QUAN NIỆM TRIẾT HỌC CỦA DUY THỨC
Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG
Người dịch: THÍCH THẮNG HOAN

 

LỜI DỊCH GIẢ

 Quyển “Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức” được dịch ra từ nơi tác phẩm “DUY THỨC SỬ QUAN DỮ KỲ TRIẾT HỌC” của tác giả Pháp sư Pháp Phảng. Nội dung tác phẩm “DUY THỨC SỬ QUAN DỮ KỲ TRIẾT HỌC”  của Pháp sư Pháp Phảng sáng tác gồm có hai phần:  phần Sử Học và phần Triết Học. “Duy Thức Sử Quan” thì thuộc về phần Sử Học và “Dữ Kỳ Triết Học” thì thuộc về phần Triết Học. Tôi tách hai phần này ra thành hai quyển sách riêng biệt với hai danh xưng khác nhau. “Duy Thức Sử Quan” tôi đặt với một danh xưng là “Quan Niệm Sử Học Của Duy Thức” và “Dữ Kỳ Triết Học” với một danh xưng là “Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức”.

Quan niệm về Triết Học, Pháp sư Pháp Phảng có lối nhìn khác hơn Đại sư Thái Hư. Cũng đứng trên lập trường tông phái Duy Thức, Đại sư Thái Hư theo như trong quyển Khái Luận Về  Pháp Tướng Duy Thức Học mà tôi đã dịch ra chữ Việt từ trong Thái Hư Toàn Thư lại cho rằng các triết học đông tây cổ kim không thể so sánh với triết họcDuy Thức, không được hoàn bị toàn diện về sự cũng như về lý giống như triết học Duy Thức; ngược lại theo như trong quyển Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức, Pháp sư Pháp Phảng thì lại cố gắng bằng mọi cách đưa các triết học đông tây cổ kim lên ngang hàng với triết học Duy Thức.

Cũng nằm trong lãnh vực tông phái Duy Thức, ngài Vô Trước và ngài Thế Thân cho rằng A Lại Da Thức là bản thể của vũ trụ, là tâm địa để cho vạn pháp nương nơi đó sanh khởi, nương nơi đó để được tồn tại;  A Lại Da Thức nếu như không duyên đến và cũng không hiện hữu thì vạn pháp không thể nào sanh khởi và cũng không thể nào tồn tại. Nói cách khác vạn pháp đều nương nơi A Lại Da Thức để được sanh khởi để được tồn tại nên gọi Y Tha Khởi. Ngược lại Pháp sư Pháp Phảng có cái nhìn hơi khác một chút, theo Pháp sư tất cả sự vật trong vũ trụ đều nương nơi Sắc Pháp mới có thể sanh khởi và mới có thể tồn tại gọi là Y Tha Khởi. Quan niệm này của Pháp sư khác hơn ngài Vô Trước và ngài Thế Thân là ở chỗ Pháp sư đứng trên lập trường của Câu Xá Luận để giải thích Duy Thức Học; còn ngài Vô Trước và ngài Thế Thân lại đứng trên lập trường của Du Già Sư Địa Luận để giải thích Duy Thức Học.

“Nhị Thủ Tập Khí” trong Duy Thức Tam Thập Luận theo sự nhận thức của tôi là chỉ cho hai loại Tập Khí: Nghiệp Tập Khí và Nghiệp Tướng Tập Khí. Trong Nghiệp Tướng Tập Khí cũng có hai loại: Ngã Pháp Tập Khí và Danh Xưng Tập Khí. Trong phần nhập đề của Duy Thức Tam Thập Luận, ngài Thế Thân có đề cập đến hai loại Ngã Pháp Tập Khí và Danh Xưng Tập Khí này như “Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển”, nghĩa là do giả sử nói đến tên ngã, tên pháp nào thì các thứ tướng của ngã của pháp đó chuyển biến hiện ra. Ngược lại, Pháp sư Pháp Phảng lại cho rằng: “Nhị thủ tập khí” là chỉ cho năng thủ và sở thủ. Thật ra mặc dù có những điểm nhận thức sai biệt như đã đề cập ở trên, nhưng Pháp sư giải thích “Duy Thức Tam Thập Luận” trên lãnh vực triết học vô cùng chi li sâu sắc, minh giải cụ thể từ giáo nghĩa, lý nghĩa, hạnh nghĩa và quả nghĩa của Duy Thức một cách dung thông, phối hợp chặt chẽ cả tâm thức, tâm lý và vật lý trong mọi tác dụng hổ tương duyên sanh trong mọi phạm trù chuyển biết nhiều trạng thái liên tục xuyên xuất qua thời gian và không gian từ tướng đến tánh, minh định cụ thể bản chất chân vọng, có không, mê ngộ của vạn pháp trong mọi phạm trù duyên khởi. Có thể nói Pháp sư Pháp Phảng là một nhà nghiên cứu thông bác sâu rộng, có lối nhìn độc đáo của thời đại. Những tác phẩm của Pháp sư đáng được cho chúng ta làm tư liệu trong việc nghiên cứu tông phái Duy Thức.

Nhằm mục đích phát huy tông phái Duy Thức, tôi mạo muội xin dịch tác phẩm triết học của Pháp sư với nhan đề là “Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức” để góp phần phong phú cho nền văn hóa Phật Giáo ngày nay. Tôi dịch theo lối thoát văn chỉ lấy tư tưởng hay đẹp trong đó của tác giả để cống hiến quý đọc giả mà không lệ thuộc văn pháp của Trung Quốc. Trong nội dung quyển “Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức”, có những đoạn văn nằm trong dấu (…..) là những lời giải thích thêm của dịch giả để cho tác phẩm được rõ nghĩa hơn, mà phần chữ Hán của tác phẩm không có diễn giải. Lối văn tôi dịch mặc dù không được hay, lời lẽ không được đẻo gọt trau chuốt để cho văn chương có hoa mỹ, nhưng dù sao lối văn của tôi dịch không sai ý của tác giả và miễn làm sao đọc giả dễ tiếp nhận giá trị tư tưởng cao thâm của Pháp Tướng Duy Thức Học mà tác giả diễn đạt và trao truyền. Tôi hy vọng sau này có nhiều dịch giả nối tiếp dịch lại để bổ túc thêm cho được phong phú hơn. Tôi dịch tác phẩm này của tác giả Pháp sư Pháp Phảng nhất định có nhiều chỗ thiếu sót và sai trái xin quý đọc giả bốn phương nhận thấy chỉ bảo cho. Thành thật cảm ơn quý vị.

Cẩn bút
THÍCH THẮNG HOAN