XEM PHIM
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Từ thời tivi màu xuất hiện, dịch vụ cho mướn đầu máy video, ti vi màu, mở ra rầm rộ. Người ta có thể xem phim tại nhà, dễ dàng; không còn cảnh người xếp hàng đông nghịt trước rạp hát chen lấn mua vé nữa. Nhưng đối với chúng tôi (những ni cô tay lấm chân bùn), quanh năm sống trong rừng rú thì chuyện biết đến phim ảnh rất là hi hữu. Vì vậy muốn cho chúng tôi mở rộng tầm mắt – vào năm 1988, cô Hạnh An đã đãi ni chúng Viên Chiếu một buổi xem phim.

Tôi nhớ mang máng truyện phim nói về Thiếu Lâm Tự. Lần đầu tiên được xem phim, nhìn thấy ti vi màu, chúng tôi thích lắm.

Tôi nhìn sửng chàng trai tóc dài xanh mướt, cột cao nhồng, bị một ông hung dữ kéo tóc, lôi xềnh xệch trên đất và đành đấm túi bụi, khiến chàng bị thương, tét thịt, máu me đầy mình.

Cảnh đấu võ bay tới lộn lui, người ta ọc máu… vết thương hiện lằn ngang, lằn dọc trên mặt, máu bắn ra… văng lên tường, chảy thành vũng… loang lổ trên nền nhà…

Tôi không nhớ chuyện phim nói gì, có thể tả chung chung là phim đánh đấm rất dữ và hay, mới đầu người hiền bị ăn hiếp oan uổng, cuối cùng thì cái thiện cũng thắng cái ác. Cô nào cũng tròn mắt coi, kinh ngạc, hồi hộp…

Đang xem thì chị Tịnh Niệm và Hạnh Bảo, chợt hét lớn:

– Đi vô! Mau lên!… Kẻo không… người ta bắt cóc bây giờ!

Trên phim lúc đó hiện cảnh một cô gái ngây thơ đi trên đường, có hai người gian rình sẵn chờ ám hại. Khi cô gái bị bắt cóc, chị Tịnh Niệm, Hạnh Bảo tấm tức càu nhàu:

– Đó! Đã bảo đi vô rồi mà không nghe, cứ đi tờ hơ để bị người ta bắt cóc…

(Hai cô này cứ làm như người trong phim chịu nghe mình nói vậy)

Kết quả, khi phim chiếu xong, cả chúng đều… trúng gió, bởi lần đầu tiên thấy cảnh đánh đấm, máu me tùm lum, ai cũng sợ đến phải ôm tim, tôi cũng cạo gió, nằm nhẹp.

Sau đó tôi kể lại chuyện xem phim với một pháp lữ ở thành phố, vốn là võ sư. Chị cười bảo:

– Có gì đâu mà sợ? Máu me ngó ghê vậy chứ… giả hết đó. Như em đây này, hồi xưa từng biểu diễn võ thuật, vai của em là phải đá và bay… cho đẹp mắt, tiếp đến là bị người đánh ọc máu… Nhưng tới lúc phải phun máu ra thì em… nhai hoài, mà cái bao máu giả nó… dẽo quá không chịu đứt, thế là khán giả chỉ thấy em trợn mắt, miệng trèo trẹo nhai tới nhai lui…

Tôi bật cười. Thấy tôi còn lo lắng về chuyện đấm đá, chị giải thích:

– Còn đánh nhau ngó ghê vậy chứ, toàn là… diễn nhiều hơn đánh, nghĩa là đối phương vừa tung chưởng, quyền cước chưa chạm tới thân, thì mình phải lo ngã té liền cho đạt, rồi mặt phải nhăn nhó làm như là đau lắm, thê thảm lắm… nhưng không có nhằm nhò gì, đôi khi cũng bị chút tai nạn trong lúc diễn, nhưng điều này tương đối ít…

Nhờ chị giải thích, Tôi hiểu ra và bớt sợ… Nên, đến khi xem phim Tây Du Ký thì tôi đã tiến bộ, hết trúng gió…

Tôi nhớ có lần cô tôi mướn phim lẻ độ một tiếng rưỡi, hình như là “Nữ bá vương quyền” thì phải, trong phim là những mỹ nhân hào hiệp trượng nghĩa “thấy việc bất bình ra tay”… Các đấng mày râu du côn gian ác bị các nàng truy đuổi, đánh tả tơi, thảm hại… Ngắm các giai nhân bay từ trên lan can hay hiên lầu xuống, tung những cú đá, thẳng tưng, chính xác, nhanh nhẹn thật đẹp. Cô tôi lúc đó đang độ ngũ tuần đã thán phục xuýt xoa, la lên: – Chèn ơi, cô muốn cho con gái… đi học vỗ quá!

Tôi cũng đồng cảm, vì xem phim thấy các mỹ nhân này tài quá cỡ, khiến các nữ khán giả đều mê mẩn thán phục và lây lan… dòng máu anh hùng, tha hồ tưởng tượng rằng “Mình đây mà chịu khó một chút thì chắc cũng thành cao thủ chẳng thua kém ai”… Nhỏ Hương lúc đó mới 25, xem phim xong khoái chí và cao hứng lắm, cứ ra quyền trước mặt tôi “ùm, chéo loạn xạ”… cả đến trong mơ, ngủ trưa gì cũng thấy nó… thủ võ…

Mấy mươi năm trôi qua, bây giờ ti vi màu thành phổ thông, ai cũng có, chẳng còn dịch dụ mướn đầu máy xem phim, người ta tha hồ coi đủ thứ, có thể xem thuyết pháp lẫn học bài trên đó.

Tôi nhớ ông Krishnamurti từng nói: Giá như các phương tiện truyền thông truyền hình, có thể quảng bá chánh pháp, xiển dương điều thiện… thì sẽ đem lại lợi ích rất to lớn. Hồi đọc những lời này tôi không để ý, nhưng khi nghe báo đăng tin một thanh niên miền sơn cước chất phác sau khi xem phim sex xong đã rượt đuổi một bà già 65 (đang ngồi một mình trong nhà) toan cưỡng bức. May nhờ con trai bà và ông hàng xóm kịp thời xuất hiện ra tay cứu nguy cho nạn nhân (nhưng họ cũng bị thanh niên chém cho mỗi người một dao để trút giận vì dục vọng bị ngăn trở)…, tự dưng tôi thấm thía hệ lụy của văn hóa xấu được quảng bá rộng.

Phim Hàn Quốc tài tử mặt mũi dễ coi, đa số nội dung sâu sắc, hàm ý thâm thúy, cũng có tính xây dựng, nhưng điểm tôi không thích là cảnh súc miệng cũng quay, vừa ăn vừa nói cũng quay, Việt Nam cũng bắt chước các phim Hàn Quốc, cứ quay tới quay lui mãi mấy cảnh này, tài tử Hàn diễn nhuyễn mình dòm còn ngán, huống nữa là…!

Đứa cháu trai của tôi năm tuổi ở úc về, thấy anh chàng trong phim vừa ăn vừa nói vung vải cơm lung tung, nó thốt liền: Cô giáo dạy, đang ăn không được nói”… Còn đám bạn nữ của tôi xem các phim Hàn xong, lập tức phát biểu: Con gái Hàn Quốc uống rượu như hũ chìm! – Nếu kiếp sau mà sinh làm gái, mình không muốn làm gái Hàn Quốc, say sưa thấy mà ghê! …Mình cũng không muốn làm dân Thái Lan hay Miến Điện… vì các nước Tiểu thừa không cho nữ giới tu, như vậy thì chỉ có sinh ở… Việt Nam, hoặc Đài Loan, vì các nước này có tu sĩ nhiều, cho giới nữ tu tự do…

Điều đáng chú ý là trong nhóm bạn tôi có đứa gốc đạo Chúa, sau khi tin và quy y Phật, lại lưu tâm phát biểu như thế.

Đành rằng quay phim thế nào là tùy người ta, mình không thích thì đừng xem. Nhưng những cảnh quay truyền bá nếp sống văn hóa, sạch sẽ, trật tự nhìn vẫn thích hơn. Đành là bất cứ kịch bản nào cũng phải chứa đủ thiện, ác – càng gay cấn, xung đột – càng hấp dẫn người xem! Tôi gọi đây là kịch tính, luôn hàm chứa điều bất ngờ lẫn… bất thường, để thu hút khán giả. Nhưng cuối cùng kết thúc phải luôn có hậu, cái thiện luôn thắng cái ác, lẽ phải được tôn vinh. Song, dựa vào những gì thường xuyên quay tới lui, xuất hiện mãi trong các bộ phim, người ta sẽ y cứ vào đó mà đánh giá phong hoa, tính cách đặc thù của một nước.

Ở Thái Lan đạo Phật là quốc giáo, nhưng điểm qua các phim Thái, tự dưng tôi không thiện cảm, chẳng muốn xem, vì nội dung lỏng lẽo, thiếu chiều sâu, đôi lúc chẳng hiểu mục đích phim muốn nói gì? Dù phim có đủ thiện ác, tài tử đẹp, nhưng tôi cảm thấy thật tội cho diễn viên khi họ cứ phải diễn quá lố, nổi giận thì phải trừng nguýt thô lỗ hết khả năng, thậm chí phi thực tế… Phim Thái Lan cho tôi cái cảm giác quá chú trọng làm nổi… tham sân si, đào kép chính… chứ không làm nổi cái đẹp, điều thiện. Thực ra diễn thiện mà quá lố, quá Thánh, quá vô lý, phi thường tình, cũng làm người ta chán. Tóm lại, những gì quá lố, luôn phản tác dụng. Có thể ví dụ thế này, khi xem cảnh bi, người diễn hay là chưa khóc giọt nào hoặc chỉ mới rơi lệ sương sương là đã lấy được nước mắt đầm đìa của khán giả. Còn diễn dở là dù ngay trong cảnh đám tang, diễn viên gào thét, khóc ồn ào, làm dữ dội… nhưng khán giả vẫn vô cảm, trơ trơ. Nhất là có lúc tài tử chỉ diễn nội tâm, hiển lộ sự đau khổ dồn nén, dù không rơi lệ nhiều, không gào thét dữ… nhưng khán giả đã khóc sướt mướt, đồng cảm tận cùng… Đó gọi là diễn đạt, thành công. Tính cách làm người ta nao lòng xúc động chính là sự thâm thúy tiềm ẩn chứ không phải cố làm ồn ào xốc nỗi bên ngoài.

Mấy năm trước tôi có xem phim Việt Nam, Việt Nam thường mượn kịch bản phim Hàn hay Trung Hoa để diễn. Dù mượn, nhưng khéo chuyển thành bối cảnh Việt Nam, diễn theo phong cách Việt Nam cộng với đội ngũ diễn viên ưu tú lão luyện nên cũng có phim Việt Nam diễn rất đạt, rất hay. Chẳng hạn như phim “Mùi Ngò Gai”, vừa hài, vừa sâu sắc, đàng hoàng, lại có duyên, hội đủ tính chất nhân văn nhân hậu. Tuy là kịch bản Hàn, nhưng Việt Nam không bị nhiễm Hàn hay lậm bắt chước ngoại, mà đã khéo léo đưa bản sắc riêng của Việt Nam vào, chính vì vậy mà phim thành công đến nỗi tôi cho là phim này có thể Việt Nam diễn hay hơn… cả Hàn Quốc.

Gần đây tôi có xem phim hình sự Việt Nam, cảm thấy vui vì những phim dạng hình sự của Việt Nam rất hay. Phim bố cục chặt chẽ, tuy thiện, ác đan xen nhưng diễn nổi bật nét hay của từng nhân vật. Hay, vì những câu chuyện thật ngoài đời đã được kết tập đưa vào phim. Hay, vì có đủ tính thực tế, lôi cuốn, gay cấn, hồi hộp. Vai ác diễn rất tài, hội đủ tính nham hiểm, đa mưu túc trí. Ác và thiện đối đầu kịch liệt, nêu rõ tai hại cùa tính xấu và tệ nạn trong xã hội nhưng điểm nhấn chính vẫn là tôn vinh cái thiện, tỏa sáng nết nhân hậu, chính trực, nghĩa tình. Công lý và lẽ phải cuối cùng luôn thắng.

Cho nên, căn cứ vào tính chất quảng bá xây dựng mà ta có thể tuyển chọn phim xem, biết phân loại rạch ròi phim hữu ích và vô ích. Phim có ích là phim trợ thêm an lạc, khơi mở lòng bao dung tha thứ, đánh thức bàn chất thiện lành trong tâm. Phim làm ra không phải để mua vui vài trống canh, mà qua đó có thể cho con người học được những điều hay mà phim muốn chuyển tải. Phim dễ gieo ảnh hưởng nhanh, nhất là giới trẻ, càng trẻ càng dễ ảnh hưởng. Cho nên làm phim tốt là cống hiến ích lợi không nhỏ cho xã hội, làm phim tồi là góp phần phá hoại vô tình.

Mỗi khi ra đường nhìn cách trang điểm phục sức của các cô gái, chàng trai, được “Hàn Quốc hóa” hay “ngoại quốc hóa”, tôi mỉm cười. Thực ra dễ ảnh hưởng không phải là xấu, chỉ cần người bắt chước biết phân biệt rõ xấu tốt, biết tuyển lựa thu nạp điều hay để noi theo thì không có gì đáng nói. Thậm chí có tiệm chụp hình còn trương bảng thiệt to: “Ở đây chuyên chụp kiểu Hàn Quốc”… Tôi thì thấy Việt Nam mình rất đẹp và có những nét duyên thầm cuốn hút chẳng thua kém ai, chỉ sợ đôi khi quá sinh ngoại, mình lại hờ hững với bản sắc khả ái của quê nhà, rồi chạy theo cái tệ của nước người mà không hay.

Chẳng phải chúng ta mặc toàn hàng hiệu, trang sức giống hệt tài tử nổi tiếng hoặc giao du với bạn bè cùng đẳng cấp, có chung gu ăn mặc thời thượng, “oách” giống ta, thì đó mới là hay, là đáng hãnh diện – Quan niệm như vậy là rất nhầm và thiếu sót! Vì ngoài việc ta so đo áo quần, lao tâm tính toán, khổ nhọc mua sắm làm hao tốn tiền mình lẫn cha mẹ… mà nếu tâm ta vẫn còn cùn mằn, vị kỷ, tự cao, không thể thương ai khác ngoài bản thân mình… thì, như chư thánh nói – ta mãi là kẻ tàn tật, khiếm khuyết về tâm hồn, cho dù bề ngoài có hào nhoáng, lành lặn.

Cho nên, tôi cũng đồng tình với ông Krishnamurti, ước gì các phương tiện truyền hình, truyền thông quảng bá phim hữu ích, chuyện tốt, điều hay thật nhiều để đóng góp nét đẹp cho xã hội… nhưng, nói thế không có nghĩa là diễn viên phải vào vai thánh, nhân từ và nhịn giỏi đến… vô lý. Tôi khám phá ra điều thú vị là trong phim người ta rất dễ tỏ ra hiền đức, cực kỳ cao thượng, bao dung… (hoàn toàn trái ngược với bản chất khó nhẫn của con người thường tình trong thực tế). Vì ở ngoài đời thậm chí các “yên hùng” chỉ cần bị một cái ngó nghiêng thôi…là đã có thể choảng nhau… đổ máu.

Tôi vẫn thích cái ti vi màu, ngồi một chỗ mà có thể ngắm cành loài thủy tộc sống dưới đại dương, xem được loài vật khắp sơn lâm, biết tin thế giới đủ mọi miền.

Hồi xưa chư Tổ bảo phải quán cõi này khổ để cầu sinh về nơi tốt lành, lúc đó tôi thấy đời vui bắt chết, quán… thật khó! … Nhưng bây giờ được xem cảnh núi lửa, lốc xoáy, động đất, chiến tranh… người ta giết nhau, hại nhau tàn nhẫn qua các thông tin cảnh báo, cảnh giác trên ti vi, tự dưng tôi thấm thìa câu: “Thế gian vô thường mong manh, ba cõi như nhà lửa”… và tôi lại mong ti vi chiếu nhiều những xu hướng giúp… dịu lửa, để con người yêu thương, cư xử tốt với nhau, cho đời bớt khổ hơn…