SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
II. Thích tham thiền ở ngã tư đường phố
1. Phiền não là nhân duyên trợ đạo
Khi chúng ta đối diện khổ đau mà tìm cách thoát khỏi khổ đau, đương nhiên là rất tốt. Nếu như chúng ta gắng gượng chịu đựng thì không có cách gì thay đổi được tình cảnh hiện tại. Chúng ta phải dùng tâm thái mạnh mẽ để đối diện nó, không oán giận, không tuyệt vọng, cũng không phải nhẫn nhục chịu đựng.
Khi chúng ta cảm thấy có phiền não, có cực khổ là do không rõ hoàn cảnh, không hiểu nguyên nhân. Nếu như chúng ta hiểu rõ ngọn nguồn sinh khởi phiền não và khổ đau thì sẽ hiểu phiền não. Người tầm thường sẽ tự chuốc lấy cực khổ lại càng nhiều hơn. Chúng ta cũng có thể chuốc lấy điều đó.
Nhưng thông thường mọi người sống trong an lạc, phần đông không nghĩ đến để tìm kĩ nguồn gốc phiền não và khổ đau. Chỉ khi nào họ phải trải qua nỗi đau xé ruột giày vò thì mới nghĩ đến và đi tìm đáp án; hoặc là trước đây chưa gợi ra tiềm năng vốn có để mong cầu vượt qua cảnh khốn khổ. Do đó, chúng ta thường luyện tập khổ đau để tạo thành bước ngoặc đời người trong hoàn cảnh khó khăn. Đó gọi là ‘lo lắng ân cần gợi ý thánh nhân.’ Hoặc ‘văn nhân càng lâm cảnh khốn cùng bất đắc chí thì viết ra thơ văn càng hay.’ Chính là lí lẽ này.
Thời kì chiến tranh thế giới thứ hai, có cô gái người Do Thái tên là An-ni1 ở trong vùng chiếm đóng của quân Đức. Ở nhà tù, chỉ có người đặc biệt mới chịu đựng được, mới vượt qua cuộc sống giam cầm. Nhưng cô chọn quan điểm hoàn toàn không giống với người khác, là dùng tình cảm phong phú để đón nhận thân mình chịu đau khổ; chính vì thế mà hiện rõ vẻ đẹp tính người trong cực khổ. Nhật kí2 của cô được lưu truyền mãi đến đời sau, làm cảm động hàng nghìn, hàng vạn người. Quan điểm của cô, không những giúp mình được thoát khỏi cực khổ, mà còn giúp cho mọi người cùng nhau hiểu rõ vẻ đẹp sáng ngời của tính người. Đây là một ví dụ rất hay.
Ngoài ra, còn có một vị Lạt-ma, người Tây Tạng. Ngài bị giam trong ngục hơn ba mươi năm, trải qua rất nhiều cực hình. Ngài làm thế nào để chịu đựng được? Ngài nói: “Khi thấy cảnh cực hình chịu không nổi thì chỉ cần chuyển ý nghĩ.” Đây chính là cơ hội tốt ngài tu hạnh nhẫn nhục, cũng nhân cơ hội này mà chịu khổ cho chúng sinh và làm tiêu trừ nghiệp chướng đời trước của mình. Tất nhiên, ngài cũng không từ bỏ ý chí tìm cách sống. Cuối cùng, ngài vẫn không nề cực nhọc, dần dần ngài trốn được đến ở nước tây phương.
Cho nên, chúng ta hiểu được ý nghĩa khổ đau thì khổ thế nào cũng chịu đựng được. Khi chúng ta đối diện khổ đau mà tìm cách thoát khỏi khổ đau, đương nhiên là rất tốt. Nếu như chúng ta gắng gượng chịu đựng thì không có cách gì thay đổi được tình cảnh hiện tại. Chúng ta phải dùng tâm thái mạnh mẽ để đối diện nó, không oán giận, không tuyệt vọng, cũng không phải nhẫn nhục chịu đựng. Đây mới là từ trong đau khổ thật sự để mình trải nghiệm và trưởng thành.
Tuy nói phiền não là nhân duyên trợ đạo. Nhưng muốn tìm điều bất ngờ thú vị này mà chúng ta muốn ‘tự chuốc khổ’ để bản thân cảm nhận mùi vị cực khổ; như thế thì quá ngu xuẩn.
Trước khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, Ngài chưa trải qua hết nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử; nhưng Ngài thể nghiệm từ người khác. Ngài quán sát nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử, là không có người nào thoát khỏi được; nhờ vậy mà trên đường đi Ngài ngộ đạo. Vì thế, nếu chúng ta đem tâm từ bi cảm nhận thấy nỗi khổ người khác đã chịu như chính mình chịu đựng, thì cũng có khả năng trở thành nhân duyên chính mình ngộ đạo.