân chia mọi an lạc tịch diệt để cùng nhau rời bỏ. Người có tâm ái vui thích ở nơi ba cõi. Người biết lỗi lầm của ái thì vui thích Niết-bàn. Người tạo lợi ích cho người khác thì vui thích tâm bi. Người có ái tự tại thường vui thích thế gian, nên thọ thân là sự vui thích của chính họ. Người tâm bi tự tại cũng luôn vui thích thọ thân, vì tạo an lạc cho người khác. Người ái tự tại thường vui thích theo dục lạc của bản thân để tự trói buộc. Người có tâm bi luôn vì mong muốn ban vui cho người khác nên tự ràng buộc lấy mình. Người ái tự tại luôn vì an vui của bản thân nên không có chán mệt. Người có tâm bi vì ban an vui cho người khác nên không hề chán mệt. Người ngu ái ít, không yêu thích an vui của mình, cũng không yêu thích an vui của người khác. Bồ-tát cũng yêu thích an lạc của chính mình. Chúng sinh ngu si thường chỉ vì mình, hoàn toàn không vì người khác.

 

Phẩm thứ 22: ĐẠI TRƯỢNG PHU

Tâm bi của Bồ-tát chỉ có một việc khiến cho bức bách, đó là việc người khác luôn bị khổ não bức bách, ngoài ra không có việc gì khác. Đó gọi là thành tựu nhóm bi. Rời bỏ Niết-bàn như từ bỏ khổ, thọ nhận thân năm ấm như giữ lấy giải thoát, ban lợi lạc cho thế gian gọi đấy là bi. Biết công đức của Niết-bàn, lỗi lầm tai họa nơi sinh tử nhưng không xả bỏ pháp hữu vi. Tất cả như thế đều là công đức của đại bi. Tất cả xứ xa dục, lấy Niết-bàn làm thể, nhưng không thủ chứng Niết-bàn, gọi là người dũng mãnh. Vì nhân duyên đại bi nên có thể vào nơi sinh tử, xoay vòng tới lui. Quán xét các cõi đều là diệt, biết rõ chúng sinh đau khổ nên cứu giúp, nên vì họ làm nơi nương dựa. Tâm giữ lấy đại bi, chán ghét thân mình, cầu thân mười lực, ở nơi đại bi đạt được công đức của xứ phi xứ. Như Chuyển luân Thánh vương tuy có ngàn người con, nhưng yêu quý người đầy đủ tướng tốt. Đức Phật cũng như vậy, đối với tất cả chúng sinh chỉ yêu thương người có tâm bi. Chỉ có thể tạo phước nhưng không trí, không bi, gọi là trượng phu. Có phước có trí, gọi là trượng phu thiện. Nếu tu phước, tu trí, tu bi, gọi là Đại trượng phu. Người cần phải có tâm bi. Người có tâm bi thích ứng cùng với mọi thứ ngôn thuyết. Người kính lễ bi là tạo đầy đủ tất cả công đức.

 

Phẩm thứ 23: NÓI VỀ BI

Các hàng trời, người, A-tu-la v.v… trong thế gian, thọ thân có vô số thứ khổ. Chỉ có Bồ-tát thấu suốt tận cùng tâm bi, biết rõ tất cả pháp thiện đều lấy bi làm đầu. Người trí nên biết, giống như tất cả các chữ, Tất đàm làm đầu, hết thảy pháp thiện đều đi vào trong bi. Tựa như một nhà, các sắc đều hội nhập. Nếu thấy hư không thanh tịnh tức thấy đại bi thanh tịnh. Thấy hư không vô biên thì đại bi cũng vô biên. Đức Phật dạy: Nếu muốn hiện tiền thấy Ta, tức nên cung kính đại bi. Nếu muốn thấy Ta, cần phải quán xét ba cõi thảy đều thọ khổ. Khổ vô biên nên đại bi cũng vô biên. Khổ trụ nên đại bi cũng trụ. Đại bi đang an trụ tại xứ nào? Ở trong vô số khổ tụ của sinh lão bệnh tử nơi tất cả chúng sinh cùng các quyến thuộc mà an trụ. Có tâm đại bi nên có thể nhận biết rõ khổ của người khác. Đó gọi là cùng Phật an trụ. Có tất cả công đức của ba loại thí nuôi dưỡng thân cũng như sữa mẹ, đó gọi là đại bi.

 

Phẩm thứ 24: THÍ BI TỊNH

Giống như núi Tuyết sản sinh tất cả loại thuốc, núi Tuyết đại bi sinh ra ba loại thí, tất cả công đức, ngoại trừ bi ra lại không có pháp nào có thể tạo an vui cho thế gian. Thí làm thể của bi có thể vì thế gian tạo ra vô số an lạc. Quả báo vô thượng được thành tựu nhờ vào ba loại thí. Bi là nhân của ba loại thí. Tổ mẫu của chúng sinh có thể sinh ra Như Lai. Tất cả chúng sinh đều quy y nơi bậc tối thắng vô thượng, có ai là không cung kính. Có thể sinh ra ba loại thí, đó gọi là đại bi. Công đức đại bi của Bồ-tát là vô cùng nhiều, an trụ trong tâm. Chỉ có một việc không hề xa lìa, không có nhiễm chấp, đó là việc thường tạo lợi ích cho mọi người, không hề chán mệt. Cho nên mọi an vui thế gian, xuất thế gian và an lạc lợi tha đều sinh ra từ tâm bi. Vì thế tôi nay cung kính đối với bi. Đại bi là luôn tạo lợi ích cho thế gian, nên tôi cũng cung kính nơi vô số công đức. Thật như đã nói, có hai loại công đức tối thắng, đó là có thể tạo lợi ích cho người khác và tự làm thanh tịnh tâm bi. Bi luôn làm thanh tịnh bố thí, vì thế tôi nay ái kính bố thí. Thì luôn trang nghiêm nơi bi, tôi cũng ái kính bi, cùng những người có chung tâm ý bi. Lại cũng ái kính bi, vì có thể làm thanh tịnh thể của tâm. Thí có thể làm thanh tịnh nghiệp đạo, có thể làm thanh tịnh thể của tâm, có thể làm thanh tịnh đạo nghiệp, tức có thể làm thanh tịnh đạo Niết-bàn, có thể làm thanh tịnh đạo Bồ-đề Vô thượng. Bi luôn làm thanh tịnh xả. Không có bi là cấu nhiễm nơi xả. Thí có thể làm thanh tịnh bi. Bi có thể làm thanh tịnh thí. Đó gọi là sự đoan nghiêm của thế gian. Bi có thể sinh khởi tin kính. Cũng như đại địa được các hoa trang nghiêm. Đại bi cũng lại như thế. Chúng sinh ở thế gian bị mặt trời phiền não thiêu đốt, bức bách. Người đạt được tâm bi đều sinh ra mát mẻ an vui, cũng như vào mùa hạ nóng bức có được làn gió mát lành thì mọi sự nóng bức đều dừng dứt.

 

Phẩm thứ 25: ÁI BI THẮNG

Thí duyên thủ, thủ duyên ái, có ái thì có thủ, không có ái thì không có thủ. Có bi tất có xả, không có bi cũng không có xả. Vì ái nên thủ thêm lớn, vì xả nên bi tăng trưởng. Do thọ nhận ân ái nên sinh ái. Oán ghét lỗi lầm tai họa ấy nên tăng trưởng tâm bi. Ái tăng trưởng làm cho bản thân mình vui tức tổn hại đến người khác. Bi tăng trưởng có thể ban cho người khác an vui còn bản thân mình thì khổ. Ái tăng trưởng khiến tổn hại đến người khác, điều ấy chẳng phải là ít có. Người có tâm bi, xả bỏ thân mạng của mình để ban an vui cho người khác, đó là điều hy hữu. Người tham ái gọi là hạng người ngu tối, thấp kém, thường ở nơi bần cùng thọ nhận các khổ não. Người có công đức của bi thường ở nơi giàu sang. Người tham ái không thể đoạn dứt, có lúc dừng bước đạt được trí tuệ thì có thể đoạn dứt sự dừng bước kia. Người được tâm bi không có dừng bước, vì luôn bố thí cho mọi người. Người có tâm ái có thể chiêu tập tất cả các khổ, thành khối khổ lớn. Người có tâm bi có thể sinh ra tất cả công đức. Nếu bi không xả bỏ nghiệp bất tịnh thì tôi không mong muốn. Nếu như bi không thể cứu giúp thì tôi cũng không mong muốn. Nếu bi không vui thích cầu quả Bồ-đề thì cũng chẳng phải là điều tôi mong muốn. Người có tâm ái có thể sinh ra tất cả khổ. Người có tâm bi có thể sinh ra tất cả an lạc. Từ nơi bi phát khởi nghiệp thân khẩu, gọi là nghiệp thù thắng. Người có tâm bi luôn có thể vì tất cả chúng sinh tạo an lạc vô tận.

 

Phẩm thứ 26: TRÍ BI GIẢI THOÁT

Hai việc trí, bi, việc nào là hơn? Người trí chỉ có thể tự mình quy y. Người bi có thể khiến cho người khác quy y đạo vô thượng. Có bi không trí, chẳng phải là sự yêu mến của người trí. Có trí không bi cũng không phải là điều yêu thích của người trí. Có thể gây chướng ngại nơi đạo vô thượng, nếu trí không tương ưng với bi, cũng có thể gây chướng ngại cho trí nơi đạo vô thượng. Bồ-tát do vì có trí, nên một niệm không vui thích nơi sinh tử. Do vì có bi nên không ham muốn giải thoát. Vị giải thoát như cam lồ, người bi cho là không vị. Như thức ăn ngon không có muối, cho là không vị. Giải thoát tuy ngọt, nếu không có tâm bi thì Bồ-tát cho là không vị. Nếu đại bi cùng hợp với giải thoát, biệt giải thoát, đều nên kính lễ, do đại bi là mẹ của chư Phật. Giải thoát gọi là vĩnh viễn diệt trừ trọn vẹn tất cả sự việc. Tâm bi như câu chú thiện, có thể chú nguyện cho người chết sống lại. Nếu thọ thân sinh tử nối tiếp không dứt, đó là lỗi về thường. Nếu giữ lấy giải thoát, đó là lỗi về đoạn. Lìa bỏ cả hai biên nên gọi là Phật cứu độ tất cả chúng sinh. Nếu không có Phật thì không có giải thoát. Nếu không có tâm bi thì cũng không chứng đắc Phật. Bi có thể phát sinh giải thoát, do sự việc ấy nên Bồ-tát giữ lấy bi. Thể của bi là một nhưng có thể thực hiện hai việc: Một là có thể cứu độ chúng sinh. Hai là có thể phát sinh chủng trí của Phật.

 

Phẩm thứ 27: PHÁT NGUYỆN

Bồ-tát tư duy: Tất cả chúng sinh cùng có vô lượng thứ khổ, ta nên phát khởi tâm bi, thành tựu Nhất thiết chủng trí, diệt trừ vô số thứ khổ cùng có của tất cả chúng sinh. Bồ-tát thấy rõ hết thảy các loài mãi chìm đắm trong biển khổ sinh tử vô lượng vô biên, nên có được tâm bi bình đẳng. Người ngu si bị trói buộc không biết vui thích giải thoát nên sinh tâm buông bỏ. Chính từ khối khổ lớn của thế gian đã sinh ra tâm bi thù thắng của ta.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Ta có tâm bi quán xét các chúng sinh khổ chưa đạt được đạo quả Bồ-đề, ta làm sao để khiến họ đạt được đạo giải thoát?

Bồ-tát tư duy: Phước của ta thật ít ỏi so với tất cả thế gian, nên nay ta không thể cứu giúp chúng sinh.

Bồ-tát tư duy: Ta nên làm người bạn thân lớn đối với chúng sinh trong ba cõi. Nhưng chúng sinh luôn luôn bị thân khổ tâm khổ bức bách. Vậy ta nay chỉ nên gọi là người sống không gây tạo ác?

Bồ-tát tư duy: Thân ta sống không thể phá trừ khổ của thế gian, không thể đem lại lợi ích cho chúng sinh, thì ta thọ dụng thân này làm gì?

Bồ-tát tư duy: Ta là bạn thân của tất cả chúng sinh, ta nên nuôi dưỡng dẫn dạy, nhất là đối với hàng oán đối nên hành tạo lợi ích lớn cho họ.

Bồ-tát tư duy: Tất cả chúng sinh có thể vì ta tạo nghiệp đúng đắn, nghiệp thiện, không khiến cho một chúng sinh nào tác ý không đúng đắn.

Bồ-tát tư duy: Gọi là lợi tha, là cầu tướng của người khác, đều không thể đạt được hoàn toàn như bản thân mình. Vì sao? Vì người khác tức là lợi mình.

Bồ-tát tư duy: Nếu có nơi chốn có thể nguyện cầu, ta nguyện khiến cho mọi thứ khổ nơi thân tâm của tất cả chúng sinh, trong một lúc cùng tụ tập đến nơi thân ta, ta luôn vì họ thọ nhận, khiến họ được an vui không còn bị khổ nữa.

Bồ-tát tư duy: Ta ở trong đạo Bồ-đề, an trụ nơi tất cả các khổ hiện có, đều có thể nhẫn chịu. Vì sao? Vì chúng sinh luôn chìm đắm trong biển khổ sinh tử, nhưng ta không thể độ thoát.

Bồ-tát tư duy: Tuy có kiết sử nặng nề khiến đạo quả Bồ-đề khó đạt được, như vậy chỉ có hai hạnh bi, trí làm bạn với tâm trọn không hề chán mệt.

Bồ-tát tư duy: Bậc Thiện Thệ đã hành đạo, ta nay nên thuận theo đó mà đi, ở nơi thế gian đem tâm bi ban phát cho chúng sinh, nên suy nghĩ ta như các chúng sinh kia không khác.

Bồ-tát tư duy: Ta nay vì thế gian làm chỗ nương dựa, cứu giúp, phải nên phát thệ nguyện rộng lớn: Nguyện tu trí tuệ đại trang nghiêm, là bạn thiện, mầm trí tuệ của Phật sắp phát sinh nơi ta.

Bồ-tát tư duy: Ta muốn diệt trừ khổ của các chúng sinh, khiến hết thảy đều được an vui, muốn làm tất cả các công việc, nên luôn đem tâm bi chỉ dạy dẫn dắt.

Bồ-tát tư duy: Khổ nơi sinh tử chỉ nghe hãy còn chán ngán. Người có tâm bi có thể nhẫn chịu được mọi khổ của thế gian, vì tâm bi luôn hướng về nẻo không còn sinh tử.

Bồ-tát tư duy: Khổ nơi sinh tử thật đáng chán ghét nên muốn đi vào Niết-bàn, nhưng lời đại bi nói: Chúng sinh khổ não chưa được hóa độ, vì sao từ bỏ mà đi?

Bồ-tát tư duy: Hữu vi gồm đủ mọi thứ khổ, Niết-bàn là sự an lạc xuất thế gian. Nay ta biết rõ sinh tử là hữu vi khổ não, Niết-bàn là vô vi an lạc. Nhưng tâm bi luôn vui thích với ba loại thí.

Bồ-tát tư duy: Ta rất sợ các cõi sinh tử, vì tâm bi cứu độ chúng sinh nên vui thích ở nơi các cõi. Tâm bi nói với Bồ-tát: Tôi khiến ông ở mãi nơi sinh tử không rời xa ông. Vì sao? Vì để báo ân.

Bồ-tát tư duy: An lạc của giải thoát, vì hóa độ chúng sinh nên hãy còn không muốn thọ dụng. Tâm bi ngăn ta khiến không được thọ dụng, huống chi là thứ an vui không bền chắc nơi sinh tử.

Bồ-tát tư duy: Bậc nhất trong tất cả các thứ an lạc được Đức Phật giảng nói là Niết-bàn. Niết-bàn này tuy an lạc nhưng trí ta không muốn đi đến. Sở dĩ trí không muốn đi đến là vì có bi hòa hợp.

Bồ-tát tư duy: Ta nay cung kính hướng đến Niết-bàn. Vì sao? Vì trong Niết-bàn không còn sinh lão bệnh tử. Niết-bàn tuy an lạc, nhưng tâm bi luôn dẫn dắt, vì chúng sinh không thể đi đến. Tâm bi là mẹ của chư Phật, vì thế không thể xả bỏ tâm bi để hướng tới Niếtbàn. Nếu Niết-bàn ở ngay đây ta hãy còn không chứng, huống chi là xả bỏ chúng sinh để hướng về Niết-bàn.

Bồ-tát tư duy: Ta muốn hướng đến Niết-bàn, bi là mẹ của chư Phật luôn gần gũi với ta ban cho dòng sữa. Làm thế nào rời bỏ tâm bi để đi đến Bồ-đề Vô thượng? Giả như không đem lại lợi lạc cho chúng sinh thì ta cũng không mong cầu, huống lại là Niết-bàn.

Bồ-tát tư duy: Không nên hướng đến Niết-bàn mà xả bỏ chúng sinh không nơi chốn nương dựa. Vì tâm bi nên khiến ta không thủ chứng Niết-bàn. Niết-bàn là tận cùng nơi biên vực sinh. Nếu không sinh làm sao có thể cứu vớt chúng sinh?

Bồ-tát tư duy: Người thọ sinh có hai thứ an vui: Một là an vui do cứu giúp chúng sinh. Hai là an vui được giải thoát. Ta làm sao xả bỏ hai thứ an vui để giữ lấy một loại an vui?

Bồ-tát tư duy: Tất cả phàm phu đều cùng có tánh Nhất thiết chủng trí, nên đối với Nhất thiết chủng trí phàm phu dễ đạt được. Thế nên ta yêu mến phàm phu không yêu thích giải thoát.

Bồ-tát tư duy: Tùy theo nơi chốn có chúng sinh khổ, tâm bi được sinh, tâm bi được tăng trưởng, thế nên ta vui thích ở trong chốn ấy. Bồ-tát nói với tâm bi: Ông khiến cho ta được thanh tịnh tăng trưởng, khiến cho tất cả chúng sinh đều được thanh tịnh, đều được tăng trưởng. Bồ-tát nói với tâm bi: Chúng sinh ở nơi khổ luôn bị trăm ngàn các khổ bức bách. Hôm nay ông nên khiến cho chúng sinh tất đạt được an lạc, nên cùng với ta hoàn thành sự việc này. Bồ-tát nói với tâm bi: Chúng sinh bị tham ái trói buộc, bị sự già chết thâu tóm, ta thấy chúng sinh ở thế gian không nơi quay về, không chốn nương cậy, vì cứu độ chúng sinh nên nhận chịu vô số thứ khổ.

Bồ-tát tư duy: Ta yêu kính bậc đại trượng phu. Thấy có chúng sinh rơi vào nẻo khổ liền xả bỏ mọi an lạc của Niết-bàn, vì nhằm đem lại an vui cho chúng sinh nên tự mình cố gắng thực hành việc này.

Bồ-tát tư duy: Dốc cứu độ chúng sinh đạt được pháp Nhẫn vô sinh, trí quyết định nên được thọ ký. Người được thọ ký, ta nay nên cung kính cúng dường.

Bồ-tát tư duy: Đức Phật chứng đạt mắt thanh tịnh thấy biết khắp, khiến con hiện tiền chắp tay thỉnh cầu Đức Phật, nguyện xin thọ ký cho con!

 

Phẩm thứ 28: CÙNG ĐỒNG PHÁT NGUYỆN

Hiện tại đối trước mười phương chư Phật, vì sự nghiệp cứu độ chúng sinh, con nay xin phát nguyện Bồ-đề: Tất cả việc làm của chúng sinh con đều có thể cố gắng hành trì. Chư Phật đại bi đều khen ngợi chúng con: Lành thay! Con hiện có, hoặc trí hoặc phước, xin hộ trì con đối với tất cả những chúng sinh không nơi chốn quy kính nương dựa đều khiến họ được giải thoát. Xin Đức Thế Tôn khiến cho con luôn không ưa thích tâm của hàng tiểu trí. Đức Thế Tôn khiến cho con đạt đầy đủ mười lực như Thế Tôn. Nếu lửa dữ kiết sử thiêu đốt tâm của chúng sinh, xin khiến con dùng nước pháp dập tắt ngay lửa dữ ấy, phá trừ ma oán, đạt được trí tuệ của bậc Hiền Thánh, được chuyển pháp luân, dẹp tan phiền não cho tất cả muôn loài. Tùy thuận nơi có hết thảy chúng sinh, con đều cùng một lúc vì họ chuyển pháp luân, tất cả phước đã tạo đều dùng làm việc này. Nhờ phước đức ấy khiến con đạt được pháp thân tối thắng, cũng như hư không hiện bày khắp mọi chốn, đạt được hai loại thân để giáo hóa thế gian. Con nhờ phước này để hòa hợp với chư Phật, khiến cho các chúng sinh không người cứu giúp đều được giải thoát. Vô số các thứ phiền não có tướng sai khác, có thể làm nhân của khổ, do phước hiện có của con, dùng diệu lực của trí tuệ diệt trừ mọi khổ nạn cho chúng sinh. Xin khiến con đem phước này tạo nên ý vị an lạc cho tất cả muôn loài khắp cảnh giới hư không. Xin khiến cho con luôn được viên mãn sở nguyện, đối với đám giặc cướp ấm cái (Những thứ ngăn che trí tuệ) thường cướp đoạt công đức của thế gian đều phải khiếp sợ. Xin khiến cho con nhờ vào phước ấy để cứu độ, thâu giữ tất cả chúng sinh. Tùy theo thế gian an trụ bao nhiêu thời gian thì pháp thiện của con cũng an trụ từng ấy. Nhờ vào pháp thiện của con nên tất cả thế gian và xuất thế gian thảy đều xa lìa khổ đạt được an lạc, thường trong một lúc hòa hợp với tất cả chúng sinh.

Bồ-tát tư duy: Từ nay trở đi, con thường thuận theo lời thỉnh cầu của người xin, thọ nhận sự sai khiến, chỉ dạy. Từ nay trở đi, con thường đối với thân mình phát sinh tin hiểu sâu xa, không sinh ý tưởng khác, bao nhiêu mong muốn theo đó ban cho khiến được đầy đủ.

Bồ-tát tư duy: Xin khiến cho con từ nay cho đến lúc đạt đạo quả Bồ-đề không có một lúc nào thân không gặp Phật.

Bồ-tát tư duy: Xin khiến cho con từ nay đối với nẻo sinh tử dài xa, giả như lúc con không gặp Phật, không có một sát-na nào lìa bỏ tâm bi.

Bồ-tát tư duy: Xin khiến cho con mau chóng đạt đến đạo quả Phật đà, thấy rõ những khổ não cùng cực chúng sinh đang nhận chịu đã từng bức não thân con, con đều thay họ để thọ nhận. Xin khiến cho thân con đạt được tâm bi gắn bó tận cùng. Xin khiến cho thân con đạt được thân thọ nhận trí Phật giải thoát.

Bồ-tát tư duy: Xin khiến cho tâm bi của con cũng như hư không, tất cả núi sông, cây cỏ, chim chóc, thú vật, đều nương vào hư không an trụ. Tất cả chúng sinh nơi hết thảy mọi thời gian đều đi vào tâm bi của con, căn thiện của con nương vào tất cả chúng sinh nên được an lập. Dùng những phước thiện của con trở lại ban cho hết thảy chúng sinh, đạt được quả giải thoát. Tất cả đường sá, cầu cống, ghe thuyền, phương sở, đều là của chúng sinh cùng có. Xin khiến cho tất cả các phước thiện của con cũng là của tất cả chúng sinh cùng có.

Bồ-tát tư duy: Đất nước gió lửa nơi tất cả chúng sinh cùng có, khiến cho các phước thiện đã được tu tập của con cũng là của tất cả chúng sinh cùng có. Căn thiện con đạt được là nhân nơi tất cả chúng sinh, xin hồi hướng ban cho tất cả chúng sinh đạt được trí vô ngại.

Bồ-tát tư duy: Các phước thiện con đã tạo, xin khiến cho tất cả chúng sinh được xa lìa cảnh giới của ma, hội nhập cảnh giới của chư Phật. Xin khiến cho con đạt được trí tuệ hiện tiền luôn gồm đủ mười Ba-la-mật như trí Phật, khiến cho tất cả chúng sinh luôn được an lạc ổn định, đạt tâm bất động, hết thảy khổ não hiện có của tất cả chúng sinh đều khiến cứu giúp lẫn nhau. Bồ-tát nói với phước đức: Tất cả chúng sinh bị vô minh che lấp, không biết mình khổ, người khác khổ, ông nên mở bày chỉ dẫn. Lúc Bồ-tát hành bố thí tịnh thủy, luôn khiến cho tất cả chúng sinh trừ hết mọi kiết sử khát ái, đạt được tâm bi nơi đạo vô thượng. Khi con ban cho nước, nguyện cho tất cả chúng sinh tránh khỏi nẻo tham ái vây buộc, luôn luôn được tự tại, được dồi dào pháp tài, khiến phước thiện của con như sông biển. Hoa tâm từ không cấu nhiễm, trì giới làm nền, đáy, bố thí giống như dòng nước chảy xiết, trừ hết khổ não khát ái của chúng sinh, xin khiến cho tâm bi của con luôn như sông lớn.

Bồ-tát tư duy: Tâm bi của con như biển rộng, giới tịnh như hải triều, nhẫn nhục như sóng dậy, trí tuệ như biển động, tâm từ như nước cùng một vị. Tất cả những người con đã bố thí xin khiến cho chúng sinh thành tựu tâm từ như biển, khiến cho phước bố thí được vị cam lồ của tâm bi, trừ hết sinh già bệnh chết của chúng sinh.

 

Phẩm thứ 29: PHÁT NGUYỆN THÙ THẮNG

Nếu lúc con ở nơi tất cả chúng sinh, phát khởi tâm bi ban cho lợi lạc, nguyện khiến cho đại bi thêm kiên cố, dùng tâm bi diệt trừ khổ của chúng sinh, đều khiến họ cùng đến vây quanh nơi con. Nay con đem phước của vô úy thí này, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được đại bi. Nay con với những công đức nhẫn nhục hiện có, ở đời vị lai khi kiếp nạn đao binh dấy khởi, xin đem tâm bi của con diệt trừ tâm sân hận của tất cả chúng sinh. Do công đức bố thí thức ăn, khi kiếp nạn đói khát xảy ra, xin khiến cho tất cả chúng sinh được ăn uống đầy đủ. Nhờ công đức bố thí nước uống cho chúng sinh, xin khiến cho tâm bi thành tựu an trụ trong tâm của tất cả chúng sinh. Do công đức bố thí y phục cho chúng sinh, xin khiến mọi chúng sinh có được tâm hổ thẹn. Nhờ công đức của nhân duyên bố thí đèn sáng cho Phật, khiến cho con ở đời vị lai đạt được mặt trời của Phật trừ diệt tất cả tối tăm. Nhờ công đức bố thí mắt, xin khiến cho con ở đời vị lai, mong cho tất cả chúng sinh mau chóng đạt được mắt Phật. Nhờ công đức của con từng xả bỏ đầu óc tay chân v.v…, xin khiến cho tất cả chúng sinh đều hướng về tâm Bồ-đề. Do công đức nơi nhân duyên bố thí thuốc thang của con, xin khiến cho tất cả chúng sinh trừ hết mọi thứ khổ của sinh già bệnh chết. Nhờ nhân duyên của công đức con chỉ dạy người khác cung cấp các vật dụng cần thiết cho chúng sinh, xin khiến cho tất cả chúng sinh thành tựu được đạo Bồ-đề vô lậu vô thượng. Do công đức của nhân duyên con dùng cờ phướn, hương hoa, lọng báu cúng dường nơi tháp Phật, xin khiến cho hết thảy chúng sinh đạt được phước đức cao xa thù thắng. Nhờ công đức của nhân duyên con dùng cờ vải cúng dường Xá-lợi Phật, xin khiến cho tất cả chúng sinh diệt trừ tối tăm, có được ánh sáng. Do nhân duyên con cúng dường âm thanh của linh chuông, xin khiến cho tất cả có được âm thanh của Phạm thiên. Nhờ công đức của nhân duyên cúng dường hương hoa, anh lạc, xin khiến cho tất cả chúng sinh trừ bỏ các thứ kiết sử cấu nhiễm và mọi phiền não xú uế. Nhờ công đức của nhân duyên cúng dường Tam bảo, xin khiến cho tất cả chúng sinh thường xuyên được gặp Tam bảo, không hề thiếu sót. Nhờ công đức của nhân duyên con ở trong những đoạn đường hiểm nạn, vì các thương nhân trừ hết nỗi sợ hãi, xin khiến cho hết thảy chúng sinh ra khỏi sự sợ hãi sinh tử. Nhờ nhân duyên là công đức do con cứu chúng sinh thoát nạn nơi biển cả, xin khiến cho tất cả chúng sinh vượt qua biển cả sinh tử. Nhờ nhân duyên là công đức của căn thiện thanh tịnh nơi con hiện có, xin khiến cho tất cả chúng sinh trừ bỏ bốn loại ma, thành tựu chánh giác, con sẽ đạt được tam Bồ-đề.

Con ở nơi chúng sinh tuy nói lời như vậy, là vì muốn an ủi họ. Nay xin nói lời như vầy: Nhờ công đức này xin khiến cho tất cả chúng sinh đạt được Bồ-đề Vô thượng. Bồ-đề của tất cả chúng sinh tức là Bồ-đề của con. Tất cả chúng sinh bị ngu si che lấp đều khiến đạt được Bồ-đề Vô thượng. Nhờ công đức của nhân duyên này xin khiến cho tất cả chúng sinh thành tựu đạo quả Phật đà trước và con thành tựu quả vị Phật sau cùng. Nhờ công đức của nhân duyên con luôn qua lại trong cõi sinh tử, xin khiến cho hết thảy chúng sinh đều được thành Phật. Nhờ công đức của nhân duyên con phát khởi tâm thiện, xin khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được trí Phật. Nếu có người nào thấy nghe, thọ trì, đọc tụng, đều là nhân của việc hành trì đạt đến Bồ-đề Vô thượng. Con mong muốn làm viên mãn tất cả ý nguyện của chúng sinh. Vì nguyện con chưa viên mãn, nếu con thấy chúng sinh khổ, nghe tiếng than khóc của họ, nhờ công đức này xin khiến cho tất cả chúng sinh đều được thành Phật, mọi người đều hoan hỷ khi nhìn ngắm. Giả như con tu các hạnh thiện không thể khiến cho tất cả chúng sinh làm Phật, con hãy còn không vui lắng nghe, huống chi là lại thực hành.

Bồ-tát nói với công đức: Ông nếu không thể ủng hộ chúng sinh, làm nơi nương dựa cho họ, tôi cũng không muốn nơi ông có được quả báo. Vì sao? Vì chúng sinh tu phước, không tự vì thân mình. Nếu chúng sinh không còn, thì tâm thiện của tôi như hư không, ở trong ba thời ban phát an lạc cho chúng sinh. Bố thí do tâm Bồ-đề, được bậc trượng phu thù thắng xót thương phát nguyện. Đây gọi là nói về tâm bi. Cũng gọi là năm loại thuyết giảng. Cũng gọi là cứu độ chúng sinh. Gọi chung là Đại trượng phu hành hiền. Kệ có năm trăm. Sách cổ có tám trăm. Đại Bồ-tát Đề Bà La là vị A-xà-lê nơi Độc Tử Bộ, sinh tại phương Nam, đã làm xong Luận này.

HẾT – QUYỂN HẠ

Pages: 1 2