Ai Đã Từng Buôn?
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Không hiểu sao tối nay tôi không ngủ được. Hình bóng cô già nua chầm chậm đi trên lối mòn Viên Chiếu khiến tôi nao lòng. Đã bao lần tôi định viết về cô nhưng cứ lần lựa mãi. Tôi tự nhủ: “Nhất định sáng mai sẽ sang thăm cô, vòi cô kể chuyện”.

Sáng sớm tôi giật mình khi thấy bóng dáng gầy guộc của cô hiện trước cổng (vọng tưởng mình linh thiệt!). Đợi cô ngư yên ổn trên chiếc võng trước hiên, tôi vào đề liền:

– Cô ơi! Kể chuyện cô cho con nghe đi! Chuyện đi buôn của cô đó!

Cô cười hiền lành hỏi:

– Buôn gì?

Xin mở ngoặc về chuyện buôn bán của người tu. Có lẽ vì người xưa đã “thõng tay vào chợ” nên kẻ hậu sinh bây giờ phải “tay ôm… vào chợ”.

Tôi cũng từng đi “buôn” nên rất cám cảnh với cô. Chẳng là lúc trước khi làm rẫy trồng được bạc hà béo tốt, chị Thủy nhìn tôi đi tới đi lui chướng mắt bèn phán một câu xanh dờn:

– Mai em mang rau ra chợ bán, tập công pha đụng cảnh cho quen, đổi phiên thay Hạnh Pháp thử coi!

Mặc dù Hạnh Pháp đã nhanh nhẹn bó bạc hà thành những bó nhỏ xinh xắn và chỉ cách bán bưng giúp tôi, song tôi vẫn đau khổ ngầm với nghề buôn bất đắc dĩ.

Mới bốn giờ ba mươi sáng, trời tháng mười đêm dài nên hãy còn tối thui. Tôi đội thúng rau trên đầu, một mình lủi thủi ra khỏi chùa. Đường đi thấy lờ mờ, đoạn đường từ nhà ra tới chợ ngót hơn hai cây mà sao dài đăng đẳng (lúc ấy chợ còn mang tên Thái Thiện, chưa dời; chỉ qua cái cầu là tới. Trái tim tôi cứ dội lên dội xuống thình thịch nghe lùng bùng cả lổ tai. Phần lũ chó hễ thấy bóng người là sủa nhặng cả lên. Cái tuổi mười lăm mười sáu thuở ấy không giúp tôi giũ vỏ hết cơn sợ. Tôi sợ ma, sợ chó, sợ người, sợ… lung tung nên càng thấy lạnh lẽo thêm khi sương khuya cứ vô tình rơi xuống ướt đẫm.

Rồi tôi cũng ra tới chợ. Bà bán đậu hũ hiền lành nhường tôi một chỗ ngồi. Trời vừa sáng đủ thấy mờ mờ mặt người. Tôi ngồi chồm hổm cạnh thúng rau. Trí óc lo ôn lại lời dặn của Hạnh Pháp:

– Nhớ nói hai đồng một bó nghe, mà người ta mua năm đồng thì bán cho họ ba bó!

Và tôi chuẩn bị mời chào.

Vừa định mở miệng thì tự dưng quai hàm tôi cứng ngắc. Chỉ khi khách đi qua rồi tôi mới bật ra được thành lời, nhưng âm thanh lớn chỉ đủ cho lỗ tai tôi nghe. Buổi chợ mai quá sớm cộng với cái chỗ ngồi khuất khiến khách và tôi không kịp thấy nhau. Thêm cái nón trên đầu che lụp xụp cốt để giấu nỗi xấu hổ cho tôi và nó cũng giấu luôn dùm cái mặt tôi nên người mua nếu không để ý là chẳng thấy tôi ngồi với thúng bạc hà. Cuối cùng thì tôi cũng bán được nửa thúng (gặp tay Hạnh Pháp thì giờ này đã hết sạch). Tôi về tới chùa thì trời đã gần trưa. Chị Thủy đón tôi với câu chào:

– Ế! Ế! Cái mặt bán ế! Dở ơi là dở!

Đó là chuyện một lần đi buôn của tôi. Còn cô dĩ nhiên là nhiều lần và chuyện của cô tôi chỉ biết đôi chút.

Hồi ấy, nghĩa là cách đây hai mươi mấy năm, cô thường trụ ở cái cốc trên núi nhưng thỉnh thoảng cũng xuống Viên Chiếu ngụ với chúng tôi cho vui. Thời ăn độn khó khăn ai cũng vất vả. Tuổi cô trên sáu mươi nhưng cô vẫn quyết định chia xẻ gian khổ với chúng tôi bằng cách đi bán cơm rượu.

Những buổi trưa công tác xong chúng tôi thường xúm xít phụ cô vò viên cơm rượu và đôi lúc cũng ăn ké luôn những chén cơm rượu thơm nồng, ngọt lịm.

Sáng sớm, cô ôm thẩu cơm rượu rời chùa đi mời từng nhà, ai gọi vào thì cô bán. Sự chịu khó của cô làm tôi se lòng và tới giờ tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu sao lúc ấy bọn tôi không ai cản ngăn để cô bớt nhọc nhằn? Cô là thân mẫu cô Đức, cô Đức lúc ấy đang làm huynh trưởng (tức chị đầu đàn). Chị đầu đàn ngày ngày còn phải vác cuốc ra ruộng tắm mình với bùn sình… và có lẽ do chúng tôi còn ăn rau rừng nên cô còn phải một mình lang thang với thẩu cơm rượu.

Nghe kể cô đi tu từ lúc cô Đức còn bé tí. Vậy mà tới giờ tất cả chúng tôi vẫn gọi cô bằng tiếng “cô” ngọt ngào. Dường như trong tiếng gọi đó, tôi cảm thấy ấm áp, chan chứa tình thân và có cảm giác mình được ké luôn “cô” của huynh trưởng.

Khi cô ra bán ngoài chợ, mấy bà hàng rau vốn hảo món cơm rượu cô làm nên kháo nhau mua ăn rất đông. Nhờ vậy cô thường được về sớm.

Một bữa, cô bày hàng cạnh con nhỏ bán bánh bò. Đang bán rất đắt khách thì có một bà già tới kêu:

– Bán cho tôi năm xu coi!

Ăn xong bà đòi múc thêm chén nữa rồi chê:

– Hồi nãy thì ăn thấy được! Giờ sao đắng nghét, có đổ cho chó nó cũng không thèm ăn!

Rồi bà dằn mạnh chén xuống trông rất dữ.

Cô nói với bà:

– Nếu ăn không được để tôi ăn. Tôi không dám lấy tiền bà đâu. Tôi chỉ lấy tiền chén ăn được thôi!

Tôi thắc mắc hỏi cô:

– Rồi cô có ăn chén của bà ấy không?

– Đâu có! Cô nói vậy cho êm chuyện, đọi bà ấy đi cô lén đổ bỏ chứ!

Mấy người bán hàng quanh đấy giải thích với cô:

– Cái bà già này tánh ngộ lắm chỉ thích mua chứ không ưa trả tiền! “Bả” là bà nội con nhỏ bán bánh bò. Tại khách ăn cơm rượu nhiều làm hàng bánh bò bị ế nên “bả” ghét, “bả” kiếm chuyện gây vậy đó! Mai cô qua chỗ tụi tôi ngồi bán, kẻo không lại bị ăn hiếp nữa!

Viết đến đây tôi muốn tặng cô bốn câu thơ cải biên:

Cơm rượu mang ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Hé môi mời người thế
Bị chửi, cười… cho qua

Đó là những chuyện tôi biết được về cô. Giờ ngồi cạnh cô tôi tranh thủ tọc mạch thêm:

– Cô kể chuyện đi buôn nào mà con chưa biết đi cô!

Cô cười chìu ý:

Hồi ấy mới giải phóng xong, gặp năm thất mùa đói kém, chật vật lắm mới có được miếng ăn. Cô già rồi nên không thể lao động nặng được. Đang kiếm cách mưu sinh thì tình cờ gặp mấy người vấn thuốc lá. Cô lân la hỏi thăm, họ liền đề nghị cô bán thử. Nghĩ có việc cũng có tiền nên cô nhận lời.

Cô mang thuốc xuống núi bán, thuốc lúc ấy rẻ lắm; một đồng một gói mà ít người mua. Cô cứ mời khách hút thử, hễ được cô mới tính tiền. Khách thấy tội, vui vẻ mua dùm.

Lần sau cô đến mời mua thì khách ngạc nhiên hỏi:

– Lúc nãy có người mang thuốc tới bán, nghĩ là của cô nên tôi mua giúp rồi. Thế thuốc ấy có phải của cô không?

Nghĩ ai cũng cần bán thuốc nên cô gật đầu, cám ơn khách cho qua chuyện. Thật ra mấy người vấn thuốc thấy cô bán được bèn dò la rồi cho người đến bán trước cả.

Vậy là cô đi ra Bến Đình bán, không rành đường nên cô đi lạc tới ngã Năm (cô có một điểm ngộ kỳ lạ là không nhớ đường. Nếu cô muốn về Vũng Tàu, từ Viên Chiếu ra đón xe nếu chúng tôi không theo canh chừng thì cô có thể ngồi lộn trên tuyến về Sài Gòn). Cô cứ lựa tiệm chạp phô mà vô mời. Gặp một bà già trong tiệm nọ vừa xem thuốc đã lắc đầu nói:

– Thuốc này ở đây không ai hút đâu, bán không được!

Cô kiếu bà rồi đi ra. Đi tới đi lui một hồi lại thấy có tiệm chạp phô nữa cô mừng quá bước vô, bà hàng trừng mắt nhìn cô gắt:

– Hồi nãy bà mời rồi, tôi nói không mua được, vậy mà bà vẫn vô nữa là sao??

Hoảng hồn, cô chào bà rồi vội vã rời tiệm. Lòng tự trách không phẩn biệt kỹ để xảy ra lầm lộn. Ngặt nỗi đường đi ngõ quẹo lung tung khiến cô càng khó nhớ. Lần này gặp tiệm chạp phô nữa, cô e dè ngắm thật kỹ. Thấy tiệm này chỉ có một bé gái trông coi. Yên tâm là tiệm lạ nên cô mạnh dạn bước vô mời. Chợt nghe con bé gọi: “Má ơi”!… tim cô tự nhiên đập thùi thụi. Mà đúng thiệt!… không xong rồi! Bà già khi nãy đã bước ra, trên tay còn cầm đôi đũa… nhác thấy cô, bà nộ khí xung thiên, hét:

– A! Cái bà này! Tui nói bán không được mà cứ nhào vô hoài!??

– Dà! Dà! Xin lỗi bà! Tôi đi ra liền đây!

– Chứ không đi ra thì ở đây giỡn với tôi chắc? Ra vô đâu phải ít! Ba lần rồi! Người gì kỳ ôn!

Bà hàng xóm thấy ầm ĩ, chạy qua hỏi thăm; biết cô không rành đường nên khuyên can:

La gì dữ vậy? Người ta tu trên núi xuống bán, đâu có rành đường?

– Bán buôn gì kỳ cục! – Bà chủ tiệm hét to – “Bả” cứ dẫn xác vô đây hoài! Sáng sớm mới mở cửa hàng đã thấy “bả”, giờ trưa cũng gặp “bả”. Tôi mắc nấu cơm, ai ở không mà giỡn cù cưa cù nhầy!??

Thấy cô quýnh quáng kiếu từ, bà láng giềng tội nghiệp mua dùm ít thuốc.

Cô về tới chùa thì trời đã trưa lắm. Nghĩ bán thuốc không ổn, cô xoay qua bán chả.

Cô đem mấy đòn chả xuống chợ bán. Mấy bà hàng ở đó thích lắm, xúm nhau đặt và dặn cô đem tới nhiều cho họ.

Hôm sau, sáng sớm cô mang tới đủ y như họ dặn nhưng không ai mua. Chẳng phải họ làm ngơ, mà tại cô tới trật chỗ. Cô quên hẳn chỗ của những người đã đặt hàng và không tài nào kiếm ra. Vậy đó, hàng lớp bán, lớp ế; tất cả đều tại cái tật không nhớ đường của cô. Mà ngộ, kinh sách cô nhớ hết, chỉ có đường xá là không sao nhớ nổi.

Dẹp nghề bán chả, trong cốc còn nửa lon gạo cô không dám nấu, ăn trái mít ướt người quen cho đã đủ no. Có người mách dưới núi vừa mở lò bánh tiêu giò chéo quẩy và rủ cô đi bán; nghĩ mình đi bán kiếm nửa lon gạo ăn cũng đỡ. Thầy Viện chủ còn phải trồng tỉa; cô không trồng được, thì thôi đành phải đi bán vậy.

Bánh tiêu lãnh mười hai cái, bán hết thì lời được một cái. Mới đầu cô bán đắt lắm, bán xong là đến đưa tiền cho chủ ngay. Chủ lò thấy cô bán được nhanh liền ngầm cho con theo dõi rồi nhanh chân đem hàng đến bán trước; thế là cô mất mối, bán ế nhệ. Cô ôm thúng bánh quay về chùa, đang lay hoay chưa biết phải làm sao thì may gặp Diệu Hảo, Hảo liền đi bán dùm cho cô.

Vậy là xong! Nghề nào cũng không bền!

Kể đến đây giọng cô bùi ngùi:

– Nghĩ tội Diệu Hảo, tình nghĩa lắm! Y đi rồi cô vẫn còn nhớ, cô có làm bài thơ tặng y:

Hảo ơi,
Nhớ khi lần bán bánh tiêu
Vì lòng trắc ẩn quạnh hiu tuổi già
Cánh hồng bay bổng phương xa
Lão nay tám mốt, biết là gặp chăng?

Tôi hỏi:

– Năm nay cô bao nhiêu rồi hả cô?

– Tám mươi lăm! – Cô đáp gọn.

– Tám mươi lăm! Đoạn thứ ba trong Tứ Đế mà cũng gần đoạn cuối cuộc đời. Cô đã là một bóng cả cây cao trong khu vườn Viên Chiếu. Nói đến bán buôn nào có ai lạ lùng gì? Điều khiến tôi cảm xúc là cách cư xử của cô.

Tôi thường bảo các em mình:

– Có tật thì lo mà sửa khi còn trẻ, thắng còn ăn; về già giây thần kinh lờn, thắng không được, tật nhẹ sẽ thành nặng… chừng đó mắc công người ta trách; “già sinh tật”, không những khổ mình mà làm khổ lây cả người xung quanh.

Nhưng… dường như bọn trẻ chúng tôi không phải “tinh hoa” mà là “tật” thường… phát tiết sớm? (vì “hậu sinh khả úy” mà).

Có lần cô bảo tôi:

– Sợ lắm con à! Cô nghĩ mình còn khoẻ mà để mấy em giặt giũ, săn sóc; cô chịu không nổi! Giờ còn khoẻ cô còn tự làm được, bao giờ suy yếu quá rồi hãy tính!

Ôi trời! Nỗi ngại ngùng của bà lão trên tám mươi luôn đặc biệt hơn thế hệ trẻ chúng tôi. Tôi mà được em nào chăm sóc là mũi cứ hỉnh thầm, ngỡ mình phước như Đông hải chứ đâu sợ bị hao mòn phước như tư duy của cô?

Tôi thích nghe giọng nói hiền lành nhẹ nhàng của cô. Âm thanh chất chứa nỗi niềm rất thật. Dù cô già, tôi vẫn thấy bàng bạc nét vô tư của trẻ thơ. Nhiều lúc tôi tự mình: “Giả như tôi gặp chuyện in cô, tôi sẽ xử sự ra sao?” chắc chắn tôi không có được nét khiêm cung đáng quý ấy. Năm năm, mười năm, hai mươi năm; nếu tôi không nhìn lại mình, không cố gắng tu sửa thì tánh tật vẫn còn nguyên như cũ, mỗi ngày chồng chất nặng thêm hơn.

Tuổi trẻ ngũ quan còn tinh anh, như một chiếc xe mới ráp. Tuổi già giống như xe cũ mòn, bánh yếu; sườn cong. Vậy mà thuở trên lục tuần cô xử sự hãy còn rất tinh anh. Tôi là người thời nay, tôi không hoài cổ đi tìm những gì ngoài tầm mắt. Tôi thích những điều thật, gần gũi, đang xảy ra trong cuộc sống. Và nếu mỗi người vốn là một vị Phật (dù là Phật đương lai) thì tôi không hổ mặt khi nhìn nhận mình ngưỡng mộ cô.

Thuở còn ở Bát Nhã, sau những lúc lao tác mệt mỏi tôi thường thả bước chân mình lang thang đến cốc cô. Thường thì tôi luôn được cô hỏi thăm:

– Con đói không? Cô có bánh cho con đây!

Lúc ấy, cô như là bụt của tôi, bụt của tuổi nhỏ. Và với tôi bụt thì lúc nào cũng có quà bánh. Nên khi nghe cô kể có lúc còn nửa lon gạo không dám nấu… tôi đã giật mình xót xa, lòng lo lắng thầm; không hiểu trong những lần đến thăm bụt, có khi nào “vô tư hóa vô tình”, tôi đã để bụt đói vì nhịn cho mình không?? Tôi biết không riêng gì tôi, mà gặp bất cứ ai, cô đều tiếp đón bằng cả một tấm lòng.

Bây giờ tôi chỉ cách cô một con đường, một rào chắn; tôi ít thăm viếng cô. Tôi biết tuổì già của cô sẽ rất an ổn bên “Huynh trưởng” cùng đại chúng.

Những gì cô để lại trong tâm tôi thật khó phai, cô đã đi những bước bình dị nhưng thật tuyệt trong cuộc sống.

Sẽ vắng biết bao, buồn biết bao và đáng tiếc lắm nếu như ngày nào đó những bóng cây cao không còn hiện diện để tiếp thêm sự ấm áp cho Viên Chiếu.

Nên, những dòng này tôi xin được dành tặng riêng cho cô.

5.5.97 Â.L