SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
2. Phiền não nổi lên như sương mù che mây
Chúng ta học Phật là học trí tuệ của Đức Phật, biết rõ nguyên nhân phiền não khởi lên mà đối diện nó, tiếp nhận nó, xử trí với nó, buông bỏ nó.
Thế giới chúng ta đang sống, đều là thế giới chính mình được thể nghiệm, chưa chắc gì người khác cũng có kinh nghiệm giống nhau. Thế nên, ông nói, ông cho là có lí; bà nói, bà cho là có lí. Nếu như mỗi người đều chấp ý kiến của mình, ai cũng không chịu nhường nhịn; như thế sẽ chống đối nhau mãi mãi không ngừng. Có rất nhiều sự xung đột, tranh chấp là do như thế. Chúng ta cần biết rõ tính yêu thích chủ quan của mình, chính là do tâm phân biệt, hễ có tâm phân biệt thì có chấp trước, phiền não liền theo.
Chúng ta suy nghĩ những thứ phiền não này đều chẳng phải từ hoàn cảnh bên ngoài, mà hoàn toàn là do chính mình chuốc lấy. Giống như mây mù, mưa móc đều giăng khắp mặt đất, nhưng bầu trời xanh ẩn trên tầng mây, không bị khí hậu ở mặt đất làm thay đổi, gây trở ngại, mãi mãi trong xanh. Trí tuệ thanh tịnh, tâm từ bi của chúng ta, giống như bầu trời trong xanh. Nhưng chúng ta bị hiện tượng hoàn cảnh bên ngoài mà sinh ra tâm phân biệt, tâm sân hận, giống như mây mù giăng khắp mặt đất, che lấp trí tuệ thanh tịnh, tâm từ bi vốn có của chúng ta.
Theo cách nhìn thông thường của mọi người, dường như những gì phiền não gây ra không thuận lợi đều do người khác tạo thành. Như có một người đang đi trên đường bình yên, bỗng bị người kia lái xe đụng vào bị thương tích, ngã té nhào thì người ấy có đúng không? Người kia có nghĩ đến lỗi mình không? Người bị xe đụng té, thân thể đã bị thương tích. Nếu như người này vẫn oán trời trách người, khiến cho phiền não giày vò mình thì ngay lúc ấy tâm lí cũng bị thương tổn. Như thế chẳng phải liền bị gục ngã đó sao? Cho nên Phật pháp dạy chúng ta phương pháp đoạn trừ phiền não, chính là dạy chúng ta đừng bị ảnh hưởng hoàn cảnh thay đổi. Vô duyên, vô cớ bị xe đụng gây thương tích, thì hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ, vẫn phải báo liền với công an. Mục đích chúng ta báo cho công an biết không phải báo thù, mà là dựa vào tâm từ bi; người đó phạm sai lầm, cần phải bị luật pháp trừng phạt, không thể để họ chạy trốn, để tránh việc họ biết sai mà không sửa, lần sau vẫn đụng người khác; vả lại, chính họ sớm muộn gì cũng sẽ bị người hại. Chúng ta xử sự như thế, tuy thân thể bị thương tích, nhưng trong tâm không có căm giận oán thù, tâm lí không có tổn thương, phiền não không khởi; tai bay vạ gió này chỉ nhỏ nhặt không đáng kể.
Có rất nhiều người nói, tôi là người tốt, vì sao tôi vẫn gặp nhiều khổ nạn như thế? Chúng ta phải biết, có thân vật chất thì có quả báo, có chướng ngại, giống như có đất đai, sông, núi thì có gió, mưa, mây, sương mù. Bậc chân tu cũng phải chịu quả báo. Đức Phật từng bị Đề-bà1 xô tảng đá văng bị thương, cũng từng mắc bệnh nặng. Mặc dù chịu quả báo và chướng ngại, nhưng tâm các ngài không bị phiền não đau khổ. Bậc chân tu khác với phàm phu ở chỗ này.
Có rất nhiều đến than thở với tôi. Họ nói, bản thân ăn chay, niệm Phật, hết lòng giúp đỡ mọi người, nhưng trong nhà vẫn xảy ra tai nạn bất hạnh. Do đó, họ cho rằng ăn chay, niệm Phật làm việc thiện đều vô ích. Hàng phàm phu gặp khổ nạn thì tín tâm liền thoái chuyển. Bậc chân tu buông xả tự ngã, không bị phiền não làm chướng ngại. Chúng ta học Phật, là phải học tập trí tuệ của Phật, biết rõ nguyên nhân phiền não khởi lên mà đối diện nó, tiếp nhận nó, xử trí với nó, buông bỏ nó. Phật pháp rất dễ, nói tới nói lui đều là những đạo lí này, chỉ cần chúng ta thực hành thật sự thì được an lạc.