LUẬN KINH PHẬT ĐỊA
Tác giả: Luận sư Thân Quang
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 5

* Kinh nói:Lại như nơi mặt chiếc gương tròn được cẩn bằng ngọc đá sáng, nơi tất cả xứ đều là chốn duyên dựa cho các ảnh tượng phát khởi. Như thế, Trí Đại viên cảnh của Như Lai không đoạn dứt vô lượng hành tác thiện sáng, là chỗ duyên dựa cho khắp các trí ảnh khởi phát. Nghĩa là ảnh tượng nơi các trí của thừa Thanh văn, ảnh tượng nơi các trí của thừa Duyên giác, ảnh tượng nơi các trí của Đại thừa vô thượng. Đó là Như Lai muốn cho các người của thừa Thanh văn, nương vào thừa Thanh văn mà xuất ly, người của Độc nhất giác dựa vào thừa Độc giác mà xuất ly, người của Đại thừa nương vào Thừa vô thượng mà xuất ly”.

* Luận nêu: Thế nào là một trí nơi tất cả thời đều có thể xuất sinh ảnh tượng nơi các pháp của Nhất thiết trí v.v… trong ba Thừa?

Vì giải thích vấn nạn này, nên nói: Lại như nơi mặt chiếc gương tròn được cẩn bằng ngọc đá nhẵn sáng bóng v.v…: Tức như gương tròn sáng của thế gian vì soi khắp nên tất cả ảnh tượng v.v… đều xuất hiện nơi mặt. Nếu dùng ngọc đá trong sáng cẩn quanh mặt khuôn gương ở phía trước, sau và cả hai bên thì nơi tất cả xứ, gương sẽ làm duyên để hiện lên tất cả ảnh tượng.

Gương trí cũng thế. Tất cả Như Lai khi còn làm Bồ-tát, tuy có chủng tánh, nhưng vì bị chướng ngại, nên chưa có thể sinh khởi khắp ảnh tượng nơi các pháp của Nhất thiết trí v.v… trong ba Thừa. Sau đó, siêng năng tinh tấn tu tập không đoạn dứt vô lượng việc làm thiện sáng. Đến khi Định kim cang dụ hiển hiện ở trước, lìa hết thảy chướng đạt được thanh tịnh viên mãn, có khả năng sinh khởi trí v.v… của khắp ba Thừa. Tất cả ảnh tượng không đoạn dứt, theo phương không phân giới hạn, nên vô lượng theo thời, là vô lượng thời.

Đây là nói về phần vị nhân hiện bày khắp nơi chốn trong vô lượng thời gian, siêng năng tu tập các hành, dứt sạch hết thảy chướng ngại cản trở nẻo thiện, sáng nơi Trí Đại viên cảnh, có thể sinh khởi ảnh tượng nơi trí v.v… của ba Thừa.

Lại, tức như trí gương là hiện bày khắp nơi chốn, luôn lìa các thứ cấu uế nên vô số hạnh đức đều viên mãn, trang nghiêm, thanh tịnh trọn vẹn, nơi tất cả thời, xứ đều có thể khởi hiện các ảnh tượng. Như nói Định kim cang dụ thù thắng đã đoạn dứt tất cả chướng, chứng được Trí Đại viên cảnh của Như Lai, vô số công đức đều viên mãn, trang nghiêm: Nơi tất cả xứ cùng vô lượng thời, trí này có thể khởi hiện tất cả ảnh tượng của ba Thừa.

Ở đây ý nói: Các căn thiện đều riêng nên được thành thục khác nhau. Khi đạo thù thắng phát sinh Trí Đại viên cảnh, hoặc gần, hoặc xa, tùy theo chỗ ứng hợp của nó để làm trợ duyên mạnh mẽ. Nơi chủng tánh quyết định đều dựa vào thừa mình để được xuất ly. Đối với chủng tánh bất định, hoặc dựa vào Đại thừa, hoặc dựa vào các thừa khác để được xuất ly.

Nói xuất ly tức là Niết-bàn. Các người của ba Thừa dùng chủng tánh của mình làm nhân duyên, trí cảnh của Như Lai làm duyên tăng thượng, siêng năng tinh tấn tạo phương tiện tu tập tư lương, dẫn sinh đạo Thánh, trừ phiền não chướng, dứt sở tri chướng, tùy thuận căn cơ thích hợp, đều chứng được Niết-bàn.

Thanh văn, Độc giác thuộc chủng tánh quyết định, đều an trụ nơi quả vị vô học, vì ưa thích tịch diệt, các nghiệp làm tăng ích cho các phiền não chướng sinh khởi đều dứt trừ hết. Phiền não của nghiệp trước đã chiêu cảm nơi thân tâm, đều tự nhiên diệt hết, lại không thọ sinh và không có chỗ dựa, tất cả chủng tử của các hành hữu vi, hữu lậu, vô lậu đều theo đấy đoạn dứt, chỉ có chuyển y không còn tướng hý luận, xa lìa cấu uế, đạt pháp giới thanh tịnh của chân như, thân giải thoát tự tại, gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y, thường trụ an lạc, hoàn toàn tịch diệt, không rơi vào số đông, không thể nghĩ bàn, đồng với các Như Lai. Chỉ vì không có công đức vô lậu, hữu vi được trang nghiêm, nên không còn khởi tạo sự việc đem lại lợi ích an lạc cho hữu tình, nên không đồng với Như Lai.

Thanh văn, Độc giác thuộc chủng tánh bất định, an trụ nơi quả vị vô học, tuy không có phiền não, vì ưa thích Bồ-đề, nhưng do lực của định nguyện, để lại thân nối tiếp tu tập hành Đại thừa, cho đến đạt được Định kim cang dụ, tất cả chướng đều diệt, chứng ba thân Phật, tuy có công đức vô lậu, hữu vi, nhưng không có thân tâm hữu lậu tồn tại, nên chứng được cảnh giới Đại Niết-bàn vô dư y.

Dựa, nghĩa là thân tâm hữu lậu của ba cõi. Nếu các Bồ-tát khi đoạn dứt hai chướng, đều chứng được quả vị Phật, tức được gọi là chứng cảnh giới Đại Niết-bàn vô dư y. Thế nên, hàng Nhị thừa trước chứng nhập cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, về sau mới chứng cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Bồ-tát lúc đầu tiên chứng địa Như Lai, là đã chứng đắc liền hai thứ cảnh giới Đại Niết-bàn, vì đã dứt hết hữu lậu của thân tâm nên gọi là vô dư y, cũng còn có biến hóa giống như tướng hữu lậu, vì thân tâm tồn tại nên gọi là hữu dư y. Vì bi và trí không đoạn dứt nơi quả vị đã được chứng đắc, nên cũng gọi là cảnh giới Đại Niếtbàn vô trụ. Niết-bàn tức là nghĩa thể của chân như vĩnh viễn diệt các thứ chướng, do tuệ vô lậu chọn lựa lý của đế, đoạn các tạp nhiễm để chứng đắc, cũng gọi là trạch diệt.

Như thế, trạch diệt nơi bình diện chân như, là giả nêu đặt nên có, không có vật thật riêng biệt, đến phần vị rốt ráo, gọi là Niết-bàn, không có nơi chốn hướng đến, không có xú uế, lìa khỏi sự vây buộc, ra khỏi vùng rừng rậm phiền não, gọi là Niết-bàn.

Thanh văn, Độc giác còn có tập khí của sở tri chướng chưa diệt, làm sao chứng được Niết-bàn rốt ráo. Còn tập khí của sở tri chướng là do không biết, không phải là nhiễm ô, chỉ chướng ngại nơi quả Bồ-đề, không chướng ngại Niết-bàn. Vì không có phiền não nên không tăng ích nẻo sinh. Nếu không có nguyện lực hồi tâm hướng về Đại thừa, thì đến quả vị vô học, khi thọ mạng đã hết tất vĩnh viễn tịch diệt.

* Kinh nói:Như trong chiếc gương tròn, ảnh tượng lớn có thể có được. Đó là ảnh tượng của các đại địa, núi lớn, cây to, cung điện, nhà cửa lớn rộng, nhưng gương tròn này không ngang đồng với phần lượng kia. Như thế, trên trí gương tròn (Trí viên cảnh) của Như Lai, từ Địa Cực hỷ cho đến Địa Phật, ảnh tượng của trí có thể có được cùng với tất cả ảnh tượng của trí nơi pháp thế gian, xuất thế gian có thể có được, nhưng trí gương tròn không phải là phần lượng của các pháp đó”.

* Luận nêu: Nếu trí gương tròn có thể khởi hiện ảnh tượng của trí, nên đồng với phần lượng có sai biệt kia, có thể được chăng?

Vì giải thích vấn nạn này, nên nói: Như trong chiếc gương tròn, ảnh tượng lớn có thể hiện được, nghĩa là các đại địa v.v…: Tức như gương tròn của thế gian, tuy có thể làm duyên để khởi hiện ảnh tượng như đại địa v.v…, nhưng gương tròn này không ngang đồng với phần lượng kia. Trong một chiếc gương nhỏ, hiện lên nhiều ảnh tượng lớn như núi v.v… là có thể có được. Rất nhiều ảnh tượng nhỏ như đá v.v… hiện ra trong một chiếc gương to, là có thể có được. Tuy có hình ngăn ngại, nhưng số lượng của các ảnh lớn, nhỏ đều không đồng.

Trí gương cũng như thế. Tuy khởi hiện ảnh tượng của các trí thế gian, xuất thế gian, không có hình tướng ngăn ngại, nhưng không đồng với số lượng lớn nhỏ của ảnh tượng nơi trí kia. Do nhân duyên này, nên trí gương của chư Phật gọi là kho tàng của đại trí, vì đó là căn bản của trí thế gian, xuất thế gian. Như nói: Đức Thế Tôn đã thành tựu trí gương của kho tàng đại trí, có thể sinh ra Nhất thiết trí. Nên biết ở đây dùng tên trí để nói về tất cả công đức, do trí gương này tương ưng với thức tịnh, đầy đủ chủng tử của tất cả công đức lợi mình, lợi người, có khả năng làm nhân duyên sinh ra ảnh tượng của trí v.v… trong tự thân và làm duyên tăng thượng để sinh ra ảnh tượng của trí v.v… trong thân người khác. Do trí gương này có thể hiển hiện thân, sinh ra trí thuyết pháp và lần lượt sinh ra ảnh tượng của trí v.v… nơi người khác. Hoặc nguyện lực của bi huân tu tạo thành, tự nhiên làm duyên tăng thượng cho pháp thiện nơi trí v.v… của người khác, khiến được sinh trưởng dễ dàng.

Thế nên kinh nói: Tất cả chúng sinh với pháp thiện hiện có cùng quả vị thù thắng đều là do nguyện lực của bi tăng thượng nơi Như Lai nên được phát sinh.

* Kinh nói:Lại như gương tròn là duyên khiến khởi hiện chất ảnh tượng, không phải là xứ che lấp chất ảnh tượng. Như thế, Trí Đại viên cảnh của Như Lai là duyên khởi hiện ảnh tượng nơi trí của chúng sinh, không phải thuộc về bạn xấu, thâu giữ việc nghe pháp không chân chánh, làm trở ngại ảnh tượng nơi trí của chúng sinh, vì chúng không phải là pháp khí”.

* Luận nêu: Nếu trí gương tròn của Như Lai khiến cho ba Thừa đều được xuất ly, sinh ra ảnh tượng của các trí. Lại do nguyện lực của bi, huân tu tạo thành làm duyên tăng thượng và xuất sinh ảnh tượng của các trí thế gian, xuất thế gian, thì vì sao chánh trí của các ngoại đạo nơi thế gian lại không thể sinh ra nhân duyên thường hòa hợp với trí đó. Các ngoại đạo v.v… nên là không điên đảo chăng?

Vì giải thích vấn nạn này, nên nói: Lại như gương tròn là duyên khiến khởi hiện chất ảnh tượng, không phải là xứ che lấp chấp ảnh tượng v.v…: Như chiếc gương của thế gian, tuy có khả năng làm duyên để hiện lên các ảnh tượng, nhưng gương không phải là duyên gây trở ngại chất ảnh tượng như nơi tường vách đã cản trở.

Trí cảnh của Như Lai cũng lại như thế. Tuy có khả năng làm duyên sinh ra ảnh tượng của trí, nhưng không phải ở tại chỗ yêu thích của tri thức ác, ưa thích nghe pháp tà gây cản trở: Ảnh của trí làm duyên phát sinh do tác động của tri thức ác kia chẳng phải là điều có thể thêm sức cho người có tâm nghe chánh pháp. Thế nên, đạo Thánh không sinh khởi với ngoại đạo, vì luôn giữ tâm điên đảo, chủng tử của pháp thiện bị tổn giảm, chìm mất, còn chủng tử của pháp ác thì gặp duyên để phát sinh. Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, thời gian tu tập thiện thì ít, thời gian gây tạo ác thì nhiều. Do đó, pháp thiện tuy có gặp duyên mạnh mẽ, cũng khó sinh trưởng, còn pháp ác tuy chỉ gặp một ít duyên nhỏ bên ngoài, tức liền sinh khởi nhanh, nhiều.

* Kinh nói:Lại như chiếc gương tròn là duyên để khởi hiện ảnh tượng của trí, không phải là nơi làm mờ tối chất ảnh tượng. Trí Đại viên cảnh của Như Lai cũng như vậy, là duyên để khởi hiện ảnh tượng nơi trí của chúng sinh, không phải là nơi chốn ưa thích xấu ác ngu muội, vì những thứ ấy không phải là pháp khí”.

* Luận nêu: Như duyên bên ngoài gây chướng ngại, khiến ảnh tượng của trí không sinh. Thói quen ưa thích việc ác từ kiếp trước là duyên bên trong, bị vô minh tối tăm ngăn che nên ảnh tượng của trí không khởi hiện.

Những người ưa thích việc ác: Tuy tất cả phiền não như tham, giận v.v… thảy đều bùng phát, nhưng nặng hơn cả là si mê. Do không nhận biết rõ về sự việc nhân quả hơn kém của thiện ác, không biết trong thế gian hiện có chánh pháp của chư Phật, luôn đem lại lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh. Thửa ruộng tốt là Tam bảo luôn sinh trưởng vô lượng khối phước cho tất cả thế gian và xuất thế gian. Nhưng họ không muốn nghe, nhận giáo pháp, không thích về nương dựa. Ngược lại, ưa thích nghe pháp tà của ngoại đạo, không lợi ích, không an vui, nương dựa vào đó khiến sinh trưởng và rước lấy các khổ do vô lượng nghiệp ác nơi các thần tà, há không phải là do sức ngăn che của vô minh tối tăm? Vì thế, ngăn che điều thiện thì vô minh là nặng nhất, nên cần phải siêng năng tu tập trí tuệ sáng tỏ. Vô minh nặng nề không phải là căn khí tốt.

* Kinh nói:Lại như chiếc gương tròn là duyên khiến khởi hiện chất ảnh tượng, không phải là nơi chốn lìa xa. Như thế, Trí Đại viên cảnh của Như Lai là duyên khiến khởi hiện ảnh tượng nơi trí của chúng sinh, không phải là nơi chốn tạo pháp bất tịnh, chiêu cảm sự thiếu thốn nghiệp pháp nơi chúng sinh bất tín, vì các loại đó không phải là pháp khí”.

* Luận nêu: Do sức mạnh nơi chướng ngại của hai duyên trong ngoài như thế, nên ảnh tượng của trí không sinh. Những gì là hai duyên?

1. Do nghiệp tạo từ đời trước đã chiêu cảm sự thiếu thốn pháp nghiệp khiến cho trong nhiều thời gian không được nghe chánh pháp. Nghĩa là nơi đời trước đã hủy báng chánh pháp, do nghiệp chướng này, nên trải qua vô lượng kiếp không được nghe pháp của Phật. Chính sự việc không nghe chánh pháp của chư Phật này là chướng của quả nghiệp kia. Ảnh tượng của trí kia khiến không sinh khởi là do không được nghe chánh pháp. Tự thể của ảnh trí kia đã là không thì làm sao gọi là hủy báng chánh pháp? Quả như thế nào? Có thể tạo chướng ngại, có thể sinh ra ảnh tượng của trí, không nói là chúng sinh kia không nghe chánh pháp, là quả báo, là chướng ngại. Nhưng nói là do chúng sinh chiêu cảm sự thiếu thốn pháp nghiệp có sự việc đó, tức không thể nghe nhận chánh pháp, thân tâm ngu độn, các căn không đủ v.v… là quả báo, là chướng ngại.

2. Do không tin tưởng. Nghĩa là không có chủng tánh, không có pháp Niết-bàn, không ưa thích Niết-bàn, không có chủng tử của đạo Thánh xuất thế gian. Đối với sự chứng đắc chân như, còn có chướng rốt cùng, nên khi nghe pháp xuất thế đều không tin nhận, hoàn toàn không đạt được Niết-bàn của ba Thừa. Như thế, tất cả thân tâm nối tiếp đều không thanh tịnh, vì không phải là pháp khí của bậc Thánh, nên tức thời hoàn toàn không phát sinh ảnh tượng nơi trí của công đức xuất thế gian. Như nước đục nhơ không thể lộ hình ảnh của mặt trăng. Trí gương cũng như thế, nếu không tin tưởng thì ảnh tượng của trí không thể phát sinh.

Như vậy, lược nói về Trí Đại viên cảnh gồm có chín thứ tướng thù thắng. Còn các trí khác, nghĩa là tướng huấn từ, tướng không phân biệt, tướng thanh tịnh bị chướng ngại.

Dựa vào nhân duyên trên phát sinh tướng của ảnh trí, không có tướng ngã sở, không có tướng thâu nhận, không quên tất cả tướng nơi cảnh giới của đối tượng được nhận biết, luôn hiện bày khắp mọi nơi chốn, thời gian phát sinh tướng của ảnh trí, có thể sinh ra tướng căn bản của Nhất thiết trí. Đối với xứ không phải là pháp khí, tức không thể phát sinh tướng. Đây có ba thứ không phải là pháp khí của bậc Thánh:

1. Gần gũi tri thức bất thiện, nghe pháp không chân chánh, tức thời có chướng ngại, không phải là pháp khí của bậc Thánh.

2. Vì bị chướng ngại do phiền não si ám, nên không phải là pháp khí của bậc Thánh.

3. Vì bị chướng ngại do nghiệp chướng rất nặng, cùng không có chủng tử của đạo Thánh xuất thế.

Trong thời gian khá lâu, hoàn toàn không phải là pháp khí của bậc Thánh.

Ba thứ như thế gọi chung là tướng thứ chín, không phải là pháp khí, nên tướng không thể phát sinh.

* Kinh nói:Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Sinh! Trí Bình đẳng tánh là do mười thứ tướng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Trí Bình đẳng tánh là do mười thứ tướng thành tựu viên mãn: Nên biết mười thứ tướng này là quả tu chứng của mười địa.

Nói lược là trong mỗi mỗi địa đều chứng đắc một tánh bình đẳng, nên tu tập thành tựu viên mãn Trí Bình đẳng tánh của Phật địa. Thế nên nói Trí Bình đẳng tánh là do mười thứ tướng thành tựu viên mãn.

Nếu nói rộng thì trong mỗi mỗi địa đều chứng đắc vô lượng pháp tánh bình đẳng, nên tu tập thành tựu viên mãn Trí Bình đẳng tánh của Phật địa.

* Kinh nói:Chứng được các tướng khiến sự vui mừng, yêu thích tăng thượng, nên thành tựu viên mãn pháp tánh bình đẳng”.

* Luận nêu: Các tướng: Tức là các tướng của bậc Đại sĩ cùng các tướng tùy hảo có sai biệt đều gọi là tướng. Các tướng như thế vì xa lìa tự tánh của biến kế sở chấp, nên gọi là bình đẳng. Như Khế kinh nói: “Các tướng của bậc Đại sĩ, Như Lai tức nói do không phải là tướng, thế nên nói là các tướng của bậc Đại sĩ”.

Tăng thượng: Tức là dồi dào, tự tại. Các uẩn như sắc v.v… đều riêng biệt, đều không phải là sự dồi dào tự tại. Hòa hợp cũng không phải là dồi dào, tự tại, tức vì tánh riêng biệt của chúng. Các pháp khi hòa hợp không bỏ tự tánh. Nếu lìa tự tánh này thì không có Bổđặc-già-la thật. Do đó tất cả sự dồi dào, tự tại đều xa lìa tự tánh của biến kế sở chấp, nên gọi là bình đẳng. Như Khế kinh nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay con đã hiểu rõ, tất cả do vô ngã nên không giàu, không nghèo”.

Vui mừng yêu thích: Tức là sự vui mừng yêu mến hiện có, do sức của biến kế. Thuận nơi pháp yêu mến kia nên phát sinh hoan hỷ, trái ngược với pháp yêu mến thì sinh khởi buồn lo. Vì các pháp nơi biến kế sở chấp đã không có, nên đối với tất cả sự vui mừng, yêu thích của biến kế sở chấp cũng là không có, nên gọi là thấu đạt về bình đẳng giải thoát.

Như thế là đã nói về các tướng vui mừng, yêu thích tăng thượng nơi pháp tánh bình đẳng, gọi là chứng đắc Địa thứ nhất. Bồ-tát mới chứng đắc lần đầu tiên pháp tánh bình đẳng, về sau dùng phương tiện tu tập dần dần trong các địa nối tiếp, khiến được tăng trưởng, sau cùng đến Phật địa là thành tựu viên mãn. Từ đấy về sau, không còn tăng trưởng. Do sự chứng đắc được thành tựu viên mãn ấy, nên Trí Bình đẳng tánh mới được thành tựu viên mãn.

Sự thành tựu viên mãn ở đây, đối với xứ thứ ba, nói là sự biến chuyển thứ năm, tất cả nên nói là do thành tựu viên mãn, là nghĩa loại tương tợ, ngôn từ thuận hợp, nên nói như thế.

* Kinh nói:Chứng đắc pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn của tất cả sự lãnh nhận duyên khởi”.

* Luận nêu: Duyên khởi gồm có hai nghĩa: (1) Trong. (2) Ngoài.

Duyên khởi bên trong là mười hai chi hữu như vô minh v.v… Duyên khởi bên ngoài là tất cả sự vật bên ngoài như hạt giống, mầm v.v…

Trong: Là nên dùng pháp quan sát về hành tướng thuận nghịch của hai phần tạp nhiễm, thanh tịnh. Ngoài: Là nên dùng pháp quan sát các hành tướng: Do đây có nên kia có, vì đây sinh nên kia sinh. Nghĩa là vì chủng tử này có, nên chủng tử kia sinh. Mầm này v.v… được có, nên mầm kia được sinh. Hai duyên khởi này, tất cả đều do nhân có, nên quả có, vì nhân sinh nên quả sinh. Nghĩa không tác dụng là nghĩa duyên khởi. Nghĩa không, vô ngã, nghĩa không Bổđặc-già-la là nghĩa duyên khởi.

Tự tướng của các nghĩa duyên khởi như thế là đối tượng được lãnh nhận, nên gọi là lãnh nhận. Hoặc vì hữu tình có thể lãnh nhận nên gọi là lãnh nhận.

Các pháp duyên khởi là đối tượng được lãnh nhận. Tất cả duyên khởi được lãnh nhận như thế, vì không tác dụng, vì không, vô ngã, vì không Bổ-đặc-già-la, nên xa lìa tự tánh của biến kế sở chấp, gọi là thấu hiểu bình đẳng.

Như thế là đã nói về sự lãnh nhận tất cả duyên khởi nơi pháp tánh bình đẳng, nên gọi là chứng đắc.

Do sự chứng đắc này, như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

Pháp tánh bình đẳng của duyên khởi như thế tức là pháp tánh bình đẳng của tất cả pháp. Như nói với Phạm chí, tất cả pháp tánh, tức là pháp tánh của duyên sinh, duyên khởi. Hiểu rõ về điều này nên gọi là Bồ-đề. Như Đức Phật đã nhận thấy tất cả pháp tánh như thế, tức là pháp tánh duyên khởi.

Lại như Khế kinh nói: “Không thấy có một chút pháp nào lìa tánh duyên khởi”. Ở đây pháp tánh bình đẳng duyên khởi gọi là tánh duyên khởi. Dựa vào mật ý ấy nên nói lời này: “Nếu thấy duyên khởi, tức thấy pháp tánh. Nếu thấy pháp tánh, tức là thấy chư Phật”.

Thật tánh của duyên khởi tức là pháp thắng nghĩa, vì thắng nghĩa là Phật.

Pháp tánh bình đẳng đối với tất cả mọi nơi chốn, vì đều không sai biệt nên nói như thế.

* Kinh nói:Chứng đắc sự xa lìa dị tướng, phi tướng, vì pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Vì tướng của các pháp như sắc v.v… là biến hoại, không giống nhau, nên gọi là dị tướng. Xa lìa dị tướng đều riêng biệt như thế, tức là tướng chung.

Tướng chung như vậy lấy gì làm tướng? Lấy phi tướng làm tướng. Như Khế kinh nói: “Hết thảy pháp tánh chỉ có một tướng, đó là phi tướng. Phi tướng tức là pháp tánh bình đẳng”.

Hiểu thấu về biến kế sở chấp như thế, tất cả pháp tánh rốt ráo, vĩnh viễn không có pháp tánh bình đẳng, nên gọi là chứng đắc.

Do sự chứng đắc này, theo như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

Lại có nghĩa: Xa lìa dị tướng tức là không có tướng. Xa lìa phi tướng tức là không “Không tướng”. Không có, không không, gọi là tánh bình đẳng. Ngoài ra như trước đã nói.

* Kinh nói:Tâm đại từ cứu giúp rộng lớn, nên pháp tánh bình đẳng đã thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Từ có ba thứ: (1) Từ duyên nơi hữu tình. (2) Từ duyên nơi pháp. (3) Từ không duyên.

Các Bồ-tát ở phần vị mới phát tâm, phần nhiều đều tu tập tâm từ duyên nơi hữu tình, đa số là hữu lậu, do cảnh giới hữu vi của thế tục. Các Bồ-tát ở quả vị tu tập chánh hạnh, phần nhiều đều tu tập tâm từ duyên nơi pháp, cũng phần nhiều là hữu lậu. Do dùng giáo pháp Đại thừa làm cảnh giới tu tập, nên các Bồ-tát này v.v… chứng được nhẫn vô sinh, phần nhiều đều tu tập tâm từ không duyên, tuy có sở duyên duyên là pháp giới. Ví như các pháp dị thục như mắt v.v… không có phân biệt, không tạo gia hạnh, chuyển biến tự nhiên, nên gọi là không duyên. Trí Bình đẳng tánh tương ưng với đại từ.

Hoặc có nghĩa: Chỉ duyên nơi pháp giới làm đối tượng duyên, nhưng vĩnh viễn không có phân biệt. Vì không duyên nơi hữu tình và các pháp nên gọi là tâm từ không duyên.

Lại có nghĩa: Cũng duyên nơi các pháp.

Về nghĩa như thật: Cũng duyên nơi hữu tình, song không phân biệt, hành tướng đều bình đẳng, biết rõ tất cả là giả lập. Vì tánh của hữu tình là bình đẳng, nên duyên sinh cùng pháp tánh bình đẳng, vì tánh của chân như vô ngã bình đẳng nên gọi là trí bình đẳng. Trí này tương ưng theo cảnh của đối tượng duyên, có đủ ba thứ từ, chính là hành bình đẳng không phân biệt, nên nói là không duyên.

Trí Bình đẳng tánh trong Địa Như Lai tương ưng với đại từ, các tướng thành tựu viên mãn nên đều luôn hiện hành. Đức Như Lai đã có đại từ không duyên, còn hai thứ từ kia không nói đến, tự nhiên thành tựu. Do ba thứ từ này, nên Đức Như Lai cứu độ bình đẳng tất cả hữu tình, không những chỉ ban cho an vui nơi phần ít chúng sinh mà là chuyển biến khắp hết thảy hữu tình nhận biết về pháp vô ngã trở thành tánh chân như bình đẳng. Vì luôn hiện hành cứu độ tất cả, nên gọi là đại từ, không phải như Thanh văn và hàng phàm phu v.v… chỉ tạm thời chuyển vận hành tác ban vui một phần ít, không có khả năng cứu độ tất cả hữu tình.

Vì vượt hơn tất cả hàng Thanh văn v.v…, vì cứu độ tất cả các hữu tình, do trong thời gian dài đã tích tập tư lương phước tuệ, được thành tựu viên mãn, nên gọi là sự cứu giúp rộng lớn.

Như thế, chỗ nói về tâm đại từ cứu giúp rộng lớn hiện bày khắp tất cả nơi chốn, chuyển vận không sai biệt, nên gọi bình đẳng. Tức sự bình đẳng này được gọi là pháp tánh. Hoặc đã nói tâm đại từ cứu giúp rộng lớn, vì pháp tánh bình đẳng là đối tượng duyên, căn cứ nơi cảnh nên gọi là pháp tánh bình đẳng. Do tâm đại từ này, theo như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Tâm đại bi không đối đãi vì pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Tâm đại bi của hàng Thanh văn v.v… không thể cứu độ tất cả hữu tình, chỉ duyên nơi một ít phần hành tướng của cõi Dục, tạm thời chuyển biến. Tâm đại bi của Như Lai có thể cứu độ khắp tất cả hữu tình, duyên suốt cả ba cõi, hiện hữu khắp các hành tướng và luôn chuyển biến.

Nói không đối đãi: Là không có đối tượng quán đối chỉ luôn cứu độ, không bỏ. Nghĩa là không có đối tượng được đối đãi, mà tùy thuận chỗ ứng hợp để cứu độ ba khổ. Đối với mọi khổ nơi các hữu tình, tâm bi hằng chuyển không bỏ. Cũng như Trưởng giả hết lòng thương yêu con một. Nơi các hữu tình đều hành hóa bình đẳng, do cảnh giới của hữu tình là không có biên vực. Khi tạo các thành thục cho hữu tình, không hề bỏ dở. Khi đem lại những thành thục cho hữu tình tâm bi kia luôn hiện bày thuận hợp.

Đức Như Lai thường cùng với tâm đại bi tương ưng, không thể nói là tạm khởi, tạm chuyển. Như kinh nêu: “Này Thiện nam! Không nên nói chư Phật, Thế Tôn hiện có tâm đại bi, đối với các hữu tình tạm khởi, tạm chuyển. Vì sao? Vì tâm đại bi ấy là hằng chuyển”.

Tâm đại bi của chư Phật, Thế Tôn hiện bày khắp, cho đến những kẻ không có căn cơ, chưa lập căn thiện và trọn không chứng được Bồ-đề vô thượng. Đức Như Lai sau khi chứng đắc Đại Bồ-đề rồi, luôn nghĩ như thế này: “Ta sẽ an lập các thứ gốc căn thiện cho hết thảy hữu tình. Nếu có người chưa giác ngộ được tất cả pháp, Ta sẽ khai ngộ cho họ”.

Đức Như Lai thường khởi đại bi đối với các hữu tình như thế, cho đến nói rộng, như Khế kinh nói: “Ngày đêm trong sáu thời, Đức Như Lai luôn quan sát thế gian, vì sao hôm nay nói đại bi hằng chuyển? Đây là nói tác dụng nơi sáu thời luôn nối tiếp kéo dài không gián đoạn, nên không mâu thuẫn”.

Đại từ, đại bi lấy căn thiện không giận, không hại, không si làm tự tánh, còn hành tướng ban vui, cứu khổ thì có khác nhau, cùng có đủ ba thứ duyên nơi hữu tình v.v…

Từ là không sân, Bi là không hại. Từ duyên nơi không lạc dục để ban cho an vui. Bi duyên nơi có khổ, nhằm cứu vớt dứt bỏ nỗi khổ. Đại bi không đối đãi vận hành không sai biệt, nên gọi là bình đẳng.

Đây tức là pháp tánh, hoặc duyên nơi pháp tánh bình đẳng làm cảnh. Do đại bi này, theo như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Thuận theo những điều các chúng sinh ưa thích, Như Lai thị hiện pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Tùy thuận các hữu tình ưa thích trông thấy sắc thân của Đức Như Lai có sai biệt, Đức Như Lai sẽ thị hiện sắc thân như thế.

Đức Như Lai tuy ở nơi phần vị không hý luận, do lực tăng thượng của Trí Bình đẳng tánh, Trí Đại viên cảnh tương ưng với thức thanh tịnh nên Đức Như Lai đã biến hiện sắc thân vi diệu như lưu ly v.v… khiến căn thiện của các hữu tình đều được thành thục. Tự tâm biến hiện tướng thân như thế, nghĩa là ngoài tự tâm được thấy thân Như Lai, như Khế kinh nói: “Do lực của căn thiện nơi tâm từ của các Như Lai đã thị hiện, khiến tự tâm của hàng trời, người v.v… biến đổi, được thấy thân Như Lai như sắc vàng ròng v.v…”.

Lại như kinh nói: “Nếu vô lượng hữu tình đáng được giáo hóa, cần trông thấy sắc thân báu như lưu ly, mạt ni, tức Đức Như Lai có thể thị hiện thuận hợp vô số sắc tướng báu như lưu ly, mạt ni, khiến cho tự tâm của các hữu tình đó cũng biến hiện như thế, cho đến nói rộng”.

Như thế là thị hiện tất cả hình tướng bình đẳng của Như Lai. Bình đẳng như vậy tức là pháp tánh, do đó gọi là pháp tánh bình đẳng. Nghĩa là tùy thuận hữu tình được hóa độ ưa thích được thấy hình tướng, sắc thân, các Đức Như Lai tức đều thị hiện đồng xứ, đồng thời, đồng loại, khiến tự tâm họ cũng biến hiện như vậy để tạo lợi ích an vui.

Như chủng tử đã thành thục trong tướng chung nơi thức A-lạida của các hữu tình, đều biến hiện ra tướng của thế giới v.v… đồng xứ, giống nhau nhưng không cùng ngăn ngại.

Đây cũng như thế. Như tướng nơi sắc thân, các sự việc khác cũng vậy, do chỗ thị hiện này, theo như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Tất cả chúng sinh đều cung kính thọ nhận giáo pháp do Đức Như Lai giảng nói, nên pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Nếu có chủng loại nghiệp ngữ như thế, tức có thể khiến căn thiện của hữu tình được thành thục. Nghe xong đều sinh hoan hỷ, vì được niềm tin, ưa thanh tịnh. Đức Như Lai liền thị hiện nghiệp ngữ như thế, khiến cho các hữu tình kia đều được nghe. Đức Như Lai tuy không hý luận, phân biệt, nhưng do nguyện lực của tâm bi, nên Như Lai đã thị hiện như thế. Hữu tình được giáo hóa từ nơi sức thắng giải nên đã biến hiện khác như vậy. Nghĩa là ngoài tự tâm, họ nghe được tiếng nói của Phật. Vì Đức Như Lai đã xuất sinh tất cả ngôn ngữ thích hợp với mọi căn cơ, các hàng người, trời v.v… đều không trái nghịch, nên nói là cung kính thọ nhận. Nếu không phù hợp với căn cơ thì Đức Như Lai đã không thị hiện, nên lời nói của chư Phật không hề là vô ích. Tuy có chúng sinh không thuận theo lời Phật, nhưng đây là hóa hiện, hoặc sẽ có ích, vì về sau tất tin nhận.

Theo phần chung mà nói, tất cả chúng sinh đều kính nhận lời Phật đã giảng nói. Ngôn ngữ như thế là do đạo lý trước vì chư Phật đồng hiện, nên gọi là bình đẳng. Bình đẳng như vậy, tức gọi là pháp tánh. Vì sự thị hiện ấy, theo như trước tu tập được thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Pháp tịch tĩnh của thế gian đều đồng một vị, vì pháp tánh bình đẳng đã thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Năm uẩn hữu lậu gọi là thế gian, vì niệm niệm đối trị hai thứ tan hoại. Tức trạng thái diệt hẳn của năm uẩn, gọi là tịch tĩnh. Do đó, ở ngay trong năm uẩn này mà được tịch tĩnh, chính là đạo Thánh cùng do tánh y tha khởi của Niết-bàn. Sự tịch tĩnh của thế gian đồng quy về chân như, vì tánh viên thành thật, nên gọi là một vị.

Lại, thế gian là biến kế sở chấp, nhưng bản tánh này là không, nên gọi là tịch tĩnh. Tịch tĩnh như thế đã hiển bày chân như không sai biệt, nên gọi là một vị. Đây tức gọi là pháp tánh bình đẳng. Do một vị này, nên như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Các pháp khổ vui của thế gian đều là một vị, vì pháp tánh bình đẳng thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Các pháp thế gian lược có tám thứ: (1) Lợi. (2) Suy. (3) Chê bai. (4) Đề cao. (5) Khen ngợi. (6) Trách cứ. (7) Khổ. (8) Vui.

Sự việc được vừa ý gọi là lợi. Sự việc không vừa ý gọi là suy. Không bài bác trước mặt gọi là chê bai. Không tán dương trước mặt gọi là đề cao. Tán thán ngay trước mặt gọi là khen ngợi. Bài bác ngay trước mặt gọi là trách cứ. Bức não thân tâm gọi là khổ. Thân tâm thích thú gọi là vui.

Tám thứ như thế hợp chung có hai loại: Bốn thứ trái nghịch gọi là khổ, bốn thứ thuận hợp gọi là vui, vì chúng sinh khởi hân hoan hay buồn bã.

Hoặc ở đây lược nói, sau cùng thì khổ vui là một đối. Nhưng bậc Thánh ở trong ấy luôn là một vị, được lợi không thấy cao, gặp suy không thấy thấp. Như thế cho đến khổ không giận dữ, vui không yêu thích. Như Khế kinh nói: Bậc Thánh ở trong thế gian đều bình đẳng một vị, cũng như hư không. Hàng phàm ngu sống nơi thế gian luôn chấp có sai biệt. Vì Thánh nhân đã xa lìa biến kế sở chấp, nên tám pháp của thế gian nơi tất cả xứ đều đồng một vị. Đây tức gọi là pháp tánh bình đẳng. Do một vị này nên như trước tu tập thành tựu viên mãn, do đó Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Tu tập, gieo trồng vô lượng công đức vì pháp tánh bình đẳng rốt ráo, thành tựu viên mãn”.

* Luận nêu: Công đức tức là các pháp công đức như ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề v.v…

Huân tập chủng tử, nuôi lớn, thành thục, đạt được giải thoát, gọi là tu tập gieo trồng.

Trí Bình đẳng tánh tuy không phân biệt, nhưng do lực tăng thượng của trí Phật và Bồ-tát, như viên ngọc Như ý, khiến công đức trong thân khác được sinh trưởng, thành thục, giải thoát.

Nói cứu cánh: Là có thể chứng đắc Niết-bàn của ba Thừa. Đã khiến được giải thoát, khiến được an vui của thế gian, không nói tự nhiên thành trí như thế, gọi là pháp tánh bình đẳng, vì đã xa lìa tánh biến kế sở chấp. Hoặc các Bồ-tát đã tu tập, gieo trồng vô lượng công đức thù thắng như các phần pháp Bồ-đề v.v… cho đến cứu cánh. Tức ở đây gọi là pháp tánh bình đẳng. Do công này, theo như trước tu tập thành tựu viên mãn, nên Trí Bình đẳng tánh thành tựu viên mãn.

* Kinh nói:Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Sinh! Trí Diệu quan sát v.v…”.

* Luận nêu: Dựa vào mười thứ nhân, nên biết, phân biệt về Trí Diệu quan sát có mười thứ nhân:

  1. Nhân kiến lập.
  2. Nhân sinh khởi.
  3. Nhân hoan hỷ.
  4. Nhân phân biệt.
  5. Nhân thọ dụng.
  6. Nhân sai biệt về nẻo.
  7. Nhân sai biệt về cõi.
  8. Nhân tuôn trận mưa pháp lớn.
  9. Nhân hàng phục oán địch.
  10. Nhân đoạn trừ tất cả nghi.

* Kinh nói:Ví như thế giới đã giữ gìn cảnh giới của chúng sinh. Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai đã nhận giữ tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa và Biện thuyết vô ngại, pháp diệu của chư Phật”.

* Luận nêu: Trong đoạn kinh này là chỉ rõ về tướng của Nhân kiến lập.

Ví như thế giới đã giữ gìn cảnh giới của chúng sinh: Như tự tâm của các hữu tình đã biến hiện tướng của các thế giới như bên dưới phong luân v.v…, có thể duy trì chỗ biến hiện của tự tâm về cảnh giới của các hữu tình như mắt v.v…

Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai đã nhận giữ tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa và Biện thuyết vô ngại, pháp diệu của chư Phật: Vì tương ưng với các môn ấy nên cùng có thể dẫn khởi.

Đà-la-ni: Là niệm tuệ tăng thượng, có thể nhận giữ chung về vô lượng pháp Phật, khiến không quên mất. Ở trong một pháp duy trì tất cả pháp, ở trong một câu văn nắm giữ tất cả lời văn, ở trong một nghĩa nắm giữ tất cả nghĩa, thâu nhận chứa giữ vô lượng công đức nên gọi là kho tàng vô tận. Đà-la-ni này lược nêu có bốn thứ: (1) Đà-la-ni pháp. (2) Đà-la-ni nghĩa. (3) Đà-la-ni chú. (4) Đà-la-ni có thể chứng đắc nhẫn của Bồ-tát. Như trong Luận Du Già đã nói rộng về tướng của nhẫn đó.

Làm thế nào chỉ ở trong một pháp v.v… có thể nhận giữ được tất cả pháp v.v…? Nghĩa là do diệu lực không thể nghĩ bàn nơi tuệ tăng thượng của Phật, Bồ-tát, nên ở trong một pháp tướng thuộc tướng phần của tự tâm đã hiện ra tất cả pháp. Văn nghĩa cũng như thế.

Lại có thể thị hiện vô lượng pháp môn công đức vô tận. Vì tự thể của kiến phần cũng gồm đủ vô biên công năng thù thắng, nhận giữ tất cả khiến không quên mất. Diệu lực của niệm tuệ không thể nghĩ bàn như thế, gọi là Đà-la-ni.

Tam-ma-địa: Là định tăng thượng, tức là các Tam-ma-địa như kiện hành v.v… có khả năng vượt hơn hẳn tất cả các thứ Tam-mađịa của thế gian, xuất thế gian. Vì các Tam-ma-địa khác không thể hơn nên gọi là kiện hành. Lại nữa, Phật, Bồ-tát là những kiện sĩ trên mọi nẻo hành hóa, nên gọi kiện hành. Vì chỉ có Bồ-tát mười địa và Phật mới chứng được định này. Các Tam-ma-địa khác theo chỗ kinh đã nói, nên giải thích về tên gọi. Tức Đà-la-ni và Tamma-địa, đều gọi là môn, như ba môn không, vô nguyện, vô tướng, vì có khả năng phát sinh chung vô lượng công đức đồng loại, dị loại.

Biện thuyết vô ngại: Tức là bốn vô ngại Pháp, Nghĩa, Từ, Biện. Do bốn pháp này có khả năng vì chúng sinh biện luận, diễn nói pháp diệu nên gọi là biện thuyết.

Pháp diệu của chư Phật: Tức là vô lượng pháp Phật như mười lực, bốn pháp vô sở úy của Như Lai v.v…, nói tất cả hay nói từng pháp một.

Trí Diệu quan sát chuyển từ ý thức, được tác dụng rộng lớn, có thể nhận giữ tất cả công đức. Trí này tương ưng với thức thứ sáu là ý thức, tương ưng với khắp hết thảy công đức cùng có khả năng dẫn phát các công đức, nên gọi là có thể nhận giữ.

* Kinh nói:Lại như thế giới là các chúng sinh, khởi hiện tức khắc tất cả các thứ tướng vô lượng, nhân duyên của thức. Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai, có thể làm nhân duyên cho thức khởi hiện tức khắc tất cả đối tượng được nhận biết không trở ngại về vô số tướng vô lượng của diệu trí”.

* Luận nêu: Ở đây là chỉ rõ về tướng của Nhân sinh khởi.

Trí Diệu quan sát có khả năng làm nhân cho thức khởi hiện tức thì tất cả tướng của đối tượng được nhận biết.

Thế giới tức là các khí thế gian. Như khí thế gian có thể làm nhân phát sinh thức của chúng sinh với vô lượng tướng trong hư không và trên đại địa.

Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai, trong cùng một lúc tức khắc đi đến tất cả cảnh giới, cũng như trong hư không, có thể hiểu rõ, không ngăn ngại, có thể làm nhân sinh ra thức tướng của tất cả các thứ thế gian và vô lượng cảnh giới của đối tượng duyên xuất thế gian. Nghĩa này ý nói: Trí Diệu quan sát của tất cả Như Lai có khả năng nhận biết rõ tức thì hết thảy cảnh giới, giống như cảnh giới của đối tượng được nhận biết, có nhiều nhóm tướng, như dùng màu sắc rực rỡ vẽ màu sắc có vô số các thứ tướng, thể của trí nơi kiến phần có khả năng làm nhân sinh tướng thức như thế. Đây gọi là có thể hiện bày, còn kia nói là nhân sinh ra, không phải là nhân trực tiếp sinh ra vì các thứ từ chủng tử sinh. Đây tức là nhân của duyên nên gọi nhân duyên.

Do kiến phần khởi hiện tướng phần, hoặc thể khởi sinh dụng. Tuy không có thể khác, do không là một, nên cũng được làm nhân, như từ tướng phần sinh ra kiến phần, đây cũng như thế.

* Kinh nói:Lại như thế giới có vô số các thứ đáng ngắm xem như vườn rừng, ao hồ v.v… đã được trang nghiêm thật đáng yêu thích. Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai với vô số các thứ để chiêm ngưỡng như là Ba-la-mật-đa, pháp phần Bồ-đề, mười lực, pháp không sợ hãi, các pháp bất cộng đã được trang nghiêm, thật đáng yêu thích”.

* Luận nêu: Ở đây là chỉ rõ về tướng của Nhân hoan hỷ.

Như khí thế gian (Thế giới) có vô số các thứ đáng ngắm xem như vườn rừng, ao hồ v.v… được trang hoàng đan xen nhiều hàng lớp, ánh sáng rực rỡ, uy nghiêm, khiến các hữu tình đều cảm thấy hoan hỷ yêu thích.

Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai có vô số các thứ đáng chiêm ngưỡng như Ba-la-mật-đa, pháp phần Bồ-đề v.v… được bày biện đan xen với hào quang uy nghiêm, rực rỡ, khiến các Bồ-tát đều hoan hỷ yêu thích.

Ba-la-mật-đa lược có sáu thứ, nghĩa là như Bố thí v.v… Hoặc chia ra thành mười, tức lại thêm bốn thứ như Phương tiện thiện xảo v.v… Hoặc lại mở rộng làm tám vạn bốn ngàn, như kinh đã nói rộng. Nếu phân biệt riêng thì số Ba-la-mật là vô lượng.

Pháp phần Bồ-đề lược có ba mươi bảy, nói rộng cũng là vô lượng.

Nói mười lực: Nghĩa là trí lực xứ phi xứ v.v…, thuộc về tuệ căn trong thân Như Lai và cụ tri căn.

Nói không sợ hãi: Nghĩa là bốn thứ vô úy, do năm căn thâu nhận và cụ tri căn tức năm căn như tín v.v…

Pháp bất cộng của Phật có mười tám thứ như kinh đã nói rộng.

Công đức như thế, phần nhiều thuộc về trí này, tương ưng cùng có thể dẫn phát. Thế nên, tất cả đều trang nghiêm cho trí này.

* Kinh nói:Lại như thế giới có những bãi châu, mặt trời, mặt trăng, trời Tứ Thiên vương, trời Ba Mươi Ba, trời Dạ-ma, trời Đổsử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại, trời Phạm thân v.v… đều hiện bày đẹp đẽ theo hàng lớp. Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai, đối với nhân quả thịnh suy của thế gian, xuất thế gian, hàng Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát đều tu chứng viên mãn, trọn vẹn, đều quan sát sự uy nghiêm vi diệu theo hàng lớp”.

* Luận nêu: Ở đây là chỉ rõ về tướng của Nhân phân biệt.

Như khí thế gian có vô lượng châu bãi v.v… trang hoàng đan xen đẹp đẽ không cùng lẫn lộn.

Châu: Nghĩa là bốn châu lớn, như châu Thiệm-bộ v.v… Bãi: Nghĩa là tám châu nhỏ như Già-mạt-la v.v…

Lược nêu về mặt trời, mặt trăng: Nghĩa là gồm thâu các vì sao.

Trời Tứ Thiên vương: Nghĩa là tầng cấp thứ tư nơi núi Diệu cao, bốn mặt đều trụ.

Trời Ba Mươi Ba: Nghĩa là bốn mặt nơi đỉnh núi này, mỗi mặt có tám Đại Thiên vương Đế Thích cư trú ở giữa, nên có số lượng như thế.

Trời Dạ-ma: Nghĩa là trong cõi trời này, theo thời thọ lạc, nên gọi là Thời phần.

Trời Đổ-sử-đa: Nghĩa là thân sau cùng của Bồ-tát giáo hóa ở đó, vì đa số đều tu tập pháp hỷ túc, nên gọi là Hỷ túc.

Trời Lạc-biến-hóa: Là ưa thích tự biến hóa, tạo ra các thứ an lạc để tự vui vẻ.

Trời Tha-hóa-tự-tại: Là ưa thích khiến người khác hóa tác các thứ đem lại an lạc, chứng tỏ mình được tự tại.

Trời Phạm thân: Vì xa lìa dục, đạt tịch tĩnh, nên gọi là Phạm. Thân là nhiều, đẳng (vân vân) là cùng nhận lấy các cõi trời trên đây.

Như thế, Trí Diệu quan sát của Như Lai có thể quan sát khắp mọi nẻo nhân quả thịnh suy của thế gian và xuất thế gian. Ba Thừa theo đấy tu chứng viên mãn, hiện bày vẻ đẹp vi diệu theo thứ lớp không hề lẫn lộn.

Nhân quả của cõi ác gọi là thế gian suy. Nhân quả của cõi thiện gọi là thế gian thịnh. Lại, thế gian hoại cùng thế gian thành, như thứ lớp gọi là suy thịnh. Lại, tổn giảm gọi là suy, tăng trưởng gọi là thịnh.

Nhân quả của Nhị thừa gọi là xuất thế gian suy. Nhân quả của Đại thừa gọi là xuất thế gian thịnh. Lại, thoái chuyển gọi là suy, tiến tới gọi là thịnh.

Chứng đắc viên mãn: Tức là quả vị. Ba Thừa nêu trước gọi là hiển bày phần vị của nhân. Lại, chứng đắc viên mãn là chỉ nói về quả vị Phật.

Trí Diệu quan sát quán xét pháp tướng dị biệt của các pháp này. Trí như cảnh đó, hành tướng không xen tạp mà hiển hiện rõ ràng. Thế nên nói là hiện bày vẻ đẹp vẻ vi diệu theo thứ lớp.

HẾT – QUYỂN 5

Pages: 1 2 3 4 5 6 7