PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN I
ĐỨC PHẬT

CHƯƠNG 1
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
(TT)

Phẩm đức viên mãn của đức Phật

L.20 Như Lai

Đoạn này giải thích rằng Phật là ‘Như Lai’ (Tathāgata), vị Đi-như-vậy hay Đến-như-vậy.81 ‘Thế giới/thế gian’ (loka) mà đức Phật đã siêu việt được mô tả trong các đoạn tuyển dịch phân tích thành chuỗi các kinh nghiệm: sáu giác quan (căn), các đối tượng giác quan (cảnh), và các thức giác quan (Saṃyutta-nikāya IV.52), nghĩa là tất cả những gì có thể nói thảy đều mang tính chất khổ, dù rất vi tế (Saṃyutta-nikāya IV.38–40).

Thế gian, Như Lai đã hiện chứng giác ngộ. Như Lai đã thoát ly hệ phược bởi thế gian. Thế gian tập khởi, Như Lai đã hiện chứng giác ngộ. Thế gian tập khởi, Như Lai đã đoạn. Thế gian diệt, Như Lai đã hiện chứng giác ngộ. Thế gian diệt, Như Lai đã tác chứng. Đạo tích thế gian diệt, Như Lai đã hiện chứng giác ngộ. Đạo tích thế gian diệt, Như Lai đã tu. Những gì, trong thế gian này gồm chư thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với dân chúng, các sa-môn, bà-la-môn, trời và người, mà được thấy, được nghe, được cảm, được biết, được đạt  đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều đã được Như Lai hiện chứng giác ngộ. Do vậy, được gọi là Như Lai.

Từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác, đến đêm nhập vô dư y bát-Niết-bàn (anupādisesa-nibbāna), Những gì được Như Lai nói, tuyên bố, giải thích, những điều ấy chính thực là như vậy (tath’eva) và không thể sai khác. Do vậy, được gọi là Như Lai.

Những gì Như Lai nói thảy đều tương ưng với những gì Như Lai làm (tathā-kārī), và những gì Như Lai làm thảy đều tương ưng với những gì Như Lai nói (tathā-vādī). Do vậy, được gọi là Như Lai.

Trong thế gian này gồm chư thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với dân chúng, các sa-môn, bà-la-môn, trời và người, Như Lai là đấng tối thắng tôn, vô năng thắng, toàn tri kiến, đại tự tại. Do vậy, được gọi là Như Lai.

Loka Sutta: Itivuttaka 112, dịch Anh G.A.S.

81 Xem *LI.4 về từ ngữ này, nói chung chỉ cho đức Phật.

L.21 Như Lai xuất hiện thiện pháp xuất hiện

Này các tỳ-kheo, có một người xuất hiện ở thế gian vì lợi ích, vì an lạc cho đa số, vì thương tưởng thế gian, vì lợi ích, vì an lạc, cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này.

Này các tỳ-kheo, có một người xuất hiện trong thế gian khó mà gặp đượcxuất hiện một con người hy hữumà người ấy mất đi là sầu khổ cho đa sốmột người độc nhất, không hai, vô song, không ai có thể bằng, không ai có thể sánh, không có ai bằng, không ai đồng đẳng, không ai đối địch, tối tôn trong loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này.

Này các tỳ-kheo, có một người mà sự xuất hiện, là sự xuất hiện của đại nhãn, của đại quang, của đại minhlà sự xuất hiện của sáu vô thượngsự chứng ngộ bốn vô ngại giảisự thông đạt của nhiều giớisự thông đạt của các giới sai biệt;đó là sự chứng ngộ của quả minh và giải thoátsự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, và A-la-hán. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này. Này các tỳ-kheo, có một người mà sự xuất hiện là sự xuất hiện của tất cả những điều ấy.

The Ones, sutta 171–187: Aṅguttara-nikāya I.22–23, dịch Anh G.A.S.

L.22 Lực của đức Phật

Đoạn này là phần trả lời của đức Phật khi một nguyên tỳ- kheo bất mãn, xuyên tạc Phật rằng Ngài chỉ dựa trên lý luận suông mà giảng pháp, thiếu thần thông thắng trí.

Này Sāriputta, Sunakkhatta ngu si kia sẽ không bao giờ hiểu biết tổng loại của pháp nơi Ta rằng: “Thế Tôn bằng tâm mình thấu hiểu rõ tâm của những chúng sanh khác và những người khác: tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham [và tương tự, tâm có sân, tâm có si];…  tâm tập trung (saṅkhitam cittaṃ: tâm giản lược) biết là tâm tập trung, tâm không tập trung biết là tâm không tập trung; tâm tán loạn biết là tâm tán loạn, tâm cao đại (mahaggaṃ cittaṃ: đại hành tâm) biết là tâm cao đại, tâm không cao đại biết là tâm không cao đại … tâm định tĩnh biết là tâm định tĩnh, tâm không định tĩnh biết là tâm không định tĩnh, tâm giải thoát biết là tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.”

Này Sāriputta, Như Lai có mười Như Lai lực, do thành tựu mười lực mà Như Lai tự tuyên bố địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.[1] Mười điều ấy là những gì?

Này Sāriputta, ở đây Như Lai biết như thật rằng trường hợp có xảy ra là có xảy ra; trường hợp không xảy ra là không xảy ra (xứ phi xứ trí lực). Đó là trí lực của Như Lai mà Như Lai sở hữu, bằng trí lực này mà Như Lai tự tuyên bố địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.

Này Sāriputta, ở đây Như Lai như thật biết quả (vipāka: dị thục) của nghiệp đã làm trong quá khứ, vị lai, và hiện tại, tùy thuộc xứ và nhân (nghiệp dị thục trí lực);biết con đường đưa đến tất cả các định hướng tái sanh (biến thú hành trí lực);biết thế gian với chủng loại giới sai biệt (chủng chủng giới trí lực);biết chí hướng sai biệt của các chúng sanh (chủng chủng thắng giải trí lực);biết căn tánh của các chúng sanh khác, nhân cách khác (căn thượng hạ trí lực);biết thiền, giải thoát, đẳng trì (samādhi: định), đẳng chí (samāpatti: định nhập) với các tính chất tịnh, nhiễm khởi (tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực).

Này Sāriputta, ở đây Như Lai nhớ đến nhiều đời quá khứ của mình: một đời, hai đờinhiều kiếp thế gian hoại, thế gian thànhNhư vậy với các tướng chung và riêng, Như Lai nhớ lại nhiều đời quá khứ (túc trụ tùy niệm trí lực)…

Này Sāriputta, với thiên nhãn thuần tịnh vượt quá loài người, Như Lai thấy các chúng sanh chết nơi này sanh nơi kia, thấp hèn, cao sang, xinh đẹp, thô xấu, hạnh phúc, bất hạnh… và hiểu các chúng sanh ấy biết rõ tùy theo nghiệp mà chúng đã tạo (tử sanh trí lực).

Này Sāriputta, Như Lai diệt tận các lậu, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, bằng thắng tri mà tư tác chúng, chứng nhập và an trú ngay trong kinh nghiệm hiện tiền (diṭṭhe dhamme: trong hiện pháp) (lậu tận trí lực). Đó là trí lực của Như Lai mà Như Lai sở hữu, bằng trí lực này mà Như Lai tự tuyên bố địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân. Mahā-sīhanāda Sutta: Majjhima-nikāya I.69–71, dịch Anh G.A.S.

L.23 Phật khai phát con đường cho các đệ tử đi theo

Này các tỳ-kheo, do yếm ly, ly dục, tịch diệt, giải  thoát không chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng, hành, và thức,[2] mà Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được gọi là vị Chánh Ðẳng Giác. Cũng vậy, tỳ-kheo tuệ giải thoát, do yếm ly, ly dục, tịch diệt, giải thoát không chấp thủ đối với sắc,  thọ, tưởng, hành, và thức mà được gọi là vị có tuệ giải thoát. Này các tỳ-kheo, Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là người phát khởi con đường trước kia chưa từng phát khởi, là bậc khai sinh con đường trước kia chưa được khai sinh, là vị tuyên thuyết con đường trước kia chưa được tuyên thuyết. Ngài là vị tri đạo, ngộ đạo, thiện xảo đạo. Các đệ tử của Như Lai là những người tùy hành theo đạo, an trú đạo. Sambuddha Sutta: Saṃyutta-nikāya III.65–66, dịch Anh G.A.S.

L.24 Phật xuất hiện, ánh sáng xuất hiện

Này các tỳ-kheo, chừng nào mà mặt trăng và mặt trời không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không xuất hiện ánh sáng, vầng sáng, mà chỉ có đêm tối, u ám; ngày và đêm không thể phân biệt, tháng và nửa tháng không thể phân biệt, các mùa và  năm không thể phân biệt.

Nhưng, này các tỳ-kheo, khi mặt trăng và mặt trời hiện ra ở đời, thì[các điều ấy xuất hiện và có thể phân biệt].

Này các tỳ-kheo, cũng vậy, trong bao lâu mà Như Lai, vị A- la-hán, Chánh Ðẳng Giác không xuất hiện thế gian, cho đến khi ấy, không xuất hiện đại quang minh mà chỉ có đêm tối, u ám; cho đến khi ấy, không có tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, thiết lập, khai diễn, phân tích, hiển thị bốn Thánh đế.[3]

Nhưng, này các tỳ-kheo, khi Như Lai xuất hiện thế gian[thì các điều ấy xuất hiện và các Thánh Đế được khai diễn]. Suriya Sutta: Saṃyutta-nikāya V.442–43, dịch Anh G.A.S.

Đức Phật vị đạo sư

L.25 Quyết định thuyết pháp

Trong đoạn này, đức Phật ngần ngại thuyết pháp, vì nghĩ rằng không ai có thể hiểu được sự uyên áo của pháp này. Tuy nhiên, theo thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati (về vị này, xem *L.19), Ngài quyết định thuyết pháp sau khi thấy rằng một số người sẽ hiểu được.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới gốc cây đa Mục dương (Ajapālanigrodha), mới vừa giác ngộ. Rồi trong khi thiền tịnh độc cư nhàn tĩnh, Thế Tôn suy nghĩ: ‘Pháp mà Ta chứng được này, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tĩnh, vi diệu, siêu lý luận, cực diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái lạc chấp tàng (ālayarāmā: ái a-lại-da), hoan lạc chấp tàng (ālayaratā: hân a-lại-da), hỷ lạc chấp tàng (ālayasammuditā: hỷ  a-lại-da). Ðối với quần chúng như vậy, pháp này thật khó thấy, tức là, lý y duyên tánh duyên khởi (idappaccayatā paṭiccasamuppādo).[4] Và pháp này thật khó thấy; tức là tĩnh chỉ tất cả hành, xả ly tất cả sanh y (upadhi), ái tận, ly dục, tịch diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà người khác không hiểu, như vậy thật là phiền nhọc cho Ta, gây não hại cho Ta.’

Như vậy, khi Thế Tôn đang ngẫm nghĩ, tâm xu hướng không quan hoài, không thuyết pháp. Bấy giờ, những vần kệ hy hữu từ trước chưa từng được nghe:

Pháp khó chứng đắc này, sao Ta phải công bố? Với ai còn tham, sân, khó chứng ngộ pháp này.

Ai chưa khéo ly tham, bị bóng tối bao phủ, khó thấy pháp ngược dòng, thẳm sâu vi diệu này.

Trong khi ngẫm nghĩ như vậy, Thế Tôn hướng tâm không quan hoài, không thuyết pháp.

Lúc bấy giờ Phạm thiên Sahampati, bằng tâm tư của mình, biết được tâm tư của Ta, liền suy nghĩ: ‘Thế giới sẽ bị hủy hoại, thế giới sẽ bị diệt vong, nếu Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng tâm không quan hoài, không thuyết pháp.’

Rồi, nhanh như một lực sĩ co duỗi cánh tay, Phạm thiên Sahampati biến mất khỏi thế giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Thế Tôn. Phạm thiên Sahampati trật thượng y sang một phía vai, chắp tay hướng về Thế Tôn, bạch rằng: ‘Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn thuyết pháp, mong Thiện Thệ thuyết pháp. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị tổn hại nếu không được nghe Chánh pháp. Những người này có thể thâm hiểu Chánh pháp.’ Bạch như vậy rồi, Phạm Thiên Sahampati lại nói thêm: Xưa tại Magadha, hiển hiện pháp bất tịnh, do bởi tâm tư duy, đã nhiễm ô trần cấu.

Xin mở rộng cánh cửa, dẫn đến bất tử này! Hãy để họ nghe Pháp, đấng Ly cấu đã chứng.

Như đứng trên đỉnh cao, thấy quần chúng dưới đó, đấng Thiện Trí biến nhãn, đã lên điện Chánh pháp; đấng đã vượt sầu ưu, nhìn xuống đám quần sanh, bị sầu khổ bức bách, bị sanh, già chi phối.

Xin đứng dậy khởi hành, vị Anh hùng chiến thắng, vị Thương chủ sạch nợ! Hãy đi khắp thế gian, Thế Tôn, thuyết diệu pháp, người nghe sẽ thâm hiểu!

Thế Tôn sau khi nghe Phạm thiên thỉnh cầu, vì thương tưởng chúng sanh, bằng Phật nhãn, quán sát thế gian. Quán sát thế gian bằng Phật nhãn, Ngài thấy: có những chúng sanh mắt ít nhiễm bụi đời, có những chúng sanh mắt nhiễm nhiều bụi đời; có hạng lợi căn, có hạng độn căn; có hạng thiện tánh, có hạng ác tánh; có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy; và một số ít thấy sợ hãi trong những lỗi lầm và trong sự tái sanh đời khác. Như trong ao sen xanh, ao sen hồng, ao sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt – cũng vậy, quán sát thế gian bằng Phật nhãn, Thế Tôn thấy: có hạng chúng sanh mắt ít nhiễm bụi đời, có hạng chúng sanh mắt nhiễm nhiều bụi đời; có hạng lợi căn, có hạng độn căn; có hạng thiện tánh, có hạng ác tánh; có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy; và một số ít thấy sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm và sự tái sanh thế giới khác.

Rồi Thế Tôn trả lời Phạm thiên Sahampati bằng bài kệ sau đây:

Cửa bất tử rộng mở, cho ai muốn nghe pháp, cho những ai cởi bỏ, khỏi tín tâm tà vạy.

Ôi Phạm thiên! Nghĩ phiền, Ta đã không muốn giảng, pháp tối thượng vi diệu, cho quần chúng loài người.

Phạm thiên Sahampati nghĩ rằng Thế Tôn đã nhận lời thỉnh cầu thuyết Pháp, liền sau khi đảnh lễ Thế Tôn, đi vòng phía hữu rồi biến mất.

Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.167–169, dịch Anh G.A.S.

L.26 Những đệ tử đắc pháp đầu tiên

Trong đoạn này, đức Phật nghĩ rằng xứng đáng nhất để được nghe pháp trước tiên là hai người đã chỉ dạy Ngài đạt vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ, Āḷāra Kālāma và Uddakaputta (xem *L.10 và 11). Khi chư thiên hiện đến báo tin hai người ấy vừa mới chết, bằng thắng trí đức Phật xác nhận tin này. Rồi Ngài nghĩ đến năm vị mà trước kia đã cùng hành khổ hạnh. Trên đường đi thuyết pháp, đức Phật gặp  một vị lõa hình ngoại đạo (ājīvaka: ngoại đạo theo thuyết định mệnh), ông này không có ấn tượng gì khi nghe Phật tự nói đã giác ngộ. Khi đến gần nhóm năm tỳ-kheo; vừa trông thấy Phật họ quyết định chối bỏ Ngài, vì Ngài đã từ bỏ khổ hạnh. Nhưng khi Phật tự khẳng định đã thành tựu giác ngộ, và hiển thị cho họ thấy những thay đổi, các vị này chấp nhận nghe pháp, cho đến khi chứng đắc bồ-đề.

Này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: ‘Ta nên thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ nhanh chóng hiểu pháp này?’ Này các tỳ- kheo, rồi Ta nghĩ: ‘Āḷāra Kālāma là người có trí tuệ bác văn, có kham năng, thông huệ; từ lâu đã ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp cho Āḷāra Kālāma đầu tiên. Ông ấy sẽ nhanh chóng hiểu pháp này.’ Này các tỳ-kheo, rồi chư thiên đến Ta và báo rằng: ‘Bạch Thế Tôn, Āḷāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày trước rồi.’ Bấy giờ tri kiến khởi lên nơi Ta: Āḷāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày trước rồi.

Này các tỳ-kheo, Ta nghĩ: ‘Thật là một tổn thất lớn cho Āḷāra Kālāma. Nếu nghe pháp này, ông ấy sẽ nhanh chóng thâm hiểu.’

Rồi này các tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Ta nên thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ nhanh chóng hiểu pháp này?’ Rồi này các tỳ- kheo, Ta lại nghĩ: ‘Uddaka Rāmaputta là người có trí tuệ bác văn, có kham năng, thông huệ; từ lâu đã ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Rāmaputta. Ông ấy sẽ nhanh chóng hiểu pháp này.’ Này các tỳ-kheo, rồi chư thiên đến Ta và báo tin rằng: Bạch Thế Tôn, Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung bảy ngày trước rồi.’ Bấy giờ tri kiến khởi lên nơi Ta: Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung bảy ngày trước rồi.

Này các tỳ-kheo, Ta nghĩ: ‘Thật là một tổn thất lớn cho Uddaka Rāmaputta. Nếu nghe pháp này, ông ấy sẽ nhanh chóng thâm hiểu.

Này các tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: ‘Ta nên thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ nhanh chóng hiểu pháp này?’ Này các tỳ-kheo, rồi Ta lại nghĩ: ‘Nhóm năm tỳ-kheo thật đã giúp ích Ta rất nhiều khi Ta đang tinh cần khổ hành. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho những người này đầu tiên.’

Này các tỳ-kheo, rồi Ta lại nghĩ: ‘Nay nhóm năm tỳ-kheo đang ở đâu?’ Này các tỳ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh siêu việt loài người, Ta thấy nhóm năm tỳ-kheo hiện ở Vārānasi (Ba-la-nại), trong khu Isipatana migadāya (Vườn nai, khu

Tiên nhân đọa). Này các tỳ-kheo, rồi sau khi trú tại Uruvelā ít lâu cho đến khi thấy đủ, Ta lên đường đi đến Vārānasi. Này các tỳ-kheo, một tà mạng ngoại đạo (Ājīvaka) tên là Upaka, gặp Ta đang đi trên con đường giữa cây Bồ-đề và Gayā. Ông ấy nói với ta: ‘Này hiền giả, các căn của Ngài thật trong suốt; sắc da của Ngài thật tinh khiết, thanh bạch. Này hiền giả, hiền giả xuất gia theo ai? Ai là thầy của hiền giả? Hiền giả hâm mộ pháp của ai?’ Này các tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với tà mạng Upaka bằng bài kệ như sau:

Tối thắng, nhất thiết trí; vô nhiễm trong mọi pháp; ái tận, đoạn tận thảy, chứng giải thoát, ai thầy?

Không ai là thầy Ta; không ai bằng với Ta; trong thế giới trời người, không ai sánh ngang Ta.

A-la-hán trên đời, Ta Đạo sư vô thượng, tự mình thành chánh giác, Ta tịch tĩnh, thanh lương.

Ðể chuyển bánh xe Pháp, Ta đến thành Kāsi, gióng tiếng trống bất tử, trong thế giới tối tăm.

(Upaka:) Này Hiền giả, như Ngài đã tự xưng, thật xứng đáng là vị chiến thắng vô tận.

(Đức Phật:) Người chiến thắng như Ta, thảy đều chứng lậu tận. Ta chiến thắng ác pháp, (này Upaka,) do vậy, Ta Tối thắng.

Này các tỳ-kheo, nghe nói vậy, tà mạng Upaka nói: ‘Này Hiền giả, mong sự tình là vậy’, rồi lắc đầu và đi theo một ngả khác.

Này các tỳ-kheo, sau đó Ta lần hồi đi đến Vārānasi (Ba-la- nại), trong khu Isipatana migadāya (Vườn nai, khu Tiên nhân đọa), đi đến chỗ nhóm năm tỳ-kheo đang trú. Này các tỳ- kheo, nhóm năm tỳ-kheo khi trong thấy Ta từ xa đi đến, bèn đồng ý với nhau rằng: ‘Này các Hiền giả, kia Sa-môn  Gotama đang đi đến; Ông ấy đang sống trong xa hoa, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng ta chớ có đảnh lễ, hay đứng dậy chào đón, hay đón lấy y bát. Hãy dọn một chỗ ngồi, và nếu muốn thì ông ấy ngồi.’ Này các tỳ- kheo, nhưng khi Ta đi đến gần, năm tỳ-kheo ấy không thể  giữ đúng điều đã đồng ý với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người dọn chỗ ngồi, có người mang nước rửa chân đến; nhưng các vị ấy gọi Ta bằng tên với xưng hô “hiền giả”.

Này các tỳ-kheo, khi Ta nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, chớ có gọi Như Lai bằng tên với xưng hô “hiền giả”. Như Lai là vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các tỳ-kheo, hãy lắng tai nghe pháp bất tử Ta đã chứng. Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết giáo. Hành đúng theo điều Ta chỉ giáo, không bao lâu các ông sẽ đạt như mục đích mà vì đó các thiện gia nam tử đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: đó là tự mình bằng thắng trí[5] ngay trong  hiện pháp mà tác chứng phạm hạnh cứu cánh; rồi chứng nhập và an trú.’

Này các tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, nhóm năm tỳ-kheo nói Ta: ‘Hiền giả Gotama, với phẩm hạnh như vậy, với thực hành như vậy, với khổ hạnh như vậy, mà Hiền giả đã không chứng đắc pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, nhưng nay, trong khi sống xa hoa, từ bỏ tinh cần, trở lui đời sống vật chất đầy đủ, làm sao Hiền giả có thể chứng đắc pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?’

Này các tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm tỳ- kheo: ‘Này các Tỳ-kheo, Như Lai không sống xa hoa, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Như Lai là vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các tỳ-kheo, hãy lắng tai nghe pháp bất tử Ta đã chứng. Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết giáo. Hành đúng theo điều Ta chỉ giáo, không bao lâu các ông sẽ đạt như mục đích mà vì đó các thiện gia nam tử đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: đó là tự mình bằng thắng trí ngay trong hiện pháp mà tác chứng phạm hạnh cứu cánh; rồi chứng nhập và an trú.’

Này các tỳ-kheo, lần thứ hai, nhóm năm tỳ-kheo nói với Ta: ‘Hiền giả Gotama,(như trên)… tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh?’

Này các tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, lần thứ hai Ta nói với nhóm năm tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, Như Lai không sống xa hoaTa sẽ giảng dạycác ông không bao lâu, … tự mình bằng thắng trí ngay trong hiện pháp mà tác chứng phạm hạnh cứu cánh; rồi chứng nhập và an trú.’

Này các tỳ-kheo, lại lần thứ ba, nhóm năm tỳ-kheo nói với

Ta: ‘Hiền giả Gotama,(như trên)… tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh?’

Này các tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm tỳ- kheo: ‘Các ông trước kia có bao giờ nghe Ta khẳng quyết như vậy không?’ – ‘Không, bạch Thế Tôn.’ – “Này các tỳ- kheo, Như Lai là vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các tỳ- kheo, hãy lắng tai nghe pháp bất tử Ta đã chứng. Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết giáo. Hành đúng theo điều Ta chỉ giáo, không bao lâu các ông sẽ đạt như mục đích mà vì đó các thiện gia nam tử đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: đó là tự mình bằng thắng trí ngay trong hiện pháp mà tác chứng phạm hạnh cứu cánh; rồi chứng nhập và an trú.’ Này các tỳ-kheo, Ta đã làm cho nhóm năm tỳ-kheo thấu hiểu. Này các tỳ-kheo, rồi thì, hoặc khi Ta chỉ dạy cho hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo kia sẽ đi khất thực, và nhóm sáu người sống bằng thức ăn mà ba tỳ-kheo này khất thực mang về. Này các tỳ- kheo, hoặc khi Ta chỉ dạy cho ba tỳ-kheo, hai tỳ-kheo kia sẽ đi khất thực, và nhóm sáu người sống bằng thức ăn mà hai tỳ- kheo này khất thực mang về.

Này các tỳ-kheo, chúng năm tỳ-kheo, sau khi được Ta giáo giới như vậy, chỉ giáo như vậy, tự mình lệ thuộc sanh mà biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tầm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc già mà biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc bệnh… chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc chết… chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc sầu ưu… chứng được cái không sầu ưu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình lệ thuộc ô nhiễm… chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Tri và kiến khởi lên nơi nhóm năm tỳ- kheo: ‘Ta giải thoát không dao động. Nay là đời cuối cùng, không còn tái sanh đời nào nữa.’

Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.167–173, dịch Anh G.A.S.

L.27 Bài pháp đầu tiên: Chuyển Pháp Luân

Đoạn này là bài pháp nổi tiếng đầu tiên của đức Phật. Nó giới thiệu con đường Phật giáo là một “trung đạo” giữa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh, và sau đó tập trung vào 1) những khía cạnh khác nhau của đời sống mà tất yếu là khổ đau về tinh thần hay thể xác, gọi là ‘khổ’ (dukkha – như được giải thích chi tiết hơn trong các đoạn *Th.150-152), 2) những điều này xuất phát từ tham ái, hay khát ái, và 3) chấm dứt bằng sự diệt tận của tham ái, điều này 4) đạt được bằng cách hành theo thánh đạo tám chi. Kết thúc bài pháp, một trong những vị nghe Phật thuyết, do bài pháp này mà đã giác ngộ: ông đã đạt được ‘pháp nhãn’, một trực kiến sâu sắc về mẫu mực của thực tại (pháp) theo đó bất cứ điều gì có sanh thì có diệt. Đặc biệt, những hiện tượng đau khổ xuất phát từ tham ái sẽ chấm dứt khi tham ái chấm dứt. Sự chứng đắc pháp nhãn đánh dấu sự đắc quả Dự lưu, một hạng thánh giả, và sẽ chứng đắc bồ-đề hoàn toàn trong tối đa bảy đời nữa. Những thánh giả là những vị có tuệ quán thâm sâu, để được giác ngộ một phần hay hoàn toàn (xem *Th.201). Đối với họ, những sự thật quan trọng nhất, theo nghĩa là những khía cạnh của thực tế, là những hiện tượng đau khổ, nguyên nhân dẫn đến khổ, trạng thái siêu việt khổ, và con đường dẫn đến đó; đó là bốn ‘Chân lý của bậc Thánh’.[6] Bài pháp kết thúc và thông tin “bánh xe Chánh pháp” đã được đức Phật vận chuyển bắt đầu lan truyền từ mặt đất cho đến các tầng trời. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Vārānasi (Ba-la- nại), trong khu Isipatana migadāya (Vườn nai, khu Tiên nhân đọa). Tại đấy, Thế Tôn nói với chúng năm tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, có hai cực đoan này, mà người xuất gia không nên hành sự theo. Hai điều ấy là gì? Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc  Thánh, không liên hệ đến mục đích; và hai là tự hành khổ mình, đau đớn, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Này các tỳ-kheo, tránh xa hai cực đoan này, Như Lai chánh giác con đường giữa, tác thành mắt, tác thành trí, dẫn đến tịch tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Và thế nào, này các tỳ-kheo, là con đường giữa mà Như Lai đã chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, dẫn đến an tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó chính là Thánh đạo tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðó là, này các tỳ-kheo, con đường giữa mà Như Lai đã chánh giác,  tác thành mắt, tác thành trí, dẫn đến tịch tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Ở đây, này các tỳ-kheo, đây là Thánh Đế về khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ; ái biệt ly là khổ; cầu không được là khổ; tóm lại, năm thủ uẩn[7] là khổ.

Ở đây, này các tỳ-kheo, đây là Thánh Đế về khổ tập. Chính khát ái này dẫn đến luân chuyển tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

Ở đây, này các tỳ-kheo, đây là Thánh Đế về khổ diệt. Chính sự diệt tận khát ái không còn dư tàn, xả ly, xuất ly, giải thoát, không chấp tàng nó.[8]

Ở đây, này các tỳ-kheo, đây là Thánh đế về con đường dẫn đến khổ diệt. Đó chính là Thánh đạo tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Ðây là Thánh đế về khổ”, với Ta, này các tỳ-kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng. Và “Đây là Thánh đế về khổ – cần được biến tri”, với Ta, này các tỳ-kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng. Và “Đây là Thánh đế về khổ – đã được biến tri”, với Ta, này các tỳ-kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[Cũng vậy, nói về “Đây là Thánh đế về khổ tập”, “Đây là Thánh đế về khổ tập – cần được đoạn trừ”, “Đây là Thánh đế về khổ tập – đã được đoạn trừ.”] với Ta, này các tỳ-kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[Cũng vậy, nói về “Đây là Thánh đế về khổ diệt”, “Đây là Thánh đế về khổ diệt – cần được tác chứng”, “Đây là Thánh đế về khổ diệt – đã được tác chứng ngộ.”] với Ta, này các tỳ- kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[Cũng vậy, nói về “Đây là Thánh đế về con đường dẫn đến khổ diệt”, “Đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt – cần được tu tập”, “Đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt – đã được tu tập.”] với Ta, này các tỳ-kheo, phát sinh nhãn trong các pháp chưa từng nghe trước đây, phát sanh trí sanh, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

Chừng nào mà, này các tỳ-kheo, tri kiến của Ta về bốn Thánh đế này, như thật với ba chuyển và mười hai hành tướng, chưa hoàn toàn thanh tịnh như thực, thời cho đến khi ấy, này các tỳ-kheo, trong thế giới này gồm chư thiên, Ma, Phạm, cùng với dân chúng, sa-môn, bà-la-môn, vua chúa và quần chúng,

Ta đã không tự tuyên bố hiện chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Nhưng chừng nào mà, này các tỳ-kheo, tri kiến của Ta trong bốn Thánh đế này, như thật với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, đã được hoàn toàn thanh tịnh như thực, thì chừng ấy, trong thế giới này gồm chư thiên, Ma, Phạm, cùng với dân chúng, sa-môn, bà-la-môn, vua chúa và quần chúng, Ta tự tuyên bố hiện chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và tri kiến khởi lên trong Ta: “Ta giải thoát không dao động. Đây là đời sống cuối cùng, không còn tái sanh đời nào nữa.”

Đây là điều Thế Tôn đã thuyết. Chúng năm tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi pháp này được tuyên bố, Tôn giả Koṇḍañña viễn trần, ly cấu, pháp nhãn phát sinh, thấy rằng ‘phàm pháp gì được tập khởi, tất cả pháp ấy sẽ diệt tận.’

Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư thiên ngụ trên mặt đất lớn tiếng hô vang: ‘Tại Vārānasi (Ba-la-nại), trong khu Isipatana migadāya (Vườn nai, khu Tiên nhân đọa), Pháp luân vô thượng này đã được Thế Tôn vận chuyển, mà không có bất kỳ sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Ma, Phạm, hay bất cứ một ai trong thế gian có thể vận chuyển.’ Khi nghe tiếng hô vang của chư Thiên ngụ trên đất, chư thiên trong trời Tứ đại vương cũng hô vang lên như vậy. Khi nghe tiếng hô này vậy, chư thiên Tam thập tam thiên cũng hô vang, rồi lần lượt chư thiên trời Dạ-ma (Yāmā), chư thiên trời Đâu-suất (Tusitā), chư thiên trời Hóa lạc thiên, chư thiên trời Tha hóa tự tại, và chư thiên trong Phạm thiên giới. Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng hô vang ấy lên đến Phạm thiên giới, và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh, và một vầng sáng bao la, rộng lớn hiển hiện trong thế gian, vượt quá uy lực chư thiên.

Rồi Thế Tôn cảm hứng nói lên, ‘Này, quả thật, Koṇḍañña (Kiều-trần-như), ông đã hiểu! Quả thật, Koṇḍañña, ông đã hiểu!’ Do vậy, Tôn-giả Koṇḍañña được gọi là Aññāta (người đã hiểu)-Koṇḍañña (A-nhã Kiều-trần-như).

Dhamma-cakka-ppavattana Sutta: Saṃyutta-nikāya V.420–424, dịch Anh P.H.

L.28 Bậc đạo sư thuyết Pháp

Này Đại vương, Như Lai xuất hiện trong thế gian, là vị A-la- hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu Ðiều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi bằng thắng trí mà tự tác chứng, Ngài tuyên bố thế giới này gồm chư thiên, Ma, Phạm,  cùng với dân chúng, sa-môn, bà-la-môn, vua chúa và mọi người, Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với đầy đủ văn và nghĩa. Ngài truyền dạy phạm hạnh thuần nhất viên mãn, thanh tịnh.

Sāmañña-phala Sutta: Dīgha-nikāya I.62, dịch Anh G.A.S.

L.29 Cử sáu mươi vị đệ tử giác ngộ đi hoằng pháp

Đoạn này thuật việc đức Phật họp sáu mươi vị đệ tử đã giác ngộ là những vị A-la-hán như Ngài, phái họ đi truyền pháp cho mọi người.

Vào lúc bấy giờ, có sáu mươi mốt vị A-la-hán trên thế gian. Thế Tôn bảo rằng: ‘Này các tỳ-kheo, Ta đã thoát khỏi tất cả mọi trói buộc, cả thiên giới và nhân giới. Này các tỳ-kheo, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả mọi trói buộc, cả thiên giới và nhân giới. Hãy đi, này các tỳ-kheo, vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì thương tưởng thế gian, vì mục đích, vì lợi ích, vì an lạc của chư thiên và nhân loại. Chớ đi hai người chung một đường.

Này các tỳ-kheo, hãy thuyết giảng pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với đầy đủ văn và nghĩa. Hãy thuyết minh phạm hạnh thuần nhất viên mãn, thanh tịnh. Có những chúng sanh mắt ít nhiễm bụi trần, sẽ bị suy thoái nếu không được nghe pháp. Có những hạng người sẽ hiểu được pháp.

Này các tỳ-kheo, Ta cũng sẽ đi đến Senānigama ở Uruvelā để thuyết giảng pháp.

Mahāvagga I.10–11: Vinaya I.20–21, dịch Anh G.A.S.

L.30 Người quá đói thì không thể hiểu Pháp

Đoạn này minh họa đức Phật với tâm từ bi.

Một ngày nọ, khi đức Đạo sư đang ngồi trong hương thất tại rừng Jeta, quán sát thế giới vào lúc bình minh, nhìn thấy một người đàn ông nghèo khổ ở Āḷavi. Nhận thấy ông ấy có căn cơ chứng đạo, Phật cùng với chúng năm trăm tỳ-kheo tùy tùng trước sau đi đến Āḷavi. Ở đó, dân chúng liền thỉnh đức Đạo sư về nhà để cúng dường. Người đàn ông nghèo cũng nghe đức Đạo sư có đến và quyết định đi nghe Phật thuyết pháp. Nhưng ngay chính hôm đó, một con bò của ông lại đi lạc. Ông bèn suy nghĩ, ‘Liệu ta nên đi tìm bò hay đi nghe pháp?’ Rồi ông quyết định, ‘Trước tiên ta sẽ đi tìm bò, sau đó sẽ đi nghe pháp.’ Theo đó, sáng sớm ông ra ngoài tìm con bò của mình.

Dân chúng ở Āḷavi dọn chỗ ngồi cho tỳ-kheo Tăng mà thượng thủ là đức Phật, rồi dâng thực phẩm, và ăn xong, bát của bậc Đạo sư được thu cất, để Ngài đọc kệ tụng hồi hướng. Nhưng đức Đạo sư nói, ‘Người mà Ta du hành ba mươi dặm đến đây để độ, người ấy đang đi vào rừng tìm con bò đi lạc. Chừng nào người ấy chưa về, Ta sẽ không nói pháp.’ Rồi Ngài ngồi im lặng.

Khi ngày chưa tắt nắng, người đàn ông nghèo tìm thấy con bò của mình và lập tức dẫn nó về lại đàn. Rồi ông nghĩ, ‘Dù nếu ta chẳng thể làm gì khác hơn được, chí ít ta cũng sẽ đến đảnh lễ đức Đạo sư.’

Như vậy, dù bị cơn đói dằn vặt, ông vẫn quyết định không về nhà, mà vội đi đến chỗ đức Đạo sư, và đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên. Khi người đàn ông nghèo đến đứng trước đức Đạo sư, Ngài bèn nói với người quản sự cúng dường,  ‘Có thức ăn nào cho tỳ-kheo Tăng còn lại không?’ ‘Bạch Đại Đức, thức ăn vẫn chưa được chạm vào’ ‘Vậy, hãy mang cho người nghèo kia.’

… Ngay khi người nghèo kia vừa dứt những khổ nhọc của thân, tâm ông trở nên an tĩnh. Sau đó, đức Đạo sư đã thuận thứ thuyết pháp,[9] và nêu rõ bốn Thánh đế. Khi bài pháp kết thúc, người đàn ông nghèo đắc quả Dự lưu. … [Sau đó đức Phật giải thích cho các vị tỳ-kheo biết rằng Ngài đã biết về tình cảnh của người đàn ông nghèo và đã nghĩ:] ‘Nếu Ta thuyết pháp cho người này trong khi ông đang đói, thì ông ấy sẽ không thể hiểu được.’

Dhammapada commentary, III.261–63, dịch Anh P.H.

L.31 Một người hạ tiện được chư thiên kính lễ khi thọ cụ túc và giác ngộ

Tôi sanh nhà bần tiện, nghèo khổ không đủ ăn, khiêm tốn hạ thấp mình, tôi quét hoa héo rụng.

Tôi bị người ghê tởm, lăng mạ và khinh bỉ, hạ mình xuống thật thấp, tôi kính lễ nhiều người.

Rồi tôi thấy đức Phật, chúng tỳ-kheo cung kính, đấng Ðại Hùng vào thành, Magadha tối thượng.

Tôi quăng bỏ đòn gánh, đến gần để đảnh lễ; với lòng thương xót tôi, đấng Thượng nhân dừng lại.

Lễ chân Ðạo Sư xong, tôi đứng sang một bên, xin đấng Tối Thượng Tôn, cho con được xuất gia.

Đức Ðạo Sư từ mẫn, thương xót khắp thế gian, gọi: ‘Hãy đến, tỳ-kheo’. Tôi đắc giới cụ túc.

Rồi tôi sống trong rừng, một mình, không biếng nhác, tôi theo lời Ðạo Sư, như đấng Tối thắng dạy.

Canh một, nhớ các đời, giữa đêm tịnh thiên nhãn,[10] cho đến canh cuối cùng, tôi phá khối si ám.

Khi đêm vừa mới tàn, rạng đông, trời ló rạng, Ðế Thích, Phạm Thiên đến, chắp tay đảnh lễ tôi:

‘Kính lễ vị thắng sanh, kính lễ vị thượng nhân, đã đoạn tận các lậu, Ngài xứng đáng cúng dường.’

Đức Ðạo Sư thấy tôi, chúng thiên tử vây quanh, thị hiện nụ vi tiếu, nói với tôi nghĩa này:

‘Bằng khổ hạnh, phạm hạnh, bằng tự chế, điều phục, đấy là bà-la-môn; tối thượng bà-la-môn.’ Verses of Sunīta: Theragāthā 620–631, dịch Anh G.A.S.

L.32 Đạo sư thiện xảo: tinh tấn không nên quá căng, không nên quá chùng

Đoạn này minh họa phương pháp giáo hóa thiện xảo của đức Phật. Chuyện về một tỳ-kheo vừa thọ cụ túc, quá nỗ lực tu  tập kinh hành, đến gần như muốn bỏ tu trở về đời vì không chứng đắc đạo quả gì. Đức Phật khuyên chỉ nên nỗ lực hài hòa nhưng không đến mức giải đãi. Tuy đây là lời khuyên cho một tỳ-kheo, nhưng nó liên quan đến việc tu tập nói chung.

Vì sự tinh tấn nỗ lực đi kinh hành quá mức, hai bàn chân của tôn giả Soṇa đã bị rách. Lối kinh hành vì vậy vấy đầy máu như là chỗ mổ bò. Rồi vào một lúc, tôn giả Soṇa trong lúc độc nhàn tĩnh tại một nơi thanh vắng, ý nghĩ sau đây khởi lên: ‘Các đệ tử của Thế Tôn sống tinh cần tu tập, ta là một trong số các vị ấy, nhưng tâm của ta vẫn không giải thoát các lậu, không chấp thủ. Vả, gia đình ta có nhiều tài sản; ta có thể thọ dụng những tài sản ấy và làm các phước sự.[11] Hay là ta nên quay về đời sống hạ liệt rồi thọ dụng những tài sản ấy và làm các phước sự?’

Lúc bấy giờ, Thế Tôn bằng tha tâm trí biết được ý nghĩ của tôn giả Soṇa. Rồi như người lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn biến mất khỏi đỉnh núi Linh Thứu (Gijjikūṭa: Kỳ-xà-quật) và hiện ra ở khu Rừng lạnh (Sīta).[Thế Tôn đến chỗ Soṇa và hỏi phải chăng ông có ý nghĩ hoàn tục vì tinh tấn tu tập mà không kết quả. Soṇa trình Phật, đúng như vậy. Phật nói:] ‘Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này? Có phải trước đây khi còn tại gia, ngươi tinh thông âm điệu của dây đàn tỳ- bà?’ ‘Bạch Thế Tôn, đúng vậy.’ ‘Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này? Khi dây đàn tỳ-bà của ngươi quá căng, phải chăng lúc ấy cây đàn của ngươi hợp điệu và thích hợp để tấu nhạc?’ ‘Bạch Đại Đức, không phải như vậy.’ ‘Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này? Khi dây đàn tỳ-bà của ngươi quá chùng, phải chăng lúc ấy cây đàn của ngươi hợp điệu và thích hợp để tấu nhạc?’ ‘Bạch Đại Đức, không phải như vậy.’ ‘Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này? Khi dây đàn tỳ- bà của ngươi không quá căng và cũng không quá  chùng, được lên dây một cách vừa phải, phải chăng lúc ấy cây đàn tỳ-bà của ngươi hợp điệu và thích hợp để tấu nhạc?’ ‘Bạch Đại Đức, thật như vậy.’ ‘Này Soṇa, cũng như vậy, sự tinh tấn nỗ lực quá căng thẳng dẫn đến loạn động, tinh tấn quá lơi lỏng đưa đến giải đãi. Này Soṇa, do đó ở đây ngươi phải lập tâm tinh tấn bình đẳng, thấu triệt các căn bình đẳng,93 và y  chỉ trên đó mà nắm bắt các tướng của thiền.’ ‘Kính vâng, bạch Đại Đức.’ Tôn giả Soṇa vâng lời đức Thế Tôn.

Sau khi giáo giới tôn giả Soṇa với những chỉ dẫn như vậy, rồi như người lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn biến mất khỏi  chỗ tôn giả Soṇa và xuất hiện trở lại trên đỉnh Linh Thứu. Sau đó, tôn giả Soṇa lập tâm tinh tấn bình đẳng, thấu triệt các căn bình đẳng, và y chỉ trên đó mà nắm bắt các tướng của thiền. Bấy giờ, tôn giả Soṇa trong khi sống độc cư, tách biệt, chuyên tâm tu tập tinh tấn không buông lung, cho nên chẳng bao lâu, đạt được mục đích mà thiện gia nam tử lìa bỏ gia đình, chân chánh xuất gia, sống không gia đình, ngay trong hiện pháp, bằng thắng trí tự thân tác chứng phạm hạnh vô thượng, thuần nhất viên mãn, thanh tịnh; sau khi tác chứng, chứng nhập và an trú; tự biết rằng: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa.’ Tôn giả Soṇa như vậy chứng đắc quả A- la-hán.

Mahāvagga V.1.13–18: Vinaya I.182–183, dịch Anh G.A.S.

L.33 Đức Phật: Đạo sư thiện xảo

Trong đoạn này, đức Phật giáo giới tỳ-kheo Nanda, là người em khác mẹ, để giữ Nanda không còn ý định hoàn tục. Phật hỏi Nanda vì sao lại có ý định hoàn tục, rồi sau đó Ngài hóa hiện khiến cho Nanda thấy rằng nếu Nanda muốn có một nữ nhân xinh đẹp, thì trong chư thiên có rất nhiều người đẹp như vậy, đẹp hơn bất kỳ người nữ nào trong nhân gian. Vì mục đích này mà Nanda không bỏ tu, nhưng rồi sau đó thấy rằng như vậy để có được những thiên nữ xinh đẹp là một lý do thấp kém, và được thúc đẩy bởi những phê bình của các tỳ-kheo khác, Nanda tự mình tu tập chân chánh và cuối cùng đạt đến giác ngộ. Như vậy đức Phật đã khéo léo hướng dẫn Nanda đạt đến mục đích cao nhất, đầu tiên khuyến dụ bằng mục đích thấp hơn nhưng hấp dẫn.

Một câu chuyện khác cho thấy đức Phật là vị Đạo sư thiện xảo, dẫn từ truyện chú giải Pháp Cú (Dhammapada) (III.425-28). Truyện kể về con trai của người kim hoàn, người này tu quán bất tịnh nhưng hành theo lời dạy một cách sai lầm quá tệ hại khiến cho tự cảm thấy không bao giờ mình có thể chứng đắc định. Tuyệt vọng, cậu tìm đến bổn sư là Tôn giả Sāriputta nhiều lần. Tôn giả Sāriputta dẫn cậu đến gặp Phật. Đức Thế Tôn quán sát thấy rằng trong nhiều đời trước, cũng như trong đời này, cậu là thợ kim hoàn, và như vậy chỉ cần một vật xinh đẹp làm đề mục chú tâm thì có thể chứng đắc các định; một đối tượng tiêu cực sẽ không bao giờ –  ngay từ đầu – giúp ích gì. Phật hóa hiện một hoa sen bằng vàng màu đỏ, và bảo chú tâm vào đó mà tu định. Cậu nhanh chóng chứng nhập bốn thiền. Đức Phật thấy rằng duy chỉ khi ấy, với tâm định tĩnh, mới là lúc thích hợp để tu quán những dấu hiệu biến đổi và tan rã của thân thể; do vậy, Ngài khiến cho đóa sen héo úa. Cậu nhìn thấy điều này, và sau đó là những hoa sen khác, diễn ra một cách tự nhiên, trải qua tất cả các giai đoạn phát triển khác nhau, từ mới nhú đến nở rộ, rồi tàn lụi. Sau khi nghe một bài kệ của Phật (Dhammapada 285), cậu giác ngộ.

Một truyện chú giải Pháp Cú khác (II.272-75), về cái chết của con dại của cô Kisā Gotamī. Cô không chịu chấp nhận điều này, và đã ôm thi hài đứa trẻ đi tìm thuốc để ‘chữa trị’ cho nó. Mọi người nghĩ cô bị điên, nhưng một người tử tế đã chỉ cô đến đức Phật. Ngài nói Ngài có thể chữa trị cho đứa trẻ nếu cô tìm cho được một nhúm hạt cối – với điều kiện chỉ từ một gia đình chưa từng có ai chết. Đi tìm kiếm ‘thuốc’ này, cô nhận ra rằng mình chẳng phải là người duy nhất mất đi người thân vào tay thần chết, và cô đã chấp nhận thực tế. Đức Phật thuyết pháp và rồi cô đắc quả Dự lưu.

‘Thích-ca nữ, đối với con, bạch Thế Tôn, là xinh đẹp nhất trong nước, với tóc chải mới nửa mái, khi con xuất gia, đã  nói với con rằng, “Mong chủ nhân hãy về gấp.” Vì con không thể quên nàng, bạch Thế Tôn, nên con sống đời phạm hạnh mà không hoan hỷ, con không thể tiếp tục đời sống phạm hạnh chân chính, cho nên sau khi từ bỏ học xứ, trở về đời sống hạ liệt.’

Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn giả Nanda, như một lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất ở rừng Jeta, và xuất hiện tại cõi trời Tam thập tam. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm thiên nữ được gọi là ‘có chân như chim bồ câu’, đi đến để hầu hạ thiên chủ Sakka. Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Nanda… ‘Ông nghĩ thế nào, này Nanda? Ai đẹp đẽ hơn, đáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn, Thích-ca nữ xinh đẹp trong nước hay năm trăm thiên nữ “có chân như chim bồ câu” này?’ ‘Bạch Thế Tôn, cô ấy được ví như một con khỉ cái bị thương… nếu đem so sánh với năm trăm thiên nữ….’

‘Hãy hoan hỷ, này Nanda! Hãy hoan hỷ, này Nanda! Ta bảo chứng cho ông sẽ có năm trăm thiên nữ…’ ‘Nếu Thế Tôn bảo chứng cho con… bạch Thế Tôn, con sẽ hoan hỷ sống đời phạm hạnh.’

… [Sau khi trở về rừng Jeta] Các tỳ-kheo được nghe: ‘Tôn giả Nanda, em Thế Tôn, con của Di mẫu, sống phạm hạnh vì mục đích có các thiên nữ…’ Rồi các tỳ-kheo, bạn của Tôn giả Nanda, gọi Tôn giả Nanda là ‘người làm thuê’, là ‘người buôn bán’…

Rồi Tôn giả Nanda, bị khốn đốn, xấu hổ, chán ngán, bởi vì bị gọi là ‘người làm thuê’, ‘người buôn bán’, bèn lui về sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt thành, tinh cần, chuyên niệm, không bao lâu… tự mình với thắng trí, chứng ngộ và an trú phạm hạnh vô thượng, thuần nhất viên mãn, thanh tịnh, do mục đích này mà thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình… Và Tôn giả Nanda cuối cùng đắc quả A-la-hán. Nanda Sutta: Udāna 22–23, dịch Anh P.H.

L.34 Hãy tìm chính ta, và thuận thứ thuyết pháp

Trong đoạn này, đức Phật khuyến khích một nhóm người hãy tìm những gì đáng tìm trong ta hơn là tìm kiếm những thứ bên ngoài. Rồi Phật thuyết pháp một cách tuần tự (xem * Th.28), chuẩn bị tâm trí người nghe để có thể nghe giáo thuyết cao tột.

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi trú tại Vārāṇasī tùy theo ý muốn bèn khởi hành đi đến Uruvelā. Rồi Thế Tôn tách khỏi đường lộ, đi đến một rừng cây; sau khi đến đó, đi sâu vào trong khu rừng cây ấy và ngồi xuống ở gốc cây nọ. Vào lúc bấy giờ, một nhóm hiền hữu ba mươi người đang du ngoạn nơi khu rừng cây ấy cùng với vợ của mình. Một người không có vợ, bao một kỹ nữ và dẫn theo. Rồi trong lúc những người ấy đang vui các trò chơi mà không lưu ý, kỹ nữ ấy đã lấy trộm các tư tài của họ rồi tẩu thoát.

Sau đó, là những người bạn trong lúc giúp đỡ bạn mình đi  tìm người đàn bà kia, đang lang thang trong rừng cây thì thấy đức Thế Tôn đang ngồi ở dưới một gốc cây nọ; họ liền đi đến gần đức Thế Tôn, rồi hỏi Thế Tôn: ‘Thưa Đại Đức, Ngài có thấy một phụ nữ đi qua đây không?’ ‘Này các công tử, phụ nữ ấy là gì đối với các công tử?’ ‘Đại Đức, chúng con là nhóm hiền hữu ba mươi người đang cùng vợ của mình du ngoạn trong rừng cây. Một người không có vợ, bao một kỹ nữ và dẫn theo. Rồi trong lúc chúng con đang vui các trò chơi mà không lưu ý, kỹ nữ ấy đã lấy trộm các tư tài của chúng con rồi tẩu thoát. Đại Đức, là những người bạn trong lúc giúp đỡ bạn đi tìm kiếm người đàn bà kia, chúng con đây lang thang trong rừng cây này.’

‘Này các công tử, các bạn nghĩ thế nào? Cái gì quý trọng hơn đối với các bạn: tìm kiếm người đàn bà, hay tìm kiếm chính mình?’ – ‘Đại Đức, chính việc tìm kiếm chính mình quý  trọng hơn.’ – ‘Các công tử, thế thì các bạn hãy ngồi xuống,  Ta sẽ nói pháp cho các bạn.’ ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Những người bạn nhóm hiền hữu ấy sau khi kính cẩn chào hỏi Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp cho họ nghe, tức là nói về thí, về giới, về sinh thiên, nêu rõ sự nguy hại, ô nhiễm, hạ liệt, của các dục, và sự lợi ích của sự xuất ly chúng. […], thế rồi, ngay tại chỗ ngồi ấy, họ đạt được pháp nhãn thanh tịnh, viễn trần, ly cấu, thấy pháp: ‘Phàm pháp gì có khởi, tất cả pháp ấy đều có diệt.’

Sau khi thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, đoạn nghi, dứt trừ do dự, thành vô sở úy trong giáo pháp của Phật mà không do ai khác, các công tử này liền bạch Thế Tôn rằng: ‘Bạch Đại Đức, thật là đại phúc lợi chúng con được xuất gia theo Thế Tôn, thọ giới cụ túc’ – Thế Tôn đáp ứng: ‘Hãy đến đây, các tỳ-kheo, trong giáo pháp được khéo thuyết này, hành phạm hạnh chân chánh dứt khổ.’ – ‘Kính vâng’, như vậy các tôn giả ấy đắc giới cụ túc. Mahāvagga: Vinaya I.23–24, dịch Anh G.A.S.

L.35 Giáo giới thị đạo trên thần biến và tha tâm thị đạo

Trong đoạn này, đức Phật phê bình thỉnh cầu của một cư sỹ, rằng chư tỳ-kheo nên thi triển thần thông để làm tăng lòng tin của dân chúng đối với Phật. Chư tỳ-kheo có thể thi triển các thần thông biến hóa và đọc được ý nghĩa của người khác bằng vào định lực, nhưng điều này sẽ không gây ấn tượng cho người hoài nghi khiến họ tăng trưởng tín tâm, vì họ vẫn thấy những phép lạ như vậy cũng có thể được thực hiện bởi một loại chú thuật nào đó. ‘Phép lạ’ thực sự hữu ích chính là giáo hóa người khác con đường dẫn đến giác ngộ. Trong khi đức Phật tỏ ra xem nhẹ hai loại ‘phép lạ’ đầu, rõ ràng Phật chỉ trích nhắm đến việc thi triển chúng đơn giản vì đó chỉ là một màn trình diễn để thu hút sự ủng hộ. Cũng có đôi lúc, Phật sử dụng các lực thần thông ấy chỉ cốt dễ dàng giáo hóa mọi người hơn, và Phật cũng không nhất thiết chỉ trích các tỳ-kheo sử dụng những lực thần thông như vậy. Truyền thuyết nói, có lần đức Phật đã thi triển ‘song biến thị đạo’, duy chỉ Phật mới có thể: cùng lúc biến hóa vừa lửa vừa nước từ các chi phần khác nhau nơi thân Ngài, và phát ra những tia sáng sáu màu (Paṭisambhidāmagga I.125–126). Tuy vậy, Ngài đã bác bỏ thách thức của Ma biến Tuyết sơn thành vàng (Saṃyutta-nikāya I.116 <258>).

Một thời Thế Tôn trú tại Nāḷandā, trong vườn xoài Pāvārika. Lúc bấy giờ gia chủ Kevaṭṭa[12] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Kevaṭṭa bạch Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, Nāḷandā này có uy lực, phồn thịnh, nhân dân đông đúc, thảy đều có tịnh tín nơi Thế Tôn. Lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một tỳ-kheo thị hiện pháp thượng nhân, thần thông biến hóa (thần biến thị đạo).

Nhờ vậy Nāḷandā này sẽ có nhiều người tịnh tín Thế Tôn hơn nữa.’ Nghe nói vậy, Thế Tôn nói với gia chủ Kevaṭṭa: ‘Này Kevaṭṭa, Ta không dạy cho các tỳ-kheo pháp như vậy, rằng: “Này các tỳ-kheo, các ông hãy thị hiện pháp thượng nhân, thần thông biến hóa cho các bạch y cư sĩ” ’.

… Khi gia chủ trẻ tuổi Kevaṭṭa thỉnh cầu lần thứ ba, Thế Tôn đáp: ‘Này Kevaṭṭa, có ba pháp thị đạo (thần thông) này Ta đã tự mình tác chứng bằng thắng trí và tuyên thuyết. Ba pháp ấy là gì? Đó là biến hóa thần thông (thần biến thị đạo), tha tâm thần thông (ký tâm thị đạo), giáo hóa thần thông (giáo  giới thị đạo). Kevaṭṭa, biến hóa thần thông là gì? Kevaṭṭa, ở đời có tỳ-kheo chứng được các thần thông: một thân hóa hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân; hiện thân, biến mất; đi xuyên qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang  qua hư không; lặn xuống khỏi đất rồi nổi lên mặt đất như ở trong nước; đi trên nước mà không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già bay trên hư không như chim; hai bàn tay Ta có thể chạm đến sờ đến những vật có đại thần biến, đại uy lực như mặt trời và mặt trăng; tự thân Ta có thể tự tại chi phối các cõi Phạm thiên.

Có người có tâm tịnh tín thấy tỳ-kheo ấy thi triển các thần thông… Người có tịnh tín ấy nói với một người không có  tâm tịnh tín… Người không có tâm tịnh tín có thể nói với người có tâm tịnh tín: ‘Này bạn, có một loại chú thuật gọi là Gandhāra. Bằng chú thuật này có thể hóa hiện nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân… có thể tự tại chi phối các cõi Phạm thiên.’ Này Kevaṭṭa, ông nghĩ thế nào? Người không có tâm tịnh tín có thể nói với người có tâm tịnh tín như vậy không?’ ‘Bạch Thế Tôn, người ấy có thể nói như vậy.’ – ‘Này Kevaṭṭa, chính vì quán sát thấy rõ sự nguy hiểm trong biến hóa thần thông mà Ta nhàm chán nó, hổ thẹn về nó, ghê tởm nó, biến hóa thần thông.

Này Kevaṭṭa, thế nào là tha tâm thần thông? Này Kevaṭṭa, ở đời có tỳ-kheo đọc được tâm, và tâm sở của các chúng sanh khác, của các nhân vật khác, đọc được suy tầm, tư sát, của các chúng sanh khác, của các nhân vật khác: ‘Như vậy là ý của ngươi.’ Có người có tâm tịnh tín thấy tỳ-kheo ấy thi triển… Người có tịnh tín ấy nói với một người không có tâm tịnh tínNgười không có tâm tịnh tín có thể nói với người có tâm tịnh tín: ‘Này bạn, có một loại chú thuật gọi là Maṇikā, bằng chú thuật này, tỳ-kheo đọc được tâm của các người khác …’ ‘Này Kevaṭṭa, ông nghĩ thế nào? Người không có tâm tịnh tín có thể nói với người có tâm tịnh tín như vậy không?’ ‘Bạch Thế Tôn, người ấy có thể nói như vậy.’ – ‘Này Kevaṭṭa, chính vì quán sát thấy rõ sự nguy hiểm trong tha tâm thần thông mà Ta nhàm chán nó, hổ thẹn về nó, ghê tởm nó, tha tâm thần thông.

Này Kevaṭṭa, thế nào là giáo hóa thần thông? Ở đời có tỳ- kheo giáo giới như vầy: “Hãy tư duy như thế này, chớ có tư duy như thế kia; hãy tác ý như thế này, chớ có tác ý như thế kia; hãy trừ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều kia.” Này Kevaṭṭa, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

… [Đức Phật tiếp tục mô tả sự dẫn dắt một người cho đến chứng đắc quả vị A-la-hán.] Này Kevaṭṭa, như vậy là giáo hóa thần thông.’ Và này Kevaṭṭa, ba pháp thần thông này, Ta đã tự mình tác chứng bằng thắng trí và tuyên thuyết. Kevaṭṭa Sutta: Dīgha-nikāya I.211–215, dịch Anh G.A.S.

***

[1] Tức là Pháp luân tối thượng.

[2] Năm chuỗi tố chất tạo nên một tự ngã: xem *Th.151.

[3] Xem *L.27.

[4] Xem *Th.156–68.

[5] abhiññā: thắng trí, nhận thức siêu việt thường nghiệm khởi lên từ tâm định tĩnh.

[6] Gọi là ‘Thánh Đế’, hiểu theo Anh ngữ: Noble Truths “Chân lý Cao thượng”, theo nghĩa là bốn thực tại, nhưng như vậy dễ gây hiểu sai. Chính xác, nên hiểu “Những sự thực được thấy bởi bậc Thánh”. Bởi vì, chân lý thứ hai, nguyên nhân khổ, như tham ái, mà là thực tại “cao thượng” (noble) thì nó không thể bị đoạn trừ. Nhưng tham ái tất yếu dẫn đến khổ, nó là nguyên nhân khổ, đó là sự thực duy chỉ bậc thánh mới nhận thấy; và nếu tham ái bị dứt trừ thì khổ tất yếu cũng chấm dứt, đây cũng là sự thực duy chỉ bậc thánh mới nhận thấy.

[7] Năm chuỗi tố chất tâm và vật tạo thành một nhân cách, mà con người chấp thủ vô ích cho đó ‘chính là’ hay ‘sở hữu’ một tự ngã (linh hồn) thường hằng bất biến.

[8] Tức là: từ bỏ khát ái mong cầu “cái sẽ đến” tức là hoàn toàn tự buông xả vào những gì đang hiện tại, ở đây, bây giờ; xả bỏ không bám chấp vào những gì quá khứ, hiện tại và vị lai; giải thoát là từ chỗ hài lòng với những gì đang hiện tại; không y chỉ tham ái để tâm không cố định trên bất cứ thứ gì, không bám chặt, không dính chặt, không cắm rễ vào đó.

[9] Xem *L.34 và *Th.28.

[10] Nhãn (con mắt) này có thể thấy các chúng sanh khác tái sanh tùy theo nghiệp của họ.

[11] Điều này dẫn tới tái sanh thiện thú nhưng không được giải thoát. 93 Xem *Th.89 và 91.

[12] Đọc là Kevaddha trong một số thủ bản lưu truyền, và cũng là tên của Kinh.