PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN I
ĐỨC PHẬT

CHƯƠNG 1
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
(TT)

Khổ hạnh tự hành xác

Trong giai đoạn tiếp theo trên đường tầm đạo, đức Cồ-đàm (Gotama) đã thử một phương pháp tu tập khác hiện hành đương thời: tích cực chế ngự thân và những ham muốn của thân bằng cách nhịn đói và nhịn thở trong thời gian dài. Như sẽ thấy, về sau đức Phật đã chỉ trích điều này.

L.12 Khổ hạnh cực đoan

Trong đoạn dịch này, đức Phật thuật lại Ngài đã hành như thế nào bốn pháp tu khổ hạnh phổ biến trong một số các sa- môn ngoại đạo đương thời tại Ấn-độ.

Này Xá-lợi-phất (Sāriputta), Ta nhớ lại một thời Ta đã hành phạm hạnh với bốn chi: tự hành khổ bức, Ta đệ nhất khổ bức; tự hành dơ bẩn, Ta đệ nhất dơ bẩn; tự hành cẩn trọng, Ta đệ nhất cẩn trọng; tự hành lẩn tránh, Ta đệ nhất lẩn tránh.

Này Sāriputta, Ta tự hành khổ bức như vầy: Ta sống lõa thể, từ bỏ thói thường, liếm tay, mời thì không đến, gọi thì không dừng. Ta không nhận thức ăn mang đến, thức ăn nấu riêng cho, không nhận mời ăn; Ta không nhận đồ ăn từ nồi, từ chậu, tại ngưỡng cửa, giữa những cây gậy, giữa những chày giã gạo, từ hai người đang ăn, từ người đàn bà có thai, từ người đàn bà đang cho bú, từ người đàn bà đang giao cấu, đồ ăn đi quyên, tại chỗ có chó đứng, tại chỗ có ruồi bu. Ta không ăn cá thịt, không uống rượu nấu, rượu men, rượu ủ. Ta chỉ nhận một nhà một miếng;[1] Ta chỉ nhận hai nhà hai miếng; Ta chỉ nhận ba nhà ba miếng; ta chỉ nhận bốn nhà bốn miếng; Ta chỉ nhận năm nhà năm miếng; ta chỉ nhận sáu nhà sáu miếng; Ta chỉ nhận bảy nhà bảy miếng.

Ta sống bằng thức ăn từ một thí chủ, từ hai thí chủ, từ ba thí chủ, từ bốn thí chủ, từ năm thí chủ, từ sáu thí chủ, từ bảy thí chủ; ta ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, ba ngày một bữa, bốn ngày một bữa, năm ngày một bữa, sáu ngày một bữa, bảy ngày một bữa; như vậy thậm chí đến nửa tháng một bữa, Ta an trú hành trì hạnh ăn theo từng thời.

Ta ăn rau sống, ăn cỏ kê, ăn lúa dại, ăn da vụn, ăn rêu, ăn cám, ăn váng cơm, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò. Ta sống nhờ rễ và trái cây rừng; Ta ăn trái cây rụng.

Ta mặc vải gai thô, mặc vải gai thô tạp, mặc vải tẩm liệm, mặc giẻ rách (phấn tảo y), mặc vỏ cây, mặc da linh dương, mặc da linh dương bện, mặc vải cỏ kusa, mặc vải vỏ cây,  mặc vải gỗ bào, mặc tóc bện, mặc lông thú bện, mặc áo lông cú.

Ta sống nhổ râu tóc,[2] theo hạnh sống nhổ râu tóc.

Ta là người luôn đứng, không dùng chỗ ngồi. Ta là người thường ngồi chò hỏ, sống tinh tấn theo hạnh ngồi chò hỏ. Ta là người dùng gai làm giường, luôn ngủ nằm trên giường gai.Ta theo hạnh tắm (lễ) trong nước (lạnh) ba lần mỗi ngày kể cả tối đêm. Như vậy bằng nhiều cách, Ta an trú theo hạnh hành khổ và hành xác. Này Sāriputta, như vậy là khổ hạnh của Ta.

Này Sāriputta, ở đây Ta hành dơ bần như vầy, như thân cây tindukā, bụi bẩn tích tụ nhiều năm, đóng thành tấm và thành miếng, cũng như vậy, bụi và bẩn tích tụ nhiều năm, đóng thành tấm và thành miếng trên thân ta. Ta không nghĩ rằng: ‘Hãy phủi sạch bụi bẩn này đi bằng tay mình, hay để kẻ khác phủi sạch bụi bẩn này đi bằng tay họ.’ Này Sāriputta,  như vậy Ta hành dơ bẩn.

Này Sāriputta, Ta hành cẩn trọng như vầy: Ta luôn tỉnh giác trong khi đi tới, đi lui. Ta tràn đầy lòng từ đến cả một giọt nước[3] như vầy: ‘Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong các khe đất.’ Này Sāriputta, như vậy Ta hành cẩn trọng.

Này Sāriputta, Ta hành lẩn tránh như vầy: Ta trốn sâu trong một khu rừng và trú ngụ tại chỗ ấy. Và khi Ta thấy một người chăn bò hay người chăn cừu hay người cắt cỏ, hay người đốn củi, hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ lùm này qua lùm khác, từ bụi này qua bụi khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Để họ không thấy Ta và Ta không thấy họ.

Này Sāriputta, giống như một con nai rừng, thấy người liền chạy từ lùm này qua lùm khác, từ bụi này qua bụi khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác, cũng vậy, khi Ta thấy một người chăn bò, hay người chăn cừu, hay người cắt cỏ, hay người đốn củi, hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ lùm này qua lùm khác, từ bụi này qua bụi khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác.

Này Sāriputta, Ta bò bốn chân đến các chuồng bò, khi đàn bò đã đi và người chăn bò đã rời, rồi Ta ăn phân của các con bê còn bú. Này Sāriputta, khi mà nước tiểu và phân của Ta còn đọng lại, Ta ăn phân và nước tiểu của chính mình. Này Sāriputta, như vậy Ta hành trì ăn các thứ cực kỳ hủ bại.

Này Sāriputta, Ta lánh sâu vào một khu rừng rậm kinh sợ và trú ngụ tại chỗ ấy: khu rừng rậm kinh sợ này thường khiến người ta lông tóc dựng ngược nếu kẻ ấy chưa dứt tham ái.

Này Sāriputta, trong những đêm đông lạnh lẽo, suốt những ngày mồng tám tuyết rơi, ban đêm Ta sống giữa trời và ban ngày trong lùm rậm. Trong tháng cuối hè, ban ngày Ta sống giữa trời còn ban đêm trong lùm rậm.

Này Sāriputta, bỗng dưng xuất hiện với Ta bài kệ trước đây chưa từng được nghe này:

Ẩn sĩ đang tầm cầu, chịu nóng và chịu lạnh, một mình rừng kinh sợ, trần truồng không lửa ấm.

Này Sāriputta, Ta ngủ trong bãi tha ma, nằm dựa trên một bộ xương. Này Sāriputta, những người chăn bò đến gần và khạc nhổ lên Ta, tiểu tiện lên Ta, ném bẩn vào Ta, và lấy que chọc lỗ tai Ta. Này Sāriputta, và Ta không nhớ là Ta có bao giờ khởi ác tâm đối với họ không. Này Sāriputta, như vậy Ta hành trú xả. Mahā-sīhanāda Sutta: Majjhima-nikāya I.77–79, dịch Anh G.A.S.

L.13 Đau nhức vô ích

Trong đoạn này, đức Phật giải thích rằng, trước thời hành khổ hạnh cực đoan, Ngài nhận ra rằng những hành giả nào mà chưa ly dục tham thì không thể đạt giác ngộ. Sau khi nhận ra rằng cần phải chế ngự dục tham, Ngài đã hành  nhiều hình thức khổ hạnh cực đoan. Tuy nhiên, trong khi những hành trì khổ hạnh ấy có phát triển tinh tấn và chánh niệm, và sự đau đớn về thể xác mà chúng mang lại không ảnh hưởng đến tâm trí của Ngài, thì chúng cũng mang đến sự kiệt quệ về thể xác, và Ngài nhận ra rằng chúng không dẫn đến giác ngộ.

‘Phải chăng chưa bao giờ khởi lên trong Ngài, thưa Tôn giả Gotama, một cảm thọ lạc đến mức nó chi phối tâm lâu dài? Phải chăng chưa bao giờ khởi lên trong tôn giả Gotama một khổ thọ đến mức nó chi phối tâm lâu dài?’

‘Này Aggivessana, trong khi đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu tịch tĩnh vô thượng tối thắng, Ta tuần tự du hành qua nước Magadha và cuối cùng đến Uruvelā gần Senānigama. Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng nhàn tịnh, có con sông trong xanh chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Aggivessana, Ta nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng nhàn tĩnh, có con sông trong xanh chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ thích hợp cho một thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh cần tu tập.”

Này Aggivessana, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ rằng: “Nơi đây thật thích hợp để tinh cần tu tập.”

Này Aggivessana, bấy giờ khởi lên trong Ta ba ví dụ chưa từng được nghe từ trước.

[Tức là, như một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa, được thả vào trong nước, không thể dùng để nhen lửa, nhưng một khúc cây khô thì có thể nhen lửa, do vậy chỉ] những sa-môn và bà-la- môn[4] sống xả ly các dục về thân, và những ai mà nội tâm đã hoàn toàn trấn áp và đoạn trừ tham đắm dục, luyến ái dục, mê say dục, khao khát dục, và bức sốt dục, dù họ có cảm thọ hay không đau đớn, nhức nhối, đau nhức kịch liệt do bởi tinh cần, họ cũng có thể chứng đắc tri kiến vô thượng chánh giác.Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm ức chế tâm, trấn áp tâm, và đánh bại tâm.”

Này Aggivessana, nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, Ta lấy tâm ức chế tâm, trấn áp tâm, và đánh bại tâm. Này Aggivessana, khi Ta làm vậy, mồ hôi toát ra từ nách của ta. Này Aggivessana, như một người lực sĩ nắm lấy một người ốm yếu đằng đầu hay vai, có thể ức chế, trấn áp, và đánh bại người ấy, cũng vậy, nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, Ta lấy tâm ức chế tâm, trấn áp tâm, và đánh bại tâm, và mồ hôi toát ra từ nách của ta.

[Lặp lại:] Này Aggivessana, dầu cho Ta có nỗ lực tinh cần không mệt mỏi, dựng lập chánh niệm liên tục không gián đoạn, nhưng thân Ta vẫn bị kích động và căng thẳng do bởi Ta bị kiệt sức bởi sự tinh tấn khổ sở. Nhưng khổ thọ ấy khởi lên trong Ta mà không chi phối tâm ta và tồn tục.

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy tu thiền nín thở.”[5] Rồi Ta nín thở vô, và thở ra qua miệng và mũi. Này Aggivessana, trong khi Ta làm vậy, thì một tiếng gió kinh khủng nổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Aggivessana, ví như tiếng động kinh khủng phát ra từ ống bễ đang thổi của người thợ sắt, cũng vậy, trong khi Ta nín thở vô, và thở ra bằng mũi và tai, thời một tiếng gió kinh khủng nổi lên, ngang qua lỗ tai.… [Lặp lại]

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy tu thêm thiền nín thở.” Rồi Ta nín thở vô, và thở ra qua miệng, mũi, và tai. Trong khi Ta làm như vậy, thì có những cơn gió kinh khủng nổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Aggivessana, ví như một người lực sĩ chém đầu Ta với một thanh kiếm sắc bén, trong khi Ta nín thở vô, thở ra, qua miệng, mũi và tai, thì có ngọn gió kinh khủng nổi lên đau nhói trong đầu Ta.… [Lặp lại] Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy tu thêm thiền nín thở.” Rồi Ta nín thở vô, và thở ra qua miệng, mũi và tai, Trong khi làm như vậy, Ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Này Aggivessana, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết mạnh, cũng vậy, trong khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, mũi, và tai, ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng.… [Lặp lại] Này Aggivessana, ta suy nghĩ: “Ta hãy tu thêm thiền nín thở.” Rồi ta nín thở vô, và thở ra qua miệng, mũi và tai. Trong khi ta làm vậy, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của ta. Này Aggivessana, ví như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao  cắt thịt bò sắc bén, cũng vậy, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, mũi và tai, một ngọn kinh khủng cắt ngang bụng của Ta.… [Lặp lại]

Này Aggivessana, ta suy nghĩ: “Ta hãy tu thêm thiền nín thở.” Rồi Ta nín thở vô, thở ra qua miệng, mũi và tai. Trong khi Ta làm như vậy, thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Aggivessana, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm lấy cánh tay một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng, cũng vậy, trong khi Ta nín thở vô, và thở ra qua miệng, qua mũi và qua tai thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta.… [Lặp lại] Này Aggivessana, bấy giờ chư thiên thấy Ta liền nói: “Sa- môn Gotama đã chết rồi.” Một số chư thiên nói: “Sa-môn Gotama chưa chết, nhưng sắp sửa chết.” Một số chư thiên nói: “Sa-môn Gotama chưa chết, cũng không phải sắp chết. Ngài là vị A-la-hán, đời sống của một A-la-hán là như vậy.” Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực.”[6] Rồi chư Thiên đi đến Ta và nói: “Thưa Ngài, chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Nếu Ngài làm vậy, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư thiên qua các lỗ chân lông của Ngài, và nhờ vậy Ngài vẫn sống.” Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư thiên này đổ các món ăn chư thiên qua các lỗ chân lông của Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, như vậy Ta tự dối Ta.” Vậy nên Ta bác bỏ chư thiên ấy và nói: “Không cần như vậy.”

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Ta hãy ăn cực kỳ ít, mỗi lần chỉ ăn một chút, như canh đậu xanh, canh đậu đen, canh đậu, hay canh đậu nhỏ.” Vậy nên Ta ăn cực kỳ ít, mỗi lần chỉ ăn một chút, như canh đậu xanh, canh đậu đen, canh đậu, hay canh đậu nhỏ. Trong khi làm vậy, thân Ta trở nên hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít: tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; phần xương sống phô bày của Ta giống như một dây chuỗi hạt; các xương sườn của Ta nhô ra, gầy mòn giống như rui cột một kho cũ không mái; con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong hốc mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; da đầu Ta trở thành nhăn nheo và khô cằn như trái bí xanh đắng nhăn nheo và khô cằn trong nắng gió.

Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít, nên da bụng của Ta bám chặt đến xương sống; do vậy nếu Ta sờ da bụng, thì Ta đụng xương sống của mình và nếu Ta sờ xương sống, thì Ta đụng da bụng của mình. Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít, nên nếu Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện thì Ta ngã quỵ úp mặt xuống đất. Aggivessana, vì Ta ăn quá ít, nên nếu Ta muốn xoa dịu thân ta, bằng cách lấy tay xoa bóp chân tay, thì các lông tóc hư mục tận gốc rụng khỏi thân Ta khi Ta xoa bóp.

Này Aggivessana, bấy giờ có người thấy ta liền nói: “Sa-môn Gotama có da đen.” Một số người nói: “Sa-môn Gotama, da không đen. Ngài có da màu nâu.” Một số người nói: “Sa-môn Gotama da không đen, hay xám; Ngài có da màu vàng sẫm.” Này Aggivessana, cho đến mức độ như vậy, làn da vốn thanh tịnh, trong sáng của Ta bị hư hoại vì Ta ăn quá ít.

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Những sa-môn hay bà-la- môn nào trong quá khứ đã từng lãnh thọ cảm thọ đau đớn, nhức nhối, đau nhức kịch liệt, thì cũng đến thế là cùng cực; không thể hơn nữa. Những sa-môn hay bà-la-môn nào trong vị lai sẽ lãnh thọ cảm thọ đau đớn, nhức nhối, đau nhức kịch liệt, thì cũng đến thế là cùng cực; không thể hơn nữa. Những sa-môn hay bà-la-môn nào trong hiện tại đang lãnh thọ cảm thọ đau đớn, nhức nhối, đau nhức kịch liệt, thì cũng đến thế là cùng cực; không thể hơn nữa. Nhưng dù hành khổ hạnh khốc liệt như vậy, Ta vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác dẫn đến giác ngộ?

Mahā-saccaka Sutta: Majjhima-nikāya I.240–246, dịch Anh G.A.S.

L.14 Chiến thắng Ác ma cám dỗ

Trong đoạn này, thần cám dỗ Māra (cũng gọi là Namucī và Kaṇha; xem *LI.5 và 7) đi đến chỗ đức Gotama (chưa thành

Phật) vào cuối giai đoạn khổ hạnh của Ngài, thuyết phục Ngài từ bỏ cuộc sống xuất gia, để trở lại cuộc sống tại gia bình thường, mà vẫn có thể tạo thiện nghiệp và phước báo thế tục bằng các tế tự của Bà-la-môn giáo. Tuy nhiên, đức Gotama nói rằng Ngài không cần bất kỳ phước nghiệp nào (tế tự không làm gia tăng phước nghiệp) và rằng Ngài sẽ chứng đắc bồ-đề và giáo hóa nhiều đệ tử. Ngài có đủ năm căn: tín, tấn, niệm, định, và tuệ, và Ngài sẽ chiến thắng những ‘đội quân’ của Māra.

Ta cần hành tinh tấn, bên sông Ni-liên-thiền, nỗ lực tu tập thiền, an ổn thoát khổ ách.

Ác ma (Namucī) đến gần Ta, nói những lời thương cảm: ‘Ông ốm không dung sắc, ông đã gần chết rồi.

Ông một ngàn phần chết, chỉ một phần còn sống. Hãy sống, sống tốt hơn. Sẽ tạo các công đức.

Như ông sống Phạm hạnh, hãy đốt lửa tế tự, hãy chất chứa công đức. Ông tinh tấn làm gì?

Đường tinh tấn khó đi; khó hành, khó đến đích.’ Nói lên những kệ này, Ác ma đứng gần Phật. Ác ma nói như vậy, Thế Tôn đáp như sau: ‘Quyến thuộc kẻ buông lung! Ác Ma, ngươi muốn gì?

Lượng phước dù rất nhỏ, Ta cũng không cần đến. Ác Ma, ngươi nên nói, cho ai cần phước ấy.

Tín, tinh tấn, trí tuệ, thảy đều có trong Ta. Người tinh tấn như Ta, ngươi hỏi gì lẽ sống? Gió sẽ làm khô cạn, cho đến các dòng sông. Làm sao khô cạn máu, khi Ta sống tinh tấn?

Dầu máu Ta khô cạn; mật, đàm khô, thịt rã; tâm ta càng tịnh tín, vững trú niệm, tuệ, định.

Ta an trú như vậy, đạt cảm thọ tối thượng, tâm không cầu các dục, hãy quán chúng sanh tịnh.

Dục, đội quân thứ nhất; không hỷ đội thứ hai; đói và khát thứ ba, thứ tư là khát ái.

Năm, hôn trầm thụy miên; thứ sáu là sợ hãi; thứ bảy là nghi ngờ; tám, ngụy thiện, ngoan cố.

Lợi, danh và cung kính; thanh danh, lợi bất chính; ai khen mình chê người; là đội quân của ngươi.

Đây đội quân Ác Ma, quân chiến đấu Kaṇhā. Ai yếu, không thể thắng. Chiến thắng, được an lạc.

Ta ôm cỏ muñja?[7] Đủ rồi, đời sống này. Ta thà chết chiến đấu, còn hơn sống chiến bại.

Sa-môn, bà-la-môn, biến mất trong trận này, họ sao biết đường đi, bậc thiện đức đang đi.

Thấy quân Ma dàn khắp, Ác ma cùng quân voi, Ta bước vào chiến trận, chớ để Ta thối chạy.

Ðội quân của nhà ngươi, trời, người đều không thắng; Ta phá bằng trí tuệ, như đá đập bát sành.

Tự tại nhiếp tâm tư, trụ vững trên chánh niệm, Ta du hành các nước, giáo huấn nhiều đệ tử,

Tinh cần không buông lung, hành theo lời Ta dạy; bất chấp ngươi họ đi, đến nơi không sầu ưu.’

(Ác ma:) ‘Ta bảy năm từng bước, dõi theo sau Thế Tôn, không tìm thấy khuyết điểm, vị Giác ngộ chánh niệm. Ta thấy quạ bay quanh, hòn đá trong như mỡ, tưởng đây cái gì mềm, tưởng đây cái gì ngọt.

Không tìm thấy vị ngọt, quạ bay khỏi chỗ đó. Như quạ mổ hòn đá, Ta rời Gotama.’

Bị sầu muộn đè nặng, Ma buông rơi tì-bà, dạ-xoa này thất chí, biến mất khỏi chỗ này.

Padhāna Sutta: Sutta-nipāta 425–449, dịch Anh G.A.S.

Giác ngộ và kết quả

L.15 Chứng nhập các tầng định, hồi ức những đời quá khứ cùng với nghiệp tạo tác, và đắc giải thoát cứu cánh

Trong đoạn này đức Phật thuật chuyện thành chánh giác. Sau giai đoạn tu khổ hạnh, và gần như bỏ cuộc, Ngài đã tự hỏi liệu có pháp tu hiệu quả nào khác có khả năng dẫn đến giác ngộ hay không. Vào lúc đó, Ngài nhớ lại một trạng thái thiền đã từng chứng nhập lúc thiếu thời: cấp đầu tiên trong bốn thiền (jhāna: xem *Th.140), có hỷ và lạc phát sinh do ly dục. Do đó Ngài quyết định lập lại trạng thái này xem như phương pháp dẫn đến giác ngộ. Rõ ràng như được nêu trong những đoạn khác, trạng thái thiền này có thể đạt được bằng phương pháp như niệm hơi thở, chúng ta có thể thấy rằng đạo của Ngài bấy giờ là quán chiếu rõ trên thân, chứ không phải chỉ đạt đến các trạng thái định vô sắc hoàn toàn siêu việt thân thể, hoặc khổ hạnh cực đoan ức chế thân bằng ý chí khốc liệt.

Sau đó, Ngài phục hồi sức khỏe thể chất bằng cách chấm dứt nhịn ăn để có thể tiếp tục lần lượt chứng đắc bốn thiền. Rồi y cứ trên thiền thứ tư cực kỳ định tĩnh không cấu nhiễm, dễ vận dụng, Ngài nhớ lại vô số đời quá khứ, thấy các chúng sanh khác lúc bấy giờ tái sanh tùy theo nghiệp của họ, và sau đó, cho đến điểm quyết định, bằng chánh trí Ngài thấy biết như thực chân lý khổ của tồn tại, nguyên nhân của thân khổ và tâm khổ, thấy rõ chân lý khổ diệt, và con đường dẫn đến khổ diệt: bốn Thánh đế, Chân Lý của Bậc Thánh, mà sau đó trở thành bài Pháp đầu tiên của Ngài. Tri kiến như thực về Thánh đế thứ ba, khổ diệt, tất yếu dẫn đến chứng đắc Niết- bàn, và do đó diệt tận tất cả tập khí ô nhiễm vốn là chướng ngại giải thoát. Bấy giờ Ngài tự thấy là đã giác ngộ, đã  thành Phật.

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: ‘Ta nhớ lại, trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích-ca), đang cày ruộng, và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây hồng táo (jambu / cây diêm- phù), Ta ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng nhập và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc phát sanh do ly dục cùng với tầm và tứ. Ðạo lộ này có thể dẫn đến giác ngộ chăng?’ Này Aggivessana, tiếp theo hồi ức ấy, ý thức này khởi lên: ‘Ðây thực là đạo lộ đưa đến giác ngộ’.

Này Aggivessana, Ta suy nghĩ: ‘Sao Ta lại sợ lạc thọ này, phát sanh do ly dục, ly pháp bất thiện?’ Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: ‘Ta không sợ lạc thọ này, phát sanh do ly dục,  ly pháp bất thiện’.

Rồi, này Aggivessana, Ta suy nghĩ: ‘Thật không dễ gì có được lạc thọ ấy, với thân thể cực kỳ gầy ốm như thế này. Vậy Ta hãy ăn thức ăn thô?’ Rồi Ta ăn thức ăn thô: cơm và cháo chua.

Này Aggivessana, lúc bấy giờ, năm tỳ-kheo đang hầu Ta[8] suy nghĩ: ‘Nếu sa-môn Gotama chứng pháp, ông sẽ nói cho chúng ta biết’. Nhưng, này Aggivessana, khi thấy Ta ăn thức ăn thô, cơm và cháo, các vị ấy chán ghét và rời bỏ Ta, nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama nay sống xa hoa, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống xa hoa’.

Này Aggivessana, sau khi ăn thức ăn thô và phục hồi thể lực,

Ta ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên trong Ta, tồn tại mà không chiếm đoạt tâm Ta.

Diệt tầm và tứ, chứng nhập và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên nơi ta, được tồn tại mà không chi phối tâm Ta.

Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác lạc mà các bậc thánh nói là an trú lạc với xả và niệm, chứng và trú Thiền thứ ba. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên nơi ta, được tồn tại mà không chi phối tâm Ta.

Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.  Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên trong Ta, tồn tại mà không chiếm đoạt tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, trụ vững, không dao động, Ta hướng tâm đến túc mạng minh. Ta nhớ lại các đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. ‘Tại chỗ kia, Ta có tên như vậy, dòng họ như vậy, giai cấp như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ như vậy; và sau khi chết tại chỗ kia, Ta tái sanh tại chỗ nọ; và tại chỗ ấy, Ta có tên như vậy, dòng họ như vậy, giai cấp như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ như vậy; và sau khi chết tại chỗ nọ, Ta tái sanh tại đây.’ Như vậy, cùng với những đặc điểm chung và riêng, Ta nhớ lại nhiều đời sống quá khứ.

Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất mà Ta đã chứng trong canh đầu của đêm ấy. Vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên trong Ta, tồn tại mà không chiếm đoạt tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, trụ vững, không dao động, Ta hướng tâm đến sanh tử trí. Với thiên nhãn thuần tịnh, vượt quá loài người, Ta thấy chúng sanh chết đây sanh kia, thấp hèn và cao sang, xinh đẹp và thô xấu, hạnh phúc và bất hạnh, Ta biết rõ tùy theo nghiệp mà chúng đã  tạo: những chúng sanh có những ác hành về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; còn những chúng sanh nào có những thiện hành về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, sinh thiên.’ Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh, vượt quá loài người, Ta thấy chúng sanh chết đây sanh kia, thấp hèn và cao sang,  xinh đẹp và thô xấu, hạnh phúc và bất hạnh, Ta biết rõ tùy theo nghiệp mà chúng đã tạo. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai mà Ta đã chứng trong canh giữa của đêm ấy. Vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên trong Ta, tồn tại mà không chiếm đoạt tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, trụ vững, không dao động, Ta hướng tâm đến lậu tận trí.[9] Ta biết như thật: ‘đây là khổ’; ‘đây là nguyên nhân của khổ’; ‘đây là khổ diệt’; ‘đây là con đường dẫn đến khổ diệt’; ‘đây là những lậu hoặc’; ‘đây là nguyên nhân của lậu hoặc’; ‘đây là lậu hoặc diệt’; ‘đây là con đường dẫn đến lậu hoặc diệt’.

Biết vậy, thấy như vậy, tâm Ta giải thoát khỏi dục lậu, giải thoát khỏi hữu lậu, giải thoát khỏi vô minh lậu.

Đã giải thoát và biết rằng: ‘Ta đã giải thoát.’ Ta như thực biết rằng: ‘Sanh[10] đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác nữa.’ Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng trong canh cuối. Vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Nhưng lạc thọ như vậy khởi lên trong Ta, tồn tại mà không chiếm đoạt tâm Ta.

Mahā-saccaka Sutta: Majjhima-nikāya I.246–249, dịch Anh G.A.S.

L.16 Hỷ lạc khi thấy đã chấm dứt vòng lưu chuyển sanh tử

Ở đây, đức Phật cảm hứng hỷ lạc khi thấy đã dứt trừ khát ái nó lôi cuốn Ngài và các chúng sanh khác vào vòng lưu chuyển sanh tử khiến phải lãnh thọ thân khổ tâm khổ. Qua vô số luân hồi tái sanh,[11] Ta tìm nhưng chẳng gặp kẻ dựng ngôi nhà này,[12] khổ sanh tử không ngừng.

Này kẻ xây nhà, Ta đã thấy. Ngươi không còn xây nhà được nữa. Khung sườn bị phá vỡ, cột kèo đã ngã đổ. Tâm dứt mọi tác hành, khát ái đã diệt tận.

Dhammapada 153–154, dịch Anh G.A.S.

L.17 Đạt giác ngộ, chứng Niết-bàn

Này các tỳ-kheo, trong khi đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu  đạo lộ vô thượng tối thắng an ổn, Ta tuần tự du hành qua nước Magadha và cuối cùng đến Uruvelā gần Senānigama. Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng nhàn tĩnh, có con sông trong xanh chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Aggivessana, Ta nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng nhàn tĩnh, có con sông trong xanh chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ thích hợp cho một thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh cần tu tập.”

Này Aggivessana, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ rằng: “Nơi đây thật thích hợp để tinh cần tu tập.”

Này các tỳ-kheo, rồi tự mình lệ thuộc sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết- bàn; tự mình lệ thuộc già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết-bàn, Ta đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Tri kiến khởi lên nơi ta: ‘Ta giải thoát không dao động. Nay là đời cuối cùng, không còn tái sanh đời nào nữa’. Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.166–167, dịch Anh G.A.S.

L.18 Tìm lại con đường cổ xưa

Trong đoạn này, đức Phật so sánh khám phá thánh đạo tám chi của Ngài, dẫn đến chấm dứt già và chết, giống như việc khám phá lại một con đường dẫn đến một thành cổ bị bỏ quên. Như những vị Phật quá khứ xa xưa, Ngài đã khám phá con đường dẫn đến Niết-bàn, và chỉ dạy nó cho người khác. Này các tỳ-kheo, ví như một người lang thang qua một cánh rừng, chợt thấy một con đường cũ, lối mòn xưa có nhiều người trong quá khứ đã từng đi qua. Người ấy lần theo lối mòn ấy, bỗng thấy một cổ thành, một vương thành trong quá khứ có cư dân, với đầy đủ khu vườn, rừng cây, hồ nước, và thành lũy; một nơi khả ái. Rồi người ấy về báo cáo cho vua hay đại thần của vua: ‘… Thưa tôn ông, hãy tái thiết cổ thành ấy!’ Rồi vị vua hay đại thần của vua cho tái thiết ngôi thành ấy, và sau một thời gian thành ấy phát triển trở thành một đô thị phồn vinh, phát triển rộng lớn, dân cư đông đúc.

Này các tỳ-kheo, cũng vậy, Ta đã thấy con đường cũ, một lối mòn xưa cũ mà các vị Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ đã đi qua. Con đường cũ, đạo lộ cũ ấy là gì? Ðó chính là con đường có tám nhánh, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Ta đã đi theo con đường ấy và do vậy Ta chứng biết già chết; già chết tập khởi; già chết đoạn diệt; con đường đưa đến già chết đoạn diệt.

Sau khi chứng biết, Ta đã công bố cho các tỳ-kheo, tỳ-kheo- ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di được biết. Này các tỳ-kheo, phạm hạnh này đã phồn vinh, phát triển rộng lớn, giữa chúng chư thiên và loài người. Nagara Sutta: Saṃyutta-nikāya II.105–107, dịch Anh G.A.S.

L.19 Tôn kính Pháp

Ở đây, đức Phật thấy rằng không có bất cứ ai có những  phẩm tính cao thượng hơn để cho Ngài tôn kính, và thấy  rằng Ngài chỉ tôn kính Pháp mà Ngài đã giác ngộ. Phạm thiên Sahampati (chúa tể thế giới Ta-bà), một vị ‘Bất hoàn’ tuổi thọ rất dài dưới sự giáo hóa bởi một vị Phật quá khứ (Saṃyutta-nikāya V.232–233), xuất hiện trước Ngài và xác nhận rằng tất cả chư Phật đều tôn kính Pháp.

Một thời, Thế Tôn mới vừa giác ngộ, Ngài ở tại Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới gốc cây đa Mục dương

(Ajapālanigrodha). Rồi trong khi độc cư nhàn tĩnh, tư tưởng sau đây khởi lên: ‘Quả thật là khổ nếu sống không cung kính và không thuận tùng. Vậy Ta hãy sống y chỉ sa-môn hay bà- la-môn nào để cung kính và thuận tùng?’

Rồi Thế Tôn suy nghĩ: ‘Với mục đích làm cho tròn đầy giới uẩn chưa được tròn đầy, Tay chỉ một sa-môn hay bà-la-môn để cung kính và thuận tùng. Nhưng trong thế gian này gồm chư thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với dân chúng, các sa-môn, bà-la-môn, trời và người, Ta không thấy có một sa-môn hay bà-la-môn nào khác thành tựu giới uẩn hơn Ta mà ta có thể sống y chỉ để cung kính và thuận tùng.

Với mục đích làm cho tròn đầy định uẩn chưa được tròn đầy… tròn đầy tuệ uẩn chưa được đầy đủ… tròn đầy giải thoát uẩn chưa được đầy đủ… tròn đầy giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy sống y chỉ một sa-môn hay bà-la- môn để cung kính và thuận tùng… Nhưng… Ta không thấy có một vị sa-môn hay bà-la-môn nào khác thành tựu định uẩn [… cho đến giải thoát tri kiến uẩn] hơn Ta…

Vậy Ta hãy sống y chỉ Pháp này mà Ta đã giác ngộ viên mãn, để cung kính và thuận tùng?

Bấy giờ, bằng tâm tư của mình mà biết được tâm tư của Thế Tôn, như một nhà lực sĩ co duỗi cánh tay, Phạm thiên Sahampati biến mất khỏi Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn. Trật thượng y sang một phía vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, Phạm thiên bạch: ‘Bạch Thế Tôn, sự thật là như vậy! Bạch Thiện Thệ, sự thật là như vậy!Chư Phật thời quá khứ, chư Phật thời vị lai, chư Phật thời hiện tại, diệt khổ cho nhiều người.

Hết thảy đã, đang, sẽ, sống cung kính Chánh Pháp. Pháp nhĩ là như vậy, Pháp tánh chư Phật-đà.

Vì vậy, muốn lợi mình, mong cầu thành vĩ đại, hãy cung kính Chánh Pháp, ghi nhớ lời Phật dạy.’

Gārava Sutta: Saṃyutta-nikāya I.138–140 <304–306>,[13]dịch Anh G.A.S.

***

[1] Tức là đi đến chỉ một nhà và lấy một miếng thức ăn.

[2] Các tăng lữ Kỳ-na giáo vẫn làm điều này, trong khi các tăng lữ Phật giáo cạo râu tóc.

[3] Cũng như Kỳ-na giáo thấy có sự sống hiện diện ở mọi nơi.

[4] Xem *LI.2 ở trên.

[5] Một hình thức thiền phi Phật giáo đòi hỏi nhịn thở.

[6] Tuyệt thực, một hành trì phi Phật giáo.

[7] Dấu hiệu đầu hàng.

[8] Những vị sau này trở thành đệ tử đầu tiên của Phật khi họ được may mắn là thính chúng cho bài pháp đầu tiên của Ngài.

[9] Cũng vậy, thành A-la-hán, giác ngộ. Xem *Th.128 về các lậu hoặc.

[10] Tức là tái sanh,và toàn bộ chuỗi sanh tử của các hành vô thường trong tương lai.

[11] Chu kỳ sanh và tử.

[12] Về hữu vi tự thân.

[13] Pali Text Society có hai phiên bản cho Saṃyutta-nikāya; số trang của bản mới được dùng trong dấu <>.