SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

7. Thế nào là tu hành?

Tu hành chính là sửa đổi triệt để thói quen của chính mình, để cho mình làm một người có lí tính, có trí tuệ. Sửa đổi mình là tâm thái an nhiên khi đối diện mọi hoàn cảnh.

Có rất nhiều người cho rằng ăn chay, tụng kinh, lạy Phật sám hối, làm công tác từ thiện; thậm chí, tu thần thông, tu đạt được năng lực không cần đoán cũng biết; hoặc khai thông khí mạch trên thân, gọi đó là tu hành.

Thật ra, nói về tu hành rất đơn giản, chính là sửa đổi sự sai trái hành vi, ngôn ngữ của chính mình, thông qua bất kì phương pháp nào mà đạt được mục đích này, đó là tu hành.

Vì thế, trên đây nói tụng kinh, lạy sám, ăn chay, niệm Phật; tu những pháp này thật sự giúp cho thân tâm chúng ta được an lạc, yên ổn. Do đó, nó cũng là một phương pháp tu hành, nhưng không phải mục đích của sự tu hành. Việc này, chúng ta phải hiểu rõ rồi mới thực hành. Còn về tu thần thông, theo Phật giáo chỉ chủ trương nhân duyên, quả báo. Tất cả mọi việc đều do nghiệp lực trong đời quá khứ lôi kéo mà chịu quả báo hiện tại; chúng ta muốn tương lai thoát khỏi thì cũng phải dựa vào sự nỗ lực của chính mình mới dần dần chuyển biến tốt đẹp. Nếu chúng ta dựa vào thần thông thì chẳng giúp được gì.

Có rất nhiều người hát Phạm bái1 rất hay; họ tụng kinh, trì chú cũng rất thành thạo; như thế, tất nhiên là rất tốt, nhưng đây chỉ là bước đầu vào cửa tu hành, đó gọi là: “Tụng kinh không bằng hiểu kinh, hiểu kinh không bằng thực hành theo kinh dạy.” Kinh điển dạy chúng ta phương pháp tu hành. Chúng ta biết phương pháp, hiểu rõ phương pháp, vẫn phải từng bước thực hành chính xác thì mới đạt được lợi ích tu hành. Nếu như trong cuộc sống hàng ngày, trong lúc làm việc mà chúng ta vẫn giống như trước đây, động một tí thì oán trời trách người, càu nhàu suốt ngày. Như thế thì biểu hiện ăn chay, tụng kinh chỉ là công phu bề ngoài; còn về sửa đổi thói quen, hành vi của mình và quan niệm thì không có chút mảy may nào.

Chúng ta phải sửa đổi hành vi và quan niệm, đó chính là sửa đổi những thói hư tật xấu như tham, sân, si, mạn, nghi v.v…Khi sống chung với mọi người, không những chúng ta phải dùng tâm từ bi bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác, mà còn phải phát huy thông minh, tài trí của mình thì mới đem thành quả cống hiến cho mọi người. Bất cứ chỗ nào, lúc nào, chúng ta thường vận dụng lí tính và trí tuệ để giải quyết các loại phiền não. Cho nên, một người tu hành có định lực mạnh mẽ, chẳng những đối với mình có lợi ích mà hành vi, cử chỉ của họ cũng nhất định làm lợi ích cho người khác.

Trước đây, có chị vợ đến cầu xin tôi giúp đỡ, do chồng chị mê nhậu nhẹt, cờ bạc. Mỗi lần anh ta nhậu trở về nhà thì gây ồn ào, không những gà bay, chó chạy trốn mà ngay cả các con cũng sợ khi thấy ba về. Tôi hỏi:

– Vậy chị có muốn li hôn không?

Chị nói:

– Dạ, con hi vọng tìm cơ hội để cứu vãn cuộc hôn nhân và mái ấm gia đình.

Tôi đề nghị chị hãy chí thành tụng hai chục nghìn biến chú Chuẩn đề thì có khả năng chuyển biến tốt. Kết quả, chồng chị vẫn nghiện rượu như ngày nào, chẳng có thay đổi chút nào; ngược lại, chính chị thay đổi. Chị nói, sau khi tụng hai chục nghìn biến chú Chuẩn đề thấy tâm mình an ổn, tâm hoàn toàn yên tĩnh thì tâm từ bi và tâm trí tuệ giống như nước suối tuôn ra. Suốt ngày, chị không còn trách mắng chồng nữa, cũng không than thở số phận hẩm hiu, gặp phải ông chồng hung hăng, cờ bạc. Lúc này, chị hết lòng nuôi dưỡng ba đứa con, vẫn bảo các con chấp nhận sự không biết hối cải, ngu si đáng thương của ba.

Do đó, mỗi lần chồng chị uống say xỉn về, chị và các con không chạy trốn, cũng không cãi nhau; cả bốn mẹ con ân cần chăm sóc, sự quan tâm xuất phát từ đáy lòng họ. Dần dần, chồng chị biết hối cải, cảm thấy hổ thẹn khi gây ồn ào trong nhà. Bầu không khí trong gia đình chị cải thiện từ từ.

Thế nên, tu hành chính là thay đổi tận gốc thói quen của chính mình, để mình làm một người có lí trí, có trí tuệ. Thay đổi mình là tâm thái an nhiên khi đối diện hoàn cảnh. Như thế, khi gặp hoàn cảnh xấu, chúng ta cũng bình thản đối phó. Làm được như thế, không những giúp cho thân tâm chúng ta được an lạc, mà còn giúp cho người thân mở rộng trí tuệ, đạt được thân tâm an lạc. Đây chính là tu hành.