SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
5. Biết nhiều và sự chướng ngại từ tri thức
Chúng ta phải tận hưởng lợi ích của Phật pháp, vẫn phải xác thực theo lời Phật dạy để nỗ lực thực hành thật tu, thật chứng. Chúng ta thực hành một phần thì có thể nghiệm một phần.
Đối với người bình thường, phần đông là nói hay mà làm dở. Họ nói được, nhưng làm không được; người thông minh và phần tử tri thức đặc biệt là như thế. Những người này đọc sách nhiều, nên tư tưởng hiểu biết rộng, có cơ hội biết rất nhiều người; lại thêm thông minh, có khả năng học một biết mười, có thể nói họ giỏi hơn người khác. Nhưng chúng ta kiểm tra việc làm của họ, thường nói một đường, làm một nẻo. Tuy họ khẳng định tôn giáo, đối với xã hội có ý nghĩa giáo hóa thấu tình đạt lí, nhưng chính họ không tin tôn giáo. Họ cho rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội, cũng chính là một hiện tượng tâm lí.
Nhưng nói theo phần đông mọi người các tầng lớp trong xã hội thì tôn giáo có khả năng an ủi mọi người, ổn định xã hội; cho nên, tôn giáo là công cụ giáo hóa rất tốt. Nhưng họ cho rằng tự mình có một tiêu chuẩn đạo đức để yên thân gửi phận, không cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của tôn giáo. Hiện tượng này có thể nói là ‘sở tri chướng’ hoặc ‘tri kiến chướng’.
Sở tri chướng là bị tri thức học vấn che lấp bản tính thanh tịnh của mình, sinh ra quan niệm vào trước là chủ. Sau đó, đóng khuôn quan niệm này để phê bình, phủ định tôn giáo, gây trở ngại đạo đức thực tiễn và thể nghiệm trong tâm về tín ngưỡng tôn giáo. Họ tự cho mình đứng trên lập trường hoàn toàn khách quan. Thực ra, người trong cuộc có thể không khách quan, nhưng người ngoài cuộc bình luận không rốt ráo thì cũng chưa chắc là khách quan. Chỉ sợ mình hiểu biết hạn hẹp mà tự cho mình cái gì cũng biết, không những đối với mình hình thành sự chướng ngại mà còn hướng dẫn người khác sai lầm, trở thành chướng ngại tín ngưỡng tôn giáo.
Nói chung, phần tử tri thức của Trung Quốc học văn khoa đều có khuynh hướng lập trường không có tôn giáo, dường như mọi người tiếp nhận tư tưởng chủ nghĩa nhân văn thì dễ dàng, cho rằng tín ngưỡng tôn giáo và hiện thực nhân sinh đều không phù hợp; đặc biệt họ có rất nhiều thiên kiến về Phật giáo. Có người ngoài việc đối chiếu những quy tắc công trình khoa học, họ còn phải giữ vững quan điểm lịch sử duy vật, nhưng họ lại dễ dàng tiếp nhận tôn giáo. Cho nên, cũng có thể nói người học vấn cao thì có sở tri chướng, nhưng có rất nhiều người học rộng, vẫn chọn một tôn giáo để nương tựa suốt đời. Những năm gần đây, phong tục vẫn giống như thế, nhưng người trong nước hay ngoài nước, phần tử tri thức tin Phật, học Phật ngày càng đông.
Trong kinh Lăng-nghiêm có một đoạn Tôn giả A-nan tự thuật: “Tuy có đa văn, nếu không chịu tu hành, không nghe pháp thì giống như người nói ăn, nhưng không bao giờ no được.” Tôn giả A-nan là một vị học vấn giỏi nhất trong chúng đệ tử rất đông của Đức Phật. Nhưng Tôn giả phát hiện mình chỉ dừng lại ở trình độ ‘hiểu rõ’ Phật pháp, vẫn không thể cảm nhận thực tế cuộc sống để thể nghiệm được diệu dụng Phật pháp thật sự. Thế nhưng, Đức Phật thường khen Tôn giả A-nan là đa văn đệ nhất; cho nên đa văn cũng đáng được khen thưởng.
Nhưng mà đa văn vẫn phải thực tiễn, phải có kinh nghiệm hiểu biết nội dung. Người bình thường chỉ dừng lại theo thứ tự ‘biết’ và ‘hiểu’, giống như học giả khảo cổ khảo sát di vật văn hóa thời cổ, nhưng không thể trở thành cổ nhân. Cho nên, chúng ta phải tận hưởng lợi ích của Phật pháp, vẫn phải xác thực theo lời Phật dạy để nỗ lực thực hành thật tu, thật chứng. chúng ta thực hành một phần thì có thể nghiệm một phần. Bằng không thì trên phương diện tu hành thành tựu, cho dù là tiến sĩ Phật học, cũng chưa chắc bằng người không biết chữ.