SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
8. Thân thể của bạn có phải của bạn chăng?
Khi có tình huống tâm chẳng phải do mình, cho dù tâm không thể điều khiển thân, hoặc thân không chịu sự chỉ huy của tâm; như thế, không phải tự tại thật sự. Nếu bỏ mặc thân thì là sai lầm.
Có một lần, chúng tôi đang tổ chức thiền thất. Khi ấy, có một vị tỉ-khưu đi kinh hành, mọi người đều đi chậm thong thả, chỉ có tỉ-khưu này đi cứng đơ, hình dáng rất buồn cười, giống như tượng gỗ. Tôi đi qua nhìn thầy, mắt thầy đang nháy. Tôi nhìn thầy, thầy cũng nhìn tôi. Tôi hỏi:
– Thầy đang nhập định phải không?
Thầy nói:
– Dạ, con không nói được.
Điều này chẳng phải có chút kì lạ? Rõ ràng thầy đang nói mà thầy bảo nói không được. Tôi hỏi:
– Như thế, chẳng phải thầy đang nói đó sao?
– Dạ, con không được động?
– Chẳng phải miệng thầy đang động?
– Thân con không được động, con cảm giác nó không phải con, chẳng phải thân thể con. Hiện tại con là người tự do, cho dù thân thể bỏ mặc con, con cũng chẳng quan tâm đến thân thể.
Đây là cảm giác sai lầm, không phải thân, nên thầy không nhận sự quan tâm, là tâm của thầy cố ý không quan tâm đến thân của thầy. Thầy cho rằng thân và tâm tách ra. Kì thật, thân tâm của thầy đều không có tách ra. Có rất nhiều người, cho dù không còn công phu tu hành, nhưng cũng có kinh nghiệm như thế, giống như thân không chịu tâm chỉ huy, không nghe tâm sai khiến; dường như thân tâm tách rời, mạnh ai nấy làm.
Nếu như bạn có ảo giác như thế thì chứng tỏ công phu tu hành của bạn sai lầm. Bởi vì công năng tu hành là phải làm thân tâm hợp một. Bất cứ lúc nào, nơi nào cũng luôn nhắc nhở, buông xả. Khi thân bị đau ốm, tâm vẫn phải tự tại, không nên vì thân đau ốm mà tâm buồn phiền. Như thế, không gọi là thân tâm tách rời, là thân tiếp nhận sự ảnh hưởng và chỉ huy của tâm, thân tâm hòa hợp nhau; tâm muốn thân làm gì thì nó làm thế đó. Vì thế, có những bậc chân tu có năng lực làm chủ thân tự do tự tại, hiện ra các thứ thần thông, đó chính là thân làm theo tâm.
Tôi không có thần thông, công phu tu hành của tôi cũng không giỏi; cho nên tôi thường hay mỏi mệt, rất suy yếu; ngay cả lúc bị bệnh, tôi vẫn thuyết pháp, khai thị cho mọi người; hoặc tiếp khách như thường. Đợi đến khi giảng kinh xong, khách ra về, tôi phải nằm nghỉ liền, thân như không có xương. Tôi đợi đến có việc khác đến thì lập tức ngồi dậy.
Năng lực này là gì? Là năng lực của tâm. Năng lực này, mỗi người đều có thể hiểu rõ nhờ công phu luyện tập tu hành. Tôi không có năng lực mạnh mẽ, nhưng có thể làm được, nên tôi tin người bình thường chỉ cần luyện tập thì cũng có thể làm được.
Tôi nghĩ mọi người đều tin nguyên lý tướng từ tâm sinh, tướng theo tâm mà thay đổi. Một người có thể tu dưỡng tính tình từ bên trong, và thay đổi hình dáng và tướng mạo bên ngoài. Do đó, một người tu hành tâm thanh tịnh, ít muốn, nghiêm trì giới luật, có tâm từ bi thì hình dáng và tướng mạo của họ liền thay đổi, khiến cho mọi người nhìn thấy họ liền sinh tâm hoan hỉ.
Cho nên, khi bạn phát giác thân mình không nghe theo tâm, nhưng có tình huống tâm không do mình, cho dù tâm không thể điều khiển thân, hoặc thân không chịu sự chỉ huy của tâm; như thế thì không phải tự tại thật sự. Nếu bỏ mặc thân thì là sai lầm, chúng ta phải cẩn thận phân biệt.