SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
6. Thế giới tương lai
Chúng ta không có biện pháp để ngăn chặn khoa học, kĩ thuật đừng tiến bộ, chỉ biết từ nguồn tâm thanh tịnh của mọi người mà bắt đầu nuôi dưỡng tinh thần giáo dục.
Thế kỉ 21 sẽ trở thành thế giới như thế nào, có rất nhiều người suy đoán, bàn tán xôn xao. Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng theo ý kiến ở các nước thì văn minh vật chất của thế giới tương lai sẽ càng ngày càng phát đạt, nhưng môi trường thiên nhiên lại càng ngày càng tồi tệ. Nhưng nói theo quan điểm Phật giáo, đó là tất nhiên, là quá trình thành, trụ, hoại, không. Khoa học kĩ thuật phát triển, chẳng qua là nâng cao đời sống hưởng thụ vật chất, tuy nó đem lại cho con người thuận lợi rất nhiều, nhưng cũng làm cho tâm linh con người cảm thấy trống rỗng, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng xa.
Do đó, tất cả mọi người quan niệm về thế giới, đối với người giữ thái độ lạc quan về tương lai dường như không nhiều. Nhưng khoa học, kĩ thuật có thật đáng ghét như thế không? Lại cũng chưa chắc, chỉ là chúng ta phải biết rõ về khoa học, kĩ thuật; tuy nó mang lại lợi ích cho con người rất nhiều, nhưng mặt trái của sự lợi ích thì nó có năng lực tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Việc này giống như khát nước mà uống máu của mình, là việc thật đáng sợ. Nhưng chúng ta không có biện pháp để ngăn chặn khoa học, kĩ thuật đừng tiến bộ, chỉ có từ nguồn tâm linh thanh tịnh của mọi người mà bắt đầu nuôi dưỡng tinh thần giáo dục.
Trước tiên, chúng ta không nên bi quan về tương lai như thế, nhưng phải có tâm lí chuẩn bị. Cho nên, chúng ta hãy liên tục giáo dục, truyền bá với tất cả mọi người, nói với họ hưởng thụ vật chất ở thế giới tương lai ngày càng sung túc, nhưng môi trường cuộc sống thì càng tồi tệ, tâm linh cũng ngày càng trống rỗng. Chúng ta chuẩn bị tâm lí như thế thì có năng lực đối diện sự thật; lại còn biết rõ sẽ xảy ra việc như thế. Sau khi xảy ra thì không nên đau khổ, căng thẳng, sợ hãi mà phải đối diện nó.
Mặt khác, chúng ta phải quyết theo tư tưởng “quí trọng phúc.’ Vật không dùng được thì không dùng; vật dùng ít thì dùng ít; vật có thể sử dụng từ từ thì dùng mãi cho đến khi không thể dùng được thì bỏ, là để giảm bớt tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, cũng ít xả rác để giảm bớt tàn phá môi trường thiên nhiên. Chúng ta làm được như vậy thì mới giữ gìn môi trường thiên nhiên được lâu dài; bằng không thì sẽ tàn phá rất nhanh. Bởi vì, một hạng mục tài nguyên thiên nào trên trái đất mà không có sử dụng tuần hoàn lâu dài thật sự.
Thế nên, nếu chúng ta muốn mọi người ở thế kỉ 21 được sống thoải mái một chút, vẫn thường ngắm cảnh non xanh nước biếc thì hãy bắt đầu ngay bây giờ hãy quí tiếc tài nguyên, phải quí tiếc phúc.