Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch

 

2. Hai Hạnh

Thiện Đạo Hòa Thượng thiết lập hai hạnh chánh và tạp, mục đích là muốn hành giả bỏ tạp hạnh, tu chánh hạnh.

Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, quyển bốn nói:

Từ công hạnh thiết lập tín tâm, thế nhưng công hạnh có hai loại, một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh.

Chánh hạnh, tức là y chỉ vào các kinh Vãng sinh mà tu tập. Đây là thế nào? Một là nhất tâm chuyên tụng Quán Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, v.v…, hai là nhất tâm chuyên chú suy ngẫm, quán sát, ức niệm sự trang nghiêm của chánh báo và y báo của cõi Cực Lạc, ba là nếu như lễ lạy, thì chỉ chuyên tâm lễ lạy Đức Phật A Di Đà, bốn là nếu như xưng danh, thì chỉ nên nhất tâm xưng tán danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, năm là nếu như tán thán cúng dường, thì chỉ nên nhất tâm tán thán cúng dường Đức Phật A Di Đà. Đây gọi là chánh hạnh!

Lại nữa, trong phần chánh hạnh, lại có hai loại, một là nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức A Di Đà, đi đứng nằm ngồi, bất luận thời gian dài ngắn, niệm niệm không quên, đây gọi là nghiệp chánh, thuận theo bổn nguyện của Đức A Di Đà. Còn như lạy Phật, tụng kinh, v.v…, thì gọi là nghiệp phụ. Ngoại trừ hai nghiệp chánh, phụ này ra, tất cả các hạnh lành khác đều gọi là tạp hạnh.

Nếu tu hai nghiệp chánh, phụ, thì tâm thường thân cận Đức A Di Đà, nghĩ nhớ không gián đoạn, đây gọi là tâm không gián đoạn. Nếu như tu tập tạp hạnh, thì tâm sẽ thường gián đoạn, tuy có thể hồi hướng vãng sinh, nhưng gọi là hạnh tạp nhạp.

Lời bàn: Đoạn văn này có hai ý, một là nêu rõ hành tướng của sự vãng sinh, hai là phán định sự được, mất của hai hạnh chánh và phụ.

(A) Nêu rõ hành tướng của sự vãng sinh:

Theo ý của Hòa thượng Thiện Đạo, công hạnh vãng sinh tuy nhiều, có thể chia làm hai loại, (1) chánh hạnh, và (2) tạp hạnh.

(1) Chánh hạnh. Ở đây có hai nghĩa khai và hợp. Trước tiên, khai làm năm loại, sau đó hợp thành hai loại.

1. Khai làm năm loại, tức là (a) chánh hạnh đọc tụng, (b) chánh hạnh quán sát, (c) chánh hạnh lễ bái, (d) chánh hạnh xưng danh, (e) chánh hạnh tán thán cúng dường.

2. Chánh hạnh đọc tụng: Chỉ đọc tụng Quán Vô Lượng Thọ Kinh, v.v…, tức là như văn đã nói: “Nhất tâm chuyên tụng Quán Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, v.v…”

3. Chánh hạnh quán sát: Chuyên tâm quán sát y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc, tức là như văn đã nói: “Nhất tâm chuyên chú suy ngẫm, quán sát, ức niệm sự trang nghiêm của chánh báo và y báo của cõi Cực Lạc.”

4. Chánh hạnh lễ bái: Chỉ lễ lạy Đức A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu như lễ lạy, thì chỉ chuyên  tâm lễ lạy Đức Phật A Di Đà.”

5. Chánh hạnh xưng danh: Chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu như xưng danh, thì chỉ nên nhất tâm xưng tán danh hiệu của Đức Phật A Di Đà.”

6. Chánh hạnh tán thán cúng dường: Chỉ tán thán, cúng dường Đức A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu tán thán, cúng dường, thì chỉ nên nhất tâm tán thán, cúng dường Đức Phật A Di Đà, đây gọi là chánh hạnh.

Nếu chia “tán thán cúng dường” ra làm hai, thì sẽ có sáu loại chánh hạnh. Hiện nay hợp làm một, thành thử chỉ có năm loại.

7. Hợp làm hai loại, tức là (a) nghiệp chánh, (b) nghiệp phụ.

8. Nghiệp chánh. Trong năm chánh hạnh trên, hạnh thứ tư “xưng danh” là nghiệp chánh, như trong văn nói: “Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức A Di Đà, đi đứng nằm ngồi, bất luận thời gian dài ngắn, niệm niệm không quên, đây gọi là nghiệp chánh, thuận theo bổn nguyện của Đức A Di Đà.”

9. Nghiệp phụ. Ngoại trừ xưng danh, các hạnh còn lại như đọc tụng, v.v…, đều là nghiệp phụ, như văn có nói: “Các hạnh như lạy Phật, tụng kinh, v.v…, đều gọi là nghiệp phụ.”

Hỏi: Tại sao trong năm loại, chỉ có xưng danh niệm Phật được coi là nghiệp chánh?

Đáp: Đây là thuận theo bổn nguyện của Đức  Phật A Di Đà, ý muốn nói xưng danh chính là bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, cho nên người tu nương vào bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, ắt sẽ vãng sinh Cực Lạc. Ý nghĩa của bổn nguyện, phía dưới sẽ nói rõ.

(2) Tạp hạnh. Như văn nói: “Ngoại trừ hai hạnh chánh và phụ này, tất cả hạnh lành khác đều gọi là tạp hạnh”, ý muốn nói tạp hạnh nhiều vô lượng, không thể nói hết, thế nhưng ở đây nói đến năm loại chánh hạnh là để nêu lên năm loại tạp hạnh.

1. Tạp hạnh đọc tụng: Ngoại trừ các kinh Tịnh Độ, như Quán Vô Lượng Thọ Kinh, v.v…, nếu đọc tụng thọ trì các loại kinh Đại, Tiểu thừa, hoặc Hiển, hoặc Mật, đều gọi là tạp hạnh đọc tụng.

2. Tạp hạnh quán sát: Ngoại trừ y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc, còn tất cả những quán hạnh, hoặc sự hoặc lý, hoặc Đại thừa, hoặc Tiểu thừa, hoặc Hiển, hoặc Mật, đều gọi là tạp hạnh quán sát.

3. Tạp hạnh lễ bái: Ngoại trừ lễ bái Đức A Di Đà, còn lễ bái cung kính chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh lễ bái.

4. Tạp hạnh xưng danh: Ngoại trừ xưng danh Đức A Di Đà, còn xưng danh chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến danh hiệu của các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh xưng danh.

5. Tạp hạnh tán thán cúng dường: Ngoại trừ tán thán cúng dường Đức A Di Đà, còn tán thán cúng dường chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh tán thán cúng dường.

(B) Phán định sự hơn, kém của hai hạnh:

Nếu như tu tập hai hạnh chánh, phụ, tâm thường gần gũi Đức A Di Đà, nhớ tưởng không nguôi, đây gọi là hạnh không gián đoạn. Nếu như tu tạp hạnh, tuy cũng có thể hồi hướng vãng sinh, thế nhưng tâm thường gián đoạn, đây gọi là hạnh tạp nhạp.

Theo ý của đoạn văn vừa nói, đối với hai hạnh chánh tạp này, có năm cặp đối: (1) thân, sơ, (2) gần, xa, (3) gián đoạn, không gián đoạn, (4) hồi hướng, không hồi hướng, (5) thuần, tạp.

– Thân, sơ: Trước tiên, thân (thân thiết), nghĩa là hành giả tu hai hạnh chánh, phụ, sẽ rất thân thiết với Đức Phật A Di Đà, cho nên Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói: “Chúng sinh khởi tâm tu hành, miệng thường niệm Phật, Phật ắt nghe thấy, thân thường lạy Phật, Phật ắt nhìn thấy, tâm thường nghĩ Phật, Phật ắt biết rõ. Chúng sinh nghĩ Phật, nhớ Phật, Phật cũng nghĩ chúng sinh, nhớ chúng sinh. Ba nghiệp của đôi bên, không xa cách nhau.” Bởi thế, nên gọi là thân thiết. Kế đến, sơ (xa cách), nghĩa là tu tạp hạnh. Chúng sinh không niệm Phật, Phật không nghe thấy, thân không lạy Phật, Phật không nhìn thấy, tâm không nghĩ Phật, Phật không hay biết. Chúng sinh không nghĩ Phật, nhớ Phật, Phật cũng không nghĩ chúng sinh, nhớ chúng sinh. Ba nghiệp của đôi bên, thường cách biệt nhau, bởi thế nên gọi là xa cách.

– Gần, xa (Hán: viễn cận): Trước tiên, gần, tức là tu hai hạnh chánh, phụ, thì sẽ gần gũi Đức Phật A Di Đà, Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói: “Chúng sinh nguyện thấy Phật, Phật liền đáp ứng, hiện ra trước mặt “, cho nên gọi là gần. Kế đến, xa, tức là tu tạp hạnh. Chúng sinh không nguyện thấy Phật, Phật không đáp ứng, không hiện ra trước mặt, cho nên gọi là xa.

Ý nghĩa của thân và gần, tuy có vẻ giống nhau, thế nhưng, theo ý của ngài Thiện Đạo là chia làm hai trường hợp khác nhau. Ý chỉ này được nói rõ trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, bởi thế, ở đây dẫn ra để giải thích.

– Gián đoạn, không gián đoạn: Trước tiên, không gián đoạn, nghĩa là tu hai hạnh chánh, phụ, thì sẽ nghĩ nhớ Đức Phật A Di Đà không gián đoạn, cho nên gọi là tâm không gián đoạn. Kế đến, gián đoạn, nghĩa là tu tạp hạnh, thì ít nghĩ nhớ đến Đức Phật A Di Đà, cho nên gọi là tâm thường gián đoạn.

– Hồi hướng, không hồi hướng: Không hồi hướng, nghĩa là nếu tu hai hạnh chánh, phụ, thì không cần phải hồi hướng, mà tự nhiên trở thành nghiệp vãng sinh, cho nên Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói: “Trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, niệm mười danh hiệu Phật, tức là có đủ mười nguyện, mười hạnh. Niệm ‘A Di Đà Phật’ tức là hạnh, do ý nghĩa này “ ắt sẽ được vãng sinh.” Kế đến, hồi hướng, nghĩa là nếu tu tạp hạnh, cần phải hồi hướng thì mới thành nghiệp vãng sinh, nếu không hồi hướng, thì sẽ không trở thành nhân duyên cho sự vãng sinh, cho nên nói: “Tuy có thể hồi hướng vãng sinh.”

– Thuần, tạp: Trước tiên, thuần, nghĩa là tu hai hạnh chánh, phụ là hạnh thuần nhất để vãng sinh Cực Lạc, còn tu tạp hạnh, thì không phải là hạnh thuần nhất để vãng sinh Cực Lạc, mà là hạnh nghiệp chung cho trời người, ba Thừa, và sự vãng sinh các cõi Tịnh Độ ở mười phương, cho nên gọi là tạp. Bởi lý do này, các hành giả Cực Lạc cần phải bỏ tạp hạnh, tu chánh hạnh.

Hỏi: Ý nghĩa “thuần, tạp” này, trong các kinh điển khác, có chứng cứ hay không?

Đáp: Kinh luận Đại, Tiểu thừa, thiết lập hai môn thuần, tạp, trường hợp này không phải chỉ có một. Trong tám tạng của Đại thừa, có một tạng gọi là tạp, bảy tạng kia là thuần. Luật tạng có hai mươi kiền độ, mười chín kiền độ đầu là thuần, kiền độ cuối là tạp. Hai bộ Đường Cao Tăng TruyệnTống Cao Tăng Truyện đều lập mười phần, chín phần đầu là thuần, còn phần cuối là tạp. Đại Thừa Nghĩa Chương có năm tụ pháp môn, bốn tụ đầu là thuần, tụ cuối là tạp. Không những Hiển giáo, trong Mật giáo cũng có pháp thuần, tạp. Chẳng hạn như Phật Pháp Huyết Mạch Phổ của Sơn Gia Phái nói: “Thứ nhất, một bức Thai Tạng Giới Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ, thứ hai, một bức Kim Cang Giới Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ, thứ ba, một bức Tạp Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ. Hai bức đầu là thuần, bức cuối là tạp.”

Chứng cớ về thuần tạp tuy nhiều, ở đây chỉ đề cập một ít mà thôi. Nên biết ý nghĩa của thuần tạp, tùy thuộc vào pháp, không có ý nghĩa nhất định. Ở đây chúng ta dựa vào bổn ý của Hòa thượng Thiện Đạo, trên phương diện hành trì Tịnh Độ, mà bàn luận vấn đề thuần tạp. Hơn nữa, tên gọi thuần tạp này, không hạn cục trong nội điển, hoặc ngoại điển, mà có rất nhiều chứng cứ, vì sợ phiền toái, cho nên không bàn đến. Thế nhưng, bàn đến công hạnh Tịnh Độ, có thể chia làm hai hạnh, điều này không chỉ có ngài Thiện Đạo, mà ngài Đạo Xước cũng có cùng quan điểm, tức là công hạnh vãng sinh tuy nhiều, gom lại còn có hai: một là “niệm Phật vãng sinh”, hai là “vạn hạnh vãng sinh”, còn theo ý của ngài Hoài Cảm Thiền Sư, công hạnh vãng sinh tuy nhiều, gom lại cũng chỉ có hai: một là “niệm Phật vãng sinh”, hai là “chư hạnh vãng sinh.” Như vậy, cả ba ngài đều lập hai hạnh để bao quát công hạnh vãng sinh, điều này chứng tỏ các ngài đã thấu rõ ý chỉ thâm diệu của sự vãng sinh, còn các nhà chú giải khác thì không hẳn như vậy. Những hành giả Tịnh Độ phải nên suy ngẫm chính chắn điều này!

Vãng Sinh Lễ Tán nói: “

Nếu có thể hành trì như trên, niệm niệm tương tục, trọn hết một đời, thì chắc chắn mười người tu, mười người vãng sinh, trăm người tu, trăm người vãng sinh. Vì sao? Vì không có tạp duyên nào khác nên đắc được chánh niệm, vì tương ưng với bổn nguyện của Phật, vì không đi ngược với giáo lý, và vì tùy thuận lời dạy của Phật.

Nếu như bỏ sự chuyên tu mà tu tạp nghiệp, thì trăm người tu, chỉ có một hai người vãng sinh, ngàn người tu, chỉ có năm ba người vãng sinh. Vì sao? Vì tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm, vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật, vì đi ngược với giáo lý, vì làm trái với lời dạy của Phật, vì hệ niệm không tương tục, vì sự tưởng nghĩ đến Phật thường gián đoạn, vì sự hồi hướng không ân cần, chân thực, vì các phiền não tham, sân thường đến làm gián đoạn chánh niệm, vì không có tâm hổ thẹn sám hối, vì không tương tục nghĩ nhớ đến việc báo ơn Phật, vì sinh khởi tâm khinh mạn, tuy cũng tu tập, nhưng lại chạy theo danh lợi, vì hay phân biệt nhân ngã, không chịu thân cận những bậc đồng tu thiện tri thức, và vì thích gần gũi những tạp duyên, làm chướng ngại chánh hạnh vãng sinh của chính mình và người khác.

Gần đây, tôi nghe người tăng kẻ tục ở khắp mọi nơi, kiến giải, công hạnh không đồng, chuyên tu, tạp tu cũng khác, thế nhưng, những người chuyên tu, thì mười người vãng sinh cả mười, còn những người tạp tu, tâm ý không chuyên nhất, thì trong ngàn người tu, không có đến một người vãng sinh!

Hai hạnh hơn, kém này, như phần trên vừa nói rõ, ngưỡng mong các vị tu hạnh vãng sinh cần phải khéo léo suy ngẫm. Nếu như trong đời này, đã có thể phát nguyện vãng sinh Cực Lạc, thì trong mọi lúc, đi đứng nằm ngồi, đều nên tự khuyến tấn, ngày đêm không xao lãng, trọn suốt một đời hành trì chánh hạnh. Trong đời này, dường như phải chịu chút khổ, thế nhưng, giây phút trước vừa mệnh chung, giây phút sau ắt vãng sinh Cực Lạc, từ đó thọ mệnh vô cùng, vĩnh viễn hưởng thọ sự vui sướng, nhẫn đến khi thành Phật, không còn phải chịu sự khổ sinh tử, đây không phải là điều vui thú hay sao?”

Lời bàn: Đã đọc được đoạn văn trên, càng phải nên “xả tạp hạnh mà chuyên tu chánh hạnh”, lẽ nào bỏ chánh hạnh “trăm người tu trăm người vãng sinh”, mà tu tạp hạnh “ngàn người tu không có được một người vãng sinh” hay sao? Hành giả phải nên suy ngẫm chính chắn điều này!