“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
 Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH” 
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Chương 16: 
GÁNH VÁC VIỆC NHÀ

Sự thật là, Đông Sơ lão nhân cùng tôi nhân duyên vẫn chưa hết, trong lúc tôi bắt đầu nhậm chức Trụ trì Đại Giác Tự, thì ông đến Nữu Ước, lúc đó là năm 1976. Khi Ông chứng kiến cảnh tôi đang hướng dẫn 20 vị đệ tử Tây Phương tập thiền, lòng rất cao hứng; ông quyết định sau khi viện tịch rồi, sẽ để tôi kế thừa tự viện Văn Hóa Quán tại Đài Loan.

Đông Sơ lão nhân nói: – Quản lý tự viện giống như ủ rượu. Chớ cho là Văn Hóa Quán nhỏ nhoi (đối với chú thì nó quá nhỏ rồi) ta để nó lại cho chú giống như là viên men để gầy rượu. Nếu mà chú làm tốt, thành công; thì sẽ chế được rượu ngon, tương lai sẽ có khả năng chế được loại rượu hảo hạng trường kỳ.

Tôi thưa: – Thầy đừng lo, con sẽ chăm sóc tốt Văn Hóa Quán.

Chẳng bao lâu, Đông Sơ viên tịch. Lúc ấy tôi nhậm chức Trụ trì chùa Đại Giác mới được sáu tháng. Mặc dù ở đây tôi điều hành công việc đang rất tốt, nhưng tôi phải vâng theo di nguyện của Đông Sơ lão nhân. Sư phụ đã giao cho tôi một sứ mệnh, mà tôi không có quyền chối từ hay lựa chọn nên đành phải quay về Đài Loan .

Ý nghĩa về sứ mệnh đã có rất lâu trong lịch sử Thiền tông. Đại sư Mã Tổ từng phái hơn trăm đệ tử đi đến các nơi khác nhau hoằng pháp, họ đều “tay không phá núi”, dựng chùa. Cho dù công cuộc xây cất các ngôi kiến trúc đó có đơn giản đến đâu thì cũng phải mất hơn mười năm. Khi tín chúng ngày càng tăng, tự viện bắt buộc phải mở rộng. Mục đích sáng lập tự viện không phải là để khoe chùa to Phật lớn, mà là “lý hành thực nhiệm” (thực sự dấn bước trong trách nhiệm của mình, làm sao để Phật pháp lưu truyền đời đời). Những cố gắng nỗ lực này đã khiến cho lịch đại Thiền tông Tổ sư có được đạo tràng thanh tu của mình.

Phật giáo truyền pháp bắt đầu từ thời Đức Phật Thích-ca, đồ đệ lãnh trách nhiệm đem giáo pháp truyền lại cho đời sau. Kiểu truyền thừa này không giống như lễ Truyền Đỉnh Quan (đội mão) đơn giản. Vì có những người trải qua khai ngộ vẫn chưa được tuyển làm truyền nhân, do họ phúc đức chưa tròn đầy hoặc khả năng chưa đủ thiện xảo. Thiền tông nhấn mạnh tính trọng yếu “Tông phổ truyền thừa”. Trong Truyền Đăng Lục có tường thuật rõ việc các tổ sư truyền thừa cho môn đồ. Quá trình này gọi là “truyền pháp” được bảo lưu từ thời Phật Thích-ca kéo dài đến ngày nay. Cho nên khi sư phụ có ý truyền thừa cho tôi, thì tôi bắt buộc phải tiếp nhận! Nếu tôi từ chối, thì tôi không phải là đệ tử của ông. Con có thể từ chối di sản của cha, nhưng theo hệ thống truyền thừa thiêng liêng của Thiền tông, đệ tử không có quyền cự tuyệt sứ mệnh sư phụ giao cho.

Tôi cần giải thích rõ, Đông Sơ lão nhân thực sự không có giao cho tôi “Văn Hóa Quán”, quyền sở hữu tự viện này thuộc về Đổng Sự Hội (chứ không thuộc nơi tôi) và thông qua Ban quản lý Văn Hóa Quán tương lai, họ trao cho tôi một phần trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp.

Cho dù tôi không đến nổi phải phá núi, khẩn hoang… để xây dựng chùa, nhưng khi tôi bắt đầu thực hiện công cuộc phát triển Văn Hóa Quán thì cũng gian nan giống vậy. Buông bỏ chức Trụ trì nơi Đại Giác Tự để quay về Đài Loan, là tôi từ vị trí ưu rơi vào thế yếu kém. Bởi ở Đại Giác Tự tôi có đủ tài lực, nhân sự và ủng hộ mạnh mẽ của cư sĩ Trầm Gia Trinh, nên tôi chưa từng phải lo đến chuyện tiền nong. Lúc đồ chúng tại Mỹ nghe tin tôi sẽ quay về Đài Bắc nhận trách nhiệm ở Văn Hóa Quán, nhiều người đã nói: – Vì sao thầy phải rời bỏ việc hoằng pháp cực kỳ thành tựu tại Đại Giác Tự đang để quay về Đài Loan gánh lấy cực khổ gian nan chứ hả?

Làm sao tôi giải thích cho các đồ đệ Tây Phương hiểu được, rằng người Trung Quốc có quan niệm rất thiêng liêng về nghĩa vụ và trách nhiệm, và tôi chẳng còn con đường nào để mà chọn lựa.
Về đến Đài Loan, khốn khó lập tức bủa giăng, chào đón. Tôi phát hiện Đông Sơ lão nhân để lại tới ba di chúc không đồng. Trong Thiền tông, chư tổ thường không lưu di chúc, nhưng Đông Sơ lão nhân cần xác minh rõ ràng tâm nguyện của ông. Rắc rối là, trong những ngày tháng sau cùng, do tôi không có ở bên cạnh ông. Nếu như tôi có ở đấy, thì ông chỉ cần khẩu truyền, bảo tôi thay ông tiếp nhận Văn Hóa Quán là đủ.

Trong hai di chúc đầu không hề có ghi tên tôi, bởi vì đã hai lần, tôi từng thưa với ông rằng mình không có ý định quay về Đài Loan. Lần một là lúc tôi đang du học tại Nhật; lần hai là lúc tôi mới đến Mỹ. Nhưng sau khi ông qua Mỹ ghé thăm Đại Giác Tự rồi, chúng tôi đã có chung một nhận thức. Do tôi chịu tiếp quản Văn Hóa Quán, nên trong bản di chúc chót ông đã ghi tên tôi vào. Ba bản di chúc bất đồng này thực sự gây khó khăn cho Ban Đổng Sự cùng tín chúng ở Nông Thiền Tự rất nhiều. Phần tôi, từ bỏ chức vị an ổn ở Mỹ, nằng nặc quay về Đài Loan, để chứng kiến cảnh mình bị hãm nhập vào vòng tranh luận, hỗn loạn rối ren. Tình huống này sao mà giống hệt cảnh ngộ thuở xưa, lúc Đông Sơ lão nhân giao cho tôi làm các việc (khiến tôi toát mồ hôi đừ đẫn cả thân tâm). Tôi tưởng chừng như đang nghe tiếng cười nhạo của ông vang vang trong gió, “HA! HA! HA!” vẫn âm thanh ngạo nghễ kinh người. Thực may, mấy tháng sau, vấn đề cuối cùng cũng giải quyết xong, và chức quyền của tôi cũng không phải tranh bàn nữa.

Văn Hóa Quán còn có một hạ viện tên là Nông Thiền Tự, nằm ở ngoại ô thành phố Đài Bắc. Khi Văn Hóa Quán tiến hành chỉnh sửa, thì đa số các hoạt động đều được dời sang đây. Xung quanh Nông Thiền Tự có đất ruộng và nhà dân chi chít. Bản thân tự viện rất nhỏ, chỉ có một ít tín chúng, ngay cả các chi phí sinh hoạt tạp nhạp cũng thành vấn đề. Tôi phải đến trợ giúp Nông Thiền Tự và tìm cách quyên góp. Nếu không có người chịu bỏ ra nhiều thời gian, tinh thần sức lực và tiền bạc để phụng hiến, thì ngôi tự viện này đành duy trì và vận hành trong eo hẹp. Đông Sơ lão nhân lấy đây làm chỗ an trụ cơ bản, nếu muốn mở rộng cảnh quang để hoằng pháp theo ước nguyện, hầu như vĩnh viễn vô phương thực hiện.

Tôi bắt đầu áp dụng theo cách giảng dạy đang phát tại Mỹ, cho mở lớp thiền tọa và hướng dẫn tu thiền tại đây. Đầu tiên, tôi chủ yếu hướng dẫn chuyên tu. Khóa thiền tập chỉ có thể dung nạp khoảng 20 người. Nhưng họ “khẩu nhĩ tương truyền”, đồn đại dần dà, hấp dẫn đông người trẻ tìm đến. Những môn sinh thời đó sau khi xuất gia rồi, tới giờ vẫn còn đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong đoàn thể chúng tôi. Còn những vị giữ nguyên thân phận tại gia, thì trở thành hộ pháp đắc lực cho học viện Nông Thiền Tự và đạo tràng khắp nơi của tôi tại Mỹ, Âu châu và Đài Loan.
Để mở rộng việc trông nom tín chúng, tôi phải hành sự giống hệt các truyền nhân của Mã Tổ Đại sư thuở xưa. Lo khuếch sung tự viện, xây thêm phòng xá, bởi vì phương thức và cách làm chưa phù hợp với quy định luật pháp, nên đã khiến chính phủ Đài Bắc phải quan tâm. Nhưng do chúng tôi có cống hiến rất nhiều về phúc thiện xã hội đối với thành phố Đài Bắc, nên tình huống được thay đổi khả quan.

Trừ việc phát triển hoằng truyền pháp Thiền, Đông Sơ lão nhân cũng muốn tôi đẩy mạnh nền giáo dục Phật giáo tiến lên. Lúc tôi mới đến Đài Loan, trong đây không có học viện Phật giáo dành cho Tăng Ni. Chính vì vậy mà tôi phải qua Nhật Bản học để lấy bằng tiến sĩ. Học vị này của tôi tại Đài Loan chừng như vô dụng. Bởi vì Phật giáo đồ ở đây không hề biết đến giá trị của bằng Tiến sĩ Phật học, họ chẳng hiểu nó có ích chi và dùng để làm gì. Trong khi cách làm của Nhật Bản thì khác hẳn, họ biết cử người đi các nước Ấn Độ, Đức, Anh quốc… du học, rồi khi các du học sinh này thành tài, quay trở về nước, thì giáo hội và các đoàn thể Phật giáo luôn biết trọng dụng, đề cử và cất nhắc, giao cho họ vị trí thích đáng để họ phát huy khả năng, quảng bá nền giáo dục đã được tiếp thu.

Tôi quyết tâm sáng lập “Học Viện Thanh Niên Phật giáo” để cải thiện tình trạng Đài Loan đương thời. Năm 1978, tôi tiếp nhận chức Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học và Giảng Sư Viện Nghiên Cứu Văn hóa Đại Học Triết Học. Ngoài ra tôi cũng nhận dạy tại Đại Học Đông Ngô. Chương trình dạy gồm: Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ, Trung Quán, Duy Thức và Thiền Học. Những giáo trình và chức vụ này đã giúp tôi trụ vững trong giới giáo dục và sau đó có thể nhân đây sáng lập Viện Nghiên Cứu Phật Học. Năm 1985, do Đại Học Văn Hóa không thể tiếp tục, nên tôi cho dời nó đến phía Bắc Văn Hóa Quán, lập thành Viện Nghiên Cứu Phật Học Trung Hoa. Hiện nay Đài Loan có mười mấy viện nghiên cứu tương tự vậy.

Trong thời gian quay về Đài Loan kế thừa di nguyện sư phụ, tôi vẫn liên lạc mật thiết với cư sĩ Trầm Gia Trinh. Khi Viện trưởng Viện Dịch Kinh (do ông hộ trì) từ chức, thì tôi tiếp nhận làm thay phần công tác này, khi Viện Dịch Kinh dời đến Nông Thiền Tự, thì Trầm cư sĩ vẫn tiếp tục ủng hộ.

Nhưng tại Nữu Ước, Đại Giác Tự đang rất cần giúp đỡ. Bởi từ khi tôi bỏ đi, tăng chúng dần thất thoát, không ai lo liệu việc trong chùa. Trầm cư sĩ rất mong tôi quay lại Bố Lãng khu, tiếp tục trụ trì, quản lý việc chùa trở lại. Tôi cảm thấy đối với ông mình có nghĩa vụ này, nhưng thật là vô phương, vì tôi chẳng thể báo cho ông biết là bao giờ mình mới có thể từ bỏ trọng trách đang nắm giữ tại Nông Thiền Tự, bởi gánh nặng trách nhiệm tôi đang cưu mang quá lớn, chưa thể bỏ đi.

Trầm cư sĩ quen một Ni sư vừa rời Trung Quốc Đại Lục, từ Miến Điện mới sang Mỹ. Bà không có tự viện riêng của mình, nên Trầm cư sĩ mời bà đem ni chúng về ngụ tại Đại Giác Tự (Lúc đó tôi mới từ chức Trụ trì).

Lưu lãng

Khi tôi đã sắp xếp, an bài và thực hiện tốt những gì Đông Sơ lão nhân từng ký thác, đưa mọi việc vào nền nếp xong; thì Trầm cư sĩ mời tôi sang Nữu Ước hoằng pháp. Thế nhưng, lần sang Mỹ này tôi không thể hồi phục chức vị mình từng đảm nhiệm trước đây. Do các sư nữ đã ở đầy trong Đại Giác Tự. không còn phòng nào cho tôi trú ngụ. Tôi đành ở tạm tại Bồ Đề Tịnh Xá, biệt thự tĩnh tu của Trầm cư sĩ ở Trường Đảo. Tôi phải đi đi lại lại giữa Trường Đảo và Nữu Ước. nhưng nếu cứ qua lại như thế thì rất bất tiện, vì cách học sinh tôi quá xa, nên tôi có ý định ra đi. Trầm cư sĩ bảo: – Nếu thầy dời đi, tôi thật vô phương chăm sóc và giúp đỡ thầy!

Tôi đáp: – Không hề gì, tôi thích rày đây mai đó.

Sau khi ra đi, tôi không có tiền muớn phòng trọ, đành ngủ trước Giáo đường hoặc trong công viên. Tôi từng cùng các môn sinh ở đây học cách làm sao sống qua ngày trên đường phố. Họ dạy tôi tìm và hưởng dụng những thức ăn như trái quả, bánh mì bị bỏ (song vẫn còn dùng được) ở phía sau thương điếm hoặc siêu thị, họ còn bày cho tôi lãnh làm các việc vặt để kiếm chút tiền. Chẳng hạn như coi tiệm thay chủ, lo quét dọn hoặc trông chừng két tiền. Tôi phát hiện mình có thể đem hành lý tùy thân gởi tại “Quầy ký gởi vật dụng” nơi trạm xe Trung Anh. Tôi cũng có thể giặt y phục, tắm táp trong tiệm. Các môn sinh mách tôi đến quá nửa đêm, có thể ghé các quán bán thức ăn nhanh nghỉ ngơi và nhâm nhi tách cà phê.

Tôi sống lang thang trong thành phố, một tu sĩ mặc ca sa cũ, ngủ nhờ ngoài hiên, suốt đêm ở tại quán cà-phê bầu bạn và nhập bọn cùng những người vô gia cư, (không có nhà để về). Muốn lót dạ thì tìm thức ăn trong những đống trái cây hay rau quả mà người ta vứt bỏ. Lúc đó tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, không còn trẻ nữa, nhưng hai vai gánh vác sứ mệnh đi bốn phương hoằng pháp, lòng tôi tràn đầy niềm vui và pháp hỷ sung mãn. Nên mấy cái chuyện cỏn con này có ăn nhằm gì đâu. Đông Sơ lão nhân từng huấn luyện tôi, khiến tôi quen cư trú tự tại, bất kể là ngụ trong phòng lớn hay phòng nhỏ (hay ngủ qua đêm ngoài cổng giáo đường), đối với tôi đều chẳng có gì khác biệt.

Nhiều người cảm thấy tội nghiệp tôi, còn tôi thì ngược lại, tôi thấy mình chẳng có gì đáng thương và cũng không cho là vận số mình kém may. Cũng có nhiều người lo sợ, e là tôi sẽ tìm đến họ xin tiền hoặc van nài cầu xin giúp đỡ. Vì vậy tôi quyết định, tốt nhất là không nên đến nhờ ai giúp, mặc dù tôi cũng tiếp nhận sự hỗ trợ của các vị có lòng. Trưởng lão Hạo Lâm cũng rất hoan hỉ mời tôi đến ngụ tại trú xứ của ông, nhưng tôi không muốn làm phiền ông quá lâu và quá nhiều, khi mà tôi chẳng biết là bao giờ mình có thể báo đáp lại; do vậy, tôi thà sống kiếp lang thang.
Nhưng kiểu sống như thế của tôi vẫn có khả năng hù dọa người; hoặc khiến thiên hạ cảm thấy kỳ quái – Các Tăng lữ đạo hữu làm sao có thể để tôi ra ngoài ngủ nơi đầu đường xó chợ? Tịnh xá của trưởng lão Hạo Lâm rất nhỏ, thu nhập không nhiều; nếu tôi trụ tại đó, đối với ông thật đáng lo. Giá như kinh tế ông khá, chùa rộng một chút, thì nhiệt tình chiêu đãi của ông sẽ khiến tôi cảm thấy đỡ ái ngại biết bao.

Tôi cảm thấy mình sống lang thang trên đường là việc tốt. Nhờ vậy mà tôi học được cách không ỷ lại vào bất kỳ ai, cũng chẳng bị ép buộc phải tìm đạo tràng, hoằng dương thiền pháp (Bồ tát trong lúc hoằng đạo chỉ mong chúng sinh được ly khổ) nên rất cần kham nhẫn và phải trải qua nhiều mài luyện khốn khó. Khi Tăng lữ Phật giáo Ấn Độ đến Trung Quốc, Nho giáo và Lão giáo đang có ảnh hưởng rất mạnh. Lúc đó Nho giáo còn muốn khu trừ Phật giáo (nhất là những người xuất gia). Phật Thích-ca tin rằng, nếu như có thể chịu đựng được bao mài luyện gian khổ, thì có thể khai phát cho người, và ảnh hưởng đến thiên hạ. Người ta thường hi vọng cuộc sống mình bình thuận, không phiền phức, nhưng hành giả tu theo Phật giáo thì khác: – Khi hóa độ người là phải chuẩn bị cam chịu thọ khổ, thọ nạn rồi – Làm sao để nhẫn chịu khổ nạn? Mã tổ Đại sư từng dạy chúng ta: – Cần phải giữ tâm bình thường. Ngụ ý là: Phải thường bảo trì tâm bình tĩnh, an ổn. Không duyên niệm theo hoàn cảnh chung quanh. Lúc thành công, không nên cho là ta làm thành, không nên quá hưng phấn hay tự kiêu – Bởi thành công đó có được là nhờ nhiều nhân tố liên kết: người, việc, hoàn cảnh, thuận duyên… hỗ tương mà thành tựu. (Nếu như công việc bạn muốn tiến hành, nhưng chỗ chỗ đều gặp chướng ngại khó thể thành tựu khiến bạn dễ sinh nản lòng muốn buông bỏ. Những khi gặp phải tình huống như vậy, tốt nhất là chẳng nên bi quan chán chường, phải hiểu là nhân duyên chưa đủ; đừng vội cho mình là một người thất bại – vì thất vọng chỉ đem lại thống khổ mà thôi.

Giữ gìn (bảo trì) tâm bình thường – là không phải cứ bất động (buông xuôi) hoặc đặt mình rơi vào trạng thái bị động (để cho vọng niệm mặc tình xỏ mũi dẫn đắt). Bạn sống vẫn phải hết lòng với trách nhiệm. Hòa thượng Hư Vân nói: “Không hoa Phật sự, thời thời phải làm; thủy nguyệt đạo tràng, xứ xứ phải xây”. Xin giải thích: Những công tác này mặc dù là hư huyễn, nhưng chúng ta vẫn phải làm. Dù chúng sinh là hư huyễn, song chúng ta vẫn phải đi hướng dẫn họ. Cho dẫu Đạo tràng tu giống như bóng trăng trong đáy nước, không thật có; nhưng ta vẫn phải kiến lập đạo tràng và bắt buộc phải độ chúng sinh. Đây chính là trách nhiệm mà ta cần phải tận lực hoàn thành và không nên chấp vào thành bại. Chư Tổ sư Thiền tông dùng tâm bình thường ứng dụng trong mọi lúc, mọi sự, mọi sinh hoạt… Nếu không được như thế, thì chẳng phải là Thiền sư chân chánh. Trong tháng ngày lang thang, tôi nỗ lực bảo trì tâm bình thường và không hề biến mình thành kẻ lưu lãng. Tôi nhớ đến Đại sư Hàn Sơn trên núi Thiên Thai, ông lấy trời làm màn, đất làm chiếu; lấy mây làm mền, đá làm gối; dùng suối để tắm. Nếu trong chùa có gạo có rau, thì cứ thế mà dùng. Còn nếu không có gì để ăn, thì ông lót lòng bằng rau cỏ, trái quả… Ông sống tự tại an nhiên, làm ra nhiều câu thơ rất ưu mỹ:

獨臥重岩下
蒸雲住不消
室中雖滃靉
心里絕喧囂
夢去游金闕
魂歸度石橋
拋除鬧我者
歷歷樹間瓢

Âm:

Độc ngọa trùng nham hạ
Chưng vân trú bất tiêu
Thất trung tuy ông ái
Tâm lý tuyệt huyên hiêu
Mộng khứ du kim khuyết
Hồn quy độ thạch kiều
Phao trừ náo ngã giả
Lịch lịch thụ gian biều Biều

(Nghĩa: Nằm một mình dưới lớp lớp đá núi, mây kết tụ lại chẳng tan. Trong thất tuy mờ mịt, nhưng trong lòng không còn ồn náo. Nằm mơ thấy dạo chơi nơi cung vua, hồn về đi qua cầu đá. Thả mình trong trái bầu (biều) – là quả bầu hay hồ lô mà các ông tiên thường mang theo bên mình, khi cần nghỉ ngơi thì chui vào hồ lô ngủ. Câu này diễn tả phong thái nghỉ ngơi tự do tự tại, an nhàn như tiên. Tạm dịch

Non cao đá dựng chập chùng
Mình ta đánh giấc thung dung giữa trời
Trên đầu, mây ngủ quên trôi
Sương giăng mờ thất, tâm thôi rộn ràng
Mộng dạo chơi tận… cung vàng
Hồn về cầu đá, mơ màng… phiêu du
Ném phăng cái ngã khỏe ru
Như tiên ngụ giữa… hồ lô an nhàn!

Khi bạn không có bất kỳ cái gì, thì bạn tự do tự tại, một khi bạn có cái gì, ắt sẽ bị nó ràng buộc, trói cứng. Tôi cực kỳ hạnh phúc, chẳng hề cảm thấy là mình không có tương lai. Ngược lại, tôi còn cho rằng tương lai sẽ đem đến nhiều phong phú, viễn đại nữa. Bởi tôi có các môn sinh, nên còn sứ mệnh phải hoàn thành. Chỉ là buổi tối, tôi chưa biết mình sẽ ngủ ở đâu mà thôi. Xem ra, so với việc không có trú xứ, không có tương lai, làm một gã lang thang không có nhà để về, tôi thật sự quá tốt rồi, nhưng tôi biết mình không thể sống lưu lãng cả đời.

Bây giờ, cuộc sống của tôi thật khác biệt, tôi quen biết nhiều lãnh tụ thế giới, giữ chức và phát biểu, diễn thuyết trong Đại Hội Hiệp Quốc. Đệ tử tôi có các cao quan, tôi trở thành là khách mời, được Trung Quốc Đại Lục, Thái Lan… cực kỳ ưu ái đãi ngộ. Các tín đồ đối với tôi rất tôn kính. Người ta cho rằng, nếu đối với tôi không đãi ngộ như vậy thì không đúng. Thật sự là, nếu họ chẳng ưu ái thì cũng đâu có gì sai. Cho dù hôm nay tôi nổi danh một thời, nhưng khi tôi không thể làm những việc như tôi đang làm thì tôi có thể bị lãng quên. Trong lịch sử có bao nhiêu người có thể lưu danh? Tài phú cũng như quyền lực, thảy đều là hư huyễn. Bởi vậy, người ta trong bất cứ tình huống nào, cần phải bảo trì tâm bình thường.

Tục ngữ nói: (Do giản nhập xa dị, do xa nhập giản nan). “Từ giản dị vào xa hoa dễ, từ xa hoa tiến đến giản dị khó”. Nếu không có được tâm bình thường, thì đúng là như thế! Còn nếu có được tâm bình thường, thì bất kỳ trong tình huống, hoàn cảnh nào, bạn đều là người tự do tự tại!