SỐ 1530/7
LUẬN KINH PHẬT ĐỊA
Tác giả: Luận sư Thân Quang
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

* Kệ nói:

Đảnh lễ phước điền quý vô thượng

Ba thân, hai đế, chúng một thừa

Nay còn tùy lực tạo Luận này

Để pháp trụ lâu cứu quần sinh.

Xem ý các Sư, con đã tịnh

E trí kém khác chưa thể thông

Vì khiến thanh tịnh sinh đức thắng

Nên con lược giải Địa Mâu-ni.

* Luận nêu: Kinh Phật Địa gồm đủ Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, lìa phiền não chướng và sở tri chướng. Đối với hết thảy tướng của tất cả pháp đều có thể tự mở bày giác ngộ, cũng có khả năng mở bày giác ngộ cho hết thảy hữu tình. Như người ngủ với mộng vừa tỉnh giấc, như hoa sen vừa nở, nên gọi là Phật Địa. Nghĩa là các đối tượng được nương dựa, hành trì, thâu giữ, tức là nói đến sự thọ dụng hòa hợp một vị của Trí đại viên cảnh, Trí bình đẳng tánh, Trí diệu quan sát, Trí thành sở tác trong pháp giới thanh tịnh. Đó là những gì Phật đã nương dựa, đã hành trì, đã thâu giữ, nên gọi là Phật Địa. Có khả năng xuyên suốt, gồm thâu, nên gọi là Kinh. Do Thánh giáo của Phật đều xuyên suốt thâu giữ về nghĩa nên thuyết giảng về chúng sinh được hóa độ. Nên biết ở đây tuyên thuyết về Phật địa nhằm đem lại lợi ích cho hữu tình. Dựa vào nghĩa của đối tượng được giảng giải, gọi là Kinh Phật Địa, như Kinh Duyên Khởi, như Luận Tập Bảo.

Lược nói về nghĩa được gồm thâu nơi Kinh này: Là hiển bày về Phật địa của Đức Thế Tôn với công đức viên mãn, quyến thuộc viên mãn, an lập Phật địa viên mãn, có năm pháp thọ dụng chung riêng hòa hợp thành một vị, sự trí dựa vào pháp giới thanh tịnh, gồm đủ các công đức nơi ba thân có sai biệt. Đây là thứ lớp chỉ rõ Như Lai ngự nơi xứ như thế, đầy đủ đức như thế, chúng như thế cùng an lập. Nghĩa của địa như thế là có sai biệt.

Xứ như thế:tịnh độ của Phật, tức là mười tám thứ cung điện rộng lớn, trang nghiêm viên mãn.

Đức như thế: Là hai mươi mốt thứ công đức thù thắng của Phật, Thế Tôn.

Chúng như thế: Là vô số lượng các chúng Đại Thanh văn, Maha-tát, đều thành tựu vô số công đức vi diệu.

Nghĩa riêng của Địa: Là Địa Đại giác có năm pháp thọ dụng chung, riêng hòa hợp một vị v.v… Phần sau sẽ nói rộng.

Trong Kinh này tổng quát có 3 phần:

Phần 1: Nhân duyên khởi giáo.

Phần 2: Thánh giáo được thuyết giảng.

Phần 3: Y theo giáo pháp phụng hành.

Phần chung: Là hiển bày về thời gian đã nghe pháp cùng giáo pháp khởi sự. Phần riêng: Là làm rõ về giáo chủ và nơi chốn khởi lên giáo pháp.

Giáo pháp đã bao gồm đủ căn cơ, tức là các nhân duyên đã có được để khởi lên giáo pháp, nên gọi là phần Nhân duyên khởi giáo. Chính thức hiển bày về Thánh giáo được thuyết giảng với pháp môn, phẩm loại khác nhau, nên gọi là phần Thánh giáo được thuyết giảng. Hiển bày, bấy giờ đại chúng nghe Thánh giáo của Phật đều hoan hỷ phụng hành, nên gọi là phần Y theo giáo pháp phụng hành.

* Kinh nói: “Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Bạc-già-phạm v.v…”.

* Luận nêu: Tôi nghe như vầy: Là hiển bày chung về điều đã nghe. Là lời nói của người truyền lại giáo pháp của Phật: Sự việc như thế, tôi từ trước từng nghe như vậy. Nói chung dựa vào bốn nghĩa để chuyển. Những gì là bốn nghĩa?

  1. Dựa vào ví dụ.
  2. Dựa vào lời dạy răn.
  3. Dựa vào sự hỏi đáp.
  4. Dựa vào sự chấp thuận.

Dựa vào ví dụ, như có người nói: “Giàu sang như thế, như Thiên vương Tỳ-sa-môn”.

Dựa vào lời dạy răn, như có người nói: “Ông nên đọc tụng Kinh, Luận như thế v.v…”.

Dựa vào sự hỏi đáp, như có người nói: “Tôi nghe như vậy, tuyên thuyết như vậy”.

Dựa vào sự chấp thuận, như có người nói: “Tôi sẽ vì ông tư duy như thế, hành tác như thế, nêu bày như thế”. Hoặc khi tin tưởng thì có thể nói: “Việc này có nghĩa như thế”.

Ở đây, chỉ dựa vào sự chấp thuận: Nghĩa là khi kết tập, các chúng Bồ-tát đều có lời thỉnh: “Như những gì thầy đã nghe, nên nói như thế”. Bồ-tát truyền pháp nên chấp thuận lời nói kia.

Như thế nên nói: “Như những gì tôi đã nghe”. Lại nói như thế là tin có thể thẩm định. Nghĩa là pháp như thế, trước kia tôi đã từng nghe, sự việc này là như thế. Ngang với đây nên nói, nhất định không có khác.

Nghĩa ở đây cũng dựa vào hỏi đáp. Nghĩa là có người hỏi: “Điều ông sẽ nói, trước đây nhất định đã nghe, phải vậy chăng?”, nên người này đáp: “Tôi nghe như thế”.

Nghĩa ở đây dựa chung nơi bốn thứ: Dựa vào ví dụ: Nghĩa là chỗ nói sẽ theo câu văn như thế: “Như tôi trước đây đã nghe”. Dựa vào lời dạy răn: Nghĩa là khi nói với chúng nên nghe những điều trước đây tôi đã nghe như thế. Phần còn lại: Như trước đã nói.

Tôi nghĩa là các uẩn giả hợp của thế tục. Nghe nghĩa là nhĩ căn phát sinh thức nghe nhận. Vì bỏ cái riêng, dựa theo cái chung, nên nói là Tôi nghe.

Có nghĩa: Là bản nguyện từ bi của Như Lai với duyên lực tăng thượng. Nghe nghĩa là nhận biết về văn nghĩa trên cùng sinh. Tướng của văn nghĩa này tuy trực tiếp dựa vào lực căn thiện của chính mình phát khởi, nhưng căn cứ theo duyên phát triển mạnh, tức gọi là Phật nói. Do lực của nhĩ căn từ tâm biến hiện, nên nói là Tôi nghe.

Có nghĩa: Người nghe là căn thiện nơi bản nguyện với duyên lực tăng thượng. Đức Như Lai nhận biết văn nghĩa trên cùng sinh. Tướng của văn nghĩa này là sự phát khởi từ căn thiện lợi tha của Đức Phật, gọi là Phật nói. Người nghe, tâm thức tuy không thủ đắc, nhưng do tướng kia hiển hiện rõ ràng, nên nói là Tôi nghe.

Nên biết, nói: “Tôi nghe như vầy” ý là nhằm tránh lỗi lầm của phần tăng giảm đổi khác. Nghĩa là pháp như thế, tôi được nghe từ Đức Phật, không phải do người khác lần lượt chỉ rõ. Người nghe có đủ khả năng nhận lãnh, nên những gì đã được nghe đều lìa lỗi lầm của phần tăng giảm đổi khác, không phải như hàng ngu tối, không đủ năng lực nên những gì được nghe là không thể lìa phần tăng giảm đổi khác.

Khi kết tập giáo pháp, truyền lại lời Phật dạy, dựa nơi lời giáo huấn của Đức Như Lai, nên đầu tiên là nói lời này, vì nhằm khiến cho đại chúng sinh cung kính, tin nhận.

Nói pháp như thế tôi từ Đức Phật được nghe văn nghĩa quyết định không tăng giảm. Vì thế người nghe nên lãnh hội đúng đắn rồi, tư duy như lý, phải siêng năng tu học.

Một thời: Là nói về thời gian nghe pháp. Đây là căn cứ vào sátna nối tiếp nhau không dứt. Nói nghe rốt ráo nên gọi chung là Một thời. Nếu không như thế thì những chữ, danh từ, câu văn v.v… lúc nói và nghe sẽ khác.

Thế nào gọi là Một thời? Người có thể nói là người đã chứng đắc Đà-la-ni, nghĩa là ở trong một chữ, nơi một sát-na, có thể nhận giữ, có thể nêu bày tất cả pháp môn. Hoặc người có thể nghe, là người có được nhĩ căn thanh tịnh, nơi một sát-na, khi nghe một chữ, thì đối với tất cả các chữ khác đều không chướng ngại, đều có thể lãnh nhận, nên gọi là Một thời. Hoặc cùng gặp gỡ thì thời gian không khác biệt, nên gọi là Một thời. Tức là nói và nghe, cùng có nghĩa là gặp gỡ nhau đồng một thời gian. Thời tức là phần vị giả lập trên pháp hữu vi, hoặc là phần vị trên tâm, vì giả lập chung như ảnh tượng dựa nơi sắc tâm v.v… là thuộc về hành uẩn không tương ưng.

Vì sao không hiển bày riêng như nơi xứ tiếp sau v.v… mà chỉ nói Một thời? Vì thời gian của ngày đêm nơi các phương không cố định, nên không thể nói riêng. Lại, vì nghĩa không cố định, hoặc một sát-na, hoặc lại nối tiếp, không thể nói cố định. Thế nên theo tướng chung chỉ nói là Một thời.

Bạc-già-phạm: Từ này dựa nơi sáu nghĩa để chuyển. Những gì là sáu nghĩa?

  1. Nghĩa tự tại.
  2. Nghĩa sáng rực.
  3. Nghĩa đoan nghiêm.
  4. Nghĩa danh xưng.
  5. Nghĩa an lành.
  6. Nghĩa tôn quý.

Như có Tụng nói:

Tự tại, sáng rực cùng đoan nghiêm

Danh xưng, an lành và tôn quý

Sáu thứ nghĩa sai biệt như thế

Nên biết gọi chung là Bạc-già.

Như vậy, tất cả Như Lai đều có đủ Nhất thiết chủng, đều không lìa nhau. Thế nên Như Lai gọi là Bạc-già-phạm.

Nghĩa này là thế nào? Nghĩa là các Đức Như Lai vĩnh viễn không còn hệ thuộc nơi các phiền não nên đầy đủ Nghĩa tự tại. Lửa trí tỏa sáng, đốt cháy hết các thứ phiền não, nên gồm đủ Nghĩa sáng rực. Do được trang nghiêm với ba mươi hai tướng của bậc Đại sĩ, nên gồm đủ Nghĩa đoan nghiêm. Do tất cả công đức thù thắng đều viên mãn, không gì là không biết, nên đầy đủ Nghĩa danh xưng. Do tất cả thế gian đều gần gũi cúng dường, khen ngợi, nên có đủ Nghĩa an lành. Do đủ tất cả đức, thường khởi phương tiện tạo lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, không hề biếng trễ, nên gồm đủ Nghĩa tôn quý. Hoặc có khả năng phá trừ bốn thứ ma oán nên gọi Bạc-già-phạm. Bốn thứ ma oán là ma phiền não, ma uẩn, ma chết và ma Tự Tại thiên.

Phật có đủ mười thứ danh hiệu công đức. Vì sao Đức Như Lai dạy về việc truyền pháp, nơi phần đầu của tất cả kinh, chỉ để danh hiệu Bạc-già-phạm như thế? Nghĩa là thế gian đều tôn trọng một danh hiệu này. Các ngoại đạo đều xưng danh hiệu của Bổn sư là Bạcgià-phạm (Thế Tôn). Lại, một danh hiệu này đã gồm thâu chung các đức, các danh hiệu khác thì không như thế. Vì vậy phần đầu nơi các kinh đều để danh hiệu này.

Về đức của Bạc-già-phạm: Phần sau sẽ nói rộng.

* Kinh nói: “An trụ nơi chốn do bảy báu trang nghiêm tỏa sáng rực rỡ, phóng ra hào quang lớn soi chiếu khắp tất cả vô biên thế giới, vô lượng phương sở đều được tô điểm hiện bày đủ các vẻ đẹp, trong một chu vi bao gồm không giới hạn, số lượng khó lường. Vượt quá nơi chốn hành tác của ba cõi, hơn hẳn căn thiện xuất thế gian đã dấy khởi. Thức thanh tịnh tự tại tột cùng làm tướng Như Lai đều hiện đủ.

Các chúng Đại Bồ-tát đã vân tập, vô lượng chúng trời, rồng, người, phi nhân v.v… thường theo hộ vệ. Pháp vị rộng lớn luôn vui thích gìn giữ, tạo ra tất cả nghĩa lợi cho các chúng sinh. Diệt trừ hết thảy trói buộc cấu uế nơi tai họa của các phiền não, xa lìa các ma.

Nơi chốn nương dựa của Như Lai trang nghiêm vượt quá các thứ trang nghiêm khác. Hành niệm tuệ lớn dùng làm đường du hóa. Chỉ lớn, Quán diệu dùng làm xe cộ vận hành. Ba nẻo giải thoát là Đại không, vô tướng, vô nguyện làm cửa vào. Do vô lượng các công đức dùng để trang nghiêm được kiến lập bằng các thứ hoa chúa báu lớn trong cung điện lớn”.

* Luận nêu: Đây là hiển bày: Trụ xứ viên mãn của Đức Như Lai, nghĩa là Tịnh độ của Phật. Tịnh độ này lại do mười tám sự viên mãn, nên gọi là viên mãn. Nghĩa là: Hiển sắc viên mãn. Hình sắc viên mãn. Phần lượng viên mãn. Phương sở viên mãn. Nhân viên mãn. Quả viên mãn. Chủ viên mãn. Phụ trợ viên mãn. Quyến thuộc viên mãn. Trụ trì viên mãn. Sự nghiệp viên mãn. Thâu giữ lợi ích viên mãn. Vô úy viên mãn. Trụ xứ viên mãn. Đường đi viên mãn. Sự vận hành viên mãn. Cửa vào viên mãn. Nương giữ viên mãn.

Do mười chín câu theo thứ lớp trên đã làm sáng tỏ mười tám thứ viên mãn như thế. Tức sự viên mãn này được dùng để trang nghiêm cung điện gọi là Tịnh độ của Phật. Đức Phật đang trụ trong cung điện lớn như thế để giảng nói Khế kinh này.

Thọ dụng biến hóa trong hai cõi Phật. Nay, Tịnh độ này là thuộc về cõi nước nào? Giảng nói kinh này Phật dùng thân nào?

Có nghĩa: Cõi nước này thuộc về cõi nước được biến hóa. Giảng nói kinh này, Phật dùng thân biến hóa. Các chúng như Thanh văn v.v… đều ở trong cõi nước ấy, hiện đối diện trước Đức Như Lai để nghe giảng nói kinh ấy, hoan hỷ tin nhận và phụng hành.

Những gì do tâm Phật biến hiện vượt khỏi ba cõi, Thức thanh tịnh là tướng, vì giảng nói pháp thù thắng nhằm giáo hóa các loài hữu tình thuộc hàng trước địa này, khiến họ đều vui thích hành trì nhân kia, nên Đức Như Lai tạm hóa làm cõi Phật thanh tịnh. Hóa thân thắng diệu, dùng thần lực gia bị đại chúng khiến họ tạm được trông thấy. Nếu không như thế thì các chúng như Thanh văn v.v… tức nên đều không trông thấy.

Có nghĩa: Cõi nước ấy thuộc về cõi thọ dụng. Phật giảng nói kinh này là thân thọ dụng. Dung lượng của Tịnh độ này là không biên vực, nên các cửa, đường đi, sự vận hành v.v… là đức chân thật.

Thọ dụng cõi Phật thanh tịnh như thế là hoàn toàn tịnh diệu, hoàn toàn an lạc, hoàn toàn không tội và hoàn toàn tự tại. Các xứ khác đã nói đến.

Kinh Giải Thâm Mật nói: Từ ba Địa trở lên mới được sinh vào. Giảng nói kinh này, Phật nói đầy đủ hai mươi mốt thứ công đức chân thật, nên về sau, khi thuyết giảng kinh khác không liệt kê các công đức của Phật như vậy.

Nếu tạm hóa làm tịnh độ như thế, diệu thân như thế, gia bị cho chúng khiến họ trông thấy, nên như ở kinh khác, hiện nói phân minh nhưng không nói đến cõi nước thọ dụng và thân thọ dụng ấy, nên các chúng như Thanh văn v.v… là do Phật hóa ra, hoặc các Bồ-tát hóa hiện làm thân này.

Cõi Phật trang nghiêm vì đây là hội giảng nói pháp. Nếu như thế thì đây là hàng Bồ-tát trên địa đã ứng hiện để nghe thấy. Do đâu lại kết tập, lưu hành và truyền pháp cho Bồ-tát trong cõi Phật được biến hóa ấy? Là do Đức Như Lai muốn thị hiện là bậc Nhất thiết trí và trụ xứ là vượt quá tất cả pháp thế gian. Thị hiện như thế là nhằm khiến cho chúng sinh được giáo hóa càng vui thích, để họ phát nguyện sẽ được sinh về cõi Phật thanh tịnh như thế, sẽ được trông thấy Phật như thế, nghe pháp như thế. Vì tu tập nhân đó nên hữu tình phát sinh được thắng giải rộng lớn, và các Bồ-tát đều vô cùng hoan hỷ. Vì muốn cho ý lạc tăng thượng thắng giải về cảnh giới vững chắc, nên kết tập và lưu hành rộng khắp.

Lại, pháp ấy là hơn hẳn so với cõi này nên cần nghe. Tuy nhiên xứ sở không thù thắng và tướng hóa thân thô thì không thể diễn nói.

Vì vậy nên thân thọ dụng cư trú trong cõi thọ dụng, vì các Bồtát trên Địa thứ nhất giảng nói, khiến người truyền pháp, kết tập và lưu thông. Nếu như thế thì do đâu không chỉ nói mỗi Phật đã giảng nói pháp? Do nếu không nói đến nơi chốn và chủ thể thuyết giảng pháp thì không nhận biết được pháp này là ở nơi xứ nào, do ai nói, sợ tất cả sinh nghi nên cần nói đủ.

Về nghĩa như thật: Là khi Đức Thích-ca Mâu-ni giảng nói kinh này, đại chúng thuộc hàng trước địa trông thấy thân biến hóa của Đức Phật đang ở nơi cõi nước uế trược này giảng nói pháp cho họ, còn đại chúng thuộc hàng trên địa lại trông thấy thân thọ dụng của Phật đang ở cõi nước thanh tịnh, vì họ nên giảng nói pháp. Tuy pháp được nghe là như nhau, nhưng Phật được trông thấy thì khác biệt. Dù cùng hoan hỷ, tin nhận phụng hành, nhưng sự lãnh hội có cạn sâu, nên nẻo hành đều khác. Nhưng người truyền pháp vì nhằm khiến cho chúng sinh được nghe pháp, khởi nguyện ước thù thắng siêng năng tu tập nhân kia, sẽ được sinh nơi tịnh độ, chứng đắc các công đức của Phật. Thế nên, dựa theo chỗ hơn hẳn đã được trông thấy rồi kết tập và nói Đức Bạc-già-phạm trụ nơi xứ sở tối thắng v.v… cho đến nói rộng về công đức của Như Lai.

An trụ nơi chốn do bảy báu trang nghiêm tỏa sáng rực rỡ: Nghĩa là cung điện lớn, dùng bảy báu với ánh sáng rực rỡ hơn hết để trang nghiêm. Hoặc là cung điện lớn, do bảy báu trang nghiêm nên ánh sáng rực rỡ tối thắng. Những gì là bảy báu? (1) Vàng. (2) Bạc. (3) Phệ lưu ly. (4) Mâu-bà-lạc-yết-bà. (5) Át-thấpma-yết-bà. (6) Chân châu đỏ: Nghĩa là trùng đỏ xuất sinh gọi là chân châu đỏ. Hoặc vì thể của ngọc màu đỏ nên gọi là chân châu đỏ. (7) Yết-kê-đát-nặc-ca. Căn cứ theo chỗ được quý trọng ấy nên nói là bảy báu. Thực sự thì Tịnh độ kia có vô lượng thứ báu diệu trang nghiêm tạo nên sự đẹp đẽ, không phải là điều thế gian có thể nhận biết.

Phóng ra hào quang lớn soi chiếu khắp tất cả vô biên thế giới: Nghĩa là từ nơi cung điện lớn, phóng ra hào quang lớn, soi chiếu khắp tất cả vô biên thế giới. Hoặc là thể của cung điện lớn đó hiện hữu khắp vô biên thế giới, nên phóng ra hào quang lớn soi chiếu khắp tất cả.

Do hai câu này hiển bày Tịnh độ của Phật là Hiển sắc viên mãn.

Tịnh độ như thế với Hiển sắc viên mãn, còn Hình lượng thì thế nào? Vô lượng phương sở đều được tô điểm hiện bày đủ các vẻ đẹp: Nghĩa là cung điện lớn được tô điểm hết sức đẹp đẽ bày ra khắp vô lượng phương sở. Hoặc là nơi cung điện lớn có vô lượng phương sở vô cùng đẹp đẽ được hiện bày.

Nói vô lượng: Hoặc số lượng là vô lượng, hoặc xứ sở là vô lượng. Như tuệ là thứ tô điểm trước hết để sắp đặt bày biện, thế nên gọi là sự tô điểm vô cùng đẹp đẽ được hiện bày.

Thế nào là cõi Phật do tâm tịnh làm tướng? Tức cõi nước ấy không phải do các thứ vật dụng công sức bên ngoài theo thợ thế gian tạo thành mà có.

Như thế, như tuệ là thứ tô điểm trước hết để sắp đặt bày biện. Nghĩa là Đức Phật Thế Tôn xưa kia khi còn là Bồ-tát, đã phát khởi tuệ phương tiện thiện xảo. Như thế, như thế, gia hạnh thệ nguyện trang nghiêm cõi Phật. Do uy lực của thệ nguyện được gia hạnh từ trước, nên ở trong quả vị tuy không có giác tuệ về hý luận như xưa, nhưng do thức thanh tịnh của Phật đã biến hiện như thế, cũng khiến cho Bồ-tát nhận biết về sự biến hiện như vậy, nên không mâu thuẫn.

Xứ khác cũng nên dựa nơi lý này để nói.

Tịnh độ như thế với Hình sắc viên mãn, còn về Phần lượng thì thế nào? Là chu vi không giới hạn, số lượng khó lường: Nghĩa là phần lượng của cung điện lớn ấy, chu vi không biên vực, nên khó có thể đo lường. Hoặc là phần lượng của cung điện lớn ấy là không biên vực, nên chu vi là khó đo lường. Lại nữa, phần vị của các phương như phương Đông v.v… là không đồng, nên có các hình tướng dài, ngắn v.v… khó có thể đo lường.

Có nghĩa: Là thân và cõi thọ dụng của Đức Như Lai đều thuận theo chỗ thích nghi của chúng sinh đã được giáo hóa mà hiện bày, hoặc lớn hoặc nhỏ, về lượng không nhất định. Tuy hóa hiện phần lượng rộng lớn, nhưng cũng có biên vực. Nhưng căn cứ theo trí của hàng Bồ-tát trước địa nên nói là không biên vực, phần lượng ấy là khó đo lường.

Có nghĩa: Là thân và cõi thọ dụng của Đức Như Lai trải qua ba vô số kiếp đã tu tập vô biên căn thiện, nên đã chiêu cảm hiện bày khắp pháp giới. Các Bồ-tát trên địa và chư Như Lai cũng không thể lường được phần lượng có biên vực đó, do vô biên nên như thời gian vô thủy.

Về nghĩa như thật: Là thân và cõi thọ dụng của Phật lược có 2 thứ:

1. Tự thọ dụng: Là chư Như Lai trải qua ba vô số kiếp, đã tu tập vô biên căn thiện, nên chiêu cảm hiện bày khắp pháp giới, là tự thọ dụng pháp lạc lớn. Từ khi mới chứng đắc quả vị Phật, cho đến tận cùng biên vực vị lai, luôn nối tiếp không biến đổi, như các công đức của Phật, các Đại Bồ-tát cũng không thể thấy, chỉ có thể được nghe. Tịnh độ như thế, do vô lượng nên chư Phật tuy trông thấy, cũng không thể lường xét về phần lượng có biên vực ấy.

2. Tha thọ dụng: Nghĩa là chư Như Lai vì khiến các chúng Bồ-tát hàng trên địa đều thọ nhận pháp lạc lớn, tiến tu các hành thù thắng, nên tùy nghi hóa hiện, hoặc hơn, hoặc kém, hoặc lớn, hoặc nhỏ, thay đổi không định như cõi nước biến hóa. Tịnh độ như thế, do có biên vực nên các Bồ-tát trên địa và chư Như Lai đều lường xét được về phần lượng, song căn cứ theo hàng trước địa mà nói thì không thể đo lường.

Do hai thứ sai biệt ấy, nên nói chu vi là không giới hạn, số lượng là khó lường.

Tịnh độ như thế với Phần lượng viên mãn là ở trong ba cõi hay là không phải? Do vượt quá nơi chốn hành tác của ba cõi: Nghĩa là cung điện lớn này về xứ sở, phương vực đều vượt quá nơi chốn hành tác của ba cõi, không phải như tự địa trong ba cõi còn chấp các ái là sở hữu của mình, là đối tượng duyên tương ưng với hai thứ trói buộc ấy tùy tăng, là quả dị thục và quả tăng thượng kia.

Tịnh độ như thế, không phải là chỗ chấp thọ của ái thuộc ba cõi, nó lìa hai thứ trói buộc nêu trên nên không phải là quả dị thục, quả tăng thượng kia. Như Niết-bàn v.v… là đã vượt quá địa của quả dị thục nơi ba cõi.

Nếu như thế thì tịnh độ không phải thuộc về ba cõi, nên là vô lậu. Nếu là vô lậu thuộc về hữu vi, tức là đạo đế, nên là tánh thiện vì sao còn được dùng sắc, thanh, hương v.v… làm thể tánh? Do mười tám giới, mười lăm hữu lậu, tám vô ký v.v… đã nói ở xứ khác.

Có nghĩa: Mười tám giới là chung cho cả hữu lậu và vô lậu, đều có tánh thiện. Tuy nhiên, căn cứ vào tướng thô tương tợ thuộc cảnh giới của hàng Nhị thừa, nên nói trong mười tám giới có mười lăm thứ hữu lậu và tám thứ vô ký v.v…

Có nghĩa: Tịnh độ là do tâm định biến hiện, nên tuy có sắc v.v… trông giống như tướng của mười tám giới, nhưng không phải thuộc về mười tám giới, không phải là năm thức của các thế gian đạt được. Như các màu sắc xanh, vàng v.v… là đối tượng duyên của biến xứ đều là sắc tự tại được sinh.

Đã thuộc về pháp giới nên tịnh độ tuy có dùng sắc v.v… làm thể tánh, nhưng vì đều là thiện vô lậu, nên cũng không trái nhau.

Nếu như thế thì năm thức của Bồ-tát không duyên nơi cõi thọ dụng chăng? Tuy dựa vào lực của tâm do tự thức đổi khác, nhưng do tướng thô, diệu không giống nhau. Không phải các pháp thuộc về năm cảnh, năm thức của Như Lai không thể duyên được. Vì sự việc Phật duyên là do tác dụng tương tợ của tâm, giả gọi là năm thức, thật sự không phải là năm thức, vì Như Lai luôn ở trong định. Có nơi khác giảng nói về thể của năm thức là sự tán loạn của tự tánh, vì chúng không có định.

Nếu như vậy thì cảnh giới tịnh độ không từ năm căn phát sinh chăng? Năm căn của Như Lai và sắc, thanh v.v… đều tương đồng, vì căn, cảnh do giả gọi là năm căn, và các cảnh như sắc v.v… đều do tâm định biến hiện nên thật là pháp giới tự tại sinh ra sắc.

Nếu như thế thì bốn trí tức nên không đồng thời, do không có cùng một lúc, một loại, lại có nhiều thức nơi một thân dấy khởi được thừa nhận, thì cũng đâu có lỗi?

Về nghĩa như thật: Thân và cõi nước của Như Lai là hết sức sâu xa vi diệu: Không phải có, không phải không, không phải là hữu lậu, cũng không phải là vô lậu, không phải thiện, không phải ác, cũng không phải là vô ký, không phải là các pháp môn thuộc về uẩn, giới v.v… chỉ tùy thuận nơi đối tượng được thích nghi mà nói có vô số thứ dị biệt.

Có xứ khác nêu: Trong mười tám giới có mười lăm thứ hữu lậu, tám thứ vô ký v.v… là chỉ căn cứ vào sự phân biệt về tướng thô nơi cảnh giới của hàng Nhị thừa, phàm phu, mà không căn cứ theo cảnh giới thâm diệu của chư Phật và Đại Bồ-tát.

Có xứ khác cho: Như Lai không phải thuộc về uẩn, xứ giới thật. Các thứ thiện v.v… hiện có đều là thị hiện, cho đến nói rộng.

Tịnh độ như thế là cùng đồng một nơi chốn với ba cõi hay là đều khác biệt?

Có nghĩa: Là đều khác biệt, như có nơi nói: Ở trên cõi trời Tịnh Cư. Có xứ nói: Ở phương Tây v.v…

Có nghĩa: Là đồng xứ. Tịnh độ bao gồm cùng khắp, không có biên vực, do hiện hữu khắp pháp giới.

Về nghĩa như thật: Thì cõi thọ dụng thật đều hiện bày khắp pháp giới, không nơi chốn nào là không có, nên không thể nói là lìa khỏi ba cõi, hay là ở trong ba cõi. Nếu tùy thuận chỗ thích nghi của Bồ-tát mà hóa hiện, thì hoặc ở trên trời Tịnh Cư của cõi Sắc, hoặc ở xứ sở như phương Tây, không nhất định.

Tịnh độ như thế với Phương sở viên mãn đã vượt quá địa của quả dị thục nơi ba cõi, như Niết-bàn v.v… nên không có nhân. Nếu có nhân thì thuộc về ba cõi. Nếu nói Tịnh độ vượt quá ba cõi, tức trở lại có nhân của pháp vượt quá ba cõi.

Ở đây điều cần nên nói là tướng của Tịnh độ.

Thế nào là hơn hẳn căn thiện xuất thế gian đã dấy khởi? Nghĩa là cung điện lớn dùng căn thiện của trí không phân biệt xuất thế gian cùng trí hậu sở đắc làm nhân để được sinh khởi, không phải là không có nhân, không phải là do Đại Tự Tại thiên v.v… làm nhân. Vì sao Tịnh độ vượt quá ba cõi, nhưng dùng trí không phân biệt xuất thế gian và trí hậu sở đắc? Chỉ nói pháp thanh tịnh thế gian làm nhân dị thục, không nói cùng làm nhân dị thục cho thế gian thanh tịnh kia. Nhưng vì nhân khác mà dị thục nọ được sinh khởi. Như pháp Thế đệ nhất làm nhân trong phẩm Khổ pháp trí nhẫn. Ở đây, do trí xưa nay không phân biệt và trí hậu đắc là chủng tử của pháp thiện vô lậu trong ba vô số kiếp đã tu tập, khiến được tăng rộng. Vì tịnh độ này biến hiện nhân sinh trí không phân biệt gọi là xuất thế gian. Về sau, vượt qua được trước, nên gọi là dụng thù thắng, hơn hẳn căn thiện vô lậu xuất thế, vì đây là nhân sinh khởi. Hoặc Thánh đạo của các hàng Thanh văn, Độc giác gọi là xuất thế gian. Căn thiện của Như Lai vượt quá hàng Nhị thừa nên gọi là thù thắng. Tịnh độ của Phật này do căn thiện vô lậu trong thức của Như Lai làm nhân sinh khởi.

Có nghĩa: Chỉ là duyên tăng thượng sinh khởi, vì do pháp bên ngoài.

Có nghĩa: Cũng là do nhân duyên sinh khởi, vì gần gũi nên có thể sinh khởi. Nếu không như thế tức không có nhân duyên, do pháp bên ngoài cùng đối chiếu nên không phải là nhân duyên.

Tất cả pháp bên ngoài đều dùng pháp bên trong huân tập làm nhân. Nếu như thế thì pháp bên ngoài đã là cùng có, vì sao hữu tình đều có chủng tử riêng, cùng làm nhân duyên hợp sinh ra một quả?

Chớ nên dùng tâm nhỏ để lường xét pháp lớn. Vì vật bên ngoài đâu phải là do các cực vi hợp thành mà thật có thể tánh, do nhiều nhân cùng chiêu cảm, song là do thức khác của hữu tình đều biến hiện, đồng xứ tương tợ nên không cùng tạo chướng ngại. Như các ngọn đèn sáng, như nhiều giấc chiêm bao. Nhân giống nhau là tướng của quả đồng nên tương tợ. Xứ sở không khác biệt, giả gọi là chung, nhưng thật sự đều có dị biệt.

Tịnh độ của chư Phật cũng lại như thế. Mỗi cõi Phật đều do thức riêng biệt biến hiện, đều hiện hữu khắp pháp giới, đồng xứ sở tương tợ nên gọi là chung.

Tịnh độ như thế Tướng nhân đã viên mãn, còn tướng Quả thì thế nào? Dùng thức thanh tịnh tự tại tột cùng làm tướng. Nghĩa là cung điện lớn, tự tại tột cùng, dùng tâm vô lậu của Phật làm thể tướng, vì chỉ có thức, không phải lìa ngoài thức mà riêng có các thứ châu báu v.v… Tức là do tâm tịnh của Phật đã biến hiện giống các thứ châu báu như thế.

Như trước đã nói về tướng của cảnh giới. Như các biến xứ cố định, như nhập màu xanh v.v…, tướng do thức biến hiện, đây tức là Trí Đại viên cảnh của Như Lai tương ưng với thức thanh tịnh, do xưa kia Như Lai đã tu tập pháp vô lậu tạo lợi ích cho mình cùng lực của nhân duyên nơi chủng tử của Tịnh độ, nên nơi tất cả thời đều hiện bày khắp hết thảy xứ, không chờ tác ý mà tự nhiên biến hiện.

Các thứ châu báu trang nghiêm nơi cõi Phật thọ dụng cùng thân tự thọ dụng đã tạo nên nơi chốn nương dựa. Tu tập các pháp vô lậu tạo lợi ích cho người cùng lực của nhân duyên nơi chủng tử của Tịnh độ, tùy thuận chỗ thích nghi của Bồ-tát trên địa khác mà biến hiện Tịnh độ, hoặc nhỏ, hoặc lớn, hoặc hơn, hoặc kém cùng với thân tha thọ dụng tạo nên nơi chốn nương dựa. Nghĩa là tùy theo chỗ thích nghi của Bồ-tát Địa thứ nhất mà hóa hiện tướng nhỏ, biến hiện tướng kém. Như thế, lần lượt cho đến mười Địa là lớn nhất, thù thắng nhất trong các địa. Đầu, giữa và sau v.v… cũng lại như thế.

Tịnh độ như thế Tướng quả đã viên mãn, còn về Chủ thì như thế nào? Vì đã có cung điện, nhất định phải có chủ để nương dựa, duy trì.

Trụ xứ chính của Như Lai là cung điện lớn, chư Phật – Thế Tôn là chủ, không phải là nơi chốn thù thắng khác, nên chỉ thuộc về Đức Thế Tôn, hoặc chính là Đức Thế Tôn trụ trì thâu nhận, không phải là những ai khác có thể làm được.

Cõi nước tự thọ dụng tuy hiện bày khắp pháp giới, nhưng mỗi cõi nước đều tự biến hiện và đều tự làm chủ, không cùng ngăn ngại nhau.

Cõi nước tha thọ dụng tuy do chư Phật biến hiện nhưng một hợp tướng, cũng là một tướng thân thâu nhận làm chủ, nên không cùng gây chướng ngại.

Tịnh độ như thế vị Chủ đã viên mãn, phải có người phụ giúp. Chủ tất thâu nhận người phụ giúp, nên các chúng Đại Bồ-tát đã vân tập. Nghĩa là cung điện lớn luôn có vô lượng Tăng Đại Bồ-tát cùng tập hợp. Những vị đến yết kiến, gọi là phụ giúp. Vì đã có vô số Tăng Đại Bồ-tát thường đến phụ giúp, nên không kẻ oán địch nào có thể gây hại.

Các Thanh văn v.v… không làm được việc như thế. Nghĩa là các chúng Bồ-tát trên Địa thứ nhất, tuy không thể tập hợp được Tịnh độ thọ dụng tự lợi của chư Phật, nhưng có thể tập hợp pháp hội nơi tịnh độ thuộc lợi tha thọ dụng của chư Phật.

Ở trên tự thức từ bi của chư Phật, tùy thuận chỗ thích hợp của Bồ-tát mà biến hiện cõi nước thô diệu.

Bồ-tát tùy theo nguyện lực nơi căn thiện của chính mình để biến hiện, từ trên tự thức, giống như Tịnh độ do Phật đã sinh cùng hiện.

Tuy là do tự tâm nhưng đều biến hiện khác biệt, nhưng đồng một xứ với hình tướng tương tợ, nghĩa là cùng tập hợp trong một cõi nước đó.

Tịnh độ của Bồ-tát thuộc trên địa như thế, là hữu lậu hay là vô lậu?

Có nghĩa: Là vô lậu. Tức sau khi đạt được chủng tử Tịnh độ vô lậu trong tự tâm và do nguyện lực hỗ trợ, biến hiện sinh Tịnh độ, trong đó thọ dụng pháp lạc của Đại thừa. Do các chúng Bồ-tát trên Địa thứ nhất đều chứng đắc lý chân như, đạt được trụ xứ vô lậu chân thật, pháp lưu chân thật, an trụ nơi Tịnh độ chân thật, thường thấy chư Phật, nên các cõi nước được biến hiện đều là vô lậu chân thật, thuộc về đạo đế.

Có nghĩa: Là hữu lậu. Tức trong tự tâm, gia hạnh nơi chủng tử của tịnh độ hữu lậu cùng nguyện lực hỗ trợ, nên biến sinh Tịnh độ, ở đó thọ dụng pháp lạc của Đại thừa. Do Bồ-tát kia tuy đã chứng chân như, đạt được vô lậu chân thật, nhưng từ bảy địa trở lại, vẫn còn phiền não hiện khởi, cho đến mười địa cũng còn có chủng tử của phiền não do tu đạo đoạn cùng sở tri chướng. Vì Thể của thức thứ tám có thể duy trì các chủng tử kia. Hiện thọ nhận sự huân tập, nên cũng là hữu lậu nơi tánh vô ký, thuộc về đạo đế vô lậu hữu vi, quyết định là thiện.

Nếu trong mười địa Thể của thức thứ tám là thiện vô lậu thì nên như Phật địa, không thể cầm giữ chủng tử hữu lậu, không nên nhận sự huân tập.

Thể của thức thứ tám đã là hữu lậu, thuộc tánh vô ký, thì Tịnh độ được biến hiện vì sao thuộc về tánh thiện vô lậu?

Lại, một hữu tình không có hai thân thật. Bấy giờ, thân đó đã là hữu lậu, thì chỗ dựa là Tịnh độ làm sao lại vô lậu.

Thế nên Tịnh độ của Bồ-tát mười địa này là hữu lậu vi diệu thuộc khổ đế.

Về nghĩa như thật: Là tự tâm của Bồ-tát mười địa đã biến hiện Tịnh độ có hai.

Nếu Tịnh độ do thức thứ tám biến hiện thì nó thuộc về tướng phần của thức hữu lậu, là nơi chốn nương dựa của thân hữu lậu. Tuy nhờ lực của thiện vô lậu đã hỗ trợ huân tập tướng tịnh diệu của Tịnh độ kia, nhưng nó vẫn thuộc về khổ đế hữu lậu, theo chỗ biến hiện của gia hạnh v.v… cũng thế. Nếu tùy theo tâm vô lậu hậu đắc biến hiện ảnh tượng của Tịnh độ, là thuộc về tướng phần của thức vô lậu, nên từ chủng tử vô lậu thiện sinh, nên Thể là thuộc về đạo đế vô lậu.

Tịnh độ như thế phần Phụ trợ đã viên mãn phải có quyến thuộc, nên tiếp theo là nói vô lượng chúng trời, rồng, người, phi nhân v.v… thường theo hộ vệ. Nghĩa là cung điện lớn chỉ có quyến thuộc như hàng trời v.v… vây quanh, không có loài nào khác v.v… Chữ đẳng (Vân vân) là chỉ cho các chúng Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già v.v… Mạc-hô-lạc-già tức gồm thâu loài mãng xà lớn.

Vì sao Tịnh độ đã vượt quá nơi chốn hành tác của ba cõi mà lại có các chúng như trời v.v… dùng làm quyến thuộc? Trời v.v… đều thuộc về ba cõi. Vì thức thanh tịnh đã thâu nhận sự biến hiện như thế, vì để làm trang nghiêm Tịnh độ nên không mâu thuẫn. Hoặc vì nhằm làm thành thục các hữu tình được giáo hóa, nên thị hiện các chủng loại được biến hóa như thế, như để điều phục kiếp Tỷ noa vương nên hiện hóa vô lượng các quyến thuộc vây quanh Chuyển luân vương. Hoặc các Bồ-tát hóa làm vô lượng thân trời, rồng v.v… an trụ trong Tịnh độ để cúng dường Phật, hoặc tự hóa thân làm các chúng trời, rồng v.v… để theo hộ vệ Như Lai nên không có lỗi.

Tịnh độ như thế đã có Quyến thuộc viên mãn, ở yên trong ấy là để trụ trì những gì? Pháp vị rộng lớn luôn vui thích gìn giữ. Nghĩa là ở trong ấy pháp vị Đại thừa được vui thích trụ giữ, thọ dụng có thể khiến trụ. Nghĩa trụ trì này đã nói nơi phần Tịnh độ vượt quá nơi chốn hành tác của ba cõi. Vì sao có thọ dụng (ăn)? Lại, pháp vô lậu không nên gọi là thọ dụng. Thọ dụng có thể nuôi lớn chúng sinh trong ba cõi. Ở đây, đoạn trừ hữu nên không gọi là thọ dụng. Nhưng là nhân của trụ trì nên cũng gọi là thọ dụng.

Như trong Tông chỉ của ông, sinh lên cõi Sắc, nhập định vô lậu cũng nên gọi là thọ dụng. Không phải là sự thọ dụng trong quá khứ nên gọi là thọ dụng. Vì quá khứ không có. Đây cũng nên như thế. Vì nhân của sự trụ trì ấy nên nói là thọ dụng. Như pháp hữu lậu tuy gây chướng ngại đối với pháp vô lậu, nhưng vì gìn giữ hữu lậu nên được gọi là thọ dụng. Vô lậu cũng như thế, tuy đoạn dứt hữu lậu, nhưng giữ gìn vô lậu thì sao không phải là thọ dụng? Trong Tịnh độ này, chư Phật – Bồ-tát về sau chứng được vô lậu, có thể nêu bày, có thể thọ nhận pháp vị của Đại thừa sinh vui thích lớn.

Lại, chính trí của Thể thọ nhận vị chân như, sinh vui thích lớn lao, có khả năng trụ giữ thân mạng, khiến không đoạn hoại, nuôi lớn pháp thiện, nên gọi là thọ dụng (ăn).

Tịnh độ như thế Trụ trì đã viên mãn tạo nên sự nghiệp gì? Là tạo ra tất cả nghĩa lợi cho các chúng sinh. Nghĩa là người trong Tịnh độ này tự có thể hành tác hết thảy nghĩa lợi cho tất cả hữu tình. Hoặc khiến tất cả hữu tình tự hành hết thảy nghĩa lợi. Hiện lợi ích gọi là nghĩa, sẽ lợi ích gọi là lợi. Thế gian gọi là nghĩa, xuất thế gian gọi là lợi. Lìa ác gọi là nghĩa, thâu giữ thiện gọi là lợi. Phước đức gọi là nghĩa, trí tuệ gọi là lợi.

Những dị biệt như thế tuy tại định tịch tĩnh, nhưng do trước đã tu tập gia hạnh nguyện lực, nên tự nhiên có khả năng hành tác hết thảy nghĩa lợi cho tất cả hữu tình.

Tịnh độ như thế Sự nghiệp đã viên mãn thì gồm thâu lợi ích gì? Là diệt trừ hết thảy trói buộc cấu uế nơi tai họa của các phiền não. Nghĩa là trong Tịnh độ này xa lìa các thứ cấu uế buộc trói của tất cả phiền não cùng những tai họa bức bách. Tức các phiền não gọi là trói buộc cấu uế, như thế tức gọi là nhân của những tai họa bức bách. Những trói buộc cấu uế của phiền não ở đây là không có, nên những thứ gây tạo các tai họa bức bách cũng không.

Lại, phiền não nghĩa là một trăm hai mươi tám thứ phiền não căn bản. Trói buộc là không có hổ thẹn v.v… Cấu uế tức là dua nịnh, lừa dối, kiêu mạn v.v… Tai họa bức bách tức là nghiệp đã phát khởi cùng quả đã nhận.

Nếu sở tri chướng hoặc các tùy miên gọi là phiền não, tức chúng hiện khởi, gọi là trói buộc cấu uế. Hoặc gốc gọi là trói buộc. Hoặc tùy thuận gọi là cấu uế. Sở tri chướng v.v… gọi là tai họa bức bách.

Trong đây, pháp nào gọi là thâu giữ lợi ích? Tức là pháp lìa các thứ trói buộc cấu uế của phiền não, của tai họa bức bách, gọi là thâu giữ lợi ích. Như thế gian phong ngôi vị chủ, tuy không thâu nhận, nhưng không bị tai họa. Phong hộ cũng nói là chủ, vì đã thâu giữ lợi ích cho mình. Đây cũng như thế.

Lại, hiện chứng được giải thoát khỏi các thứ trói buộc cấu uế của phiền não và tai họa bức bách chứng được phước trí thù thắng nên gọi là thâu giữ lợi ích.

Tịnh độ như thế đã lìa các thứ tai họa bức bách bên trong, Thâu giữ lợi ích viên mãn, nên cũng không có nhân sợ hãi bên ngoài, do đó tiếp theo là chỉ rõ về Vô úy viên mãn. Xa lìa các ma: Nghĩa là ở đây đã xa lìa tất cả ma phiền não, ma uẩn, ma chết, ma trời, hoặc có thể khiến người khác xa lìa bốn thứ ma ấy.

Bốn thứ ma như thế là nhân của sợ hãi, do đấy nên có thể sinh mọi sợ hãi khác. Trong Tịnh độ này không có sự sợ hãi do ma nên không có sợ hãi nào nữa.

Ma phiền não: Là một trăm hai mươi tám phiền não và tùy phiền não. Ma uẩn: Là năm thủ uẩn.

Ma chết: Là các tướng vô thường của nội pháp hữu lậu. Ma trời: Là thiên tử Tự Tại thứ sáu của cõi Dục.

Bốn thứ như thế đều có thể gây tổn hại các pháp thiện, nên gọi là ma. Do bốn thứ ma này sinh ra các sợ hãi. Đức Như Lai đã vĩnh viễn lìa bốn thứ ma ấy, nên không có các sợ hãi. Các Đại Bồ-tát từ Địa thứ nhất trở lên, ở trong Tịnh độ ấy, đã lìa phần thô nơi bốn thứ ma, không có năm sự sợ hãi.

Tịnh độ như thế Vô úy đã viên mãn, nên trụ xứ ấy cũng là thù thắng. Thế nên tiếp theo là nói đến Trụ xứ viên mãn. Nơi chốn nương dựa của Như Lai trang nghiêm vượt quá các thứ trang nghiêm khác: Nghĩa là trụ xứ của Phật trong Tịnh độ này thù thắng hơn hẳn trụ xứ của tất cả Bồ-tát và các trụ xứ trang nghiêm khác, vì đấy chính là do Như Lai trang nghiêm tạo nên sự đẹp đẽ vi diệu hơn hẳn các trụ xứ trang nghiêm khác. Do đó gọi là trụ xứ viên mãn.

Tịnh độ như thế Trụ xứ đã viên mãn, thì đường đi qua lại trong đó như thế nào? Hành niệm tuệ lớn dùng làm đường du hóa. Nghĩa là trong ấy dùng niệm lớn, tuệ lớn, hành lớn để làm đường đi. Bước đi trên con đường ấy, nên gọi là đường du hóa, là tên gọi khác của đạo. Tuệ do văn tạo thành, gọi là niệm lớn. Vì lãnh hội (Văn) rồi thì ghi nhớ, vâng giữ nghĩa không điên đảo. Tuệ do Tư tạo nên gọi là tuệ lớn. Dựa vào lý để thẩm xét nên được quyết định. Tuệ do Tu tạo thành gọi là hành lớn, do năng lực tu tập hướng đến chân lý.

Lớn, nghĩa là các niệm duyên nơi pháp Đại thừa mà sinh khởi, là quả của Đại thừa, vì thuộc về Đại thừa. Bước đi lui tới trên ba tuệ vi diệu nơi Tịnh độ, nên gọi là đường du hóa. Đây là nói Bồ-tát nhân nơi ba tuệ vi diệu nên được được vào Tịnh độ, vì thế gọi là đường du hóa. Nếu là niệm lớn của các Như Lai, tức là trí không phân biệt, do niệm an trụ nơi lý chân như. Tuệ lớn tức là trí hậu sở đắc, do phân biệt tướng chân tục của các pháp.

Hai trí này đều có tạo tác nghiệp dụng tăng thượng của Tịnh độ, nên cùng gọi là hành. Do hai trí này đều sinh chung trong Tịnh độ, nên gọi là đường du hóa tự tại. Hoặc hành của niệm lớn là hành tự lợi, do thâu giữ ghi nhớ bên trong. Hành của tuệ lớn là hành lợi tha, do phân biệt bên ngoài.

Như thứ lớp sinh chung trong hai thứ Tịnh độ của Như Lai, nên gọi là đường du hóa tự tại.

Tịnh độ như thế Đường đi đã viên mãn, nên có xe cộ vận hành chở người đi trên đường ấy. Do vậy, tiếp theo là nói đến Chỉ lớn, Quán diệu dùng làm xe cộ vận hành.

Chỉ là Tam-ma-địa. Quán là Bát-la-nhã. Nghĩa của Đại như trước đã nói.

Vì Chỉ và Quán này cùng vận hành song song nên gọi là chuyên chở. Ngồi nơi xe Chỉ, Quán ấy, tùy theo chỗ ứng hợp đi trên con đường phía trước. Con đường là vị trí chung, trong vị trí đó, theo Chỉ, Quán riêng gọi là vận hành, chuyên chở.

Tịnh độ như thế Sự vận hành đã viên mãn, tức nên có cửa vào. Từ nơi cửa vào ấy, ngồi trên xe này để vào, vì vậy tiếp theo là nói đến ba nẻo giải thoát là Đại không, vô tướng, vô nguyện làm cửa vào. Nghĩa là ba cửa giải thoát trên là lối vào cung điện lớn ấy.

Giải thoát tức là xuất ly, là Niết-bàn, tức Đại không v.v… gọi là cửa giải thoát. Dựa theo cửa này mà đi vào Tịnh độ.

Biến kế sở chấp sinh khởi pháp vô ngã nên gọi là không. Duyên nơi Tam-ma-địa ấy gọi là cửa giải thoát không.

Tướng là mười tướng: (1) Sắc. (2) Thanh. (3) Hương. (4) Vị. (5) Xúc. (6) Nam. (7) Nữ. (8) Sinh. (9) Lão. (10) Tử. Tức là Niết-bàn không có các tướng này nên gọi là vô tướng. Duyên nơi Tam-ma-địa ấy gọi là cửa giải thoát vô tướng.

Nguyện là cầu nguyện. Quán các khổ trong ba cõi, không có nơi chốn nào đáng cầu nguyện, nên gọi là vô nguyện. Duyên nơi Tam-ma-địa ấy gọi là cửa giải thoát vô nguyện.

Do ba cửa giải thoát như Không v.v… này mà được vào Tịnh độ, nên gọi là cửa.

Đại: Như trước đã nói.

Trong Tịnh độ này cũng nên có công việc như đường đi, xe cộ chuyên chở, cửa v.v… khiến hữu tình hân hoan vui thích với đức chân thật, nên căn cứ theo hành mà nói.

Tịnh độ như thế Cửa vào đã viên mãn, như cung điện khác phải có chỗ nương dựa, nên tiếp sau là nói đến Nương giữ viên mãn. Do vô lượng các công đức dùng để trang nghiêm được kiến lập bằng các thứ hoa chúa báu lớn trong cung điện lớn: Nghĩa là như đất v.v… dựa vào phong luân v.v… hoặc như cung điện của thế gian dựa vào đất.

Tịnh độ như thế được trang nghiêm do vô lượng các công đức, được kiến lập do các hoa sen hồng chúa báu lớn, nghĩa là Tịnh độ được tạo thành bằng hoa sen hồng báu lớn.

Như thế, vô lượng các công đức báu lớn đã khéo dựng lên cõi Tịnh độ. Vì trong các báu là hơn hết nên gọi là lớn.

Những hoa sen hồng báu này ở trong các hoa là tối thắng, nên gọi là Hoa chúa, hoặc hoa báu ấy so với căn thiện của các Bồ-tát. Các hoa sen hồng đã khởi là hơn hết nên gọi là lớn. Phật là Pháp vương. Hoa sen này phát sinh từ căn thiện tối thắng của Phật nên gọi là Hoa chúa.

Lại, hoa báu này là rất khó được, nên gọi là lớn. Vì là tối thắng trong các hoa báu, nên gọi là Hoa chúa. Hoa này không phải là duy nhất. Hoặc vì cánh hoa nhiều nên gọi là chúng. Đức Thế Tôn ở nơi chúng hoa ấy, kiến lập cung điện lớn, trong đó giảng nói Khế kinh này, thế nên gọi là trong cung điện lớn.

Nếu căn cứ nơi thân thọ dụng thật của Đức Như Lai dựa vào Tịnh độ, gọi là cung điện lớn, lượng đồng với pháp giới, trong đó thân thọ dụng của mỗi mỗi Đức Phật là chủ thể giảng nói về phần gốc, gọi là nói kinh này. Hoặc căn cứ nơi Đức Như Lai tùy theo chỗ thích ứng của Bồ-tát nên hiện thân thọ dụng, dựa vào Tịnh độ, gọi là cung điện lớn với lượng không nhất định, trong ấy chư Phật đồng hiện một thân, chính thức thuyết giảng kinh này, nên nói phần lượng và phương sở của cung điện ấy là không thể định.

HẾT – QUYỂN 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7