Mưa Đầu Mùa
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Mây đen vẫn vũ giăng kín một góc trời. Vài tia chớp lập loè hiện lên từ xa. Nhưng ở đây nắng còn lì lợm trải vàng nửa khoảng sân. Gió thổi mạnh hơn, xua mây tan đều chuẩn bị cho cơn mưa đẫm khắp. Mưa rớt nặng hạ, nắng đành chào thua, biến mất. Viên Tánh đang đi thăm dừa, lẹ làng chạy vào chỗ tôi trú ẩn.

Cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi bầu không khí oi bức. Cảnh vật có vẻ trầm buồn, hiền hòa hơn. Lặng ngắm màn nước trắng xóa, Viên Tánh băn khoăn hỏi tôi:

– Vọng tưởng sao mà lâu hết quá cô? Không biết ở đâu trong trí mình mà cứ kéo về cả nùi, cả nùi!?

Tôi bật cười. Bởi vì những thao thức của em cũng giống như tôi hồi xưa. Ai mới nhập môn vào đạo thường tức mình vì cái chuyện vọng tưởng không chịu lặng mà cứ lao xao trong tâm trí.

Tôi bảo Viên Tánh:

– Em biết chư Tổ hay quở mình lỗi gì không?

– Lỗi gì hả cô?

– Tham lam! Các ngài nói mình bình thường không chịu tu. Tới lúc bắt đầu tu thì có cái tật nôn nóng muốn mau thấy kết quả liền. Mà kết quả chưa tới thì chán nản rồi… làm biếng trở lại!

Viên Tánh cười:

– Giống như vừa gieo hạt là muốn cây mọc, trổ trái liền hả cô?

– Ừa! Chẳng chịu đợi thời gian! Một cây sầu riêng cũng phải mất mấy năm gieo trồng mới trổ quả – quả Phật còn khó hơn! Cứ kiên nhẫn hành trì theo dõi tâm, “không theo vọng” thì lâu ngày chầy tháng kết quả cũng tới khi đúng thời đúng lúc.

– Cô nói hay quá!

– Chư Tổ nói chứ không phải chị nói!

Tánh lại cười. Em phỏng vấn tôi:

– Cô đi tu hồi bao nhiêu tuổi?

– Mười sáu!

– Sướng hen?Hồi đó cô nghĩ sao mà đi tu?

– Hả? – À, nhà nghèo, không đủ tiền mua xà bông. Nghe nói cạo tóc gội đầu ít tốn xà bông lại mát mẻ nên chị mừng quá xin xuống tóc…

Đợi trận cười giòn giã của Tánh chấm dứt, tôi phỏng vấn lại:
– Còn em sao đi tu vậy?

– Em hả, duyên mà cô! Đủ duyên là “nó” khiến mình vô chùa hà!

Và Tánh kể tôi nghe chuyện nhà em:

– Cô biết không, cách đây lâu lắm (chắc cũng bốn mươi năm) ông nội em có lò heo ở Đồng Tháp. Ông thường vô trong kinh rạch tìm mua heo cho được lợi giá, ông không giết heo chỉ mướn thợ làm. Một ngày mổ thịt cả chục con heo!

– Ghê quá! – Tôi chen vào – Bộ không ai khuyên nội em bỏ nghề hả? Tội dữ lắm đó nghe!

– Dễ gì khuyên được cô ơi! Nghề mổ heo, bán thịt giàu dữ lắm. Công viẹc đem tới lợi bạc triệu mà kêu “buông!” để được tay trắng thì có mấy ai chịu nghe? Nội em giàu nhất nhì Sa Đéc lận đó. Chẳng ai có thể khuyên ông bỏ nghề! Vậy mà…

– Sao??

– Một sáng nọ ông đang ngủ, thợ chặt đầu heo xong chưa kịp treo lên còn để trên thớt. Ông xuống kiểm tra, dòm không thấy đầu heo mà chỉ thấy toàn là đầu người thân đã quá cố… Nội sợ quá… ngất luôn! Từ đó, ông bỏ hẳn nghề sát sinh, lo tu tâm dưỡng tánh, bố thí làm phước. Tới hồi sinh ra tụi em đòi đi tu, gia đình rất là mừng; vì nội đã hồi tâm hướng thiện. Chỉ còn gia đình ông Hai là cháu họ (kêu nội em bằng bác) vẫn tiếp tục hành nghề giết heo. Cô biết không, tới đời cháu nội ông Hai sinh ra, mặt mày rất giống heo. Có ba đứa cháu, mà hai cháu trai thì khật khùng; đứa cháu gái thì lại rất xấu xí.

Tôi nói:

– Vậy là ông nội Tánh có phước mới được cảnh báo cho tỉnh giác. Lại được thêm hai đứa cháu đi tu! Chị thấy mấy người giết heo tới hồi chết cũng khổ lắm!

– Cô thấy sao?

– Hồi nhỏ ở xóm chị có ông Ba Bạch làm nghề mổ heo. Tới lúc bệnh ngặt toàn thân chảy nước vàng ruồi dòi rút rỉa rất đau nhức mà không chết được. Cổ họng thì cứ kêu ục ục. Người nhà phải rước thầy tụng kinh, cho để cái dao trên cổ ổng và hứng cái chậu dưới đầu thì ổng mới chết được.

Tánh đồng tình:

– Dạ có thiệt đó cô! Bởi vậy giờ em sợ chết chóc lắm. Không biết báo ứng đời sau thế nào chứ hiện tại cũng thấy ghê ghê!

Tôi sực nhớ, bảo Viên Tánh:

– Hôm qua chú Phú kể chị nghe bà T. là bà mụ ở xã mình, cách đây ba tháng bà đi chợ mua thịt ăn, mà hễ cứ nhìn thịt là thấy thành thịt người, bà sợ tới rởn óc phát bệnh luôn.

– Sao kỳ vậy cô?

– Chú Phú nói bà làm nghề đỡ… nhưng do nạo thai nhiều, con nít chết dữ quá nên nó ám. Chú khuyên bà từ nay chỉ giúp người chứ không làm việc tổn hại nữa và chịu khó ăn chay thì may ra… Bà T. sợ quá nghe theo. Ăn chay được ba tháng thì hết thấy kỳ cục nữa.

– Rồi bà có ăn mặn lại không cô?

– Chị không rành, chỉ nghe kể bấy nhiêu thôi!

– Ngẫm nghĩ Phật khuyên mình đừng sát sinh cũng đúng quá cô há?

Dĩ nhiên rồi. Chư Tổ nói ăn thịt thực ra là “người ăn người”. Chữ Nhục của Hán tự cũng bao gồm ý ấy, chữ này có hai bộ nhân ở trong cái miệng hả ra, ám chỉ “người nuốt người”.

– Nói vậy chứ không ai tin đâu cô ơi!

– Nhưng chị tin chắc một điều là ăn thịt rất độc! Vì khi bị giết con vật oán hận, lòng căm thù sân giận của nó tiết ra, nên ăn vào là ăn phải thịt độc rồi! Chưa kể chuyện “bò điên” ở Anh, rồi năm ngoái ở chợ Đồn người ta mách chị là heo bị Sida nữa đó!

– Hi hi! Heo mà cũng bị Sida? – mới nghe lần đầu.

– Ờ, lúc đó Phật tử ra chơi họ khoe đang ăn chay, vì heo chân tay bị mủ ai thấy cũng ớn nên kiêng cữ hết!

Rồi tôi trêu Tánh:

– Nè, may mà ông nội bỏ nghề nên Tánh có phước được mặt mũi sáng láng dễ coi. Chứ nếu không…

Tánh cười to:

– Nếu không, lỗ tai em sẽ có vài cọng lông heo và em sẽ xấu đau xấu đớn hả cô?

– Ờ! – Tôi không nín cười được – Cơn mưa đã tạnh, Tánh chào tôi ra về. Đùa với em cho vui, nhưng lòng tôi lại âm thầm xót xa.

Những điều Phật dạy thật giản dị. Vậy mà nói ra thật khó. Khuyên người thực hành càng khó hơn. Bất giác tôi rùng mình lẩm bẩm:

– Cầu cho con đời đời ăn chay, đừng có ngu muội giết bất cứ con gì.

Tháng 4/1999

Dường như là một cơn mơ
Lênh đênh dặm khổ ai ngờ không hoa
Nửa chừng ta lại gặp ta
Vẫy tay rũ sạch trần xa thuở nào.